Nhà Nước Hồi Giáo: rạn nứt và ngắc ngoải

ISKhi các chiến binh thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm Mosul và quân đội Iraq rút chạy hồi tháng 6 năm ngoái, chúng trở thành tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới. Từ Syria và tây bắc Iraq, chúng nhanh chóng tràn xuống phía nam, suýt chiếm được thủ đô Baghdad. Chúng hành quyết tù nhân nam giới trong những video ghê rợn và bắt phụ nữ làm nô lệ. Các nhóm từ Nigeria tới Libya và Afghanistan thề trung thành với chúng. Những kẻ sùng bái chúng tấn công dân thường ở các thành phố phương Tây; hồi trung tuần tháng 3 ít nhất 19 người bị giết trong một cuộc tấn công du khách ở Tunisia (dù chưa biết thủ phạm là ai). Mối đe dọa IS đã kết nối những đồng minh bất đắc dĩ với nhau: ở Iraq, Mỹ hỗ trợ không lực trong khi Iran hậu thuẫn các lực lượng trên bộ.

IS khác với các nhóm thánh chiến khác trước đây, trong đó có al-Qaeda, tổ chức đã sinh ra nó. IS tàn bạo khác thường trong cách đối xử với kẻ thù và biết tuyên truyền điêu luyện khác thường. Nhưng điều khiến IS khác biệt nhất là tổ chức này tuyên bố đã phục hồi caliphate. Sự phục hồi nhà nước độc nhất để cai trị tất cả các tín đồ Hồi giáo (có từ thuở xa xưa nhất của Hồi giáo và bị nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại bãi bỏ vào năm 1924 sau sự sụp đổ của đế chế Ottoman) có mục đích nhằm xóa bỏ hàng chục năm bị cho là bị sỉ nhục bởi những kẻ ngoài cuộc và giới cai trị Ả Rập nắm quyền trong thời kỳ suy vong của các xã hội Ả Rập vốn thịnh vượng.

Lời hiệu triệu của caliphate đã khích động được những kẻ cuồng tín. Hàng ngàn người đã thực sự đổ xô đến gia nhập để chiến đấu cho và xây dựng thiên đường Hồi giáo ảo tưởng; đến cả các nữ sinh cũng từ bỏ gia đình và bạn bè ở Châu Âu. Tuy nhiên, ngay cả trong lúc IS vẫn tiến hành các cuộc tấn công khủng bố, tin tốt lành là những rạn nứt trong caliphate đang ngày càng lộ rõ. IS đang mất dần lãnh thổ, tài chính, và sự đồng tình của người dân đang được chúng cai trị.

Hiện trạng của IS

Nằm trong chiếc quan tài là thi thể của chiến binh trẻ mới nhất thiệt mạng ở tiền tuyến của cuộc chiến với IS. Nhưng chẳng mấy tín đồ tới đền thờ Lãnh tụ Hồi giáo Ali ở Najaf để ý. Ở một bên là những người phụ nữ than khóc tại điện thờ Ali, con rể của Đấng Tiên Tri Muhammad và là người đã trở thành caliph (Hồi vương) thứ tư. Cái chết của caliph này có thể được xem là sự khởi đầu sự chia rẽ giữa hai phe Hồi giáo Sunni và Shia. Ở bên kia là một nhóm những người hành hương từ Iran ngồi yên cầu nguyện. Bài thuyết giáo phát trên loa ầm ĩ đang bàn về hôn nhân, chứ không phải chiến tranh. Trong khuôn viên xung quanh đền thờ này, các gia đình tụ tập đông đúc và thức ăn thừa của các buổi dã ngoại vung vãi trên nền đất.

Mùa hè năm ngoái, người dân Najaf, ngay trung tâm của Hồi giáo Shia ở Iraq, sợ IS đến chết khiếp. Chiến binh IS từ các cứ điểm lẻ tẻ ở Syria và tây bắc Iraq tràn đến chiếm quyền kiểm soát phần lớn vùng Hồi giáo Sunni của đất nước. Chúng chỉ còn hơn chục cây số nữa là chiếm được thủ đô Baghdad và cũng đe dọa Erbil, thủ phủ của vùng tự trị của người Kurd ở phía bắc. Hồi tháng Sáu, IS tuyên bố tái thiết lập caliphate. Nhưng khác với caliphate của Ali, nhà nước Hồi giáo này có định nghĩa về người Hồi giáo mang tính loại trừ rất cao: không dành cho tín đồ Shia, và nhiều tín đồ Sunni cũng không đủ tiêu chuẩn.

Việc tuyên bố thiết lập caliphate trên lãnh thổ nằm giữa Iraq và Syria đóng vai trò trọng tâm trong mối đe dọa cụ thể của IS. Tuy cũng nhắm tới một caliphate, al-Qaeda xem đó là kết quả cuối cùng của việc thu phục tín đồ Hồi giáo đi theo đại nghĩa của mình; còn IS xem đó là điều, nếu áp đặt bằng vũ lực, sẽ thu hút tín đồ Hồi giáo tốt đi theo mình. Sự khác biệt về quan điểm này lý giải phần nào việc hai phong trào này chia tay nhau cách đây hai năm.

Đưa caliphate vào phạm trù hành động, chứ không phải là lời nói, bằng cách biến nó thành một nhà nước thực sự là một trong những điều khiến IS đặc biệt thành công trong việc chiêu binh từ nước ngoài. Địa điểm của caliphate này cũng hữu ích; Bilad al-Sham, như cách gọi vùng Levant (vùng Trung Cận Đông), có một vị trí đặc biệt trong trí tưởng tượng của người một lòng sùng đạo. Những lời tiên tri về ngày tận thế có liên quan tới Dabiq, một vùng ở miền bắc Syria nay do IS kiểm soát, và được dùng để đặt tên cho tạp chí tiếng Anh của IS.

Đánh chiếm lãnh thổ

Phiến quân thường quản lý các dịch vụ trên những lãnh thổ do chúng kiểm soát, nhưng hiếm có phiến quân nào tuyên bố lập nhà nước, và chắc chắn không trên quy mô như IS đang làm. Dân số hiện thuộc quyền kiểm soát của IS khoảng 8 triệu người.

Caliphate tạo vẻ trọng đại và một uy quyền nhất định, dù đại đa số người Hồi giáo không thừa nhận nó. Lãnh thổ cung cấp tài nguyên, Nhưng các nhu cầu của một nhà nước phải bành trướng khiến càng khó tiếp tục thành công. IS cần tiếp tục lớn mạnh vừa để gây ngân quỹ vừa vì caliphate phải trở nên phổ quát. Đồng thời, IS phải cai trị lãnh thổ do chúng chiếm giữ để chứng minh rằng chúng không chỉ là một đám khủng bố như mọi đám khác.

Có vẻ như IS đã đặt kỳ vọng quá cao. Kể từ tháng 8 năm ngoái, bước bành trướng của chúng đã khựng lại, và chúng đã bị đánh lùi trên phần lớn các vùng của Iraq. Chính vì vậy, ở Najaf và trong chừng mực nào đó là ở Baghdad, cuộc chiến chống IS không còn giống như một cuộc đấu tranh sinh tồn, mà giống như một cuộc chiến như mọi cuộc chiến khác. Nguồn thu mà IS sống dựa vào cũng đã bị giảm. Và có một số bằng chứng có tâm lý bất bình gia tăng bên trong lãnh thổ do chúng chiếm giữ, và trong chính các thành viên IS.

20150330_ISIS

Liên minh chống IS do Mỹ tổ chức sau khi thủ tướng Iraq Nuri-al Maliki rời nhiệm sở vào tháng 8/2014 hiện nay có khoảng 60 nước tham gia; liên minh này thường thực hiện cả chục vụ oanh tạc mỗi ngày. Mỹ đã cấp vũ khí cho quân đội Iraq và lực lượng vũ trang của chính quyền tự trị của người Kurd; Mỹ đang huấn luyện binh lính Iraq và cho biết đang chuẩn bị huấn luyện cho một lực lượng nhỏ của những phiến quân chống IS ở Syria.

Tuy nhiên, tại hầu hết các vùng ở Iraq, phần lớn hoạt động chiến đấu đang do dân quân Shia được Iran hậu thuẫn thực hiện. Khi cuộc tấn công của IS ở cao trào, Đại Giáo chủ Ali al-Sistani, một trong những giáo sĩ hàng đầu của Hồi giáo Shia, ra một fatwa (phán quyết) kêu gọi nam tín đồ Shia gia nhập Hashid al-Shabi, một tổ chức chung của chủ yếu là các dân quân tình nguyện Shia. Có ít nhất 100.000 người đã đăng ký tham gia.

Iran đã cấp tiền và vũ khí cho Hashid al-Shabi; dù nhóm dân quân này trên danh nghĩa thuộc quyền của chính phủ Iraq, nói chung đây là một tổ chức của Iran. Iran cũng có nhiều ảnh hưởng đối với quân đội được Mỹ huấn luyện, đội quân đã rệu rã và bị xem là chia rẽ giáo phái dưới thời thủ tướng Maliki, và đã cử các cố vấn, trong đó có Qassem Suleimani, chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của mình, sang giúp quân đội này. Được Tướng Suleimani tận tay giúp đỡ, Baghdad hiện nay được bảo vệ vững chắc, và máy bay có thể vào ra an toàn. Lệnh giới nghiêm 12 giờ đã được bãi bỏ, cho phép người dân Iraq nhẩn nha trên bờ sông Tigris để hút tẩu shisha vào sáng sớm. Các thương xá và quán cà phê đông đúc, tấp nập. Khung cảnh hiện nay thoải mái, dễ chịu hơn nhiều so với bất cứ thời điểm nào kể từ sau cuộc xâm lược do Mỹ đứng đầu vào năm 2003.

Quân đội Iraq và nhiều nhóm dân quân Shia đang chiến đấu trên năm mặt trận ở tỉnh Salaheddin về phía đông bắc của thủ đô và dường như sắp chiếm được thủ phủ Tikrit, dù bước tiến về thành phố này có vẻ bị chựng lại hôm 13/3. Quân đội cho biết đã yêu cầu Mỹ không kích.

Người Kurd đã giành lại tất cả những gì họ xem là của mình. Tiền tuyến của họ được hỗ trợ bằng không lực và được bảo vệ kiên cố. Một nhà ngoại giao nói: “Giống như Đệ nhất Thế chiến dọc theo biên giới cả ngàn cây số đó.” Thỉnh thoảng IS thực hiện các đợt tấn công thâm nhập chiến tuyến đó – có một cuộc tấn công dữ dội vào Kirkuk hồi tháng Giêng – nhưng chúng ít khi vào được hơn năm cây số trong lãnh thổ của người Kurd.

Tính chung, IS đã bị tước mất khoảng 13.000 cây số vuông đất đai, giảm khoảng một phần tư lãnh thổ mà chúng chiếm giữ lúc cao điểm. Giới chức Mỹ ước tính có khoảng 1.000 chiến binh thiệt mạng chỉ trong trận Kobane, một thị trấn của người Kurd trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ mà IS đã cố đánh chiếm trong nhiều tháng nhưng bất thành. Theo Hisham al-Hashimi, một nhà phân tích IS người Iraq ở Baghdad, 17 trong số 43 chỉ huy cao cấp nhất của IS đã bị hạ. Dù bị tổn thất nhiều, những người chiến đấu ở tiền tuyến nói rằng không có dấu hiệu cho thấy IS đang thiếu hụt nhân lực. Việc chiêu mộ chiến binh vẫn tiếp tục đáp ứng.

Nếu như áp lực quân sự chưa làm giảm đáng kể quân số chiến binh IS, nó đang có những tác động khác. Hussam Naji Sheneen Thaher al-Lami, một cựu thành viên IS hiện đang ở tù tại Baghdad, nói rằng IS sợ các cuộc không kích. Không kích khiến IS không thể dùng xe vận chuyển hàng tiếp liệu. Và cách chiến đấu của IS đang thay đổi. Saad Maan thuộc Bộ Nội vụ Iraq, nói: “Trước đây, chúng quyết thắng hoặc liều chết. Nay chúng đôi khi rút lui.

Naim al-Obeid thuộc Asaib Ahl al-Haq, một trong những nhóm dân quân Shia khét tiếng nhất Iraq, nói: “Chúng không chiến đấu với chúng tôi trên bộ. Thay vì thế, chúng cài bom tự chế và dùng những kẻ đánh bom tự sát.” Ông Maan nói rằng các lực lượng Iraq đã “bẻ gãy ý chí của IS”; những người khác thấy một cách phản ứng chiến thuật đối với tình hình mới.

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Vai trò chủ đạo của các nhóm dân quân Shia là một vấn nạn trong việc giành lại lãnh thổ từ tay IS. Cư dân ở các vùng lãnh thổ chủ yếu của IS chủ yếu là người Sunni chống đối chính quyền quốc gia của họ do chế độ áp bức của tổng thống Bashar Assad ở Syria và sự thiên vị người Shia của thủ tướng Maliki ở Iraq. Họ chẳng mặn mà gì với người Shia có vũ trang. Vấn nạn này tới nay chưa đến nỗi không thể khắc phục, nhưng cho tới nay các chiến dịch chủ yếu diễn ra ở những nơi có người Shia và người Sunni xen lẫn nhau.

Dù nhóm Hashid al-Shabi cẩn thận không tự bộc lộ tính dân tộc chủ nghĩa – những quan tài ở Najaf được quấn bằng cờ màu đỏ, trắng và đen của Iraq chứ không phải cờ đen quấn các quan tài khác trong đền thờ – tổ chức này gần như chỉ toàn người Shia. Đối với nhiều dân quân, cuộc chiến đấu này rõ ràng có tính giáo phái.

Người Mỹ chẳng muốn tham gia các chiến dịch với dân quân Shia; một số dân quân Shia đã chiến đấu chống lại Mỹ – một cách khốc liệt, trong trường hợp Asaib Ahl al-Haq – trong thời gian Mỹ chiếm đóng sau năm 2003. Về phần mình, dân quân và người Iran không thích được không lực Mỹ hỗ trợ như quân đội Iraq. Do vậy đã không có các cuộc không kích ở Tikrit.

Đã vậy dân quân còn có tiếng là tàn bạo và xử tử không cần xét xử. Cách hành xử như vậy ở Tikrit sẽ có tác động đối với bước tiến rốt cuộc sẽ tới Mosul, thành phố lớn hơn nhiều và là nơi tụ hội ban đầu của bè lũ thánh chiến trước đây từng ủng hộ al-Qaeda và nay điều hành IS. Một số người cho rằng Mosul, chứ không phải Raqqa, thành phố ở miền đông Syria mà IS rút đến đóng quân, là thủ phủ thực sự của caliphate. Theo một phụ nữ sống ở đó, nhiều cư dân vốn từng vui mừng thấy quân đội của thủ tướng Maliki rút đi khi IS tràn đến nay trông mong dân quân Shia tiến đến như một hình thức trả thù.

Vì tổ chức Hashid al-Shabi không được người Sunni tin tưởng, một lực lượng chiến binh và cảnh sát địa phương mới đang được huấn luyện cho Mosul, theo Osama al-Nujaifi, một trong những phó tổng thống của Iraq và là một người Sunni quê ở thành phố này. Một số người nghi ngờ liệu lực lượng này biết tới bao giờ mới sẵn sàng, hoặc liệu nó thể điều phối với các lực lượng khác. Như vậy càng khiến không rõ liệu các cuộc tấn công IS có thể tiếp tục xa tới đâu và nhanh chừng nào. Tuy một số quan chức Mỹ đã cho rằng một cuộc tấn công vào Mosul có thể bắt đầu vào mùa xuân năm nay, một nhận xét như vậy rõ ràng là nóng vội khi chưa biết rõ nhóm nào sẽ chiến đấu.

Ở Syria, nơi chẳng có mấy kẻ thù trên trận địa, IS giữ được phần lớn lãnh thổ đã chiếm được. Dù đã bị các lực lượng người Kurd ở Syria ở miền đông bắc đẩy về phía nam, IS đang từ từ tiến dần về phía tây vào sa mạc tiếp giáp Hama và Homs, nơi các mỏ dầu hiện đang do chế độ của tổng thống Assad nắm giữ.

Tuy nhiên, khó nói được liệu chiếm được nhiều dầu hơn có giúp ích gì cho IS hay không. Máy bay của liên minh rất giỏi đánh trúng các hệ thống khai thác dầu; hôm 8/3 họ đã phá hủy một nhà máy lọc dầu của IS gần Tel Abyad ở miền bắc Syria. Ông Hashimi ước tính rằng IS đã mất ba phần tư lợi tức từ dầu kể từ khi liên minh bắt đầu không kích, và bị đẩy vào thế khốn khó. IS không có triển vọng thu thêm tiền chuộc cho các con tin phương Tây. Ngân quỹ của các ngân hàng ở Mosul đã bị cướp bóc. IS có thể kiếm tiền bằng cách bán các vật phẩm văn hóa mà chúng đã không phá hủy vì lý do tôn giáo (hóa ra sự phá hủy đó có thể tăng thêm giá trị cho những gì còn nguyên vẹn), nhưng, ngoài những việc đó, IS chỉ còn lại nguồn tiền do các chiến binh mới mang tới, thu được bằng tống tiền và thuế đánh trên danh nghĩa zakat (tiền hiến tặng của người Hồi giáo).

Thiếu tiền là một nguyên nhân khiến IS đang rệu rã, ngắc ngoải, không đảm nhận nổi vai trò một nhà nước. Ban đầu, IS cung cấp dịch vụ trọn vẹn, trong đó có trường học (dù với chương trình học bị thay đổi: không dạy tiếng Anh, bắt học kinh Koran nhiều hơn), bệnh viện và điện. Gần đây tình hình vá víu hơn; tình hình có thể còn vá víu hơn nữa nếu như các chính phủ Iraq và Syria ngừng trả lương công chức ở các vùng do IS kiểm soát. Những người Syria đào thoát khỏi Raqqa than phiền về rác ngập đầy đường phố và thiếu điện. Các chiến binh vẫn được trả lương, từ $90 tới $500 mỗi tháng, cộng thêm phụ cấp cho vợ con, nhưng Hashimi nói hiện nay họ nhận được ít tiền hơn để trang trải tiền thuê nhà và đi lại.

Người phụ nữ sống ở Mosul nói các dịch vụ vẫn hoạt động. Điều đó có thể thay đổi. Chlorine, dùng để cung cấp nước uống an toàn, đã hết. Những điều như vậy gây phương hại những tuyên bố cai trị của IS và gây tâm lý bất bình ở những người Iraq thuộc giáo phái Sunni ban đầu hoan nghênh IS. Đó không phải là những điều gây bất mãn duy nhất. Người phụ nữ này nói: “Khi IS đến, người dân ở Mosul vui mừng. Nhưng nay nhiều người thấy họ chẳng khá gì [hơn quân đội của thủ tướng Maliki] – vô cớ bắt bớ đàn ông, vòi tiền người ta và buộc người ta đóng cửa tiệm và phải đóng tiền mới được mở cửa lại.”

Cuộc sống vẫn còn chịu được đối với những người chấp nhận chế độ cai trị theo luật Hồi giáo của IS hoặc xem đó là lực lượng chống lại sự thanh trừng của chế độ tàn bạo của tổng thống Assad hay chính quyền do người Shia đứng đầu ở Iraq. Nhưng khi tình hình khó khăn hơn, IS ngày càng trấn áp. IS theo dõi dân thường và các chiến binh của chính mình và áp dụng hình phạt tàn nhẫn đối với các vi phạm: gần đây một chiến binh IS được tường thuật là đã bị chặt đầu vì đã quá thích thú chặt đầu người khác. Tất cả mọi người phải tuân theo các quy tắc xã hội hà khắc của IS, trong đó có cấm hút thuốc và bắt buộc mang niqab (khăn trùm đầu và che mặt của phụ nữ).

Chẳng đáng ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy người ta bất bình với chế độ IS, nhất là ở lãnh thổ Syria. Nguồn gốc Iraq của hầu hết các lãnh tụ cao cấp khiến IS bị nhiều người xem là kẻ chiếm đóng. Một số nhân vật IS ở Syria đã bị ám sát, và IS đã luân chuyển các hoàng thân của mình (tức những người nắm quyền ở địa phương) vì lo ngại có đảo chính do những tranh chấp giữa chiến binh ngoại quốc và địa phương (chiến binh ngoại quốc được trả lương cao hơn). Được biết IS đã áp dụng các biện pháp mới để khó bỏ trốn hơn, nghĩa là ngày càng có nhiều chiến binh tìm cách bỏ trốn.

Về mặt này, các thủ thuật tuyên truyền ngày càng gây sốc của IS, nhưng thiêu sống một phi công Jordan bị bắt và san bằng cố đô Nimrud của Iraq, có thể được diễn giải là kiểu hung hăng che đậy điểm yếu. Nhưng dường như điều đó chưa dập tắt nguồn cung cấp ít ỏi các đối tượng có thể được chiêu mộ phấn khích vì lời hứa xây dựng một nhà nước mới của IS. Các chiến binh tiếp tục từ nước ngoài đổ đến, phần lớn từ thế giới Ả Rập, nhiều nhất là người Tunisia và người Ả Rập Saudi, nhưng cũng có nhiều người từ phương Tây.

Cá mập chết vẫn để lại xác tanh

Nếu không thế tiến tới, caliphate rất có thể sụp đổ, coi như kết liễu những ảo vọng của IS muốn đạt tới tầm quan trọng lịch sử. Ở những nơi IS đã bị đánh bật, IS đã trông giống như một tổ chức khủng bố tầm thường như trước khi chúng bắt đầu công cuộc chiếm đất. Từ khi Yusufieh, một thị trấn ở phía nam Baghdad, được giải phóng khỏi chế độ IS, thị trấn này đã bị đánh bom nhiều lần. “Bọn Safavid” và “bọn thập tự chinh”, như cách IS gọi Iran và phương Tây, chỉ là chuyện thứ yếu; giết kẻ thù địa phương là chuyện quan trọng nhất của IS.

Tuy vậy, phần nào trong cái sức quyến rũ quốc tế của IS có thể sống lâu hơn caliphate của IS, và các cựu chiến binh của IS chắc chắn sẽ phân tán đi khắp thế giới. Những cuộc tấn công nhân danh IS đã xảy ra từ Sydney tới Paris. Brett McGurk, một quan chức Mỹ, nói: “Chúng ta chưa bao giờ thấy một mối đe dọa khủng bố như thế này. Và các chiến binh còn rất trẻ, nên mối đe dọa này vẫn còn tới cuối đời chúng ta.”

Tiêu diệt IS hoàn toàn vẫn còn xa vời. Tuy IS là một nguyên nhân gây hỗn loạn ở Trung Đông, nó cũng là một triệu chứng. Ý thức hệ của IS khai thác tâm lý của người Hồi giáo Sunni xem mình là nạn nhân. Tổ chức này đã bén rễ trên toàn khu vực, và nhất là ở những nơi nhà nước sụp đổ. Đánh bại IS suy cho cùng là chuyện tái thiết các chính phủ ở thế giới Ả Rập – một công việc sẽ mất mấy chục năm. Chặn đứng caliphate chỉ là bước hệ trọng đầu tiên.

Khương An

Tổng hợp từ The caliphate cracks, và The pushback, The Economist 21/3/2015.

(Bài tổng hợp, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 1/4/2015.)

Bản tiếng Việt © 2015 Phạm Vũ Lửa Hạ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *