Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân), Giáo sư Claremont McKenna College
Tăng trưởng kinh tế nhanh đã không thể ngăn cản làn sóng bất mãn ngày càng cao ở Trung Quốc. Ngay cả khi kinh tế cất cánh, số vụ biểu tình phản kháng đã tăng vọt. Vì đâu nên nỗi?
Sự bùng nổ biểu tình quần chúng tự phát chống tham nhũng và lạm dụng quyền lực ở Trung Quốc hiện nay không tỏ dấu hiệu thuyên giảm. Trong biến cố gần đây nhất được báo chí phương Tây liên tục đưa tin, hàng ngàn dân làng Ô Khảm, một cộng đồng làm nông ở tỉnh Quảng Đông, “đã chiếm đóng” làng của mình trong gần hai tuần trước khi thành công trong việc buộc chính quyền tỉnh (đã phải cử phó bí thư tỉnh ủy xuống thương lượng với dân làng) có những nhượng bộ quan trọng. Ngòi nổ cụ thể làm bùng phát cuộc biểu tình quần chúng đông đảo khác thường này là một tai họa phổ biến thường ập xuống đầu nông dân Trung Quốc: tình trạng cán bộ địa phương ăn cắp đất đai của dân. Mặc dù nông dân ở Trung Quốc, ít nhất là về danh nghĩa, được thuê 30 năm đối với đất thuộc sở hữu nhà nước, cán bộ địa phương thường bán những hợp đồng cho thuê này cho những nhà phát triển địa ốc thương mại để hưởng lợi nhuận kếch xù mà không thèm hỏi ý kiến những nông dân bị ảnh hưởng. Phần lớn số tiền thu được từ những giao dịch phi pháp như vậy đổ vào kho bạc của chính quyền địa phương và rơi vào túi của những cán bộ tham ô, trong khi những nông dân nay đất chẳng còn mà thu nhập cũng không chỉ nhận được vài đồng còm cõi.
Dân làng Ô Khảm nằm trong số hàng triệu nạn nhân của thủ đoạn lan tràn này ở Trung Quốc. Những trường hợp tịch thu đất phi pháp (cùng với những trường hợp cưỡng chế di dời ở các vùng đô thị) đã trở thành nguyên nhân phổ biến nhất của những cuộc biểu tình và bạo động tập thể ở Trung Quốc ngày nay. Theo ước tính của các học giả Trung Quốc, chúng chiếm khoảng 60 phần trăm những sự kiện gọi là “biến cố quần chúng” được chính quyền Trung Quốc ghi nhận. Khác với dân làng Ô Khảm được lãnh đạo cao cấp của tỉnh Quảng Đông hứa xem xét lại những giao dịch đất đai mờ ám, đa số nông dân bị cướp đất chẳng được chính quyền giúp đỡ gì.
Do quy mô, thời gian và kết quả của cuộc biểu tình ở Ô Khảm, giới phân tích chính trị Trung Quốc dễ sa vào chỗ xem biến cố này là tín hiệu cho tình hình sắp tới. Phải chăng biến cố này sẽ khuyến khích những nông dân oan ức ở nơi khác tập hợp lại để biểu tình theo cách tương tự? Phải chăng việc xử lý nhẹ nhàng cuộc biểu tình ở Ô Khảm cho thấy khi phản ứng trước tình hình bất ổn xã hội, Đảng Cộng sản sẽ có cách hành xử khác ?
Ta không nên suy diễn quá nhiều từ một biến cố. Lý do hợp lý nhất của việc giải quyết êm xuôi biến cố này có liên quan đến bối cảnh chính trị chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Bắc Kinh, vì bí thư tỉnh ủy Quảng Đông [Uông Dương, Wang Yang – N.D.], một ứng cử viên sáng giá giành ghế trong Thường vụ Bộ Chính Trị gồm chín ủy viên, có thể đã gây tổn hại cơ hội của mình nếu cuộc biểu tình này kết thúc bằng một cuộc tắm máu. Hoàn cảnh chính trị khác thường đã buộc cán bộ địa phương có lối cư xử cẩn trọng và kiềm chế hiếm thấy. Tuy nhiên, biến cố Ô Khảm chắc hẳn khiến giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lo âu.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc rất có thể sẽ lại có thêm một giai đoạn xã hội vô cùng bất ổn. Thực vậy, lãnh đạo cao cấp nhất của đảng phụ trách an ninh nội địa gần đây đưa ra lời cảnh báo u ám về tình trạng bất ổn xã hội đang tăng lên. Nguyên nhân cụ thể do ông nêu ra là kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại với nhu cầu xuất khẩu giảm sút, thị trường bất động sản suy sụp, và nợ xấu chồng chất trong hệ thống tài chính. Tuy đúng là thành quả kinh tế yếu kém sẽ làm giảm tính chính đáng của Đảng và mức thất nghiệp gia tăng sẽ khiến hàng ngũ những người bất mãn càng đông đảo hơn, những nguyên nhân gây nên phản kháng xã hội ở Trung Quốc không có tính chu kỳ, mà có tính cơ cấu. Nói cách khác, dân thường ở Trung Quốc nổi loạn chống chính quyền địa phương không phải vì khó khăn kinh tế tạm thời, mà vì sự lạm dụng quyền lực có tính hệ thống và lan tràn, và nạn chuyên quyền đê tiện mà thủ phạm là những cán bộ đại diện cho nhà nước độc đảng.
Để hiểu tại sao đúng như vậy, ta chỉ cần đặt mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc cạnh mức gia tăng những biến cố biểu tình quần chúng được báo cáo. Số vụ biểu tình quần chúng tăng bất kể thành quả tăng trưởng của Trung Quốc ra sao. Tỉ lệ gia tăng biểu tình quần chúng cao hơn tỉ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Năm 1993, chính quyền báo cáo 8.709 biến cố như thế. Năm 2005 có 87.000 vụ được báo cáo. Có lẽ để phủ nhận thực tế cay đắng này, kể từ đó Bắc Kinh đã ngừng công bối số liệu chính thức. Tuy nhiên, giới xã hội họ Trung Quốc ước tính rằng số biến cố quần chúng đã lên đến 180.000 hồi năm ngoái. Điều đáng chú ý về những số liệu này là tăng trưởng kinh tế thậm chí đã châm ngòi cho sự bất mãn xã hội ở Trung Quốc. Quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong thập niên vừa qua. Số biến cố quần chúng tăng khoảng bốn lần trong cùng thời kỳ.
Nhận xét có vẻ ngược đời này đưa ta đến một câu hỏi tự vấn khác: tại sao tăng trưởng kinh tế đang khiến ngày càng có nhiều người dân thường ở Trung Quốc bất mãn? Có thể nghĩ ngay đến ba câu trả lời như sau.
Thứ nhất, những lợi ích của tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc hiện không được chia sẻ công bằng, trong đó giới chóp bu kinh tế và chính trị chiếm lấy phần nhiều nhất. Giống như ở phương Tây, mức độ bất bình đẳng ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong hai mươi năm qua. Ngày nay, sự chênh lệch thu nhập ở Trung Quốc đang tiến đến gần bằng mức độ ở Mỹ La tinh. Quan trọng hơn, vì những quan hệ chính hệ và tham nhũng có tầm quan trọng đối với thành công kinh tế trong chế độ chuyên quyền kiểu tư bản bè phái, dân thường hầu như ai cũng xem của cải mà giới chóp bu kiếm được là không chính đáng. Điều này tạo ra một môi trường xã hội trong đó lòng căm ghét người giàu và người có quyền lực có thể sẵn sàng biểu lộ bằng các cuộc biểu tình và bạo động.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tuy có tỉ lệ cao đáng nể, nhưng thực ra có chất lượng thấp. Kinh tế Trung Quốc tăng tiến bằng cách cắt giảm các dịch vụ xã hội (chẳng hạn như y tế, xóa đói giảm nghèo, và giáo dục) và không quan tâm đến môi trường. Dịch vụ xã hội sút giảm có thể gây bất mãn ở dân thường, những người vốn phải dựa vào các dịch vụ này nhiều hơn giới chóp bu. Tệ hơn nữa, sự xuống cấp môi trường, một kết quả trực tiếp từ việc Bắc Kinh mù quáng chú trọng đến tăng trưởng GDP, nay đã trở thành một nguyên nhân chính gây ra phản kháng xã hội. Bộ Bảo vệ Môi trường đã công khai xác nhận rằng những biến cố quần chúng do ô nhiễm môi trường gây ra đã tăng với tỉ lệ hai chữ số mỗi năm (mặc dù bộ này không tiết lộ con số thực tế).
Thứ ba, phản kháng xã hội là một phản ứng tất yếu của dân thường đối với tham nhũng có hệ thống, trấn áp và nạn chuyên quyền đê tiện là đặc trưng của một chế độ độc đảng. Trong một hệ thống như vậy, những đại diện của chế độ có quyền lực lớn lao nhưng không có trách nhiệm giải trình. Việc họ dùng áp bức và vũ lực chống lại những công dân chẳng được ai bảo vệ đã thành thói quen thường nhật. Trong vụ Ô Khảm, mồi lửa châm ngòi cho cuộc biểu tình quần chúng này là cái chết của một người đại diện được dân làng cử đi thương lượng với chính quyền địa phương. Người ta cho rằng anh ta đã bị cảnh sát tra tấn. Vì hệ thống này tạo ra những nạn nhân vô tội hàng ngày, hệ thống này chí ít cũng nên dự trù có lúc những nạn nhân của hệ thống nổi dậy để tự vệ.
Do đó có thể thấy rõ là phản kháng xã hội với sự tham gia của đông đảo quần chúng đã trở thành một đặc điểm thường trực của hệ thống chính trị Trung Quốc. Mặc dù sự phản kháng đó tự thân nó sẽ không phế truất Đảng Cộng sản, nhưng nó sẽ làm suy yếu sự cai trị của đảng theo nhiều cách tinh vi. Cố duy trì kiểm soát đối với nhân dân bất kham nghĩa là đảng buộc phải càng dùng thêm nhiều nguồn lực cho an ninh nội địa. Còn nếu để mặc cho những phản kháng thường nhật đó – được khuếch tán rộng rãi nhờ Internet và blog – xảy ra thì đảng có vẻ nhu nhược và bất lực. Có hàng chục triệu công dân bất bình cũng có nghĩa là phong trào đối lập tiềm năng có thể tìm được các đồng minh chính trị trong quần chúng bị áp bức của Trung Quốc. Tệ hơn hết, trong một cuộc khủng hoảng chính trị, những kẻ thù này của chế độ có thể đều nổi dậy chống đối một cách tự phát.
Có lẽ giới chức an ninh nội địa của Trung Quốc thậm chí nên lo lắng nhiều hơn. Hôm nay là Ô Khảm. Tiếp đến là Bắc Kinh chăng?
Bản tiếng Anh: Occupy Beijing?, The Diplomat, 30/12/2011
Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2012/01/14/occupy-beijing/
9 thoughts on “Chiếm đóng Bắc Kinh?”