Tạp chí The Economist bình luận: “Nếu có ai đủ khả năng biến lý thuyết quản trị thành một ngành học thuật đáng kính, đó chính là Michael Porter”. Michael E. Porter là chuyên gia đầu ngành về chiến lược cạnh tranh và khả năng cạnh tranh, cũng như về phát triển kinh tế của các quốc gia và khu vực. Những tư tưởng của ông đã thành môn học bắt buộc ở gần như mọi trường quản trị kinh doanh khắp thế giới.
Michael Porter sinh năm 1947 tại Ann Arbor, Michigan. Porter tốt nghiêp Đại học Princeton năm 1969 với bằng cử nhân hạng ưu về kỹ thuật hàng không và cơ khí. Tại Harvard, Porter đậu bằng MBA (1971), tiếp sau đó là bằng tiến sĩ kinh tế học kinh doanh (1973). Porter trở thành giảng viên của Harvard năm 26 tuổi, một trong những người trẻ nhất được phong hàm giáo sư chính thức trong lịch sử lâu đời và lừng lẫy của trường. Porter là một trong 15 người hiện nay tại Đại học Harvard có học hàm giáo sư bậc cao nhất gọi là University Professor.
Porter đã viết 16 cuốn sách và hơn 100 bài viết chuyên đề. “Chiến lược cạnh tranh” xuất bản năm 1980, đến nay đã in 58 lần, và dịch sang 17 thứ tiếng. Cuốn sách quan trọng thứ hai “Lợi thế cạnh tranh” xuất bản năm 1985, và đã in 34 lần. “Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia” xuất bản năm 1990, dựa trên nghiên cứu khi ông là ủy viên Ủy ban của Tổng thống về Khả năng cạnh tranh công nghiệp năm 1983. Đây là ấn phẩm đầu tiên về mảng nghiên cứu lớn thứ hai của ông, về khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế. Được xem là một trong những cuốn sách tham vọng nhất của thời hiện đại, tác phẩm này nêu một lý thuyết mới về cách các quốc gia và khu vực cạnh tranh với nhau và những nguyên nhân dẫn đến thịnh vượng kinh tế, đặc biệt nhấn mạnh đến tác động của vị trí đến cạnh tranh, và vai trò của những cụm tập trung về địa lý của những hãng, nhà cung cấp, cơ sở dịch vụ, và định chế có liên quan. Ngoài ra, Porter là đồng chủ tịch của Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu, ấn bản hàng năm xếp hạng khả năng cạnh tranh và triển vọng tăng trưởng của 80 quốc gia.
Porter là cố vấn về chiến lược cạnh tranh cho nhiều công ty hàng đầu của Mỹ và quốc tế, và đóng vai trò tích cực trong chính sách kinh tế với Quốc hội Mỹ, các tập đoàn kinh doanh, và là cố vấn cho nhiều chính phủ nước ngoài. Ông từng là ủy viên ban chấp hành của Hội đồng về Khả năng Cạnh tranh, một tổ chức tư nhân gồm lãnh tụ các giới kinh doanh, lao động và nghiên cứu thành lập năm 1986.
ĐÓNG GÓP CHO HỌC THUẬT
Mô hình năm lực cạnh tranh
Theo mô hình này, trong bất cứ ngành nào, dù là nội địa hay quốc tế, dù sản xuất hay làm dịch vụ, các quy tắc cạnh tranh được thể hiện bằng năm lực cạnh tranh:
- sự gia nhập ngành của những đối thủ cạnh tranh mới. Những đối thủ cạnh tranh mới đòi hỏi phải có phản ứng cạnh tranh; phản ứng này sẽ tiêu tốn một số nguồn lực của ta, do vậy làm giảm lợi nhuận.
- sự đe dọa của những sản phẩm thay thế. Nếu trên thị trường có những món có thể thay thế tốt cho mặt hàng / dịch vụ của ta, giá bán của ta sẽ bị hạn chế.
- sức mạnh mặc cả của người mua. Khách hàng sẽ dùng sức mạnh mặc cả nếu có. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận, do vậy ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi.
- sức mạnh mặc cả của người bán. Với ưu thế hơn ta, những nhà cung cấp sẽ tăng giá và ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh lợi của ta.
- sự đua tranh giữa những đối thủ cạnh tranh hiện tại. Do có cạnh tranh nên cần đầu tư vào marketing, R&D hay giảm giá; điều đó sẽ làm giảm lợi nhuận của ta.
Sức mạnh tổng hợp của năm lực cạnh tranh này sẽ quyết định khả năng của các hãng cùng một ngành trong việc đạt được tỉ suất sinh lời của vốn đầu tư cao hơn chi phí vốn. Sức mạnh của năm lực cạnh tranh ở mỗi ngành mỗi khác, và có thể thay đổi trong quá trình phát triển của mỗi ngành.
Khái niệm những chiến lược tổng quát
Có ba chiến lược tổng quát để ứng phó với những lực cạnh tranh:
- tạo sự khác biệt – cạnh tranh trên cơ sở giá trị gia tăng cho khách hàng (chất lượng, dịch vụ, tạo sự khác biệt) sao cho khách hàng chịu trả giá cao hơn để ta trang trải chi phí cao hơn;
- dẫn đầu về giá – cung cấp hàng hóa hay dịch vụ với giá thấp nhất. Chất lượng và cách phục vụ không là điều quan trọng, nhưng trọng tâm của tổ chức là giảm chi phí;
- trọng tâm – hãng nào có chiến lược rõ ràng đạt kết quả cao hơn những hãng có chiến lược không rõ ràng hay những hãng cố đạt cả hai mục tiêu tạo sự khác biệt và dẫn đầu về giá.
Thực hiện những chiến lược tổng quát
Muốn thực hiện tốt bất kỳ chiến lược nào trong những chiến lược tổng quát này thường cần phải toàn tâm toàn ý. Hoạt động của doanh nghiệp sẽ bị phân tán nếu có nhiều hơn một mục tiêu chính.
Do vậy, nếu không tập trung vào một trong ba chiến lược, công ty có thể gặp khó khăn. Công ty sẽ thiếu thị phần, đầu tư vốn và lòng quyết tâm đi theo con đường giá thấp, hoặc thiếu mức độ khác biệt về sản phẩm trong toàn ngành cần để khỏi phải theo đuổi mục tiêu giá thành thấp, hoặc thiếu trọng tâm để tạo ra sự khác biệt về sản phẩm hay giá thành thấp trong một lĩnh vực hạn chế hơn.
Công ty nào bị kẹt ở giữa sẽ có vị thế chiến lược rất kém, và gần như chắc chắn sẽ có khả năng sinh lợi kém. Công ty đó hoặc sẽ mất số đông khách hàng muốn có giá rẻ, hoặc phải hy sinh lợi nhuận của mình để giành mảng kinh doanh này khỏi tay những công ty có chi phí thấp. Công ty đó cũng sẽ mất những mảng kinh doanh có lợi nhuận cao về tay những công ty chuyên chú vào những mục tiêu có lợi nhuận cao hoặc đã đạt được mục tiêu tạo sự khác biệt.
Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia
Mục tiêu kinh tế chính của một nước là tạo ra mức sống cao và ngày càng tăng cho người dân của mình. Làm được hay không tùy thuộc vào hiệu năng sử dụng các nguồn lực (lao động và vốn). Theo Porter, những câu hỏi sau đây là quan trọng.
- Điều gì giúp cho các công ty và ngành công nghiệp của một nước có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, và điều gì thúc đẩy nền kinh tế của cả nước phát triển?
- Tại sao những công ty đặt trụ sở ở một nước nào đó có khả năng tạo ra và duy trì lợi thế cạnh tranh so với những đối thủ cạnh tranh giỏi nhất trên thế giới trong một ngành nào đó?
- Tại sao một quốc gia thường là nơi đóng trụ sở của rất nhiều công ty hàng đầu thế giới của một ngành nào đó?
Tác động của toàn cầu hóa
Các công ty và ngành công nghiệp ngày càng trở nên toàn cầu hóa, và có phạm vi hoạt động quốc tế và ước vọng lớn hơn bao giờ hết. Do vậy, có vẻ như quốc gia đã đánh mất vai trò của mình trong thành công quốc tế của các công ty. Thoạt nhìn, có vẻ như công ty đã qua mặt quốc gia. Theo Porter, thực ra sự toàn cầu hóa của cạnh tranh đã khiến cho quốc gia càng quan trọng hơn.
Do ngày càng giảm đi những rào cản thương mại để bảo vệ cho những công ty và ngành nội địa thiếu khả năng cạnh tranh, quốc gia ngày càng có ý nghĩa quan trọng vì đó là nguồn tạo ra các kỹ năng và công nghệ hỗ trợ cho lợi thế cạnh tranh. Chính mức độ cạnh tranh trong nước thường giúp thành công khi bước ra toàn cầu.
Khái niệm viên kim cương quốc gia
Để hiểu rõ về các động lực tạo nên sức mạnh quốc gia hay khu vực, Porter đưa ra khái niệm “viên kim cương quốc gia”, gồm 4 lực như sau:
- các điều kiện về yếu tố sản xuất – bao gồm truyền đạt dữ liệu, nghiên cứu đại học, và nguồn cung cấp các nhà khoa học, kỹ sư, hay chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó;
- các điều kiện về cầu – nếu trong nước có nhu cầu lớn về một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, thì ngành đó sẽ có lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu;
- những ngành có liên quan và hỗ trợ – những ngành vững mạnh thường được bao quanh bởi những ngành liên quan thành công;
- chiến lược công ty, cơ cấu và sự đua tranh – cạnh tranh trong nước tạo động lực tăng trưởng và tạo nên sức mạnh cạnh tranh.
—
Trích từ tập sách “Một góc nhìn kinh doanh“(trang 181-186), NXB Trẻ 2005. Bài gốc đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, 28/8/2003.
URL: http://phamvuluaha.wordpress.com/2012/12/28/michael-porter/