Lắng nghe nhân dân, bằng không sẽ thất bại

Michael Ignatieff

Sau vỡ nợ kinh tế là đến vỡ nợ chính trị. Các chính khách ở Hy Lạp và Ý đã thất bại. Bây giờ đến lượt của những nhà kỹ trị. Sau khi bị các thị trường trái phiếu tấn công dồn dập và bị thất thế bởi chính những mưu đồ của mình, tầng lớp chính trị Hy Lạp đã quay sang nhờ đến Lucas Papademos trong khi người Ý nhờ đến Mario Monti. Cả hai đều là những nhà kinh tế học tài năng và có tiếng tăm, nhưng một người đa nghi có thể được lượng thứ nếu hỏi: tại sao người dân thường lại phải tin họ?

Cả hai đều thuộc tầng lớp chuyên gia ngân hàng và kinh tế ngay từ đầu đã đẩy Châu Âu vào tình trạng rối beng này. Cả hai đã nắm những chức vụ điều hành ở những định chế của Liên hiệp Châu Âu từng nhắm mắt làm ngơ trong một thập niên trước những lời nói dối của Hy Lạp và Ý về tài chính công của họ. Vậy cớ làm sao mà Hy Lạp và Ý lại đang nhờ đến những nhà kỹ trị Châu Âu để lôi họ ra khỏi vũng lầy? Bởi vì chẳng còn ai đủ uy tín.

Giới kỹ trị được xem là có uy tín bí ẩn về việc không chịu ảnh hưởng của chính trị. Nhưng làm gì có chuyện “không chịu ảnh hưởng của chính trị”. Cuộc khủng hoảng này xưa nay toàn mang màu sắc chính trị. 

Những vấn đề mà hai nước này đối mặt không mang tính kỹ trị. Những biện pháp cần phải thực hiện đã quá rõ: tái lập kiểm soát tài chính công, tái kích cầu và phục hồi khả năng cạnh tranh cho hai nền kinh tế Nam Âu này. Vấn đề này mang tính chính trị: làm sao thúc đẩy một nền hành chính miễn cưỡng phải tự cải cách, làm sao buộc các nghị sĩ bỏ phiếu chấp nhận tăng thuế, và làm sao thuyết phục người dân đã quá túng quẫn tin rằng những hy sinh được đề xuất là công bằng và có ánh sáng cuối đường hầm.

Như Hy Lạp đã cho thấy, nếu ta không thể thuyết phục người dân tin rằng chính sách thắt lưng buộc bụng là công bằng, một quốc gia có thể trở nên không thể cai trị được. Đây hiện là vấn đề ở Nam Âu.

Thủ tướng Monti và thủ tướng Papademos phải khôi phục tính có thể cai trị, nhưng cả hai đều không có bao nhiêu tính chính đáng chính trị. Cả hai lên nắm quyền mà không bằng lá phiếu bầu phổ thông, và nếu những nhà kỹ trị thất bại, tầng lớp chính trị sẽ giành lại quyền lực và nói rằng “Tôi đã bảo mà”. Nếu những nhà kỹ trị thành công, tầng lớp chính trị sẽ tranh công. Dù thế nào đi nữa, tầng lớp chính trị nghĩ rằng họ sẽ thắng và đưa đất nước của họ quay lại những lối cũ tệ hại.

Thời gian là điều thiết yếu và cả hai vị thủ tướng không có nhiều thời gian. Họ sẽ gặp phải sự chống đối ở mọi nơi của nhân viên khu vực nhà nước, giới chủ lao động và thị trường trái phiếu. Những nhóm lợi ích này sẽ cố gắng kiên nhẫn đợi đến khi họ chịu thua hoặc, nếu không làm được như vậy, sẽ kỳ kèo đòi cho bằng được những gì có lợi nhất cho họ để đổi lấy sự ủng hộ của họ.

Cả hai vị chăm chuốt hình ảnh “không chịu ảnh hưởng của chính trị”, nhưng cả hai đủ khôn ngoan để hiểu họ đang đương đầu với gì. Trong một bài phát biểu ở Washington hồi tháng Tư, ông Papademos nói vấn đề chính ở Hy Lạp không phải là chọn lựa một giải pháp kinh tế, mà là thực hiện giải pháp đó với tất cả mọi tầng lớp.

Hai vị lãnh đạo này đang dựa vào những dữ kiện khủng hoảng không thể lay chuyển được để buộc công chúng ủng hộ chương trình thắt lưng buộc bụng của họ. Nhưng tuy dữ kiện là những điều bất di bất dịch, chúng không phải hiển nhiên. Hy Lạp và Ý sẽ không lâm vào tình trạng như hiện nay nếu các dữ kiện tự thể hiện rõ hết. Sẽ cần có kỹ năng chính trị siêu hạng để thuyết phục Nam Âu tin rằng dữ kiện là dữ kiện.

Khủng hoảng kinh tế một lần nữa bộc lộ sự thâm hụt dân chủ ngay trọng tâm của toàn thể công cuộc hội nhập Châu Âu. Tầng lớp chính trị do dân bầu của khu vực đồng euro trong hơn một thập niên đã không cho cử tri biết một đồng tiền chung sẽ tốn kém bao nhiêu. Không một chính khách nào dám giải thích sự thật với người Hy Lạp hay người Ý, chứ chưa nói gì tới người Đức. Sự thật là Hy Lạp và Ý không đủ khả năng cạnh tranh và vung tay quá trán. Người dân Đức không được nói cho biết rằng một liên hiệp tiền tệ chuyển chi phí chính trị và kinh tế từ những nhà nước tiêu xài hoang phí sang những nhà nước thận trọng như nhà nước của chính họ.

Thủ tướng Monti và thủ tướng Papademos tin rằng họ có thể nói sự thật với nhân dân của mình vì, khác với các chính khách, họ không phải đối mặt với một cuộc bầu cử. Nhưng phục hồi Ý và Hy Lạp sẽ mất thời gian dài và, về dài hạn hơn, tính chính đáng kỹ trị sẽ không đủ. Sau nửa thế kỷ của thí nghiệm Châu Âu, tính chính đáng chính trị vẫn giữ nguyên hình thức của mình trong mọi nền dân chủ: không thể nào khác hơn là ở các cấp quốc gia, địa phương và chính trị. Điều đó phải đạt được qua bầu cử. Nhờ đến các chuyên gia để giải quyết các vấn đề về tính chính đáng và sự ưng thuận là một dấu hiệu không phải của sức mạnh, mà là của sự yếu kém. Sau hai vị Monti và Papademos, Châu Âu sẽ cần các chính khách do dân bầu đạt được tính chính đáng thông qua nỗ lực vất vả, bằng cách nói thật với nhân dân.

Tạm thời, xem như dấu hiệu tốt khi thủ tướng Monti đang được gọi là “giáo sư”. Đó là chỉ báo cho thấy nhân dân muốn ông thành công. Bản thân tôi từng là giáo sư và từng tham gia chính trường (Michael Ignatieff nguyên là chủ tịch Đảng Tự do, thủ lĩnh phe đối lập trong Hạ viện Canada; trước đó ông là giáo sư Đại học Harvard. N.D.), tôi chỉ xin đưa ra một lời khuyên: hãy thuyết phục nhân dân của ta tin rằng ta đang làm điều này không phải cho các ngân hàng, không phải cho Châu Âu, không phải cho thị trường trái phiếu, mà cho họ, những đồng bào của ta. Nên nhớ rằng họ, chứ không phải thị trường trái phiếu hay Liên Hiệp Châu Âu, có quyền lực cuối cùng. Nếu nhân dân tin rằng ta không ở về phía của họ, ta sẽ thất bại và họ có thể khiến đất nước ta trở nên không thể cai trị được.

Tác giả nguyên là một chính khách Canada, và hiện đang dạy tại Đại học Toronto.

Bản tiếng Anh: One professor to another: listen to the people, or fail, Financial Times, 17/11/2011

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/11/19/listen-to-the-people/

32 thoughts on “Lắng nghe nhân dân, bằng không sẽ thất bại

  1. Vẫn thích đọc những bài dịch của thầy và rất hâm mộ. Nhưng thế nào là một chính khách? Những bài này thầy có đăng tải trên báo Việt Nam không hay chỉ để viết blog?

  2. Pingback: Dahanhkhach's Blog
  3. Bài dịch của anh rất bổ ích, cám ơn anh đã có công lớn! Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhận xét với anh là có nhiều đoạn anh không dịch ra lối viết và nói thông thường của người Việt, nên khá tối nghĩa. Một số chi tiết anh dịch sai nguyên tác. Chỉ là tiểu tiết, nhưng không nên xem thường. Chúc ngày lành. Dave.

  4. Ví dụ- Người Việt không nói và viết “tầng lớp chuyên gia ngân hàng và nhà kinh tế học”, mà nói và viết là “… GIỚI tài phiệt ngân hàng và chuyên gia kinh tế vĩ mô…”; Người Việt không nói “tính chính đáng” mà nói “mức độ chính đáng”, và chữ political legitimacy trong nguyên tác có lúc phải dịch là “sự chính thống về mặt chính trị”; Ở một đoạn khác, nguyên tác English “across the board” phải được dịch tương đương là “một cách toàn diện”, hoặc phỏng dịch là “một cách triệt để”; Chữ “consent” trong ngữ cảnh bài viết nên dịch là “sự đồng thuận”, cũng như không có người Việt nào nói “sự thâm hụt dân chủ”, mà chỉ nói là “sự thiếu dân chủ” hay “mức độ phi dân chủ”; Cuối cùng, paragraph “The two leaders are counting on… the facts are the facts”, anh nên dịch lại 1 lần nữa cho đúng. Vài góp ý chân thành, mong đọc được nhiều bài nữa của anh! Regards, Dave.

    1. Cảm ơn anh David đã chịu khó đọc và góp ý. Về những ý kiến của anh, để lúc nào rảnh, mình sẽ viết hẳn 1 entry mới để bàn cho thỏa đáng. Chỉ nói sơ vài ý như sau:
      1) Bản dịch không chỉ thể hiện ý bề mặt của văn bản, mà còn nên gắng lột tả những hàm ý, nếu có, cúa tác giả. Cách đọc và hiểu between the lines của anh có lẽ khác với của mình nên mới có độ chênh giữa cách diễn đạt.
      2) Những chỗ anh góp ý về thuật ngữ, có lẽ anh nên đọc kỹ lại tiếng Anh, & ẩn ý và/hoặc lối chơi chữ của những chỗ đó (thể hiện qua context và background của những nhân vật được đề cập).
      Tóm lại, mình vẫn giữ bản dịch này theo ý mình.

      1. Tôi cũng chưa bao giờ có ý muốn anh không giữ bản dịch của mình. Tôi chỉ góp ý vài chi tiết với anh, với mong muốn mình sẽ có một bản dịch tốt hơn với một thứ tiếng Việt trong sáng hơn. Qua cách trả lời của anh, tôi đoán là anh có nhiều phần phật ý hơn là bình tĩnh ghi nhận góp ý của tôi. Dù sao đây cũng là blog của anh và anh có toàn quyền với nó. Tốt nhất là tôi nên rút lui. Tiếc là thỉnh thoảng tôi cũng lười đọc bài viết bằng Anh ngữ và lướt qua các bài dịch của anh cũng khá thú vị, vì nó make sense với tôi bản chất vẫn còn Mít 95%! Anh có khá nhiều công lao trong việc phổ biến những ý niệm democracy cho đồng bào Việt mình, đặc biệt là cho những ai không có khả năng đọc bằng nguyên ngữ. Nhưng tôi cho là anh cũng khá cố chấp và chủ quan. Thôi chúc anh tiếp tục tiến bộ và có lẽ là chúng ta không có duyên bằng hữu học thuật với nhau. Chào anh. Dave.

        1. Anh mới là mất bình tĩnh. Mình đã nói là tạm thời trả lời nhanh vài ý, khi nào rảnh mới trả lời cặn kẽ. Tính mình cẩn thận nên phải mất thời gian để phúc đáp từng ý của anh. Nếu dễ dàng bị phật ý thì ngay từ đầu mình đã không để mở comment, và không chấp nhận ý kiến của anh, cũng như không thèm phản hồi.

          Mở rộng cửa đón nhận comment, không có nghĩa là mình sẽ đồng ý với tất cả mọi góp ý. Có những bạn trước đây góp ý, mình thấy hợp lý thì chỉnh sửa. Như vậy thì sao gọi là cố chấp.

          Phần lớn những nhận xét của anh là về văn phong, mà lối hành văn thì mỗi người mỗi khác vì mỗi người có cách đọc văn bản khác nhau. Anh thì nhất quyết phải thế này thế kia; như vậy có phải chủ quan không?. Mong anh đọc thật kỹ những giải thích ngọn ngành của mình ở dưới đây, chứ đừng vội kết luận này nọ.

    2. Mình sẽ trình bày từng điểm một cho dễ theo dõi. Những định nghĩa từ tiếng Việt dẫn theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 2004 (HP); còn tiếng Anh dẫn theo Từ điển Merriam-Webster bản on-line (MW).

      1. Người Việt không nói và viết “tầng lớp chuyên gia ngân hàng và nhà kinh tế học”, mà nói và viết là “… GIỚI tài phiệt ngân hàng và chuyên gia kinh tế vĩ mô…”.
      Nguyên văn: the class of bankers and economists.
      Không hiểu anh David nói cách dịch đó sai hay chướng tai ra sao trong tiếng Việt. Ngoài ra, gợi ý của anh có mấy chỗ cần bàn như sau.

      1.a. Chữ “giới” thường được dùng để diễn đạt về một nhóm, thay vì dịch dài dòng hình thức số nhiều trong tiếng Anh thành “những người / những nhà …”. Đó là một cách xử lý tinh tế. Trong câu này, từ “class” được dùng với nghĩa “tầng lớp / giai cấp” (a group sharing the same economic or social status), như trong “the working class” (tầng lớp / giai cấp lao động). HP định nghĩa “giới” là “lớp người trong xã hội phân theo một đặc điểm rất chung nào đó, về nghề nghiệp, địa vị xã hội, v.v.”. Như vậy, dùng chữ “giới” theo đề nghị cũng đúng, nhưng chưa diễn tả ý. Mình đã chọn từ “tầng lớp” vì lý do ngữ cảnh. Trong đoạn mở đầu, tác giả Michael Ignatieff đã nói đến “the Greek political class”, và lặp lại cụm từ đó xuyên suốt trong bài với hàm ý về cuộc đấu tranh giữa các nhóm lợi ích khác nhau do chênh lệch giàu nghèo ở các nước đang gặp khó khăn của khu vực đồng euro, và gần đây những cuộc phản kháng rộ lên kiểu “Chiếm đóng Phố Wall”.

      1.b. Theo MW, “banker” là “one that engages in the business of banking”, chỉ những ai làm việc liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng, từ tổng giám đốc tới nhân viên tín dụng cấp thấp; tất nhiên làm bảo vệ (security guard) cho ngân hàng thì không kể. Đề nghị dịch là “tài phiệt ngân hàng” thì có phần hơi vung tay quá trán. Cỡ như George Soros mới gọi là tài phiệt (tycoon, magnate). Dịch như vậy thì coi như bất chấp về sự nghiệp của hai thủ tướng mới lên của Ý và Hy Lạp. Mario Monti từng là giáo sư và hiệu trưởng Đại học Bocconi, bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Ý, ủy viên Ủy hội Châu Âu, và có thời gian là cố vấn cao cấp cho Goldman Sachs. Lucas Papademos từng là thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, và có thời gian là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kennedy của Đại học Harvard.

      1.c. Không hiểu tại sao David đề nghị dịch “economist” là “chuyên gia kinh tế vĩ mô” (macroeconomist). Chẳng lẽ quản lý kinh tế chỉ có vĩ mô chứ không có vi mô?

      2. Người Việt không nói “tính chính đáng” mà nói “mức độ chính đáng”, và chữ political legitimacy trong nguyên tác có lúc phải dịch là “sự chính thống về mặt chính trị”;

      2.a. MW định nghĩa “legitimacy” là “the quality or state of being legitimate”. Không thấy ý “mức độ” (degree) ở đây. Sửa lưng kiểu này là chẻ sợi tóc làm tư không cần thiết. Ngoài ra, khái niệm “political legitimacy” chưa phổ biến hoặc bị cấm bàn đến ở ta nên chưa thống nhất cách dịch.

      2.b. Có lẽ anh nhầm lẫn giữa hai khái niệm “chính đáng” (đúng, hợp với lẽ phải) và “chính thống” (được thừa nhận là chính thức trong một thời đại, một chế độ). Tại một số nước (ở đâu tự hiểu, khỏi nói), có những thể chế chính thống nhưng chưa chắc là chính đáng.

      3. Ở một đoạn khác, nguyên tác English “across the board” phải được dịch tương đương là “một cách toàn diện”, hoặc phỏng dịch là “một cách triệt để”;
      Nguyên văn: the chief problem in Greece was not choosing an economic remedy but implementing it across the board.

      Mình dịch “(thực hiện giải pháp đó) với tất cả mọi tầng lớp” theo nghĩa thứ nhất “so as to include or affect all classes or categories” với liên tưởng ngữ cảnh nói trên. Ví dụ dùng từ theo nghĩa này của MW là cut spending across the board; như vậy gần với bối cảnh Hy Lạp phải theo chính sách thắt lưng buộc bụng hiện nay. Có lẽ anh hiểu theo nghĩa thứ nhì “in all areas or respects”(như trong considered an average player across the board).

      4. Chữ “consent” trong ngữ cảnh bài viết nên dịch là “sự đồng thuận”,
      Theo thiển ý, “sự đồng thuận” (consensus, unanimity, unanimous consent) là được tất cả mọi đối tượng liên quan chấp nhận, còn “sự đồng ý / chấp thuận” (consent) không cần tất cả.

      5. cũng như không có người Việt nào nói “sự thâm hụt dân chủ”, mà chỉ nói là “sự thiếu dân chủ” hay “mức độ phi dân chủ”;
      Nguyên văn: democratic deficit
      Đồng ý là đề xuất của anh nghe dễ chịu, êm tai hơn. Nhưng mình cũng lại dựa vào ngữ cảnh để gắng lột tả hết ẩn ý của văn bản. Ngay ở câu đầu tiên, tác giả đã chơi chữ “political default” (vỡ nợ chính trị), liên tưởng đến “vỡ nợ kinh tế”. Nhiều chỗ trong bài, tác giả cũng dùng các thuật ngữ và/hoặc liên tưởng về kinh tế tài chính để truyền đạt thông điệp thuần túy chính trị của bài viết. Một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng hiện nay ở khu vực đồng euro là thâm hụt ngân sách (budget deficit) do sự chi tiêu phung phí của một số nước thành viên. Theo cách hiểu của mình, tác giả cũng chơi chữ khi viết “democratic deficit”. Chủ định của mình là không chỉ đọc nghĩa bề mặt mà còn đào sâu xuống (read between the lines) để dịch các hàm ý. Ý tại ngôn ngoại mà.

      6. Cuối cùng, paragraph “The two leaders are counting on… the facts are the facts”, anh nên dịch lại 1 lần nữa cho đúng.
      Không rõ anh nói sai chỗ nào.

      1. Hi Phan Vũ Lửa Hạ, rất tiếc là anh vẫn chưa quen với cách tranh luận dân chủ của xã hội bên này. Bằng chứng cho kết luận đó là anh vẫn cố viện dẫn từ điển, từ nguyên để chứng minh là cách dịch của mình đúng, hàm ý rằng góp ý của tôi là sai. Số đông người Việt mình đều như vậy cả.

        Hàm ý của tôi về cách tranh luận dân chủ của xã hội bên này bao gồm những ý như thế này:

        1) Không có ai đúng 100% và không có ai sai 100%- Đúng sai tùy theo góc nhìn của mỗi người, ở đây là cách tiếp cận và hiểu nguyên tác khác nhau của mỗi người;

        2) Khi góp ý cho thể nhân, nói rộng là khi tranh luận, nên góp ý theo cách “theo tôi, nên thế này, nên thế khác…” – Đó là điều tôi hết sức cố gắng giử trong cách góp ý của mình với bài dịch của anh. Nếu tôi có lúc quá chủ quan mà quả quyết rằng “anh sai, tôi đúng” thì mong anh bỏ qua cho, vì thật ra phải nói rỏ rằng “THEO THIỂN Ý CỦA TÔI, anh đã sai, tôi đã đúng TRONG VẤN ĐỀ CỤ THỂ ĐÓ”;

        3) Khi nhận góp ý từ thể nhân, điều đầu tiên ta cần làm là LẬT NGƯỢC GÓC NHÌN CỦA CHÍNH MÌNH, THỬ NHÌN NÓ BẰNG CON MẮT CỦA THỂ NHÂN, ở bên này người ta thường nói là putting oneself into another’s shoes. Nói thì dễ, làm thì khó, nhưng tôi tin là tôi đã làm được điều đó. Bằng chứng là khi tôi viết comment của mình, tôi đã bỏ thời gian nghiền ngẫm và tự hỏi mình “Phan Vũ Lửa Hạ sẽ phản ứng ở từng chi tiết góp ý của mình như thế nào?”. Tin tôi đi, những chi tiết anh trình bày về “giới” hay “tầng lớp”, tại sao phải là “nhà kinh tế học” chứ không phải là “nhà kinh tế vĩ mô”, cả cách tôi đi hơi quá với chữ “vĩ mô”, cách dịch hợp lý cho chữ political legitimacy, thói quen nói của Caucasian “across the board” và nghĩa đúng của nó, nên dùng “đồng thuận” hay “ưng thuận”, sự cố chấp của anh trong chữ “deficit of democracy” rồi sau đó biện bạch là cách dịch thoát nghĩa hàm ý từ Michael Ignatieff (?), và sau cùng là đoạn văn anh dịch tối nghĩa và sai nguyên tác, v.v. và v.v. tất cả những chi tiết đó, tôi đã đoán VÀ BIẾT TRƯỚC CÁCH ANH SẼ BIỆN BẠCH CHO NÓ! Nói một cách khác, phản hồi comment của anh không có chi tiết nào mới với tôi cả! Ngay bây giờ tôi đang đánh giá, và phần nào biết được phản ứng của anh khi đọc những dòng này. Tôi đố anh có thể nói thật lòng với mình là anh đã tiên liệu trước cách mà tôi đang phản ứng với anh ngay bây giờ?

        Trở về vấn đề dịch thuật, tôi nhớ có 1 lần anh có bài viết rất hay về việc này. Tôi không nhớ cụ thể, nhưng tôi nhớ mình rất đắc ý với bài viết là khi dịch, chúng ta không thể dừng lại ở mức độ word to word. Một bài dịch thành công phải là một bài dịch có thể gây được tác động trên người đọc ở ngôn ngữ đích một cách tương đương với tác động trên người đọc ở ngôn ngữ nguồn như là tiếng mẹ đẻ. Vấn đề là trên bản dịch tiếng Việt của anh, anh dùng những từ vựng trúc trắc, bám quá chặt vào English mà bỏ quên cách nói, hiểu và viết thông thường trong tiếng Việt, nên anh không gây ra được tác động tương đương trên một người Việt bình thường. Tôi đố anh có 1 người Việt thông thường nào có thể hiểu được anh trong cách dịch “tính chính đáng chính trị” (?) “tầng lớp chuyên gia ngân hàng và nhà kinh tế học”(?) (Nói thật nhé, tôi cũng bối rối với chữ political legitimacy đó, nhưng chính nhờ cách anh quá cố chấp mà tôi chịu khó tìm hiểu, và ít nhất là tôi hiểu ra được 1 khái niệm mới cho mình, không phải hôm nay mà là cách đây 2 ngày! Cám ơn anh nhé!)

        Một cách ngắn gọn, tôi chưa bào giờ nói anh sai 100%, nhưng tôi cho là anh đã KHÔNG THÀNH CÔNG trong bản dịch vừa qua của mình.

        Lời kết- Tôi chả dại gì mà đi phân tích sâu vào chi tiết những điểm mà anh trình bày, vì tôi biết anh sẽ học được từ những sai sót đó. Bài học nào cũng có cái giá của nó, và tôi giúp anh (hoặc tôi tưởng là tôi đã giúp anh) không công một lần thôi chứ! Lần này anh sẽ tự học vậy, nếu anh muốn tiến bộ. Nếu anh thấy anh chả có gì sai, và tôi chỉ ba hoa vớ vẩn, thì đối với tôi điều đó cũng tốt, vì chúng ta đang sống trong 1 xã hội dân chủ mà! Anh luôn luôn có quyền lựa chọn và giử cách mình cho là đúng.
        À, còn điều cuối cùng, tôi cũng đoán là anh sẽ không xóa và cứ đăng comment này của tôi, với hàm ý là “Anh thấy chưa David, tôi đâu phải là người cố chấp hay chủ quan đâu!” Vấn đề nằm ở chổ khác anh à, chứ ở xứ Canada này, không ai quan tâm đến những thủ thuật nhỏ nhặt như vậy. Thân chào anh, D.

  5. Cuộc trao đổi giữa Phạm Vũ Lửa Hạ và David Huynh rất thú vị. Nhờ hai bạn mà tôi học được nhiều điều bổ ích về nội dung bài viết cũng như về tiếng Việt và tiếng Anh.
    Tôi thấy Phạm Vũ Lửa Hạ rất cẩn thận và nhiều chỗ David Huynh phê bình là không trúng (xin xem lại các biện luận, giải thích của dịch giả) nhưng David Huynh vẫn không chấp nhận các lý lẽ và lập luận của bạn ấy. Khi mình cố chấp mà lại đi phê người khác là cố chấp thì lời phê của mình tự nhiên giảm giá trị và khó tiếp thu mặc dù nhiều ý kiến của David Huynh quả thật rất có giá trị, chẳng hạn tôi đồng ý với bạn là bài dịch không được mượt mà, trơn tru.

    1. Rất hân hạnh có ý kiến của anh Đặng Thái Minh. Lý do mà tôi “cố chấp” không chấp nhận lý lẽ và lập luận của anh Phạm Vũ Lửa Hạ là rất đơn giản- Lý lẽ và lập luận đó, theo thiển ý của tôi, vẫn cứ là sai! Theo cách người Việt mình là “cãi cho có cãi!”, vì nếu anh đọc những biện luận đó một cách riêng rẽ, anh thấy chừng như nó đúng đó, nhưng nếu anh ráp nó vào tổng thể bài dịch, có rất nhiều đoạn anh Phạm Vũ Lửa Hạ, vì cách dịch sai của mình (ví như từ trong nguyên tác có nhiều nghĩa, thì anh ấy bốc đúng nghĩa không liên quan!) đã đẩy luận điểm trình bày của tác giả Michael Ignatieff ra thành những khúc rời rạc, lủng củng, đoạn trên chẵng ăn với đoạn dưới, đọc hết bài văn chẵng biết ông Michael muốn nói cái gì! Tôi từng quý anh PVLH vì nhiệt tình của anh này, tôi cũng từng đọc và nghe những bài diễn văn nảy lửa của Michael khi ông này còn đương tham chính, nên đọc hết bài dịch của PVLH, tôi tự hỏi “Quái lạ, Mike bây giờ tệ vậy sao?” Lần mò đọc lại nguyên tác, tôi mới té ngửa! Vậy mà góp ý với anh Phạm Vũ Lửa Hạ, anh ta cứ khăng khăng mình dịch đúng mới chết! Trong tranh luận dân chủ, anh cứ “cố chấp” giữ ý của anh là đúng, và người khác cũng “cố chấp” giữ ý của họ, là việc chấp nhận được, bình thường, nếu sau vài lần cọ xát mà vẫn không ai nhìn ra “chân lý” (Làm gì có cái gọi là chân lý nhỉ? LOL). Vấn đề là anh học hỏi tiến bộ được gì, và người kia cũng vậy. Nếu anh là friend của tôi trên FB, mời anh đọc bài phỏng dịch của tôi. Again, tôi chẵng nói là tôi 100% đúng, nhưng tôi tin là bài phỏng dịch của tôi, nghe là “phỏng” vì có những chi tiết tôi thêm, bớt, sẽ là bài dịch bám sát nhất vào nguyên nghĩa trong nguyên tác của Michael. (Tôi chắc là anh và Phạm Vũ Lửa Hạ lại “túm” tôi ngay đúng chổ này- Vậy mà anh David lại nói là anh không chủ quan đó hả? Ha ha ha, tôi có tự nói về mình như thế bao giờ hỉ ? 🙂 ! Thôi xong rồi, tôi cũng “mệt” với trò dịch, comment, phản comment này quá rồi, xin tự hứa lòng chấm dứt từ đây! Chúc cả 2 anh luôn tiến bộ và có cuộc sống vui. David Huynh.

  6. Đoạn văn trên của David Huynh có ít nhất 4 lỗi chính tả. Các đoạn trên nữa cũng rất nhiều lỗi chính tả. Tôi cảm thấy băn khoăn về khả năng sử dụng tiếng Việt của David Huynh. Tiếng Anh đối với bạn dù sao chỉ là một ngoại ngữ. Không biết bạn có rành tiếng Anh bằng tiếng Việt không?

    Nếu bạn chỉ phỏng dịch thì bạn có nhiều quyền tự do hơn Phạm Vũ Lửa Hạ trong việc lựa chọn từ ngữ và cả việc quyết định dịch hay bỏ ý này, ý nọ. So sánh một bản phỏng dịch với một bản dịch là một việc rất kỳ quặc. Ngay cả việc so sánh hai bản dịch cũng chưa chắc đã thỏa đáng. Bản dịch của tôi hoàn toàn khác với bản dịch của Phạm Vũ Lửa Hạ vì tôi theo một trường phái khác. Tùy theo người đặt hàng là ai, muốn gì mà bản dịch của tôi hay của Phạm Vũ Lửa Hạ sẽ được chấp nhận. Có lẽ bạn có một quan niệm riêng về dịch thuật và chưa bao giờ học tập có hệ thống về lý thuyết nên nhìn vấn đề hơi đơn giản.

    Cả cách hiểu của bạn về tranh luận dân chủ cũng rất đơn giản. Người phương Tây nói nhiều về dân chủ nhưng không cào bằng mọi giá trị. Bạn thử vào sở nói năng dân chủ theo cái kiểu bạn còm vào blog này xem sếp sẽ nhìn bạn như thế nào? Hay bạn nghĩ là sếp Tây thực xứng đáng được bạn nói năng cẩn trọng hơn bạn Việt ảo?

    Minh

  7. Em đang nghiên cứu về nợ công Châu Âu! Và đọc những bài đăng rất hay. Để tiện cho việc nghiên cứu mong Phạm Vũ Lửa Hạ cho em trích những bài trong mục Khủng hoảng Euro được không ạ!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *