Đầu tháng 1, công ty năng lượng TransCanada đã đệ đơn kiện chính quyền Obama và dự định khiếu nại theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) về việc chính phủ Mỹ không duyệt công trình đường ống dẫn dầu Keystone XL. Riêng vụ kiện theo NAFTA sẽ có nhiều tác động tới vấn đề giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước trong Hiệp định TPP đang chờ phê chuẩn.
Keystone XL và chuyện tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước trong hiệp định thương mại
Phạm Vũ Lửa Hạ
Hôm 6-1, TransCanada cho biết đã nộp thông báo ý định khiếu nại theo NAFTA với lý do việc bác bỏ dự án này là tùy tiện và không có lý do chính đáng. TransCanada sẽ đòi Mỹ bồi thường 15 tỉ Mỹ kim chi phí đầu tư đã bỏ ra và thiệt hại do mất lợi nhuận tiềm năng trong tương lai do hành động mà công ty cho rằng vi phạm các nghĩa vụ trong Chương 11 của NAFTA.
TransCanada cũng đã đệ đơn kiện ở Tòa Liên bang Mỹ tại Texas, cho rằng quyết định của tổng thống Obama không chấp thuận công trình Keystone XL đã vượt quá quyền hạn của ông theo quy định của Hiến pháp Mỹ. TransCanada lập luận rằng Hiến pháp Mỹ trao cho quốc hội quyền ra luật về thương mại quốc tế. Cách đây gần một năm, lưỡng viện quốc hội Mỹ đã thông qua một luật phê chuẩn Keystone XL được cả hai đảng ủng hộ.
Obama bác bỏ đề xuất công trình này vào đầu tháng 11-2015 với lý do nó không phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ. Ông nói Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý như vậy, dù trước đây Bộ đã kết luận rằng đường ống này sẽ không có tác động lớn tới môi trường và sẽ có lợi cho các cộng đồng địa phương nhờ tạo nguồn thu ngân sách và việc làm.
Đường ống dài 1.900 km này, với mục đích vận chuyển bitumen từ các mỏ dầu cát của Alberta tới các nhà máy lọc dầu của Mỹ dọc bờ biển Vùng Vịnh Mexico thuộc Mỹ, đã bị bế tắc trong hơn bảy năm, và nhiều lúc là cái gai trong quan hệ Mỹ-Canada. Công trình này cũng là trọng tâm phản đối của các tổ chức môi trường.
Lập luận chính của TransCanada là công ty đã không được đối xử công bằng trong suốt quá trình xét duyệt Keystone XL. TransCanada nói họ có đủ lý do để kỳ vọng là Keystone XL sẽ được chấp thuận vì nó đáp ứng cùng các tiêu chí mà Bộ Ngoại giao Mỹ áp dụng khi duyệt các đường ống xuyên biên giới tương tự khác.
TransCanada nghĩ rằng quyết định bác bỏ Keystone XL của Obama chỉ là “một cử chỉ mang tính biểu tượng” để chứng tỏ với cộng đồng quốc tế và công chúng Mỹ rằng chính phủ Mỹ muốn đi đầu trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chứ không phải thực sự nỗ lực bảo vệ môi trường. (Đúng là trong phát biểu về quyết định đó, Obama có nói rằng nếu Mỹ phê duyệt Keystone XL thì sẽ đánh mất vị thế dẫn đầu toàn cầu về biến đổi khí hậu.)
Ai theo dõi quá trình lê thê TransCanada xin duyệt Keystone XL cũng thấy là công trình này trở thành bung xung hứng chịu mọi đòn công kích của chiến dịch phản đối dữ dội từ giới đấu tranh vì môi trường, chứ không hẳn bị bác bỏ đơn thuần dựa trên phân tích thiệt hơn. Điểm khác biệt giữa Keystone (đường ống hiện có) và Keystone XL (đề xuất) là nước Mỹ có một tổng thống mới nhậm chức rất ngại áp lực chính trị từ các tổ chức môi trường và các nhóm này đã thắng thế.
Mục tiêu của chiến dịch chống Keystone XL nhìn chung là hạ bệ các công ty nhiên liệu hóa thạch nói chung, để thế giới ngày càng nói không với việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ ngành này. Theo lập luận của TransCanada, điều này đã khiến công ty bị kỳ thị vô cớ. Giới đấu tranh vì môi trường tình cờ vớ được công trình này để tập trung chỉ trích, và Obama đã chịu thua họ. Do vậy, TransCanada nghĩ mình được đền bù thiệt hại tài chính. Chương 11 trong NAFTA quy định chính phủ các nước ký kết (gồm Canada, Mexico, và Mỹ) phải đối xử công bằng với công ty nước ngoài và công ty trong nước.
Vụ kiện theo NAFTA được phân xử theo các điều khoản trong Chương 11 về quá trình giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (investor-state dispute settlement, ISDS). Các điều khoản ISDS đã có từ lâu, và phổ biến trong các hiệp định thương mại. ISDS cũng là vấn đề gây tranh cãi dữ dội nhất trong Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới ký kết gần đây.
Về cơ bản, các điều khoản ISDS thiết lập một hệ thống tư pháp thay thế để qua đó các nhà đầu tư nước ngoài có thể khiếu kiện là họ bị đối xử không công bằng và được một ban trọng tài quốc tế phân xử, chứ không phải do thẩm phán của tòa án nước sở tại phán xét. Lập luận ủng hộ cơ chế này là các nước đang phát triển với hệ thống tư pháp yếu kém nếu không có ISDS khó mà thu hút đầu tư nước ngoài vì nhà đầu tư lo ngại bị chính phủ dân túy đánh thuế quá cao hoặc tịch biên tài sản, hoặc thẩm phán và cơ quan quản lý sở tại bị các công ty nội địa mua chuộc để cản trở công ty nước ngoài. Lập luận phản đối cơ chế này là nó phi dân chủ, coi như lập một hệ thống pháp lý đặc biệt dành riêng cho các công ty đa quốc gia, khiến họ có quá nhiều quyền lực.
Nhìn chung, các ý kiến phản đối ISDS dùng nguyên tắc này làm cái cớ để phản đối các hiệp định thương mại và các công ty đa quốc gia. ISDS chẳng ảnh hưởng gì lắm đối với chính phủ Mỹ. Căn cứ theo lịch sử, hiện TransCanada đang ở thế yếu vì cho tới nay chưa có công ty nào bên ngoài Mỹ thắng kiện Mỹ trong một vụ Chương 11 NAFTA.
Nhưng nếu thua một vụ kiện ISDS đình đám như Keystone XL thì chính phủ Mỹ khó lòng giữ được tỉ lệ ủng hộ nhỏ nhoi hiện có trong các nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ đối với vấn đề này trong TPP. Ngay trong Đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren có uy tín gọi đó là “điều khoản TPP mà ai cũng nên phản đối”.
(Bài đã đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn ngày 14-1-2016.)
© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ
1 thought on “Keystone XL và tranh chấp ISDS”