Hợp pháp hóa cần sa: những thách thức về quản lý nhà nước

Trong một tòa nhà trông chẳng có gì đặc biệt chỉ cách Phi trường Quốc tế Denver vài phút lái xe, một bệnh nhân hóa trị trụi tóc và một cặp du khách cười khúc khích ngắm nhìn những món hàng được trưng bày. Những gói búp xanh rêu sực mùi – Girl Scout Cookies, KoolAid Kush, Power Cheese – nằm cạnh những tủ ngăn chứa sôcôla và đồ uống ướp lạnh. Tại một nhà kho đằng sau cửa hàng này, những cây lá nhọn đang tắm mình trong ánh sáng nhân tạo của các phòng trồng trên hai tầng.  Sally Vander Veer, tổng giám đốc của Medicine Man, hãng điều hành cơ sở kinh doanh cần sa này, ước tính số hàng tồn kho này có giá trị khoảng 4 triệu Mỹ kim.

Nước Mỹ, và thế giới, sắp có thêm nhiều cơ sở như vậy. Kể từ khi cử tri bang California hợp pháp hóa việc bán cần sa để sử dụng cho mục đích y khoa vào năm 1996, có thêm 22 bang, cộng với District of Columbia, đã noi gương; trong vòng một năm nữa, con số này có thể sẽ gần tới 30. Việc bán cần sa cho những “bệnh nhân” với các chứng bệnh đủ kiểu từ nghiêm trọng tới tưởng tượng cũng đã hợp pháp ở nhiều nơi khác tại Châu Mỹ (Colombia nằm trong số những nước mới nhất cho phép bán cần sa) và tại phần lớn Châu Âu. Hôm 10-2, Úc đã công bố những kế hoạch tương tự.

Hiện nay ngày càng có nhiều nơi sắp hợp pháp hóa việc bán cần sa chỉ để hưởng lạc. Năm 2014, các bang  Colorado và Washington ở Mỹ đã bắt đầu cho bán cần sa để hút chơi; Oregon cho phép hồi tháng 10-2015, và Alaska sẽ sớm noi gương các bang này. Đó đều là những nơi mà cần sa đã rất được ưa chuộng. Jamaica đã hợp pháp hóa cần sa cho các mục đích tôn giáo được định nghĩa rất khái quát. Tây Ban Nha cho phép người sử dụng trồng và mua cần sa thông qua các hợp tác xã nhỏ. Tới tháng 8 năm nay, Uruguay dự kiến sẽ bắt đầu cho các tiệm thuốc bán cần sa dùng ngoài mục đích y khoa.

Chính phủ Canada dự định hợp pháp hóa cần sa trong năm tới, khiến Canada là nước G7 đầu tiên hợp pháp hóa. Nhưng Canada có thể không giữ vị trí nền kinh tế cần sa lớn nhất được lâu; California là một trong nhiều bang mà các đề xuất bỏ phiếu về việc hợp pháp cần sa rất có thể sẽ được thông qua trong kỳ bầu cử vào tháng 11 năm nay. Đa số người Mỹ ủng hộ những thay đổi này.

Giới ủng hộ hợp pháp hóa cho rằng các thị trường được nhà nước quản lý bảo vệ người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí cảnh sát, tăng nguồn thu thuế và khiến bọn tội phạm hết đường làm ăn, đồng thời mở rộng tự do. Dù sẽ mất nhiều năm mới có thể kiểm chứng được một số trong những nhận định này, các kết quả ban đầu có vẻ khích lệ: mafia đã mất một thị phần lớn, hàng ngàn thanh niên đã tránh được hồ sơ hình sự và hàng trăm triệu đô đã được làm ra và đánh thuế một cách chính đáng. Tới nay chưa có bùng nổ về mức tiêu thụ hay tội ác liên quan tới ma túy.

Tuy nhiên, để đạt được phần lớn những lợi ích đó mà chỉ hợp pháp hóa thôi thì chưa đủ. Như nhận xét đáng nhớ nếu như chưa đủ thuyết phục của Bob Dylan, để sống ngoài vòng pháp luật ta phải trung thực; để sống trong vòng pháp luật ta phải được nhà nước quản lý. Bà Vander Veer chỉ vào một cuốn dày 5 phân gồm luật lệ áp dụng cho hoạt động của hãng Medicine Man.

Những luật lệ như vậy nên tùy thuộc vào các lợi ích nào trong những lợi ích của việc hợp pháp hóa mà một nơi muốn đặt ưu tiên và những tác hại mà nơi đó muốn giảm thiểu. Cân nhắc đầu tiên là người sử dụng cần sa cần được bảo vệ tới đâu. Theo những gì mà bất cứ ai đã có thể chứng minh được (và một số người quả thực đã cố gắng cật lực để chứng minh), gần như không thể chết vì dùng cần sa quá liều. Nhưng loại ma túy này có các nhược điểm. Phê thuốc có thể dẫn tới các tai họa khác: trong hai năm qua Colorado đã có ba ca tử vong liên quan tới dùng cần sa (một người bị ngã, một tự sát và một ca bị cho là sát nhân trong đó bị cáo khai rằng cần sa khiến mình giết người). Có thể đã có nhiều ca khác. Colorado có tỉ lệ gia tăng những tài xế can dự trong các tai nạn và kiểm nghiệm cần sa dương tính, tuy không có sự gia tăng tương ứng về số tử vong giao thông.

Tác hại kinh niên do loại ma túy này gây ra vẫn là một đề tài gây tranh cãi. Việc sử dụng cần sa với mức độ nhiều có liên hệ với bệnh tâm thần, nhưng giới nghiên cứu gặp khó khăn trong việc xác định cái nào là nhân cái nào là quả; khuynh hướng bị bệnh tâm thần có thể dẫn tới sử dụng ma túy. Cũng có thể là có người dễ bị tác hại hơn người khác.

Jonathan Caulkins thuộc Đại học Carnegie Mellon đã phát hiện rằng người sử dụng cần sa có khả năng cao hơn người uống rượu nói rằng cần sa gây ra nhiều trở ngại cho họ ở sở làm hoặc ở nhà. Đó là một so sánh không hoàn hảo vì phần lớn người dùng cần sa, về bản chất, là người vi phạm pháp luật, và do vậy dễ gặp những vấn đề như vậy hơn. Tuy vậy, theo lời của ông Caulkins, rõ ràng là cần sa là một “loại ma túy làm suy giảm hiệu năng”.

Hơn nữa, một số người khó cai thuốc: ở Mỹ 14% người đã dùng cần sa trong tháng trước đáp ứng các tiêu chí mà theo đó giới bác sĩ định nghĩa là lệ thuộc. Cũng như trong các thị trường rượu và thuốc lá, 20% người sử dụng với mức độ nhiều nhất chiếm khoảng 80% mức tiêu thụ. Đáng ngạc nhiên ông Caulkins tính toán rằng ở Mỹ hơn một nửa trong tổng số cần sa được tiêu thụ bởi những người phê thuốc trong hơn phân nửa số thời gian họ không ngủ.

Rắc rối hơn nữa là các ảnh hưởng của cần sa đối với y tế công cộng không nên được xem xét một cách biệt lập. Nếu dùng cần sa khiến người ta bớt hút thuốc hoặc uống rượu thì điều đó có thể mang lại các lợi ích ròng. Nhưng nếu người ta coi cần sa và các loại ma túy khác như món bổ sung – tức là, nếu dùng nhiều cần sa khiến họ hút thuốc hoặc nốc rượu nhiều hơn – sự gia tăng mức độ dùng cần sa có thể là một vấn nạn y tế lớn.

Chưa ai biết điều nào khả dĩ hơn. Tổ chức nghiên cứu độc lập RAND Corporation điểm lại các nghiên cứu chủ yếu ở Mỹ, và phát hiện những bằng chứng lẫn lộn về mối quan hệ giữa cần sa và rượu. Nhu cầu hút thuốc dường như tăng đồng biến với nhu cầu hút cần sa, dù hai món này khó mà tách biệt nhau vì, ít nhất là ở Châu Âu, hai món này được hút cùng với nhau. Dữ liệu về các loại ma túy khác thì ít hơn. Giới ủng hộ hệ thống “quán cà phê” Hà Lan (cho phép mua và tiêu thụ ở những nơi cụ thể) cho rằng việc hợp pháp hóa sẽ giúp người sử dụng tránh xa bọn buôn ma túy mà có thể đưa đẩy họ sang sử dụng các loại ma túy nặng hơn. Và có một số bằng chứng cho thấy cần sa có chức năng như một chất thay thế cho các thuốc giảm đau opioid được bác sĩ kê toa, chẳng hạn như OxyContin (loại thuốc này giết chết 15.000 người Mỹ mỗi năm). Trước đây người ta thường lo ngại rằng thuốc lá là “món dẫn đường” sang cần sa, và cần sa lại là món dẫn đường sang các loại ma túy nặng. Có thể là ngược lại: cần sa có thể là món hữu dụng kiềm chế việc lạm dụng các loại thuốc opioid, nhưng là một món dẫn đường nguy hiểm sang thuốc lá.

Sự nguy hiểm và tác hại tự thân chúng không phải là lý do để cấm đoán điều gì đó. Nhưng các bằng chứng hiện có thuyết phục nhiều người ủng hộ hợp pháp hóa tin rằng việc tiêu thụ cần sa vẫn nên được can ngăn. Cách đơn giản nhất để làm điều đó là khiến cần sa có giá đắt; trẻ em và người sử dụng nhiều, cả hai đều là những đối tượng đáng được can ngăn, rất có thể nhạy cảm về giá cả. Và việc tăng giá cần sa bằng thuế có sức hấp dẫn chính trị không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y tế công cộng. Giới ủng hộ biện pháp hợp pháp hóa chủ yếu của California đặc biệt nhấn mạnh khoản thu thuế 1 tỉ Mỹ kim/năm có thể đóng góp cho ngân khố của bang.

Tuy nhiên, định được thuế suất phù hợp là điều khó khăn. Đánh thuế quá thấp thì khuyến khích sử dụng. Đánh thuế quá cao thì mất đi một trong những lợi ích khác của việc hợp pháp hóa: loại trừ thị trường chợ đen phi pháp.

Lựa chọn đánh đổi này có thể được minh họa bằng cách so sánh Colorado và Washington. Colorado định thuế suất cần sa ở mức khá thấp, 28% (bao gồm một loại thuế bán hàng hiện có). Bang này cũng có cách tiếp cận khá nới lỏng về việc cấp giấy phép cho cơ sở kinh doanh; số tiệm bán cần sa nhiều hơn số tiệm Starbucks. Washington ban đầu đánh thuế cao hơn, ở thuế suất hiệu dụng 44%, và tỏ ra dè dặt hơn về giấy phép cho giới trồng cần sa và những cơ sở bán cần sa. Nghĩa là khi nỗ lực hợp pháp hóa của bang này bắt đầu triển khai vào năm 2014, giá bán lẻ trung bình vào khoảng $25/gam, so với $15 ở Colorado. Giá cần sa chợ đen (chủ yếu là sản phẩm kém chất lượng hơn) ở cả hai bang là khoảng $10.

Tác động tới tội ác dường như đã đúng như dự đoán. Chính quyền Colorado ước tính rằng lượng cần sa bán có cấp phép – khoảng 90 tấn mỗi năm – hiện nay đáp ứng khoảng 70% trong tổng cầu ước tính, với phần lớn số còn lại được cung cấp bởi một thị trường “mập mờ” của số cần sa được trồng hợp pháp ở nhà nhưng được bán lậu. Ở Washington, lượng cần sa bán có cấp phép chỉ chiếm khoảng 30% thị trường trong năm 2014, theo Roger Roffman thuộc Đại học Washington. Thị trường cần sa “y khoa” có quy mô lớn, không bị đánh thuế và khá là sơ khai chiếm phần lớn lượng còn lại. Tuy nhiên, phần lớn đồng ý rằng giá thấp của Colorado đã có tác động nhiều hơn trong việc gây khó khăn cho tội ác có tổ chức.

Uruguay cũng dự tính ấn định giá tương đương với giá của giới buôn lậu. Milton Romani, tổng thư ký của Hội đồng Dược phẩm Quốc gia, nói: “Chúng tôi dự định cạnh tranh với thị trường phi pháp về giá cả, chất lượng và an toàn.” Để tránh cho nguồn cung có giá cả cạnh tranh này khuyến khích sử dụng nhiều hơn, nước này sẽ hạn chế số lượng có thể được bán cho bất cứ một người cụ thể nào trong vòng một tháng. Ở Mỹ, nơi những biện pháp hạn chế như vậy (cùng với sổ sách đăng ký người tiêu thụ cần có để quản lý họ) có thể sẽ bị bác bỏ, sẽ khó khăn hơn cho việc ngăn cản không để cần sa hợp pháp với giá thấp đủ để loại trừ thị trường chợ đen lại cũng khuyến khích sử dụng nhiều hơn. Thực vậy, kể từ khi hợp pháp hóa mức tiêu thụ ở Colorado dường như đã tăng vài điểm phần trăm ở cả nhóm thành niên lẫn nhóm dưới 21 tuổi, những người mà trên lý thuyết lẽ ra không thể có được cần sa; tuy vậy, dường như có một xu hướng trước khi hợp pháp hóa, và số liệu rất sơ sài.

Nếu, do không còn bán được, thị trường chợ đen giảm xuống tới mức không còn trở lại được, sau đó thuế có thể tăng lên, giúp phục hồi biện pháp ngăn ngừa. Chuyện này đã có tiền lệ. Khi việc cấm rượu chấm dứt vào năm 1933, Joseph Choate thuộc Nha Kiểm soát Rượu Liên bang của Mỹ đã khuyến nghị “giữ gánh nặng thuế đánh vào đồ uống có chất cồn hợp pháp ở mức tương đối thấp trong thời kỳ ban đầu sau khi bỏ cấm rượu để giúp ngành kinh doanh rượu hợp pháp cạnh tranh quyết liệt hơn với đối thủ cạnh tranh phi pháp.” Ông ước tính rằng ba năm sau, khi giới buôn rượu lậu “bị sập tiệm, gánh nặng thuế có thể được tăng lên dần dần.” Và quả đúng như vậy.

Những khoản thuế đó đã phản ánh nồng độ của rượu được bán; đánh thuế rượu whiskey cao hơn bia có tác dụng ngăn cản tình trạng say rượu. Về mặt này, cho tới nay việc quản lý cần sa còn tụt hậu. Các mức thuế đánh vào giá hoặc trọng lượng được dùng ở các bang của Mỹ đã hợp pháp hóa dễ thực hiện, nhưng có thể khiến người tiêu thụ chuyển sang các loại mạnh hơn. Ví dụ, trong nhiều loại cần sa khác nhau được hãng Medicine Man bán, nồng độ tetrahydrocannabinol (THC), hợp chất khiến người sử dụng có cảm giác “phê”, xê dịch từ 7% tới trên 20%. Nhưng giá cả gần như giống nhau, và không có khác biệt về thuế. Theo bà Vander Veer, có người thích loại nhẹ, nhưng nhìn chung, khách thường hỏi mua các loại mạnh hơn. Nếu không đắt hơn, thì tại sao lại không? Nồng độ trung bình của cần sa được bán ở Denver hiện nay là khoảng 18%, gấp khoảng 3 lần so với nồng độ của cần sa Mexico nhập lậu có thời từng thống lĩnh thị trường.

Barbara Brohl, giám đốc Sở Thuế vụ Colorado, nói rằng trong tương lai bang này có thể thử đánh thuế dựa vào nồng độ THC. Nhưng với tốc độ vận hành hiện có của bộ máy quản lý nhà nước – cần sa bắt đầu được bán chỉ hơn một năm sau khi đề xuất bỏ phiếu được thông qua hồi tháng 11-2012 – họ phải ra tay nhanh. Bà nói: “Chúng tôi đang chế tạo máy bay trong khi chúng tôi đang bay trên trời.” Như nhận xét của ông Romani, rõ ràng là muốn có “một thị trường được quản lý, chứ không phải thị trường tự do”, Uruguay dự định một cách trực tiếp hơn để can ngăn sử dụng loại mạnh hơn. Các cơ sở kinh doanh sẽ bán chỉ ba loại cần sa được nhà nước chấp thuận, với nồng độ từ 5% tới 14%.

Một vấn đề khác đối với giới quản lý nhà nước là số lượng ngày càng tăng về những cách tiêu thụ cần sa. Mảng ăn nên làm ra nhất của thị trường cần sa hợp pháp hóa là ngành “sản phẩm ăn được”, bao gồm sôcôla, đồ uống, kẹo que (lollipop) và kẹo dẻo (gummy bear) có tẩm THC. Ngoài ra còn có “cồn thuốc” cô đặc có thể nhỏ lên lưỡi và các sản phẩm hít có thể dùng bằng thuốc lá điện tử. Foria, một hãng ở  California, bán một loài chất bôi trơn cá nhân (dùng trong quan hệ tình dục) có tẩm THC.

Các sản phẩm này có chiều hướng ngày càng được ưa chuộng; người sử dụng thích sự kín đáo trong cách tiêu thụ các sản phẩm này, giới sản xuất thích sự thuận tiện của quá trình sản xuất tự động hóa (không cần phải tự tay chọn búp cần sa). Nhưng các loại này, đặc biệt là các sản phẩm ăn được, khiến dễ sử dụng nhiều dự định. Hút một điếu bồ đà có ép phê nhanh; ăn bánh hoặc uống nước có tẩm cần sa có thể mất một hai giờ mới có tác dụng. Những người sử dụng thiếu kinh nghiệm đối khi ăn một miếng sôcôla, thấy chẳng có gì nên ngốn hết luôn cả thanh – để rồi trong 12 tiếng đồng hồ tiếp theo cứ tưởng là họ đang bị đàn nhện từ sao Hỏa tấn công.

pot-use-map

Ba ca tử vong có liên quan tới cần sa ở Colorado đều xảy ra sau khi tiêu thụ sản phẩm ăn được. Các bệnh viện ở bang này cũng báo cáo số lượng gia tăng các trẻ em đã ăn phải kẹo dẻo dành cho người lớn của cha mẹ mình. Trước thực tế này, giới chức trách đã siết chặt các luật lệ về đóng gói, bắt buộc dán nhãn rõ ràng hơn, hộp thuốc chống trẻ em tự mở, và phân định các phần dùng rõ ràng hơn.

Mối lo thứ nhì về những cách dùng cần sa mới là chúng có thể thu hút những khách hàng mới. Bà Vander Veer nói rằng các sản phẩm ăn được là “một cách tốt để cảm thấy dễ chịu với cách THC tạo ra cảm giác cho mình”; phụ nữ, người lớn tuổi và người sử dụng lần đầu đặc biệt thích chúng. Nếu ta coi cần sa là cách “phê” vô hại, chuyện này chẳng đáng ngại. Nếu ta muốn hạn chế mức độ sử dụng, thì nó lại vấn đề.

Những sáng tạo cho tới nay chỉ là đôi chút hương hoa của những gì giới kinh doanh rốt cuộc có thể nghĩ ra. Khi hạ cánh xuống Denver – mà không phải tình cờ hiện nay là điểm đến được sinh viên Mỹ ưa chuộng nhất trong kỳ nghỉ xuân – ta có thể gọi một chiếc limousine từ dịch vụ 420AirportPickup để chở ta tới một tiệm bán cần sa rồi ta được hút trên xe trong khi ta tới một khách sạn có phục vụ cần sa (một số tự gọi là “bud ‘n’ breakfast” [búp cần sa & điểm tâm, nhại theo tên gọi của loại nhà trọ “bed and breakfast”]). Ta có thể dự một lớp học nấu ăn cần sa, hoặc học quấn điếu cần sa. Những cơ sở kinh doanh cần sa có phiếu giảm giá, điểm cho khách hàng trung thành, giờ phục vụ giảm giá, và tất cả các chiêu thức khác có trong sách giáo khoa tiếp thị.

Hợp pháp hóa cũng mở đường cho việc xây dựng thương hiệu tốt hơn. Ca sĩ nhạc rap Snoop Dogg đã tung ra một loạt sản phẩm được đóng gói khéo léo tên là “Leafs by Snoop” (Lá của Snoop). Di sản của cố ca sĩ Bob Marley đã cho cấp phép sử dụng tên này cho nhiều “loại cần sa di truyền” được cho là chính ca sĩ đã từng hút.

Xây dựng thương hiệu có nghĩa là quảng cáo, mà chính điều này có thể khuyến khích sử dụng cần sa. Nhiều người ở Mỹ muốn noi gương Uruguay và cấm toàn bộ quảng cáo cần sa, nhưng hiến pháp cản đường họ. Khi Colorado cấm quảng cáo ở những nơi mà hơn 30% khán/thính giả có thể dưới tuổi được phép sử dụng, các hãng cần sa phản đối viện lý do quyền tự do ngôn luận của họ, dù vụ kiện sau đó bị bãi bỏ.

Cũng như dần chuyển sang quảng cáo, ngành cần sa ngày càng chuyên nghiệp hơn về vận động hành lang. Trong các đợt đề xuất hợp pháp hóa cần sa, phe “Đồng ý” ngày càng chi tiêu nhiều hơn phe “Phản đối”: ở Alaska gấp 4 lần, ở Oregon gấp hơn 50 lần. Những người ủng hộ giàu có cũng giúp ích – ở California Sean Parker, một tỉ phú Internet, đã tặng 1 triệu Mỹ kim cho sự nghiệp này. Ở một số bang, các đề xuất bỏ phiếu đã chịu ảnh hưởng nặng nề của chính những người hy vọng sẽ bán cần sa sau khi chúng được hợp pháp hóa. Hồi tháng 11-2015, cử tri ở Ohio đã sáng suốt bác bỏ biện pháp mà nếu được thông qua thì sẽ trao độc quyền nhóm về trồng cần sa cho một số ít hãng ủng hộ biện pháp đó.

Những nỗi lo về regulatory capture [tình trạng cơ quan quản lý nhà nước bị các doanh nghiệp/tổ chức là đối tượng quản lý vận động/thao túng để lèo lái luật lệ có lợi cho mình, chứ không phải để phục vụ lợi ích chung của quốc dân] sẽ tăng theo quy mô của các doanh nghiệp có cơ may hưởng lợi. Các hãng rượu và thuốc lá lớn hiện tại nói rằng không hề quan tâm tới ngành này. Nhưng họ cũng nói tương tự trong thập niên 1960 và 1970, thời điểm mà Philip Morris và British American Tobacco, như đã được tiết lộ sau đó, quả thực có ngắm nghía thị trường đó. Brendan Kennedy, tổng giám đốc của Privateer Holdings, một hãng đầu tư cổ phiếu không niêm yết (private-equity) tập trung vào ngành cần sa, nói rằng nhiều hãng phân phối rượu đã đầu tư vào các hãng cần sa Mỹ.

Cho dù không sự can thiệp lớn như vậy, các công ty lớn có thể xuất hiện. Sam Kamin, một giáo sư luật ở Đại học Denver đã giúp soạn thảo quy định quản lý của Colorado, nghĩ rằng việc rốt cuộc liên bang hợp pháp hóa (mà sẽ cho phép buôn bán giữa các bang) có thể khiến việc trồng cần sa trở thành hoạt động giống như trồng cây hublông (hoa bia), gần như tất cả đều xuất phát từ Washington, Oregon và Idaho. Các trang trại lớn cung cấp cho thị trường toàn quốc sẽ rẻ hơn nhiều so với mô hình nhà kho địa phương hiện nay, đánh bật các hãng cung cấp địa phương ra khỏi thị trường, hoặc ít nhất là đẩy họ vào một thị trường chuyên biệt nhỏ hẹp.

Ngành cần sa cho tới nay được lợi nhờ thực tế là nhiều người bên cánh tả vốn thường vận động chống bán các chất có hại cho giới trẻ nay là những người ủng hộ mạnh mẽ việc hợp pháp hóa. Điều này có thể thay đổi với sự gia tăng của trào lưu vận động hành lang của giới kinh doanh mà, tuy hiểu rằng sự bùng nổ về nhu cầu sử dụng có thể gây nên làn sóng phản đối, có thể chẳng có mối quan tâm dài hạn về việc hạn chế sử dụng. Viễn cảnh của một trào lưu vận động hành lang như vậy cũng có thể là động cơ để các bang chủ động hợp pháp hóa, thay vì đợi công dân của mình yêu cầu. Theo ông Karmin, việc tinh chỉnh cơ chế hợp pháp hóa của Colorado đã gặp khó khăn nhiều hơn vì đề xuất bỏ phiếu năm 2012 đã đưa vấn đề hợp pháp hóa vào hiến pháp của bang. Bà Brohl, giám đốc thuế vụ Colorado, cho rằng các bang khác “có thể muốn quy định của họ được xác lập bằng luật, chứ không phải bằng đề xuất bỏ phiếu của công dân.”

Những nơi khác nhau sẽ hợp pháp hóa theo nhiều cách khác nhau: có nơi có thể chẳng bao giờ hợp pháp hóa; có nơi sẽ phạm sai sót mà về sau họ nghĩ lại và sửa sai. Nhưng những nơi hợp pháp hóa sớm có thể có ảnh hưởng lâu dài vượt ra khỏi biên giới của họ, tạo nên những chuẩn mực có tác dụng trong thời gian dài. Họ cần phải cân nhắc kỹ càng nhiều điều cần được quản lý, những điều không cần. Quản lý quá ôm đồm thì có nguy cơ đánh mất một số trong những lợi ích chủ yếu của việc tự do hóa. Nhưng như kinh nghiệm với rượu và thuốc lá cho thấy, việc siết chặt cơ chế quản lý về sau quả thực có thể rất khó.

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch từ Legalising cannabis – Reeferegulatory challenge,  The Economist, 13-2-2016.

(Bản lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 17/2/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan: Tác hại của cần sa đối với thanh thiếu niên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *