Phiến quân ISIS tàn bạo và cuồng tín hơn cả al-Qaeda

Không rõ ai đã chọn cụm từ “Mùa xuân Thánh chiến” cho một chủ đề trên Twitter, nhưng người đó quả là tiên tri. Ba năm hỗn loạn ở vùng Trung Đông, sau những cuộc chiến do Mỹ đứng đầu ở Iraq và Afghanistan, đã có lợi cho các nhóm Hồi giáo cực đoan, nhất là Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Đại Syria (ISIS), một tổ chức hơn cả al-Qaeda về tính tàn bạo và cuồng tín. Trong chừng một năm qua, khi các biên giới và quyền kiểm soát của chính quyền bị lung lay trên toàn khu vực, ISIS đã giành được nhiều lãnh thổ bao quanh phần lớn miền đông và miền bắc Syria và miền tây và miền bắc Iraq.

ISIS mapHôm 10/6, ISIS giành được chiến lợi phẩm lớn nhất khi chiếm Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq, và phần lớn của tỉnh Nineveh lân cận. Ngày hôm sau, ISIS tràn xuống phía nam, chiếm nhiều thị trấn trên đường tiến về hướng thủ đô Baghdad. Các bộ trưởng trong chính quyền Iraq thừa nhận sắp xảy ra một thảm họa. Một thập niên sau cuộc xâm lăng của Mỹ, đất nước này vẫn còn bấp bênh, đẫm máu và đáng thương.

Sau bốn ngày giao tranh, các lực lượng an ninh của Iraq từ bỏ vị trí của mình ở Mosul khi phiến quân ISIS tiếp quản nhiều căn cứ quân sự và trụ sở chính quyền. Nhóm thánh chiến này chiếm đoạt những kho khổng lồ gồm vũ khí, đạn dược và phương tiện do Mỹ cung cấp, trong đó có 6 trực thăng Black Hawk, và số tiền mặt mới in trị giá 500 tỉ dinar (430 triệu Mỹ kim). Khoảng 500.000 người hoảng sợ bỏ chạy sang các vùng ngoài tầm kiểm soát của ISIS.

Cuộc tấn công vào thành phố Mosul có quy mô rất táo bạo, nhưng không phải bất ngờ. Trong sáu tháng qua, ISIS đã chiếm và nắm giữ Falluja, chỉ cách Baghdad một giờ lái xe về hướng tây; chiếm một số vùng của Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar; và đã cố giành Samarra, thành phố ở phía bắc Baghdad với một trong những thánh đường linh thiêng nhất của Hồi giáo Shia. Gần như ngày nào phiến quân ISIS cũng đánh bom ở Baghdad, khiến người dân luôn ở trong tâm trạng hoảng loạn.

Đến cuối tuần rồi, ISIS đã chiếm Tikrit, thị trấn quê hương của Saddam Hussein, chỉ cách Baghdad 140km về phía tây bắc. Bước tiến thần tốc của ISIS cho thấy tổ chức này đang hợp tác với một mạng lưới các thành phần tàn dư Sunni của lực lượng kháng chiến ngầm của Saddam, lực lượng chống lại Mỹ sau năm 2003 và tiếp tục chống lại chế độ do người Shia thống lĩnh của thủ tướng Nuri al-Maliki sau khi Mỹ rút quân vào cuối năm 2011.

Chỉ mới một năm trước, vào tháng 4/2013, ISIS tuyên bố mở rộng hoạt động từ Iraq sang Syria. Khi đổi tên từ Nhà nước Hồi giáo tại Iraq (ISI) bằng cách thêm “và al-Sham”, nghĩa là “Levant” (vùng Trung Cận Đông) hoặc “Đại Syria”, để thành Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Đại Syria (ISIS), tổ chức này bày tỏ ý định chinh phục một vùng rộng lớn hơn Syria hiện nay.

Với lãnh tụ Abu Bakr al-Baghdadi, một người Iraq có chủ trương thánh chiến, ISIS có thể có tới 6.000 lính ở Iraq và 3.000-5.000 lính ở Syria, có thể bao gồm 3.000 người nước ngoài; gần một ngàn người được biết là từ Chechnya và khoảng 500 người từ Pháp, Anh, và các nước Châu Âu khác.

ISIS rất tàn bạo, tàn sát người Shia và các sắc dân thiểu số khác, trong đó có người Cơ đốc giáo và người theo đạo Alawi (tổng thống Syria Bashar Assad theo đạo này). ISIS cướp bóc các nhà thờ và thánh đường Hồi giáo Shia, cho người đánh bom cảm tử ở các khu chợ búa, và không thèm đếm xỉa tới thương vong của thường dân.

Hình đăng trên một trang mạng phiến quân hôm thứ Bảy 14/6/2014, dường như chụp cảnh phiến quân ISIS xử tử hàng chục binh sĩ thuộc lực lượng an ninh Iraq bị bắt tại một địa điểm không rõ ở tỉnh Salaheddin.
Hình đăng trên một trang mạng phiến quân hôm thứ Bảy 14/6/2014, dường như chụp cảnh phiến quân ISIS xử tử hàng chục binh sĩ thuộc lực lượng an ninh Iraq bị bắt tại một địa điểm không rõ ở tỉnh Salaheddin.

ISIS đã không thể có những bước tiến gần đây nếu như đã không kiểm soát được Raqqa, thị trấn ở miền đông Syria, kể từ tháng Giêng. Đây là địa điểm thử nghiệm và thành trì để từ đó ISIS tấn công xa hơn. Tổ chức này đã chiếm giữ và khai thác các mỏ dầu của Syria trong vùng, và gây quỹ bằng cách bắt cóc người nước ngoài để lấy tiền chuộc.

Thay vì chỉ chiến đấu như một chi nhánh của al-Qaeda như trước năm 2011, ISIS đã nhắm mục tiêu kiểm soát lãnh thổ, thực thi công lý theo kiểu riêng của mình và áp đặt quy tắc đạo đức riêng của mình: ví dụ cấm hút thuốc, cấm bóng đá, cấm nhạc và cấm phụ nữ không đeo mạng che mặt. (Mosul là thành phố có nhiều phụ nữ làm luật sư, giáo sư, và nhiều nghề chuyên môn khác.) ISIS còn thu thuế ở những vùng Syria và Iraq đã bị tổ chức này chinh phục.

ISIS đốt thuốc lá ở Raqqa.
ISIS đốt thuốc lá ở Raqqa.

Nói cách khác, ISIS đang tạo nên một nhà nước man di ở lãnh thổ không có ai cai trị ở các vùng biên giới giữa Syria và Iraq. Hassan Abu Haniyeh, một chuyên gia người Jordan về các phong trào thánh chiến, nói: “Đây là một chiến lược mới, nguy hiểm hơn kể từ năm 2011”. Nếu giữ được địa hạt của mình ở Iraq, ISIS sẽ kiểm soát một vùng có diện tích cỡ Jordan với dân số tương đương (khoảng 6 triệu người), trải dài 500 km từ vùng nông thôn phía đông của Aleppo ở Syria tới miền tây Iraq.

ISIS nắm giữ ba cửa khẩu biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, và nhiều cửa khẩu khác trên biên giới của Syria với Iraq. Cư dân Raqqa cho biết các binh sĩ thánh chiến Morocco và Tunisia đã mang theo vợ con để định cư ở thành phố này. Các giáo sĩ ngoại quốc đã được bổ nhiệm cho các nhà thờ Hồi giáo. ISIS cũng đã lập cơ quan tình báo.

Các chế độ của tổng thống Assad ở Syria và của thủ tướng Maliki ở Iraq vô tình tạo lợi thế cho ISIS vì đã gây ra tâm lý thù hằn giáo phái ở những người Ả rập theo Hồi giáo Sunni, những người chiếm đa số hơn 70% ở Syria và chiếm thiểu số chỉ khoảng một phần năm ở Iraq (dưới thời Saddam Hussein thì họ áp đảo). Nhưng tổng thống Assad đã thận trọng không đụng tới ISIS, đoán đúng rằng tổ chức này sẽ đánh nhau với phiến quân chủ lưu hơn, và như vậy có lợi cho chế độ. Ông cũng đã cho phương Tây thấy rõ những nỗi kinh hoàng do ISIS gây ra, xem như đó là cảnh tượng u ám sẽ ập tới nếu ông ta bị lật đổ.

Thủ tướng Maliki ít tàn bạo hơn, nhưng lại khờ khạo hơn tổng thống Assad. Đến cuối năm 2011, các lực lượng Mỹ đã gần như loại trừ được ISI ở Iraq. Quân Mỹ làm được vậy bằng cách bắt hoặc giết các lãnh tụ của tổ chức này, và quan trọng hơn, chiêu mộ khoảng 100.000 người Iraq theo Hồi giáo Sunni để gia nhập Sahwa (Thức tỉnh), một lực lượng chủ yếu mang tính bộ lạc để đánh ISI. Những luật lệ hà khắc của ISI trong các vùng do chúng kiểm soát đã khiến phần lớn người dần chống lại chúng.

Nhưng sau khi Mỹ rút quân, ông Maliki đã giải tán lực lượng dân quân Sahwa, không giữ lời hứa đưa nhiều người trong số đó vào lục quân chính quy. Ông đã thanh lọc người Sunni ra khỏi chính quyền của mình và trấn áp nhiều cuộc biểu tình ôn hòa của người Sunni ở Ramadi và Falluja vào cuối năm ngoái. Các phiến quân chống Mỹ trung thành với Saddam và thậm chí cả những dân quân Sahwa đã tham gia ISIS vì tuyệt vọng, có cảm nhận rằng ông Maliki sẽ chẳng bao giờ đối xử công bằng với họ. Hồi năm 2012, Tariq al-Hashemi, phó tổng thống và là người Sunni có chức vụ cao nhất ở Iraq, trốn ra nước ngoài, và bị xử tử hình vắng mặt. Theo chuyên gia Haniyeh, người Sunni cảm thấy không có đại diện chính trị. “ISIS và al-Qaeda đang lợi dụng và chiếm đoạt Hồi giáo Sunni.”

Một số nước trong vùng do ghê tởm sự tàn bạo của ông Assad đối với dân thường và sự tôn vinh Hồi giáo Shia của ông Maliki nên ban đầu đã chấp nhận ISIS. Thổ Nhĩ Kỳ đã cho các chiến binh ngoại quốc tự do vượt biên giới của mình vào Syria cho đến cuối năm ngoái. Một số nước vùng Vịnh, như Kuwait và Qatar, tỏ ra chậm trừng trị những công dân tài trợ cho ISIS và ban đầu dung thứ hoặc thậm chí tán thưởng tâm lý phẫn nộ giáo phái của ISIS.

Cảnh nồi da xáo thịt ở Iraq tuy về số lượng không kinh hoàng như ở Syria nhưng đã tăng đáng kể, chỉ riêng năm nay đã có 5.400 người thiệt mạng. Theo một số ước tính, ISIS chịu trách nhiệm về 75% tới 95% các vụ tấn công. ISIS đã tổ chức một số đợt vượt ngục, chẳng hạn như năm 2013 giúp hàng trăm chiến binh thánh chiến trốn khỏi nhà tù Abu Ghraib để gia nhập ISIS. Tuần rồi, ISIS có thể đã giải thoát khoảng 2.500 chiến binh lì lợm ra khỏi các nhà tù ở Mosul.

Dù ở Iraq hay Syria, ISIS dùng khủng bố để người dân sợ đến mức phải quy phục. Hôm 8/6, trong một vụ cảnh cáo điển hình, ISIS đóng đinh xử tử ba thanh niên ở một thị trấn gần Aleppo vì đã hợp tác với phiến quân đối địch. ISIS đã bắt cóc nhiều sinh viên người Kurd, nhà báo, nhân viên cứu trợ, và gần đây nhất, một số nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay cả al-Qaeda cũng xem ISIS là quá bạo lực. Ayman Zawahiri, lãnh tụ của nhóm cốt lõi al-Qaeda, từ lâu đã bất đồng với Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh tụ ISIS, cảnh báo hắn rằng thói quen của ISIS thích chặt đầu kẻ thù và đăng lên mạng những video quay các cảnh man rợ đó đang làm mất uy tín al-Qaeda.

Đến nay, chỉ mới người cùng giáo phái Sunni đánh ISIS một cách hữu hiệu. ISIS phải đánh nhau với Jabhat al-Nusra, tổ chức được al-Qaeda công nhận là trực thuộc mình ở Syria. Hai nhóm này đang tranh giành Deir ez-Zor, một tỉnh lỵ giữa Raqqa và Anbar, với 600 chiến binh tử trận trong sáu tuần qua. Kể từ đầu năm, các nhóm phiến quân chủ lưu ở Syria, vốn ban đầu hoan nghênh ISIS vì khả năng chiến đấu của chúng, đã đánh nhau với ISIS, đẩy ISIS ra khỏi các vùng ở tỉnh Idleb ở miền tây bắc và thành phố Aleppo. Các lực lượng người Kurd ở đông nam cũng đánh ISIS.

Một số người cho rằng đợt tấn công gần đây của ISIS ở Iraq có thể nhằm mục đích củng cố tuyến hậu tập của mình, giúp chúng bơm đầy kho tiền và kho đạn dược, trước khi đánh lại phiến quân ở Syria. Phiến quân có phần ôn hòa hơn không được trang bị đủ mạnh để đánh nhau mãi với ISIS; chúng cho biết một nửa lực lượng của mình đã phải tạm ngưng đánh nhau với chế độ Assad để cầm cự với ISIS.

Những lực lượng được trang bị tốt nhất để đương đầu với ISIS là của người Kurd: du kích quân Peshmerga, những người đã bảo vệ vùng tự trị của người Kurd ở Iraq trong hai thập niên qua, và Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (thường được gọi là YPG), đơn vị vũ trang của Đảng Công nhân người Kurd đang thống lĩnh miền đông Syria. Chính quyền khu vực của người Kurd ở Iraq đã huy động lực lượng về mạn đông của sông Tigris (chảy qua Mosul), và rất có thể ngăn chặn bước tiến của ISIS sang phía đông và bắc vào lãnh thổ người Kurd. Hôm 12/6, người Kurd chiếm giữ toàn bộ thành phố Kirkuk sau khi các lực lượng Iraq bỏ chạy. Tuy nhiên thủ tướng Maliki có thể phải nhờ tới người Kurd để giúp ông đánh ISIS.

Chính phủ các nước phương Tây đang lo ngại về mối đe dọa từ một số công dân của chính mình đã gia nhập các tổ chức tương tự như ISIS và có thể quay về nước gây rối. Hôm 28/5, Barack Obama yêu cầu tăng thêm 5 tỉ Mỹ kim cho các chương trình chống khủng bố. ISIS đã không che giấu ý đồ thực hiện các vụ tấn công phương Tây nhân danh thánh chiến. Kẻ bị cáo buộc giết bốn người tại bảo tàng Do Thái ở Bỉ hôm 24/5 là một cựu chiến binh của cuộc chiến ở Syria. ISIS có các trại huấn luyện ở sa mạc ở miền đông Syria. Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang lo lắng.

Nhưng hiếm có chính phủ nào, có lẽ trừ Iran, muốn vũ trang cho chế độ ngày càng xấu xa và yếu kém của thủ tướng Maliki. Năm ngoái, Mỹ đồng ý bán thêm vũ khí cho Iraq, trong đó có các máy bay chiến đấu F-16. Mối nguy khủng bố nhắm vào phương Tây có thể buộc các chính phủ phương Tây cung cấp thêm vũ khí và hỗ trợ cho các nhóm phiến quân Syrian chống ISIS. Nhưng toàn tâm toàn ý giúp thủ tướng Maliki là chuyện khác. Tổng thống Obama đã từ chối dùng máy bay không người lái tấn công ISIS.

Về lâu về dài, hy vọng lớn nhất để chế ngự ISIS nằm ở chỗ tổ chức này không có được sự ủng hộ rộng rãi trong dân chúng. Suy cho cùng, chính al-Qaeda đã thất bại thảm hại khi không thu phục được nhân tâm Ả rập trong thời kỳ Mùa xuân Ả rập. Phần lớn người Syria và người Hồi giáo Sunni ở Iraq không muốn bị những kẻ cực đoan cai trị. Mosul và các vùng khác có thể trở về tay của chính quyền. Nhưng người Syria và người Iraq đều mắc kẹt giữa một bên là chính quyền độc tài và một bên là những kẻ cực đoan. Đúng là trên đe dưới búa.

Tổng hợp từ The EconomistNational Post 13-15/6/2014

© 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bài viết, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 18/6/2014.)

Bài liên quan: caliphate

2 thoughts on “Phiến quân ISIS tàn bạo và cuồng tín hơn cả al-Qaeda

  1. bài viết nhiều thông tin nhưng chỉ nhìn theo một chiều, nên dùng nhiều tính từ cảm tính và ko giải thích được vì sao, chẳng hạn, ISIS lại thành công chớp nhoáng như vậy?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *