Ngày Xuân Nói Chuyện Tình Yêu

Bài này đăng trên báo xuân Kiến Thức Ngày Nay hồi xưa (khoảng năm 1995 hay 1996 gì đó). Nhân ngày đầu năm Nhâm Thìn 2012, đăng lại đọc chơi.

Phạm Vũ Lửa Hạ

cupid1Hàng tỉ trang sách, hàng triệu dòng nhạc và hàng vạn dặm phim đã lấy nguồn cảm hứng từ những bí ẩn của tình yêu – thế nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu hết bản chất của nó. Dường như tình yêu không chịu chấp nhận bất cứ hình thức phân tích nào. Bao nhiêu công sức đã đổ ra chỉ để mổ xẻ tình yêu, để rồi đem lại biết bao nhiêu kết quả khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra, 75% người được hỏi công nhận đã lấy tình yêu làm lẽ sống. Và 90% đàn ông đàn bà trên thế gian này sẵn sàng là nạn nhân của cái mà văn sĩ Oscar Wilde gọi là “cơn điên loạn nhất thời” mà bất cứ ai cũng từng gặp ít nhất một lần ở tuổi đôi mươi. Vậy thì trong những giây phút rảnh rang của ngày xuân, sao ta lại không thử mạn đàm về cơn điên loạn dễ thương này. Tất nhiên là chỉ vài điều tản mạn, bởi khuôn khổ có hạn làm sao dám nói cho hết đề tài bất tận này.

Phân loại tình yêu

Làm sao định nghĩa được tình yêu – tâm sự của Xuân Diệu ắt hẳn cũng là băn khoăn của hầu hết mọi người. Các văn nghệ sĩ từng mất ăn mất ngủ vì những bí ẩn của tình yêu đã rút ra vô vàn kết luận: tình yêu là một căn bệnh (!), là sự yếu đuối của con tim, là sự khôn ngoan của kẻ khờ, tình yêu là mù quáng … Định nghĩa tình yêu đã khó, phân loại tình yêu càng có vẻ là chuyện điên rồ. Nói gì thì nói, các nhà tâm lý cũng thử liều một phen, và họ đã phân biệt sáu loại tình yêu như sau.

Eros là kiểu tình yêu lãng mạn trữ tình theo đúng nghĩa. Những người tôn thờ tình yêu lãng mạn rất tin vào tiếng sét ái tình vì họ dễ dàng bị quy phục bởi vẻ hấp dẫn bề ngoài của người khác phái. Những nụ hôn và cử chỉ âu yếm ướm thử ban đầu cũng có ý nghĩa quan trọng đối với họ, vì họ là những người có nhiều “tiềm năng” và rất coi trọng chuyện ái ân.

Ludus là sản phẩm của những người thay người tình như thay áo. Những người yêu đương lăng nhăng ít nghiêm túc trong việc duy trì tình yêu và sẵn sàng anh đường anh tôi đường tôi khi mối quan hệ trở nên quá căng thẳng. Casanova là ví dụ điển hình; đối với ông ta tình yêu là một trò chơi và suốt đời chỉ toàn rong ruổi đi tìm những bóng hồng mới.

Storge là kiểu tình yêu nảy sinh từ một tình bạn thân thiết, và là một tình cảm cao quý được vun đắp bằng những sở thích chung và quan tâm ân cần chăm sóc cho nhau. Những người yêu theo kiểu này thường không đi tìm đam mê và phấn khích mà chú trọng đến việc tạo một sự tương hợp bình đẳng. Chính những hoạt động chung, từ việc hái hoa bắt bướm thưở còn để chỏm cho đến lúc cùng ôn bài trong giảng đường đại học, là nguồn nhiên liệu cho cuộc tình thanh cao như thế; nhưng đôi lúc ngọn lửa lòng chỉ cháy âm ỉ để rồi tôi thương mà em đâu có hay.

Mania là kiểu tình cảm cuồng si với những đợt sóng ngầm dữ dội mà khi bộc phát có thể gây ra những tác hại khôn lường. Tình yêu của Othello dành cho Desdemona là hiện thân của kiểu tình cảm có thể dẫn đến tội ác hay tự sát do quá si mê. Một số kẻ vô danh tiểu tốt lỡ yêu nhưng không biết làm sao chinh phục siêu sao bèn chọn giải pháp sát nhân để chiếm riêng thần tượng cho mình.

Pragma là tình yêu thực dụng. Hoàn toàn trái ngược với mẫu người lãng mạn, họ sẵn sàng đặt lý trí lên trên con tim. Họ có thể tỉnh bơ đánh giá thái độ, lai lịch, tín ngưỡng, tài sản của “người ấy” trước khi tiến xa hơn. Các cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối thường tin vào kiểu tình yêu này vốn được xem là cơ sở vững chắc cho một mối quan hệ lâu dài.

Agape là kiểu tình cảm mình vì mọi người. Biểu hiện rõ nhất của kiểu tình yêu cao cả đầy vị tha này là hình ảnh một người phụ nữ tận tâm chăm sóc người già hay trẻ em tật nguyền.

Tình yêu là thuốc phiện

Nói có sách mách có chứng, tình yêu có thể gây nghiện. Người đang yêu tạo ra một lượng phenylethylamine nhiều hơn; chất dẫn truyền thần kinh này tạo nên cảm giác rạo rực thường có ở người đang đắm chìm trong biển đam mê. Chất kích thích này cũng làm cho tim đập nhanh hơn và làm tăng niềm phấn khích. Bằng cách tăng độ thẩm thấu của mạch máu, nó giúp tạo ra nét mặt đỏ hồng hào của người đang yêu. Những lượng phenylethylamine lớn làm thăng hoa các giác quan của chúng ta: thấy màu sắc rực rỡ hơn, vạn vật tươi vui hơn, tất cả những âm thanh quanh ta đều như tiếng nhạc thánh thót, và nói chung ta có cảm giác được hồi sinh ra đời một lần nữa. Những cảm xúc tuyệt vời khiến người ta đâm ghiền cũng là điều dễ hiểu. Điều đó cũng được chứng minh qua cuộc nghiên cứu của Michael Leibowitz. Khi lượng phenylethylamine giảm xuống, người ta gặp những triệu chứng “thèm thuốc” như những triệu chứng do amphetamine gây ra.

Tình yêu là mù quáng

Trong tác phẩm Giấc mộng đêm hè, William Shakespeare viết: “Tình yêu không nhìn bằng đôi mắt mà bằng tâm trí. Chính vì thế, thần Ái tình có cánh được vẽ thành kẻ mù.” Quả thật, người ta thường vẽ thần Ái tình có mang một miếng vải che mắt, với những mũi tên tình yêu bắn ra tùy hứng mà không định hướng. Mặc dù khi yêu nhau người ta cứ nhìn nhau hoài không biết chán mắt, những gì ta nhìn thấy thực sự bằng mắt lại được bộ não “biên tập” và thêu dệt thêm. Michael Leibowitz đã tiến hành một thí nghiệm về “sự mù quáng của tình yêu” với các cặp tình nhân. Ông yêu cầu họ quan sát những hành động bình thường của người yêu và sau đó là của một người lạ. Sau đó, khi được hỏi lại, họ nhớ hành động của người lạ chính xác hơn hành động của người mình yêu. Kết luận: tình cảm càng mãnh liệt thì trí nhớ về hình ảnh càng tồi.

Vị ngọt của tình yêu

Dù là có vị gì đi nữa, nụ hôn luôn luôn là cách phổ biến nhất để biểu lộ tình yêu. Thật ngẫu nhiên là những người đang yêu, các thi sĩ và các nhà khoa học đều nhất trí về đặc tính “gây ghiền không chịu nổi” của nụ hôn. Khi chúng ta đến tuổi dậy thì, các tuyến chất nhờn đặc biệt phát triển ở bờ môi và bên trong miệng. Những chất dịch do các tuyến này tiết ra được truyền qua cho nhau khi ta hôn nhau, làm gia tăng và kích thích khoái cảm tính dục. Hôn càng nhiều, các chất dịch này được tiết ra càng nhiều, do đó khiến cho ta càng khoái hôn và làm tăng vẻ hấp dẫn của người mà ta hôn. Tuy nhiên cách thưởng thức nụ hôn của nam và nữ lại khác nhau. Khoảng 97% phụ nữ nhắm mắt khi hôn, còn co số này ở phái nam chỉ là 30%. Người ta rằng phụ nữ cảm nhận những rung động của nụ hôn mạnh mẽ hơn và trong giây phút đó họ bị lạc vào mê hồn trận của đê mê; còn đàn ông lại cảm thấy phấn khích hơn khi ngắm nhìn người yêu.

Cách lý giải nụ hôn của những nhà nhân chủng học lại nghe chẳng tình tứ chút nào cả. Những nghiên cứu của họ cho thấy những nụ hôn sâu say đắm vận dụng cả môi lẫn lưỡi thật sự chỉ là một cải tiến từ kiểu cho ăn bằng cách mớm qua miệng. Ban đầu, người mẹ nhai thức ăn rồi trực tiếp mớm vào miệng của đứa bé. Kiểu cho ăn này vẫn còn được các phụ nữ Papua áp dụng, mặc dù nó đã biến mất từ lâu ở phương Tây. Và thậm chí hiện nay, những đứa bé khoảng ba tháng tuổi vẫn còn theo bản năng chìa môi ra phía trước, điều đó cho thấy về mặt sinh học chúng vẫn sẵn sàng thích ứng theo kiểu mớm thức ăn. Trong các bộ lạc xa xưa, các cặp tình nhân thường ăn chung một miếng trái cây. Còn Kama Sutra, cẩm nang cổ xưa của người Ấn Độ về chuyện phòng the, giới thiệu cách truyền rượu qua miệng là một trong những bí quyết tăng xúc cảm trong ái ân.

Rất có thể nha sĩ của bạn đề nghị bạn nên hôn ba lần mỗi ngày sau các bữa ăn bởi vì lượng nước bọt dư thừa do hôn tạo ra sẽ “quét sạch” những mẩu thức ăn ra khỏi răng, làm giảm lượng axít trong miệng và ngăn chặn việc hình thành cao răng (vốn là nguyên nhân chính gây nên sâu răng). Những ai muốn giảm ký cũng có thể hài lòng khi biết rằng mỗi nụ hôn tiêu tốn hết 3 calori. Tuy nhiên để giảm nửa kí lô bạn cần phải hôn đến . . . 1000 lần.

Hôn cũng có điểm bất lợi cho những ai muốn sống thọ vì mỗi lần bạn hôn, có đến 250 vi khuẩn đủ loại được trao đổi qua lại giữa hai người. Những thanh thiếu niên mới yêu lần đầu thường mắc chứng tăng bạch cầu đơn nhân được mệnh danh là “căn bệnh do hôn”. Nếu bạn là người ghiền hôn mà lại bị sưng các tuyến cổ và thường xuyên mệt mỏi thì bạn phải đến gặp bác sĩ. Các nghiên cứu gần đây của Mỹ cho biết hôn say đắm thậm chí có thể làm tổn thọ. Bởi vì hôn có tác động lên cơ thể tương tự như stress và khiến cho tim đập nhanh hơn, người ta cho rằng mỗi nụ hôn làm ta tổn thọ 3 phút. Quyền lựa chọn thuộc về bạn!

Tim này ví xẻ làm đôi

Bạn đã có người yêu, hoặc đã lập gia đình.  Bạn ngất ngây với hạnh phúc nhất đời của mình. Một hôm nào đó bạn đang nhởn nhơ trong thiên đường của mình thì bỗng nhiên . . . Phựt! Mũi tên thứ hai đã cắm phập vào tim bạn. Thần Ái tình xem ra cũng vui tính và láu lỉnh lắm. Còn gì thú hơn khi nhìn thấy con tim “đã đuợc đăng ký” lại rung rinh một lần nữa. Vị thần dễ thương nhà ta luôn ẩn mình đâu đó để chứng kiến các nạn nhân của mình lần thứ hai sa vào cái bẫy êm ái.

Chung thủy với người yêu, hoặc tuân thủ chế độ một vợ một chồng – đáng hoan hô lắm chứ! Và hẳn nhiên ai ai cũng luôn chọn cho mình một người phối ngẫu lý tưởng duy nhất. Đến khi mọi chuyện đâu ra đó, con tim coi như bị khóa chặt. Thế là chấm dứt bao nhiêu mộng mơ của người đến muộn. Thế là bao vệ tinh lâu nay vẫn bay quanh ta đành phải ngậm ngùi rời bỏ qũy đạo. Nhưng sự đời đâu có đơn giản đến vậy. Nếu chịu khó lắng nghe, ta sẽ nghe lời phản kháng nhỏ nhẹ của con tim: “Sao vậy? Tôi có đủ chỗ cho hai tình yêu cùng một lúc cơ mà!” Mọi chuyện từ đây bắt đầu rối rắm như thế giới hỗn mang vào thưở hồng hoang của sự sống.

Vì đâu nên nỗi? Người ta dễ dàng gật gù tán đồng cái quan niệm xưa như trái đất cho rằng những gì còn thiếu sót của cuộc tình thứ nhất là nguồn gốc và chất kích thích cho cuộc tình thứ hai nảy nở. Rằng người ấy không yêu ta hết mình, rằng người ấy không cho ta cảm giác đê mê nhất, rằng người ấy xử tệ với ta . . . – nghe có lý lắm chứ! Nhưng mê đạo của thần Ái tình lắt léo vô cùng. Dưới mắt của nhà tâm lý trị liệu, mỗi con người là một khối trộn lẫn của các tính cách hiển hiện và các tính cách tiềm ẩn. Xem ra chẳng khác nào một gia đình lắm con: đứa nhỏ vòi vĩnh, đứa lớn đua đòi, đứa thì bản tính trầm lặng, đứa lại vui miệng nói suốt ngày, đứa phá phách, đứa biết chăm lo nhà cửa. . . Ôi nhiều quá, một người làm sao làm hài lòng tất cả?

Khi tìm ý trung nhân, ta thường chọn người nào hợp với cái mà ta nghĩ là “con người thật của mình”. Đấy chính là con người đại diện cho các tính cách hiển hiện. Nhưng biết đâu có một lúc nào đó trong bản thân ta bùng nổ “cuộc đấu tranh đòi dân chủ”. Mấy anh chàng tính cách tiềm ẩn, vốn bị chôn vùi lâu nay, bây giờ trỗi dậy và lên tiếng: “Bất công nhé! Mấy gã tính cách hiển hiện được phép có một tình yêu, tại sao chúng tôi lại không?” Đó cũng chính là lúc thần Ái tình thấy ngứa ngáy chân tay và lại nhấc cây cung lên. Kết quả ra sao ai mà lường được. Những ai đã từng nghe qua nhạc phẩm Torn between two lovers chắc cũng hiểu được tâm sự của những người bị lương tâm dằn vặt khi có đến hai người yêu mà không biết dứt bỏ ai vì cả hai đều đáng yêu. Tuy nhiên những con tim có hai ngăn thường ít khi có được một happy ending. Dù sao, các giá trị đạo đức đề cao tính chung thủy luôn luôn tỏ ra có lý.

2 thoughts on “Ngày Xuân Nói Chuyện Tình Yêu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *