Bác Bùi Xuân Bách, một người bạn đáng kính, có viết mấy bài trên Facebook về chuyện tuyển chọn sinh viên và trợ cấp tài chính của Harvard. Thấy có nhiều chi tiết lý thú, mình đã xin phép và được bác cho phép gộp thành một bài đăng lại ở đây để chia sẻ với mọi người. Tuy tập trung vào Harvard nhưng bài cũng có nhiều thông tin bổ ích áp dụng cho quá trình xin vào học các đại học thuộc hàng Ivy League ở Mỹ.
Tuyển sinh và trợ cấp tài chính ở Harvard
Bùi Xuân Bách
100 nhận 6
Như thường lệ, khoảng 11h trưa, ngày thứ năm cuối cùng của tháng ba hàng năm (năm nay rơi vào ngày 29), Ban tuyển sinh của Đại học Harvard (Harvard College – dưới đây sẽ viết tắt là HC) đã gửi thư cùng với email tới 2,032 học sinh (cả Mỹ và nước ngoài), báo tin họ được nhận vào học khóa 2012-2016 (thường gọi tắt là Class ’16, năm tốt nghiệp). Tất nhiên đây là tin cực vui cho các học sinh này, nhưng nhà trường vẫn còn phải chờ đợi câu trả lời đồng ý hay không. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng thường khoảng ¾ số học sinh được nhận trả lời đồng ý vào trường (du di trong khoảng 75% – 78% tùy từng năm). Đó là tỷ lệ cao nhất của các trường đại học Mỹ.
Đại học Harvard là bộ phận đào tạo bậc Cử nhân, và cùng với 11 trường cao học (đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ, và Bác sĩ Y khoa), 1 trường hàm thụ, 1 viện nghiên cứu cao cấp (Radcliffe Institute for Advanced Study), tạo thành Viện đại học Harvard (Harvard University) ngày nay.
Tính đến nay, đã có 8 Tổng thống Mỹ xuất thân từ Harvard University, kể cả hai tổng thống gần đây nhất là Bush con (Trường Quản trị Kinh doanh) và Obama (Trường Luật), 75 người được giải Nobel là cựu sinh viên hoặc giáo sư của trường. Đây cũng là trường Mẹ (alma mater) của 62 tỷ phú hiện thời, có thể kể đến Bill Gates, và Mark Zuckerberg. Tính đến tháng 9-2011, tiền quyên góp của trường (endowments – quà tặng của nhiều thế hệ học sinh cũ, phụ huynh và bạn bè) đã lên tới 32 tỷ đô la, giàu nhất trong các trường Đại học trên thế giới. Hệ thống thư viện của trường, với hơn 16 triệu cuốn sách, bao gồm cả những sách cổ và sách hiếm, cũng là hệ thống thư viện đại học lớn nhất thế giới.
Đại học Harvard từ khi thành lập (năm 1636) chỉ nhận nam sinh. Đến năm 1879, những nhà hảo tâm và những người đấu tranh cho nữ quyền mở ra Đại học Radcliffe (Radcliffe College, sẽ viết tắt RC) để thu nhận nữ sinh và thuê chính các giáo sư của Harvard giảng dạy. RC nằm gần trường Harvard, chỉ cách một vườn hoa. Các giáo sư buổi sáng dạy bên HC, buổi chiều dạy cho RC. Đây là trường đứng đầu trong bảy trường uy tín, dành riêng cho nữ sinh, tại vùng Đông Bắc Hoa kỳ, thường được gọi chung với biệt hiệu “Bảy chị em” (Seven Sisters), trong đó có cả Wellesley College (thành lập 1870), trường Mẹ của bà Tống Mỹ Linh (vợ Tưởng Giới Thạch) và bà Hillary Clinton. Từ 1943 học sinh Harvard và Radcliffe mới bắt đầu học chung lớp và từ năm 1977 việc tuyển sinh nữ cũng giao cho Harvard làm luôn. Tuy vậy, tất cả nữ sinh vẫn thuộc về và do RC quản lý. Học sinh nữ, khi tốt nghiệp, nhận bằng có chữ ký của cả hai Chủ tịch hai trường. Có sinh viên nam phản đối, cho rằng như vậy không bình đẳng. Trường lại phải họp và ra quyết định, nếu nam sinh nào muốn có chữ ký của Hiệu trưởng RC thì đóng thêm $3. Chuyện thế là yên, nhưng đòi cho được thế thôi, chứ cuối cùng cũng chả có nam sinh nào đòi hỏi chữ ký của Hiệu trưởng trường nữ cả. Thực tế này kéo dài cho đến khi khóa ’99 tốt nghiệp, sau đó RC không còn nữa và chuyển thành Viện nghiên cứu cao cấp, chuyên tài trợ cho những công trình nghiên cứu khoa học của các học giả được Viện chọn lựa.
Quay lại với việc tuyển sinh năm nay. Họ nhận 2.032 học sinh cho HC nhưng tổng số đơn là bao nhiêu? Là 34,302 đơn. Vậy là chỉ có 5,9% số đơn được chấp thuận, tức là 100 đơn mới lấy có 6 người, và bạn có thời hạn một tháng, cho tới ngày mồng 1 tháng 5 để chấp nhận hay từ chối. Con số 5,9% này là con số thấp nhất của các trường Đại học Mỹ. Bây giờ ta thử nhìn cả bức tranh chung:
Mỗi năm nước Mỹ có 3,3 triệu học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học (số liệu 2010), từ khoảng 4.000 trường công và tư trong cả nước. Con số 34.302 đơn đã nộp (tuy có gồm cả một số đơn từ ngoại quốc) chỉ chiếm hơn 1% tổng số học sinh tốt nghiệp, và tất nhiên, nếu học không thật giỏi thì tốn tiền nộp đơn làm gì. Trong số này có 3.800 thủ khoa các trường trung học (xếp hạng theo cả khối 12, chứ không xếp hạng theo lớp). Ngoài số thủ khoa còn có những “hàng khủng” khác: 14.000 em đạt điểm 700 trở lên về môn thi tốt nghiệp Anh văn (critical reading test) mà điểm tối đa là 800; 17.000 đạt điểm 700 trở lên về Toán; 15.000 đạt 700 trở lên về môn Luận (SAT writing test). Cho nên, nếu chỉ lấy thủ khoa hoặc theo điểm thi thì con số người đạt đã vượt xa số lượng có thể nhận. Do đó, học giỏi và thật giỏi thì cũng chỉ mới là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ.
2. Quy trình xét chọn
Học sinh Mỹ, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, không phải thi đại học, mà chỉ nộp đơn vào những trường mình chọn. Thường thì gửi khoảng năm trường, cá biệt có em gửi tới 15 trường, lọt sàng xuống nia mà, vả lại sẽ có nhiều lựa chọn hơn sau khi được nhận. Hồ sơ nói chung gồm có đơn xin học (thường là có mẫu in sẵn, hoặc lấy từ website của trường xuống); kết quả thi tốt nghiệp (điểm thi SAT, được gửi thẳng từ trung tâm chấm thi ở New Jersey về trường, không qua học sinh); bản sao Học bạ (từ lớp 9 đến lớp 12); hai giấy giới thiệu của thầy cô hoặc người lớn không cùng một gia đình nhưng biết rõ bạn (chẳng hạn bạn bè của bố mẹ, người cùng làm…); hai bài luận ngắn (essay), dài độ một trang đánh máy, đề tài tự chọn (cũng có trường ra đề riêng); và lệ phí (tùy trường, trong khoảng $50 đến $100). Riêng Harvard, và một số trường uy tín khác trong nhóm Ivy League (như Princeton, Yale, Stanford…) yêu cầu phải có thêm hai điểm thi SAT 2, nghĩa là điểm thi hai bộ môn khác ngoài Anh văn và Toán đã thi trong SAT 1. Các trường loại trung bình trở xuống không có yêu cầu này. Hai bộ môn này cũng tùy bạn chọn, môn nào học khá thì thi. Chẳng hạn tôi chọn Hóa và Pháp văn, bạn chọn Sử và Lý, cũng được cả.
Mỗi hồ sơ sẽ được hai người đọc riêng rẽ, mỗi người khoảng nửa tiếng, ghi nhận xét, sau đó đến khi họp chung cả Ban, từng người sẽ báo cáo về từng hồ sơ đã đọc, những điểm mạnh yếu, nhận xét và đề nghị gì. Nên biết rằng nhận hay không là phải cả Ban quyết định. Bạn có thể nhẩm tính, cần bao nhiêu người và cần bao nhiêu thời gian để đọc hết 34.302 hồ sơ này. Tuy vậy, đây cũng mới chỉ là giai đoạn một, sơ thẩm. Trong giai đoạn này, vì điểm thi, điểm học bạ, giấy giới thiệu, nói chung đều tốt sàn sàn như nhau, cái quyết định hơn kém chính là hai bài luận. Theo lời kể của một em sinh viên đã từng giúp việc cho Ban tuyển sinh, thì hai bài luận chiếm 25% quyết định nhận hay không, còn lại 75% tùy thuộc vào buổi phỏng vấn (interview).
Phần đông các trường ĐH Mỹ xét nhận sinh viên chỉ trên hồ sơ, nhưng với Harvard và một số trường nổi tiếng khác còn có thêm khâu phỏng vấn. Sở dĩ có khâu này bởi số cung gấp nhiều lần số cầu, nên cần có phương thức chọn lọc cẩn thận và chính xác hơn. Dù anh ở đâu, tiểu bang nào, hay thậm chí ở nước ngoài, trường sẽ bố trí người ở ngay tại chỗ hoặc gần nơi bạn cư trú để phỏng vấn. Mỗi mùa tuyển sinh, trường có 15.000 cộng tác viên (là những cựu học sinh của trường, đang làm việc rải rác trên toàn thế giới) sẽ tham gia và giúp Ban tuyển sinh trong khâu này. Họ sẽ được hướng dẫn cách thức phỏng vấn, một vài gợi ý, một số câu hỏi, sau đó bản ghi nhận xét, đánh giá sẽ gửi về trường. Một trong những nhận xét trường cần biết, là cô cậu học sinh ấy có giống (/gần giống) với anh (người phỏng vấn) không, có thể làm bạn với anh không, nói chung, có thể “đồng hội đồng thuyền” với anh không. Điều quan trọng để qua được cái cầu này là, bạn phải thể hiện được mình là người có cao vọng (ambitions), có năng lực lãnh đạo, có tư duy độc lập, độc đáo, còn những chuyện khác như chịu khó học, làm việc cần cù chăm chỉ v.v… là chuyện đương nhiên rồi.
Xin chia sẻ thêm một vài kinh nghiệm của các tiểu và sãi trong chùa. Cuộc phỏng vấn cũng không có gì căng thẳng lắm đâu, đừng sợ sệt, cứ coi như một buổi đi uống cà phê, nói chuyện tay đôi. Người ta hỏi gì nói nấy, trả lời vào trọng tâm, đừng nói linh tinh ra ngoài, hết sức tránh cái bệnh huyên thuyên. Ngược lại, bạn cũng có thể hỏi, nên chuẩn bị một, hai câu hỏi thông minh, về trường, hay về chính người phỏng vấn bạn hoặc một điều gì quan trọng mình chưa hiểu rõ. Những gì đã có trên sách báo hoặc website của trường rồi thì đừng dại mà hỏi. Họ sẵn sàng trả lời, giảng giải cho bạn. Đôi khi, biết đâu đấy, nó lại chính là quả cứu nguy cho một bàn thua trông thấy. Cẩn thận nữa thì có thể thao dượt trước cùng bố mẹ, anh chị hoặc bạn bè; cứ tự biên tự diễn thôi, nhưng cũng giúp được ta thêm bình tĩnh, có được tự tin khi lâm trận. Nói chung, nếu bạn khiến cho người phỏng vấn có ấn tượng mạnh về bạn, là ăn tiền, nhưng việc này cũng chả dễ, vì họ trên cơ ta nhiều quá.
Giờ ta sang chuyện tiền. Bên ta thường thì việc đầu tiên là tiền đâu, nhưng với Harvard thì việc đầu tiên là bạn đủ tiêu chuẩn và qua được khâu phỏng vấn, được trường nhận, sau đó trường sẽ lo việc trợ cấp tài chính (financial aid) cho bạn. Hạn cuối cùng nhận đơn cho năm học sắp tới là mồng 1 tháng Giêng, nhưng hạn chót cho việc nộp đơn xin trợ cấp là 15 tháng hai. Thực ra, tuy cuối tháng ba họ mới gửi thông báo đi (tới tất cả những người nộp đơn, được nhận hoặc bị từ chối), nhưng danh sách đã có từ khuya rồi và bộ phận xét trợ cấp cũng đã khởi động từ lâu. Những người được nhận vào học sẽ có một gói bưu phẩm khá dày, gửi tới tay bạn (người bị từ chối thì chỉ nhận được một bưu thiếp cám ơn và báo tin buồn thôi). Ngoài thông báo chấp nhận, còn cả hồ sơ trợ cấp tỉ mỉ, cùng những hướng dẫn khác khi tựu trường vào tháng 9.
Ta hãy xem chi phí cho một năm học hết bao nhiêu (mỗi năm con số thay đổi, có tăng lên ít nhiều), và dưới đây là chi phí cho năm học 2012-2013 (theo thông báo trên website của trường):
Học phí |
$37.576 |
Lệ phí phục vụ sinh viên (như sân bãi thể thao, bể bơi, thư viện…) |
$2.360 |
Lệ phí y tế (khám, chữa bệnh ngay trong bệnh viện riêng của trường) |
$930 |
Ký túc xá |
$8.366 |
Tiền ăn |
$5.264 |
Tiều tiêu cá nhân (sách vở giấy bút, tiêu vặt…) |
$3.454 |
Tiền đi lại (hai kỳ nghỉ: Nô-en đến mồng 10 tháng Giêng và nghỉ Hè, tùy nhà bạn ở xa hay gần, ngay trong tiểu bang hay ở nước ngoài) |
từ $0 đến $5.000 |
Tổng cộng |
từ $57.950 đến $62.950. |
Ngoài ra còn phải tính đến bảo hiểm y tế (bắt buộc) là $2.168, nếu bạn không có bảo hiểm y tế của gia đình. Đây là bảo hiểm cho trường hợp bạn phải đi cấp cứu hoặc điều trị dài hạn tại bệnh viện ngoài. Nếu bạn mang xe theo thì còn phải đóng tiền chỗ đậu trong garage của trường. Tùy bãi đậu nào, xa hay gần, có mái che hay không, giá cả thay đổi từ $1.000 đến $2.000 một năm.
Như vậy thì số tiền chi phí ít nhất cho một năm dao động từ 58 nghìn tới 63 nghìn. Nếu phụ huynh nào có tiền thì có thể đóng trước cả bốn năm với giá của năm nay, và cũng có một số người đóng ngay như vậy. Với chi phí cao như thế, hẳn nhiều bạn sẽ nghĩ rằng, chỉ có con của đại gia mới theo học nổi, dù bạn cũng tin rằng “đắt xắt ra miếng”.
Sai!!! Sai nặng!
3. Tiền học ai đóng?
Trước hết ta thử tìm hiểu sơ qua về “gói tài trợ” (financial aid package) này của trường. Tất nhiên chỉ liên quan đến những người nộp đơn xin học bổng, còn con cái đại gia, tiền vứt ra một cục thì chả phải bàn. Bắt đầu bằng việc mỗi sinh viên có thể đóng góp được $2.000 từ việc đi làm vào mùa hè hoặc vừa học vừa làm, trong hay ngoài trường (phần lớn do trường giới thiệu hoặc sắp xếp công việc cho). Tiếp theo là phần đóng góp của bố mẹ tùy theo thu nhập gia đình, trước đây thường là khoảng 10% đổ lại. Nhà nước Mỹ cấp học bổng cho học sinh nghèo, cũng độ khoảng $2.000 và cho vay với lãi suất thấp, $3.500 cho mỗi năm thứ nhất và thứ hai, $5.000 cho năm thứ ba và thứ tư (số tiền này chỉ đủ cho anh theo học tại trường công). Sinh viên nước ngoài không được hưởng trợ cấp này. Gia đình nào có hai con đang học đại học thì phần đóng góp sẽ giảm đi. Sau những khoản đó, toàn bộ số tiền còn thiếu trường sẽ cho.
Khoảng bảy năm trước, HC là trường đầu tiên trên nước Mỹ tuyên bố, nếu tổng thu nhập của gia đình từ $60 nghìn/1 năm trở xuống thì học sinh không phải đóng xu nào, tóm lại là học chùa. Hiện nay, cái sàn đó đã được nâng lên thành $65 nghìn. Với mức thu nhập từ 65 nghìn đô la đến 150 nghìn đô la /1 năm thì nói chung, mức đóng góp là khoảng 10% số thặng dư trên 65 nghìn.
Năm nay, hơn 60% số sinh viên được nhận vào khóa ’16 sẽ được trợ giúp về mặt tài chính (như vậy là có gần 40% số sinh viên đóng toàn bộ chi phí). Tổng số tiền trợ cấp đã gia tăng, lên đến 172 triệu đô la cho toàn bộ số sinh viên bốn năm (khoảng 6.600 sinh viên). Từ cái giá chi phí lên tới 58 nghìn-63 nghìn một năm, giờ nếu chia đều, mỗi người chỉ còn phải đóng trung bình 12 nghìn đô la một năm cho toàn bộ học phí, lệ phí và ăn ở.
Không như các trường khác, có học bổng cho học sinh giỏi hay có tài năng về thể thao hoặc âm nhạc, Harvard không có loại học bổng này. Có phụ huynh đã thắc mắc và nhận được câu trả lời: “Nếu chúng tôi đặt ra học bổng cho học sinh giỏi thì sẽ không biết tặng cho ai. Do đó chúng tôi chỉ có học bổng để trợ giúp những học sinh gặp khó khăn về tài chính mà thôi.”
Học sinh nước ngoài thường chiếm tỉ lệ 10% số được nhận, nhưng trên thực tế thì mỗi khóa chỉ có khoảng 100 em là học sinh quốc tế. Theo dõi từ 1995 đến 2000, tôi thấy cả Trung Hoa đại lục chỉ có một em được nhận, luôn là từ lớp chuyên Anh của các trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Bắc Kinh hoặc Thượng Hải (cũng nên biết rằng có những tiểu bang của Hoa Kỳ, như North Dakota cũng chỉ có một học sinh được nhận). Có lẽ, một phần cũng vì trường sẽ phải cho học bổng toàn bộ trong 4 năm. Trong khi đó, từ Hongkong, Đài Loan hoặc Singapore có tới bốn, năm em được nhận. Số học sinh Mỹ gốc Việt cũng thay đổi, khóa 1999 có 13 em được nhận, mà khóa 2000 chỉ có 1 em.
Năm 2010, chúng ta có hai em học sinh Việt Nam, quê ở Hà Nội được nhận vào Harvard College (Gặp hai 9x Hà Nội giành học bổng “hoành tráng” của ĐH Harvard). Đây là niềm tự hào và cũng là niềm vui chung, nhưng thực sự thì một em học trung học ở Singapore và em kia học bên Mỹ, chứ không phải từ một trường trung học phổ thông ở Hà Nội. Họ sẽ tính vào số học sinh Singapore và học sinh Mỹ. Việc này cũng tương tự như năm 1980, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất công-cua Chopin, nhưng màu cờ sắc áo thì lại là đi thi trong danh sách Đội tuyển Liên Xô, chứ Việt Nam chưa có thí sinh hoặc Đoàn tham gia. Nếu có được cử quốc ca, như ở Thế vận hội Olympic, thì chắc chắn không phải quốc ca Việt nam đâu. Thôi thì mèo trắng mèo đen đều tốt, miễn là bắt được chuột, mà lại chuột cống to đùng kia chứ.
Vậy thì cứ lo sao cho được nhận, còn tiền thì không phải lo. Không phải trường nào cũng vậy đâu bạn nhé. Họ có tiền để cho nên họ mới làm vậy được. Tôi còn được biết có rất nhiều trường, thường thường bậc trung thôi, họ dẫn dụ cho anh xin học, hứa hẹn sẽ cho này nọ, nhưng họ cho chút ít năm thứ nhất, ba năm cuối thì không cho một xu, phải è cổ đi vay ngân hàng ngoài để học cho xong, điêu đứng đấy. Nhìn chung hiện nay, học xong bốn năm ở HC, khi ra trường bạn có số nợ khoảng $10,000. Nghe thì to nhưng bạn được trả dần trong vòng mười năm, khi đã có việc.
Sơ qua vài nét về việc nhận và trợ cấp tài chính của trường như vậy, mong rằng vị phụ huynh nào có quan tâm cũng sẽ rút ra từ đây được vài điều bổ ích.
Viết từ Boston, Massachusetts, đầu tháng 6 năm 2012.
Tham khảo thêm bản tin tiếng Anh của trường: 2,032 admitted to Class of ’16 – Harvard College offers record financial aid
Cảm ơn tác giả vì bài viết rất bổ ích.
Tác giả cho em hỏi một câu là giả sử em chỉ có SAT tầm 2,300 + 4 năm kinh nghiệm làm việc cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam (trên thực tế em đã bỏ học ĐH ở Việt Nam để tìm hướng mở mới tại các trường ĐH ở nước ngoài, em sinh năm 1990 và tốt nghiệp cấp 3 vào năm 2008), thì có khả năng được nhận hay không? Khả năng ở đây là việc được xem xét và nhận vào trường chứ không thông qua một quy chuẩn nào (ví dụ cần bằng tốt nghiệp cấp 3, cần trên x điểm, cần ….).
Một lần nữa em xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ bài viết rất bổ ích.
Thuan.
Đây là bài viết của một bác bạn mình. Thuận nên đọc kỹ các bước trong quy trình, cũng như tham khảo cụ thể tại website của trường (phần về admission). Còn có khả năng được nhậnn hay không thì không ai nói trước được cả.
Kinh nghiệm làm việc chỉ hữu ích nếu xin vào cao học (ví dụ MBA), nhưng phải có cử nhân trước đã.