Con đường rửa tiền

Tháng 3/2007, khi bố ráp căn nhà nằm ở vùng ngoại ô sang trọng Lomas de Chapultepec, Mexico City, của trùm kinh doanh dược phẩm Diệp Chân Lý, nhà chức trách phát hiện 205,6 triệu đô bằng giấy bạc 100 đô (hình). Những đống giấy bạc nhiều đến nỗi tràn ra cả phòng khách, dọc hành lang và vào tận trong bếp.

Lúc diễn ra bố ráp, có tin nói Diệp Chân Lý đang ở Las Vegas, thỏa chí đánh bài poker đặt cược cao. Hiện đang ở tù tại Mỹ đợi dẫn độ về Mexico, hắn bị cáo buộc mua hóa chất nguyên liệu từ Trung Quốc rồi bán lại cho các băng đảng ma túy dùng để chế methamphetamine (một chất kích thích được gọi là “crystal meth” ở Bắc Mỹ). Hóa ra Diệp Chân Lý cũng là khách hàng lâu năm của tập đoàn ngân hàng HSBC.

Vụ việc này được nêu trong một báo cáo do Thượng viện Mỹ công bố tuần này. Qua đó, giới lập pháp Mỹ nhận định rằng ngân hàng lớn nhất Vương quốc Anh thất bại có hệ thống trong việc ngăn ngừa hoạt động rửa tiền trong các chi nhánh toàn cầu và ngăn chặn không để cho những khoản tiền đó đổ vào Mỹ.

Cuộc điều tra trong nhiều năm phát hiện HSBC là kênh chuyển tải tiền ma túy, có khách hàng bị cáo buộc có liên hệ với khủng bố, và xóa bớt những chi tiết khỏi các giao dịch mà nếu để thì đã tiết lộ danh tánh của các tổ chức Iran – nếu quả thực như vậy, ngân hàng này đã vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Thượng nghị sĩ Carl Levin, người chỉ đạo cuộc điều tra này, cho rằng văn hóa nội bộ của HSBC “đã bị ô nhiễm lan rộng từ lâu”.

Cuộc điều tra này đã gây rúng động HSBC; khiến David Bagley, người đứng đầu mảng chấp hành pháp luật của ngân hàng, từ chức; và tiếp ngay sau vụ bê bối thao túng lãi suất Libor, càng làm ô danh trung tâm tài chính quốc tế London. Trên hết thảy, vụ này cho thấy những hoạt động buôn lậu ma túy và rửa tiền trên thế giới đã lan rộng và sâu đến từng ngóc ngách của các địa phương.

Ngay sau khi bị bắt, Diệp Chân Lý phân trần về nỗi đam mê cờ bạc của hắn. Hắn sinh năm 1963 ở Thượng Hải, nhập tịch Mexico năm 2002, và chưa từng có tiền án tiền sự. Hắn nói đã thua bạc 126 triệu đô-la ở các sòng bài Las Vegas, nhưng là khách quý nên hắn được thối lại 40% những khoản thua bạc của mình, cộng với những chiếc xe đắt tiền. Tuy Diệp Chân Lý phủ nhận hết mọi cáo buộc, chuyện những chuyến đi đánh bạc của hắn làm sáng tỏ ít nhiều cách thức rửa tiền. Một tay cờ bạc có tiền bẩn có thể đem hàng triệu đô-la đổi lấy phỉnh của sòng bài, rồi thu hồi lại một phần tiền thua bằng những tấm séc và chiếc xe hợp pháp.

Trong vòng xoay rửa tiền, HSBC chỉ là một trong biết bao máy giặt. Antonio Maria Costa, nguyên giám đốc Văn phòng đặc trách vấn đề ma túy và tội ác của Liên Hiệp Quốc (UNODC), nói: “Hiện nay, tôi không nghĩ ra một ngân hàng nào trên thế giới chưa bị tiền mafia thâm nhập.” Hoạt động buôn lậu ma túy có quy mô rất lớn trên toàn cầu; theo ước tính của UNODC có giá trị tới 380 tỉ đô-la vào năm 2008, gấp khoảng 10 lần doanh số hàng năm của hãng bán lẻ qua mạng Amazon. Chính vì hoạt động buôn lậu ma túy quốc tế mà rửa tiền lọt vào tầm ngắm của các cơ quan phòng chống tội ác quốc tế. Lực lượng Hành động Tài chính thành lập năm 1989, tập hợp chuyên môn chống rửa tiền của các nước công nghiệp G7. Sáng kiến này càng trở nên cấp bách sau vụ khủng bố 11/9 năm 2011.

Tuy nhiên tác động của cuộc chiến tài chính này đến nay có vẻ còn hạn chế. Do buôn lậu ma túy là hoạt động ngầm và những số liệu về hoạt động này thường bị phóng đại, nên khó mà đánh giá đúng. Tuy nhiên có thể thấy rõ là phần lớn lợi nhuận của hoạt động này kiếm được ở những nước sử dụng ma túy, điểm xuất phát của con đường rửa tiền.

Thử lấy ví dụ thị trường cocaine ở Mỹ trị giá 35 tỉ đô-la/năm. Chỉ có 1,5% số tiền này về tay những nông dân trồng lá coca ở rặng núi Andes (Nam Mỹ). Bọn vận chuyển ma túy quốc tế ăn khoảng 13%. Phần lớn (khoảng 85%) vào túi của bọn phân phối ở Mỹ. (Số liệu ở Châu Âu cũng tương tự.) Chính việc vô tình rửa những đồng đô-la dơ bẩn này là điều HSBC đang bị cáo buộc.

Rửa tiền là một quy trình gồm ba bước: bán ma túy,“rửa sạch” nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, rồi gởi tiền ở đâu đó trong hệ thống tài chính toàn cầu. Theo lời khai của những trùm ma túy đã bị kết án, chính quyền Mexico tin rằng quy trình rửa tiền thường diễn tiến như sau.

Những chuyến hàng cocaine được chuyển từ Mỹ La tinh đến một nơi chẳng hạn như Atlanta, rồi từ đó được bán sỉ cho những tay bán lẻ ở Mỹ. Bọn bán sỉ được trả bằng tiền mặt, thường là giấy bạc 10 và 20 đô-la; số tiền này được chở xuống các thị trấn biên giới ở phía nam, chẳng hạn như El Paso. Bọn lái xe tải chở tiền tính phí từ 6 đến 8 %, tùy theo quãng đường và trọng lượng.

Sau đó tiền được đổi thành giấy bạc 100 đô-la để dễ xử lý hơn và tuồn qua biên giới, đưa vào những mảng kinh doanh có truyền thống sử dụng nhiều tiền mặt ví dụ như nhà hàng, hoặc đem đến các cơ sở hối đoái đổi sang đồng peso. Tiền đã rửa sạch sau đó được các ngân hàng, ví dụ như HSBC, mua rồi từ đó được chuyển khoản đến bất cứ nơi đâu trên thế giới.

HSBC Mexico có vị thế rất thuận lợi để hút những đồng tiền bẩn này. Sau khi mua lại Grupo Financiero Bital với giá 1,1 tỉ đô-la vào năm 2002, có lúc HSBC có nhiều chi nhánh ở Mexico hơn ở Vương quốc Anh. Tuy nhiên, tất cả những giai đoạn cuối cùng của quy trình này đều hợp pháp, cho dù đáng nghi ngờ. Hơn nữa, những dòng tiền lưu chuyển hợp pháp lớn hơn đã che khuất số tiền bẩn này. Theo báo cáo của Thượng viện Mỹ, HSBC đã chuyển 7 tỉ đô-la tới HSBC Mỹ trong hai năm 2007 và 2008. Có thể một số trong những lượng tiền chuyển khoản này là lợi nhuận từ buôn lậu ma túy. Thử so sánh với lượng lưu chuyển hàng ngày của các thị trường ngoại hối ở Mexico: 50 tỉ đô-la.

Do vậy nhà chức trách thường chỉ như mò kim đáy biển. Cuộc truy tìm của họ càng phức tạp hơn do những phương thức tinh vi mới, ví dụ như rửa tiền bẩn bằng thẻ mua hàng trả trước (mảng này trị giá khoảng 550 tỉ đô-la/năm), hay mua hàng hóa hợp pháp (chẳng hạn cà chua hay vải súc) rồi vận chuyển hợp pháp qua biên giới.

Rửa tiền, giống như buôn lậu ma túy, cũng thường giống như cái vòng luẩn quẩn: những tờ giấy bạc kềnh càng thường được đổi lại thành những gói cocaine nhỏ gọn, do vậy ma tuy che giấu tiền, chứ không phải ngược lại. Một đặc điểm khác của chuyện rửa tiền là: luôn có thể đổ thừa cho người khác.

Trong cuộc điều trần ở Washington, có vẻ như người ta ngầm đổ tội cho London – mặc dù quy mô sai phạm của HSBC chẳng đáng kể nếu so với sai phạm của ngân hàng Wachovia (Mỹ). Cũng như HSBC, Wachovia không có những hệ thống chặt chẽ, nên số tiền chuyển khoản lên đến khoảng 373 tỉ đô-la (so với 7 tỉ của HSBC) từ năm 2004 đến 2007. Hơn 4 tỉ đô-la tiền mặt cũng được vận chuyển từ các ngân hàng Mexico đến các tài khoản Wachovia. Bị Wells Fargo mua lại vào năm 2008, Wachovia đến nay đã nộp 160 triệu để dàn xếp các cáo buộc, và không có ai ở Mỹ đi tù (so với 15 người ở Mexico).

Biện minh cho sai phạm của mình, HSBC đổ thừa cho môi trường “khó khăn” của Mexico, trong đó có những rủi ro bị bắt cóc, tống tiền và đòi hối lộ mà nhân viên ngân hàng đối mặt. Tuy điều đó có thể đúng với giám đốc chi nhánh ở một thành phố vùng biên giới nhiều bạo lực, chắc chắc đó không phải là mối đe đọa đối với nhân viên ở Mexico City.

Nhưng phía Mexico cũng tìm bung xung cho mình. Từ khi chính quyền Mexico bắt đầu chiến dịch tấn công tội ác có tổ chức cách đây sáu năm đã có 50.000 người chết. Nhiều người Mexico nói rằng đây là chiến dịch mà “Mexico cung cấp người chết, Mỹ giữ đô-la và cung cấp súng”. Tuy nhiên phía Mexico cũng cung cấp sát thủ.

Vụ HSBC làm sống lại những niềm hy vọng cuộc chiến chống tội ác có tổ chức có thể thắng lợi bằng cách sử dụng “chuyên viên kế toán ninja” dùng phân tích số liệu để rút hết nguồn sống của bọn tội phạm – như trong vụ Al Capone bị tù vì những tội trốn thuế. Nhưng chuyện đó chưa chắc.

Tiền bẩn sẽ luôn tìm ra một điểm yếu để chui vào hệ thống tài chính quốc tế – có thể là những nước thiếu minh bạch như Nga hay những nước khác sử dụng đô-la Mỹ ví dụ như Ecuador. Ngay cả những nước được xem là có hệ thống chặt chẽ, thành tích chống rửa tiền cũng kém cỏi. Năm 2010, tổng số tài sản tịch biên liên bang chỉ ở mức 2,5 tỉ đô-la, một phần nhỏ trong tổng giá trị ước tính 65 tỉ đô-la/năm của thị trường ma túy ở Mỹ. Năm 2009/2010 ở Vương quốc Anh, Cơ quan chống tội ác có tổ chức nghiêm trọng tịch biên tài sản tội ác trị giá 318 triệu bảng.

Điều tra hoạt động rửa tiền cũng tiến triển chậm. Ngay cả với sự hợp tác toàn diện của HSBC, cuộc điều tra này mất 5 năm. Ngoài ra, quy định quản lý ngân hàng chặt chẽ hơn và công tác chấp hành luật lệ tốt hơn (ví dụ, HSBC cho biết đã tăng gấp đôi chi tiêu cho công tác chấp hành pháp luật và hiện nay có 3.500 nhân viên trong mảng này) đã đẩy hoạt động rửa tiền sang các công ty phi tài chính. Mà những công ty nhiều vô kể và khó kiểm soát hơn.

Gần như không thể ước tính quy mô của hoạt động rửa tiền. Liên Hiệp Quốc ước đoán tổng lợi nhuận tội ác toàn cầu là 870 tỉ đô-la/năm. Đây là con số khổng lồ, nhưng nếu đặt trong bối cảnh kim ngạch thương mại toàn cầu 18 ngàn tỉ đô-la/năm, hay lượng giao dịch ngoại hối 4 ngàn tỉ đô-la/ngày, con số này dễ dàng bị bỏ qua. Như một chú cá nhỏ bám trên lưng con cá voi, thương mại của bọn tội phạm (trong đó có rửa tiền) là hoạt động ngầm, thường bằng tiền mặt và khó bắt vì nó chỉ việc bơi ra chỗ khác.

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch từ “Money laundering: Taken to the cleaners“, John Paul Rathbone, Financial Times, 20/7/2012

URL: http://phamvuluaha.wordpress.com/2012/07/26/money-laundering/

(Bản rút ngắn của bài này đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, số 31-2012 (1.087), ngày 26/7/2012, bản PDF)

Bài liên quan:

1 thought on “Con đường rửa tiền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *