Vì sao Hong Kong phản kháng

ReutersBa chục năm nay, giới đấu tranh chính trị ở Hong Kong luôn đòi có một hệ thống chính trị dân chủ hơn. Hôm 31/8, Trung Cộng đã thẳng thừng bác bỏ yêu sách bầu cử tự do. Trong cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng ngàn người tối hôm đó, học giả Benny Tai Yiu-ting (Đái Diệu Đình), phó giáo sư Khoa Luật của Đại học Hong Kong, tuyên bố một kỷ nguyên phản kháng và bất tuân dân sự mới. Ông là một trong những người tổ chức “Chiếm Trung” (Occupy Central), một phong trào bất tuân dân sự theo kiểu Gandhi để đòi các quyền chính trị rộng lớn hơn. Phong trào này dự định tổ chức các làn sóng biểu tình trên đường phố, chiếm đóng một cách ôn hòa khu thương mại trung tâm của Hong Kong. Ông nói: “Con đường đối thoại đã kết thúc.” Sắp tới sẽ là hàng tháng trời đối đầu làm suy yếu hòn đảo này.

Như Trung Cộng luôn nhắc mà không bao giờ biết mệt, Anh Quốc đã cai trị Hong Kong trong 150 năm mà không trao cho nó nền dân chủ. Nhưng năm 1984, Tuyên bố chung của Anh Quốc và Trung Quốc về việc chuyển giao Hong Kong năm 1997 đã hứa trao cho lãnh thổ này một “mức độ tự trị cao”. Sau biến cố Thiên An Môn năm 1989, nỗi lo sợ Trung Cộng tăng cao; dân chủ được xem là một cách bảo đảm tự do của Hong Kong. Còn Trung Cộng luôn nhất quyết rằng Hong Kong là “một thành phố kinh tế”, và không nên trở thành một “thành phố chính trị”.

Thế nhưng cho tới nay đây là thành phố hoạt động chính trị sôi nổi nhất ở Trung Quốc. Luật Cơ bản, hiến pháp của Hong Kong, hứa hẹn “một quốc gia, hai chế độ” và đặc khu trưởng của đặc khu hành chính này rốt cuộc sẽ được bầu chọn thông qua “phổ thông đầu phiếu”, mục tiêu được dời tới năm 2017. Hôm 31/8, Bắc Kinh quyết định đó sẽ là phổ thông đầu phiếu, theo kiểu Trung Cộng: cử tri có thể chọn bất cứ ai họ muốn, miễn là người đó đã được đảng chọn trước. Theo các đề xuất của Đại hội Đại biểu Nhân dân, tức quốc hội Trung Quốc, sẽ có không quá hai hoặc ba ứng cử viên được phép ứng cử, và họ sẽ phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất một nửa số ủy viên của “ủy ban đề cử”. Ủy ban này sẽ dựa trên mô hình ủy ban gồm hơn 1.200 ủy viên đã chọn đặc khu trưởng hiện nay Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh) vào năm 2012. Với cơ cấu được thiết kế kỹ lưỡng, ủy ban này có một mục đích rất đơn giản: bảo đảm các lá phiếu “thân Trung Quốc” mặc nhiên chiếm được đa số.

Việc Trung Cộng nhất quyết đòi sàng lọc các ứng cử viên nhất quán với lập trường của Bắc Kinh là người đứng đầu Hong Kong phải là người “ái quốc”. Biện hộ cho quyết định của quốc hội Trung Quốc tại các cuộc họp báo ở Bắc Kinh và Hong Kong, Li Fei (Lý Phi), chủ tịch ủy ban Luật Cơ bản, khẳng định rằng “một số người ở Hong Kong có thể không bao giờ trở thành đặc khu trưởng” vì lập trường “đối đầu” của họ. Ông Lý Phi nói đặc khu trưởng “phải là người yêu nước Trung Quốc, yêu Hong Kong và phải bảo vệ “các lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển” của đất nước. Khi được hỏi liệu lòng ái quốc có đồng nghĩa với yêu đảng cộng sản, ông Lý Phi hàm ý là có, với lời giải thích rằng đặc khu trưởng Hong Kong sẽ chịu trách nhiệm trước một chính phủ ở đất nước Trung Quốc với hiến pháp khẳng định vai trò thống lĩnh của đảng.

Tuy lòng ái quốc và yêu đảng cộng sản có thể không tách biệt được trong mắt Bắc Kinh, khái niệm này hoàn toàn xa lạ với nhiều người dân Hong Kong từng chạy qua hòn đảo này để lánh nạn trong những giai đoạn biến động chính trị ở đại lục, trong đó có nạn đói xảy ra trong thời kỳ Đại Nhảy vọt thất bại vào cuối thập niên 1950 và Cách mạng Văn hóa 1966-1976.

“Bầu cử giả mạo”

Giới ủng hộ dân chủ Hong Kong lên án đề xuất này, gọi đó là “bầu cử giả mạo”. Ông Martin Lee (Lý Trụ Minh), sáng lập viên và chủ tịch Đảng Dân chủ Hong Kong, nói: “Có gì khác biệt giữa một quả táo thối, một quả cam thối và một quả chuối thối? Chúng tôi muốn phổ thông đầu phiếu thực sự, chứ không phải dân chủ với đặc thù Trung Quốc.”

Emily Lau (Lưu Huệ Khanh), chủ tịch Đảng Dân chủ, chỉ trích Trung Quốc thất hứa và xuyên tạc định nghĩa thông dụng của phổ thông đầu phiếu. Alan Leong (Lương Gia Kiệt), nghị viên và lãnh tụ Đảng Công dân, nói ông không hiểu tại sao phổ thông đầu phiếu và quyền được chọn người lãnh đạo của mình lại đe dọa an ninh quốc gia, cho rằng đó là chỉ là cái cớ để Bắc Kinh tước đi tự do bầu cử. Ông cũng cho rằng Bắc Kinh đang cố biện minh cho kiểu hệ thống dùng trong các chế độ độc tài. Ông nói: “Theo logic của ông Lý Phi, dân Bắc Hàn đang được phổ thông đầu phiếu.”

Hiếm ai ở Hong Kong kỳ vọng Trung Quốc sẽ cho phép các dàn xếp có thể dẫn tới việc bầu chọn một đặc khu trưởng mà Bắc Kinh không ưng thuận. Chan Kin-man (Trần Kiện Dân), phó giáo sư thuộc Đại học City University of Hong Kong và là một nhân vật chủ chốt của phong trào Chiếm Trung, cho rằng Bắc Kinh không muốn “tạo ra ước vọng” dân chủ ở đại lục. Ông nói: “Trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có ai có được dân chủ trong chế độ do Cộng sản cai trị. Đó là sứ mệnh bất khả thi.”

Đề xuất của quốc hội Trung Quốc chỉ được thông qua nếu nhận được tỉ lệ tối đa hai phần ba tại Hội đồng Lập pháp của Hong Kong. Tại cơ quan này, phân nửa trong số 70 nghị viên được bầu cử trực tiếp, 27 ghế thuộc về các đảng thuộc “phái dân chủ”. Họ đã thề là sẽ phủ quyết đề xuất này. Nhiều người đã hy vọng rằng quốc hội Trung Quốc sẽ chừa lại chỗ để thương lượng trong đề xuất nhằm giành sự ủng hộ của những nghị viên ôn hòa thuộc phái dân chủ. Nay thì điều đó coi như khó xảy ra. Claudia Mo Man-ching (Mao Mạnh Tĩnh), một nghị viên thuộc Đảng Công dân, một đảng trong phái dân chủ, nói không nghị viên nào thuộc phái dân chủ sẽ ủng hộ đề xuất của quốc hội Trung Quốc vì sợ bị mang tiếng là “tội đồ của lịch sử”

Chiếm Trung gặp nhiều thách thức

Ông Đái Diệu Đình và các đồng nghiệp trong phong trào Chiếm Trung cũng bị dồn vào chân tường và đang thất thế. Lâu nay họ vẫn tìm mọi cớ để tránh xuống đường biểu tình. Mục đích lâu nay là chỉ dùng hình thức chiếm đóng như biện pháp đối đế, vào cuối một quá trình lâu dài của “dân chủ tranh luận” bao gồm tham khảo ý kiến của công chúng và một “cuộc trưng cầu dân ý” hồi tháng 6 thu hút 800.000 chữ ký ủng hộ một hệ thống bầu cử mở hơn. Nếu đã muốn để ngỏ khả năng thỏa hiệp, Trung Quốc đã có thể né tránh vài chi tiết chẳng hạn như ngưỡng đề cử ứng viên. Thay vì thế, như bà Mao Mạnh Tĩnh nhận định, “họ đã đóng cửa chính, cửa sổ, cửa thoát hiểm và cả cửa sau.” Trung Cộng đã không cho phong trào Chiếm Trung một cái cớ nào cả. Tuần rồi ông Đái Diệu Đình thừa nhận rằng “tới thời điểm này, chúng tôi đã thất bại”. Phong trào này căm ghét bạo lực, nhưng biết rằng đó là một rủi ro có thể xảy ra. Ông Lý Phi đã bị quấy nhiễu ở Hong Kong, và có nhiều đụng độ khi cảnh sát dung hơi cay để giải tán người biểu tình.

Trong một cuộc thực tập chiếm đóng ở quy mô nhỏ, tiếp theo sau cuộc tuần hành đòi dân chủ hàng năm với sự tham gia của hơn 500.000 người vào ngày 1/7 nhân kỷ niệm ngày Anh Quốc chuyển giao Hong Kong lại cho Trung Quốc vào năm 1997, hơn 500 người bị bắt. Nhưng ông Đái Diệu Đình thừa nhận cái cảm nhận về sự tuyệt vọng của phong trào đang khiến Chiếm Trung mất dần sự ủng hộ của một số người trong giới “thực dụng” của Hong Kong. Nhưng Chiếm Trung tuyên bố rằng có nhiều khác muốn tham gia, nhưng vẫn kín tiếng về chiến lược chi tiết của mình.

Các chính quyền Trung Quốc và Hong Kong có thể vẫn hy vọng rằng đề xuất về bầu cử sẽ được Hội đồng Lập pháp chuẩn y. Nếu bị bác bỏ, cuộc bầu cử năm 2017 sẽ lại do ủy ban đề cử thực hiện. Như vậy, bằng cách kêu gọi Hội đồng Lập pháp tạm chấp nhận phương thức một người một phiếu khi vẫn còn để ngỏ rồi sau này mới cố gắng cải thiện hệ thống, chính quyền hy vọng rằng công chúng sẽ quay lung lại với phái dân chủ.

Chiếm Trung cũng đã có nhiều người chỉ trích. Thậm chí một số nhà dân chủ đặt câu hỏi về chiến lược mong giữ tính đặc thù của Hong Kong bên trong Trung Quốc bằng cách phá hoại chính nền tảng của nó: sự tuân thủ chế độ pháp trị. Có người cũng bị lay chuyển bởi luận điệu tuyên truyền cho rằng Chiếm Trung có thể gây xáo trộn và thiệt hại kinh hoàng – dù nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp dường như không quan ngại về các rủi ro này.

Trung Cộng luôn có người ủng hộ ở Hong Kong – một liên minh kỳ lạ của những trùm tài phiệt kinh doanh muốn ổn định trên hết thảy và một mạng lưới cơ sở được tài trợ dồi dào, có tổ chức tốt, trong đó có Liên minh Dân chủ vì Sự Hòa hợp và Tiến bộ của Hong Kong, một đảng mạnh là bình phong của Đảng Cộng sản. Một thỉnh nguyện đơn chống phong trào Chiếm Trung đã thu được 1,4 triệu chữ ký, dù nhiều chữ ký có nguồn gốc đáng ngờ. Tương tự, một cuộc tuần hành chống Chiếm Trung hôm 17/8 có số người tham dự đông đảo, nhưng nhiều “người biểu tình” được xe chở tới và được trả tiền.

Các chính quyền Trung Quốc và Hong Kong có thể đang đặt quá nhiều niềm tin vào thực tế là Hong Kong nổi tiếng là thích làm kinh doanh hơn đấu tranh chính trị. Sau thời gian dài đấu tranh đòi dân chủ, một thế hệ các nhà hoạt động lớn tuổi đã không còn chịu nổi nữa và không còn muốn chơi theo luật lệ của Trung Cộng. Họ và nhiều thường dân phẫn nộ vì cảm thấy các thể chế của Hong Kong bị suy đồi.

Áp lực gia tăng

Hội đồng Lập pháp, vốn chưa bao giờ có thực quyền, đã thành một trò hề khi những người cấp tiến bất mãn đành phải dung tới thủ đoạn cãi vả om sòm và cản trở quy trình lập pháp. Báo chí bị nhiều người xem là nhút nhát trong việc phê bình Đảng Cộng sản, vừa do bị áp lực từ các nhà quảng cáo vừa do bị uy hiếp thô bạo, ví dụ như một cựu biên tập viên bị đâm dao hồi đầu năm nay.

Ủy ban Độc lập Chống Tham nhũng, cơ quan hành pháp được xem là đương nhiên nghiêm minh chính trực của Hong Kong, đã bị một số nhà phân tích chỉ trích, có thể đúng có thể sai, là có động cơ chính trị khi bố ráp tư gia của Jimmy Lai Chee-ying (Lê Trí Anh), chủ bút tờ báo Apple Daily và một nhà tài phiệt báo chí ủng hộ dân chủ, và văn phòng của một nghị viên phái dân chủ ngay trước khi quốc hội Trung Quốc thông báo về đề xuất bầu cử. Mark Simon, một phụ tá hàng đầu của ông Jimmy Lai nói: “Tôi nghĩ về cơ bản đây là việc hình sự hóa chính trị hoặc hoạt động đấu tranh.”

Ngành tư pháp cũng bị xem là bị đe dọa. Hồi tháng 6, giới luật sư tuần hành phản đối một bạch thư Trung Quốc đưa các thẩm phán của Hong Kong vào danh sách những người phải “ái quốc”. Ngay cả ngành bưu điện cũng bị chỉ trích vì không chịu phân phát các truyền đơn về hoạt động bất tuân dân sự. Còn bản thân chính quyền khó mà tự cho là đại diện cho người dân Hong Kong, vì đã trở thành cái loa tuyên truyền quá trung thành cho các kế hoạch của Đảng Cộng sản.

Tâm lý phẫn nộ phổ biến này có nguy cơ gộp chung với thành kiến về “dân châu chấu”, tức là những du khách đại lục ngày càng xuất hiện nhiều ở Hong Kong (hơn 40 triệu lượt khách trong năm ngoái). “Dân châu chấu” làm chật cứng tàu điện ngầm và nơi công cộng, đẩy giá địa ốc lên cao ngất, buộc các tiệm giữ sữa hộp cho trẻ em trong tủ khóa kín để khỏi bị các du khách không tin tưởng các nhãn sữa tại đại lục nên qua Hong Kong mua vơ vét.

Thế hệ trẻ, không dung thứ được những hạn chế mà cha mẹ họ đã chịu đựng, thì ít “thực dụng” hơn thế hệ tiền bối của họ. Một khảo sát hồi đầu năm nay cho thấy giới trẻ có mức độ bất mãn cao nhất với cuộc sống ở Hong Kong, và thanh niên độ tuổi 18-29 là những người có khả năng cao nhất tự gọi mình là “người Hong Kong”, thay vì là “người Trung Quốc Hong Kong”. Chủ quyền của Trung Quốc đã khiến giới trẻ đặc biệt ý thức về tính đặc thù của Hong Kong bên trong Trung Quốc. Các nhóm sinh viên nằm trong các thành phần ủng hộ mạnh mẽ nhất về cải cách dân chủ. Một nhóm, phong trào “Scholarism” (Học Dân tư triều), được Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), lúc đó mới 14 tuổi rưỡi, thành lập vào năm 2011 để đấu tranh chống lại những thay đổi chương trình giảng dạy để tăng tính “ái quốc”, tức là thân Cộng sản. Hiện nay, Scholarism và các hội sinh viên đang tổ chức các cuộc biểu tình và bãi khóa. Họ sẽ không dễ bị ngăn cản, ngay cả bằng các thủ đoạn hăm dọa như xe bọc thép chở quân xuất hiện trên các đường phố, như đã xảy ra vào cuối tháng 8, hay lời cảnh báo của một quan chức Trung Quốc rằng “máu sẽ đổ” nếu Chiếm Trung diễn ra.

Tuy nhiên, họ cũng khó có khả năng thành công. Phái dân chủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều hy vọng rằng Trung Quốc sẽ có nhượng bộ vì rất muốn Hong Kong phát đạt – để tăng uy tín quốc gia, để làm tấm gương chứng minh cho Đài Loan thấy rằng không nên sợ thống nhất với Trung Quốc, và vì Hong Kong có tầm quan trọng lớn lao về kinh tế. Họ nhắc lại chuyện năm 2003, một thời kỳ rối loạn trước đây ở Hong Kong về việc chính quyền muốn ban hành luật chống “dấy loạn” trong lúc có khủng hoảng kinh tế do Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) gây ra. Lúc đó, Trung Quốc đã ra tay cứu giúp kinh tế Hong Kong bằng thỏa thuận cho phép các doanh nghiệp Hong Kong được ưu tiên tiếp cận thị trường đại lục và cho phép thêm nhiều du khách đại lục sang thăm Hong Kong. Và Trung Quốc góp phần loại bỏ một đặc khu trưởng không được lòng dân chúng.

Hong Kong không còn quan trọng như xưa

Năm 2014, thị trường chứng khoán Hong Kong đạt kết quả tốt, một phần là nhờ triển vọng của những dàn xếp mới trong tháng tới để kết nối các sở giao dịch Hong Kong và Thượng Hải. Nhưng những doanh nhân bi quan hơn nhận xét rằng tầm quan trọng của Hong Kong đối với Trung Quốc đang giảm dần.

Trung Cộng đã dần bớt sẵn lòng dung thứ cho sự bất đồng ở Hong Kong do vị thế của Hong Kong được xem là ngày càng giảm đối với nền kinh tế Trung Quốc. Khi Chris Patten, vị toàn quyền Anh cuối cùng ở Hong Kong, nhậm chức vào năm 1992, nền kinh tế Trung Quốc chỉ lớn gấp năm lần kinh tế Hong Kong. Ngày nay, kinh tế Trung Quốc lớn gấp 35 lần.

Arthur Kroeber thuộc hãng tư vấn GaveKal Dragonomics nói: “Rõ ràng nó đã trở thành một mối quan hệ bất cân xứng. Trong thập niên 1990, Hong Kong quan trọng hơn đối với Trung Quốc vì Trung Quốc cần rất nhiều vốn đầu tư và kiến thức chuyên môn từ Hong Kong, và lúc đó họ thực sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, ví dụ cảng, của Hong Kong.” Hiện nay, cảng Hong Kong, xét về trọng tải được xử lý, nhỏ hơn năm cảng khác ở Trung Quốc. Và khi Trung Quốc tự do hóa hệ thống tài chính của mình và quốc tế hóa đồng tiền của mình, nhân dân tệ, Hong Kong không còn đặc biệt như trước.

Ngoài ra, tầm quan trọng chính trị của Hong Kong có thể đã thay đổi. Giới lãnh đạo chắc hẳn hiểu rằng đã quá muộn để hy vọng rằng người dân ở Đài Loan sẽ nhìn Hong Kong như một tấm gương tốt. Vì thế, từ một ví dụ khả dĩ về cách một chế độ tự trị có thể vận hành, Hong Kong có thể nay trở thành một bài học để thấy rằng ở xứ thuộc chủ quyền của Trung Quốc không có nơi nào được phép có một chế độ chính trị có thể thách thức trung ương. Trung Quốc vẫn muốn Hong Kong là một gương thành công, và muốn ổn định. Nhưng nếu sự bất ổn là cái giá phải trả để có được quyền quyết định cuối cùng, đảng cộng sản dường như sẵn sàng trả cái giá đó.

Phạm Vũ Lửa Hạ tổng hợp từ The Economist 6/9/2014, và Financial Times 7/9/2014.

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bài tổng hợp, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 10/9/2014.)

Bài liên quan:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *