Geoff Dyer
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
(Kỳ 1)

Năm 2005, tác giả Mỹ Robert Kaplan viết một bài chính lên trang bìa cho tạp chí The Atlantic với nhan đề “Chúng ta sẽ đánh Trung Quốc ra sao” (“How We Would Fight China”). Tôi còn nhớ khi nhận được tạp chí tại văn phòng của mình ở Thượng Hải, tôi giận dữ ném nó lên một đống báo mà chẳng thèm xé cả bọc nylon ra. Lúc đó đang là cao trào của thất bại ê chề ở Iraq nên chuyện cổ xúy gây chiến với Trung Quốc ở thời điểm đó dường như là đỉnh cao của thói ngạo mạn của phái tân bảo thủ. Nhưng khi rốt cuộc đọc bài báo của Kaplan, tôi bắt đầu nhận thấy vấn đề ông đặt ra là câu hỏi quan trọng. Trung Quốc không có kế hoạch đế quốc lớn lao nhằm xâm lăng các nước láng giềng của mình, theo cách của Liên Xô từng làm. Nhưng ở một quốc gia có quân đội có quy mô tăng nhanh – một quân đội đang giễu võ dương oai và can dự vào hàng loạt tranh chấp lãnh thổ chưa ngả ngũ – luôn có nguy cơ là giới lãnh đạo quốc gia đó có thể muốn dùng giải pháp quân sự dưới một hình thức nào đó, không cưỡng lại được nỗi cám dỗ giành được thắng lợi nhanh chóng giúp tái thiết lập trật tự cho cán cân trong khu vực. Nếu Trung Quốc và các nước láng giềng của họ đều tin rằng Mỹ có một kế hoạch đáng tin để giải quyết xung đột, điều này vừa ngăn chặn khả năng Trung Quốc rốt cuộc sẽ có hành động liều lĩnh, vừa giảm rủi ro các nước Châu Á âu lo sẽ bắt đầu các cuộc chạy đua vũ trang của chính mình với Bắc Kinh. Hay như sử gia quân sự Mỹ TX Hammes nói: “Chúng ta cần bảo đảm rằng không có ai trong quân đội Trung Quốc thì thầm vào tai lãnh đạo của họ: ‘Nếu anh nghe theo lời tôi, chúng ta có thể có mặt ở Paris chỉ trong hai tuần.”
Mỹ chưa mất một hàng không mẫu hạm nào kể từ khi Nhật đánh chìm chiếc Hornet vào năm 1942. Cả về mặt thực tiễn lẫn về mặt biểu tượng, hàng không mẫu hạm đóng vai trò trọng tâm trong việc phô trương sức mạnh của Mỹ trong sáu thập niên Mỹ thống lĩnh Thái Bình Dương. Nhưng cũng chính những chiến hạm đó hiện nay có thể bị đe dọa từ những loại tên lửa mới rất đa dạng của Trung Quốc. Nếu Mỹ tổn thất một hàng không mẫu hạm, đó sẽ là một đòn tâm lý nặng nề giáng vào uy tín và mức độ đáng tin của Mỹ, một sự kiện 11/9 cho hải quân. Chỉ cần có triển vọng các hàng không mẫu hạm có thể bị tổn hại là đã đủ hạn chế công dụng của chúng. Cho dù các tư lệnh Hải quân Mỹ nghĩ rằng các hàng không mẫu hạm của họ có thể trụ vững trong một cuộc xung đột, họ có thể lưỡng lự, không muốn chấp nhận rủi ro. Do vậy, Mỹ cần Kế hoạch B.
Trong lòng Lầu Năm Góc, kế hoạch đó đang hình thành. Nó không thực sự được gọi là một kế hoạch – thay vì thế, các quan chức Lầu Năm Góc gọi đó là một “khái niệm” mới về tham chiến. Nhưng nó cũng có tên: AirSea Battle (Chiến trận Không Hải). Cái tên này gợi nhớ đến học thuyết quân sự vào những giai đoạn về sau của cuộc chiến tranh lạnh có tên là AirLand Battle (Chiến trận Không Địa), khi việc ồ ạt tăng cường quân số Liên Xô dường như đã giúp Liên Xô đủ năng lực áp đảo Tây Âu. Nhiều chi tiết của AirSea Battle vẫn còn mơ hồ. Nhưng một vài biểu hiện công khai cho thấy một cách tiếp cận mà nếu bị đẩy quá đà thì có thể trở thành tuyên ngôn cho một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Một quan chức cao cấp Lầu Năm Góc khẳng định với tôi, “Đây không phải là một kế hoạch đánh Trung Quốc.” Nhưng khi Lầu Năm Góc bắt đầu mô tả những mối đe dọa mà mình đang đương đầu – các tên lửa tầm xa, tấn công chính xác có thể hạn chế sự di chuyển của tàu chiến Mỹ, những tàu ngầm hiện đại và sự tinh thông về chiến tranh trên mạng internet – ta thấy rõ AirSea Battle chủ yếu là để đối phó với Trung Quốc. Mối đe dọa giả thuyết mà giới hoạch định của Lầu Năm Góc nêu ra mô tả chính xác cái chiến lược mà Trung Quốc lâu nay đang xây dựng để hạn chế khả năng tiếp cận của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương. Chả trách các sĩ quan quân đội Mỹ đôi khi gọi Trung Quốc là “Voldemort” – trong kế hoạch chiến đấu mới của Lầu Năm Góc, Trung Quốc là kẻ thù mà họ không dám gọi tên. [Lord Voldemort là một nhân vật trong bộ truyện Harry Potter, N.D.]
Giữa những từ ngữ chuyên ngành quân sự có một ý tưởng – nếu kết luận đúng logic – đầy nguy hiểm. Đầu năm 2012, Lầu Năm Góc công bố một tài liệu gọi là “Khái niệm tiếp cận tác chiến phối hợp” (trong nội bộ gọi là Joac). Theo tài liệu này, trong trường hợp xảy ra xung đột, Mỹ nên “tấn công các năng lực trên mạng và không gian của kẻ thù”. Đồng thời, Mỹ nên tấn công “toàn diện” các lực lượng chống tiếp cận của kẻ thù. Hàm ý rõ ràng của lời khuyên này là, nếu có xảy ra chiến tranh, Mỹ nên có kế hoạch tiến hành oanh kích trên khắp Trung Quốc đại lục. “Lực lượng phản hải quân” gồm các căn cứ tên lửa và thiết bị do thám của Trung Quốc đặt ở các cơ sở trên khắp đất nước, trong đó có nhiều vùng có mật độ dày đặc. Ý tưởng cơ bản làm nền tảng của AirSea Battle đưa tới một kết luận khá chắc chắn là, trong những giai đoạn đầu của một cuộc xung đột với Bắc Kinh, Mỹ nên phá hủy hàng chục địa điểm quân sự. Đây là phiên bản của hải quân về học thuyết “đánh nhanh, đánh mạnh khiến đối phương sửng sốt để chiếm quyền thống lĩnh” (“shock and awe”) cho Châu Á trong thế kỷ 21.
Có nhiều lý do tại sao đây là cách nguy hiểm để nghĩ về một cuộc xung đột với Trung Quốc. Thứ nhất, đây là công thức để chiến tranh nhanh chóng leo thang. Với sự can dự của hai cường quốc hạt nhân, nên có nhiều động cơ khuyến khích dành chỗ cho các nhà ngoại giao thử tìm ra cách giải quyết tình hình. Tuy nhiên, khi kêu gọi các lực lượng Mỹ tiêu diệt các đơn vị tên lửa của Trung Quốc ở giai đoạn đầu, các ý tưởng của Lầu Năm Góc có thể khiến bất kỳ cuộc xung đột nào nhanh chóng trở nên quyết liệt. Trung Quốc cũng có thể kết luận rằng Mỹ cũng đang nhắm đến các vũ khí hạt nhân của họ.
Dùng các ý tưởng chống Trung Quốc của AirSea Battle là một kế hoạch chiến đấu được ăn cả ngã về không. Nếu các tư lệnh nhanh chóng ra lệnh oanh kích trên khắp Trung Quốc, sẽ không còn chỗ cho ngoại giao. Nếu không khuất phục Trung Quốc hoàn toàn, khó thấy khả năng làm sao chấm dứt một cuộc chiến tranh như vậy.
AirSea Battle cũng tốn kém. Lầu Năm Góc phải đẩy nhanh nhiều dự án vũ khí, chẳng hạn một thế hệ mới của máy bay tàng hình ném bom, vào lúc ngân sách đang khó khăn. Không chỉ những người phê phán thường lệ về tổ hợp quân sự-công nghiệp này mới lo ngại đây là một phần trong nghị trình bí mật của AirSea Battle. Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh lạnh, cuộc chạy đua vũ trang rốt cuộc đã khiến Liên Xô khánh tận trước khi các áp lực chi tiêu quốc phòng bắt đầu gây tổn hại nghiêm trọng cho Mỹ. Nhưng nếu diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang sâu rộng hơn giữa Trung Quốc và Mỹ, chưa chắc Washington sẽ xuất phát với tình hình tài chính vững mạnh hơn.
Rồi còn các đồng minh nữa. Chính phủ các nước Châu Á mong muốn quân đội Mỹ có thể ngăn ngừa sự xâm lấn của Trung Quốc và sẵn sàng nhờ Mỹ giúp đỡ về mặt này. Nhưng một số đồng minh có thể do dự trước triển vọng về một kế hoạch tấn công sâu vào Trung Quốc đại lục, đặc biệt nếu có liên quan đến những cuộc oanh kích xuất phát từ lãnh thổ của họ. Ben Schreer, một chiến lược gia quân sự Úc, nói AirSea Battle phù hợp với “một kịch bản chiến tranh lạnh Châu Á trong tương lai”. Thay vì trấn an, kế hoạch chiến đấu mới của Washington có thể dễ dàng khiến một số bạn bè và đồng minh của Mỹ hoang mang.
. . .
Tất cả những lý do phản đối này làm nảy sinh một vấn đề cuối cùng với AirSea Battle: liệu một cách tiếp cận như vậy có khả thi về mặt chính trị? Với những rủi ro như vậy, đặc biệt khả năng leo thang hạt nhân, chưa chắc một tổng thống Mỹ sẽ ủng hộ một kế hoạch chiến tranh bao gồm một chiến dịch ném bom rộng khắp như vậy. Muốn ngăn ngừa thành công thì cần dựa trên khả năng chứng tỏ một mối đe dọa quân sự là đáng tin và thực tế. Giới hoạch định của Lầu Năm Góc hy vọng rằng chỉ cần nghĩ tới một chiến lược quân sự của Mỹ dựa trên AirSea Battle là quân đội Trung Quốc đã run sợ. Nhưng cũng có khả năng Trung Quốc xem đó là một trò tháu cáy bạo dạn.
Ít ra AirSea Battle cũng tập trung vào tâm lý. Nó gây ra một cuộc tranh luận tổng quát hơn ở Mỹ về cách đáp lại thách thức của Trung Quốc. Do thế thượng phong của mình hiện đang bị đe dọa, Washington đối mặt với một lựa chọn: Mỹ có thể cố gắng giành lại ưu thế của mình bằng mọi giá hoặc có thể chuyển sang một cách tiếp cận phòng thủ hơn với mục tiêu ngăn chặn một cường quốc khác có cơ hội kiểm soát khu vực này. Mục tiêu ngăn ngừa không phải luôn luôn đồng nghĩa với việc chiếm quyền thống lĩnh.
Mỹ có thể dùng một số logic của chính Trung Quốc để chống lại Trung Quốc. Cùng với các đồng minh, Mỹ có thể phát triển những cách bố trí phòng thủ tận dụng địa lý của khu vực này và khiến cho Trung Quốc gần như không thể chiếm giữ những vùng tranh chấp – và giữ những hòn đảo đó nếu Trung Quốc muốn chiếm. Bằng cách thể hiện rõ những hình phạt nặng nề sẽ áp dụng nếu Trung Quốc hòng chiếm đoạt những hòn đảo bị tranh chấp, Mỹ có thể bảo đảm rằng Trung Quốc không thể thay đổi hiện trạng của khu vực này. Một mục tiêu như vậy vừa dễ đạt được với chi phí rẻ hơn nhiều và vừa ít có tính đối đầu hơn là chuẩn bị oanh kích đất liền.
Các sử gia hải quân Mỹ Toshi Yoshihara và James Holmes cho rằng Mỹ một phần tập trung vào điều họ gọi là “chiến tranh tùy cơ ứng biến” – những chiến dịch quy mô nhỏ ngăn chặn leo thang ồ ạt nhưng gây khó khăn cho hải quân Trung Quốc. Họ so sánh với chiến dịch của Wellington ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong thời kỳ 1807-1814, mà xét về mặt quân sự chỉ là một màn phụ so với cuộc xung đột lớn hơn với Pháp, nhưng lại khiến Napoleon than phiền là gây “ung nhọt” cho ông. Địa lý của vùng dọc theo chuỗi đảo đầu tiên cung cấp nhiều địa điểm chiến lược có thể dùng để xây dựng các cơ sở quy mô nhỏ hơn với những đơn vị tên lửa có thể gây hại cho hải quân đối phương. Tàu ngầm và mìn cũng có thể tăng thêm hiệu ứng ngăn ngừa đối với bất kỳ âm mưu chiếm đất nào. “Những suy nghĩ cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu chống tiếp cận cũng có thể có hai chiều,” Holmes nói với tôi. “Có nhiều cách để khiến Trung Quốc bị ‘ung nhọt’, mà có thể là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn xâm lấn trước khi nó có cơ hội xảy ra.”
Đối với những nhà quan sát bi quan hơn, Mỹ và Trung Quốc đằng nào rồi cũng sẽ lặp lại cuộc cạnh tranh an ninh căng thẳng của cuộc chiến tranh lạnh. John Mearsheimer, học giả ở Đại học Chicago, nhận định rằng sự đối đầu này thậm chí có thể còn sóng gió hơn với Liên Xô vì có nhiều tranh chấp tiềm tàng hơn. Ông cũng nói rằng ông sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc và Nhật “bắt đầu bắn nhau” ở một giai đoạn nào đó trong vòng 5 năm tới.
Những kết quả ảm đạm như vậy hẳn nhiên không phải là điều tất yếu – do có các mối liên kết kinh tế chặt chẽ, các bên sẽ bớt liều lĩnh. Tuy nhiên một kỷ nguyên toàn cầu hóa trước đây đã không ngăn chặn được chiến tranh giữa Anh và Đức. Shinzo Abe, thủ tướng Nhật, không phải là người duy nhất so sánh tình hình hiện nay ở Châu Á với Châu Âu vào năm 1914. Quân đội ở các nước Châu Á không có những kế hoạch chiến tranh chi li đã góp phần đẩy Châu Âu vào xung đột khi đó, nhưng Châu Á nằm trong hoàn cảnh tương tự vừa có chủ nghĩa dân tộc vừa có khả năng xảy ra những tính toán sai vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Phía tây Thái Bình Dương hiện nay có thể là buồng lái của nền kinh tế thế giới, nhưng khu vực này cũng đang biến thành một trong điểm nóng nguy hiểm nhất của thế giới.
Nguồn: Geoff Dyer, US v China: is this the new cold war?, Financial Times, 20/2/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bài dịch, ký tên Khương An, đã đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 26/2 & 5/3/2014.)
Đọc thêm:
- Biển Đông là tương lai của xung đột
- Chiến lược “ăn mảnh tích tiểu thành đại” của Trung Quốc ở Biển Đông
- Kỷ nguyên mới của ngoại giao tàu chiến
- Mỹ nên điều chỉnh ra sao với thế kỷ Thái Bình Dương
- Huyền thoại về ngày tàn của nước Mỹ (Phần 1, Phần 2, Phần cuối)
2 thoughts on “Mỹ-Trung Quốc: Có phải đây là cuộc chiến tranh lạnh mới? (Kỳ cuối)”