Nhật thông qua luật cho phép quân đội dùng vũ lực ở ngoại quốc

Trong một chuyển biến trọng đại về địa chính trị ở Đông Á, theo các luật mới gây nhiều tranh cãi, quân đội Nhật Bản sẽ đóng vai trò lớn hơn trong phòng thủ khu vực. Bảy thập niên sau khi sự đầu hàng của Nhật chấm dứt Đệ nhị Thế chiến, Nhật có bước đi quan trọng nhất từ bỏ chính sách đối ngoại theo đường lối hòa bình, chính sách đã định hình lịch sử nước Nhật trong 70 năm hậu chiến.

Thủ tướng Shinzo Abe đã dành nhiều công sức vận động Quốc hội thông qua các dự luật diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp Nhật. Kỳ họp lần này của Quốc hội Nhật Bản sẽ kết thúc vào ngày 27/9, nên nội các của Thủ tướng Shinzo Abe cố gắng thông qua các luật này lúc này để bảo đảm không bị các phe đối lập trong tương lai cản trở.

Hôm thứ Năm 17/9, các nghị sĩ đã xô xát, ẩu đả với nhau khi các chính khách đối lập tìm cách ngăn cản việc bỏ phiếu về luật này. Hôm thứ Sáu 18/9, sau ba ngày tranh luận nảy lửa với nhiều va chạm và thủ thuật câu giờ của phe đối lập, luật này được thông qua tại Thượng viện, đánh dấu sự thay đổi có tính lịch sử về cách tiếp cận của Nhật đối với các vấn đề đối ngoại. Phe đối lập phê phán rằng luật này vi hiến và khiến Nhật có nguy cơ sa lầy trong những cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu.

Chủ nghĩa hòa bình là hạt nhân của chính sách đối ngoại của Nhật trong thời kỳ hậu chiến. Chính sách này có căn nguyên từ những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh Thái Bình Dương và nỗi đau thời chiến của Nhật, trong đó có hai vụ Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Điều 9 của hiến pháp thời hậu chiến (được soạn thảo trong thời gian Mỹ chiếm đóng vào năm 1947) tuyên bố rằng nhân dân Nhật Bản “mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền tối thượng của quốc gia”.

Ngôn ngữ hiến pháp này phổ biến ở các cựu cường quốc thuộc Khối Trục. Điều 11 của Hiến pháp Ý tuyên bố rằng Ý “từ bỏ chiến tranh như một công cụ xâm lược”. Điều 26 của Luật Căn bản của Đức cấm “những hoạt động có khuynh hướng và được tiến hành với ý định phá rối các mối quan hệ hòa bình giữa các quốc gia, đặc biệt là để chuẩn bị cho chiến tranh xâm lược”.

Các nghị sĩ bao vây chủ tịch ủy ban sau khi luật được thông qua. (Ảnh: AP)
Các nghị sĩ bao vây chủ tịch ủy ban sau khi luật được thông qua. (Ảnh: AP)

Nhưng Điều 9 của Hiến pháp Nhật còn đi xa hơn. Khoản hai của điều này cam kết rằng Nhật sẽ không duy trì “các lực lượng trên đất liền, trên biển và trên không”, và rằng “quyền tham chiến sẽ không được công nhận”. Đúng như tên gọi của quân đội Nhật, Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tồn tại chỉ để bảo vệ nước Nhật. Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia vào các chiến dịch giữ gìn hòa bình và các sứ mệnh nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, nhưng tránh các sứ mệnh chiến đấu được Liên Hiệp Quốc cho phép ở Triều Tiên hoặc trong Chiến tranh Vùng Vịnh. (Một đơn vị không tham chiến của Nhật tham gia vào cuộc chiếm đóng Iraq của Mỹ, sau khi Saddam Hussein bị phế truất, và gây rất nhiều tranh cãi.)

Luật được thông qua hôm 18/9 không thay đổi ngôn từ của Điều 9. Nếu thay đổi thì cần phải tu chính hiến pháp và phải được tỉ lệ ủng hộ hai phần ba ở lưỡng viện của quốc hội mà Thủ tướng Abe và Đảng Dân chủ Tự do không có đủ. Thay vì vậy, luật này diễn giải lại Điều 9 để cho phép “phòng vệ tập thể”. Chính phủ của ông Abe đã đề xuất các luật an ninh mới cho phép quân đội Nhật can dự ở ngoại quốc khi đáp ứng ba điều kiện sau:

  • khi Nhật Bản bị tấn công, hoặc khi một đồng minh thân thiết bị tấn công, và kết quả đe dọa sự sống còn của Nhật Bản và gây ra mối đe dọa rõ ràng cho nhân dân
  • khi không có cách phù hợp nào khác để đẩy lùi cuộc tấn công và bảo đảm sự sống còn của Nhật Bản và bảo vệ nhân dân Nhật Bản
  • việc dùng vũ lực được hạn chế ở mức tối thiểu cần thiết.

“Các luật này cần thiết để bảo vệ sinh mạng của nhân dân và đời sống của họ, và để ngăn chặn chiến tranh.” Thủ tướng Shinzo Abe đã phát biểu như vậy với báo giới sau khi tổng cộng 11 dự luật được thông qua – một luật liên quan tới hoạt động giữ gìn hòa bình và một gói 10 luật khác nhằm mục đích cho phép bảo vệ các nước đồng minh trong hành động gọi là “phòng vệ tập thể”

Nay các lực lượng Nhật sẽ được phép hỗ trợ Mỹ và các đồng minh khác nếu những nước đồng minh đó bị tấn công ngay cả khi Nhật không bị tấn công, dù vẫn còn các giới hạn về phạm vi và quy mô của sự hỗ trợ của Nhật. Nhật cũng sẽ được phép tham gia trọn vẹn hơn vào các chiến dịch giữ gìn hòa bình quốc tế, so với các sứ mệnh trước đây chủ yếu chỉ là hoạt động nhân đạo.

Những luật này cho phép các hành động quân sự nào? BBC tóm tắt như sau:

  • Nhật sẽ được hỗ trợ hậu cần cho Nam Hàn nếu Bắc Hàn xâm lược, dù ông Abe đã nói việc đưa quân tham chiến trên đất Triều Tiên vẫn là vi hiến.
  • Nhật sẽ được phép bắn hạ hỏa tiễn Bắc Hàn nhắm tới Mỹ. Hiện nay, nếu hỏa tiễn đe dọa Nhật thì Nhật mới có lý do bắn hạ. Tuy nhiên, người ta tin rằng Bắc Hàn còn phải mất nhiều năm nữa mới đủ khả năng bắn trúng các mục tiêu trên đại lục của Mỹ.
  • Hành động quân sự để bảo đảm an ninh cho các tuyến đường hàng hải, chẳng hạn như dò mìn, thậm chí ở trong một vùng đang diễn ra chiến sự, có thể được phép nếu việc cản trở lưu thông hàng hải nghiêm trọng đủ để gây đe dọa cho sự sống còn của Nhật. Nhưng đã có nhiều câu trả lời khác nhau về việc sự cản trở đó sẽ phải có mức độ nghiêm trọng tới đâu – đặc biệt quan trọng đối với nước Nhật nghèo tài nguyên. Masahiko Komura, phó chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe, nói rằng những vấn đề tương đối nhỏ như giá dầu tăng sẽ chưa đủ nghiêm trọng – cần phải có một mối nguy hiểm rõ ràng đối với người dân ở Nhật.
  • Sự can dự có vũ trang vào các vụ cứu con tin cũng được phép. Hồi tháng 1/2013, 10 con tin Nhật bị sát hại nhà máy khí đốt Amenas ở Algeria.
  • Luật cũng bãi bỏ các hạn chế về việc Nhật hỗ trợ quân sự trong khu vực cho Mỹ và các lực lượng vũ trang ngoại quốc khác.

Khi Thủ tướng Abe thăm Mỹ hồi tháng 4 năm nay, sự phản đối của Mỹ đối với việc diễn giải lại Điều 9 đã phai nhạt khi Đệ nhị Thế chiến đã lùi xa vào lịch sử. Nhưng ở các nước láng giềng Châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, một đối thủ chính của Nhật tại khu vực với những ký ức về các tội ác chiến tranh thời Đệ nhị Thế chiến vẫn còn lởn vởn trong tâm trí dân chúng, phản ứng đối với thắng lợi này của ông Abe lại chẳng mấy hồ hởi.

Theo tờ Washington Post, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu tại một buổi họp báo hôm 18/9: “Chúng tôi yêu cầu Nhật Bản thực sự lắng nghe những lời kêu gọi hợp lẽ phải ở cả nội địa lẫn ngoại quốc, rút kinh nghiệm từ các bài học lịch sử và triệt để tôn trọng con đường phát triển hòa bình.”

Ở Washington, chủ tịch các ủy ban của Thượng viện về quốc phòng và chính sách đối ngoại hoan nghênh việc thông qua các luật mới này của Nhật. Họ cho rằng điều này sẽ góp phần vào hòa bình và an ninh quốc tế và củng cố mối liên minh Mỹ-Nhật. Một thông cáo chung hôm 18/9 của các chủ tịch ủy ban thuộc cả Đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ nói: “Chúng tôi hoan nghênh Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh trong khu vực và trên toàn cầu và mong đợi đất nước chúng tôi phối hợp với Nhật Bản để thực hiện những biện pháp mới này.”

Sự tái định hướng chính sách đối ngoại của Nhật là một thắng lợi lớn cho ông Abe, một người dân tộc chủ nghĩa bảo thủ từ lâu mưu cầu một vị thế oai phong hơn cho Nhật trên trường quốc tế. Nhưng chuyển biến lớn lao mà ông mong đợi từ lâu không tránh khỏi nhiều chỉ trích. Giới phản đối cho rằng luật cho phép Nhật dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế vi phạm hiến pháp hậu chiến do Mỹ soạn thảo. Các cuộc biểu tình đã lan rộng trên toàn quốc, nhất là sau khi liên minh các đảng cầm quyền phê chuẩn các dự luật này ở Hạ viện hồi tháng 7. Hàng chục ngàn sinh viên biểu tình phản đối luật này ở thủ đô Tokyo và lãnh tụ phe đối lập Tatsuya Okada đã cảnh báo rằng luật này và các biện pháp liên quan tới an ninh sẽ “để lại vết sẹo lớn cho nền chính trị dân chủ Nhật Bản”.

(Ảnh: AP)
(Ảnh: AP)

Hàng chục học giả về hiến pháp, nhà chính trị học, luật sư và chuyên gia pháp luật đã lập phong trào Cứu Nền dân chủ Lập hiến Nhật Bản, công khai chống đối nỗ lực của chính phủ về mở rộng hoạt động của Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ra ngoại quốc. Họ cho rằng Điều 9 là bí quyết để Nhật có hòa bình trong 70 năm qua. Ngay cả nhật báo Yomiuri Shimbun vốn thường ủng hộ chính phủ gần đây cảnh báo Thủ tướng Abe rằng ông đang khiến công chúng phẫn nộ vì không đoái hoài tới những mối quan ngại của họ.

Ông Abe không xa lạ gì với những tranh cãi xung quanh việc tăng cường quân đội quốc gia.

Từ khi ông lên cầm quyền hồi tháng 12/2012, nội các của ông đã theo đuổi những cải tổ toàn diện về chính sách an ninh của Nhật. Hồi cuối năm 2013, nội các của ông đã lập một Hội đồng An ninh Quốc gia mới, thông qua một luật về các bí mật được định danh, đưa ra Chiến lược An ninh Quốc gia, và nới lỏng các hạn chế về việc chuyển giao công nghệ quốc phòng ra ngoại quốc. Hồi tháng 7/2014, chính phủ của ông thông báo sẽ diễn giải lại Hiến pháp Nhật để cho phép Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản dùng vũ lực trong các chiến dịch quân sự liên minh như một phần trong nỗ lực tổng quát để bảo đảm Nhật sẵn sàng về quân sự trong một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh. Trong hai thập niên kể từ Chiến tranh Lạnh kết thúc, Tokyo đã chật vật để theo kịp các năng lực hạt nhân và hỏa tiễn gia tăng của Bắc Hàn và sự hiện diện trên biển ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên ông Abe đã gặp khó khăn khi thuyết phục người Nhật tin về mức độ nghiêm trọng của những mối đe dọa này. Hồi tháng 8, Isozaki Yosuke, một trợ lý của ông Abe, cố biện minh rằng Nhật cần bớt lo lắng về những chi tiết pháp lý vụn vặt, mà nên lo nhiều hơn về những cách phòng vệ của mình. Nhưng ở Nhật hiếm có ai ủng hộ quan điểm đó.

Dữ liệu thăm dò dư luận trên các phương tiện truyền thông theo chủ trương tự do lẫn bảo thủ của Nhật cho thấy đại đa số không hài lòng với cách giải thích của chính phủ về lý do và những trường hợp Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nên chung vai chiến đấu với các nước khác. Hồi tháng 7, khi Hạ viện thông qua các luật này, tỉ lệ chống ông Abe đã tăng lên tới 50%, và tỉ lệ ủng hộ chỉ đạt 38. (Tỉ lệ ủng hộ ông đã cải thiện đôi chút từ sau đó.)

Tại Quốc hội, ông Abe đã nhiều lần lập luận rằng Nhật nên cân nhắc thay đổi hiến pháp hậu chiến đã lỗi thời của mình – dù ông cho rằng các cải tổ chính sách quân sự của ông tuân thủ phiên bản hiến pháp hiện nay. Tại phiên khai mạc kỳ họp Thượng viện hồi tháng 8, Yoshitada Konoike, chủ tịch của ủy ban đặc biệt được lập ra để tranh luận về các dự luật an ninh của ông Abe, giận dữ phê phán nỗ lực vội vã muốn thông qua cái được những nhà phản biện của phe đối lập gọi là “các dự luật chiến tranh”. Ông Konoike nói, Thượng viện hiện nay đã được lập ra để tránh những sai lầm của thập niên 1930, khi cơ quan tiền thân nhu nhược của Thượng viện là Viện Quý tộc đã không thể ngăn chặn quân đội Thiên hoàng tham chiến. Và ông nhắc nhở các thượng nghị sĩ rằng trách nhiệm của họ là kiềm chế những bốc đồng liều lĩnh của Hạ viện nhiều uy quyền hơn.

Các đảng đối lập chính của Nhật, bao gồm Đảng Dân chủ Nhật Bản và Đảng Sáng tạo Nhật Bản, có thể đã không ngăn cản được Abe, nhưng họ có thể buộc chính phủ của ông dè dặt về các mục tiêu quân sự. Một điều chắc chắn hữu ích là công bố chính xác những sứ mệnh ngoại quốc mà Nhật có thể cho phép các lực lượng vũ trang của mình tham gia, và trong những hoàn cảnh nào. Nội các của ông Abe đã ủng hộ cho phép Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sử dụng sự hợp tác liên minh của Nhật về phòng thủ đạn đạo nhân danh Mỹ và các nước khác, cho các hoạt động tuần dương trên biển của liên minh, cho việc dò mìn ở Eo biển Hormuz, và các sứ mệnh hỗ trợ và tiếp tế khách cho quân đội Mỹ vốn từ lâu được xem là quan trọng cho an ninh của chính nước Nhật. Những sứ mệnh này không phải mới đối với quân đội Nhật, nhưng việc Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được phép sử dụng vũ lực cùng với quân đội các nước khác sẽ là điều mới.

Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên quân đội Nhật được cho phép tăng phạm vi hoạt động phòng thủ – quân đội Nhật đã giành được lòng tin của dân chúng và được thế giới nể trọng kể từ thập niên 1950 – nhưng các cải tổ của ông Abe cũng không phải là việc bình thường hóa toàn diện quân đội Nhật như nhiều nhà hoạch định của Mỹ mong muốn. Cuộc tranh cãi ở Quốc hội Nhật về những hạn chế đối với quân đội bảo đảm rằng quân đội Nhật vẫn hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của cơ quan dân sự – và từ lâu đóng vai trò trọng tâm trong việc hoạch định chính sách an ninh ở Tokyo.

Các hạn chế này có hai chức năng. Thứ nhất và quan trọng nhất, kể từ khi Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được thành lập vào năm 1954, các đảng đối lập ở Nhật đã tìm cách làm chậm lại các nỗ lực của Đảng Dân chủ Tự do thống lĩnh nhằm mở rộng quan hệ hợp tác liên minh với Mỹ. Đây vẫn là vấn đề tranh cãi hiện nay: Katsuya Okada, tổng thư ký của Đảng Dân chủ Nhật Bản, đã phản đối kế hoạch của Đảng Dân chủ Tự do về việc hợp nhất các hoạt động của Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với quân đội Mỹ, lập luận rằng điều này gây phương hại tới quyền quyết định tối thượng của chính phủ quốc gia.

Thứ hai, định hình một quân đội mang tính phòng thủ chính là hình dung những giới hạn: các tranh luận ở quốc hội về quân đội Nhật xưa nay chỉ toàn là xác định những cách mới để đặt ra những hạn chế. Ngay cả cái tên Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và chủ thuyết “chỉ phòng vệ” cho thấy tham vọng hạn hẹp đó. Trong thập niên 1960 và 1970, giới chính khách đưa ra những hạn chế về các loại vũ khí mà Nhật mua sắm. Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật dự định hiện đại hóa bằng các phi cơ chiến đấu F-35 mới – và có hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo tân tiến. Lực lượng Phòng vệ Trên biển có những tàu khu trục Aegis với với những hệ thống phòng thủ hỏa tiễn mới nhất và các đội tàu ngầm quy ước và dò mìn tốt nhất ở Châu Á. Tuy nhiên, các năng lực tấn công vẫn còn bị cấm.

Chi tiêu là một hạn chế khác. Khi Nhật bị suy thoái kinh tế và tình trạng thù địch Mỹ-Sô dường như đã giảm nhiệt Chiến tranh Lạnh, năm 1976 giới chính khách Tokyo đã ấn định mức trần chi tiêu quân sự của Nhật chỉ bằng 1% GDP. Mức giới hạn chi tiêu quốc phòng này kéo dài cho tới khi Thủ tướng Yasuhiro Nakasone phê chuẩn ngân sách quốc phòng tương đương 23 tỉ Mỹ kim vào năm 1987, lúc đó bằng 1,004 % GDP của Nhật. Thủ tướng Nakasone có thể đã bãi bỏ mức trần 1% chính thức, nhưng mức đó vẫn là chuẩn mực cho Bộ Quốc phòng kể từ đó. Ngân sách quốc phòng của Nhật năm 2014 khoảng chừng 44 tỉ Mỹ kim, tăng 2,2% so với chi tiêu năm 2013, nhưng vẫn chỉ khoảng 1% GDP năm 2014.

Ngày nay, người Nhật lo ngại về những căng thẳng với Trung Quốc, nhất là về tranh chấp lãnh thổ ở Đông Hải, và tính bất thường khó tiên đoán của chính phủ Kim Chính Ân (Kim Jong Un) ở Bắc Hàn và việc họ sẵn sàng dùng vũ lực để khiêu khích Nam Hàn. Tuy lập luận của ông Abe về nhu cầu cần chuẩn bị sẵn sàng về quân sự chưa thuyết phục được công chúng Nhật. Sự mơ hồ về cách Tokyo sẽ kiểm soát quân đội, và những tiêu chuẩn mà các chính phủ sẽ dùng để phán quyết là cần dùng vũ lực, tiếp tục khiến công chúng ngờ vực.

Quyền kiểm soát dân sự đối với việc dùng vũ lực từ lâu là vấn đề nhạy cảm đối với giới hoạch định chính sách quốc phòng của Nhật. Ông Abe phải giải đáp những câu hỏi còn tồn đọng về cách thức ra quyết định của giới dân sự và những điều sẽ dẫn tới quyết định cho phép Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản dùng vũ lực ở ngoại quốc. Sự giám sát của cơ quan lập pháp hay tham vấn cơ quan lập pháp vẫn còn quan trọng đối việc thực hiện quyền kiểm soát dân sự. Nhưng nội các của ông Abe vẫn chưa chú trọng về việc Quốc hội sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc thực hiện những cải tổ mới của ông.

(Bài tổng hợp, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 23/9/2015)

Bản tiếng Việt © 2015 Phạm Vũ Lửa Hạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *