Phiến quân cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS) đã đánh chiếm được nhiều vùng rộng lớn ở Iraq và Syria, khiến thế giới chú ý bằng năng lực quân sự và tính tàn bạo giết người không gớm tay. Nhưng các cơ quan tình báo phương Tây cũng lo ngại về việc chúng sử dụng điêu luyện các vũ khí tưởng chừng ít tác hại hơn: đó là các video tân tiến, hình ảnh trận địa chụp từ máy bay không người lái và các thông điệp bằng nhiều ngôn ngữ trên Twitter.
ISIS đang dùng tất cả các phương thức tuyên truyền đương đại để mộ quân, uy hiếp kẻ thù và cổ xúy cho tuyên bố của chúng là đã thành lập một caliphate, một nhà nước Hồi giáo thống nhất được quản lý theo cách diễn giải hà khắc luật Hồi giáo. Nếu đức tin mù quáng đến nỗi không chấp nhận các tôn giáo khác, và những vụ chặt đầu của chúng dường như xuất phát từ thời xa xưa, cách chúng sử dụng các phương tiện truyền thông lại rất tân thời.
Điểm qua số lượng đáng kể các ấn phẩm và thông tin trên mạng của nhóm phiến quân này, ta sẽ thấy lắm điều ngạc nhiên. Ví dụ, hoạt động tuyên truyền của ISIS rất hiếm khi kêu gọi thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào phương Tây, mặc dù video khét tiếng nhất của chúng (đối với người Mỹ), được công bố cách đây hai tuần, chiếu cảnh chặt đầu ký giả Mỹ James Foley, đe dọa một con tin Mỹ khác, và nói rằng các cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào ISIS “sẽ dẫn tới cuộc tắm máu” của người Mỹ. Thông điệp này khác hẳn với gần như tất cả các sản phẩm tuyên truyền khác nhau của ISIS vốn tập trung cổ xúy mục tiêu tối thượng của chúng là bảo vệ và mở rộng nhà nước Hồi giáo. Giới chuyên gia cho rằng điều này có thể nhanh chóng thay đổi, nhưng hiện thời điều này phân biệt ISIS rạch ròi với Al Qaeda, vốn lâu nay xem các cuộc tấn công nhắm vào phương Tây là ưu tiên hàng đầu của mình.
Và tuy ISIS có thể được xây dựng trên nền tảng bạo tàn, dường như tổ chức này chủ tâm chứng tỏ sự sắc sảo về bộ máy hành chính của cái nhà nước mà chúng tuyên bố đang xây dựng. Hai báo cáo thường niên cho tới nay của chúng đầy rẫy thông tin kế toán kiểu jihad (thánh chiến Hồi giáo), với số liệu thống kê theo dõi mọi hoạt động từ “số thành phố chiếm được” và “số vụ giết người bằng dao” của các lực lượng ISIS đến “số chốt kiểm tra được thiết lập” và thậm chí “số kẻ bội giáo đã bị buộc phải ăn năn”.
Bộ phận truyền thông của ISIS lồng chiến dịch tuyên truyền của mình trong bối cảnh lịch sử, mở cuộc tấn công trực diện vào sự chia cắt các quốc gia và các ranh giới ở Trung Đông do các cường quốc phương Tây vẽ lại sau Đệ nhất Thế chiến. Trong tạp chí bằng tiếng Anh của mình, ISIS lập luận rằng “những chia cắt Thập tự chinh” này và các lãnh tụ Ả Rập hiện đại của các vùng này là chiến lược chia để trị nhằm mục đích ngăn cản không cho người Hồi giáo thống nhất “ dưới một imam [lãnh tụ] giương cao ngọn cờ chân lý”.
Tâm lý bất bình với lịch sử đó là một chủ đề lâu đời của Al Qaeda và các nhóm Hồi giáo ôn hòa hơn. Điểm khác biệt là nhờ chiếm giữ được lãnh thổ rộng lớn và vũ khí hạng nặng, vơ vét được lắm tiền của các vụ bắt cóc [lấy tiền chuộc], buôn lậu dầu, cướp ngân hàng và bảo kê, ISIS tuyên bố đã có bước đầu tiên quan trọng trong quá trình tiến tới chỉnh đốn điều mà chúng cho là một sai lầm từ xa xưa, tạo nên một nhà nước Hồi giáo thống nhất mà các quốc gia hiện tại sẽ bị gộp hết vào đó.
ISIS uốn nắn kỹ lưỡng nội dung quảng bá mộ quân của mình, gởi các thông điệp khác nhau một trời một vực tới người Hồi giáo ở phương Tây và những ai ở ngay trong lòng chúng. Nhưng hình ảnh về sức mạnh không thể cản nổi tràn ngập trong tất cả các thông điệp do chúng truyền tải.
Lời quảng bá này có công hiệu. Cuộc phiến loạn ở Syria và Iraq đã thu hút tới khoảng 2.000 người phương Tây, trong đó có khoảng 100 người Mỹ, và hàng ngàn người khác từ Trung Đông và các nước khác, dù một số đã quay về nước. Giới chuyên gia tin rằng phần lớn những người vẫn còn ở lại hiện nay đang chiến đấu trong hàng ngũ ISIS.
Emile Nakhleh, một cựu chuyên viên phân tích của C.I.A., nói: “Luận điểm chủ đạo là thành công tạo nên thành công. Nhận thức về các chiến thắng chớp nhoáng, chiếm được lãnh thổ, vũ khí và căn cứ có nghĩa là họ không cần phải cố gắng cật lực để mộ quân.”
Ông Nakhleh cho rằng trong hai thập niên, Osama bin Laden đã bàn về việc tái lập caliphate, nhưng hắn chưa bao giờ tuyên bố đã làm điều đó. Ông Nakhleh nói: “Thanh niên nhìn vào ISIS và thốt lên ‘Trời đất, họ đang làm chuyện đó!’ Họ thấy những video chiếu cảnh các chiến binh cưỡi xe tăng. Họ thấy là ISIS có tiền.”
Trước khi ISIS chiếm thành phố Mosul ở Iraq hồi tháng 6, các phe phái tham chiến ở Syria đang chiêu mộ từ Châu Âu, theo Thomas Schmidinger, một nhà chính trị học thuộc Viện Đại học Vienna. Ông nói: “Nhưng kể từ khi Mosul thất thủ, gần như ai cũng về với ISIS.”
Trong quá trình tiến hóa của hoạt động tuyên truyền jihad hiện đại, Bin Laden đại diện cho thế hệ thứ nhất, với kiểu diễn thuyết dông dài bằng tiếng Ả rập rất trang trọng trước một ống kính camera cố định. (Các video của hắn phải được chuyển lậu để Al Jazeera hoặc một đài truyền hình khác phát sóng.) Nhân vật nổi bật nhất của thế hệ thứ hai là ngôi sao YouTube Anwar al-Awlaki, giáo sĩ sinh ra ở Mỹ và bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Yemen năm 2011. Anwar al-Awlaki phát biểu bằng tiếng Anh thông tục nhắm tới đối tượng người nghe phương Tây, có một blog và trang Facebook, và góp phần xuất bản tạp chí in màu bằng tiếng Anh tên là Inspire.
ISIS là jihad trực tuyến phiên bản 3.0. Hàng chục tài khoản Twitter truyền bá thông điệp của chúng, và chúng đăng nhiều bài phát biểu quan trọng bằng bảy thứ tiếng. Các video của chúng vay mượn phong cách của ngành quảng cáo và điện ảnh Mỹ, từ các video game chiến đấu và các bộ phim truyền hình cáp, và các bản tin giật gân của chúng được lặp lại và thổi phồng trên mạng xã hội. Khi các tài khoản của chúng bị chặn, các tài khoản mới xuất hiện ngay lập tức. Chúng cũng dùng các dịch vụ như JustPaste để đăng các bản tóm tắc chiến trận, SoundCloud để công bố các bản tin audio, Instagram để chia sẻ hình ảnh, và WhatsApp truyền bá đồ họa và video.
John G. Horgan, một nhà tâm lý học ở Viện Đại học Massachusetts tại Lowell, đã nghiên cứu khủng bố từ lâu. Ông nói: “Chúng rất điêu luyện trong việc nhắm tới một đối tượng khán thính giả trẻ tuổi. Có một lời cầu khẩn: ‘Hãy là một phần của điều lớn hơn bản thân bạn và hãy tham gia ngay bây giờ.”
Fawaz A. Gerges, một giáo sư ở Trường Kinh tế London và tác giả của cuốn “The Far Enemy: Why Jihad Went Global” (Kẻ thù ở xa: Tại sao thánh chiến Hồi giáo vươn ra toàn cầu) nói rằng cho đến nay ISIS thường xuyên tập trung vào đối tượng mà phiến quân gọi là “kẻ thù ở gần” – tức là lãnh tụ của các nước Hồi giáo như Bashar al-Assad của Syria – chứ không phải “kẻ thù ở xa” là Mỹ và Châu Âu. Ông nói: “Cuộc đấu tranh chống lại người Mỹ và người Israel là điều xa xôi, không phải là ưu tiên. Việc đó phải đợi tới khi giải phóng được ở quê hương.”
Al Qaeda thường nhấn mạnh ưu điểm đối với mạng lưới khủng bố của những kẻ ủng hộ mang hộ chiếu phương Tây và có thể tấn công ở các nước đó. Nhưng một nghi thức gia nhập công khai phổ biến cho những kẻ mới được ISIS chiêu mộ là xé bỏ hay đốt hộ chiếu của mình, thể hiện quyết tâm một đi không trở lại và tận tụy vì nhà nước Hồi giáo.
Một video được trau chuốt kỹ lưỡng khoảng 10 phút của ISIS dường như được quay ở Syria năm 2013 có nói về một chiến binh người Canada. André Poulin, từ Timmins, Ontario, nói mình cũng giống như bất cứ “người Canada bình thường” nào khác trước khi cải đạo sang Hồi giáo. “Tôi xem hockey. Tôi đi nghỉ ở nhà cottage vào mùa hè. Tôi thích câu cá. Tôi là một người bình thường. Mujahedeen [chiến binh thánh chiến] cũng là người bình thường … Chúng tôi có cuộc sống bên ngoài công việc của mình.”
André Poulin kêu gọi người Hồi giáo ở Bắc Mỹ noi gương hắn – và thậm chí mang cả gia đình theo. Trong video này, hắn nói: “Bạn sẽ được chăm sóc rất tốt ở đây. Gia đình của bạn sẽ có cuộc sống an toàn ở đây, giống hệt như ở quê nhà. Bạn biết là chúng tôi có những lãnh thổ rộng lớn trên đất Syria này.”
Trong một video quảng bá khác bằng tiếng Anh, một chiến binh người Anh được gọi là Huynh Abu Bara al-Hindi đưa ra lời kêu gọi gia nhập jihad như một phép thử cho những người phương Tây có cuộc sống an nhàn với câu hỏi. “Bạn có sẵn sàng hy sinh công việc béo bở, chiếc xe to, gia đình của mình?” Hắn nói, bất chấp những thứ xa hoa đó, “sống ở phương Tây, tôi biết bạn có cảm giác ra sao – trong thâm tâm bạn cảm thấy chán nản thất vọng.” Hắn tuyên bố Nhà tiên tri Muhammad đã phán rằng “Cách chữa trị cho tâm lý chán nản thất vọng là jihad.”
Những lời kêu gọi như vậy kích thích óc tò mò, và các chiến binh người Anh đã trả lời hàng trăm câu hỏi về việc gia nhập ISIS trên trang mạng Ask.fm, trong đó có nên mang loại giày gì và ở đó có bàn chải đánh răng không. Khi được hỏi phải làm gì khi đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria, các chiến binh này thường trả lời sơ sài “Kik me” (Nhắn tin cho tôi qua Kik), nhắc tới ứng dụng nhắn tin trên điện thoại thông minh, và tiếp tục thảo luận riêng tư.
Các video bằng tiếng Anh không nói giảm nhẹ đi các nguy hiểm của cuộc chiến; ví dụ video của André Poulin chiếu và ca ngợi cái chết của hắn trên chiến trận. Nhưng thông điệp dành cho người nói tiếng Anh mềm mỏng hơn các video bằng tiếng Ả rập thường dừng lâu ở các xác chết của kẻ thù và chiếu cảnh các tù nhân bị còng tay và bị sát hại bằng súng máy.
Theo ông Gerges, thông điệp rất thẳng thừng: “Hãy tránh đường, kẻo không chúng mày sẽ bị nghiền nát; hãy gia nhập binh đoàn của chúng tôi và tạo nên lịch sử.”
Thay vì nhấn mạnh jihad là một cách thỏa nguyện cá nhân, sản phẩm truyền thông tiếng Ả rập khắc họa đó là bổn phận của tất cả mọi người Hồi giáo. Chúng khoe khoang bạo lực nhắm vào kẻ thù của mình, đặc biệt là người Shiite và các cơ quan an ninh của Iraq và Syria, trong khi mô tả việc giết chóc đó chỉ là trả thù.
Một phim tài liệu dài cả tiếng đồng hồ mới đây của ISIS mở màn bằng hình ảnh quay từ máy bay không người lái trên địa phận Falluja ở Iraq rồi chuyển qua cảnh một đoàn xe chở súng của ISIS đang trên đường ra chiến trận. Giọng thuyết minh cho biết nhà nước Hồi giáo đang mở rộng và nhà thờ Aqsa của Jerusalem “chỉ trong tầm tay”.
Trong một cảnh về sau, một chiến binh cầm súng trường và hộ chiếu châm chọc quê hương của mình là Bahrain vì đe dọa tước quốc tịch của những ai tham gia jihad ở nước ngoài.
Tên này nói: “Chúng mày có biết là chúng mày, quốc tịch, luật pháp, hiến pháp và các lời đe dọa của chúng mày đều nằm dưới chân chúng tao? Chúng mày có biết là chúng tao là chiến binh của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria và nhà nước chúng tao sẽ mở rộng cho tới khi phá bỏ những ngai vàng mà chúng mày bán tôn giáo để mua?”
Trong video dài cả tiếng đồng hồ này – đầy những lời đe dọa, những cảnh chạy xe bắn người, các vụ nổ và bắn nhau – không có một chiến binh ISIS nào nhắc đến Mỹ hay trực tiếp nhắc đến hay đe dọa Israel, ngoài lời ám chỉ tới nhà thờ Aqsa.
Hassan Hassan, một chuyên viên phân tích người Syria thuộc Viện Delma ở Abu Dhabi, nói rằng ISIS tự khắc họa mình khôi phục các thời đại lý tưởng hóa của lịch sử Hồi giáo xa xưa theo cách thu phục nhân tâm của nhiều người Hồi giáo trong khu vực này.
Ông nói: “ISIS cố gắng phản ánh hình ảnh là sự tiếp nối chế độ caliphate. Trong tâm trí của người ta, caliphate biểu trưng cho chiến thắng và phẩm giá của người Hồi giáo. Caliph (lãnh tụ caliphate) là người bảo vệ người Hồi giáo chống lại các kẻ thù bên trong lẫn bên ngoài.”
Theo ông, việc ISIS coi trọng thực thi nghiêm ngặt luật Hồi giáo và việc chúng mô tả cuộc chiến của mình bằng từ ngữ sặc mùi giáo phái cũng nhận được sự ủng hộ.
Nhiều người Sunni trong khu vực hết sức đồng cảm với một lực lượng có thể thách thức chính quyền Iraq hay Syria, mà họ cảm nhận là đã đàn áp người Sunni.
Ông Hassan nói ISIS “là nhóm có khả năng đánh các lực lượng an ninh và giới trung thành với các chính quyền này” và có “sức hấp dẫn đáng kể”.
Trung tâm Thông tin Chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng cường các nỗ lực chống lại hoạt động tuyên truyền của ISIS propaganda, liên tục đăng tải những câu chuyện kinh hoàng về ISIS trên Facebook, Twitter, dùng hashtag #ThinkAgainTurnAway (Nghĩ lại và tránh xa). Tài khoản này trên danh nghĩa nhằm lên án tất cả các nhóm khủng bố, nhưng đã tập trung sức lực gần như chỉ để khuyên can thanh niên đừng bỏ xứ để gia nhập ISIS.
Hiện thời, cơ quan này đang đối mặt với nhiệm vụ gian nan. Chỉ với khoảng 5.000 follower (người theo dõi), tài khoản của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ bằng một phần nhỏ số với số follower của tài khoản ISIS. Gần như mỗi mục đăng trên tài khoản của Bộ Ngoại giao Mỹ đều bị dội bom bằng những bình luận đối nghịch của người ủng hộ ISIS.
Tuần trước, một chiến binh ISIS tự xưng là Abu Turaab viết trên Twitter: “Với những ai muốn gia nhập nhưng đang gặp nhiều rào cản, hãy kiên nhẫn và luôn nuôi dưỡng ước vọng Jihad trong bạn.”
Tài khoản Twitter của Bộ Ngoại giao Mỹ đáp lại: “Hai lựa chọn của kẻ được ISIS chiêu mộ: gây tội ác tàn bạo và chết như những tên tội phạm, bị bắt và phí đời trong tù.” Tính tới hôm thứ Sáu 29/8, bình luận của Abu Turaab được xem là “favorite” (được ưa thích) 32 lần. Còn con số cho phúc đáp của Bộ Ngoại giao Mỹ: 0.
Tổng hợp từ The New York Times 30/8/2014, & The Globe and Mail 28/8/2014.
© 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bài viết, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 3/9/2014.)
Bài liên quan:
Reblogged this on Yun Kut3's Blog.