Giấc mơ Mỹ đã dời sang Canada

Scott Gilmore

Khương An dịch

Một nữ kỵ sĩ rodeo mang quốc kỳ Canada tại lễ hội Calgary Stampede. (Ảnh: Todd Korol/Reuters)

Ngay từ lúc lập quốc, người Mỹ đã luôn hình dung quốc gia của mình là ngọn đuốc soi sáng cơ hội cho thế giới. Thomas Jefferson đã thắp ngọn đuốc đó khi ông viết trong Tuyên ngôn Độc lập rằng mọi người có quyền “sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc”. Cái khái niệm cho rằng tất cả mọi người xứng đáng có một cơ hội, và dễ có khả năng nhất tìm thấy cơ hội đó ở nước Mỹ, xưa nay có lẽ là một trong những ý tưởng hấp dẫn và mạnh mẽ nhất trong lịch sử hiện đại, dẫn đường cho hàng triệu người tới Đảo Ellis, để tìm được công ăn việc làm tốt, học hành đàng hoàng, có căn nhà với hàng rào cọc trắng và garage có hai chỗ đậu xe.

Nhưng ở những khía cạnh mà nước Mỹ từng chiếm vị trí độc tôn là xứ sở của cơ hội, nay có hàng chục nước khác đã qua mặt Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ; nổi trội trong những nước này chính là láng giềng phương bắc khiêm nhường: Canada. Nay muốn “sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc” thì ta đi đâu? Người Canada có tuổi thọ cao hơn 2,5 năm so với người Mỹ. Họ có xác suất bị bỏ tù thấp hơn 6 lần. Và Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp dân Canada là dân tộc hạnh phúc thứ 6 trên thế giới, trong khi người Mỹ tụt xa ở hạng 13.

Mọi khía cạnh của giấc mơ Mỹ hiện nay dễ dàng có ở Canada hơn. Ở Mỹ, 46 phần trăm dân số đã lấy được bằng đại học — còn ở Canada tỷ lệ là 59 phần trăm. Sau khi tốt nghiệp, dân Canada có xác suất tìm được việc cao hơn, với tỷ lệ có việc làm cao hơn 4 điểm phần trăm. Ta dễ có khả năng mua được căn nhà với hàng rào cọc trắng ở Canada hơn, với tỷ lệ sở hữu nhà cao hơn 5 phần trăm. Người Canada cũng có nhiều thời gian hơn để tận hưởng nhà của mình, vì họ làm việc ít hơn trên 80 giờ mỗi năm — và họ nghỉ phép nhiều hơn 3 ngày.

So với Canada, nước Mỹ thậm chí không còn là “xứ sở của người tự do” nữa. Chỉ số Tự do Con người của Cato Institute xếp dân Canada là dân tộc tự do thứ sáu trên thế giới, trong khi người Mỹ ì ạch ở hạng 23, sau Ba Lan. Heritage Foundation, một sáng hội có tư tưởng bảo thủ ở Washington, xếp Canada và Mỹ lần lượt hạng 7 và hạng 17 về tự do kinh tế. Còn tự do ngôn luận? Tổ chức Ký giả Không Biên giới (Reporters Without Borders) xếp Canada hạng 18 về tự do báo chí; bất chấp Tu chính án Thứ nhất được khoe khoang khá nhiều của mình, nước Mỹ chỉ xếp hạng 41.

Giấc mơ Mỹ hứa hẹn bình đẳng, một sân chơi công bằng mà trong đó tất cả mọi người có thể tự lực cánh sinh để thành đạt, nhưng ngay cả điều đó nay cũng là phẩm chất Canada hơn. “Chỉ số Gini”, một số đo mức độ bất bình đẳng kinh tế, của Canada cũng tốt hơn nhiều hơn so với chỉ số của Mỹ và đã như vậy trong 80 năm qua. Ở Canada, ta có xác suất cao gấp đôi để chuyển từ nhóm 1/5 nghèo nhất trong dân số lên nhóm giàu nhất. Tương tự, mối tương quan giữa thu nhập của cha mẹ và của con cái ở Canada chỉ bằng một nửa [so với ở Mỹ].

Tính theo gần như mọi số đo, Canada đã qua mặt Mỹ trong vai trò thành xây trên núi chiếu giãi cho thiên hạ, nơi tất cả mọi người được an toàn để đạt tới tiềm năng của mình. Và thiên hạ khắp thế giới đã bắt đầu nhận ra. Từ Mỹ, người tị nạn và người xin tị nạn hiện nay đang đào thoát sang Canada với hy vọng có được phán quyết nhập cư công bằng và một tương lai tốt đẹp hơn. Ở Mỹ Latinh, báo chí đưa tin về những di dân kinh tế đang đi lên phương bắc, dự định vượt qua biên giới Mỹ và tiếp tục đi sang Canada. Và ở hải ngoại, người học tiếng Anh ngày càng chuộng Canada hơn Mỹ.

Dù là nhờ địa lý hay lịch sử hay có thể thậm chí nhờ chính sách, chúng ta đã tới đích. Tất cả mọi ước vọng mà nước Mỹ từng có, nay chúng ta đã đạt được. Chúng ta không những đã được Giấc mơ Mỹ huyền thoại, có thể nói chúng ta còn nằm trong số những dân tộc an toàn nhất, mạnh khỏe nhất, hạnh phúc nhất từng tồn tại từ xưa tới nay.

Và chúng ta đang làm gì với vận may phi thường này? Nếu chúng ta thật trung thực với chính mình, thì quả là chưa làm được gì nhiều. Chúng ta so đo cuộc đời của chúng ta bằng những muỗng cà phê và những kỳ nghỉ mát ở vùng Caribe, một quốc gia gồm những cư dân dư cân thừa ký thuộc tầng lớp trung lưu ở ngoại ô, bực mình vì thuế carbon làm tăng giá thêm 5 xu ở tiệm cà phê Tim Hortons, hoặc vì bớt một ngày nghỉ trên bãi biển ở Jamaica. Chưa có thế hệ người Canada nào từng có nhiều hoăn và đạt được nhiều hơn chúng ta — và chưa có thế hệ nào ít tham vọng hơn. Chúng ta có đủ mọi công cụ và mọi cơ hội để làm được những điều vĩ đại, nhưng không một mục đích, không một công cuộc quốc dân, không có óc tưởng tượng và không có sự quyết tâm.

Và tâm lý tự mãn này được tiếp tay bởi giới lãnh đạo chính trị trơ trẽn của chúng ta, nín thở giả vờ “giúp tầng lớp trung lưu đang chật vật” — một khẩu hiệu ít tham vọng hơn “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nhưng cũng ngớ ngẩn và yếm thế không kém.

Tôi có hai đề nghị, hai công cuộc quốc dân mà chúng ta có thể phấn đấu đạt được. Thứ nhất, thật kinh khủng là trong khi phần lớn chúng ta hưởng thụ Giấc mơ Canada rạng rỡ, thổ dân Canada còn nhiều người sống trong những cộng đồng không có nước máy, chăm sóc y tế cơ bản, hay một chút hy vọng về một tương lai thịnh vượng. Tất nhiên, nếu chúng ta cuối cùng không còn quỵ lụy trước những thần thánh giả tạo của Hệ thống Vùng đất dành riêng cho thổ dân (reserve) và Đạo luật Người da đỏ, chúng ta có thể chấm dứt sự bất công này trong vòng một thế hệ.

Thứ hai, khi Giấc mơ Mỹ nay đã thành Giấc mơ Canada, có lẽ đã tới lúc chúng ta cũng nên đảm nhận vai trò là xứ sở của người tự do, và mở cửa của chúng ta càng rộng hơn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy Canada có thể dễ dàng nhận nhiều di dân hơn hiện nay chúng ta đang làm. Thực vậy, nếu chúng ta muốn bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi các ảnh hưởng của dân số đang lão hóa và tỷ lệ sinh sản giảm sút, chúng ta cần thu hút thêm nhiều di dân nữa.

Người ta thường nhắc rằng vào đầu thế kỷ 20, thủ tướng Canada Sir Wilfred Laurier tuyên bố, “Canada sẽ là ngôi sao mà tất cả những người yêu tiến bộ và tự do sẽ hướng tới.” Hãy làm cho câu nói đó cũng nổi tiếng và đầy ý nghĩa như câu nói này từng nổi tiếng và đầy ý nghĩa: “Hãy cho ta những đám đông quần chúng mệt nhọc, nghèo khó, hỗn loạn của ngươi, những người muốn hít thở không khí tự do.” [Câu trích trong bài thơ The New Colossus (Người khổng lồ mới) của nữ thi sĩ Mỹ Emma Lazarus (1849–1887) được khắc trên biển đồng ở bệ đá của chân tượng Nữ thần Tự do ở New York. N.D.]

Scott Gilmore nguyên là một nhà ngoại giao và là một nhà vận động thay đổi xã hội làm việc (và viết về) Mỹ, Châu Phi, và Châu Á.

Nguồn: Scott Gilmore, The American Dream has moved to Canada, Maclean’s, 28/2/2017

(Bản dịch đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 8/3/2017.)

Bản tiếng Việt © 2017 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

1 thought on “Giấc mơ Mỹ đã dời sang Canada

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *