Huyền thoại về ngày tàn của nước Mỹ (Phần 1)

Chưa phai tàn

Phản biện huyền thoại về sự suy tàn của Mỹ

Robert Kagan, Tạp chí The New Republic, 2/2/2012

Robert Kagan là nghiên cứu viên cao cấp về chính sách đối ngoại ở Brookings Institution, và bình luận viên cho báo The Washington Post. Một phiên bản của tiểu luận này sẽ in trong cuốn sách mới của ông, The World America Made (Thế giới mà nước Mỹ tạo ra), sẽ được nhà Knopf xuất bản vào tháng này. Việc ấn hành tiểu luận này được sự hỗ trợ của Quỹ Phân tích Chính sách Hertog/Simon. Bài báo này đăng trong số ngày 2 tháng 2 năm 2012 của tạp chí The New Republic.

I.

Phải chăng Mỹ đang suy tàn, như quá nhiều người tin hiện nay? Hay liệu có phải người Mỹ có nguy cơ nhanh nhảu tự kết liễu vị thế siêu cường quốc vì nỗi lo sợ huyễn hoặc về sức mạnh đang suy giảm của mình? Rất nhiều điều tùy thuộc vào câu trả lời cho những câu hỏi này. Trật tự thế giới hiện nay – với đặc trưng là số lượng nhiều chưa từng thấy các quốc gia dân chủ; thậm chí với cuộc khủng hoảng hiện nay, thế giới ngày nay thịnh vượng nhất trong lịch sử; và các đại cường quốc hòa bình với nhau trong thời gian dài – phản ánh những nguyên tắc và sở thích của Mỹ, và được xây dựng và duy trì bằng sức mạnh của Mỹ trong tất cả các khía cạnh chính trị, kinh tế, và quân sự. Nếu sức mạnh Mỹ suy tàn, trật tự thế giới này sẽ suy tàn theo nó. Trật tự này sẽ bị thay thế bằng một kiểu trật tự khác nào đó, phản ánh những ước muốn và những phẩm chất của những cường quốc thế giới khác. Hay có lẽ trật tự này chỉ đơn thuần sụp đổ, như trật tự thế giới của Châu Âu đã sụp đổ trong nửa đầu của thế kỷ 20. 

Nhiều người tin rằng ngay cả khi sức mạnh Mỹ suy giảm, “những nền tảng cơ sở của trật tự quốc tế tự do sẽ trường tồn”, như nhà chính trị học G. John Ikenberry nhận định; niềm tin đó quả là một ảo tưởng thú vị. Sự suy tàn của Mỹ, nếu có thực, sẽ đồng nghĩa với một thế giới khác cho tất cả mọi người.

Nhưng thực hư ra sao? Phần lớn những bình luận về sự suy tàn của Mỹ hiện nay dựa trên phân tích sơ sài, trên những cảm tưởng cho rằng Mỹ đã lạc lối, rằng Mỹ đã từ bỏ những đức tính giúp họ thành công trong quá khứ, rằng Mỹ thiếu ý chí giải quyết những vấn đề họ đang đối mặt. Người Mỹ nhìn những quốc gia khác có nền kinh tế hiện nay ổn định hơn kinh tế Mỹ, và dường như có tính năng động mà nước Mỹ từng có, và họ ta thán rằng “trước đây chúng ta cũng vậy”, như trong tựa đề cuốn sách mới nhất của Thomas Friedman, “That Used To Be Us.”

Cảm nghĩ suy tàn hiện này đương nhiên dễ hiểu, với tình hình kinh tế ảm đạm từ năm 2008 và những khoản thâm hụt tài khóa lớn của Mỹ mà nếu kết hợp với mức tăng trưởng liên tục của Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và các nền kinh tế khác thì dường như báo trước một sự dịch chuyển quan trọng và không thể đảo ngược của sức mạnh kinh tế toàn cầu. Tâm lý bi quan này một phần cũng là do niềm tin cho rằng Mỹ đã thất sủng, và do vậy đánh mất tầm ảnh hưởng, ở nhiều nơi trên thế giới, do những phản ứng khác nhau của Mỹ đối với những vụ khủng bố 11/9. Những nhà tù ở Guantánamo, việc tra tấn những kẻ bị tình nghi khủng bố, và cuộc xâm lược Iraq hồi năm 2003 bị nhiều nước lên án, tất thảy đều làm hoen ố “nhãn hiệu” Mỹ và làm suy suyển “sức mạnh mềm” của nước Mỹ – tức là khả năng thuyết phục những nước khác chú ý đến quan điểm của Mỹ. Nước Mỹ đã tham gia những cuộc chiến gian truân ở Iraq và Afghanistan, mà nhiều người nhận định đã chứng tỏ những hạn chế về sức mạnh quân sự, khiến Mỹ oằn mình gồng gánh gánh nặng quá sức của mình, và làm suy yếu rường cột quốc gia. Có người so sánh Mỹ với Đế chế Anh vào cuối thế kỷ 19, với những cuộc chiến khó khăn ở Iraq và Afghanistan tương đương như Chiến tranh Boer gian truân và làm nản lòng quốc gia của Anh.

Trong bối cảnh nhiều người cảm nhận về ngày tàn của nước Mỹ, mỗi thất bại của Mỹ trong việc gây ảnh hưởng trên thế giới thường khẳng định ấn tượng này. Người Ả rập và người Israel không chịu giảng hòa với nhau, mặc cho người Mỹ nhiều lần khẩn nài. Iran và Bắc Triều Tiên coi thường những yêu sách của Mỹ đòi hai nước này ngừng các chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Trung Quốc không chịu để cho đồng nhân dân tệ lên giá. Tình hình biến động ở thế giới Ả rập xoay chuyển vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Mỹ. Dường như mỗi ngày lại có thêm bằng chứng cho thấy đã qua rồi cái thời Mỹ có thể dẫn dắt thế giới và buộc các nước khác làm theo chỉ đạo của mình.

Tuy nhiên, bất kể cảm tưởng về ngày tàn của nước Mỹ có mạnh đến đâu, cảm tưởng đó đáng được suy xét thấu đáo hơn. Đo lường những thay đổi về sức mạnh tương đối của một quốc gia là điều khó, nhưng có một số chỉ số cơ bản: quy mô và ảnh hưởng của nền kinh tế nước đó so với nền kinh tế của những cường quốc khác; tầm cỡ của sức mạnh quân sự so với những kẻ thù khả dĩ; mức độ ảnh hưởng chính trị mà nước đó tạo được trong hệ thống quốc tế – tất cả những điều đó làm nên điều mà người Trung Quốc gọi là “sức mạnh quốc gia toàn diện”. Rồi còn chuyện thời gian nữa. Nếu phán xét chỉ dựa vào bằng chứng của một vài năm thì chưa ổn. Sự suy tàn của một đại cường quốc là sản phẩm của những thay đổi căn bản về sự phân phối quốc tế của nhiều hình thức sức mạnh khác nhau, mà những thay đổi đó thường xảy ra trong những quãng thời gian dài. Những đại cường quốc hiếm khi đột ngột suy tàn. Một cuộc chiến tranh có thể khiến họ sụp đổ, nhưng ngay cả điều đó thường là một triệu chứng, và là cực điểm, của một quá trình lâu dài hơn.

Ví dụ, sự suy tàn của Đế chế Anh diễn ra trong mấy chục năm. Năm 1870, người Anh chiếm hơn 30 phần trăm sản xuất công nghiệp toàn cầu. Năm 1900, tỉ phần đó là 20 phần trăm. Đến năm 1910 là dưới 15 phần trăm – thấp hơn nhiều so với Mỹ đang vươn lên với tỉ phần tăng từ hơn 20 phần trăm lên đến hơn 25 phần trăm trong cùng thời kỳ; và cũng ít hơn Đức, vốn tụt hậu khá xa so với Anh trong suốt thế kỷ 19 nhưng đã bắt kịp và qua mặt Anh trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 20. Trong cùng thời kỳ đó, hải quân Anh đi từ vị thế thống lĩnh vô song của các vùng biển đến chỗ phải chia sẻ quyền kiểm soát các đại dương với những cường quốc hải quân đang vươn lên. Năm 1883, Anh có nhiều tàu chiến hơn tất cả các cường quốc khác cộng lại. Đến năm 1897, sự thống lĩnh của Anh đã suy giảm. Giới chức Anh nhận định hải quân của mình “hoàn toàn thua xa” Mỹ ở Tây bán cầu, Nhật ở Đông Á, và sức mạnh hải quân của Nga và Pháp cộng lại ngay tại Châu Âu – và đó là trước khi có sự lớn mạnh đầy hăm dọa của hải quân Đức. Đây là những trường hợp suy tàn rõ rệt, có thể đo lường được và diễn ra từ từ của hai trong số những thước đo quan trọng nhất về sức mạnh trong quá trình nửa thế kỷ.

MỘT SỐ LẬP LUẬN hiện nay về sự suy tàn tương đối của nước Mỹ sẽ có tính thuyết phục hơn nếu đã không xuất hiện ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cũng như một con én không làm nên mùa xuân, một đợt suy thoái, hay thậm chí một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, không nhất thiết đồng nghĩa với việc khởi đầu của sự kết liễu một đại cường quốc. Mỹ đã chịu những cuộc khủng hoảng nặng nề và kéo dài trong những thập niên 1890, 1930, và 1970. Mỗi lần như thế, nước Mỹ hồi phục trong thập niên tiếp theo và thực sự lại đạt đến vị thế mạnh hơn so với các cường quốc khác hơn trước thời khủng hoảng. Những thập niên 1910, 1940, và 1980 đều là những cao điểm của sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu.

Cách đây chưa đầy mười năm, phần lớn giới quan sát không phải bàn về sự suy tàn của Mỹ mà là về thế độc tôn bền bỉ của Mỹ. Năm 2002, sử gia Paul Kennedy, người đã viết vào cuối thập niên 1980 một cuốn sách được bàn luận nhiều về “sự hưng thịnh và suy vong của những đại cường quốc” trong đó có Mỹ, đã tuyên bố rằng trong lịch sử chưa bao giờ có “sự chênh lệch sức mạnh” lớn như vậy giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Ikenberry đồng ý rằng “không có đại cường quốc nào khác” đã có “những ưu thế đáng nể như vậy về năng lực quân sự, kinh tế, công nghệ, văn hóa, hay chính trị … Sự vượt trội của sức mạnh Mỹ” là “vô tiền khoáng hậu”. Năm 2004, nhà bình luận Fareed Zakaria nhận định Mỹ đang tận hưởng “thế đơn cực (uni-polarity) toàn diện” chưa từng thấy kể từ thời La Mã. Nhưng chỉ bốn năm sau Zakaria lại viết về “thế giới hậu Mỹ” và “sự vươn lên của phần còn lại [của thế giới]”, còn Kennedy thuyết giảng về sự suy tàn tất yếu của nước Mỹ. Chẳng lẽ những yếu tố căn bản của sức mạnh tương đối của nước Mỹ lại thay đổi quá lớn như vậy chỉ trong vài năm ngắn ngủi?

Câu trả lời là không. Ta hãy bắt đầu bằng những chỉ số cơ bản. Về kinh tế, và thậm chí bất chấp những năm suy thoái và tăng trưởng chậm hiện thời, vị thế của Mỹ trên thế giới chưa thay đổi. Tỉ phần của Mỹ trong GDP thế giới vẫn ổn định đáng kể, không chỉ trong thập niên vừa qua mà cả trong bốn thập niên qua. Năm 1969, Mỹ sản xuất khoảng một phần tư sản lượng kinh tế của thế giới. Ngay nay tỉ phần đó vẫn là khoảng một phần tư, và Mỹ vẫn giữ vị trí nền kinh tế không chỉ lớn nhất mà còn giàu nhất thế giới. Cũng hợp lý khi thiên hạ bị mê hoặc bởi sự vươn lên của Trung Quốc, Ấn Độ, và những nước Châu Á khác với tỉ phần sản lượng kinh tế toàn cầu đã và đang tăng đều đặn, nhưng đến nay điều đó xảy ra gần như hoàn toàn chỉ thiệt hại cho Châu Âu và Nhật với tỉ phần giảm dần trong nền kinh tế thế giới.

Giới lạc quan về sự phát triển của Trung Quốc tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ để chiếm vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một thời điểm nào đó trong hai thập niên đến. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ đối mặt với một thách thức ngày càng lớn về vị thế kinh tế của mình trong tương lai. Nhưng chỉ riêng quy mô của một nền kinh tế tự than nó không phải là một thước đo chính xác về sức mạnh tổng quát trong hệ thống quốc tế. Nếu quả vậy, thì Trung Quốc vào đầu thế kỷ 19, với nền kinh tế lớn nhất thế giới lúc đó, đã là cường quốc thống lĩnh thế giới, chứ không phải là nạn nhân kiệt quệ phủ phục trước những nước Châu Âu nhỏ hơn. Cho dù Trung Quốc có thực sự vươn lên đỉnh cao này một lần nữa – và giới lãnh đạo Trung Quốc đối mặt với những chướng ngại vật lớn lao trong việc duy trì mãi mãi mức tăng trưởng của đất nước – Trung Quốc sẽ vẫn còn tụt hậu khá xa so với cả Mỹ và Châu Âu về GDP bình quân đầu người.

Năng lực quân sự cũng quan trọng, như Trung Quốc vào thế kỷ 19 đã hiểu và giới lãnh đạo Trung Quốc ngày nay biết. Như Diêm Học Thông (Yan Xuetong) nhận định gần đây, “sức mạnh quân sự là nền tảng cho bá quyền”. Về mặt này, Mỹ vẫn không ai sánh bằng. Mỹ chắc chắn là quốc gia hùng mạnh nhất mà thế giới từng biết, và năng lực quân sự tương đối của Mỹ không suy tàn – ít nhất là chưa. Người Mỹ hiện nay chi tiêu chưa đến 600 tỉ đô-la mỗi năm cho quốc phòng, nhiều hơn những đại cường quốc khác cộng lại. (Con số này chưa tính đến việc đưa quân sang Iraq, mà hoạt động này đang kết thúc, hay các lực lượng tham chiến ở Afghanistan, mà có thể giảm từ từ trong vài năm đến.) Ngoài ra, chi tiêu quốc phòng đó ở mức xấp xỉ 4 phần trăm GDP hàng năm – tỉ lệ cao hơn những đại cường quốc khác, nhưng xét về lịch sử thì thấp hơn tỉ lệ 10 phần trăm GDP mà Mỹ chi tiêu cho quốc phòng vào giữa thập niên 1950 và 7 phần trăm vào cuối thập niên 1980. Những khoản chi tiêu cao hơn chưa đánh giá đúng tính ưu việt thực sự của Mỹ về năng lực quân sự. Các lực lượng trên bộ và trên không của Mỹ được trang bị vũ khí tối tân nhất và dày dạn kinh nghiệm nhất về tham chiến thực sự. Họ có thể đánh bại bất kỳ đối thủ nào trong một trận đánh đối đầu. Sức mạnh hải quân Mỹ vẫn chiếm ưu thế vượt trội ở mọi khu vực trên thế giới.

Theo những thước đo quân sự và kinh tế này, Mỹ ngày nay ít ra cũng chẳng giống gì với nước Anh khoảng năm 1900, khi sự suy tàn tương đối của đế chế đó bắt đầu lộ rõ. Nước Mỹ ngày nay giống với nước Anh khoảng năm 1870 hơn, khi đế chế đó đang ở đỉnh cao sức mạnh. Có thể tưởng tượng ra một thời điểm khi mà điều này không còn đúng nữa, nhưng thời khắc đó hiện chưa đến.

NHƯNG CÒN “sự vươn lên của phần còn lại [của thế giới]” – tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, và Thổ Nhĩ Kỳ – thì sao? Chẳng phải điều đó giảm bớt sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ hay sao? Câu trả lời là: còn tùy. Việc các quốc gia khác trên thế giới đang tận hưởng những thời kỳ tăng trưởng cao không có nghĩa là vị thế cường quốc thống lĩnh của Mỹ đang suy tàn, hay thậm chí nghĩa là “phần còn lại của thế giới” đang đuổi kịp về sức mạnh và ảnh hưởng tổng quát. Tỉ phần của Brazil trong GDP toàn cầu chỉ hơn 2 phần trăm vào năm 1990 và hiện nay vẫn chỉ ở mức hơn 2 phần trăm. Tỉ phần của Thổ Nhĩ Kỳ là dưới 1 phần trăm vào năm và hiện nay vẫn ở mức dưới 1 phần trăm. Người ta, và đặc biệt là giới doanh nhân, hẳn nhiên phấn khích về những thị trường mới trỗi dậy này, nhưng chỉ vì một quốc gia là một cơ hội đầu tư hấp dẫn không có nghĩa là quốc gia đó là một đại cường quốc đang vươn lên. Của cải có ý nghĩa quan trọng trong chính trị quốc tế, nhưng không có mối tương quan đơn giản giữa tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng quốc tế. Chưa rõ là liệu một nước Ấn Độ ngày nay giàu có hơn gây ảnh hưởng trên trường quốc tế lớn hơn một nước Ấn Độ nghèo vào thập niên 1950 dưới thời Nehru, khi Ấn Độ là lãnh tụ của Phong trào Không Liên kết, hoặc liệu Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp tính độc lập và kiểu phô trương của Thủ tướng Recep Tayyip Erdoğan, có thực sự gây ảnh hưởng nhiều hơn cách đây một thập niên hay không.

Về tác động của những nền kinh tế đang lớn mạnh này đối với vị thế của Mỹ, điều đó tùy thuộc vào việc ai đang lớn mạnh. Vấn đề của Đế chế Anh vào đầu thế kỷ 20 không phải là sự suy tàn đáng kể của họ so với Mỹ, một cường quốc nhìn chung hữu hảo có những lợi ích không mâu thuẫn về căn bản với những lợi ích của Anh. Thậm chí ở Tây bán cầu, thương mại của Anh tăng lên khi họ nhường vị thế thống lĩnh cho Mỹ. Vấn đề là sự suy tàn của Anh so với Đức vốn muốn giành ưu thế trên lục địa Châu Âu, và tìm cách cạnh tranh với Anh trên biển cả, và ở cả hai khía cạnh này đều tỏ ra đe dọa an ninh cốt lõi của Anh. Trong trường hợp của Mỹ, sự vươn lên mạnh mẽ và nhanh chóng của kinh tế Đức và Nhật trong thời Chiến tranh Lạnh đã giảm thế độc tôn của Mỹ trên thế giới nhiều hơn “sự vươn lên của phần còn lại [của thế giới]” gần đây. Tỉ phần của Mỹ trong GDP thế giới từ mức gần 50 phần trăm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đã giảm xuống còn khoảng 25 phần trăm vào đầu thập niên 1970, và giữ nguyên ở mức ấy từ đó cho đến nay. Nhưng “sự vươn lên của phần còn lại” đã không làm suy yếu Mỹ. Thậm chí điều đó còn củng cố nước Mỹ. Đức và Nhật đã và đang là những đồng minh dân chủ thân thiết, những cột trụ chủ chốt của trật tự thế giới kiểu Mỹ. Sự tăng trưởng của nền kinh tế hai nước đó thực sự đã dịch chuyển một cách không thể đảo ngược cán cân theo hướng bất lợi cho khối Xô viết và góp phần làm sụp đổ khối đó.

Khi đo lường tác động của những kinh tế đang lớn mạnh của những nước khác hiện nay, ta phải làm những phép tính toán kiểu tương tự. Liệu sự tăng trưởng của kinh tế Brazil, hay của kinh tế Ấn Độ, có làm suy giảm sức mạnh toàn cầu của Mỹ hay không? Cả hai quốc gia này đều thân thiện, và Ấn Độ đang ngày càng là một đối tác chiến lược của Mỹ. Nếu đối thủ cạnh tranh tương lai của Mỹ trên thế giới có khả năng là Trung Quốc, thì một nước Ấn Độ giàu hơn và mạnh hơn sẽ là một thế mạnh, chứ không phải một tác hại, cho Mỹ. Nhìn chung, việc Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nam Phi đang tận hưởng thời kỳ tăng trưởng kinh tế – mà có thể hoặc không thể kéo dài mãi – hoặc chẳng can hệ gì đến hoặc chỉ có lợi cho vị thế chiến lược của Mỹ. Hiện tại, chỉ có sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể được xem là có tác động đến sức mạnh của Mỹ trong tương lai, và chỉ trong chừng mực mà người Trung Quốc biến đủ sức mạnh kinh tế đang gia tăng của họ thành sức mạnh quân sự.

(Còn tiếpPhần II      Phần cuối


Bản tiếng Anh: Not Fade Away, The New Republic, 2/2/2012. Toàn văn lấy từ trang của GS Trần Hữu Dũng.

Bản tiếng Việt © 2012 Phạm Vũ Lửa Hạ

9 thoughts on “Huyền thoại về ngày tàn của nước Mỹ (Phần 1)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *