Công lý cho MH17

Thế giới muốn tìm công lý cho 298 người thiệt mạng trong thảm họa máy bay MH17 bị tên lửa bắn hạ ở Ukraine. Nhưng xác định phải buộc tội ai – và cách buộc chúng chịu trách nhiệm – không phải là điều dễ dàng.

Công lý cho MH17

Rebecca Hamilton

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Ảnh: Robin Van Lonkhuijsen/AFP/Getty Images
Ảnh: Robin Van Lonkhuijsen/AFP/Getty Images

Khi xảy ra một thảm họa như chuyện chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi, dễ hiểu là ta đòi hỏi phải tìm ra người để quy trách nhiệm. “Chúng ta sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi chúng ta bảo đảm là công lý được thực hiện.” Tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết như vậy hôm thứ Ba 22/7 trong một sổ chia buồn cho các nạn nhân của biến cố này. Ngay sau khi máy bay bị bắn hạ, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã hứa tương tự, “Chúng tôi bảo đảm rằng những kẻ có tội trong bi kịch này sẽ bị quy trách nhiệm.”

Nhưng vẫn còn đó câu hỏi: Biết tìm công lý ở đâu?

Thông thường người ta xem Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court, ICC) là nơi hiển nhiên để xử lý bất cứ cuộc khủng hoảng nào khiến cả thế giới xôn xao. Cựu thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (đã từ chức hôm thứ Năm 24/7) đã kêu gọi ICC tiến hành điều tra. Và thậm chí cả Richard Clarke, trợ lý về chống khủng bố của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cho cả hai đời tổng thống Bush, muốn những kẻ chịu trách nhiệm phải được giao cho tòa án đóng ở The Hague, Hà Lan. Tuy nhiên, ICC hóa ra lại nơi khá là khó có cơ may đạt được công lý như mọi người đòi hỏi.

Dù báo chí đôi khi gọi ICC là “tòa án thế giới”, ICC không thực sự có thẩm quyền khởi tố các tội ác quốc tế ở bất cứ nơi đâu chúng xảy ra. Tòa án này có thẩm quyền khởi tố những tội ác xảy ra ở một nước đã tham gia hiệp ước thành lập tòa án này, được gọi là Quy chế Rome (Rome Statute), tức là tội ác gây ra bởi công dân của một nước đã tham gia hiệp ước này. Giống như Mỹ, cả Nga và Ukraine đều chưa phê chuẩn hiệp ước này, vì vậy ICC không thể truy tố công dân của các nước đó hoặc xét xử những tội ác xảy ra trên lãnh thổ các nước đó.

Tuy nhiên, có hai ngoại lệ cho quy tắc chung này.

Thứ nhất, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể yêu cầu ICC xử lý một trường hợp. Đây là cách mà tòa án này có được thẩm quyền tài phán đối với các tội ác ở Sudan và Libya, dù cả hai nước này đều chưa ký kết tham gia ICC. Tuy nhiên, khả năng Hội đồng Bảo an yêu cầu ICC xét xử vụ MH17 khó thành hiện thực: Không một ai có chút nhạy bén chính trị lại có thể hình dung Nga, một thành viên có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an, sẽ đồng ý.

Khả năng thứ hai là một quốc gia chưa tham gia ICC nhưng đồng ý trao thẩm quyền tài phán cho tòa án này trong một thời gian cụ thể. Chính Ukraine đã từng làm như vậy: Hồi tháng tư, nước này đã cho tòa án này quyền điều tra các tội ác gây ra trên lãnh thổ nước này từ tháng 11/2013 đến tháng 2/2014.

Hình thức tự yêu cầu này có thể là cách khả dĩ nhất để ICC có thẩm quyền tài phán đối với vụ MH17, nhưng không phải là không có rắc rối. Dù đương nhiên Kiev muốn tòa án này điều tra phiến quân thân Nga, việc trao thẩm quyền tài phán sẽ như một cái bẫy khó lường: Một nhà nước đã trao thẩm quyền tài phán cho tòa án này thì không thể chỉ định các đối tượng, hay các tội ác mà ICC chọn điều tra. Vì vậy nếu ICC phát hiện rằng các đối tượng Ukraine phạm tội trong cùng thời gian đó, không liên quan đến vụ MH17, tòa án này cũng có thể truy tố những đối tượng đó. Với tình trạng xung đột tại nước này, Kiev không thể biết chắc chắn là mình sẽ không bị cáo buộc phạm tội gì.

Cho dù tất cả các rào cản về thẩm quyền tài phán được khắc phục và ICC có được cơ hội tiến hành điều tra, việc truy tố thành công vẫn không phải là điều tất yếu. Việc truy tố có thể liên quan đến các cáo buộc tội ác chiến tranh gồm sát nhân và tấn công thường dân, theo Alex Whiting, giáo sư thực hành môn luật hình sự quốc tế tại Đại học Harvard. Ông nói thêm rằng tuy nhiên như vậy thì công tố viên phải chứng minh phiến quân “thực sự biết là họ nhắm đến thường dân”. Phát biểu của một quan chức tình báo Mỹ được tường thuật trên tờ The Guardian hôm thứ Ba 22/7 cho thấy là những phiến quân bắn rơi máy bay đã ngạc nhiên khi biết đó là máy bay dân sự.

Nếu những kẻ bắn rơi máy bay quả thực biết đó là máy bay dân sự, các trao đổi thông tin bị nghe lén có thể là bằng chứng chứng minh ý định của chúng. Nhưng các chính phủ thường ngần ngại chia sẻ loại thông tin đó với ICC. Theo giáo sư Whiting, nếu không có bằng chứng như vậy, thì sẽ “vô cùng khó” chứng minh ý định.

Công tố viên quốc tế và chuyên gia về tội ác chiến tranh Ken Scott nói “Những cụm từ như ‘tội ác chiến tranh’ và ‘tội ác chống lại nhân loại’ được dùng khá hời hợt. Nhưng các tội ác như vậy có những yếu tố pháp lý nhất định.” Và có thể khó đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của các yếu tố pháp lý đó.

Với những rào cản này, công lý cho một biến cố đã thu hút được sự chú ý quá nhiều trên toàn cầu có thể, có lẽ nghe hơi phi lý, cần quay lại cấp sở tại. Richard Dicker, giám đốc Chương trình Công lý Quốc tế của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nói “Có những cơ sở pháp lý lâu đời để thân nhân của các nạn nhân đòi bồi thường ở các tòa án quốc gia.”

Những nhà nước có quyền lợi liên quan trong vụ này – ví dụ, Ukraine, Malaysia, Hà Lan, hay Úc – vì vụ này xảy ra trên lãnh thổ của họ, hoặc vì họ có công dân trên máy bay, có thể truy tố. Và các cáo buộc về tội mưu sát theo quy định của luật nội địa sẽ không gặp các trở ngại về (chứng minh) ý định như quy định đối với các cáo buộc tội ác chiến tranh. Nhưng dù các rào cản pháp lý có thể dễ vượt qua hơ ở cấp độ nội địa, vẫn còn các thách thức thực tiễn. Ông Scott nói: “Được tự do tiếp cận hiện trường … và rốt cuộc là bắt giam bất cứ ai bị buộc tội – tất cả những điều này không thể xem là chuyện đương nhiên sẽ làm được.”

***

Nếu không chỉ dừng lại ở việc truy tố những kẻ thực sự bắn máy bay, có thể rút ra được điều gì từ các tuyên bố của chính quyền Obama rằng có thể quy cho Nga về việc cung cấp vũ khí, cũng như việc huấn luyện và hỗ trợ cần để sử dụng loại tên lửa Buk có tầm bắn trúng một máy bay dân sự? Liệu có thể giành lại ít nhiều công lý bằng cách quy trách nhiệm cho Moscow?

Để trả lời câu hỏi này, một tòa án khác có trụ sở ở The Hague lại phù hợp. Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice, ICJ) xét xử các tranh chấp giữa các nước, và tòa án này đã phải đánh vật với một vụ tương tự trong quá khức. Năm 1988, tàu USS Vincennes của Mỹ bắn rơi chuyến bay số 655 của Iran trên Vịnh Hormuz, giết chết toàn bộ 290 hành khách và tổ lái. Iran cho rằng với hành động bắn rơi máy bay này, Mỹ đã vi phạm các hiệp ước mà cả hai nước đã ký kết. Không hài lòng với phán quyết của cơ quan quản lý hàng không phân xử các khiếu kiện về vi phạm hiệp ước, Iran đã đưa vụ tranh chấp này ra ICJ.

Hai hiệp ước liên quan trong biến cố USS Vincennes cũng có tác dụng trong vụ MH17. Công ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế cấm các nước dùng vũ khí chống lại máy bay dân sự. Công ước về Cấm các hành động phi pháp chống lại sự an toàn của hàng không dân dụng bắt buộc các nước truy tố hoặc dẫn độ bất cứ ai tiêu diệt một máy bay dân sự. Nhưng ngoài những nét tương đồng, hai trường hợp này cũng có các khác biệt quan trọng.

Trong vụ USS Vincennes, việc quy trách nhiệm cho Mỹ là đương nhiên vì các tên lửa bắn đi từ một chiến hạm của Mỹ. Philippa Webb, một chuyên gia về ICJ ở Đại học King’s College London, nói “Việc quy trách nhiệm trong vụ MH17 sẽ khó hơn, với những câu hỏi thực tế và pháp lý phức tạp về việc liệu những kẻ chịu trách nhiệm là tay sai của Nga hay có phần thuộc ‘quyền kiểm soát thật sự’ của Nga.”

Trong vụ USS Vincennes, ICJ chưa bao giờ đưa ra phán quyết vì vào năm 1996 Mỹ dàn xếp giải quyết vụ này bằng cách bồi thường 61,8 triệu Mỹ kim cho gia đình các nạn nhân. Vụ này là một tình huống tiêu biểu. Webb giải thích: “ICJ không có thành tích đáng khích lệ về giải quyết các biến cố trên không. Chưa có vụ nào đủ điều kiện để xét xử trọn vẹn.”

Vì vậy, tuy ICJ vẫn là nơi khả dĩ để rốt cuộc khiếu kiện Nga, nếu tiền lệ trên là căn cứ, kết quả rất có thể là dàn xếp giải quyết không qua tòa án. Và nếu việc bồi thường bằng tiền là vấn đề trọng tâm, một cách nhanh hơn cho các gia đình nạn nhân sẽ là thông qua Công ước Montreal, bắt buộc các hãng hàng không phải bồi thường khi hành khách bị thương hay chết. Tuy nhiên, công lý cho thảm họa MH17 đòi hỏi không chỉ điều đó.

Gia đình các nạn nhân xứng đáng được biết sự thật về việc làm sao 298 người đã thiệt mạng, và những câu hỏi về điều thực sự đã xảy ra và ai chịu trách nhiệm vẫn còn lâu mới trả lời được. Biến cố ngày 17/7 rõ ràng là mối quan tâm quốc tế. Nhưng đối với những ai muốn quy trách nhiệm rạch ròi trong vụ bắn rơi MH17, có thể chính con đường đi tìm công lý qua cấp quốc gia, chứ không phải cấp quốc tế, là những con đường phù hợp nhất để mang lại công lý cho họ.

Nguồn: Rebecca Hamilton, Justice for MH17, Foreign Policy, 25/7/2014

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản dịch, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 13/8/2014.)

Bài liên quan: MH17 và các hệ lụy đối với cuộc chiến ở Ukraine

1 thought on “Công lý cho MH17

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *