Những biệt đội hành quyết bí mật ở Philippines

Hàng ngàn người đã bị giết kể từ khi Rodrigo Duterte lên làm tổng thống Philippines, và theo lời kể của một cảnh sát viên trong phóng sự độc quyền của báo The Guardian, Anh, các đội đặc nhiệm bí mật của cảnh sát có phần chịu trách nhiệm.

Những biệt đội hành quyết bí mật ở Philippines: người trong cuộc nói các đội đặc nhiệm của cảnh sát dính líu tới làn sóng giết người hàng loạt

Kate Lamb

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

“Chúng tôi không phải là cảnh sát xấu hay kẻ xấu. Chúng tôi chỉ là công cụ, chúng tôi chỉ là thiên thần được Chúa ban cho tài năng để đưa những linh hồn xấu xa đó trở lại thiên đàng để rửa tội cho họ.”

Những lời này rụt rè thốt ra từ miệng của một sĩ quan cao cấp thuộc lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines (PNP), giải thích vai trò của mình trong 87 vụ giết người trong ba tháng qua.

Ông nói đó không phải là giết người vì thích thú, hay vì là “kẻ cuồng sát”. Mà vì một mục đích cao cả.

Ông nói: “Chúng tôi ở đây như những thiên thần. Giống như thánh Michael và thánh Gabriel vậy mà.”

Cha mẹ đang than khóc của một người tình nghi sử dụng ma túy bị cảnh sát giết ở Manila, Philippines. Hơn 3.000 người đã chết trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu mới bắt đầu cách đây 3 tháng. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)
Cha mẹ đang than khóc của một người tình nghi sử dụng ma túy bị cảnh sát giết ở Manila, Philippines. Hơn 3.000 người đã chết trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu mới bắt đầu cách đây 3 tháng. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Hơn 3.600 người đã bị giết ở Philippines kể từ ngày 1 tháng 7 năm nay, khi Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống và khởi đầu cuộc chiến chống ma túy và tội phạm. Hơn một nửa trong số những vụ giết người này do những dân phòng tự phát vô danh gây ra.

Những vụ giết hàng loạt này đã khiến quốc tế quan ngại; từ Liên Hiệp Quốc tới Barack Obama và chính quyền Mỹ, cũng như tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), và Ân xá Quốc tế (Amnesty International). Ân xá Quốc tế đã đưa ra những cảnh báo về “môi trường vô luật pháp và nỗi khiếp sợ đang bao trùm nước này”.

Sợ là sợ Philippines đã sa vào một thời kỳ có biệt đội hành quyết. Tình hình này khó có thể khả quan hơn với những phát biểu của chính tổng thống và những cáo buộc về ông. Tuần trước, tổng thống Duterte, sau khi trích dẫn Hitler và nạn diệt chủng Do Thái do Đức Quốc xã thực hiện, nói rằng ông sẵn sàng “tàn sát” 3 triệu người nghiện ma túy.

Trước đó, tại một cuộc điều tra của thượng viện đang diễn ra hồi tháng 9, một sát thủ tự thú nhận đã có lời khai tiết lộ nhiều thông tin quan trọng, cho biết rằng trong thời gian lâu năm làm thị trưởng Davao, ông Duterte đã ra lệnh giết các tội phạm và các đối thủ của ông – và trong một trường hợp thậm chí đích thân dùng súng tiểu liên “kết liễu” một nhân viên thuộc phòng tư pháp.

Các tường thuật về những hành động rùng rợn như vậy càng tăng thêm giá trị cho những câu chuyện về những sát thủ hiện được cảnh sát thuê mướn để loại bỏ những người bị tình nghi buôn bán ma túy.

Một xác chết tại một khu ổ chuột Manila. (Ảnh: Patrick Tombola)
Một xác chết tại một khu ổ chuột Manila. (Ảnh: Patrick Tombola)

Nay, lần đầu tiên một sĩ quan đương chức tiết lộ về cơ chế hoạt động bên trong của cái mà ông gọi là một chiến dịch có lệnh chính thức, nhưng bí mật, để xóa sổ những công dân không được mong muốn.

Trong ba tháng qua, theo ông, chỉ riêng ông và đội “đặc nhiệm” của ông đã giết – hay nói bằng ngôn ngữ của cảnh sát Philippines là “vô hiệu hóa” – hàng chục người.

Đó là mặt chưa được biết tới của cuộc chiến chống ma túy bẩn thỉu của Duterte – nhưng nó không phải tự dưng xuất hiện.

Có điện thoại là xử tử

Viên sĩ quan cảnh sát này ngồi đằng sau tấm rèm bằng hạt cườm trong một căn phòng ở phía sau của một nhà thổ ở thủ đô Manila khi anh bắt đầu kể chuyện về công việc của mình. Báo The Guardian bằng nguồn độc lập đã xác minh người này là sĩ quan đương chức của lực lượng cảnh sát quốc gia.

Viên sĩ quan có vẻ thoải mái ở đây. Ông cảm thấy an toàn và chọn nơi này để nói chuyện.

“Thỉnh thoảng tôi tới đây chỉ có một đêm ngủ ngon giấc.” Ông nói đùa và đưa mắt nhìn tấm nệm đơn trong căn phòng riêng không có gì đặc biệt, cái máy lạnh cũ là vật duy nhất trên tường, kêu ầm ĩ trong cái nóng của xứ nhiệt đới.

Về sau ông nói các nhà thổ là nơi kín đáo cho những cuộc nói chuyện không muốn ai nghe.

Trước tiên ông tiết lộ điều mà đối với nhiều người sẽ là các chi tiết gây sốc về việc ông được sử dụng trong một biệt đội hành quyết.

Ông nói: “Họ đã tạo ra chúng tôi. Nói đúng từ là ‘họ đã thả con thú ra khỏi chuồng’, đúng không, để vô hiệu hóa những tên tội phạm đó.”

Viên sĩ quan nói ông thuộc một trong mười đội cảnh sát đặc biệt mới thành lập và rất bí mật, mỗi đội có 16 người.

Ông nói các đội này được điều phối để xử tử một số đối tượng: những người bị tình nghi sử dụng ma túy, buôn bán ma túy và tội phạm.

Ông cho biết các vụ giết người này chủ yếu diễn ra ban đêm, với các cảnh sát viên mặc toàn đồ đen và có mũ trùm đầu. Họ chỉnh đồng hồ, cho mình một vài phút để đưa các đối tượng ra khỏi nhà rồi giết ngay tại chỗ – nhanh gọn, chính xác, không có nhân chứng.

Ông kể rằng sau đó họ vứt xác – ở thị trấn kế bên hoặc dưới cầu – hoặc họ dán băng viền sơn quanh đầu thi thể và đặt trên xác tấm biển các-tông có chữ “trùm ma túy” hoặc “kẻ bán ma túy”.

“Chúng tôi đặt biển trên xác chết để báo chí, để những người điều tra về xác chết chuyển hướng điều tra của họ.” Ông giải thích là để khiến họ nghĩ: “‘Việc gì tôi phải điều tra kẻ này, hắn là tên buôn bán ma túy, là tên hiếp dâm, mặc xác hắn, tôi chỉ nên dành sức điều tra người khác. Hắn bị vậy cũng tốt cho hắn.”

Xác chết của những nạn nhân “được cứu vớt” tại một nhà quàn ở thành phố Quezon, Manila. Nhà quàn này đã tiếp nhận số vụ tăng gấp ba kể từ khi tổng thống Duterte nhậm chức hồi tháng 6-2016. (Ảnh: Patrick Tombola)
Xác chết của những nạn nhân “được cứu vớt” tại một nhà quàn ở thành phố Quezon, Manila. Nhà quàn này đã tiếp nhận số vụ tăng gấp ba kể từ khi tổng thống Duterte nhậm chức hồi tháng 6-2016. (Ảnh: Patrick Tombola)

Ở Philippines người ta có một từ để chỉ điều này: nạn nhân “cứu vớt”. Một người nào đó bị giết rồi bị quẳng bên đường hoặc ném xuống sông. Một xác chết về sau được cứu vớt.

Viên sĩ quan nói đùa rằng gần đây có nhiều vụ giết người đến nỗi hiện nay ta có thể dễ dàng thoát tội với bất cứ kiểu giết người nào: “Ta có thể giết một người, dán băng viền sơn lên xác, và thế là ai cũng nghĩ hắn là kẻ buôn ma túy.”

Viên sĩ quan kể ông được phân công vào đội đặc nhiệm (được thành lập vì an ninh quốc gia) ngay sau khi Duterte được bầu làm tổng thống.

Ông nhớ lại cuộc họp đầu tiên của ông, trong đó các cấp trên được cho là đã mô tả chuyện sắp diễn ra.

“Và khi đó họ chỉ thị chúng tôi rằng, ‘Từ nay trở đi sẽ khác. Với tất cả những vụ chưa xử mà đã xác định các tội phạm ma túy lì lợm và những kẻ sát nhân lì lợm, chúng ta sẽ phải vô hiệu hóa chúng, đó là lệnh. Chúng tôi cần các kỹ năng đặc biệt của các anh.’”

Ông nói đội trưởng được liên lạc qua radio và một mật mã đặc biệt – một thành viên đội đặc nhiệm được gọi bằng mã số – được lệnh phải trình diện tại trụ sở. Ở đó họ được giao một hồ sơ các mục tiêu, hồ sơ về những kẻ buôn bán, người sử dụng, và tội phạm ma túy để “vô hiệu hóa”.

Ông giải thích: “Ví dụ họ sẽ gởi cho chúng tôi một tấm ảnh, một tiểu sử sơ lược của người đó. Một hoặc hai người trong đội của tôi sẽ tự động tới nơi cư ngụ của người đó rồi trước tiên hẳn nhiên chúng tôi sẽ kiểm tra về lý lịch.”

Đội đặc nhiệm điều tra về những người đó để xác định xem họ có dính líu tới buôn bán ma túy hay các hoạt động khác hay không, họ có “ngoan đạo” hay là “kẻ ăn bám”, rồi dựa theo đó mà xử lý.

Ông nói: “Đó là cách chúng tôi đánh giá người đó, nên có thể là chúng tôi tự thực thi công lý của mình. Và dĩ nhiên chính quyền đang ra lệnh cho chúng tôi làm vậy.”

Viên sĩ quan, bận áo thể thao màu đỏ và quần jean, cho rằng các đội đặc nhiệm đang phụng sự xã hội; qua đó phần nào ông cho thấy động cơ khiến ông bộc lộ về một chủ đề nhạy cảm như vậy.

Ông giải thích: “Chúng tôi là loại cảnh sát giết người không phải vì thích thú. Nhưng nếu chúng tôi nghĩ rằng đây là một người lì lợm hoặc tội phạm lì lợm mà cuộc đời của hắn đã thành kẻ ăn bám người khác, thì chúng tôi chẳng vướng bận lương tâm gì. Chúng tôi sẽ cho hắn cái chết kinh khủng nhất để ngay cả quỷ Satan cũng không thể nhìn thẳng vào hắn vì hắn có cái chết rất kinh khủng.”

Những cáo buộc của viên sĩ quan này thật kinh ngạc. Và tuy báo The Guardian có thể xác minh cấp bậc và lai lịch phụng sự trong ngành cảnh sát của ông, không có sự khẳng định độc lập, chính thức nào cho những cáo buộc về sự đồng lõa và sự điều phối của cảnh sát trong chuyện giết người hàng loạt.

Chiến dịch Nòng súng Đôi

Môi trường diễn ra làn sóng giết chóc hiện nay ở Philippines u ám và phức tạp, với nhiều nhóm liên quan.

Trước tiên, trong chiến dịch “Nòng súng Đôi” (“Double Barrel”), cảnh sát đã được tổng thống cho phép xử lý ma túy và tội phạm.

Tổng thống Duterte đã chỉ thị cho cảnh sát tăng gấp đôi, “tăng gấp ba nỗ lực của họ nếu cần thiết”, và hứa ân xá cho bất cứ cảnh sát viên nào có liên quan nếu chẳng may vì đó mà họ dính vào vòng lao l‎ý và bị pháp luật trừng phạt.

Kế đến là dân phòng tự phát, và hơn 2.200 vụ giết người do những sát thủ vô danh này gây ra. Những cái chết này được cho là do các băng đảng, những tên du côn và trùm ma túy lợi dụng đợt mạnh tay giết người để trừ khử các địch thủ và kẻ thù.

Cảnh sát cũng đã từng thừa nhận rằng những cảnh sát viên tham nhũng, với mục đích bảo vệ các nhóm ma túy được bảo kê của họ, cũng có thể đứng đằng sau một số vụ giết người tự phát của dân phòng.

Và thứ nữa, đáng ngại và đáng sợ nhất, theo viên sĩ quan nói chuyện với báo The Guardian, là loại thứ ba – những biệt đội hành quyết của cảnh sát được nhà nước cho phép được huấn luyện chuyên nghiệp và có sự phối hợp cao, chẳng hạn như đội đặc nhiệm mà viên sĩ quan này nói ông là một thành viên.

Trong nhiều tháng qua báo chí ngày nào cũng đăng đầy những hình ảnh rùng rợn chụp những xác chết đầy máu bị bắn chết và quẳng trên đường phố. Một tờ báo địa phương, The Inquirer, thậm chí đã khởi đăng một “danh sách thủ tiêu” (“kill list”) để ghi lại các vụ giết người trên toàn quốc.

Trong số hơn 3.600 cái chết cho tới nay, 1.375 người đã bị giết trong các chiến dịch chính thống của cảnh sát, trong khi khoảng 2.233 người khác có thể là do dân phòng tự phát, theo số liệu thống kê mới nhất của lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) từ đầu tháng 9.

PNP cho biết đang điều tra dân phòng tự phát, nhưng tới nay chưa có báo cáo cho thấy có ai đã bị bắt.

Tổng thống Rodrigo Duterte khi tới thăm đại bản doanh không quân Philippines ở thành phố ngoại ô Pasay city, phía đông nam Manila. (Ảnh: Bullit Marquez/AP)
Tổng thống Rodrigo Duterte khi tới thăm đại bản doanh không quân Philippines ở thành phố ngoại ô Pasay city, phía đông nam Manila. (Ảnh: Bullit Marquez/AP)

Tối hậu thư của Duterte

Nhậm chức vào ngày 30 tháng 6, Duterte đã đắc cử nhờ hứa sẽ xóa sạch ma túy và tội phạm ở quốc gia Đông Nam Á này trong vòng sáu tháng sau khi cầm quyền.

Tổng thống này từng nói đùa về chuyện vỗ béo cá ở Vịnh Manila bằng xác chết của những kẻ buôn bán ma túy, và thề rằng cuộc chiến chống ma túy sẽ chỉ chấm dứt “chừng nào trùm ma túy cuối cùng, kẻ tài trợ cuối cùng, và tên buôn bán ma túy cuối cùng đầu hàng – hoặc bị tống vào tù, hoặc xuống dưới lòng đất tùy chúng muốn”.

Nhưng không chỉ sự tăng vọt số vụ giết người từ lúc ông nhậm chức khiến quốc tế lên án. Thói thích phát biểu bạt mạng và lăng mạ của Duterte, thậm chí đối với lãnh đạo các nước, đã khiến cộng đồng quốc tế sửng sốt.

Trước một cuộc gặp đã xếp lịch với tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề một hội nghị ASEAN ở Lào hồi tháng 8, Duterte gọi Obama là “con của đĩ” (son of a whore) vì đã bày tỏ ý định bàn về nhân quyền giữa lúc xảy ra lắm vụ giết người.

Trước đó là các quan chức Liên Hiệp Quốc và đại sứ Mỹ tại Philippines.

Hồi tháng 6, đó là báo chí. Ông nói: “Chỉ vì anh là ký giả không có nghĩa là anh được miễn bị ám sát nếu anh là đồ chó đẻ.” Về sau ông rút lại phát biểu đó, và nói ông không tán thành việc giết ký giả. Ông cũng rút lại những nhận xét về Obama, và biện bạch rằng lời nhục mạ đó không nhắm tới tổng thống Mỹ. Chuyện cũng hệt như vậy với cộng đồng Do Thái và nạn diệt chủng Do Thái do Đức Quốc xã thực hiện. Về sau Duterte nói là không có ý như vậy.

Nhưng càng có nhiều chỉ trích từ nước ngoài, vị tổng thống này càng trơ trơ – cảnh báo lãnh đạo các nước đừng có giỡn mặt với chủ quyền của Philippines, trong khi sẵn sàng đả phá hoặc công khai nhạo báng bất cứ ai chất vấn ông.

Tới nay dường như ông đã kéo được công chúng về phía mình – một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 7 của Pulse Asia Research cho thấy ông có tỷ lệ ủng hộ 91%.

Thực vậy, ở Manila những bàn tán về các biệt đội hành quyết được nhà nước cho phép chẳng khiến mấy ai sửng sốt. “Chỉ có ở Philippines” là một điệp khúc thường nghe.

Mô hình Davao

Lúc làm thị trưởng Davao, một thành phố ở đảo Mindanao ở miền nam Philippines, Duterte nổi danh vừa nhờ ngăn ngừa tội phạm vừa do các mối liên hệ với các biệt đội hành quyết Davao chuyên xử tử những kẻ buôn bán ma túy, các tội phạm nhỏ và trẻ bụi đời mà trong đó có một số thuộc các băng đảng.

Sự miễn bị trừng phạt cho những tội ác như vậy gần như là tuyệt đối, theo một báo cáo năm 2009 của tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Với nhan đề “Bạn có thể chết bất cứ lúc nào” (You Can Die At Any Time), báo cáo này nêu chi tiết bằng chứng về sự đồng lõa và đôi khi sự dính líu trực tiếp giữa các quan chức chính quyền và cảnh sát trong các biệt đội này. Cùng năm đó Duterte nói rằng bọn tội phạm là “một mục tiêu chính đáng để ám sát”.

Theo báo cáo này, cảnh sát trao cho thành viên các biệt đội hành quyết những danh sách các mục tiêu. Sau khi được người dân báo về các vụ giết người, nhà chức trách thường chậm phản ứng, ngay cả khi chúng diễn ra chỉ cách đồn cảnh sát mấy phút.

Báo cáo này mô tả chuyện cảnh sát Davao thường không thu thập các bằng chứng hiển nhiên như vỏ đạn đã dùng hoặc thẩm vấn các nhân chứng hay nghi phạm, thay vì thế ép buộc gia đình các nạn nhân nhận diện kẻ giết người. Các cuộc điều tra chẳng đi tới đâu.

Năm 2012, Ủy ban Nhân quyền [Phillipines] khuyến nghị cơ quan thanh tra độc lập điều tra Duterte về trách nhiệm hình sự có liên quan tới những vụ giết người này, nhưng không có lời buộc tội nào được đưa ra và không tìm thấy bằng chứng nào.

Thay vì vậy, 21 cảnh sát viên được tường thuật là bị phạt tương đương một tháng lương sau khi họ bị phán quyết phạm tội sao lãng bổn phận.

Trưởng lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines, Ronald dela Rosa – cựu cảnh sát trưởng thành phố Davao đã được Duterte đích thân chọn nắm cảnh sát quốc gia – cũng như chính phủ đã phủ nhận sự tồn tại của các biệt đội hành quyết Davao.

Ngay cả sau những cáo buộc đáng ngạc nhiên tại cuộc điều trần của thượng viện khi tên của Duterte được liên hệ trực tiếp tới các vụ giết người hàng loạt, Dela Rosa cho rằng các biệt đội hành quyết Davao là “sản phẩm do báo chí bịa đặt”.

Một đội đặc nhiệm SWAT của cảnh sát Philippines thực hiện lệnh khám xét có liên quan tới ma túy tại một nhà định cư không chính thức ở thành phố Pasig City, ngoại ô Manila. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)
Một đội đặc nhiệm SWAT của cảnh sát Philippines thực hiện lệnh khám xét có liên quan tới ma túy tại một nhà định cư không chính thức ở thành phố Pasig City, ngoại ô Manila. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

Davao không phải là nơi duy nhất có điều tiếng rằng các biệt đội hành quyết đã hoạt động, và hiện nay nỗi lo là các thủ đoạn được cho là đã được sử dụng ở thành phố đã được nhân rộng trên toàn quốc.

“Tôi nghĩ chuyện đó cực kỳ đáng tin.” Brad Adams, giám đốc điều hành chi nhánh Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói như vậy về cả khái niệm đó lẫn những lời kể của viên sĩ quan cảnh sát trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Guardian.

“Chuyện các cảnh sát viên được trao một danh sách các mục tiêu để giết không hề gây sốc hay đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên điều quan trọng và thiết yếu là cảnh sát thừa nhận điều này để Duterte không thể lấp liếm bằng cách đổ thừa cho dân phòng tự phát và các phần tử ngoài nhà nước.”

Ông Adams nói: “Chắc chắn có sự bảo trợ của nhà nước và sự dính líu của cảnh sát. Chúng tôi lo ngại về việc [mô hình] Davao đang được sao chép hoặc phát triển trên toàn quốc.”

Nhân quyền: ‘chỉ dành cho người tốt’

Tại đại bản doanh cảnh sát quốc gia Philippines, thậm chí chính cảnh sát thừa nhận các cảnh sát viên đương chức có thể đứng đằng sau một số vụ giết người của dân phòng. Một tài liệu cung cấp thông tin của cảnh sát về chiến dịch Nòng súng Đôi cho thấy rằng từ ngày 1 tháng 7 tới ngày 16 tháng 8, 250 cảnh sát viên bị cách chức ở Manila vì bị nghi có dính líu tới buôn bán ma túy.

Nhưng bất cứ mối quan hệ chính thức nào giữa cảnh sát và dân phòng – ví dụ như mối quan hệ theo lời mô tả của viên sĩ quan với báo The Guardian – đều bị phủ nhận.

Cảnh sát Quốc gia Philippines đã được báo The Guardian liên hệ nhiều lần để bình luận về những lời cáo buộc được nêu trong bài này. Dù họ xác nhận có nhận được những yêu cầu của báo The Guardian về vấn đề này, không có bình luận chính thức nào được đưa ra.

Nhưng những trả lời trước đây của chính Duterte về các cáo buộc về việc có dính líu tới các biệt đội hành quyết rất quyết liệt.

Ông gọi đó là những lời dối trá và “cáo buộc của kẻ điên” và từng nói rằng “không biệt đội hành quyết Davao”.

Martin Andanar, thư ký truyền thông của Duterte, nói về những cáo buộc Davao: “Ủy ban Nhân quyền đã tiến hành một cuộc điều tra nhiều năm trước, khi tổng thống còn là thị trưởng, và không có lời buộc tội nào được đưa ra, họ không thấy có bằng chứng trực tiếp nào.”

Khi được báo The Guardian liên hệ để trả lời về những cáo buộc cụ thể của viên sĩ quan này, phát ngôn viên của tổng thống Ernesto Abella nói ông không thể bình luận.

Ông nói: “Tôi không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào về chuyện đó. Có những cái gọi là nguồn tin và chúng tôi không thể xác minh điều họ nói, họ đã không đưa ra lời khai có tuyên thệ. Tôi không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào vì điều đó không được xác minh.”

Đối với Arsenio “Boy” Evangelista con, phát ngôn viên của tổ chức Các nạn nhân chống Tội phạm và Tham nhũng, những phủ nhận và không chịu bình luận đỏ chẳng nghĩa lý gì.

“Ai mà lại có kỹ năng và đủ gan để làm chuyện này?” Ông hỏi như vậy khi bàn về các vụ giết người hàng loạt.

Sáu năm sau khi con trai ông bị giết trong một tội ác tàn bạo, Evangelista vẫn đang chờ xem có ai bị buộc tội. Ông nói: “Tôi đang nói tới các kỹ năng của cảnh sát, đủ các loại kỹ năng, như tình báo, khả năng sử dụng vũ khí thuần thục. Vì đó là chuyện đang diễn ra gần đây. Phải nói là hoàn hảo. Không nhân chứng – nó được thực hiện rất chính xác, nhanh gọn.”

Những nhà hoạt động đốt nến trước một nhà thờ ở Manila trong lễ thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của các vụ giết người không đúng quy trình tư pháp trong cuộc chiến chống ma túy của chính phủ. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)
Những nhà hoạt động đốt nến trước một nhà thờ ở Manila trong lễ thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của các vụ giết người không đúng quy trình tư pháp trong cuộc chiến chống ma túy của chính phủ. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

Tại Ủy ban Nhân quyền Philippines, chủ tịch Chito Gascon được hỏi về những cáo buộc về chuyện cảnh sát ôm tất cả các vai thẩm phán, bồi thẩm đoàn, và cả người thi hành án.

Ông cũng tỉnh bơ.

“Tôi chẳng ngạc nhiên, tôi đã nghe nói tới chuyện này. Nhưng vấn đề là ta cần chứng minh điều đó.

“Và chuyện đó có lẽ bắt chước theo một cách thức đã được sử dụng trước đâu, giống như ở Davao.”

Gascon nói ông thấy khó hiểu nổi điều dường như là quan điểm của tổng thống mới về nhân quyền: nếu anh là người tốt thì mới có nhân quyền; nếu là kẻ xấu thì miễn.

Đó là lối lập luận nguy hiểm nhưng dường như đó là logic chủ yếu trong đợt tăng vọt số vụ giết người này: đó là cách biện minh cần để xóa sạch nạn ma túy và tội ác khỏi nước này, đó là cứu cánh biện minh cho phương tiện.

Tại nhà thổ Manila nói trên, viên sĩ quan thừa nhận rằng ông cũng có suy nghĩ hệt vậy.

“Có thể, tôi chỉ đang, nói sao nhỉ, chỉ giả vờ là chúng tôi đúng. Nhưng hiện nay chúng tôi không phải là những kẻ cuồng sát.

“Lúc nãy tôi có nói với cô là chúng tôi cầu nguyện, chúng tôi luôn đi nhà thờ, và xin Chúa tha thứ cho những điều chúng tôi đang làm hiện nay. Chúng tôi hối tiếc vì làm chuyện đó. Nhưng còn ai khác làm chuyện đó cho nhân dân Philippines?”

Nguồn: Kate Lamb, Philippines secret death squads: officer claims police teams behind wave of killings, The Guardian, 4-10-2016

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 12/10/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

2 thoughts on “Những biệt đội hành quyết bí mật ở Philippines

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *