Năm của những kẻ mị dân: Năm 2016 đã thay đổi dân chủ ra sao

Từ Brexit tới Donald Trump, năm nay đã chứng kiến sự mạnh mẽ cự tuyệt nguyên trạng

Lionel Barber

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Vào sáng ngày 21 tháng 6, hai ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ‎ý dân về Brexit [Vương quốc Liên hiệp Anh rời khỏi Liên hiệp Châu Âu], tôi gặp David Cameron [tại phủ thủ tướng] ở Downing Street. Trong cuộc nói chuyện 25 phút, thủ tướng đoan chắc với tôi rằng tình hình sẽ ổn vào tối ngày trưng cầu ý dân. Tôi không hoàn toàn tin lắm.

Giờ ngẫm lại mới thấy Brexit đặc trưng cho năm 2016. Đây là năm mà điều không tưởng lại trở nên khả dĩ, những người bên lề xâm lấn giới chủ lưu, và Donald Trump, một trùm tư bản bất động sản và người dẫn chương trình truyền hình, được đưa lên làm tổng tư lệnh nước Mỹ.

Trong cuốn hồi ký Present at the Creation (Hiện diện vào lúc tạo dựng, năm 1969), Dean Acheson, một cựu ngoại trưởng Mỹ, kể chuyện ông và “Những người thông thái” cùng thời của mình giúp Tổng thống Harry Truman xây dựng một trật tự mới theo chủ nghĩa tự do, dựa vào luật lệ sau Đệ nhị Thế chiến. Trật tự đó được thiết lập dựa vào các thể chế: Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới, và liên minh NATO.

Năm 2016, khi Trump chê NATO “lỗi thời” và cố vấn Newt Gingrich của ông mô tả Estonia là một ngoại ô của St Petersburg, đôi lúc ta có cảm tưởng như thể ta đang hiện diện ở thời khắc diệt vong.

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump (Ảnh: Getty Images)

Acheson tiêu biểu cho giới chính thống cây đa cây đề Bờ Đông nước Mỹ. Ông là một nhà ngoại giao, luật sư và học giả — một chuyên gia, nếu muốn thì gọi vậy cũng được. Năm nay, giới chính thống cây đa cây đề bị nện tơi tả, giới chuyên gia bị hạ nhục. Phần lớn giới này không tiên đoán được kết quả Brexit. Nhiều người trong họ tuyên bố rằng Trump không thể thắng cử. Michael Gove, một nhân vật hàng đầu trong giới chủ trương ủng hộ Brexit, nắm bắt được tâm trạng của công chúng: “Người dân ở đất nước này đã quá ngán các chuyên gia rồi.”

Brexit và chiến thắng của Trump đánh dấu một khoảnh khắc cách mạng. Không hẳn như năm 1789 hoặc 1989, nhưng chắc chắn là sự mạnh mẽ cự tuyệt nguyên trạng. Có người nhận thấy những âm hưởng của thập niên 1930, với Trump bị xem là một kẻ phát xít mới chớm.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: AFP/Getty Images)

Năm nay là một năm vượng phát cho những nhà độc tài Vladimir Putin ở Russia; Recep Tayyip Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ; Tập Cận Bình, nay được phong là lãnh tụ “cốt lõi” ở Trung Quốc. Năm nay lại càng vượng phát hơn cho những kẻ mị dân, những người mê hoặc đám đông và người khích động quần chúng biết khai thác cảm xúc và thành kiến. Trong năm của giới mị dân, nhiều người tranh giành vai chính: Nigel Farage, lãnh tụ Đảng Ukip lúc đó, cha đỡ đầu của Brexit và môn đệ của Trump; Rodrigo Duterte, một người mới lên cầm quyền hung tàn, người đã hứa tàn sát hàng triệu con nghiện ma túy để thanh lọc Philippines; và bản thân Trump, người thường ngạc nhiên về số lượng đông đảo của những đám đông ủng hộ ông.

Tuy nhiên so sánh với thập niên 1930 là khập khiễng về nhiều khía cạnh. Hiện nay chúng ta không hề trong tình cảnh giống như thời Đại Khủng hoảng. Nền kinh tế Mỹ đang gần đạt tới trạng thái toàn dụng lao động. Nền kinh tế Vương quốc Liên hiệp Anh trước Brexit có số lượng việc làm tăng hơn hai triệu kể từ năm 2010. Tín dụng đang được cấp và sử dụng suôn sẻ trong nền kinh tế. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên. Khổ nỗi nhiều bộ phân dân chúng, thường là những người sinh sống bên ngoài các đại đô thị, không cảm nhận được gì về sự hồi phục kinh tế này.

Các mức thu nhập thực ở Vương quốc Liên hiệp Anh đã không tăng trong thập niên qua. Ở Mỹ, năm ngoái 95 phần trăm gia đình vẫn có thu nhập thấp hơn thu nhập năm 2007, theo tổ chức nghiên cứu độc lập Economic Policy Institute (Viện Chính sách Kinh tế). Ở Châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực dùng đồng euro, nhất là ở các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý, vẫn cao. Thế nhưng, của cải của nhóm một phần trăm giàu nhất (“thiểu số có đặc quyền”, mượn lời của [thủ tướng Vương quốc Anh] Theresa May) đã tiếp tục tăng lên.

Một điều sâu sắc hơn đang diễn ra ở các nền dân chủ cao cấp. Các lực chi phối là văn hóa, kinh tế, xã hội, và chính trị, có phần chịu tác động của biến đổi công nghệ nhanh chóng. Trí tuệ nhân tạo, hiệu chỉnh gene, xe tự lái — tiến bộ về tất cả các công nghệ có tính đột phá này đã tăng tốc trong năm 2016. Mỗi công nghệ đều mang lại khả năng lớn lao cho con người (điện thoại thông minh đã giúp cho ai cũng có tiếng nói) nhưng cũng có tính gây đảo lộn lớn lao (tác động của trí tuệ nhân tạo đối với việc làm chỉ mới bắt đầu được con người cảm nhận).

Nigel Farage, cựu lãnh tụ đảng UKIP (Ảnh: Getty Images)

Xét về khía cạnh chính trị, Brexit và chiến thắng của Trump làm nổi bật sự suy tàn của hệ thống đảng phái và sự cáo chung của sự phân hóa tả/hữu kiểu cũ. Phái trung tả dường như đã suy tàn tới mức diệt vong. Trong tháng 12, [tổng thống Pháp] François Hollande, với tỷ lệ ủng hộ đã giảm tới mức thấp nhất 4%, đã loại trừ khả năng tranh cử lần thứ nhì vào Điện Elysée. Jeremy Corbyn, lãnh tụ cực tả của Công Đảng đối lập [ở Vương quốc Anh], có nhiều điều để phát biểu về việc Fidel Castro qua đời hơn về chuyện Vương quốc Anh rời khỏi EU. Matteo Renzi, nhà cải cách trung tả ở Ý, thua tơi tả trong cuộc trưng cầu ý dân của chính ông về cải tổ hiến pháp và lập tức từ chức.

Phái trung hữu Bảo thủ hoặc Dân chủ Cơ đốc giáo khá hơn nhưng vẫn chịu áp lực từ phái bên lề chống nhập cư, dân tộc chủ nghĩa, từ Áo tới Anh, Pháp, Đức, Hungary, Hà Lan, và ngày càng rõ ở Poland. Năm 2016, chúng ta chứng kiến sự ra đời của “Con đường thứ tư” — một kiểu chính trị mới hô hào thiên vị người bản xứ, bảo hộ và đắm mình trong nỗi hoài niệm văn hóa được thể hiện trong lời hứa của Trump “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Diễn biến thứ hai là tâm trạng vỡ mộng phổ biến ở các nền dân chủ phương tây về toàn cầu hóa, hiện tượng thời hậu chiến được đánh dấu bởi ba xu hướng: chủ trương giảm bớt quản lý điều tiết của nhà nước Thập niên 1980 Bùng nổ kinh tế trong thời đại Reagan-Thatcher; thỏa thuận Vòng Đàm phán Uruguay 1994 về tự do hóa thương mại toàn cầu; và việc mở cửa nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc. Việc bãi bỏ có tính tiến bộ các biện pháp kiểm soát tư bản, hàng hóa, dịch vụ và lao động, mà tiêu biểu là việc khởi xướng thị trường chung Châu Âu và đồng tiền chung, đạt tới thời cực thịnh vào mùa hè năm 2007. Năm 2016, chúng ta rốt cuộc thấy rằng thời kỳ này — tạm gọi nó là Toàn cầu hóa 2.0 — đã kết thúc.

Thương mại tự do trở thành vấn đề ngày càng khó thu phục nhân tâm của công chúng lo ngại về công ăn việc làm ổn định và nguy cơ cạnh tranh từ các nước đang phát triển. Trump phản đối hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ và 11 nước trong khu vực Vành đai Thái Bình Dương, và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico. Hillary Clinton, từng là người ủng hộ thương mại tự do, xuống nước. Không ai phản biện rằng người tiêu dùng Mỹ, trong đó có nhiều cử tri ủng hộ Trump, mua hàng hóa rẻ ở Target và Walmart nhờ các chuỗi cung ứng toàn cầu hữu hiệu và lao động rẻ ở các nước đang phát triển. Thái độ chống thương mại tự do là chiêu giành được phiếu. Chỉ nhờ những vận động tranh đấu phút chót với chính quyền vùng Walloon ở Bỉ mới cứu vãn được hiệp định thương mại Canada-EU (CETA) đã chuẩn bị trong 7 năm trời.

Việc tự do di chuyển cũng bị nghi vấn. Châu Âu đương đầu với nạn nhập cư hàng loạt ở quy mô chưa từng thấy kể từ cuối thập niên 1940. Năm 2016, dòng người tị nạn từ Trung Đông và bắc Phi được chặn ở một đầu nhờ một thỏa thuận do Đức làm trung gian dàn xếp với Thổ Nhĩ Kỹ nhưng có số người kỷ lục đi (và chết đuối) trên tuyến đường đầy hiểm nguy từ miền trung Địa Trung Hải tới Ý. Những vụ tấn công khủng bố, nhất là ở Pháp, làm tăng tâm trạng bất an của công chúng về dân nhập cư. Người ta có cảm giác chính phủ các nước coi như mất kiểm soát, về biên giới quốc gia và bản sắc dân tộc.

Điều này giải thích sức hút của lời hứa của Trump xây một bức tường “đẹp” dọc biên giới với Mexico, và phát biểu giễu cợt của Theresa May [tại đại hội Đảng Bảo thủ hôm 5-10-2016] về vấn đề đa văn hóa chỉ nhằm vừa lòng thiên hạ: “Nếu bạn là tin rằng bạn là công dân của thế giới, bạn là công dân chẳng của xứ nào cả.” Giới trung thành với Đảng Bảo thủ ở Birmingham hôm đó hò reo hưởng ứng, nhưng thành phố đại đồng London, nơi có hàng trăm ngàn “người ngoại quốc”, trong đó có Mark Carney, thống đốc người Canada của Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh, chẳng thấy có gì vui.

Cuộc trưng cầu ‎ý dân về Brexit bộc lộ một khoảng cách kinh tế giữa người thắng và kẻ thua của toàn cầu hóa; nhưng cũng bộc lộ một sự phân hóa văn hóa giữa những người yên tâm với tốc độ thay đổi, từ công nghệ tới vấn đề hôn nhân đồng tính, và những người muốn đồng hồ chạy chậm lại và tái khám phá cội nguồn của họ về sắc tộc, tôn giáo hoặc quốc tịch.

Khẩu hiệu của phe Rời Bỏ trong chiến dịch Brexit, “Chiếm lại quyền kiểm soát”, đơn giản và vô cùng hữu hiệu với nhiều tầng lớp và thế hệ khác nhau. Giới theo chủ nghĩa hợp hiến thích ý tưởng giành lại quyền tối thượng từ các thể chế Châu Âu. Tất cả mọi người thích ý tưởng lấy lại ngân sách từ Brussels và phân bổ các khoản tiết kiệm đó cho Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS). Ngăn chặn nhập cư là một chủ trương giành được phiếu. Bất kể những tuyên bố và yêu sách đó hết sức gây mê muội (các tuyên bố của phe Ở Lại về thảm họa kinh tế nhãn tiền nếu kết quả bỏ phiếu chọn rời khỏi EU cũng vậy). Trong suốt năm qua, sự thật là những khái niệm mềm dẻo.

Trong năm 2016, thế giới thức tỉnh trước “tin tức giả”, được cổ xúy bởi những nhà hoạt động chính trị và bởi cả, ngày càng nhiều, nhà nước và những đại diện của họ. CIA cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ tiết lộ email của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, một nỗ lực trắng trợn đáng ngạc nhiên nhằm phá rối một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trump gọi những tuyên bố đó là lố bịch, và giới ủng hộ ông cũng nghĩ vậy. Trong suốt chu kỳ chính trị này, nhiều người dường như sống trong một vũ trụ song song nơi mà sự thật hoàn toàn chịu khuất phục trước quan điểm.

Scottie Nell Hughes, một người ủng hộ Trump và một nhà bình luận trên CNN, giải thích: “Thế nên một điều hết sức đáng xem trong toàn bộ chiến dịch bầu cử này là người ta nói sự thật là sự thật — chúng không hẳn là sự thật. Ai cũng có cách — kiểu như xem mức xếp hạng, hoặc nhìn ly nước còn một nửa. Ai cũng có cách lý giải chúng để là sự thật hay không phải sự thật. Thật không may là chẳng còn gì là sự thật nữa.”

Chào mừng bạn tới thế giới của chính trị bất chấp sự thật (post-truth politics), được đẩy mạnh bởi công nghệ như điện thoại thông minh. Chỉ cần một thiết bị cũng đủ để các cá nhân phát trực tiếp một phiên bản tin tức không bị lọc và các quan điểm (thường có tính thiên vị đảng phái rất cao) trên khắp Facebook, Google và Twitter. Trong cuộc bầu cử Mỹ, giới ký giả, từng có được mức độ tin tưởng là bộ lọc cuối cùng, bị la ó hoặc bị điểm mặt trên Twitter là “đáng ghê tởm” hoặc “nhu nhược”.

Ở Vương quốc Anh, cả hai phe Rời Bỏ và Ở Lại thường chỉ trích đài BBC, mà đã giữ thái độ trung lập. Timothy Garton Ash, sử gia ở Đại học Oxford, đã cảnh báo rất tiên tri về các rủi ro của “khuynh hướng công bằng”. Nguy là ở chỗ đài BBC, trong khi muốn giữ thái độ không thiên vị, sẽ không cung cấp thông tin cần thiết, nhất là về các vấn đề kinh tế phức tạp. Ông viết, “Ta phân bổ thời lượng lên sóng phát hình bình đẳng cho các lập luận không bình đẳng, mà không dám nói rằng, ở điểm này điểm nọ, một bên có nhiều bằng chứng hơn, hoặc có ý kiến chuyên gia hơn nhiều, so với bên kia.”

Chiến dịch tranh cử của Trump đặt ra cho “báo chí chủ lưu” một thách thức với một quy mô khác. Sự mị dân của ông ta phá vỡ mọi điều cấm kỵ trong sách vở, gọi người Mexico là “bọn hiếp dâm”, phớt lờ sự khác biệt người Hồi giáo truyền thống và những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan, và dọa bỏ tù đối thủ Đảng Dân chủ của mình.

Các đài truyền hình, nhất là đài Fox News của Rupert Murdoch, cho Trump lên sóng nhiều hơn các ứng cử viên khác. Les Moonves, chủ tịch tập đoàn CBS, nói đùa, “Điều đó có thể không tốt cho nước Mỹ, nhưng cực kỳ tốt cho đài CBS.”

Trump thắng cử bằng cách công kích Đảng Cộng hòa cũng kịch liệt như với đối thủ Đảng Dân chủ. Ông gần như chẳng tiêu tốn đồng nào tiền riêng của mình, chưa bằng một phần nhỏ trong nguồn tài chính của chiến dịch tranh cử của Clinton. Chiến thắng của ông là chiến thắng của thương hiệu.

Tuy nhiên Clinton là một ứng cử viên có quá nhiều nhược điểm vào lúc người Mỹ muốn có thay đổi — không phải là sự tiếp tục chính quyền Obama bằng những cách khác hoặc quay trở lại các triều đại Bush hay Clinton. Bà có tỷ lệ phản đối cao ngất, cũng như Trump. Bà không được mến mộ, không được tin tưởng, và bà hay lảng tránh. Không phải vô cớ mà “Hillary xảo trá”, kiểu viết trên Twitter đặc trưng của Trump, lại có sức hút.

Về khía cạnh này, quả là sai lầm nếu cho rằng một người ủng hộ Trump tiêu biểu là một người da trắng phẫn nộ chơi ma túy bằng thuốc giảm đau loại opioid ở bang West Virginia. Người có học vấn bầu cho Trump. Phụ nữ bầu cho Trump. Như Salena Zito viết trên tờ The Atlantic, giới ủng hộ Trump đề cao con người ông nhưng không để ý tới ngôn từ của ông. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa tự do, trong đó có báo chí, để ý tới ngôn từ của ông nhưng không đề cao con người ông. Điều này phớt lờ tác hại mà ông trùm tư bản này có thể đã gây ra cho lòng tin của công chúng đối với nền dân chủ Mỹ. Ông đã biến thảo luận xã hội bình tâm, không thiên vị trở thành thô lỗ. Ông tuyên bố rằng hệ thống chính trị thối nát. Ông thậm chí gieo rắc nghi ngờ về tính chính danh của cuộc bầu cử không chỉ một mà tới hai lần, không chịu khẳng định ông có chấp nhận kết quả hay không nếu thua.

Cuối xuân 2016, tôi tới Houston, Texas, để dùng bữa trưa với James Baker, một cựu bộ trưởng tài chính, ngoại trưởng và chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc dưới thời Ronald Reagan và George Bush cha. Tôi hỏi ông liệu nước Mỹ có thể sống sót qua một chính quyền Trump. Ông Baker đáp, “Chúng tôi là một nước của pháp luật, bị hạn chế bởi bộ máy hành chính. Tổng thống không phải là người cai trị đơn phương.”

Lòng tin này vào quyền lực của các thể chế dân chủ sẽ được thử thách trong những tháng sắp tới. Trump muốn phá bỏ di sản của Obama và giải phóng tâm lý lạc quan tự nhiên ngây thơ (animal spirits) của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Phản ứng ban đầu của thị trường chứng khoán gần như quá hân hoan. Chính sách đối ngoại là rủi ro lớn hơn. Trump muốn theo đuổi chính sách đối ngoại Nước Mỹ Trên Hết, tái đàm phán các hiệp định thương mại và buộc các đồng minh đóng góp tài chính nhiều hơn cho việc phòng thủ tập thể của họ. Thế giới của ông ta chỉ quan tâm tới tiền bạc, chứ không phải các giá trị: nước Mỹ siêu cường quốc ích kỷ, như Robert Kagan đã mô tả.

Marine Le Pen, chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc, có nhiều cơ hội trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 (Ảnh: AFP/Getty Images)

Chiến thắng của Trump tiếp sức cho những kẻ mị dân đang muốn lên cầm quyền trong năm 2017, nhất là Marine Le Pen, người gần như chắc chắn sẽ lọt tới vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Một chiến thắng cho bà Le Pen cộng với Brexit chắc chắn sẽ báo hiệu sự cáo chung của Liên hiệp Châu Âu. Bầu cử ở Hà Lan cũng có thể báo hiệu sự dịch chuyển sang cánh hữu. Ngay cả ở Đức, Angela Merkel, tranh cử nhiệm kỳ thứ tư, cũng gặp thách thức từ phái hữu dân túy dưới dạng của đảng Alternative für Deutschland (Phương án thay thế cho nước Đức), mà sẽ khiến việc lập liên minh cầm quyền khó khăn hơn nhiều.

Chính sách đối ngoại của Trump, giả định ông làm đúng như đã hứa, cũng mở toang cửa để Trung Quốc gia tăng sức mạnh. Việc ông từ bỏ TPP — vừa là một thành tố căn bản địa chính trị vừa là một hiệp định thương mại — đã khiến Nhật và các nước láng giềng Thái Bình Dương bất an. Luận điệu chống Mexico của ông đã gây tác hại cho đồng peso và khiến các nước Mỹ Latin băn khoăn liệu đặt cược vào Bắc Kinh có phải là một phương án an toàn hơn hay không. Trong số các nước Baltic và vùng Scandinavia, nhiều nước đang lo ngại về bảo đảm phòng thủ của NATO trước nguy cơ Nga bành trướng dưới thời Putin.

Trong hơn hai thế kỷ, Mỹ đã đóng vai trò ngọn hải đăng hướng dẫn các giá trị dân chủ như chủ nghĩa đa nguyên, lòng khoan dung và chế độ pháp trị. Nhìn chung, nước Mỹ xưa nay thường đi đúng chiều hướng tiến bộ của lịch sử. Năm 2016, người Mỹ lần đầu tiên bầu vào Tòa Bạch Ốc một người không có kinh nghiệm chính quyền hay quân sự. Giống như Brexit, đó là một canh bạc rủi ro cao với những hậu quả hoàn toàn không thể tiên đoán được.

Cách tiếp cận “được ăn cả” của Trump và việc ông không tôn trọng các quyền của thiểu số vi phạm một nền tảng của dân chủ và xã hội tự do, như đã được nêu trong luận cương thứ 10 trong các Luận cương về Chính quyền Liên bang (Federalist Papers) do James Madison, một trong những quốc phụ của Mỹ, chấp bút. Quan điểm của ông tương tự những yêu sách cực đoan hơn của phe muốn Brexit đòi “ý nguyện của nhân dân” phải được tôn trọng bằng mọi giá. Bất cứ ai bày tỏ ý kiến phản đối — báo chí, phe đối lập hoặc, thực vậy, ngành tư pháp — có nguy cơ bị chụp mũ là “kẻ thù của nhân dân”.

Đây không chỉ là chủ nghĩa dân túy hoành hành không kiềm chế được. Nó là sự khước từ chính bản thân chính trị, mà, như học giả quá cố Bernard Crick nhắc nhở chúng ta, là phương án thay thế duy nhất cho việc cai trị bằng áp bức và sự chuyên chế của đa số.

Chúng ta đã được cảnh báo.

Lionel Barber là tổng biên tập của The Financial Times.

Nguồn: Lionel Barber, The year of the demagogue: how 2016 changed democracy, Financial Times 13-12-2016.

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 21/12/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *