Mark Carney: Thống đốc siêu sao

Phạm Vũ Lửa Hạ

Carney_Reuters-Chris WattieMark Carney, hiện là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada, vừa được mời đảm nhiệm chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh từ giữa năm tới – một việc chưa từng có tiền lệ. Vậy Mark Carney là ai, tài năng ra sao để có thể mang lại làn gió mới cho thị trường tài chính? Đây là bản đầy đủ của bài đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn ngày 6/12/2012.

Bất ngờ lớn

Người Anh vốn rất kiêu hãnh về hai thứ: bóng đá và ngân hàng. Nhưng khi đánh mất vị thế hàng đầu thế giới về hai mảng này, họ biết trọng nhân tài, không ngần ngại mời người nước ngoài về cầm trịch. Đội tuyển Anh từng có huấn luyện viên Thụy Điển Sven-Goran Eriksson và Ý Fabio Capello. Tập đoàn Ngân hàng Lloyd có một phần sở hữu quốc doanh gần đây bổ nhiệm tổng giám đốc người Bồ Đào Nha Antonio Horta-Osorio. Dẫu vậy, giới tài chính ngân hàng vẫn sửng sốt hôm Thứ hai 26/11/2012 khi George Osborne, Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh, công bố chọn Mark Carney, hiện là thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) Canada, làm thống đốc NHTƯ Vương quốc Anh kể từ 1/7/2013, thay thế cho Sir Mervyn King sắp mãn nhiệm. Nếu Nữ hoàng Anh chuẩn y (chỉ là thủ tục mang tính hình thức), lần đầu tiên trong lịch sử 318 năm của mình, NHTƯ Vương quốc Anh có thống đốc người nước ngoài. Chuyện tuyển người nước ngoài điều hành NHTƯ xưa nay rất hiếm trên thế giới; Stanley Fischer bỏ quốc tịch Mỹ để nhập tịch Israel khi trở thành thống đốc NHTƯ Israel vào năm 2005. 

Bất ngờ đến nỗi tờ The Times of London sáng hôm đó còn đăng xã luận ca ngợi Paul Tucker, đương kim phó thống đốc, là ứng viên sáng giá nhất. Ngày hôm sau, tờ báo này tẽn tò xin lỗi, với lý do chính Mark Carney hồi tháng Tư đã khẳng định với BBC rằng ông không ứng cử cho chức vụ này. Trong danh sách ứng cử viên cuối cùng gồm sáu nhân vật từ giới khoa bảng và tài chính, không có tên Carney. Chắc ít ai bỏ qua cơ hội khi được mời ngồi vào một trong những ghế thống đốc NHTƯ uy quyền nhất thế giới, cùng với Ben Bernanke, Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang Mỹ, và Mario Draghi, Chủ tịch NHTƯ Châu Âu. Thế nhưng, để thuyết phục được Mark Carney, George Osborne đã âm thầm cất công theo đuổi trong chín tháng bắt đầu từ hội nghị G20 ở Mexico City hồi tháng 2, chấp nhận rút ngắn nhiệm kỳ từ 8 năm theo luật định xuống còn 5 năm, và nâng lương từ 305.000 bảng lên 480.000 bảng mỗi năm cộng với 30% hưu bổng (như vậy tổng cộng là 624.000 bảng, hơn gấp đôi mức của Sir Mervyn King). Sau hai cuộc phỏng vấn, một với một ban của Bộ Tài chính và một với Bộ trưởng Osborne, Carney chính thức nhận lời một ngày trước cuộc bầu cử ở Mỹ.

Càng đáng ngạc nhiên hơn nữa là hầu hết mọi giới đồng tình việc bổ nhiệm Carney. Phía Anh hoan hỉ về quyết định này. Giới tài chính London đón nhận tin này như một làn gió mới giúp hồi sinh một định chế có bề dày lịch sử nhưng gần đây bế tắc trong chính sách vực dậy nền kinh tế. Khi thông báo về quyết định bổ nhiệm này, George Osborne nói với Hạ viện Anh: “Mark Carney là ứng viên xuất sắc để đảm nhiệm chức vụ thống đốc NHTƯ Vương quốc Anh, và giúp lèo lái Anh Quốc vượt qua thời kỳ kinh tế khó khăn này. Ông là người giỏi nhất, dày dạn kinh nghiệm nhất, và đủ trình độ nhất thế giới để đảm trách vai trò này”. Ngay cả Ed Balls, nghị sĩ đảng đối lập chịu trách nhiệm phản biện George Osborne tại Hạ viện, cũng đồng ý: “Ông có chuyên môn sâu rộng về tài chính, có thành tích giải quyết những thách thức lớn và phức tạp. Theo tôi, đây là một lựa chọn và quyết định đúng đắn, và kinh nghiệm của ông là vô giá ”. Martin Wolf, bình luận viên của Financial Times, giật tít: “Chào mừng ông Carney – Anh Quốc cần ông”. The Economist ví von đây là một cuộc chuyển nhượng đáng giá, giống như Arsenal mời được tiền đạo Lionel Messi của Barcelona về dẫn dắt hàng công. Còn phía Canada ta thán mất đi một trong những ngôi sao sáng nhất. Jim Flarherty, Bộ trưởng Tài chính Canada, nói: “Chúng tôi có cảm giác vừa vui vừa buồn”.

Những quyết định đột phá của Mark Carney

Carney_ReutersSinh năm 1965 tại Fort Smith, Northwest Territories, lớn lên ở Edmonton, Canada, Mark Carney có bằng cử nhân kinh tế (1987) tại Đại học Harvard, thạc sĩ kinh tế (1993) và tiến sĩ kinh tế (1995) tại Đại học Oxford. Năm 2003, ông từ bỏ công việc ở Goldman Sachs với thu nhập hàng triệu đô-la để về làm phó thống đốc NHTƯ Canada; từ năm 2004 đến 2007 ông sang làm thứ trưởng Bộ Tài chính, trước khi được bổ nhiệm làm thống đốc NHTƯ Canada vào năm 2008. Ông được tạp chí Euromoney bình chọn là “Thống đốc NHTƯ xuất sắc nhất năm 2012”

Lý lịch chuyên môn và sự nghiệp đáng nể như vậy không phải là hàng hiếm trong giới tài chính quốc tế. Nhưng Mark Carney được đánh giá cao nhờ có cả thành công về quản lý nhà nước lẫn nhãn quan thị trường sắc bén. Ở NHTƯ Canada, Mark Carney đã xuất sắc đảm trách những mảng quan trọng mà thống đốc NHTƯ Vương quốc Anh sẽ phải gánh vác. Trong cơ cấu quản lý điều tiết mới do Bộ trưởng Tài chính George Osborne thiết kế, ngoài chính sách tiền tệ, thống đốc mới còn chịu trách nhiệm giám sát vi mô đối với các định chế tài chính, và kiểm soát vĩ mô đối với toàn bộ hệ thống tài chính. Rõ ràng Mark Carney có một lợi thế quan trọng: lèo lái NHTƯ giúp Canada chịu ảnh hưởng nhẹ nhất của suy thoái trong nhóm các nước giàu.

Hai quyết định mang tính đột phá khiến ông được xem là thống đốc khôn ngoan nhất trong thời kỳ khủng hoảng. Thứ nhất, tháng 3 năm 2008, một tháng sau khi nhậm chức ông quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản. Thông thường NHTƯ Canada chỉ tăng hoặc giảm từng 25 điểm cơ bản. Nước đi rất mạnh dạn này là phản ứng trước những dấu hiệu cho thấy tình hình ở Mỹ sắp xấu đi mà nhiều NHTƯ khác đã làm ngơ cho đến nhiều tháng sau. (Theo lời kể của David Rosenberg, trưởng ban kinh tế và chiến lược của Gluskin Sheff + Associates Inc, trong một cuộc gặp hồi cuối năm 2007, ngay sau khi Mark Carney biết tin được bổ nhiệm, Carney hỏi xin địa chỉ liên hệ người giỏi nhất về các khoản cho vay mua nhà trả góp (mortgage) trong bộ phận giao dịch của Merrill ở New York. Carney cho Rosenberg xem số liệu về Freddie Mac và Fannie Mae, và dự báo hai định chế này sắp sụp đổ; tám tháng sau, quả đúng như vậy.)

Thứ hai, khi lãi suất đã xuống gần đáy, ông dùng một công cụ tiền tệ khác thường để đối phó với khủng hoảng: cam kết có điều kiện. Tháng Tư năm 2009, NHTƯ Canada cam kết giữ lãi suất ở mức 0,25% cho đến giữa năm sau. Những cam kết này, với điều kiện lạm phát ở mức thấp, là nhằm để giảm chi phí vay dài hạn. Sản lượng và lao động bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2009, một phần là nhờ biện pháp kích thích bằng chính sách tiền tệ. Hai năm sau, Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ cũng áp dụng cam kết có điều kiện.

Tờ Financial Times xem việc bổ nhiệm Carney là một nước cờ táo bạo vì thống đốc là cầu nối duy nhất trong ba mảng trách nhiệm theo cơ cấu mới, nên đòi hỏi sự khéo léo trong điều hành và năng lực thuyết phục nhiều giới khác nhau. Theo đánh giá của nhiều người, Mark Carney thừa khả năng này. Chỉ sau một lần gặp, David Dodge, người tiền nhiệm của Mark Carney ở NHTƯ Canada, nhận xét ông đã tìm ra người kế vị mình. Quả thật Dodge kéo Carney về làm phó, rồi tiến cử sang Bộ Tài chính tích lũy kinh nghiệm trước khi chính thức thay ông. Thời gian làm ở Bộ Tài chính, Mark Carney nhiều lần dùng kinh nghiệm ngân hàng đầu tư của mình để làm lợi cho nhà nước. Ví dụ, trong đợt nhà nước thoái vốn 18,6% cổ phần của hãng dầu khí Petro-Canada, ông khôn khéo dùng chiến lược nâng giá cổ phiếu, giúp thu về thêm hàng trăm triệu đô-la cho ngân sách.

Thách thức ở tương lai

Trong những cuộc phỏng vấn của Reuters, những người từng tiếp xúc với Carney khi ông làm cho nhà nước nhấn mạnh hai tính cách sẽ có lợi cho ông trong vai trò mới: đấu tranh không chịu lùi bước, và thông thạo ngôn ngữ của giới ngân hàng. Gordon Nixon, tổng giám đốc Royal Bank of Canada, ngân hàng lớn nhất Canada, nói: “Ông vừa được kính nể và ngưỡng mộ, vừa là một con người đáng mến… Trong những vai trò này, một phần trách nhiệm là tạo đồng thuận, và tôi nghĩ Mark có sở trường cá nhân để đáp ứng yêu cầu đó”. Chắc chắn ông cần vận dụng sở trường này vì ở NHTƯ Canada, ông gần như độc quyền về quyết định chính sách, còn ở Anh, ông chỉ là một tiếng nói trong Hội đồng Chính sách Tiền tệ gồm Thống đốc và 8 ủy viên khác.

Tuy từng làm việc cho Goldman Sachs trong 13 năm ở Tokyo, London, New York và Toronto, Mark Carney thể hiện bản sắc dân túy khi vào vai quản lý nhà nước. Ông từng lên tiếng ủng hộ phong trào Chiếm đóng Phố Wall, và sẵn sàng chỉ trích giới ngân hàng có những canh bạc liều lĩnh với tiền gởi và khoản đầu tư của dân thường. Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức thống đốc NHTƯ vào tháng 2 năm 2008, ông phê phán các ngân hàng Canada trữ tiền, và không cho các doanh nghiệp vay.

Tuy một số người nghi ngờ cho rằng Canada có nền kinh tế nhỏ hơn nhiều và NHTƯ ít phức tạp hơn so với Vương quốc Anh, ông cũng đã gây ấn tượng tốt về khả năng quản lý điều tiết ở tầm quốc tế. Từ tháng 11 năm 2011, ông kiêm nhiệm chủ tịch Hội đồng Ổn định Tài chính (Financial Stability Board, FSB). Được thành lập sau Hội nghị G20 ở London năm 2009, FSB tập hợp thống đốc NHTƯ và bộ trưởng tài chính các nước G20, và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, NHTƯ Châu Âu, Ủy ban Châu Âu, OECD, và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Trong bối cảnh giới ngân hàng kháng cự những yêu cầu nghiêm ngặt hơn của Basel III về tỉ lệ an toàn vốn nhằm để củng cố các định chế tài chính và tránh việc dùng tiền thuế của dân để bảo lãnh giải cứu ngân hàng trong một cuộc khủng hoảng tương lai, nhiệm vụ soạn thảo và điều phối chính sách quản lý điều tiết là cục xương khó nuốt. Nhưng Mark Carney vốn chủ trương cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng. Ông cổ xúy quay về với mô hình ngân hàng truyền thống, chú trọng vào những nghiệp vụ cơ bản phục vụ kinh tế như nhận tiền gởi và cho vay, giảm bớt những hoạt động đầy rủi ro, và chia cắt nhỏ các ngân hàng để tránh tình trạng “quá lớn nên không thể để phá sản”. Mô hình ngân hàng phổ thông này với tỉ lệ đòn bẩy tài chính thấp, tập quán cho vay cẩn trọng và giám sát chặt chẽ là nền tảng cho thành công của Canada. Không một ngân hàng nào ở Canada cần chính phủ bảo lãnh trong thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008.

Ông sẽ đối mặt với những thách thức đáng kể trên nhiều mặt trận. Trước tiên phải kể đến tàn dư của khủng hoảng tài chính cộng với những vụ bê bối gần đây của giới ngân hàng (ví dụ, vụ rửa tiền của HSBC, vụ thao túng lãi suất LIBOR của Barclays, hay những thương vụ trái phép của Standard Chartered với Iran), nền kinh tế vẫn đang èo uột, và thỏa thuận tài khóa/tiền tệ không chính thức giữa Bộ Tài chính và NHTƯ từ năm 2010. (Có lẽ một trong những lý do chính đưa đến quyết định bổ nhiệm người nước ngoài là càng làm tăng tính độc lập của NHTƯ trong thời buổi có nhiều điều tiếng về những chính sách tiền tệ khác với truyền thống.) Một số ủy viên Hội đồng Chính sách Tiền tệ bắt đầu tỏ vẻ nghi ngờ về hiệu quả của việc tăng thêm những đợt nới lỏng cung tiền, trong khi sẽ có áp lực áp dụng những chính sách tiền tệ nới lỏng triệt để hơn mà có thể xóa nhòa sự tách bạch bảng cân đối kế toán của NHTƯ và Bộ Tài chính.

Một thủ tướng tương lai?

Khi công bố quyết định bổ nhiệm thống đốc mới, để trấn an Hạ viện, George Osborne nói dù không phải là công dân, Mark Carney cũng có mối liên hệ với Vương quốc Anh vì là thần dân của Nữ hoàng Anh (trên nguyên tắc, Nữ hoàng vẫn là nguyên thủ quốc gia, và có đại diện là Toàn quyền Canada để chuẩn y các quyết định về thành lập hay giải tán chính phủ Canada). Do vợ và bốn con gái của ông có hai quốc tịch Anh và Canada, ông có thể xin nhập tịch Anh theo trình tự bình thường chứ không có ưu đãi (nghĩa là hội đủ từ 3 đến 5 năm thường trú rồi mới được thi nhập tịch). Nhưng khả năng này vẫn còn bỏ ngỏ vì thống đốc NHTƯ Vương quốc Anh không buộc phải là người có quốc tịch Vương quốc Anh, và nhiệm kỳ của Carney chỉ có 5 năm. Ngoài ra, có suy đoán là ông sẽ quay lại Canada tham gia chính trường, có thể tranh chức Chủ tịch Đảng Tự do để có cơ may làm Thủ tướng. Nếu quả vậy, khó có chuyện ông từ bỏ quốc tịch Canada.

Năm 2001, khi tiền vệ Owen Hargreaves (sinh ra và lớn lên ở Calgary, Canada, nhưng có cha là người Anh) được gọi vào đội tuyển Anh nhờ thành danh trong màu áo Bayern Munich, trừ một số ít phóng viên thể thao, không mấy ai hoan hỉ ở cái xứ chỉ mê khúc côn cầu trên băng này. Nay, khi Mark Carney chiếm lĩnh thành trì thứ hai của niềm kiêu hãnh Anh, dù có bảo hoàng hay không, rất nhiều người Canada có thể lên mặt như tựa đề bài xã luận ngày 26/11/2012 trên The Globe and Mail, nhật báo hàng đầu Canada – “Carney: người giỏi nhất để lãnh đạo NHTƯ Vương quốc Anh”.

URL:  http://phamvuluaha.wordpress.com/2012/12/06/mark_carney/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *