Kỷ niệm bóng banh

Hôm nay khai mạc Euro 2012. Chợt nhớ mấy chuyện bóng banh, viết lại để giữ.

1. Coi

Từ khoảng mười tuổi, mình đã biết đi coi đá banh. Sân Chi Lăng được gọi bằng nhiều tên mỹ miều, ví như “thánh địa Sông Hàn”, nhưng với đám con nít mê đá banh đó là thiên đường. Nhưng con nít thì lấy đâu tiền mua vé vô cửa. Vậy là nghĩ kế coi cọp và coi ké. Coi cọp là xin vô mấy nhà cao tầng nằm sát sân banh, lên trên lầu thượng đứng coi từ xa, nhìn cầu thủ nhỏ như chai nước nhưng vậy cũng đủ sướng rồi. Coi ké thì phải khôn khéo hơn một chút. Trước tiên, dành vài đồng ăn kẹo để trả cho chủ nhà ở gần sân, được phép đi ra cửa hậu, lội qua con mương để vô khu đất bao quanh sân. Tiếp theo là tìm cách lọt qua cửa để vô khán đài. Thường là mon men theo mấy anh, mấy chú coi như con cháu, xin dẫn vô (hồi đó người lớn có vé có thể dẫn kèm một trẻ em). Cùng đường lắm thì tới trực tiếp năn nỉ người soát vé cho vô. Vậy mà lần nào cũng vô được.

Thời trung học, có rủng rỉnh chút tiền tiêu vặt ba má cho, hoặc nhờ làm thêm, nên đủ sức mua vé, nhưng vẫn không quên thời coi chùa. Thời đại học ở Sài Gòn, hễ trận nào có Đà Nẵng đá là phải đi coi cho được. Đáng nhớ nhứt là trận chung kết quốc gia năm 1991 giữa Hải Quan – Đà Nẵng. Xếp hàng cả buổi cũng mua được vé khán đài D. Đến trước trận, ngay ở cửa sân Thống Nhất, có bà bán vé chợ đen năn nỉ mua lại vé của mình với giá rất cao (tính ra hơn cả tiền ăn cả tháng của sinh viên). Nhưng mê quá nên không bán để vô sân coi những thần tượng không những mình đã thuộc vanh vách tên từ bao năm qua, mà còn rành sáu câu những đường banh sở trường. Năm đó, sau mấy năm hụt chức vô địch (toàn thua CLB Quân Đội / Thể Công), Đà Nẵng hừng hực khí thế, được đánh giá trên chân (báo chí nói là “muốn thắng ai thì thắng”). Dẫn trước 1-0 bằng bàn của số 6 Phan Công Thìn sau cú dốc banh dọc biên không khác gì Kanchelskis của MU, nhưng rồi lại thua ngược 1-2. Lại hụt, hai năm sau đó mới vô địch.

Không nhớ bên ta bắt đầu có truyền hình trực tiếp bóng đá từ khi nào. Trước đó, chỉ có nghe tường thuật qua đài phát thanh. “Coi” bằng tai quả là cực chẳng đã, nhưng có còn hơn không. Cũng may là thời đó Đài Tiếng nói Việt Nam có mấy bình luận viên (một bác tên Hoài Sơn) cao tay nghề, nghe rất có lửa. Thời thiếu cái nghe cái nhìn, bất cứ trận nào được nhà đài chiếu cho coi là cũng sướng, từ trận giao lưu giữa hai thành phố kết nghĩa Đà Nẵng – Hải Phòng tới giải hữu nghị các đội tuyển quân đội khối xã hội chủ nghĩa (SKADA?). Khổ nhứt là đang coi mà cúp điện. Hồi đó, cả xóm mới có một nhà có TV. Trong xóm, nhà có TV là bạn cùng lớp nên mình luôn được ưu tiên có chỗ ngồi coi thoải mái. Cúp điện một cái là cả đám túa ra, nhanh chân chạy qua xóm khác tìm chỗ coi tiếp. Có khi nửa đường nghe một đứa la lên: “Xóm ni cũng cúp, tụi bây ơi!”, lại chạy, đôi khi tụt cả dép, tới khi tìm ra chỗ coi thì đã sắp hết trận.

Hình như World Cup 1978 chỉ có một vài trận được phát lại; còn lại chỉ ngóng thông tin từ tuần báo Thể Thao & Văn Hóa thời còn in trên loại giấy mà mặt anh cầu thủ nào cũng đen sì như nhau, chỉ có mỗi Maradona là dễ nhận ra nhứt vì vừa mập vừa lùn, nhưng có nhiều tư thế độc đáo với trái banh. Có lẽ Espana 1982 là World Cup đầu tiên được truyền thông nước nhà phát sóng và đưa tin. Nhờ đó biết nhiều tới đội Ý với Rossi thiện xạ và Gentile dữ dằn đánh bật đội Brazil của Socrates hào hoa và Falcao điệu nghệ. Bắt đầu từ Mexico 1986, nhà đài biết thêm cách kinh doanh. Những trận kinh điển như trận tứ kết Pháp-Brazil được thu hình, rồi bán vé cho bà con vô coi lại. Khán phòng cả trăm người mà chỉ có cái tivi màu 21-inch. Từ Italia 1990 trở đi, các tòa báo có thêm phong trào làm bản tin nhanh, bán chạy hơn tôm tươi. Đến khi Internet du nhập, những bản tin nhanh kiểu này càng dễ làm. Thời nay, không biết tin nhanh có còn ăn khách khi thông tin di động và mạng xã hội cập nhật từng giây. Mấy tuần trước, trận chung kết Champions League giữa Bayern Munich và Chelsea là lần đầu tiên coi đá banh kiểu liên thông toàn cầu với các bạn ở Việt Nam, Đức, Úc, Mỹ … vừa coi vừa bình trên Facebook. Tới khi hai bên đá luân lưu để phân định thắng thua, mình đành tắt Facebook để khỏi bị bạn báo trước ai đá vô ai bắn chim (do tín hiệu TV nhanh hơn vài giây).

2. Chơi

Chẳng nhớ mình mê đá banh từ hồi nào. Từ hồi cấp một, hầu như chiều nào cũng đi đá banh với bạn, có khi được ba má cho phép, có khi nói xạo là đi học nhóm (nhưng chắc ba má cũng biết vì về tới nhà là quần áo xộc xệch, mặt mày nhễ nhại mồ hôi). Đá banh ở đâu cũng chơi được, miễn là có trái banh với vài đứa quen lẫn không quen cùng nhau quần thảo. Đá ở sân trường trong giờ giải lao chưa đã thì trên đường đi học về đá dọc mấy con hẻm, hay chui vô sân chùa làm vài hiệp. Đá chân trần nên xước da, tróc móng chân là chuyện bình thường.

Hồi đó ở Đà Nẵng có vài chỗ thu hút dân mê đá phủi. Một là sân Quảng trường đối diện Công viên 29-3 (hồi đó là công viên duy nhất của cả thành phố). Gọi là sân cho sang, chứ chỉ là bãi cát trống rộng cỡ gấp rưỡi sân bóng tiêu chuẩn. Thời bao cấp, chắc chính quyền thành phố chẳng biết làm gì với miếng đất vàng ở mặt tiền trục lộ chính dẫn vô trung tâm thành phố. Nhờ vậy, bà con có chỗ tập thể dục và đi dạo buổi sáng, buổi chiều thanh thiếu niên có chỗ trổ tài bóng banh. Ai thích thì cứ mang banh ra đá, nên cùng lúc có thể có nhiều nhóm khác nhau. Khoái nhứt là đá độ với xóm khác, phe nào thua thì chung bằng trà đá. Có khi bị xù độ vì phe thua cãi chày cãi cối là banh đã đi ra ngoài đường biên hoặc vọt xà ngang trên một cái sân không cỏ, không đường biên, không cầu môn. Nhà mình chỉ cách cái sân dã chiến này khoảng 10 phút đi bộ, nên coi như sân nhà. Khi kinh tế thị trường tràn vô, chính quyền khôn ra, giải tỏa khu này, xây lên Siêu thị Bài thơ.

Hai là đá trên bãi biển, muốn gần thì chạy bộ xuống biển Thanh Bình, xa hơn một chút thì đạp xe qua “bông tê sên” (bên tê sông) tới bãi Mỹ Khê hoặc nhiều bãi khác gần Furama Resort bây giờ. Đá biển có nhiều cái thú. Bắt đầu với một trái banh và vài đứa, ai muốn nhập cuộc cũng được, miễn là có đủ một cặp để chia mỗi đứa về một phe. Sau khoảng nửa tiếng, quân số có thể lên tới vài ba chục, vậy là loạn, ai vô ai ra cũng được, chẳng để ý có cân bằng nữa không. Đông quá nên giành được trái banh là kỳ công, khi có banh rồi thì ráng quất một phát thiệt nhanh và mạnh về cái gôn gần nhứt để may ra ghi một bàn lấy tiếng, cũng chẳng nhớ đó là gôn của phe địch hay phe ta. Mệt thì cứ việc kiếm một góc khác nằm nghỉ một lát rồi lại hùng hục, nóng quá thì nhảy ùm xuống nước.

Lớn lên vô đại học ở Sài Gòn cũng không bỏ đá banh được. Khổ nỗi thiên thời, địa lợi, nhưng nhân không hòa. Trường tổ chức giải bóng đá sinh viên, mỗi khoa lập một đội. Riêng các khoa Anh, Pháp, Nga bị tình trạng âm thịnh dương suy, nên bói hoài không đủ quân số, cuối cùng gom góp cả 3 khoa lập thành tuyển khối ngoại ngữ, vừa đủ đội hình chính, coi như không có dự bị. Vậy mà năm đó cũng hú họa lấy được giải ba. Thỉnh thoảng chỉ còn biết đi đá với bạn ở chỗ khác, nhưng chiếc xe đạp cà tàng nhiều khi không kham nổi mấy quãng đường tắp mù khơi giữa các quận huyện. Nên đành đợi tới hè về quê đi đá với bạn cũ cho thỏa chí. Sự nghiệp đá banh coi như chấm dứt sau khi ra trường.

(Còn nhiều chuyện linh tinh, nếu có hứng viết tiếp 🙂 )

2 thoughts on “Kỷ niệm bóng banh

  1. Qua những chuyện bóng banh Hạ đã kể, vẫn còn nhiều kỷ niệm ghi dấu ấn thật đáng yêu của cậu bé say mê bóng đá đến độ tự lập ra một trận đấu bằng…giấy bìa. Tên những cầu thủ quốc tế được ghi trên giấy bìa hình chóp. Một đội xanh, một đội đỏ. Hạ điều khiển hai đội giao đấu 🙂

    Ngoài những lần xước da, tróc móng, có lần Hạ bị thương không nhẹ ở chân, rồi bị nhiễm trùng…Thấy thương !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *