Những ván cờ chiến tranh Châu Âu

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp hội nghị thượng đỉnh vào ngày 8 và 9-7-2016 ở thủ đô Warsaw của Ba Lan. Khi giới lãnh đạo NATO chuẩn bị cho hội nghị hai năm một lần này, hàng ngàn binh lính tham gia những cuộc tập trận quy mô lớn ở cả hai phía biên giới của Nga với Châu Âu.  Sam Jones, biên tập viên quốc phòng và an ninh của Financial Times, thực hiện một phóng sự chi tiết về sự tăng cường hoạt động quân sự này.

Lính Mỹ bắn pháo M777 trong diễn tập chiến đấu cho cuộc tập trận Nhát Kiếm (Ảnh: Andrejs Strokins)
Lính Mỹ bắn pháo M777 trong diễn tập chiến đấu cho cuộc tập trận Nhát Kiếm (Ảnh: Andrejs Strokins)

Những ván cờ chiến tranh Châu Âu

Sam Jones, Financial Times 30-6-2016

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch

Tận sâu trong rừng bạch dương vào một sáng Thứ Hai nóng nực, chiếc xe 4×4 xọc xạch của chúng tôi rít bánh dừng lại, chúng tôi bước ra giữa một màn bụi cát nhỏ. Chúng tôi chỉ mất vài giây — và kiểm tra nhanh trên thiết bị GPS — để biết chắc là chúng tôi tới đúng chỗ. Một chiếc xe khác không đậu trên đường, mà nằm lệch sang phải, lẫn trong lùm cây thấp, những cành cây phủ ngang nóc và hông xe. Chúng tôi bước vòng qua xe, và gõ vào phía sau xe.

Đại tá Eero Rebo, 42 tuổi, nghiêng người ra từ phía trong lờ mờ có khoảng sáu binh sĩ Estonia khác đang khom người quanh các radio và ánh sáng xanh nhợt nhạt của các màn hình LCD. Mặt đại tá vẽ ngụy trang dày đặc. Ông nhảy xuống, và chúng tôi đi theo một lối nhỏ vào rừng.

“Chúng sẽ dùng thiết giáp để tìm cách chọc thủng trận tuyến chiều nay,” ông nói sơ lược về kế hoạch tác chiến của mình với vẻ hơi thận trọng khi ông nhìn cái điện thoại thông minh tôi đang dùng để ghi âm cuộc nói chuyện (nhưng lại là một mục tiêu dễ bị phát hiện tín hiệu). “Và tôi sẽ dùng địa hình — sông, rừng — để chặn chúng. Tôi sẽ đưa chúng vào những vùng mà chúng yếu nhưng tôi mạnh.”

Có tiếng rì rầm của một động cơ phản lực ở phía trên. Đại tá Rebo bước lui, ngước mắt nhìn lên, đạp qua các bụi cây việt quất và thạch nam để bước vào chỗ được rừng che chắn, kéo chúng tôi theo ông. Máy bay đó là một chiếc F-16 của Bồ Đào Nha, đang dùng bộ cảm biến của nó để cố gắng dò ra vị trí của một chốt chỉ huy. Ở gần mặt đất, hàng chục con muỗi vo ve.

Đại tá Rebo nói tiếp, “Estonia là một nước nhỏ. Nhưng chúng tôi mạnh hơn nhiều người tưởng. Đây là xứ sở thực sự. Đây là nơi tôi sẽ chiến đấu, và nơi các kẻ thù của tôi sẽ chết. Tôi biết rõ từng cây cầu, từng con sông. Tôi biết cần làm gì để chặn bọn Nga.”

Khoảng 5.000 người Estonia, hầu hết là lính trẻ đi quân dịch, đã dành phần lớn trong vài tháng qua để huấn luyện chuẩn bị chiến tranh với Nga. Họ không đơn độc. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO, thành lập năm 1949) đã hỗ trợ Kevadtorm (“Bão Xuân”), cuộc tập trận đang diễn ra ở các khu rừng và vùng đất thấp dọc biên giới giữa Estonia và Nga. Khoảng 1.000 quân từ Latvia, Lithuania, Đức, Hà Lan, Anh và Mỹ, cũng như quân Bồ Đào Nha với các máy bay chiến đấu, đã được triển khai tới Estonia để cùng tập trận, và đóng vai kẻ thù.

Trên khắp vùng Baltic, những cuộc tập trận khác đã được tổ chức với sự hậu thuẫn của liên minh này. Hồi tháng 4, Latvia đã tổ chức “Lá chắn Mùa hè” với 1.100 quân. Khi Kevadtorm kết thúc, Lithuania bắt đầu “Sói Sắt”, với 5.000 quân. Hồi tháng 6, cuộc tập trận “Nhát Kiếm” có hàng ngàn quân Mỹ được không vận tới cả vùng này. Và ở những nơi khác của Châu Âu đã có những cuộc tập trận khác còn lớn hơn. Ở Ba Lan, “Anakonda”, cuộc tập trận với 31.000 quân — đợt triển khai quân nước ngoài trên đất Ba Lan đông nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến — kết thúc vài tuần trước.

Những cuộc tập trận này không chỉ nhiều hơn về số lượng so với bối cảnh quân sự yên ắng trong 20 năm qua, mà còn khác về chất lượng. Các quân đội của Châu Âu một lần nữa tích cực huấn luyện để chuẩn bị cho chiến tranh ngay trên xứ sở của mình. Nhiều thế hệ binh lính từng được huấn luyện để đánh phiến quân ở những nơi xa xôi nay đang học cách bảo vệ quê hương của mình.

Về phần mình, Điện Kremlin không có dấu hiệu giảm tốc độ quân sự hóa. Hồi tháng 5, bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với báo giới rằng từ tháng 6 tới tháng 10, Nga sẽ tổ chức hơn 2.000 cuộc tập trận lớn nhỏ. Thậm chí đáng lo ngại hơn cho NATO là những cuộc diễn tập chóng vánh đã được lên lịch trong cùng thời gian đó: những cuộc diễn tập huy động nhanh mà có thể triển khai hàng chục ngàn quân (ví dụ, một cuộc diễn tập năm 2015 có tới 80.000 quân và 12.000 xe) — ở gần các nước vùng Baltic, ở vùng quân sự phía tây của Nga.

Giới lãnh đạo quốc phòng, các cơ quan tình báo, giới ngoại giao và giới lãnh đạo chính trị phương Tây lo ngại về — và không biết chính xác là nên phản ứng ra sao trước — một cỗ máy quân sự Nga mạnh hơn, được Điện Kremlin muốn khôi phục uy danh và lãnh thổ hớn hở phô trương là phương sách đầu tiên để giải quyết vấn đề. Có lẽ càng đáng lo ngại hơn, dường như có một khoảng cách ngày càng rộng giữa điều mà giới kỹ trị an ninh của phương Tây lo sợ và điều mà họ chuẩn bị đối phó, và việc công chúng hiểu gì về mối nguy mà Nga có thể — hoặc không thể — gây ra.

Các trực thăng AH-64 Apache trong diễn tập chiến đấu cho cuộc tập trận Nhát Kiếm (Ảnh: Andrejs Strokins)
Các trực thăng AH-64 Apache trong diễn tập chiến đấu cho cuộc tập trận Nhát Kiếm (Ảnh: Andrejs Strokins)

Khoảng một tuần nữa, đằng sau nhiều lớp rào chắn an ninh và đồn bốt quân sự, được bảo vệ bởi hàng ngàn quân trên bộ, máy bay trên không và một trong những chiến dịch phản gián lớn nhất Châu Âu, giới lãnh đạo chính trị phương Tây sẽ họp trong một cái lều trắng khổng lồ giữa sân vận động quốc gia của Warsaw, thủ đô Ba Lan, trong hội nghị thượng đỉnh hai năm một lần của NATO, cuộc họp ra quyết định chính yếu của liên minh này.

Tương lai của an ninh Châu Âu chưa bao giờ ở thế chỉ mành treo chuông hơn hiện nay. Lục địa này có nhiều nước yếu hoặc đang sụp đổ bao quanh biên giới của mình, còn nội bộ đang rối bời vì tâm lý bất mãn chính trị và tình trạng trì trệ kinh tế ngày càng tăng. Quyết định của Vương quốc Anh chia tay với Liên hiệp Châu Âu (EU), chỉ mới 10 ngày trước, là một sự kiện chấn động. Nhiều người trong số những chiến lược gia hàng đầu của NATO tin rằng càng có nhiều phân hóa chính trị ở Châu Âu thì Nga càng lợi. Theo một chuyên gia phương Tây về Kremlin — một quan chức tình báo cao cấp của NATO, tầm nhìn địa chính trị của Nga là gây chia rẽ NATO, vĩnh viễn giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ và Anh ở Châu Âu và đưa lục địa này vào quỹ đạo chính trị và kinh tế của Nga.

Vào thời điểm của hội nghị thượng đỉnh năm 2014, diễn ra tại một khu du lịch sân golf ở Newport, Wales, cuộc xâm lấn Crimea của Nga và cuộc chiến lén lút ở miền đông Ukraine chỉ mới xảy ra vài tháng trước đó. Một loạt biện pháp vội vã nhưng đầy tham vọng đã được thỏa thuận để thay đổi lập trường của liên minh tại Châu Âu. Hội nghị Warsaw năm nay sẽ hoàn tất chuyển biến đó. Jens Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy và nay là tổng thư ký NATO (lãnh đạo dân sự của liên minh này), nói, “NATO không muốn đối đầu với Nga. Hành động của chúng tôi tương xứng với tình hình, có tính phòng thủ và hoàn toàn phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi.” Những nghĩa vụ đó bao gồm một loạt các hiệp ước với Nga thời kỳ hậu chiến tranh lạnh — chẳng hạn hiệp ước 1990 về Các lực lượng Quy ước ở Châu Âu, Đạo luật Thành lập NATO-Nga năm 1997 và Văn kiện Vienna, được gia hạn lần gần đây nhất vào năm 2011 — cấm triển khai quân sự ở Châu Âu và các biên giới với Nga để tránh sự tái quân sự hóa nguy hiểm của họ.

“Chiến tranh lạnh là quá khứ và chúng tôi muốn nó vẫn là quá khứ,” Stoltenberg nói khi chúng tôi dùng cà phê trong văn phòng của ông ở Brussels. Bên ngoài, những cần cẩu đang chuẩn bị dời ngôi sao NATO — tác phẩm điêu khắc bằng thép khổng lồ thể hiện biểu tượng của tổ chức này — từ vị trí hiện tại của nó ở sân chính của tổng hành dinh cũ sang tòa nhà mới bằng kính rộng lớn, trụ sở tương lai của của NATO, ở bên kia đường.

Đang lâm vào thế lưỡng nan vừa cần khắc phục nhược điểm quân sự của mình ở phía đông (NATO chưa có các lực lượng thường trực của quân liên minh đóng ở nơi khác ngoài Đức) và vừa có nguy cơ càng chọc tức Nga và kèm theo đó là triển vọng có xung đột thực sự, liên minh này đang thấy khó nói rõ về bản chất của thế đối đầu bế tắc hiện nay với Nga.

Lính Mỹ bắn tên lửa chống tăng Javelin trong diễn tập chiến đấu cho cuộc tập trận Nhát Kiếm (Ảnh: Andrejs Strokins)
Lính Mỹ bắn tên lửa chống tăng Javelin trong diễn tập chiến đấu cho cuộc tập trận Nhát Kiếm (Ảnh: Andrejs Strokins)

Tổng thư ký Stoltenberg nói tiếp, “Chúng tôi hiện không có chiến tranh lạnh, mà cũng không có mối quan hệ hợp tác chiến lược mà chúng tôi đã cố gắng thiết lập vào lúc kết thúc chiến tranh lạnh. Vì vậy chúng tôi đang ở trong một tình thế mới. Chúng tôi đang trong một bối cảnh mà chúng tôi chưa từng trải qua.” Tuy nhiên, như ông tiếp tục nhấn mạnh, liên minh đang phủi bụi xem lại nhiều kế hoạch trong những kế hoạch chiến lược tương tự — từ cách chặn những tiểu đoàn xe tăng khổng lồ của Nga khi chúng lăn xích khắp các vùng bằng phẳng của Châu Âu tới những hoàn cảnh trong đó có thể dự tính một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa — mà lần gần đây nhất được thấy áp dụng là trong thập niên 1980, và ít nhất là rút ra những bài học từ chúng, nếu không sao chép chính xác các kế hoạch chiến lược đó.

Tổng thư ký Stoltenberg cho biết hội nghị thượng đỉnh Warsaw sẽ chứng kiến NATO trải qua “sự điều chỉnh thích ứng lớn nhất … sự thực hiện lớn nhất việc phòng thủ tập thể của chúng tôi” kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng, bất chấp tuyên bố tự tin này, sự đoàn kết chính trị của liên minh đang bị thách thức bởi sự phân hóa đáng ngạc nhiên của các quan điểm bên trong liên minh. Các thành viên Đông Âu có một nỗi sợ gần như theo bản năng về các ý đồ của Điện Kremlin; các thành viên Nam Âu bận tâm về cuộc khủng hoảng di trú Địa Trung Hải; Mỹ và Anh có những đánh giá ảm đạm giống nhau về các động cơ của Vladimir Putin và mức độ hiện nay ông đang bị kẹt trên con đường ngày càng hiếu chiến do những hoàn cảnh tự ông gây ra; trong khi đó Đức, với giới ngoại giao được biết là có những mối quan hệ gần gũi nhất với chính phủ Nga, lo ngại rằng NATO đang bước vào một trò tháu cáy quân sự hết sức vô trách nhiệm.

europe-map

Hồi tháng 5, khi quân Mỹ bắt đầu nhảy dù vào phía đông cho cuộc tập trận “Nhát Kiếm”, ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier chỉ trích toàn bộ cuộc tập trận này là một trò “giễu võ dương oai” “tai hại”, một “tiếng hô xung trận”. Nếu ngôn từ của ông — nhắm thẳng vào Washington DC — thiếu ngoại giao một cách lạ thường, có lẽ là vì, ở Đức và nơi khác, những nỗi lo sợ tình hình hiện tại sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát đang quá cao độ. Việc NATO xoay trục trở lại các vùng bình nguyên và những khu rừng của Đông Âu chắc chắn đã diễn ra quá chóng vánh.

Kể từ sau cuộc xung đột vùng Balkan vào cuối thập niên 1990 và các vụ tấn công khủng bố 11/9 ở New York, phương châm không chính thức của NATO — được lặp lại vô số lần bên trong liên minh — là “không còn nơi nào hoặc không còn việc gì”, một lập trường dựa vào quan niệm cho rằng không còn gì ở Châu Âu hoặc Bắc Đại Tây Dương để NATO phải lo.

NATO dành phần lớn thập niên 1990 để giảm bớt quy mô của các hoạt động quân sự của mình trên lục địa này: những đường dây bẫy cũ được tháo gỡ; binh lính từ các căn cứ được đưa về nước và những kế hoạch chuẩn bị chiến tranh đánh bộ tổng thể được xếp lại. Sau năm 2001, các nước thành viên liên minh dành phần lớn thập niên tiếp theo tái huấn luyện quân đội của mình để triển khai ở Afghanistan và Iraq cách hàng ngàn cây số. Trọng tâm trở thành tiến hành các cuộc chiến chống phiến quân, chứ không phải các nhà nước. Nhưng tổng thư ký thời đó Jaap de Hoop Scheffer nói vào năm 2006: “[Chúng tôi] đã mở rộng phạm vi chiến lược của mình ra khỏi Châu Âu rất xa, và ngăn chặn khủng bố, chống khủng bố ngay tại nguồn, hiện nay là một sứ mệnh chính.” Tới năm 2010 tất cả 28 nước thành viên NATO đã có quân ở Afghanistan — tổng cộng 120.000 quân.

Như thể người ta đã nhắm mắt làm ngơ trước chương trình hiện đại hóa quân sự khổng lồ của Nga — bao gồm kế hoạch chi tiêu 20 ngàn tỷ rúp cho trang thiết bị tân tiến từ nay tới năm 2020. Tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Lisbon năm 2010, đối thoại, thậm chí quan hệ hợp tác, với Điện Kremlin vẫn là một mục chương trình nghị sự được thảo luận nghiêm túc. Bài phát biểu ta thán nảy lửa chống NATO và Washington do Tổng thống Putin trình bày ở Munich năm 2007, cũng như cuộc xâm lấn Georgia của Nga năm 2008, dường như đã không được xem là những nguyên cớ nghiêm túc đáng lo ngại.

Tuy nhiên, cuộc xâm lấn Ukraine năm 2013 là một sự thức tỉnh đáng kể. Và ngân sách quân sự của Nga vẫn tăng lên. Ngân sách này là 70 tỷ đôla vào năm 2013; theo dự báo của hãng phân tích quốc phòng IHS Jane, tới năm 2016 con số này tăng lên tới 100 tỷ đôla. Thật vậy, dù kinh tế Nga đang khó khăn, nhiều nhà phân tích về Nga nhận định rằng quân đội, và việc sử dụng quân đội trong việc củng cố tâm lý dân tộc chủ nghĩa ngày càng tăng, đang ngày càng trở nên quan trọng đối với việc nắm giữ quyền lực của Putin.

Phản ứng của NATO trước chiến dịch Ukraine của Nga cho tới nay xoay quanh ba thành tố chính, được quyết định ở hội nghị thượng đỉnh Wales. Thứ nhất, thành lập một “Lực lượng Hành động Phối hợp Có mức độ sẵn sàng Rất cao” [VJTF], còn gọi là “mũi nhọn”, một lữ đoàn 5.000 quân có thể được triển khai để xử lý các tình huống khủng hoảng trong vòng 48 giờ. Thứ hai, tăng gấp đôi quân số của lực lượng phản ứng hiện tại của NATO, lên tới 40.000 quân. Và thứ ba, một gói các biện pháp để “trấn an” các nước Đông Âu bằng cách tăng cường tập trận, và tăng sự hiện diện của NATO tại lãnh thổ của họ, trong đó có lập các trạm chuẩn bị trước gọi là “Các đơn vị Tích hợp Lực lượng NATO” để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai lực lượng VJTF trong các khu vực đảm trách của họ, nếu lực lượng đó được cần tới.

Hội nghị thượng đỉnh năm 2014 ở Wales tập trung vào tăng khả năng phản ứng của NATO, nhưng tránh né vấn đề thực sự cho thêm quân đóng thường trực ở Đông Âu. Các thành viên Đông Âu của NATO thúc giục áp dụng các biện pháp như vậy nhưng các tiếng nói ôn hòa trong liên minh cho rằng những biện pháp đó sẽ quá khiêu khích vào thời điểm đó. Họ cho rằng NATO nên duy trì chuẩn mực đạo đức cao và giữ các lời hứa quốc tế mà liên minh đã đưa ra. Đạo luật Thành lập NATO-Nga năm 1997 — một văn kiện buộc cả Moscow và liên minh cam kết giữ “hòa bình lâu dài và trọn vẹn” ở Châu Âu — quy định: “NATO nhắc lại rằng trong môi trường an ninh hiện tại và trong tương lai có thể tiên liệu, liên minh sẽ thực hiện sự phòng thủ tập thể của mình và các sứ mệnh khác bằng cách bảo đảm khả năng tương hợp, sự tích hợp và năng lực tăng viện cần thiết thay vì bằng cách tăng sự đóng quân thường trực của các lực lượng chiến đấu quan trọng.”

Khói tím cho biết vị trí của quân trong các cuộc diễn tập chiến đấu. (Ảnh: Andrejs Strokins)
Khói tím cho biết vị trí của quân trong các cuộc diễn tập chiến đấu. (Ảnh: Andrejs Strokins)

Ở Warsaw, cách lý giải điều khoản đó chắc chắn sẽ bị lạm dụng. Hội nghị thượng đỉnh sẽ tán thành một quyết định do các bộ trưởng quốc phòng của NATO đưa ra hồi tháng 5 ở Brussels về việc sẽ cho 3.000 tới 4.000 quân NATO, trong bốn tiểu đoàn — một Mỹ, một Anh, một Canada và một Đức — đóng ở ba nước vùng Baltic và Ba Lan trên cơ sở “lâu dài” (“persistent”). Giới chức NATO lập luận rằng điều này vẫn chưa chạm tới ngưỡng “quan trọng” (“substantial”) được định nghĩa trong Đạo luật Thành lập năm 1997. Theo họ, mục đích là để tạo ra những “dây bẫy” ngăn chặn — những đợt triển khai đủ quân số để khiến một quyết định của Nga can thiệp vào những nước đó sẽ có nguy cơ leo thang nhanh chóng.

Witold Waszczykowski, ngoại trưởng Ba Lan nói, “Chúng tôi phải nghĩ xa hơn [hội nghị] Wales. Tình hình chính trị và quân sự đã không cải thiện. Những biện pháp được thực hiện ở Wales không đủ để bảo đảm an ninh. Những quyết định ở Warsaw sẽ phải có một lập trường cứng rắn hơn. Đây là một mối đe dọa sinh tồn cho các nước vùng Baltic … thời kỳ hòa bình đã chấm dứt.”

Quân đội Nga có cách nhìn nhận khá khác về lịch sử quân sự gần đây của NATO. Hồi tháng 5-2014, Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng Nga, khi phát biểu ở Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow đã thuyết trình chi tiết về điều mà ông gọi là chủ thuyết “các cuộc cách mạng màu” đang phát triển của phương Tây. Ông kết luận rằng việc NATO tăng cường ở các nước vùng Baltic và Ba Lan là một phần của cuộc cờ lớn hơn để mạnh mẽ bành trướng ảnh hưởng của liên minh này ở Ukraine và có thể ngầm hiểu là ở chính Nga. Phân tích của Tướng Gerasimov — mà nay chi phối tư tưởng quân sự ở Điện Kremlin — chịu ảnh hưởng từ luận điệu đã bén rễ sâu bên trong giới chóp bu về an ninh của Nga về NATO và phương Tây.

Theo luận điệu này, với sự sụp đổ của Liên Xô do bàn tay của Mỹ, tổ hợp quân sự phương Tây đã bắt đầu tìm cách buộc những nơi khác trên thế giới quy phục trước ý chí kinh tế và chính trị của phương Tây. Trong những cuộc xung đột liên tiếp sau năm 1990, NATO và các cường quốc quân sự lớn nhất đã hiệu chỉnh một công thức quân sự về “thay đổi chế độ” để lật đổ hoặc gây bất ổn cho những chính phủ không tuân theo các giá trị kinh tế và dân chủ của phương Tây. Theo cách nhìn này, Kosovo, Afghanistan, Iraq, Libya và Mùa xuân Ả rập là một phần của một chuỗi liên tục. Tương tự như vậy là cách mạng Hoa hồng ở Georgia (2003), cách mạng Cam ở Ukraine (2004), cách mạng xanh lục ở Iran (2009) và gần đây nhất là nội chiến Syria.

Lính Latvia tham gia trong cuộc tập trận Tapa. (Ảnh: Andrejs Strokins)
Lính Latvia tham gia trong cuộc tập trận Tapa. (Ảnh: Andrejs Strokins)

Sir Richard Shirreff, vị tướng từng là phó tư lệnh đồng minh tối cao tới năm 2014 của các lực lượng NATO ở Châu Âu, nói, “Chúng ta vẫn trong trạng thái phủ nhận… Chúng ta không ở trong thời chiến tranh lạnh nhưng chúng ta cần một khuôn khổ hoàn toàn mới mà chúng ta phải thực tế về nó. Điều Putin đang thấy là sự yếu kém chính trị … các nước trên khắp Châu Âu giả định rằng hòa bình sẽ tiếp tục dù hiện không sẵn sàng làm điều mà NATO đã sẵn sàng làm trong thời chiến tranh lạnh. Toàn bộ quan niệm ngăn ngừa lúc đó đã được cân nhắc kỹ càng … Nay, những nỗ lực của chúng ta khá yếu ớt.”

Cuốn sách mới của tướng Gen Shirreff, War with Russia (Chiến tranh với Nga) — một tác phẩm hư cấu có ý định càng phản ánh trung thực thực tế chính trị càng tốt — chẳng bộc lộ nghi ngờ gì trong đánh giá khá ảm đạm của vị tướng này về tình trạng đối đầu bế tắc hiện nay với Nga và hướng đi mà tình trạng này đang dẫn dắt phương Tây. Theo ông, câu trả lời duy nhất là sự tăng cường đáng kể của sườn phía đông của NATO. “[Người Nga] xem thường sự yếu đuối. Thấy chỗ nào có điểm yếu là họ cứ tiếp tục thăm dò nó như chọc vào giữa tâm miếng kẹo dẻo xốp. Trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng không nên loại trừ đối thoại. Nhưng để có đối thoại thích hợp chúng ta cần có cách ngăn ngừa đáng tin.”

Sự đình đám của cuốn War with Russia đã gây phẫn nộ về chính cuốn sách này. Khi dự một cuộc họp của NATO ở Brussels hồi tháng 5, ngoại trưởng Vương quốc Anh Philip Hammond phê phán Tướng Shirreff về hành vi “phá rối” và chê bai cuốn sách chỉ là thứ giật gân rẻ tiền: “Tôi nghĩ chẳng có người nào nghiêm túc lại nghĩ rằng kiểu kịch bản mà ông ta giả định có tí gì khả dĩ.” (Vị ngoại trưởng này có hiềm khích từ lâu với Tướng Gen Shirreff: năm 2014, khi Hammond là bộ trưởng quốc phòng Vương quốc Anh, Tướng Shirreff chỉ trích các kế hoạch cắt giảm quốc phòng của ông.) [Giữa tháng 7, tân thủ tướng Theresa May đã bổ nhiệm dân biểu Boris Johnson, cựu thị trưởng London, làm ngoại trưởng. N.D.]

Hammond không hề là người có tiếng mềm mỏng với Nga. (Thực ra, một nhà ngoại giao cao cấp của Đức chỉ trích sự hiếu chiến “không ngừng” của Vương quốc Anh bất cứ khi nào vấn đề Nga xuất hiện trong bàn nghị sự hàng đầu của giới lãnh đạo Châu Âu.) Tuy nhiên, theo phán đoán của ông, hội nghị thượng đỉnh Warsaw có vẻ như sẽ đạt được sự cân đối hợp lý. “Đây là những nước cờ phòng thủ … Chúng tôi muốn triển khai trên một quy mô mà tính tổng cộng sẽ đạt tới một lữ đoàn [4.000 tới 5.000 quân]. Bất cứ quy mô nào nhỏ hơn vậy sẽ không đủ, còn lớn hơn thì có thể bị hiểu sai là một hành động gây hấn.”

Tuy vậy — trong hàng chục cuộc phỏng vấn được thực hiện cho bài báo này, cả phát biểu có ghi âm lẫn không ghi âm, với các quan chức quân sự cao cấp đương nhiệm bên trong liên minh này cũng như các nhà ngoại giao dân sự và quan chức tình báo — chính đánh giá bi quan hơn của Tướng Shirreff nhận được sự đồng tình nhiều nhất của quan điểm quân sự chính thống hiện nay trong NATO. Trung tướng Jonas Vytautas Zukas, người đứng đầu quân đội Lithuania, nói: “Chúng ta không còn các cấu trúc cho thời bình nữa. Chúng ta đang tạo ra các cấu trúc cho thời chiến.”

Lithuania tái áp dụng quân dịch hồi năm ngoái. Ngân sách quốc phòng của nước này tăng 30 phần trăm trong năm 2015, và sẽ tăng với mức tương tự vào năm 2016. Toàn bộ quân đội của nước này đang được hồi sinh và cải tổ. Ở vùng Baltic, ngay trước cửa nước Nga, và nằm trong cái bóng của một lịch sử lâu đời và đẫm máu, mối đe dọa này được cảm nhận rõ nhất. Nhưng nó không còn là một nỗi lo sợ chỉ có vùng này mới thấy. Đại tá Jakob Sogard Larsen, chỉ huy người Đan Mạch của “đơn vị tích hợp” của NATO ở Lithuania, nói, “Ta thấy mọi việc khác hẳn ở đây. [Sự hiện diện gia tăng] của NATO ở đây đã mở mang nhiều đầu óc. Ta cảm nhận là Nga khó tiên đoán được và không minh bạch. Người dân ở đây lo sợ … Đối với NATO, điều đó có nghĩa là chúng ta cần học lại và suy nghĩ lại về chiến tranh toàn diện. Có phải đệ nhất thế chiến đã có thể tiên đoán được? Có phải đệ nhị thế chiến đã có thể tiên đoán được?”

Theo Đại tá Larsen, mục đích là tạo nên các biện pháp ngăn ngừa có thể ngăn chặn để chiến tranh ngay từ đầu không xảy ra. Và điều đó đòi hỏi phải có sự tín nhiệm.

Theo một quan chức cao cấp Ngũ Giác Đài của Mỹ, vấn đề đáng quan ngại nhất không phải là chuyện Nga cho hàng đoàn xe tăng lăn bánh khắp vùng Baltic trong một chiến dịch chiếm đất lộ liễu. Nỗi lo sợ trong nhiều cơ quan tình báo và bộ quốc phòng của phương Tây là Nga có thể tính toán sai. Chủ thuyết quân sự của Điện Kremlin — mà trong vài năm qua đã tập trung vào các kế hoạch phá hoại và khiêu khích NATO ở mức độ được tính toán cẩn thận để chỉ vừa ở mức ngay dưới ngưỡng của Điều 5 của NATO, điều khoản “mọi người vì một người và một người vì mọi người” gây ra chiến tranh công khai — có thể có tác dụng ngược vì khuyến khích một hành động mà NATO không còn tin là có thể tha thứ.

Trong một chuyến tới Warsaw gần đây, tôi dùng bữa tối với một quan chức tình báo Ba Lan, người đã nêu ra một kịch bản ác mộng. Thử tưởng tượng một cuộc tấn công trực tuyến vô danh, gây bất ổn nhắm vào Estonia (cả quốc gia này dựa vào một hệ thống nhận dạng và quản lý nhà nước bằng kỹ thuật số duy nhất gọi là X-Road; hệ thống này cấp cho công dân một sổ thông hành kỹ thuật số dùng cho mọi việc từ bỏ phiếu bầu cử tới y tế và dịch vụ ngân hàng), trùng hợp với bạo động thỉnh thoảng xảy ra do những kẻ khiêu khích xúi giục và việc ồ ạt tăng cường tuyên truyền của các kênh TV của Nga (được khoảng một phần sáu dân số Estonia xem). Giữa cảnh gia tăng tình trạng vô luật pháp, hoặc có thể là những cuộc tấn công được dàn dựng nhắm vào sắc dân Nga (chiếm một phần tư dân số Estonia) do các lực lượng đặc biệt Nga hoạt động ngầm, Nga tuyên bố một sứ mệnh “gìn giữ hòa bình” tạm thời để lập một vùng đệm quanh thành phố ở vùng biên giới Narva có dân Nga, ở phía đông Estonia. Lúc đó NATO phải cân nhắc cách phản ứng: tuyên chiến với Nga về một can thiệp vặt vãnh như vậy? Hay kiềm chế, và nếu vậy thì gây sút giảm đáng để lòng tin của các nước thành viên Đông Âu về sự tín nhiệm của liên minh? Đối với Nga, theo quan chức Ba Lan đàm đạo với tôi, toàn bộ mục đích là để triệt tiêu sự tín nhiệm của NATO. Chiếm đất ở vùng Baltic hoàn toàn là chuyện phụ.

Những kịch bản như vậy không phải là hão huyền. Trong một chuyến đi gần đây của tôi tới Tallinn, một quan chức an ninh cao cấp của Estonia nói với tôi rằng bất cứ khi nào Nga tiến hành các cuộc tập trận lớn gần biên giới Estonia, số lượng các vụ âm mưu tấn công trực tuyến từ Moscow nhắm vào Estonia tăng đáng kể. Ông nói không rõ liệu những hoạt động như vậy chỉ nhằm để dọa Estonia hay có ý đồ hủy diệt thực sự. “Nhưng có lẽ đó là mục tiêu.”

Trong vài tháng qua, tất cả các nước vùng Baltic đã được NATO giao nhiệm vụ soạn các tình huống giả định chi tiết và chuyển lên cho ban chỉ huy cấp cao của liên minh để giới hoạch định có thể tính toán các phản ứng.

Trung tướng Riho Terras, người đứng đầu quân đội Estonia, nói chiến tranh với Nga là điều không thể tiên đoán được. Nhưng một kết luận như vậy nên là lý do để thận trọng và quan ngại, chứ không phải tự mãn. Tướng Terras nói, “Chúng ta rất dở về phân tích hoặc tiên đoán ý đồ. Chúng ta đã không làm được điều đó khi Nga xâm lấn Georgia [vào năm 2008]. Chúng ta đã không làm được điều đó ở Ukraine [vào năm 2014]. Chúng ta lại không làm được khi Nga cử quân sang Syria [năm 2015]. Hồi chuông cảnh báo đã bị tắt đi sau biến cố Georgia. Chúng ta ngủ luôn và như vậy là không tốt. Nga đã không thay đổi kể từ đó. Họ xác định NATO là một mối đe dọa, điều đó được viết đúng chính xác như vậy trong chủ thuyết của họ.”

Điệp khúc phổ biến của Nga là việc tăng cường quân sự ở vùng biên giới của mình là một phản ứng trước sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của chính NATO. Nhưng sự hiện diện của NATO trong khu vực này chẳng nghĩa lý gì so với sức mạnh của Nga. Hồi tháng 2, Rand Corporation, một cơ quan nghiên cứu độc lập được chính phủ Mỹ và các tổ chức khác tài trợ, đã xuất bản một bản đánh giá sâu rộng về tình hình quân sự ở Baltic. Dựa trên hàng trăm cuộc xung đột mô phỏng, theo các tác giả của báo cáo này, các kết luận của nghiên cứu này là “rõ ràng”. Với các lực lượng hiện nay của mình, “NATO không thể bảo vệ thành công lãnh thổ của các nước thành viên dễ gặp nguy hiểm nhất của mình.” Ngay cả những kết cuộc ít tác hại nhất cho liên minh cũng cho thấy các lực lượng Nga chiếm Riga, Vilnius hoặc Tallinn trong vòng tối đa 60 giờ và các lực lượng NATO chịu thất bại “thê thảm”.

Nghiên cứu của Rand dựa trên thông tin nguồn mở về các đợt triển khai của Nga và NATO. Nên tôi hỏi một vị tướng cao cấp của Đức, người hiểu tường tận về công tác hoạch định hậu cần và chiến lược của NATO, liệu báo cáo nghiên cứu đó có chút nào phản ánh các giả định được bảo mật của NATO hay không. Ông nói các kết cuộc có khác chút ít, nhưng các kết luận của Rand “về cơ bản giống hệt” các kết luận của ủy ban quân sự. Ông nói NATO rõ ràng mạnh hơn Nga về chiến lược — nhưng về mặt chiến thuật, khu vực, Nga có thể đè bẹp liên minh ở phía đông một cách tương đối dễ dàng.

Địa lý không có lợi cho NATO trong việc bảo vệ và ngăn ngừa Nga ở Đông Âu. Tướng Terras của Estonia nhận xét, “Các nước Baltic giống như một hòn đảo. Khoảng cách giữa Belarus [công khai thân Moscow] và Kaliningrad [vùng đất quân sự hóa cao độ của Nga nằm ở vùng Biển Baltic] tương đối nhỏ. Có một đường xe lửa và hai con đường chạy qua nó.”

Đây là hành lang Suwalki — một vấn đề địa lý nan giải mà các nhà chiến lược NATO thảo luận theo cách giống như hành lang Fulda của Đức (dải dất khó bảo vệ mà xe tăng Liên Sô có thể dễ dàng lăn bánh qua) đã được bàn trong thời chiến tranh lạnh. Tướng Terras nhận xét rằng Nga có thể dễ dàng hành quân qua đó và cắt đứt ba nước NATO ở phía bắc hành lang này — Lithuania, Latvia và Estonia — khỏi phần còn lại của liên minh.

Một máy bay A-10 Thunderbolt II trên bầu trời Tapa, Estonia, hồi tháng 6. (Ảnh: Andrejs Strokins)
Một máy bay A-10 Thunderbolt II trên bầu trời Tapa, Estonia, hồi tháng 6. (Ảnh: Andrejs Strokins)

Đặt ba tiểu đoàn NATO ở phía bắc hành lang này, như hội nghị thượng đỉnh Warsaw sẽ cho phép, là một cách phản ứng trước điều này: làm như vậy, NATO tăng mức cược và gây khó khăn hơn cho Nga trong việc tính toán một cuộc tấn công mà sẽ không leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện. (Nhiều người trong giới quân sự cấp cao của NATO tin rằng Nga sẽ không đủ khả năng chịu đựng một cuộc xung đột kéo dài, nên sẽ chỉ muốn dàn dựng một cuộc xung đột ngắn hơn, có hạn, có tính chiến thuật.) Theo nhiều quan chức cấp cao được phỏng vấn cho bài báo này, “những dây giăng bẫy” không đủ. Nga cần được ngăn ngừa không phải bằng cách biện pháp có tính biểu tượng mà bằng các lực lượng được trang bị đầy đủ có khả năng đẩy lùi bất cứ đòn tấn công nào nhắm vào họ.

Một phần trong mối quan ngại của họ là do mức độ lớn lao của thách thức mà NATO hiện đã chật vật xử lý vì những tuyên bố của mình ở hội nghị thượng đỉnh Wales — và những hạn chế của các biện pháp đó. Ví dụ, lực lượng mới toanh VJTF của NATO — lữ đoàn phản ứng nhanh mũi nhọn — có thể vô dụng được nếu Nga hành động đủ nhanh và quyết đoán. Một vị tướng có tham gia công tác hoạch định hậu cần cho VJTF nói rằng không thể triển khai được “ở phía đông sông Oder” nếu xảy ra chiến tranh công khai. Lực lượng này quá dễ bị tổn hại trong quá trình hành quân và triển khai. Và trong những trường hợp mà lực lượng này có thể được triển khai — được gọi là các tình huống “Điều 4”, trong đó một nước yêu cầu hỗ trợ do một tình huống an ninh nhanh chóng xấu đi — vẫn còn nhiều trở ngại lớn.

Một sĩ quan cấp cao ở đại bản doanh Szczecin của Quân đoàn Đa quốc gia Đông bắc, trung tâm chỉ huy mới tăng cường của NATO ở Đông Âu, liệt kê một loạt những khó khăn hậu cần. Ví dụ, thời chiến tranh lạnh, chính phủ Tây Đức có hàng ngàn ô-tô ray để di chuyển các trang thiết bị quân sự. “Hiện nay chúng tôi có khoảng một trăm. Trước đây chúng tôi thường nói chúng tôi cần để sẵn 2.000 ô-tô ray. Bây giờ chỉ để dự phòng 20 cái thôi cũng tốn kém lắm.” Vì cơ sở hạ tầng thuộc tư hữu trên toàn Châu Âu — chuyện tương đối hiếm cách đây 40 năm — nay NATO phải nói chuyện với những cấp những giới nhiều tới khó hiểu thậm chí chỉ để di chuyển số lượng rất ít xe tăng quanh lục địa này. Sự di chuyển quân sự ở các nước cựu thành viên của khối Hiệp ước Warsaw Pact và nay là thành viên NATO có thêm nhiều khó khăn khác: phần lớn cơ sở quân sự ở đó vẫn phục vụ các nhu cầu Liên Sô, chứ không phải phương Tây. Ví dụ, các sân bay ban đầu được xây dựng cho máy bay chiến đấu MiG21, với các đường băng dài, dường như lý tưởng để NATO hạ cánh những máy bay vận tải C-130 cồng kềnh để tập vận chuyển lực lượng VJTF. Nhưng các đường băng này thừa về chiều dài lại thiếu về chiều rộng: không thể dễ dàng xoay một chiếc C-130 trên một đường bằng dành cho MiG21, chứ đừng nói gì tới chuyện dỡ hàng xuống.

Một số vấn đề tầm thường tới mức vô lý: xe quân sự không tuân thủ các quy định về khí thải của một số quốc gia. Trước mỗi cuộc tập trận phải xin giấy phép đặc biệt mất mấy tuần mới cấp được. Lực lượng VJTF phải triển khai trong vòng không quá 48 giờ nhưng tài xế xe tải vận chuyển xe tăng và pháo vẫn cần có số giờ ngủ tối thiểu theo quy định của Liên hiệp Châu Âu (EU).

Các giải pháp đang từ từ được tìm ra. Ví dụ, các chuyên viên mật mã NATO đã chế tạo một thiết bị mới để mã hóa thông tin liên lạc quân sự để có thể gởi chúng qua các mạng lưới thông tin liên lạc thông thường (cái mà giới quân sự gọi là Internet “bẩn”), giúp liên minh có thể liên lạc nhanh chóng và dễ dàng mà không phải trở lại dùng các hệ thống phần cứng cũ kỹ, lạc hậu và dễ gặp rủi ro mà các nước thành viên kém tân tiến sử dụng. Trong khi đó, Deutsche Bahn đã được ký hợp đồng xử lý những trở ngại về hậu cần cho các đợt triển khai bằng xe lửa. Công ty hỏa xa Đức này đảm nhận các đợt triển khai ở Ba Lan hồi tháng 5 và tháng 6.

Cách đây một năm, NATO mất trung bình 30 ngày để có được các giấy phép phù hợp để chuyển quân quanh Châu Âu. Nay, theo một trong những chỉ huy hậu cần quân sự của liên minh này, mất trung bình 5 ngày. Tuy nhiên vẫn còn quá lâu so với thời hạn 48 giờ đã hứa.

Tổng thư ký Stoltenberg nói rằng đàm phán với Nga như với một vị thế có sức mạnh là phương hướng mà NATO cần đi theo. Mỗi khi tôi gặp vị tổng thư ký này, ông luôn đưa ra cùng một ví dụ: khi ông là thủ tướng Na Uy, một nước nhỏ, ông đã có thể thương thảo với Nga một cách bình đẳng về nhiều vấn đề — từ kiểm soát biên giới tới quyền đánh cá — chính vì Na Uy là thành viên NATO, chứ không phải bất chấp điều đó. Là thành viên của một liên minh hùng mạnh không khiến Na Uy bị Moscow khinh thường, mà được tôn trọng.

Vẫn chưa ai rõ liệu Nga có xem những tăng cường của NATO có đáng tin hay không. Cho tới nay việc hứa hẹn triển khai bốn tiểu đoàn ở phía đông chỉ mới vấp phải những bài phát biểu phẫn nộ. Hồi tháng 1, Putin tuyên bố rằng việc tăng cường của NATO là “mối đe dọa an ninh quốc gia”. Hồi tháng 5, Andrei Kelin, một nhà ngoại giao cấp cao thuộc bộ ngoại giao, cảnh báo Nga sẽ có “những biện pháp trả đũa”. Trong khi đó, phe hiếu chiến ở NATO cho rằng sự la lối ầm ĩ của Nga chẳng qua chỉ là cái cớ cho công cuộc quân sự hóa hung hăng mà Nga đằng nào cũng đã có ý định tiến hành.

Stoltenberg nói, “Cách tiếp cận của chúng tôi không phải là dựa vào luận điệu từ Nga. Mà dựa vào những gì chúng tôi thấy là họ đang thực sự làm.”

Theo ông, cho tới nay những gì NATO thấy không khích lệ lắm. “Chúng tôi thấy một nước Nga quyết đoán hơn. Chúng tôi thấy một nước Nga đã tăng cường các lực lượng quân sự của mình trong nhiều năm qua — hiện đại hóa các lực lượng đó. Họ đang tập luyện các lực lượng đó. Họ đã tăng sự hiện diện ở Biển Barents, Biển Đen, và Biển Baltic và ở Syria và đông Địa Trung Hải. Họ đã dùng lực lượng quân sự để thay đổi biên giới ở Châu Âu, sáp nhập phi pháp Crimea và gây mất ổn định miền đông Ukraine.”

Tổng thư ký Stoltenberg nói thêm, “Sẽ có lợi cho cả NATO và Nga nếu tránh căng thẳng gia tăng, leo thang và thậm chí các thách thức an ninh khó khăn hơn ở Châu Âu. Ông cho rằng ít nhất là các kênh và nghi thức thông tin liên lạc cũ — các đường dây nóng của thời chiến tranh lạnh — cần được hồi sinh. “Những tính toán sai lầm… những hiểu lầm… Hiện nay, những sự cố đó có thể gây ra những tình huống hết sức nguy hiểm.”

Nguồn: Sam Jones, European wargames, Financial Times, 30-6-2016

(Bản lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng hai kỳ trên Thời Mới-Canada ngày 13 & 20/7/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *