Eric Nguyen thực hiện
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Năm 1997 đánh dấu một năm quan trọng trong nền văn học Mỹ gốc Việt khi nhà Viking xuất bản Monkey Bridge (Cầu khỉ), tiểu thuyết đầu tay của Lan Cao. Cuốn tiểu thuyết của Lan Cao về những hậu quả của Cuộc chiến Việt Nam và những cuộc đời và cộng đồng được tạo dựng ở Mỹ sau cuộc chiến đó là tiểu thuyết đầu tiên do một nhà xuất bản lớn ấn hành (chứ bằng tiếng Việt chẳng hạn thì đã có nhiều ấn phẩm) về Cuộc chiến Việt Nam do một người Mỹ gốc Việt viết. Cuốn sách này cũng nhận được nhiều lời khen ngợi. Điểm cuốn sách này trên báo The New York Times, Michiko Kakutani gọi nó là “một tác phẩm đầu tay đầy ấn tượng”, so sánh nó với các tác phẩm của Salman Rushdie và Bharati Mukherjee.
Năm nay, nhà Viking xuất bản The Lotus and the Storm (Hoa sen và Bão tố), cuốn thứ hai của Lan Cao, chuyện một gia đình với những cuộc đời gắn chặt với và bị thay đổi bởi những sự kiện bi thảm dẫn đến sự sụp đổ của Sài Gòn. Với phạm vi hoành tráng, cuốn tiểu thuyết này đan xen giữa cuộc đời của một cựu quân nhân từng được huân chương, nay ốm yếu, ở nhà tại vùng ngoại ô Virginia của Washington D.C. và cuộc đời của con gái ông, cô Mai lớn lên ở Chợ Lớn, thành phố lân cận của Sài Gòn.
Lan Cao nhận lời trao đổi với diaCRITICS về cuốn tiểu thuyết mới của chị cũng như sự nghiệp kép của chị vừa là luật sư vừa là nhà văn, và vai trò của lịch sử trong văn học.
Chị học nghề luật sư. Chị cũng dạy ở Trường Luật Dale E. Fowler tại Viện Đại học Chapman. Có phải chị luôn muốn trở thành nhà văn? Hay về sau chị mới thích viết?
Tôi thích đọc từ thuở nhỏ. Ở Việt Nam, tôi mê mẩn đọc Ngàn lẻ một đêm và bộ truyện kiếm hiệp Kim Dung (như Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô Gái Đồ Long). Đó là những cuốn sách có cốt truyện và tôi say mê cái quan niệm, trong Ngàn lẻ một đêm, cho rằng việc kể chuyện có sức mạnh lớn lao đến nỗi nó có thể cứu mạng cho người kể chuyện. Tôi được giáo viên Anh ngữ trung học giới thiệu hình thái tiểu thuyết tiếng Anh. Ví dụ, tôi thích cuốn A Portrait of the Artist as a Young Man (Chân dung người nghệ sĩ thời thanh niên) của James Joyce; theo tôi đó là cuốn sách tìm hiểu quá trình sống với truyền thống văn hóa của ta mà không bị nó gò bó. Vì vậy sở thích viết văn của tôi ban đầu xuất phát từ sở thích đọc sách.
Ở đại học, tôi chọn học một môn khuyến khích sinh viên đi vào tận trong bản thân mình, thám hiểm thế giới bên trong của bản ngã, đồng thời chú ý quan sát bức tranh mênh mông ở thế giới bên ngoài – về chính trị, kinh tế, lịch sử, xã hội. Giáo sư khuyến khích chúng tôi viết nhật ký về mối tương tác giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài này. Bà giới thiệu với tôi cuốn The Bluest Eye (Mắt xanh biếc) của Toni Morrison. Tôi mê cuốn đó. Chúng tôi còn đọc Jung và thơ của Adrienne Rich. Tôi thích ý tưởng của Jung cho rằng con người ai cũng có một cái bóng. Và nếu cái bóng càng ít được thể hiện trong đời sống ý thức của một người, thì cái bóng đó càng đen thẫm và tăm tối hơn; và rằng dù có cội nguồn u tối như vậy, nó cũng là một nguồn sáng tạo dồi dào. Khi tôi đọc bài thơ của Adrienne Rich về chuyện lao mình ngụp lặn trong đống hoang tàn, tôi cảm thấy giống như lao mình ngụp lặn trong thế giới của cái bóng hiểm ác đó rồi từ đó vươn lên thành một người sáng tạo hơn, tỉnh táo hơn. Với tôi, viết văn là học cách chung sống với và yêu thương cái bóng của chính mình. Ta có thể quan sát và viết về những cái đổ nát hoang tàn hiện diện trong cái bóng đó. Viết văn trở thành chuyện tự nhiên, là một phần trong bản ngã của ta, và cũng cần thiết.
Tôi cũng mê luật và thích kết hợp viết văn hư cấu với sinh hoạt giảng dạy và viết học thuật. Khi tôi làm việc tại một hãng luật ở thành phố New York sau khi tốt nghiệp trường luật, Việt Nam và các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung khác đang chuyển sang kinh tế thị trường. Đó là khi Liên Sô sụp đổ và Bức tường Berlin được phá bỏ. Tôi thấy tiềm năng của chế độ pháp trị, để tái thiết xã hội, để vun đắp quyền tự do cá nhân và khuyến khích phát triển kinh tế và chính trị bằng hội nhập quốc tế và thương mại. Vì thế đó chính là những mối quan tâm nghiên cứu trong sinh hoạt nghiên cứu và giảng dạy luật của tôi.
Viết văn và luật, ít nhất là theo tôi, dường như là hai lĩnh vực khác hẳn nhau, đặc biệt với chuyên ngành của chị là phát triển kinh tế và chính trị. Tôi cũng là người viết văn, nhưng mấy chủ đề như vậy thì tôi chịu, không thấm vào đầu được. Làm luật sư có giống làm nhà văn hay không? Làm luật sư và học giả có dạy cho chị được gì hữu ích để làm nhà văn?
Đúng vậy, chúng là hai lĩnh vực khác hẳn. Lối viết trong luật, cho các bài điểm về luật pháp hay sách học thuật, khác với lối viết văn sáng tạo. Viết về luật chủ yếu cần nghiên cứu, nghiên cứu rất nhiều, rồi trau chuốt nghiên cứu đó thành một luận điểm tinh chỉnh. Nội dung nghiên cứu lấy từ nguồn bên ngoài, không thuộc về ta – sách vở, bài báo chuyên môn, các cuộc phỏng vấn. Quá trình này tích lũy tư liệu, đi tìm chân lý của vấn đề, rồi gọt giũa, bỏ bớt những tư liệu dư thừa hoặc không liên quan đến chân lý đó (luận điểm đó). Loại viết văn sáng tạo của tôi xuất phát từ cái bóng của chính mình, sự điêu tàn của chính mình, tạm gọi như vậy, và ít khi cần nghiên cứu. Không phải lúc nào tôi cũng viết về Việt Nam; tuy nhiên, ngay cả khi chủ đề của tôi thay đổi, tôi không nghĩ việc viết văn của mình là kiểu viết sẽ cần nhiều nghiên cứu (vì tôi đã nghiên cứu nhiều cho việc viết về luật). Vì vậy khi viết văn hư cấu, tôi thiên về một kiểu viết khác, dựa nhiều hơn vào kinh nghiệm và những quan sát của riêng mình.
Tôi còn dạy học nữa, và dạy học cũng khác hẳn so với viết văn sáng tác hay bất cứ kiểu viết nào. Mối quan hệ người dạy/người học bao gồm một quá trình có tính tương tác hơn, trong khi tôi nghĩ viết về căn bản là một quá trình đơn độc. Bởi vậy tôi thích sự thay đổi mà việc dạy học đòi hỏi, có tính tương tác hơn, hướng ngoại hơn. Kết quả thấy ngay tức khắc. Đi dạy, ta truyền đạt thông tin, ta thúc giục sinh viên đặt câu hỏi về những giả định của họ, ta trau dồi tư duy phản biện của họ. Lúc rời khỏi lớp học, ta thấy mình đạt được điều đó ngay. Viết dường như đơn độc hơn, mà cũng mơ mơ hồ hồ hơn. Có khi ta chẳng biết ta sẽ đi tới đâu và ta chẳng biết liệu ngày mai ta có còn giữ những gì ta viết hôm nay.
Chị nói viết là hòa hợp giữa bản ngã ý thức và bản ngã “hình bóng”. Trong Monkey Bridge, đây chính là điều mà các nhân vật cố gắng làm. Đúng vậy, nhân vật người mẹ, Thanh, viết để ghi lại chuyện đời mình và để kể cho con gái mình biết sự thật về câu chuyện của bà. Chị có nghĩ viết và kể chuyện là điều quan trọng đối với các sắc dân thiểu số–nhất là di dân và người Mỹ gốc Việt? Theo chị, việc viết văn có vị trí ra sao trong sự hình thành các bản sắc và/hoặc các cộng đồng?
Tôi nghĩ viết và kể chuyện là điều quan trọng cho tất cả những ai cần tới nó (ví dụ, ta có thể nghĩ tới Thoreau với Walden hay May Sarton Journal of a Solitude [Nhật ký của một chốn tĩnh mịch]). Nhà văn có thể viết cho những hành trình riêng của họ. Nhưng tôi nghĩ viết và kể chuyện có thể quan trọng cho di dân theo một cách khác (dù tất nhiên những nhà văn là di dân cũng có thể viết cho chính họ và cho những hành trình riêng của họ). Đối với di dân, viết có thể là một cách xây dựng một cộng đồng hoặc tạo nên một dàn hợp xướng những tiếng nói có ý nghĩa quan trọng cho cộng đồng đó để hiểu nhau và cho thế giới bên ngoài hiểu cộng đồng đó. Vì thế việc viết văn có thể có một khía cạnh cộng đồng khi ta là một “nhà văn di dân”. (Dù tôi nghĩ một phần trong tôi tin rằng tất cả các nhà văn đều viết về một kiểu hành trình nào đó, và về phương diện đó, tất cả đều là di dân.)
Đối với các nhà văn người Mỹ gốc Việt thuộc một thế hệ nhất định, Việt Nam và cuộc chiến tiếp tục là một phần của chúng ta. Đó là đất và nước. Không thể tránh khỏi điều đó. Và khi ta thấy Việt Nam và cuộc chiến được thể hiện theo cách có tính chất loại trừ (chẳng can hệ gì tới chúng ta và kinh nghiệm của chúng ta), thì chuyện viết văn có một chiều hướng khác hẳn. Đó là viết hướng nội và viết hướng ngoại. Đó là viết cho bản thân và viết cho người khác. Đó vừa là viết vừa là diễn dịch. Nếu có quá nhiều tác phẩm viết cho người khác, tôi nghĩ cán cân có thể bị lệch và chẳng có tác dụng. Bởi vậy cần phải có sự cân bằng.
Tất cả mọi câu chuyện (kể cả lịch sử) đều có góc nhìn. Các nhà văn người Mỹ gốc Việt có vai trò quan trọng chỉ vì bằng cách viết văn (và không vì một lý do nào khác ngoài viết văn), chúng ta đưa thêm góc nhìn của mình vào dàn hợp xướng những tiếng nói về Việt Nam (giả định rằng các nhà văn người Mỹ gốc Việt viết về Việt Nam). Tới một lúc nào đó, có lẽ Việt Nam sẽ còn sức thu hút như vậy nữa, và Việt Nam và cuộc chiến không cần được “diễn dịch” nữa. Lúc đó, chúng ta sẽ viết như bất cứ nhà văn nào vẫn viết, và như vậy tất nhiên cũng đủ.
Tại sao chị nghĩ Cuộc chiến Việt Nam vẫn cần được “diễn dịch”? Tại sao các nhà văn vẫn viết và độc giả vẫn đọc về Cuộc chiến Việt Nam gần bốn mươi năm sau khi nó chấm dứt? Những cuốn sách liên quan tới Cuộc chiến Việt Nam mới xuất bản gần đây có: Kill Anything That Moves (Giết sạch những gì nhúc nhích) của Nick Turse (2013), The Reeducation of Cherry Truong (Sự cải tạo của Cherry Truong ) của Aimee Phan (2013), Birds of Paradise Lost (Những con chim của thiên đường đã mất) của Andrew Lam (2013). Có mối quan tâm dường như không phai nhạt về Cuộc chiến Việt Nam, và hình như tất cả các bên đều quan tâm – các tác giả Mỹ, các tác giả người Mỹ gốc Việt, vân vân. Theo chị, điều gì cuốn hút về cuộc chiến này khiến chúng ta muốn viết và muốn đọc?
Nó cần được diễn dịch vì Cuộc chiến Việt Nam đối với người Việt hải ngoại được trải nghiệm và ghi nhớ, gần như bằng một ngôn ngữ khác với Cuộc chiến Việt Nam đối với người Mỹ (và ngay cả như vậy, góc nhìn “Mỹ” không hẳn đồng nhất). Với người Việt hải ngoại, chúng ta có những ký ức khác. Ví dụ, với tôi, khi đọc “Tháng Tư là tháng tàn bạo nhất” của T.S. Eliot, tôi nghĩ tới tháng Tư năm 1975.
Tới nay, chúng ta chủ yếu nghe, ít nhất là bằng tiếng Anh, từ người Mỹ. Các tác giả và độc giả vẫn viết và đọc về cuộc chiến này bốn mươi năm sau khi nó kết thúc vì cuộc chiến này là một cuộc chiến có tầm quan trọng lịch sử. Tự thân nó có tầm quan trọng lịch sử – nó diễn ra vào buổi hoàng hôn chủ nghĩa thực dân Pháp, đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ chủ nghĩa thực dân, và sự bắt đầu vươn lên của chủ nghĩa cộng sản. Việt Nam (dưới thời Hồ Chí Minh), Cuba, Trung Quốc, Liên Sô, Bắc Hàn, các nước châu Phi nổi lên từ thời hậu thực dân, mê muội tin theo “câu chuyện hoang đường” của chủ nghĩa cộng sản. Chính ở Việt Nam một ranh giới đã được vạch ra, để ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản sang những vùng khác trên thế giới. Vì vậy cuộc chiến này tự thân nó có ý nghĩa quan trọng.
Nhưng nó quan trọng cũng vì Mỹ tham chiến và không thắng trận. Nó đã là và vẫn là một cuộc chiến gây nhiều tranh cãi. Liệu nó có phải là cuộc chiến giành độc lập cho Việt Nam chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ? Nhiều sinh viên phương Tây biểu tình tại đại học đã nghĩ vậy. Họ tuần hành mang theo cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và áp phích với hình Hồ Chí Minh. Liệu nó có phải là cuộc chiến của Bắc Việt xâm lấn Nam Việt? Liệu nó có phải là cuộc chiến của những người dân tộc chủ nghĩa phi cộng sản chống lại chủ nghĩa cộng sản quốc tế? Liệu nó có phải là cuộc chiến của những ý chí giữa phe Mỹ (Nam Hàn, Philippines, New Zealand, Úc, và các lực lượng đồng minh khác) và phe Cộng sản (Bắc Việt, Trung Quốc, Liên Sô)? Diễn biến cuộc chiến lên TV hàng ngày trong bản tin tối khiến nó càng gây tranh cãi. Tính chất du kích của cuộc chiến cũng khiến thường dân bị kéo vào trận chiến theo cách trước nay chưa từng thấy, và số tử vong quân sự và dân sự được ghi nhận và truyền hình. Cuộc chiến này cũng nêu ra những câu hỏi về tính trung lập của những quốc gia cho phép dùng lãnh thổ của họ làm bàn đạp tấn công một quốc gia khác (Cam Bốt với Nam Việt). Những cuộc biểu tình bùng nổ khi Mỹ mở các chiến dịch quân sự vào Cam Bốt để tiêu diệt các căn cứ biên giới. Việc công bố Hồ sơ Ngũ Giác Đài đã nêu ra những vấn đề ngoài lề nhưng quan trọng với người Mỹ – Liệu có thể tin được chính phủ? Làm sao có thể biện minh được cho việc giữ bí mật trong một xã hội tự do và mở?
Đồng thời, vì là một cuộc chiến gây tranh cãi, nó đặt ra nghi vấn với tất cả các loại nguyên tắc nền tảng. Nó đặt ra nghi vấn về bản chất của dân chủ và tính hợp hiến của cuộc chiến (Quốc hội không tuyên chiến, nhưng cấp ngân quỹ). Với lớp trẻ, những sinh viên trẻ trung đầy lý tưởng của thập niên 1960, cuộc chiến này là sự phân tán nguồn lực, thay vì dùng cho những chương trình chống đói nghèo thì lại dùng cho “tổ hợp công nghiệp quân sự”. Cuộc chiến có thể đại diện cho các hành động xâm lấn của siêu cường quốc chống lại một dân tộc Thế giới Thứ ba (như cách mô tả của Hà Nội) – tạo nên cơn lốc những phong trào như phong trào hòa bình và phong trào nhân quyền với chủ trương phản chiến, vì nó bị xem là một cuộc chiến chống lại người da màu (ở Châu Á).
Ở Mỹ, ta có Martin Luther King phản chiến (không nên đưa thanh niên da đen sang xứ xa xôi kia để đánh nhau với thanh niên da vàng, những người chưa bao giờ gọi họ là ‘mọi đen’). Ta có lý tưởng trẻ trung của Sinh viên vì Một Xã hội Dân chủ (SDS), sản sinh ra tổ chức có tính bạo lực hơn Weathermen rồi Weather Underground (đổi từ men sang underground để có tính nữ quyền hơn). Ta có SNCC (ủy ban phối hợp bất bạo động sinh viên); SCLC (Hội nghị Lãnh đạo Cơ đốc giáo Miền Nam) – tất cả đều phản chiến. Ngoài ra, thế hệ baby-boomer [những người ra đời trong thời kỳ bùng nổ dân số sau Đệ nhị Thế chiến] cũng tạo nên “nền phản văn hóa” của chính mình – cật vấn nhà cầm quyền, cật vấn lối sống đua đòi tiền tài danh vọng (từ bỏ cuộc chơi lại là điều hay) – những ca sĩ nhạc rock và folk (tiếng nói của thế hệ baby-boomer) như Bob Dylan, Joan Baez, Peter, Paul & Mary, thậm chí cả Beatles, đều lên án cuộc chiến và hát vì hòa bình. Thế hệ Woodstock cật vấn tất cả những gì mà thế hệ Đệ nhị Thế chiến đã chiến đấu để giành lấy.
Dĩ nhiên có một phía khác – phía của những người phản đối phong trào phản văn hóa trong thập niên 1960, cái phong trào đã châm ngòi phong trào phản chiến. Những người Mỹ này tin vào nhu cầu cần thắng cuộc chiến này và tin rằng cuộc chiến này có thể thắng lợi. Nhưng nhóm này chẳng có gì lý thú cả – họ là giới chóp bu “cây đa cây đề” – những người lớn mà thế hệ thanh niên baby-boomer chống đối. Ai mà thèm viết về họ? Họ là hiện trạng, chẳng gì mới mẻ.
Đó chính là bối cảnh trong đó cuộc chiến này được ghi nhớ – như một phần của một thời đảo điên khi nước Mỹ trưởng thành, khi tính cao quý của nó bị cật vấn (khác với Đệ nhị Thế chiến), khi chính sự phô diễn sức mạnh của Mỹ và các hạn chế của sức mạnh Mỹ bị cật vấn. Do cuộc chiến này tự thân nó có tầm quan trọng lịch sử, cộng với ý nghĩa văn hóa, ẩn dụ và bối cảnh, cuộc chiến này vẫn còn được quan tâm. Ngoài ra, bản thân cuộc chiến này làm nảy sinh đủ kiểu câu hỏi tiếp tục ám ảnh nước Mỹ mỗi khi Mỹ tham gia một cuộc chiến ở nơi khác. Mỹ tiếp tục lo sợ “một Việt Nam khác”, bất luận nói như vậy nghĩa là sao.
Trong cuốn sách mới của chị, The Lotus and the Storm, một trong các nhân vật chính có những hồi tưởng được khơi gợi bởi các cảnh đánh nhau ở Baghdad và Basra. Theo chị, tình hình ở Trung Đông tương tự như ở Việt Nam trong Cuộc chiến Việt Nam ở những mặt nào?
Những hồi tưởng của người lính trong tiểu thuyết này không phải là những hồi tưởng kiểu do một trải nghiệm sang chấn [traumatic experience] gây ra. Chúng là các ký ức thì đúng hơn (không phải chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn – Posttraumatic stress disorder, PTSD). Cho nên nhân vật này có cách nhìn như thế này: khi anh xem cách các xướng ngôn viên truyền hình trình bày chuyện Mỹ can thiệp vào Iraq và chuẩn bị cho việc Mỹ rút khỏi cuộc chiến đó, nó khiến anh nhớ tới cách Mỹ cũng chuẩn bị cho việc rút khỏi Việt Nam. Trong cả hai trường hợp, người Mỹ bắt đầu bằng việc cật vấn tính chính danh và sự khôn ngoan của hành động can thiệp (tức là điều mà John Kerry gọi là cuộc chiến sai lầm diễn ra không đúng chỗ và không đúng lúc); đưa ra lý lẽ biện hộ quan niệm cho rằng do vậy nên rút khỏi cuộc chiến càng sớm càng tốt (sau khi đã tàn phá), chứ đừng để một sai lầm tiếp diễn dài lâu; tự ca ngợi mình đã chiến đấu xuất sắc và đã làm hết sức mình; chê bai người Việt và người Iraq (và nay là người Afghanistan) vì đã không biết tự điều chỉnh – nói cách khác, khắc họa theo kiểu vơ đũa cả nắm các dân tộc kém phát triển ngoài Châu Âu là một dân tộc vô phương cứu chữa, tê liệt vì lắm tật xấu, nào là bất tài, tham nhũng, nào là thiếu gắn kết, vân vân. Edward Said đã viết về điều này trong cuốn sách quan trọng Orientalism (Chủ nghĩa phương Đông). Phương Đông là cái đối lập trì trệ, thụ động của Phương Tây năng động hơn.
Mục đích là có thể rút lui mà không mất mặt, và muốn làm vậy thì chỉ có cách đổ lỗi cho người bản xứ về tổn thất đó. Rốt cuộc, những cuộc chiến đó “chẳng bõ công”. Cả Việt Nam và Iraq đều là các nước không ở Châu Âu. Ta tự hỏi (từ quan điểm của nhân vật này) liệu Mỹ có tham chiến ở một nước Châu Âu theo cùng cách như vậy.
Theo chị, có liên hệ giữa chiến tranh và văn học hay không? Tức là văn học hay nghệ thuật có chức năng gì trong thời chiến hay không? Rồi sau chiến tranh? Nếu có, là gì?
Tôi nghĩ không có liên hệ trực tiếp nào giữa chiến tranh và văn học. Văn học có liên hệ với tất cả mọi thứ, trong đó có thể bao gồm chiến tranh, nhưng tôi không thấy một mối liên hệ nội tại hay hữu cơ nào giữa chúng. Tuy vậy, tôi cũng nên nói thêm rằng một người viết ở trong bối cảnh chiến tranh hoặc có cuộc sống chịu tác động của chiến tranh có thể đương nhiên bị thôi thúc phải viết về chiến tranh, nhưng không có bổn phận phải viết về chiến tranh. Người viết viết về những gì mình thấy. Kafka nói: “Bất cứ ai không thể đương đầu với đời trong khi người đó còn sống thì cần dùng một tay để gạt đi đôi chút nỗi thất vọng về số phận của mình … nhưng bằng tay kia, người đó có thể ghi lại những gì mình thấy từ cảnh điêu tàn, vì người đó thấy những điều khác và nhiều điều hơn những người khác ….”
Hơn nữa, khi người viết viết về chiến tranh, không bắt buộc phải khắc họa cuộc chiến đó theo một cách cụ thể nào khác hơn cách mà người viết và các nhân vật nhìn nhận về nó. Tôi không cảm thấy mình phải viết về cuộc chiến ở Việt Nam theo cách làm thỏa mãn cảm nhận của người Việt hải ngoại, bất luận cái cảm nhận đó có thể là gì đi nữa. Tôi không tin rằng người viết nên chiều theo những người chủ trương thuần khiết đã làm điêu tàn những người bấn loạn, xin diễn giải lời của Rushdie.
Tôi mừng khi anh hỏi câu này vì trong câu trả lời trước về diễn dịch Việt Nam. Tôi không định nói rằng có cách nào đúng để diễn dịch Việt Nam hay cuộc chiến – tôi chỉ muốn nói rằng khi đọc hàng trăm cuốn sách về Việt Nam ở cấp trung học, tôi thấy hầu như chẳng có tiếng nói người Việt nào được giới chủ lưu xem là đáng lắng nghe, và điều đáng buồn hơn nữa là thậm chí chẳng ai thấy thiếu một tiếng nói như vậy.
Vì tôi thấy mình buộc phải lao mình ngụp lặn trong đống điêu tàn của chiến tranh, tôi đã nghĩ rất nhiều về cách viết về đề tài này. Bởi vậy tôi bị cuốn hút vào tác phẩm của những tác giả có tiểu thuyết được lồng theo cách rất riêng tư vào bối cảnh hỗn loạn trong thời của họ nhưng không sa vào chỗ dạy đời hay ý thức hệ. Tác phẩm của họ viết về gia đình và thế giới mà dựng lên một hàng rào bất khả xâm phạm giữa hai điều này.
Chị nói hồi trung học, chị đọc nhiều sách về Việt Nam, nhưng hiếm khi có sách viết từ góc nhìn người Việt. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của chị, Monkey Bridge quả thực được xem là một những tiểu thuyết đầu tiên của một người Mỹ gốc Việt về Cuộc chiến Việt Nam và hậu quả của nó. Chị có gặp khó khăn gì khi tìm nơi xuất bản nó?
Tôi nghĩ nhiều chuyện trong đời xảy ra khá may mắn. Tôi viết Monkey Bridge chủ yếu như một câu chuyện mẫu tử. Mẹ tôi bị đột quỵ, và chính điều đó, chứ không phải Việt Nam, khiến tôi viết. Tất nhiên tôi lồng Việt Nam vào câu chuyện vì Việt Nam là một phần con người của tôi. Có thể nói, vì động lực cảm xúc cho cuốn tiểu thuyết đó là mẹ tôi, nó kìm nén cái máu luật sư của tôi muốn “bày tỏ quan điểm” – ví dụ về Việt Nam. Viết tiểu thuyết khác hẳn so với viết một bản tóm tắt luận cứ, chắc anh cũng hình dung được.
Vì vậy sau khi viết xong tiểu thuyết đó, tôi để yên đó. (Tôi đã viết những phiên bản khác của một tiểu thuyết mà tôi không hài lòng, và cất chúng trong một cái hộp đặt dưới giường tôi).
Rồi tôi đi nghỉ cuối tuần – một bãi biển ở East Hampton. Tôi ngồi cạnh một người đọc nguyệt san The Advocate. Trang bìa có một cuộc khảo sát về tần suất ái ân mà các cặp nam đồng tính, các cặp dị tính và các cặp nữ đồng tính tiếp tục có trong những mối quan hệ dài lâu. Tôi nghĩ đó là một cái tít trang bìa có tính kích thích, lý thú, nên tôi bắt chuyện với cô ấy. Tôi chẳng nhớ mình nói gì, nhưng cô nghĩ là buồn cười. Chúng tôi mải miết nói chuyện khá lâu. Cô bảo cô là người đại diện nhà văn ở hãng Curtis Brown. Tôi buột miệng khoe mới viết một cuốn tiểu thuyết, và thấy mắc cỡ ngay tức thì vì tôi hình dung cô thường gặp kiểu đáp lời như vậy. Cô hỏi viết về chuyện gì, và khi tôi trả lời, cô lập tức bảo tôi gởi bản thảo cho cô. Lúc đó là năm 1996 và tôi sắp sửa lên đường đi Việt Nam. Tôi trao bản thảo cho cô, lên đường (sang dạy một khóa theo hợp đồng ở Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Đại học Luật Hà Nội). Tôi chẳng liên lạc với cô trong suốt thời gian của chuyến đi đó (lúc đó chưa thực sự có email). Khi tôi trở về, cô bảo ba hay bốn nhà xuất bản đã ngỏ ý muốn in. Tôi nhớ đó là Viking, Ballantine, Simon & Schuster và một nhà khác. Tôi gặp từng nhà xuất bản và chọn Viking vì biên tập viên và tôi hợp ý nhau ngay tức khắc. Cô ta được in cuốn sách, còn tôi tìm được người hợp ý.
Vì vậy cuốn sách đó được xuất bản khá dễ dàng.
Monkey Bridge viết về mối quan hệ giữa mẹ và con gái. The Lotus and the Storm dường như viết về mối quan hệ giữa cha và con gái. Cuốn này lấy cảm hứng từ đâu? Viết cuốn này khác với cuốn đầu tiên ra sao?
Với cuốn này, tôi muốn viết về cuộc sống trong chiến tranh và cuộc sống bị thay đổi do thua trận. Như vậy nghĩa là viết về cuộc đời của một người từng tham chiến và chuyện những bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến đã ảnh hưởng ra sao tới ông. Vì vậy, tôi chọn cú đảo chánh năm 1963 lật tổng thống [Ngô Đình] Diệm, sự kiện Mậu Thân 1968, Hiệp định Hòa bình Paris 1973, Sài Gòn sụp đổ năm 1975, chuyện thuyền nhân bỏ nước ra đi sau năm 1975. Và để câu chuyện có tính cá nhân, tôi muốn quân nhân này có vợ, con gái, bạn bè, thân nhân – nói cách khác viết về những chuyện riêng tư trong đời họ. Khác với Monkey Bridge, cuốn tiểu thuyết này hoành tráng hơn vì nó kết hợp bức tranh bao quát của một cuộc chiến có tính lịch sử với những chi tiết chi li của đời sống gia đình.
Viết cuốn này khác Monkey Bridge vì tôi không có thiên hướng tự nhiên viết về các vấn đề quân sự, trong đó có các chính sách quân sự, sách lược và những trận đánh. Đó là điều hoàn toàn mới mẻ với tôi. Ngược lại, tất cả những gì tôi viết trong Monkey Bridge đều rất thân thuộc với tôi.
Tác phẩm của chị rất gắn liền với lịch sử – quốc gia (quốc tế) và cá nhân. Ví dụ, người mẹ trong Monkey Bridge rất lo về nghiệp chướng – sự trừng phạt do lịch sử và sự lặp lại của lịch sử – nhưng bối cảnh cho câu chuyện của bà ta là lịch sử của Cuộc chiến Việt nam. Lịch sử quan trọng ra sao với chị với tư cách là một người viết?
Lịch sử quan trọng với tôi vì tôi đang sống với lịch sử của cuộc chiến ở Việt Nam. Cách nước Mỹ tiến hành cuộc chiến đó có những hậu quả cho chúng tôi trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Nhưng nếu tôi có viết một tác phẩm hư cấu khác không liên quan tới Việt Nam, tôi nghĩ lịch sử vẫn sẽ được hòa quyện vào tác phẩm đó. Tôi quan tâm tới sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại; nhất là cách quá khứ thấm đẫm vào hiện tại. Và quá khứ không nhất thiết là quá khứ lịch sử. Lịch sử viết hoa. Nó cũng có thể là lịch sử đời tư của một người. Như Faulkner từng nói, “Quá khứ không bao giờ chết. Nó thậm chí không phải đã quá vãng.”
Tôi thấy điều này mang tính Việt Nam rất rõ. Ví dụ, khái niệm làm phước. Tôi cũng chẳng biết làm sao dịch chữ phước. Tôi nghĩ ta có thể nói là blessing (phúc lành). Cái khái niệm đặc thù Việt Nam này là khái niệm cho rằng ta có thể tạo ra phước bằng suy nghĩ và hành động của mình. Và không chỉ tạo ra phước mà ta có thể để phước lại cho con cháu. Tôi không biết đây có phải là một khái niệm rõ rệt, nhưng nó được ngầm hiểu trong đời sống hàng ngày. Hẳn anh từng nghe người ta nói làm phước cho con. Nói vậy như vậy chắc chắn nghĩa là cha mẹ phải làm sao để tạo phúc lành, may mắn và sự may mắn/phúc lành đó có thể được truyền lại cho đời sau. Rất giống với khái niệm nghiệp chướng. Nghiệp chướng không chỉ được tái tạo và xuất hiện trong các kiếp sau, mà còn ngay ở trong kiếp này. Tương tự với làm phước. Vì thế quá khứ (những hành động từ quá khứ – của một người hay một quốc gia) sẽ có tác động dây chuyền trong hiện tại. Mẹ tôi luôn nói về cách người Việt đã đối xử với người Chăm, người Khmer. Bà luôn nghĩ làm như vậy là vô phước.
Và câu hỏi cuối cùng: chị có lời khuyên gì cho những người viết trẻ?
Tôi nào dám khuyên gì cho bất cứ ai vì tôi coi như tình cờ bước vào con đường viết văn này. Nhưng tôi nghĩ đọc sách là điều hết sức quan trọng vì nó đưa người viết vào nhịp điệu của một câu chuyện. Ta học viết văn mà không sự chủ tâm học viết văn. Ngoài ra cũng nên chịu khó quan sát những sự vật xung quanh ta, để ý tới những vận động, những tương tác của cuộc sống. Chúng có thể tạo cảm hứng để viết. Có quá nhiều lối viết, nên tôi nghĩ cần đọc những sách nào bạn thấy hứng thú và xem cách tác giả đó đạt được điều bạn cho là thành công trong cuốn sách đó. Ví dụ, tôi rất thích bộ truyện Rabbit của John Updike. Một phần là vì tôi thích cái cách diễn biến thời sự được lồng vào câu chuyện một cách nhẹ nhàng và thanh thoát. Vì vậy, cả “chuyện nhà” và “chuyện đời” hòa quyện với nhau trong những cuốn sách của ông. Và tôi cũng thích ở chỗ mặc dù Rabbit không nhất thiết luôn là người rất dễ thương, anh ta thường khiến người ta yêu mến bất chấp những khiếm khuyết của anh. Tác giả Updike đối xử với anh ta trìu mến, dịu dàng, và tài nghệ và giọng văn của ông khiến câu chuyện về một thị trấn nhỏ ở Mỹ, với cư dân là tầng lớp trung lưu Tin Lành thành một câu chuyện phổ quát. Tôi thích cách ông dùng ngôn ngữ khó hiểu, đôi khi pha trộn ngôn từ theo những cách ta chưa từng thấy. Tóm lại ý tôi là nếu bạn tìm được một tác giả ưa thích, hãy đọc tác giả đó. Như vậy có thể rất tốt cho việc viết văn của bạn.
“Lời khuyên” tôi đưa ra để trả lời câu hỏi của anh cũng gần như là lời khuyên tôi đưa ra cho chính mình. Ta phải biết các thiên hướng tự nhiên của ta là gì và những thiên hướng đó có thể có những khiếm khuyết nào, và tìm cách khắc phục chúng. Tôi biết tôi thiên về tự sự và đời sống nội tâm, thiên về viết diễn đạt xúc cảm hơn là cốt truyện bề ngoài. Khi viết, tôi chẳng bao giờ biết tiếp theo sẽ là gì. Một câu, đôi khi cứ gần như tự động tràn ra trên màn hình, được tiếp nối bằng câu khác, và rồi bằng cách nào đó cuốn sách được viết ra. Chẳng bao giờ có gì được sắp xếp cốt truyện trước. Tôi nghĩ nhiều về cách bố trí tâm lý của một nhân vật và tự hỏi nhân vật đó sẽ làm gì trong tình huống thế này thế kia. (Thay vì nghĩ tới tình huống, cốt truyện, và để cho nhân vật trình diễn nó). Nhưng dù tôi cảm thấy thoải mái về chuyện đó, tôi cũng tự khuyên mình là nên cẩn thận vì ta vẫn cần kể một câu chuyện, miêu tả một cảnh. Cốt truyện vẫn quan trọng. Và nghĩ tới điều đó, tôi nhớ tới những câu chuyện có cốt truyện tuyệt vời – ví dụ Ngàn lẻ một đêm, truyện kiếm hiệp Trung Quốc. Chỉ là một cách để tự nhắc mình là đừng coi nhẹ cốt truyện.
Lan Cao [Cao Thị Phương Lan] là tác giả của Monkey Bridge (Cầu khỉ) cuốn tiểu thuyết được giới phê bình khen ngợi và do nhà Viking Penguin xuất bản năm 1997, và cuốn The Lotus and the Storm (Hoa sen và Bão tố), được nhà Viking Penguin xuất bản vào tháng 8 năm 2014. Bà cũng là một giáo sư luật. Năm 2013, bà trở thành Giáo sư Luật Kinh tế Quốc tế hàm Betty Hutton Williams tại Đại học Luật Chapman sau hơn một thập niên trong ban giảng huấn tại Đại học Luật William & Mary. Bà tốt nghiệp [cử nhân] Mount Holyoke College và [tiến sĩ luật] Đại học Luật Yale, nơi bà là biên tập viên của tập san Yale Law Journal. Sau khi tốt nghiệp trường luật, bà làm thư ký cho một thẩm phán liên bang và hành nghề luật sư tranh tụng và doanh nghiệp ở thành phố New York trước khi tham gia giảng dạy và nghiên cứu luật. Bà cũng đã dạy ở Đại học Luật Brooklyn, Đại học Luật Duke, và Đại học Luật Michigan.
Eric Nguyen có bằng xã hội học của Viện Đại học Maryland cùng với chứng chỉ về Nghiên cứu người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới. Hiện anh đang học để lấy bằng Thạc sĩ Mỹ thuật tại Viện Đại học Công lập McNeese và sống ở Louisiana.
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch từ bản tiếng Anh, theo yêu cầu của diaCRITICS.
Bài đã đăng trên diaCRITICS ngày 8/11/2014.
Bản tiếng Việt @ 2014 diaCRITICS & Phạm Vũ Lửa Hạ.