Hồ sơ Panama và ảnh hưởng đối với Canada

Hôm Chủ nhật 3-4, thế giới rúng động với vụ tiết lộ thông tin về hãng luật chuyên giúp giới giàu có và quyền thế chuyển tài sản ra hải ngoại để giấu và tránh hoặc trốn thuế. Tài liệu được báo Đức Süddeutsche Zeitung thu thập từ một nguồn nặc danh và được Liên hiệp Ký giả Điều tra Quốc tế (ICIJ) chia sẻ với nhiều tổ chức báo chí ở nhiều nước. Vụ này được gọi là Hồ sơ Panama (The Panama Papers) vì các tài liệu bị rò rỉ là hồ sơ nội bộ bí mật của Mossack Fonseca, một hãng luật Panama nổi tiếng thế giới về thành lập các công ty trá hình và cất giấu tài sản ở những nơi ưu đãi thuế (tax haven) như Costa Rica, British Virgin Islands và Seychelles.

Vụ tiết lộ thông tin lớn nhất trong lịch sử

Với 2,6 TB dữ liệu và 11,5 triệu hồ sơ liên quan tới hàng trăm ngàn công ty trá hình, đây là đợt rò rỉ thông tin lớn hơn cả vụ WikiLeaks năm 2010, và vụ Edward Snowden tiết lộ hồ sơ tình báo mật cho một số nhà báo. Hơn 370 nhà báo của 100 tổ chức báo chí ở 25 nước đã dành 1 năm phân tích và xác minh các tài liệu này. Họ đã chia sẻ thông tin và tìm hiểu các đầu mối từ những hồ sơ bị rò rỉ, bằng cách đối chiếu với thông tin chính thức như hồ sơ doanh nghiệp, giấy tờ đăng bạ bất động sản, thông tin cáo bạch tài chính, hồ sơ tòa án và những cuộc phỏng vấn các chuyên gia về rửa tiền và giới chức thực thi pháp luật.

Nhật báo Toronto Star và Đài CBC/Radio Canada là hai tổ chức báo chí Canada duy nhất có quyền truy cập những hồ sơ mật bị rò rỉ, bao gồm thông tin chi tiết về thân chủ, chẳng hạn như email, thư pháp lý, thư từ liên lạc, hồ sơ tài chính, hồ sơ công ty và ảnh hộ chiếu của thân chủ.

Có nhiều phát hiện đáng chú ý, ví dụ như:

  • Khoảng 2 tỷ đô ở hải ngoại có dấu vết liên quan tới các cộng sự và bạn hữu của tổng thống Nga Vladimir Putin.
  • Liên quan tới 12 lãnh đạo các nước, trong đó có người cha quá cố của thủ tướng Anh David Cameron; Nawaz Sharif, thủ tướng Pakistan; Ayad Allawi, cựu quyền thủ tướng và cựu phó tổng thống Iraq; Petro Poroshenko, tổng thống Ukraine; Alaa Mubarak, con trai của cựu tổng thống Ai Cập; và Sigmundur David Gunnlaugsson, thủ tướng Iceland (ông này có nguy cơ mất chức vì nước này có thể tổ chức bầu cử khẩn cấp do những tiết lộ này, và nên nhớ Iceland là đảo quốc đã kiệt quệ kinh tế do các ngân hàng lụn bại trong năm 2008).
  • Dính líu còn có tám ủy viên và cựu ủy viên BCT Trung Quốc, sáu thượng nghị sĩ và ba cựu hạ nghị sĩ Đảng Bảo thủ và hàng chục nhà tài trợ cho các đảng ở Vương quốc Liên hiệp Anh, một ủy viên ủy ban đạo đức của FIFA, các danh thủ nổi tiếng như Messi và Platini …
HeleneMathieu
Luật sư Helene Mathieu người Montreal, 46 tuổi, và nhân viên của bà ở văn phòng Dubai. Hãng luật của bà, có tên trong Hồ sơ Panama, cung cấp dịch vụ pháp lý cho gần 900 công ty đặt ở những nơi ưu đãi thuế. (Ảnh: Toronto Star)

Nhật báo Toronto Star cho biết trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục cung cấp chi tiết về mạng lưới công ty bí ẩn đằng sau một người Canada sành nghệ thuật từng nổi tiếng trong xã hội thượng lưu London; một hãng luật ở Toronto đấu tranh đòi vén bức màn công ty bí mật che giấu chủ nhân của một danh tác của Modigliani được cho là đã bị Đức Quốc xã cướp bóc; một luật sư người Canada hành nghề ở Dubai cung cấp dịch vụ pháp lý cho gần 900 công ty đặt ở những nơi ưu đãi thuế, trong đó có 3 công ty có liên quan tới bạo lực ở Syria.

Ngân sách Canada thất thu hàng tỷ đô mỗi năm

Qua phân tích kho dữ liệu này, nhật báo Toronto Star phát hiện danh tánh bí mật của 350 người Canada có các khoản đầu tư hải ngoại tại những nước ưu đãi thuế đã bị tiết lộ trong một cơ sở dữ liệu mật của một trong những hãng luật lớn nhất thế giới chuyên về đăng ký công ty trá hình.

Eric Van Nguyen (Ảnh: Toronto Star)
Eric Van Nguyen (Ảnh: Toronto Star)

Trong số những người Canada có tên trong Hồ sơ Panama có một thanh niên gốc Việt tên Eric Van Nguyen. Cư dân Montreal 32 tuổi này đăng ký một công ty ở Samoa và một hãng nặc danh ở British Virgin Islands. Thanh niên này cũng đang bị cáo buộc các tội hình sự lừa đảo và ăn cắp với giá trị lớn tại tiểu bang New York do có liên quan tới một âm mưu bị cho là bơm giá rồi bán tháo (pump and dump) cổ phiếu mệnh giá nhỏ (penny stock) có tổng giá trị 290 triệu đô Mỹ.

Được che đậy bằng những ủy viên quản trị bù nhìn, các khoản chuyển ngân không thể truy dấu vết và các mức sở hữu công ty nặc danh, những người Canada này trả tiền để được cung cấp dịch vụ bảo đảm bí mật của hãng luật Mossack Fonseca.

Phần lớn những hoạt động này là hoàn toàn hợp pháp. đối với một số giao dịch kinh doanh quốc tế, đăng ký công ty ở hải ngoại là một lựa chọn hợp lý. Có những luật lệ và hiệp định quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền hợp pháp chảy tới những nơi ưu đãi thuế.

Nhưng điều này gây tổn thất lớn cho lợi ích quốc dân.

Hiện nay, người Canada đã khai có 199 tỷ đô trong các khoản đầu tư hải ngoại những nơi ưu đãi thuế trên khắp thế giới, theo Thống kê Canada. Nhưng giới chuyên gia cho rằng con số này chỉ là một phần rất nhỏ so với lượng tài sản của người Canada ở hải ngoại không được khai báo.

Không thể biết chính xác tổn thất hàng năm đối với ngân khố Canada. Nhưng theo các ước tính đáng tin cậy, tài sản ở hải ngoại khiến Canada thất thu từ 6 tỷ tới 7,8 tỷ đô tiền thuế mỗi năm.

Tránh thuế (việc chuyển hợp pháp tài sản ra các tài khoản ngân hàng hải ngoại để giảm thuế) là một lĩnh vực mập mờ. Nhưng có một yếu tố mờ ám hơn nhiều.

Tài trợ khủng bố, rửa tiền và tham nhũng nằm trong số các sản phẩm phụ của loại hình dịch vụ bảo mật hải ngoại. Các hồ sơ bị rò rỉ cho thấy các kiểu thủ đoạn bí mật của các ngân hàng, luật sư và công ty che giấu những giao dịch khả nghi hoặc thao túng hồ sơ theo những cách hỗ trợ cho hoạt động phi pháp.

Các hồ sơ bị rò rỉ cũng cho thấy hãng luật Mossack Fonseca xem Canada cũng có thể là một nơi ưu đãi thuế, nên đã tiếp thị Canada là nơi thành lập các công ty nặc danh.

Tuy tính bảo mật tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tội ác, phần lớn những người có tên trong cơ sở dữ liệu này chỉ đơn giản là lợi dụng hệ thống thuế dễ dãi khuyến khích những người Canada giàu có giữ tài sản của họ những nơi ưu đãi thuế vì họ có thể được miễn thuế.

Martin Kenney, một luật sư Canada chuyên theo dõi tiền dơ bẩn thông qua các mạng lưới công ty ở hải ngoại và là em trai của Jason Kenney, một cựu bộ trưởng trong chính phủ Stephen Harper, nói: “Đừng nhầm lẫn việc rửa tiền và tham nhũng với việc hoạch định thuế. Một doanh nhân có thể tiếp tục đầu tư và tái đầu tư lợi nhuận ở nhiều nơi trên thế giới và giữ lợi nhuận trong một tài khoản đầu tư ở British Virgin Islands. Điều đó có lợi về thuế, không phi pháp. Đó không phải là trốn thuế, mà là tránh thuế hợp pháp.”

Ngân hàng Royal Bank of Canada (RBC) và các chi nhánh có liên quan tới 378 công ty trá hình được đăng ký trong giữ liệu của hãng Mossack Fonseca. Một phát ngôn viên của RBC nói rằng ngân hàng có quy trình thẩm định kỹ lưỡng để hiểu rõ khách hàng và các quy định của họ, và cho biết thêm rằng nếu ngân hàng có lý do tin rằng một khách hàng đang tìm cách phạm tội hình sự bằng cách trốn thuế thì sẽ trình báo tội đó và không giao dịch với khách hàng đó.

Việc chuyển của cải tài sản từ ngân khố chính phủ ở các nước như Canada, Anh và Mỹ sang các tài khoản ngân hàng bí mật ở những nơi ưu đãi thuế được luật pháp cho phép và thậm chí khuyến khích.

Nhưng James Henry, nguyên là nhà kinh tế trưởng ở hãng tư vấn McKinsey và nay là học giả tại Đại học Columbia và Đại học Yale, cho rằng đó không phải là thước đo tốt nhất về tính chính danh. “Chỉ vì chuyện đó hợp pháp không có nghĩa là nó đúng đắn. Nạn nô lệ tuần là hợp pháp. Lao động trẻ em từng là hợp pháp. Hoàn toàn không có một mục đích xã hội nào cả. Đó chỉ là trò lừa đảo kinh khủng nhất đối với ngân khố quốc gia. Tôi chẳng hiểu tại sao những người có liên quan tới chuyện này nghĩ rằng điều đó không sai trái.”

Hệ thống tài chính hải ngoại dựa vào một ngành dịch vụ toàn cầu ngày càng mở rộng gồm các chuyên viên ngân hàng, luật sư, kế toán viên và những người trung gian khác làm việc với nhau để bảo vệ bí mật của thân chủ. Giới chuyên gia cho rằng ngành tài chính chi hàng triệu đô để vận động hành lang về các luật lệ thuế có lợi cho họ.

Murray Rankin, cựu phản biện viên về tài chính của Đảng Tân Dân chủ (NDP), nói rằng điều đó khiến Canada mất hàng tỷ đô mỗi năm về tay những nơi ưu đãi thuế. “Đó là số tiền chúng ta có thể dùng để hỗ trợ hệ thống y tế yếu kém của chúng ta hoặc cung cấp dịch vụ cho cựu chiến binh hay người cao niên ở Canada. Mỗi xu thuế thất thu từ những người đưa tài sản ra hải ngoại là số tiền thuế mà chúng ta phải đóng bằng thuế suất cao hơn để giữ cho trường học và bệnh viện tiếp tục hoạt động.”

Chính phủ hứa tăng cường truy lùng tài sản hải ngoại

Tân Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau đã cam kết giành thêm nhiều nguồn lực để truy lùng những người đưa tài sản ra hải ngoại để trốn thuế. Trong một thông báo bằng email, Annie Donolo, phát ngôn viên của bộ trưởng Morneau, viết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu có được một hệ thống thuế tạo niềm tin cho các gia đình Canada, và bảo vệ nguồn thu thuế.”

Trong ngân sách liên bang công bố hồi tháng 3, chính phủ đã phân bổ 444 triệu đô trong 5 năm tới (88,8 triệu đô mỗi năm) để truy lùng những người trốn thuế và tránh thuế, và dự kiến mỗi năm sẽ truy thu được 520 triệu đô tiền thuế.

Thượng nghị sĩ Percy Downe, người lâu nay đã kêu gọi chống trốn thuế, nhân dịp này đã công bố các thư từ gần đây của bộ trưởng thuế vụ liên bang cho biết chính phủ dự định xác định mức thất thu thuế của Canada cho những người trốn và tránh thuế.

Trong một bức thư ngày 20-1 gởi cho thượng nghị sĩ Percy Downe, Bộ trưởng Thuế vụ Diane Lebouthillier nói rằng Thuế vụ Canada (CRA) sẽ cố gắng ước tính giá trị của cái gọi là “khoảng trống thuế” của Canada, tức là mức chênh lệch giữa số thuế nợ nhà nước và số thuế thực sự thu được.

Thư của bộ trưởng Lebouthillier nói rằng Canada sẽ phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); tổ chức này sử dụng số đo khoảng trống thuế để giúp hoạch định các chính sách nhắm vào người trốn thuế.

Thượng nghị sĩ Percy Downe cho biết CRA đã chống lại các nỗ lực của ông về việc tính toán khoảng trống thuế từ năm 2012. Nhưng ông nói chính phủ cần thông tin này để có thể đánh giá mức độ trốn thuế bằng cách đưa tài sản ra hải ngoại, và giải quyết vấn nạn này. “Đã đến lúc CRA và Canada noi gương các nước như Mỹ, Vương quốc Anh, Đan Mạch và Mexico về việc đo lường khoảng trống thuế.”

Thư của bộ trưởng Lebouthillier nói rằng điều đó sắp thay đổi. Thượng nghị sĩ Downe nói ông sẽ đệ trình một dự luật tại Thượng viện vào tuần tới yêu cầu chính phủ phải đo lường khoảng trống thuế.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, phát ngôn viên Luciani-Girouard của bộ trưởng Lebouthillier cho biết CRA đã có phần lớn các thông tin liên quan tới người Canada có trong Hồ sơ Panama. Bà nói rằng kể từ năm 2015, CRA đã theo dõi tất cả các khoản chuyển ngân trên 10.000 đô, trong đó có từ Panama. CRA hiện đang đánh giá những người đóng thuế có nguy cơ cao và thực hiện kiểm toán ngẫu nhiên đối với họ.

Bà Luciani-Girouard nói rằng nếu phát hiện bất cứ bằng chứng nào về những khoản chuyển ngân phi pháp, CRA sẽ chuyển hồ sơ sang cho cơ quan công tố xử lý.

(Bài tổng hợp, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 6/4/2016)

Cập nhật tin ngày 11 & 12-4-2016:

CRA hy vọng truy thu 2,6 tỷ đô tiền thuế từ tài sản cất giấu ở hải ngoại

Thuế vụ Canada (CRA) hứa sẽ truy thu được 2,6 tỷ đô tiền thuế trong 5 năm bằng cách nhắm vào những nơi ưu đãi thuế ở hải ngoại, tăng cường kiểm toán các khoản chuyển ngân lớn ra nước ngoài và điều tra những chuyên gia tư vấn bán các công cụ đầu tư giúp tránh thuế.

Những mục tiêu đầu tiên của đợt truy lùng thuế này là những người Canada giàu có lâu nay đã cất giấu tiền của ở đảo quốc Isle of Man, một xứ tự trị thuộc Anh không có thuế doanh nghiệp.

Hôm thứ Hai 11-4, Bộ trưởng Thuế vụ liên bang Diane Lebouthillier thông báo chính phủ sẽ tăng ngân sách và số kiểm toán viên cho hoạt động truy lùng tài sản hải ngoại nằm ở những nơi ưu đãi thuế. Bà cho biết Bộ sẽ chi tiêu gần 90 triệu đô mỗi năm trong ngân quỹ mới được ngân sách liên bang hồi tháng 3 phân bổ cho hoạt động này.

Thông báo này được đưa ra giữa lúc dư luận xôn xao về Hồ sơ Panama Papers – kho dữ liệu gồm hàng triệu văn bản, tài liệu mật của Mossack Fonseca, một hãng luật ở Panama chuyên về thành lập các công ty bình phong ở những nơi ưu đãi thuế trên khắp thế giới cho những người giàu có.

Hôm thứ Hai 11-4, Pháp tuyên bố sẽ vận động Châu Âu có những biện pháp trừng phạt nặng hơn đối với những nơi ưu đãi thuế không chịu hợp tác, và những người giúp trốn thuế. New Zealand ra lệnh mở một cuộc đánh giá độc lập về các luật của nước này về các quỹ tín thác ở nước ngoài. Và ở Vương quốc Liên hiệp Anh, thủ tướng David Cameron tiếp tục biện hộ cho các giao dịch tài chính của mình sau khi Hồ sơ Panama cho thấy người cha quá cố của ông có liên hệ với một quỹ đầu tư hải ngoại.

Tại Canada, CRA hiện đang kiểm toán 60 công ty và cá nhân có giao dịch ở đảo Isle of Man. Nhưng bộ trưởng Lebouthillier khẳng định là sẽ còn nhiều nữa vì CRA đang rà soát hoạt động của 350 người và 400 công ty có liên quan trong những khoản chuyển ngân điện tử có giá trị tổng cộng 860 triệu đô gởi tới đảo quốc nhỏ bé này. Bà Lebouthillier nói với báo giới: “Thòng lọng đang siết chặt.”

Cuộc điều tra Isle of Man là một phần của chiến dịch nhắm tới bốn nơi hải ngoại khác nhau mà hàng năm người Canada chuyển những khoản tiền lớn. Hiện nay các định chế tài chính buộc phải báo cáo tất cả các khoản chuyển ngân quốc tế hơn $10.000.

Giới chức CRA không nói rõ những nơi mà họ định nhắm tới, vì họ muốn khiến những người có tham gia trong các kiểu tránh thuế phải đoán. CRA nói trên thế giới có tới 80 nơi “có nguy cơ cao” có những kiểu tránh thuế đáng ngờ.

Để làm việc này, CRA sẽ tăng thêm 100 kiểm toán viên. CRA cũng tăng số vụ kiểm toán những người đóng thuế “có nguy cơ cao” từ 600 lên 3.000 mỗi năm, và sẽ rà soát hoạt động của 200 người chuyên tư vấn về các hình thức tránh thuế, trong đó có các kế toán viên và chuyên viên tư vấn tài chính, tăng từ con số chưa tới 20 cách đây một năm.

Chính phủ cũng nói sẽ tăng cường các vụ truy tố bằng cách đưa luật sư vào các nhóm điều tra của mình để phát hiện những trường hợp trốn thuế.

Bộ trưởng Lebouthillier gọi đây là một “khoản đầu tư có tính lịch sử” cho CRA mà sẽ “có lời rất lớn”.

Cũng hôm 11-4, bộ trưởng Lebouthillier thông báo về việc lập một ủy ban tư vấn về tuân thủ luật pháp của tài sản cất giữ ở hải ngoại; ủy ban này do Colin Campbell, một luật sư về thuế và phó giáo sư luật tại Đại học Western Ontario, đứng đầu. CRA cũng đã bắt đầu ước tính “khoảng trống thuế”, mức chênh lệch giữa số thuế nợ nhà nước và số thuế mà nhà nước thực sự thu được.

CBC từ chối giao dữ liệu Hồ sơ Panama cho CRA

Thuế vụ Canada (CRA) đã chính thức yêu cầu Đài CBC giao dữ liệu về tài khoản hải ngoại trong vụ rò rỉ thông tin khổng lồ Hồ sơ Panama, nhưng CBC đã từ chối.

Hôm thứ Sáu 8-4, Andrew Treusch, người đứng đầu CRA, đã gởi email cho tổng giám đốc Đài CBC yêu cầu cung cấp dữ liệu, nói rằng CRA muốn ngay lập tức bắt đầu nghiên cứu các thông tin này.

Phát ngôn viên Chuck Thompson nói rằng CBC đã từ chối một yêu cầu tương tự của CRA vào năm 2013 về một đợt tiết lộ thông tin lớn về những nơi ưu đãi thuế ở hải ngoại. Ông nói CBC News không tiết lộ các nguồn tin của mình và lần này cũng sẽ lại từ chối.

Hồi đầu năm nay, Hồ sơ Panama được chuyển bằng đường điện tử cho CBC News và một số tổ chức báo chí chọn lọc khác trên khắp thế giới, và những tin bài về nội dung thông tin này bắt đầu được đăng tải trong tháng này. Những tiết lộ động trời này đang dẫn tới nhiều tác động chính trị nghiêm trọng ở một số nước, trong khi đó một số nước khác đang tìm cách ngăn chặn người giàu cất giấu tài sản ở hải ngoại để tránh đóng thuế.

Liên hiệp Ký giả Điều tra Quốc tế (ICIJ) có trụ sở Washington đang điều phối việc công bố các dữ liệu này, và vào đầu tháng 5 dự định sẽ đăng tải một phần thông tin trên một cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm.

Trong thư của mình, ông Treusch không muốn đợi tới lúc ICIJ đăng tải. Ông viết: “Như ông có thể hiểu, thông tin này sẽ có giá trị hơn cho chúng tôi nếu có được đúng lúc hơn để chúng tôi có thể bắt đầu công việc của mình ngay lập tức. Xin lưu ý rằng chúng tôi không yêu cầu đài tiết lộ các nguồn tin của mình hay cách mà đài có được thông tin đó.”

Marina Walker Guevara, phó giám đốc ICIJ, nói những cơ quan thuế khác cũng đã liên lạc các tổ chức báo chí ở Vương quốc Anh, Ý, Ireland, Latvia, và nhiều nước khác, để yêu cầu giao dữ liệu Hồ sơ Panama, nhưng đều bất thành.

Các cơ quan thuế cũng đã liên hệ trực tiếp với ICIJ, nhưng tổ chức này có chính sách lâu đời là từ chối các yêu cầu như vậy vì tổ chức này “không phải là một nhánh của cơ quan thực thi pháp luật và không phải là đại diện của nhà nước”.

Bà Walker Guevara nói số dữ liệu Hồ sơ Panama sẽ được đăng tải vào đầu tháng 5 sẽ chỉ là một phần rất nhỏ của lượng thông tin này, cho phép công chúng tìm kiếm trong số 214.000 pháp nhân công ty hải ngoại và những người có liên hệ với các công ty đó, bao gồm cổ đông và ủy viên hội đồng quản trị. Nhưng các văn bản, hình ảnh, địa chỉ email, số hộ chiếu và các thông tin riêng tư khác sẽ không được đăng tải.

© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

2 thoughts on “Hồ sơ Panama và ảnh hưởng đối với Canada

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *