Cảnh tượng các thi thể từ trên trời rơi xuống và vung vãi khắp những cánh đồng bên ngoài làng Grabovo sẽ còn ám ảnh lâu dài những ai chứng kiến. Cảnh một tên du côn lấy nhẫn cưới của một người đã chết, được ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans nhắc đến trong một bài phát biểu đầy xúc động trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, là một hình ảnh khó phai. Chuyến bay số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tên lửa của phiến quân được Nga hậu thuẫn bắn rơi ở miền đông Ukraine; thảm họa này đã giết chết 298 người và khiến thế giới bàng hoàng. Nhưng đến nay vẫn chưa rõ biến cố này sẽ ảnh hưởng ra sao đến cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Hôm 21/7, bốn ngày sau khi chiếc Boeing 777 bị bắn hạ, những thi thể trước đó được đưa lên các toa tàu đông lạnh gần địa điểm rơi máy bay cuối cùng đã lên đường đến Kharkiv, từ đó được chuyển bằng máy bay về Hà Lan. Các lực lượng ly khai ở hiện trường thống kê số xác là 282; các chuyên gia Hà Lan cho con số gần 200. Lúc tờ mờ sáng hôm sau, các hộp đen của chiếc máy bay được giao cho các đại diện của Malaysia trong một buổi lễ trang trọng đến mức kỳ cục tại trụ sở hành chính của phiến quân ở Donetsk. Một chuyên gia Hà Lan đã khen ngợi các nhóm địa phương tham gia vào việc thu hồi thi thể đã làm rất tốt ở một nơi kinh khủng. Nhưng việc các lực lượng phiến loạn cản trở và uy hiếp không cho giới điều tra và những người ứng cứu khác tiếp cận hiện trường chỉ khiến thế giới càng thêm phẫn nộ.
Trong hàng ngũ phiến quân, và ở hầu hết những nơi mà báo chí do Nga kiểm soát, nhìn chung người ta tin rằng MH17 bị máy bay của Ukraine bắn hạ, có lẽ như một cách tranh thủ thêm sự ủng hộ của phương Tây bằng cách đổ lỗi cho Nga, có lẽ vì chúng nhầm đó là máy bay chở tổng thống Nga Vladimir Putin. Người dân địa phương ở miền đông Ukraine, vốn quen thấy phiến quân mang vũ khí lạc hậu trên đường phố, không nghĩ rằng chúng có khả năng bắn hạ máy bay. Tuy nhiên, ở những nơi khác trên thế giới, bằng chứng tuy có thể gián tiếp nhưng dường như không thể chối cãi.
Nhiều bằng chứng chống lại Nga và Putin
Máy bay đang bay ở 10.000 mét; ở độ cao đó chỉ có một hệ thống tên lửa địa đối không tối tân hay một máy bay khác mới có thể bắn trúng. Hệ thống duy nhất được biết có mặt trong vùng chiến sự đó là tên lửa Buk thuộc quyền kiểm soát của phiến quân. Hôm 17/7, nhiều mạng xã hội lan truyền hình ảnh một xe chở bệ phóng tên lửa Buk di chuyển về hướng Snizhne, cách thành trì của phiến quân ở Donetsk khoảng 80 km và gần với nơi máy bay bị bắn rơi. Mỹ cho biết một tên lửa được phóng đi từ vùng này ngay trước khi máy bay bị tiêu diệt.
Trong một cú điện thoại thực hiện nửa giờ sau khi xác máy bay MH17 rơi xuống đất, Igor Bezler, một lãnh tụ quân ly khai, nói với một viên chức tình báo Nga “chúng tôi vừa bắn hạ một máy bay”. Cuộc gọi đó và những cuộc gọi khác đã bị tình báo Ukraine nghe lén được và công bố; đại sứ quán Mỹ ở Kiev sau đó đưa ra phát biểu khẳng định tính xác thực của các bản ghi lời thoại.
Bằng chứng này khiến Barack Obama và nhiều vị lãnh đạo các nước phương Tây quy trách nhiệm hoàn toàn cho Putin, kẻ liều lĩnh hậu thuẫn phiến quân, và rất có thể là kẻ cung cấp tên lửa. Sự lên án đó tăng lên áp lực khi các ngoại trưởng của Liên hiệp Châu Âu (EU) họp ở Brussels hôm 22/7 để cân nhắc phản ứng của mình. Trước đây EU ngần ngại áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga mà có thể gây thiệt hại thật sự cho các nước thành viên, nay sự ngần ngại đó lại càng có vẻ nhu nhược.
Hà Lan mất 193 công dân trong vụ tấn công này, trong đó có nhà nghiên cứu AIDS hàng đầu Joep Lange, nên ủng hộ đường lối cứng rắn; còn Ý vốn thường cản trở việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt thì nay không có ý định ngăn cản các động thái như vậy. Nhiều ngoại trưởng đã nhắc đến một bước ngoặt trong bang giao với Nga. Thông cáo do họ đưa ra cho biết họ sẽ “đẩy nhanh việc chuẩn bị các biện pháp có mục tiêu” đã được thỏa thuận ở một hội nghị thượng đỉnh trước đây, tăng số người và đối tượng “ủng hộ bằng vật chất và tài chính” chính sách của Nga gây bất ổn miền đông Ukraine sẽ bị cấm đi lại và bị phong tỏa tài sản. Các ngoại trưởng nói họ sẽ có hành động trước cuối tháng 7.
Các biện pháp tăng thêm như vậy sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt “giai đoạn hai” đối với Nga, khiến EU có phản ứng gần giống với Mỹ hơn. Một điều có ý nghĩa quan trọng hơn là thông cáo đó nêu ra triển vọng EU chuyển sang các biện pháp trừng phạt “giai đoạn ba” nhắm đến các ngành kinh tế, nếu Nga không đáp ứng các yêu sách đòi Nga dùng ảnh hưởng của mình với phiến quân Ukraine để bảo đảm hiện trường rơi máy bay được giữ nguyên vẹn cho việc điều tra và đòi ngừng đưa vũ khí và quân từ lãnh thổ của Nga vào Ukraine.
Mở rộng căn cứ huấn luyện gần Rostov
Không còn phải nghi ngờ gì chuyện Nga trang bị cho phiến quân. Quả thật, lượng vũ khí được đưa vào nhiều hơn gần đây dường như đã đẩy đến thảm họa này.
Hôm 1/7, tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chấm dứt một đợt ngừng bắn ở miền đông đất nước; đợt ngừng bắn này đã kéo dài 10 ngày và theo ông phiến quân đã vi phạm cả trăm lần. Ông hy vọng rằng các lực lượng vũ trang của Ukraine (lên tinh thần nhờ biện pháp mới trả lương định kỳ cũng như được huấn luyện và có trang thiết bị được bảo dưỡng tốt hơn) có thể đánh bại 10.000-15.000 phiến quân được trang bị chủ yếu bằng vũ khí hạng nhẹ và vài chiếc xe tăng cũ kỹ. Hôm 5/7, sau một trận pháo kích, các lực lượng Ukraine treo lá cờ hai màu xanh vàng ở thành phố có tầm quan trọng chiến lược Sloviansk, vốn đã là tổng hành dinh quân sự của phiến quân. Không lực đóng vai trò lớn trong thành công này. Tuy phiến quân đã bắn hạ nhiều máy bay và trực thăng bằng các tên lửa Strela-2 kê trên vai để bắn, chúng bất lực trước bất cứ mục tiêu nào bay cao hơn 2.000 mét.
Lãnh tụ phe ly khai Igor Girkin (còn gọi là Igor Strelkov), cựu hoặc có thể là đương kim viên chức tình báo Nga, xin Putin giúp đỡ để xoay chuyển tình thế. Tuy không đưa quân như Girkin mong muốn, Putin sẵn sàng cung cấp cho Girkin đủ vũ khí và hỗ trợ để tiếp tục cuộc chiến.
Từ cuối tháng 6, các đoàn xe hộ tống nhỏ chở vũ khí hạng nặng của Nga đã đổ vào vùng Luhansk của Ukraine từ một địa điểm triển khai quân và huấn luyện được các cố vấn quân sự Nga của phiến quân lập gần Rostov, theo các nguồn tình báo phương Tây. Hôm 13/7, gần như cùng lúc Putin ngồi coi chung kết World Cup chung với thủ tướng Đức Angela Merkel, các nguồn của Mỹ nói rằng một đoàn xe hộ tống lớn hơn gồm khoảng 150 chiếc đã lên đường. Theo đó, được biết đoàn xe có bao gồm xe tăng, pháo, bệ phóng hỏa tiễn Grad, xe bọc thép chở quân và các hệ thống tên lửa Buk. Nga thẳng thừng bác bỏ việc đã gởi các tên lửa đó cho phiến quân.
Vẫn chưa rõ có phải một tên lửa được chuyển đi trong đoàn xe đó đã bắn hạ MH17. Có những tường thuật hồi cuối tháng 6 cho biết phiến quân đã đoạt được những tên lửa đó từ quân Ukraine, dù người Ukraine bác bỏ điều này và đó có thể là trò cố tình làm nhiễu thông tin của Nga. Nhưng các đợt bắn máy bay thành công đã bắt đầu ngay sau khi đoàn xe đó đến. Hôm 14/7, một máy bay quân sự chở hàng của Ukraine với 8 người đã bị bắn rơi cách biên giới Nga vài cây số. Máy bay lúc đó bay ở độ cao 6.500 mét, cao hơn nhiều so với tầm bắn của tên lửa kê trên vai để bắn. Ngày hôm sau, một chiếc Su-25 (loại máy bay chiến đấu đã được sử dụng nhiều để tấn công các vị trí của phiến quân) của Ukraine bị bắn trúng. Hôm 16/7, một chiếc Su-25 bị trúng tên lửa nhưng đã cố gắng hạ cánh được.
Một điều có thể có ý nghĩa quan trọng là những bức ảnh chụp bệ phóng tên lửa Buk đã bắn rơi MH17 trên đường đến Chernukhino cho thấy bệ phóng này di chuyển một mình. Trong các chiến dịch bình thường, bệ phóng sẽ đi cùng với các xe khác chở các thiết bị radar và kiểm soát. Nếu không có các thiết bị này, hệ thống đã thiếu, cùng nhiều thứ khác, khả năng nhận biết các bộ phát tín hiệu nhận diện (transponder) mà các máy bay dân sự mang theo. Giả sử phiến quân muốn bắn hạ một máy bay quân sự vận tải khác của Ukraine, việc thiếu thiết bị này đã tăng khả năng phiến quân vô tình bắn trúng một máy bay phản lực chở khách bay cao hơn và nhanh hơn bất cứ mục tiêu nào như thế.
Tấn tuồng vẫn tiếp diễn
Thật khó nghi ngờ đó quả thực là một nhầm lẫn, đặc biệt vì nó rõ ràng đã khiến Putin phải thanh minh. Trong những ngày sau khi vụ tấn công xảy ra, Putin liên tục có các hoạt động ngoại giao và xuất hiện trước công chúng, nhiều lần nói chuyện với bà Merkel và thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, cũng như với các vị lãnh đạo các nước Úc, Anh, và Pháp. Hôm 21/7 ông có một bài phát biểu với quốc dân chẳng có gì đáng chú ý ngoài thời điểm; bài phát biểu được truyền hình vào lúc giữa đêm ở Nga, nghĩa là ngay trước thời điểm đông khán giả truyền hình nhất của tối hôm trước ở bờ đông nước Mỹ. Sau khi đòi hỏi các nhượng bộ nhưng không được đáp ứng, Nga vẫn ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi có cuộc điều tra trọn vẹn và xử lý những kẻ chịu trách nhiệm; nghị quyết này đã được đồng thuận thông qua. Tuy bài phương Tây, Putin vẫn còn chăm chút uy tín quốc tế của mình nên muốn tránh thất bại.
Ông còn chăm chút nhiều hơn cho quyền lực của mình tại quốc nội. Người Nga ưa thích cả cuộc chiến ở Ukraine và ông Putin: tỉ lệ ủng hộ ông đạt mức đáng kể 83%. Gleb Pavlovsky, một cựu cố vấn cho Điện Kremlin, gần đây viết rằng người Nga xem cuộc chiến đó là một tuồng kịch truyền hình “đẫm máu, căng thẳng và đầy xúc cảm” chẳng liên quan gì đến thực tế nhưng họ muốn thấy tiếp tục diễn ra. Ông Putin thành công với vai trò nhà sản xuất và diễn viên chính của tuồng kịch đó; ông không thể đổi cốt chuyện theo cách giải thoát chính mình.
Nhưng sự thích thú của khán giả không có nghĩa là họ muốn trả tiền để tiếp tục xem. Cho đến nay các biện pháp trừng phạt được áp đặt để phản ứng trước việc Nga chiếm Crimea dường như có ý nghĩa tượng trưng hơn là gây hậu quả kinh tế, và điều này đã tạo lợi thế cho Putin. Ở Nga, ông kiểm soát các biểu tượng. Nhưng các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt theo kiểu mà EU dường như sắp áp dụng có thể gây thiệt hại thật sự cho ông, trong bối cảnh kinh tế Nga đã đình trệ.
Tuy nhiên, nếu quan ngại kiểu đó đã dẫn đến những nỗ lực của Puti trên trường quốc tế, điều đó dường như đã không thay đổi tình hình ở miền đông Ukraine, hay tấn tuồng đang được chiếu cho khán giả truyền hình Nga. Phiến quân vẫn dùng tên lửa địa đối không; chúng bắn rơi hai chiếc Su-25 hôm 23/7, dù chúng không dùng Buk. Tổng thống Poroshenko nói rằng vũ khí vẫn được chuyển qua biên giới cho phiến quân (ông muốn phương Tây gọi phiến quân là khủng bố, nói rằng đó sẽ là “một cử chỉ quan trọng thể hiện tình đoàn kết”). Các nguồn tình báo Mỹ nói phân tích của họ cũng cho thấy Nga tiếp tục cung cấp vũ khí.
Một cách lý giải sự thiếu thay đổi có thể là Putin không tin rằng Châu Âu sẽ hành động một cách dứt khoát. Bằng chứng của lịch sử dường như có lợi cho ông. Tuy hôm 22/7 hội đồng các bộ trưởng đưa ra một thông điệp mạnh mẽ hơn trước đây, Châu Âu vẫn hết sức lưỡng lự về việc gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho Nga. Trong một bài viết đăng báo hôm 20/7, thủ tướng Anh David Cameron nói với các vị lãnh đạo các nước Châu Âu: “Đã đến lúc khiến sức mạnh, tầm ảnh hưởng và các nguồn lực của chúng ta có ý nghĩa. Các nền kinh tế của chúng ta vững chải và ngày càng lớn mạnh. Thế nhưng đôi khi chúng ta hành xử như thể chúng ta cần Nga hơn Nga cần chúng ta…” Họ – trong đó có Anh, lo ngại tổn thất cho thị trường tài chính London – rất có thể sẽ tiếp tục hành xử như vậy.
Bằng chứng rõ rệt nhất của điều này là việc Pháp nhất quyết tiếp tục thương vụ bán chiếc đầu tiên trong hai hàng không mẫu hạm hạng Mistral cho Nga. Các nước khác yêu cầu ngưng hợp đồng này, nhưng Tổng thống François Hollande e ngại rằng việc phá bỏ hợp đồng sẽ gây phương hại cho số việc làm ngành đóng tàu ở xưởng đóng tàu Saint-Nazaire, bị phạt nặng, khiến Pháp phải ôm những chiếc tàu mà mình không có mục đích sử dụng và bị mất uy tín về khả năng đáng tin cậy đối với các nước khác muốn ký hợp đồng vũ trang với Pháp.
Tuy vậy, việc tiếp tục thực hiện thương vụ này cũng có thể gây rủi ro cho uy tín của Pháp – và cho các hãng sản xuất thiết bị quân sự của Pháp. Nước thành viên NATO hiện đang đầu tư nhiều nhất vào quốc phòng là Ba Lan, với ngân sách 46 tỉ Mỹ kim. Pháp có vị thế thuận lợi để bán trực thăng chiến đấu và các thiết bị đắt tiền khác. Nhưng François Heisbourg của Sáng hội Nghiên cứu Chiến lược nhận định rằng Ba Lan kịch liệt phản đối trò giật dây quyền lực của Putin ở Ukraine, không hài lòng về việc Pháp bán tàu Mistral cho Nga và khó lòng chấp nhận mua vũ khí của Pháp sau vụ việc này.
Tuần rồi, tổng thống Hollande cố giảm áp lực bằng cách nói rằng tuy chiếc Vladivostok sẽ được giao hàng trong mùa thu năm nay như thỏa thuận, việc giao chiếc tàu thứ hai (Sevastopol) mà Pháp đang đóng cho Nga, oái ăm thay, lại tùy thuộc vào cách hành xử đàng hoàng của ông Putin. Trong khi đó, Jean-Christophe Cambadélis, chủ tịch đảng Xã hội của tổng thống Hollande, đáp trả lời chỉ trích của Anh về thương vụ này với nhận xét rằng nhiều nhà tư bản quả đầu Nga đã “nương náu ở London”, và “đây là một cuộc tranh luận dối trá do những kẻ đạo đức giả cầm đầu”. Pháp đang yêu cầu rằng, trong bất cứ biện pháp trừng phạt giai đoạn ba nào, Anh phải xử lý những khoản chuyển ngân thực hiện qua thị trường tài chính London. Còn Đức sẽ được kỳ vọng sẽ góp sức bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận của Nga với công nghệ cao, đặc biệt trong ngành năng lượng.
Điều đó có thể dễ hiểu hơn trước đây; quan điểm của Đức dường như đã xoay chiều. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói: “Không ai có thể đổ lỗi cho Đức vì đã không có nỗ lực đàm phán. Nhưng Nga đã không tuân thủ các thỏa thuận ở chừng mực cần thiết.” Ngày hôm sau cuộc họp của các ngoại trưởng, nhật báo Bild có lượng phát hành lớn ở Đức không hài lòng và chạy tít chỉ trích sự thiếu hành động dứt khoát của EU. Nhưng nếu điều này báo hiệu thái độ cứng rắn mới của Đức, đó là một lập trường sẽ tích lũy hình thành dẫn trong nhiều tháng hay năm, chứ không phải mấy tuần.
Ukraine đánh mạnh hơn
Nếu, trong tình huống tốt nhất, Châu Âu có tầm nhìn dài hạn, tổng thống Ukraine Poroshenko đang hy vọng sẽ giành lại quyền kiểm soát miền đông đất nước bằng một cuộc tấn công quyết đoán. Phần lớn sẽ tùy thuộc vào các chiến thuật của ông. Các lực lượng Ukraine đã và đang mạnh tay không kích và bắn hỏa tiễn Grad khi họ tiến về Donetsk. Hôm 18/7, 16 thường dân đã bị giết trong các đợt bắn phá này; hôm 21/7 hỏa tiễn Grad của Ukraine đã làm thiệt mạng bốn thường dân ở phía nam sân bay Donetsk. Phía Ukraine cho biết họ được lệnh nghiêm ngặt là không được pháo kích hay không kích Donetsk, thành phố có gần một triệu dân. Nếu các lệnh đó được tuân thủ, điều đó sẽ đánh dấu một thay đổi lớn.
Âu cũng là đương nhiên khi ta nghĩ một tội ác sẽ là một bước ngoặt. Tuy nhiên, có khả năng đáng buồn là MH17 sẽ vẫn là một sai lầm không ai hiểu được. Ukraine, phiến quân và Nga đều có dấu hiệu tránh né bất cứ cơ hội suy ngẫm và hòa giải mà thảm họa này mang đến. Điều đó chỉ càng cho thấy rõ hơn là lợi ích của các bên hoàn toàn khác nhau.
Tổng hợp từ The Economist 26/7/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Một phiên bản dài hơn, có thêm các chi tiết lấy từ tạp chí Foreign Policy về các bằng chứng chống lại Nga, ký tên Khương An và đăng trên thoimoi.com ngày 30/7/2014.)
Bài liên quan: Công lý cho MH17
1 thought on “MH17 và các hệ lụy đối với cuộc chiến ở Ukraine”