Nhà nước cấp thu nhập cơ bản cho dân: mơ dễ hơn làm

Phạm Vũ Lửa Hạ

Thu nhập cơ bản (TNCB) không phải là ý tưởng mới mẻ. Khái niệm này đã có trong tác phẩm Utopia của Thomas More đầu thế kỷ 16. (Bản dịch tiếng Việt của Trịnh Lữ có tựa đề Địa đàng trần gian.) Trong số nhiều người đầu tiên cổ xúy TNCB có Thomas Paine, một trong những quốc phụ sáng lập nước Mỹ. Trong tác phẩm Agrarian Justice (Công bằng ruộng đất) năm 1797, ông viết rằng trên cơ sở mọi người đều có quyền chia sẻ của cải chung, nhà nước nên cấp cho mỗi công dân một khoản vốn bình đẳng, có thể là vào sinh nhật thứ 21 (tuổi thành niên); “thu nhập cơ bản” này sẽ giảm thiểu “các phân biệt bất công” giữa người giàu và người nghèo. Khác với những quan điểm khác của ông, ý tưởng này không phổ biến tại Mỹ.

Vì sao thời thượng?

Hiện nay, ý tưởng cũ này đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm giữa lúc có nhiều bất bình về tình trạng bất bình đẳng, cảnh ngộ của tầng lớp lao động nghèo, và các chương trình phúc lợi kém hiệu quả. Phần Lan sắp trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng TNCB. Chính phủ dự định triển khai chương trình thí điểm cấp 800 euro/tháng cho mỗi công dân ở tuổi thành niên. Chi phí của chương trình được bù đắp phần nào bằng cách bỏ bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi khác. Chương trình thí điểm sẽ bắt đầu vào năm 2017 và kéo dài trong hai năm. Chính phủ đã dành ra 20 triệu euro cho thí nghiệm này.

Ngoài Phần Lan, thành phố Utrecht, Hà Lan, gần đây bắt đầu thử nghiệm cấp TNCB đủ sống cho những người ăn phúc lợi xã hội. Tháng 6-2016, Thụy Sĩ sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về đề xuất cấp TNCB hàng tháng 2.500 franc Thụy Sĩ. Mới đây, trong ngân sách đệ trình hồi cuối tháng 2, chính quyền Ontario, tỉnh chiếm gần 40% dân số Canada, cam kết thử nghiệm TNCB để đánh giá xem đây có phải là cách phân phối thu nhập bảo đảm công bằng xã hội.

Dù có nhiều tên gọi khác nhau – TNCB, thu nhập tối thiểu, thu nhập hàng năm bảo đảm, hoặc thuế thu nhập âm – ý tưởng này tựu trung là thay thế các khoản phúc lợi và trợ cấp bổ sung thu nhập bằng cách dùng ngân khố quốc gia cấp cho mỗi người dân một khoản thu nhập nhất định. Có hai loại chính: phổ quát, tức là mọi người bất kể giàu nghèo cũng nhận được khoản tiền bằng nhau; và thuế thu nhập âm, tức là khoản tiền này được giảm dần khi thu nhập tăng lên.

Giới ủng hộ cho rằng TNCB sẽ tinh giản bộ máy hành chính nếu thay thế được hệ thống phức tạp các chương trình phúc lợi và trợ cấp, và về lý thuyết, TNCB sẽ giúp kích cầu. TNCB phát huy tiềm năng làm việc của người có thu nhập thấp, giúp họ có thể chờ, hoặc học thêm tay nghề để có việc lương cao hơn, chứ không buộc phải chấp nhận việc tạm bợ để có miếng ăn qua ngày.

Một luận điểm khác được dùng để cổ xúy TNCB là hình thức này tôn trọng nhân phẩm của người nhận: phúc lợi phổ quát không phân biệt giàu nghèo, không đòi hỏi giấy tờ chứng minh thu nhập để được hưởng phúc lợi xã hội, không ràng buộc điều kiện (như buộc người hưởng phúc lợi chứng minh là không ăn không ngồi rồi, có cố gắng tìm việc làm, hoặc phải học các kỹ năng để sớm có việc làm trở lại).

Sự trỗi dậy của máy móc trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư cũng là lý do dùng để ủng hộ TNCB. Robot và các quy trình tự động hóa, từ xe tự lái tới thiết bị bay tự hành (drone), đang triệt tiêu việc làm của hàng triệu người. Một nghiên cứu năm 2013 của Đại học Oxford ước tính 47% phần trăm công việc hiện nay có nguy cơ bị máy móc thay thế trong vòng 20 năm. TNCB do đó sẽ giúp phân nửa xã hội không lún sâu vào nghèo đói và tuyệt vọng.

TNCB được thử nghiệm lần đầu tiên ở Dauphin, thị trấn có khoảng 8.000 dân ở tỉnh Manitoba, Canada, trong thập niên 1970. Cho tới nay, đây vẫn là một trong những chương trình thí điểm TNCB có quy mô lớn nhất. Ở Mỹ có một số “thí nghiệm duy trì thu nhập” ở Colorado, Indiana, Iowa, New Jersey, Bắc Carolina và Washington được chính quyền Nixon thực hiện trong thập niên 1970.

Chương trình Mincome ở Dauphin dùng phiên bản đánh thuế thu nhập với thuế suất âm. Ai cũng được cấp một khoản thu nhập bảo đảm, nhưng mức này sẽ giảm dần khi người dân có thêm thu nhập khác. Năm 1975, một gia đình hai người được hưởng gần 5.000 đôla Canada/năm, tương đương với hơn 20.000 đôla hiện nay. Khoản này sau đó được giảm 50 xu trên mỗi đôla thu nhập kiếm được từ các nguồn khác. Chương trình phối hợp giữa cấp tỉnh và liên bang này rốt cuộc phải chấm dứt do suy thoái kinh tế và sự thay đổi chính quyền tỉnh và liên bang. Những khám phá từ chương trình này tuy chưa trọn vẹn nhưng đã tăng thêm số người ủng hộ ý tưởng này.

Trong 5 năm, Dauphin gần như không còn cảnh nghèo đói. Trái với quan niệm thông thường, cấp tiền cho người nghèo mà không có điều kiện ràng buộc gì cả không giảm ước muốn làm việc. (Phe phản đối cho rằng TNCB sẽ khiến người nhận lười biếng, giảm động cơ làm việc.) Ngoài ra còn có nhiều tác động kinh tế tích cực rất lớn. Theo nghiên cứu của giáo sư kinh tế học y tế Evelyn Forget thuộc Đại học Manitoba, việc tăng thu nhập của người nghèo đã giảm đáng kể số lần đi khám bệnh và khuyến khích thêm nhiều người trẻ tuổi học hết trung học.

Trong những người ủng hộ ý tưởng này mạnh mẽ nhất đáng nói là có một số người với quan điểm thiên hữu, chẳng hạn như Friedrich Hayek và Milton Friedman, những cây đa cây đề của trường phái kinh tế học bảo thủ.  Hồi đầu tháng 12-2015, thủ tướng Phần Lan Juha Sipila nói: “Theo tôi, TNCB đơn giản hóa hệ thống an sinh xã hội.” Cũng như vị thủ tướng trung hữu của Phần Lan, giới chủ trương bảo thủ rất thích tính đơn giản của chuyện dùng một khoản chi trả duy nhất để thay thế cho các chương trình cồng kềnh và tốn kém cấp phúc lợi dựa trên khả năng tài chính.

Tiền đâu?

Nhưng rốt cuộc cũng trở lại câu hỏi “đầu tiên”: xã hội sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu tiền để giúp người khốn khó thoát khỏi cảnh đói nghèo (ở Canada có 3,5 triệu người nghèo, gần 1/10 dân số)? Chi phí vô cùng tốn kém là lý do chính khiến chưa nước nào dám thực hiện trọn vẹn TNCB. Nếu biết chi phí thực sự, liệu mọi công dân có chấp nhận chung tay trợ cấp cho mức thu nhập đủ sống. Theo ước tính của tạp chí The Economist, kế hoạch trả lương cho mọi người dân của Thụy Sĩ sẽ tương đương với 30% GDP, trang trải bằng các mức thuế rất cao.

Trường hợp Phần Lan là một ví dụ tiêu biểu của chương trình ngốn ngân sách. Nếu được soi rọi kỹ càng, mức 800 euro/tháng mỗi người đòi hỏi nhà nước tăng gấp đôi các mức thuế hiện tại để trang trải cho chương trình. Khoản 800 euro này chưa bằng mức phúc lợi xã hội hiện tại dành cho người dân Phần Lan có thu nhập thấp, nên chương trình TNCB phổ quát này trả một mớ tiền cho người không cần, trong khi chẳng giúp gì được nhiều cho những người khốn khó.

Ở Canada, nếu áp dụng một khoản tương đương 1.200 đôla/tháng, ngân khố quốc gia sẽ tốn hơn 500 tỷ/năm. Tất nhiên khi đó nhà nước có thể bỏ một số phúc lợi hiện có như trợ cấp xã hội, phúc lợi nuôi con, bảo hiểm thất nghiệp, và an sinh hưu trí – nhưng như vậy cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 100 tỷ, nên còn thiếu 400 tỷ. Hiện nay, chính phủ liên bang của Canada thu ngân sách được khoảng 300 tỷ/năm, nên để thực hiện chương trình như vậy cần phải tăng hơn gấp đôi các mức thuế hiện nay.

Trong bối cảnh chính trị Canada, những chương trình mới chỉ tốn một vài tỷ đôla cũng đã gây tranh cãi kịch liệt tại nghị trường. Vì vậy ở nước này một đề xuất TNCB có chi phí hàng trăm tỷ coi như mơ dễ hơn làm. TNCB phổ quát còn rất khó áp dụng ở Canada do hệ thống rối rắm của các chương trình phúc lợi của liên bang và các tỉnh. Liên bang sẽ bó tay nếu không có sự hợp tác của các tỉnh, trong khi các tỉnh luôn cát cứ, khư khư giữ các chương trình xã hội của mình.

Trên thực tế, tuy chưa hẳn áp dụng TNCB, Canada đang theo hướng tinh giản hệ thống phúc lợi. Ví dụ, trong ngân sách liên bang 2016-2017 đệ trình lên Hạ viện hôm 22-3, chính phủ đề xuất gộp nhiều khoản trợ cấp và các hình thức miễn/giảm thuế dành cho các gia đình có con thành một khoản phúc lợi nuôi con duy nhất. Gia đình có con sẽ nhận được tối đa 533 đôla/tháng (6.400 đôla/năm) cho mỗi con dưới 6 tuổi, và 450 đôla/tháng (5.400 đôla/năm) cho mỗi con từ 6 tới 17 tuổi. Khoản này sẽ được miễn thuế (các phúc lợi hiện nay có loại miễn thuế, có loại phải đóng thuế) và sẽ được giảm dần khi thu nhập gia đình tăng lên (phúc lợi bằng không khi thu nhập gia đình lên tới trên 150.000 đôla/năm).

(Bài đã đăng trên TBKTSG, số ra ngày 7-4-2016)

© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

2 thoughts on “Nhà nước cấp thu nhập cơ bản cho dân: mơ dễ hơn làm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *