Mười một lạc thú của dịch thuật

Lydia Davis

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Tháng Sáu vừa rồi, trong một chuyến đi Pháp, tôi được mấy người bạn Pháp đưa đi nếm rượu vang ở Beaune, một thị trấn nhỏ vùng Burgundy, phía nam Dijon. Trong buổi nếm rượu, có lúc chúng tôi được hướng dẫn mâchez le vin (nhai rượu vang)—giờ thì tôi chẳng nhớ nổi là làm vậy trong khi chúng tôi vẫn ngậm rượu trong miệng, hay sau khi đã nuốt hoặc nhổ ra. Lúc bấy giờ, khi từ đó được thốt ra, tôi lập tức để ‎ý, cái ăngten-dịch giả của tôi giương lên ngay: dùng động từ mâcher, “chew” (nhai), cho một thứ mà ta không thể thực sự nhai là một cái khó mà tôi đã mất hàng giờ đắn đo trong lúc dịch Madame Bovary. Từ này xuất hiện trong một đoạn gần phần đầu của tiểu thuyết này, khi Charles Bovary, ít ra là vẫn còn hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của mình, và Emma chưa lộ rõ bồn chồn hay đau khổ. Đoạn này minh họa rất rõ phong cách phản lãng mạn của Flaubert:

Pierre Renoir và Valentine Tessier trong vai Charles và Emma Bovary trong phim năm 1933 của Jean Renoir chuyển thể từ tiểu thuyết Madame Bovary của Gustave Flaubert. (Ảnh: Everett Collection)
Pierre Renoir và Valentine Tessier trong vai Charles và Emma Bovary trong phim năm 1933 của Jean Renoir chuyển thể từ tiểu thuyết Madame Bovary của Gustave Flaubert. (Ảnh: Everett Collection)

Et alors, sur la grande route qui étendait sans en finir son long ruban de poussière, par les chemins creux où les arbres se courbaient en berceaux, dans les sentiers dont les blés lui montaient jusqu’aux genoux, avec le soleil sur ses épaules et l’air du matin à ses narines, le coeur plein des félicités de la nuit, l’esprit tranquille, la chair contente, il s’en allait ruminant son bonheur, comme ceux qui mâchent encore, après dîner, le goût des truffes qu’ils digèrent.

Tôi dịch như sau:

And then, on the road stretching out before him in an endless ribbon of dust, along sunken lanes over which the trees bent like an arbor, in paths where the wheat rose as high as his knees, with the sun on his shoulders and the morning air in his nostrils, his heart full of the joys of the night, his spirit at peace, his flesh content, he would ride along ruminating on his happiness, like a man continuing to chew, after dinner, the taste of the truffles he is digesting.

(Tiếng Việt: Thế là trên con đường cái quan thăm thẳm rải bụi, qua những chỗ trũng có cây cối hai bên ngả xuống thành vòm, trong những đường ruộng lúa mìa vươn cao tới đầu gối, hắn tiếp bước, vai đầy ánh nắng, mũi thở không khí ban mai, lòng tràn ngập những vui thú đêm qua, trí não thanh thản, nhục dục thỏa mãn. Hắn vừa đi vừa nghiền ngẫm cái hạnh phúc của mình như những người sau bữa tiệc còn nhá cái dư vị của món nấm đang tiêu. [Người dịch: Bạch Năng Thi, NXB Văn học, 2012])

Tôi thích dùng lại trật tự từ ngữ, và trật tự ‎ý tưởng, của bản gốc bất cứ khi nào có thể. Flaubert kết thúc đoạn văn lẽ ra trữ tình này bằng những từ truffes (nấm củ) và digèrent (tiêu hóa)—nói cách khác, cách tích tụ ngôn từ của ông, khi mô tả niềm hạnh phúc nhục dục, yên ả của một người đàn ông đang yêu, kết thúc bằng cách nhắc tới sự tiêu hóa và một loại nấm đen, hôi. Đây là kiểu tiêu biểu của Flaubert, người thích tạo ra một hiệu ứng văn chương truyền thống, lãng mạn hoặc sến súa, để rồi, khi ta đã bị mê hoặc, quẳng ta đánh ịch về lại thực tế, bằng cách cho ta thấy một hình ảnh đời thường, hoặc hay hơn nữa là trần tục—nấm củ trong cảnh này, khoai tây trong một cảnh sau.

Song, chỗ tôi gặp khó là từ mâcher, mà tôi đã dịch là “chew” (nhai). Tất nhiên, tôi muốn giữ lại cái ý chewing, đặc biệt vì nó tiếp theo ý thú vị  “ruminating” (nhai lại, nghiền ngẫm), mà không những là một từ thích hợp cho những suy nghĩ vẩn vơ của Charles, khi con ngựa của ông thả bước thong dong , mà còn là một ẩn ý khác ám chỉ một trong những ẩn dụ ưa thích của Flaubert —bovine  (con bò)—mà thường xuyên xuất hiện trong tác phẩm của ông, thậm chí trong tên nhân vật như Bovary và Bouvard.

Nhưng nhai một cái vị thì nhai làm sao?

Khổ nỗi, trong lúc nếm rượu vang ở Beaune, tôi chẳng chịu—nên mất ngủ ít nhiều khi về nhà—hỏi hướng dẫn viên của chúng tôi, trong chuyến đi của chúng tôi, là anh ta dịch từ mâcher sang tiếng Anh ra sao, cho du khách nói tiếng Anh. Về sau, tôi phát hiện rằng từ tương đương trong thế giới nếm rượu vang quả thực là “chew” (nhai)—nhưng đời nào tôi lại nghĩ ra được là nên tham khảo cẩm nang mua rượu vang để hỗ trợ cho việc dịch Flaubert của tôi?

Tuy vậy, lúc đó, trải nghiệm đó trả lời một câu hỏi—từ mâcher có thể được dùng cho một thứ mà, cho tới lúc đó, tôi cứ tưởng ta không thể nhai được.

***

Trong dịch thuật, ta đặt cho bản thân ta một câu hỏi, hoặc câu hỏi được văn bản ta đang dịch đặt ra cho ta; ta không có câu trả lời thỏa đáng, dù ta viết ra giấy, và rồi nhiều năm sau câu trả lời có thể xuất hiện. Chắc chắn ta không bao giờ quên câu hỏi.

Tôi có hai nghề, và mối quan tâm, văn chương, trong đời từ khi trưởng thành, cả hai rõ ràng cần thiết cho tôi, mỗi việc có lẽ tăng giá trị của việc kia—viết và dịch. Và đây là một trong những khác biệt giữa chúng: trong việc dịch, đúng là ta viết, nhưng không chỉ viết—mà ta còn giải, hoặc cố gắng giải, một vấn đề nhất định không phải do ta tự tạo ra. Ta không thể lảng tránh vấn đề này, như ta có thể tránh né nó trong công việc viết lách của chính mình, và nó có thể ám ảnh ta về sau.

Do vậy, ta có hai lạc thú đầu tiên của dịch thuật: (1) lạc thú viết lách; và (2) lạc thú giải một câu đố.

(1) Trong việc dịch, ta hình thành những từ ngữ và câu chữ khiến ta hài lòng ít nhất ở một chừng mực nào đó và phần lớn mọi trường hợp. Ta có lạc thú làm việc với âm thanh, nhịp điệu, hình ảnh, cách tu từ, cách sắp xếp đoạn văn, phong thái, giọng điệu. Và—một khác biệt quan trọng—ta có lạc thú viết lách này bên trong hòn đảo của văn bản nhất định đó, bên trong khuôn viên riêng biệt của nó. Ta không buồn phiền vì nỗi khắc khoải rất khó chịu đó, nỗi khắc khoải phải sáng tạo, sự quyết tâm tự mình sáng tạo một tác phẩm, một tác phẩm có thể thành công mà cũng có thể thất bại, và thành công hay thất bại của tác phẩm đó thì không thể tiên đoán được.

(2) Trong việc dịch, tiếp đến, ta đồng thời luôn luôn giải một bài toán. Đó là bài toán từ ngữ, một bài toán độc đáo, phức tạp đòi hỏi không chỉ ngón nghề điêu luyện mà cả đôi chút nghệ thuật hoặc sự khéo léo trong lời giải. Thê nhưng bài toán này, bất luận phức tạp đến đâu, luôn giữ được phần nào sức hấp dẫn giống như những bài toán được đặt ra bởi những câu đố từ ngữ đơn giản hơn nhiều hoặc ít cần trí tuệ hơn nhiều—một ô chữ, một trò Jumble (sắp xếp chữ cái lộn xộn thành từ có nghĩa), một mật mã.

(3) Một lạc thú, hay sự tiện lợi, thứ ba là dịch thuật là loại công việc viết lách ta có thể làm không chỉ khi ta sảng khoái, đầy sinh lực, và đang ở trong tâm trạng tích cực, mà cả khi ta mệt mỏi, hoặc bực dọc, vì chính lý do là ta không chịu áp lực phải sáng tạo. Ta có thể làm tuần tự có phương pháp khi ta mệt mỏi. Ta có thể tham khảo từ điển và tìm những từ thay thế khi ta có tâm trạng không vui. Hoạt động này thậm chí có thể cải thiện tâm trạng của ta.

(4) Tiếp đến là lạc thú có bạn đồng hành chứ không phải đơn độc: khi ta dịch, ta phối hợp với tác giả; ta không đơn độc như khi ta viết tác phẩm của chính mình. Ta có cảm giác tác giả đang lảng vảng quanh ta, ta cảm nhận được sự liên minh với tác giả, và cảm thấy trung thành với tác giả, với tất cả những tính cách tốt và không tốt cho lắm của tác giả, bất luận tác giả có điên rồ hay khó khăn, nhưng đồng thời rộng lượng và vui tính, như Proust, hoặc dịu dàng với gia đình nhưng đồng thời hết sức khinh bỉ rất nhiều người và nhiều loại người, như Flaubert. Có lẽ ta bỏ qua những phẩm chất không đáng phục của tác giả để ngưỡng mộ thứ tác giả đã viết ra; hoặc cách ta phán xét tác giả bị kiềm chế do ta ‎ý thức được rằng ta có ít nhiều uy quyền đối với tác phẩm của tác giả—tôn vinh hay gây hại cho tác giả trong phạm vi bé nhỏ của dịch thuật.

(5) Có liên quan tới điều này là lạc thú thứ năm: trong chừng mực nào đó ta biến mất khỏi bản thân mình trong một thời gian ngắn, như ta vẫn vậy mỗi khi quá đắm mình trong một hoạt động nào đó. Ta bỏ rơi bản thân mình trong nhiều giờ liên tục, và đây không chỉ là một sự khuây khỏa mà còn là một cuộc phiêu lưu.

(6) Thế nhưng trong hoạt động này, ta cũng bước vào một con người khác—ta đang nói bằng lời của tác giả, một nghệ sĩ ngôn từ; ta đang viết điều tác giả đã viết. Ta trở thành một kiểu hình bóng, tạm thời không có thực. Nhưng như vậy là yên ả.

Ta tạo được khả năng, nếu trước đây ta không có khả năng này, để cùng lúc vừa là chính ta vừa là một, hoặc nhiều người khác.

Một số dịch giả tập trung vào một tác giả: có thể nghĩ ngay tới những dịch giả nổi tiếng, hoặc không nổi tiếng lắm—Ann Goldstein tập trung vào Elena Ferrante; Rosmarie Waldrop tập trung vào Edmond Jabès; Don Bartlett tập trung vào Karl Ove Knausgaard; Michael Hofmann tập trung vào, lần lượt, Joseph Roth và Peter Stamm, với những lúc có dịch Franz Kafka, Hans Fallada, và nhiều người khác; tôi, mỗi lần vài năm, tập trung vào Maurice Blanchot, Pierre Jean Jouve, Michel Leiris, gần đây là vào nhà văn người Hà Lan A .L. Snijders, và rải rác có dịch một số tác giả khác. Có những dịch giả luôn dịch một tác giả khác, nên đồng cảm với nhiều người liên tiếp nhau.

(7) Ta cũng bước hẳn vào một nền văn hóa khác trong những thời gian có thể dài hoặc có thể ngắn. Dịch thuật là một kiểu rất đắm mình của việc ngồi nhà mà chu du thế giới—toàn bộ những suy nghĩ của ta đắm chìm trong văn hóa của chẳng hạn như Normandy trong những năm 1830; hay trong xã hội thượng lưu Paris vào đầu thế kỷ hai mươi. Bartlett, giống như Knausgaard, nghiên cứu văn chương một thời gian ở thị trấn Bergen trong vùng Hanse thuộc Na Uy, hoặc, trước đó, giấu số bia quý giá của mình vào đêm giao thừa đằng sau một đống tuyết; Rachel Careau, giống như tác giả Roger Lewinter kỳ dị và không thể bắt chước được, có một phát hiện kỳ bí tại một chợ trời ở Geneva hoặc quan sát kỹ một con nhện (Thụy Sỹ); Susan Bernofsky, giống như Robert Walser, lên đỉnh núi ở ẩn và viết bằng chữ than chì nhỏ tới nỗi bị xem là vô nghĩa. Ta đang chu du, và ta đang, tất yếu, luôn học hỏi—và ta có sự kích thích của cả hai.

(8) Ta không chỉ bước vào nền văn hóa khác đó, mà trong chừng mực nào đó ở lại bên trong nền văn hóa đó khi ta quay trở lại nền văn hóa của chính ta, để rồi ngay cả trong đời sống của ta ở Mỹ, những thứ ta trải nghiệm có thể bật ra với ta bằng tiếng Pháp: ta có thể mở một hộp pois chiches [đậu chickpeas] để bỏ vào món salad ăn trưa, hoặc ta thấy nai brouter [gặm cỏ] ở cánh đồng gần nhà; ta thấy tủ của mình quá exigu [chật], hoặc hoàng hôn buông xuống và thời điểm đó trong ngày với ta dường như là entre chien et loup [nghĩa đen: giữa chó và chó sói; nghĩa thành ngữ: lúc chập choạng, lúc chạng vạng]. Tại hội chợ địa phương, ta nghĩ rằng có lẽ người nông dân này, trước khi bước tới các gian hàng trưng bày, sẽ buộc các góc khăn tay của mình rồi đặt lên đầu, để che nắng.

(9) Do thường bước ra khỏi nó, hoặc có nhiều tuần bên ngoài nó, ta có góc nhìn rõ hơn về chính nền văn hóa gốc của chính mình, với lịch sử cụ thể của nó. Ta luôn ở trong nó và thuộc về nó, nhưng ta không xem nó là chuyện đương nhiên. Ta đề cao tính riêng biệt của bất kỳ nền văn hóa nào, nhưng ta cũng để ‎ý— ta hy vọng là không thành kiến—mặt ưu việt của mỗi nền văn hóa: nền văn hóa của chính ta có thể không ưu việt về mọi khía cạnh. Ta cũng thích hình dung xem người Pháp thích gì về quê hương ta: nếu tôi thích những quy tắc hành xử đôi khi cứng nhắc của họ, thì họ có thể thích sự xuề xòa nhiều hơn và không bị kiềm chế của chúng ta. Tôi thích cái ấn tượng tôi có được ở nước Pháp là mỗi mẫu đất, thậm chí mỗi mét vuông, đều được coi trọng và sử dụng; họ có lẽ thích cảnh mênh mông, tính vô tư, của miền Tây và miền Trung Tây [nước Mỹ]. Tôi thích lịch sử có từ rất xưa của mỗi vùng định cư ở Pháp; họ có lẽ thích tuổi khá trẻ của đất nước chúng ta.

(10) Vì ta phải vận dụng các tài nguyên trong ngôn ngữ của chính ta cho đủ loại văn phong và cảm xúc như vậy, ta ngày càng hiểu biết hơn về ngôn ngữ của ta và các tài nguyên của nó khi ta làm việc [dịch]—hết tác giả này tới tác giả khác, hết sách này tới sách khác, từ năm này qua năm khác, từ thập niên tới thập niên khác. Công việc dịch liên tục giúp dung dưỡng công việc viết của tôi nhờ, ngoài nhiều tác động khác, làm giàu vốn tiếng Anh của tôi và phát triển các năng lực của tôi bằng tiếng Anh. Hết vấn đề này tới vấn đề khác tự nảy sinh, trong khi dịch, bắt buộc tôi phải ngày càng khéo léo hơn trong tiếng mẹ đẻ của mình; làm việc trong những giới hạn này bắt buộc tôi phải có năng lực hơn.

Tôi không hẳn là người yêu tiếng Pháp như kiểu một số dịch giả tiếng Pháp. Tiếng mẹ đẻ của tôi luôn là chính yếu đối với tôi, tình yêu đầu tiên và lớn nhất của tôi trong các ngôn ngữ: tôi tiếp tục đam mê sự phong phú và phạm vi của từ vựng tiếng Anh, tính linh hoạt và mềm dẻo của nó, từ ngữ gốc Latin chính thống, trừu tượng song song với từ ngữ Anglo-Saxon thẳng thừng, thân mật, cụ thể; tôi mong chờ từ lạ bất ngờ chắc chắn sẽ xuất hiện để khiến tôi ngạc nhiên.

(11) Và đối với những dịch giả cũng viết tác phẩm của chính mình, đây là một lạc thú lớn lao khác, cũng như một khác biệt lớn so với việc viết lách của chính mình và là một bổ sung hữu hiệu cho nó: cũng như ta có thể bước vào một người khác và nói bằng giọng của người đó, ta cũng không còn bị bó buộc, với tư cách người viết, chỉ viết bằng văn phong của mình và với cảm xúc của chính mình, mà ta có thể viết bằng văn phong của Proust, chẳng hạn, với những hình tháp cú pháp trau chuốt tỉ mỉ của ông, và rồi, vài năm sau, bằng văn phong của Flaubert, với những mệnh đề cô đọng và sở thích dùng dấu chấm phẩy. Ta đồng thời khoác lên mình, tạm thời, cảm xúc của tác giả gốc: chân dung thân thương của Proust về người bà trong Swann’s Way [bản tiếng Việt: Bên phía nhà Swann. Người dịch: Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Dương Tường & Đặng Anh Đào, NXB Văn học 2013] trở thành chân dung thân thương của chính tôi, bằng câu chữ kiểu Proust. Giây phút trắc ẩn của Flaubert đối với Emma sắp chết trở thành lòng trắc ẩn của chính tôi, bằng tiếng Anh, dù riêng phần mình tôi có thể thương cảm hơn cho nhân vật Charles thường bị chê cười, lặng lẽ từ giã cõi đời trong ánh nắng, trên ghế băng trong vườn, khi ông được gọi vào ăn trưa.

Hiện tượng này, nhập vào văn phong của một người viết khác, mang lại cho ta sự tự do và niềm vui lớn lao, với tư cách một người viết. Ta là nghệ sĩ ngôn từ và một con tắc kè hoa. Và tuy ta tuân thủ với văn phong của người khác này, ta cũng có thể phản ứng, một cách tích cực, với nó: chính trong lúc dịch, với lạc thú lớn lao, những câu rất dài và triệt tiêu sự khéo léo của Proust mà tôi đã bắt đầu, theo chiều hướng ngược lại, viết chính những truyện ngắn nhất mà tôi có thể sáng tác.

***

Một quan sát cuối cùng sẽ không mô tả lạc thú thứ mười hai, nhưng có lẽ là cái phúc trong “họa” dịch thuật. Một nỗi bực mình trong dịch thuật là sự kiềm chế mà ta phải thể hiện, phải trung thành với văn bản và giải bài toán này, phải tránh chuyển sang văn phong của chính ta hoặc, tệ hơn nữa, diễn đạt ý của chính ta. Và thường không có cái tương đương chính xác với bản gốc, hoặc nếu có chăng nữa, nó vụng về, hoặc không tự nhiên, và không thể dùng được; dịch thuật vĩnh viễn là sự thỏa hiệp. Ta đành chấp nhận bản dịch tốt nhất ta có thể làm được chứ không phải đạt sự toàn mỹ, dù thỉnh thoảng có lời giải hoàn hảo. Ngay cả một điều đơn giản như một từ duy nhất cũng sẽ chẳng bao giờ tìm được cái tương đương hoàn hảo; từ maison [nhà] trong tiếng Pháp, với vô vàn liên tưởng của nó, không thực sự giống như từ “house” trong tiếng Anh, với những liên tưởng của nó.

Nhưng tôi có thuyết rằng, ít nhất trong trường hợp của tôi, mà cũng có thể cho những người khác, nỗi bực dọc về sự thỏa hiệp triền miên này có thể tạo ra năng lượng dồn nén mà về sau được giải phóng trong địa hạt tương đối tự do của công việc viết lách của riêng ta. Có lẽ toàn bộ sự phong phú của ngôn ngữ và sự đa dạng của cú pháp mà ta không thể dùng trong dịch thuật sẽ tuôn trào trong văn của chính ta, hoặc nếu đó không chính xác là những gì tuôn trào, chắc chắn áng văn mới của chính ta được kích thích, hoặc châm ngòi, bởi sự giải phóng [năng lượng] này.

Người Pháp, ít nhất là trong các hình thức bề ngoài của họ, cực kỳ lịch thiệp—và các hình thức bề ngoài có thể là một yếu tố quan trọng trong hòa hợp các mối quan hệ con người. Người Pháp có một kiểu chào hỏi hoặc lời chúc tử tế cho mọi tình huống trong một ngày bình thường. Lúc đang cùng với bạn ngồi ăn sandwich cạnh bờ sông, tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người lạ, dạo ngang trong nắng vàng giữa chúng tôi và mặt nước, nói với chúng tôi, với vẻ lịch sự đơn giản: Bon appétit! (Chúc ngon miệng!) Lúc đó, chúng tôi càng nhận thấy rõ rằng, trong cả ngày, người ta nói bon này bon nọ—bonjourbon après-midibonne soiréebonne nuit, bonne chancebonne fin de séjour, và bon voyage. Một từ bon mà chúng tôi trước đó đã không để ý là thỉnh thoảng thốt ra từ miệng một người bồi bàn khi anh dọn ra món tiếp theo: bonne continuation! (Chúc tiếp tục [ăn] vui vẻ!) Và do vậy tôi sẽ kết thúc danh mục các lạc thú của tôi bằng cách nói với các đồng nghiệp dịch giả của tôi, và với tất cả những người trong chúng ta nói chung, hy vọng hấp thu và giữ được sự lịch thiệp của người Pháp: bonne continuation!

Nguồn: Lydia Davis, Eleven Pleasures of Translating, The New York Review of Books, 8-12-2016.

1 thought on “Mười một lạc thú của dịch thuật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *