1.
Từ Toronto đi Montréal chỉ non sáu tiếng lái xe, nhưng hầu như ai cũng dừng ở rest-stop ít nhất một lần để giãn gân cốt, làm ly cà phê cho tỉnh người, đi vệ sinh, và … đổ xăng. Thường ai cũng ráng đổ đầy bình trước khi vào địa phận tỉnh Québec vì xăng bên đó đắt hơn. Thuế tiêu dùng ở Canada gồm 5% liên bang cộng với mức áp thêm (trên giá gốc chưa tính thuế liên bang) của mỗi tỉnh; Ontario thêm 8%, còn Québec thêm 9,975%.
Mua bia thì lại khác. Dân thủ đô Ottawa, Ontario, thích chạy qua Gatineau, Québec mua bia, vì chỉ vài phút chạy xe, hoặc có khi chỉ đi bộ qua cây cầu ngắn mà rẻ hơn được mấy chục phần trăm. Số là ở Québec có thể mua bia ở siêu thị hay cửa hàng tạp hóa, còn ở Ontario muốn mua chỉ có thể vào cửa hàng độc quyền thuộc chuỗi LCBO (Hội đồng Kiểm soát Rượu bia của chính quyền tỉnh) và The Beer Store (tổ chức tập hợp các hãng sản xuất bia rượu trong tỉnh).
Đổ xăng, mua bia là những ví dụ thường nhật của thành ngữ phố biến “bỏ phiếu bằng chân” (vote with one’s feet). Tất nhiên, không phải lúc nào ta cũng có thể chạy qua chỗ khác nếu không hài lòng với mức thuế của một địa phương nào đó. Nhiều quyết định có tác động lâu dài hơn nên phải cân nhắc thiệt hơn. Chẳng hạn, biết rằng thuế môi trường, thuế địa ốc cùng các phụ phí linh tinh như phí gia hạn hàng năm biển số xe ở thành phố lớn có thể cao hơn ở các vùng phụ cận, ta có thể vẫn chọn ở thành phố lớn vì con cái vẫn còn cần học ở trường tốt và tham gia hoạt động ngoại khóa ở nơi có phòng ốc khang trang, ta vẫn cần và mê hệ thống thư viện công cộng, vân vân.
Người giàu có thể chẳng màng tới các lợi ích “tủn mủn” như tầng lớp trung lưu hay thu nhập thấp. Nhưng một khi đã chạy thuế là người giàu tính chuyện chạy luôn, lắm khi sang xứ khác. Theo Businessweek, chính phủ Pháp thu được thêm 70 tỉ euro ($94 tỉ đô-la Mỹ) tiền thuế trong vòng ba năm qua, một phần là nhờ “thuế triệu phú”, đánh vào thu nhập trên một triệu euro với thuế suất 75%. Nhưng người giàu ở Pháp đang lánh sang các xứ khác để tránh thuế. Bồ Đào Nha là một điểm đến phù hợp với giá bất động sản đang rẻ, và chương trình dành cho người không thường trú của Bồ Đào Nha không đánh thuế đối với phúc lợi hưu trí nếu nhận từ nguồn nước ngoài.
Trong năm 2013, có 2.999 người từ bỏ quốc tịch hoặc thẻ xanh của Mỹ; con số tính đến nay của năm 2014 là 1.577. Một trong những trường hợp đình đám gần đây là Eduardo Saverin, đồng sáng lập viên Facebook. Với tài sản kết sù sau khi đợt IPO của Facebook, Saverin bỏ hẳn sang sinh sống ở Singapore. Công bằng mà nói, không chỉ người giàu mới tính chuyện chạy thuế. Ví dụ, do địa lý, nhiều người sinh ra ở Mỹ và lớn lên ở Canada, nên có song tịch. Vì luật thuế của Mỹ gắt gao, nhất là sau khi có Đạo luật Tuân thủ Thuế Tài khoản Nước ngoài (FATCA), nhiều người quyết tâm bỏ quốc tịch Mỹ cho yên thân.
Nhưng cá nhân chạy thuế vẫn là cò con. Doanh nghiệp, nhất là đại công ty đa quốc gia, chạy thuế thì mới mệt cho nhà nước.
2.
Tuần rồi, Burger King, chuỗi cửa hàng burger lớn thứ nhì ở Mỹ, mua Tim Hortons, chuỗi cửa hàng cà phê được ưa chuộng nhất Canada, với giá 11,4 tỉ đô-la Mỹ. Mặc cho lãnh đạo công ty tán tụng các lợi ích cộng hưởng và mở rộng thị trường của thương vụ tạo nên công ty fast-food lớn thứ ba thế giới, khi biết công ty mới sáp nhập sẽ chuyển tổng hành dinh về Canada, giới quan sát thốt lên: “À há, đích thị là tax inversion (tạm dịch là đảo nghịch thuế)”.
Inversion là một cách tránh thuế hợp pháp. Theo The Economist, Mỹ đánh thuế doanh nghiệp với thuế suất cao nhất (35%) trong 34 nước OECD. Nhưng luật thuế doanh nghiệp của Mỹ có nhiều lỗ hổng lớn mà các công ty có thể lợi dụng để giảm thuế. Inversion là một lỗ hổng cho phép công ty tái đăng ký thành lập ở nước ngoài, tuy chỉ trên danh nghĩa, trong khi vẫn giữ cơ cấu hoạt động tại thị trường nội địa.
Thuế doanh nghiệp Mỹ đánh vào lợi nhuận cả ở Mỹ lẫn ở nước ngoài. Lợi nhuận ở nước ngoài chỉ đóng thuế khi đưa về Mỹ, nên các công ty đa quốc gia của Mỹ hiện nay giữ lại khoảng 2.000 tỉ đô-la ở nước ngoài. Các công ty có hoạt động ở nước ngoài phải đóng bù mức chênh lệch giữa thuế suất nước ngoài và ở Mỹ. Ví dụ, trước khi sáp nhập, lợi nhuận tại Ontario của Burger King phải đóng thuế tổng cộng 26,5% ở Canada (gồm 15% ở cấp liên bang và 11,5% ở tỉnh Ontario), và đóng phần chênh lệch 8,5% thuế ở Mỹ.
Trong khi đó, thuế ở Canada và nhiều nước áp dụng theo nguyên tắc lãnh thổ, tức là lợi nhuận làm ra ở đâu nộp thuế ở đó. Sau khi sáp nhập và đăng ký thành lập ở Ontario, công ty sẽ chỉ đóng 26,5% trên lợi nhuận làm ra ở Canada, và các mức thuế sở tại cho hoạt động ở các nước trên thế giới, ví dụ 35% ở Mỹ, 12,5% ở Ireland và 21% ở Anh.
Để tận dụng inversion, một công ty ở Mỹ mua công ty ở nước ngoài và đăng ký địa chỉ hợp pháp của mình ở nước ngoài đó. Những nơi như Ireland, Thụy Sĩ và Bermuda thường là các địa điểm được ưa chuộng vì thuế suất doanh nghiệp khá thấp. Tuy nhiên, sự thay đổi địa chỉ này chỉ cần trên giấy tờ. Công ty kết hợp mới, giống như vụ sáp nhập Burger King-Tim Hortons, có thể lập một công ty đầu tư vốn (holding company) ở nước có thuế suất thấp hơn. Yêu cầu bắt buộc duy nhất về địa bàn kinh doanh thực tế là công ty phải có một phần tư hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, hoặc cổ đông của công ty nước ngoài bị mua lại phải nắm 20% vốn của công ty mới thành lập.
Hình thức inversion ngày càng phổ biến. Theo tờ The Wall Street Journal, kể từ tháng 1/2013, 19 công ty (chỉ riêng từ đầu năm 2014 đến nay có 14) đã công bố kế hoạch tái đăng ký thành lập ở nước ngoài vì mục đích thuế. Theo Ban nghiên cứu Quốc hội Mỹ, từ năm 1983 đã có 76 công ty tận dụng inversion, riêng con số của thập niên vừa qua là 47. Cho đến gần đây, xu hướng này chỉ diễn ra trong ngành sản phẩm y khoa và dược phẩm.
Quốc hội Mỹ ước tính nếu hạn chế inversion thì ngân sách có thêm được 19,5 tỉ đô-la trong mười năm. Tổng thống Obama lên án inversion là hành động “không yêu nước”, và hứa sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn chặn trào lưu này. Chính phủ Mỹ đang nghiên cứu những cách thay đổi luật thuế, trong đó có tăng ngưỡng sở hữu vốn của nước ngoài từ 20% lên 50%. Obama đề xuất giảm thuế suất xuống còn 28% nhưng giữ cách đánh thuế toàn cầu. Dave Camp, hạ nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa, đề xuất thuế suất 25%, mức trung bình của OECD, và chuyển sang cách đánh thuế theo lãnh thổ.
Hai bên vẫn còn bất đồng vì gắn chuyện này với nhiều vấn đề khác. Obama muốn cải cách thuế làm sao để có nguồn thu nhiều hơn cho những chi tiêu như cơ sở hạ tầng công cộng. Đảng Cộng hòa lại muốn kết hợp với giảm thuế suất cá nhân (mà Obama không muốn). Obama đã dọa sẽ tìm cách dùng các quyền lực hành pháp của mình để chặn đứng làn sóng tránh thuế này nếu ông không đạt được một giải pháp với Quốc hội Mỹ. Theo Forbes, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew có thể công bố các hạn chế về inversion trong tháng 9 này.
(Bài đã đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 4/9/2014. Bài trên blog này là bản đầy đủ, chưa biên tập.)
@ 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
2 thoughts on “Chạy thuế”