Bí ẩn về Phòng 39 của Bắc Hàn

Giữa năm ngoái, người dân Bình Nhưỡng bắt đầu để ý một đội xe taxi mới hoạt động tại thủ đô Bắc Hàn. Với thân xe sơn màu đỏ sậm và vàng, những chiếc xe sedan sáng bóng này dễ nhận ra lúc chạy trên những con đường ngăn nắp của thành phố này. Những chiếc xe này mang logo của hãng taxi: KKG.

Chuyện KKG nhanh chóng đánh bật các hãng taxi đối thủ khác – một trong số đó được đồn đoán là có liên hệ với cơ quan an ninh – gây tò mò về người đứng đằng sau hãng mới này. Cùng logo đó cũng thấy xuất hiện trên những chiếc 4×4, trên một biển quảng cáo về một dự án xây dựng công trình bất động sản bờ sông và trên các xe buýt tại sân bay Bình Nhưỡng. Giống như các tài xế taxi Bắc Hàn khác, tài xế của hãng KKG yêu cầu khách trả tiền bằng ngoại tệ: chủ yếu là nhân dân tệ của Trung Quốc, nhưng cũng bằng euro và dollar. Và đó chính là một manh mối.

Tuy luôn lớn tiếng tuyên bố rất cần phát triển kho vũ khí hạt nhân, giới cai trị Bắc Hàn không có nhiệm vụ nào cấp bách hơn là thu về ngoại tệ. Theo giới chuyên gia, chế độ này có nguy cơ sụp đổ do các biện pháp trừng phạt quốc tế. Chỉ riêng doanh thu từ taxi thôi thì khó mà đáp ứng được hết nhu cầu ngoại tệ. Nhưng taxi của KKG chỉ là một phần nhỏ trong một nỗ lực lớn hơn nhiều.

Một cuộc điều tra của báo Anh Financial Times phát hiện rằng đội xe của KKG là một sản phẩm hợp tác giữa một nhóm nhà đầu tư ở Hong Kong với một cơ quan bí ẩn của nhà nước Bắc Hàn. Liên minh của chính phủ Bắc Hàn với cái gọi là Queensway Group, một tập đoàn gồm các thương gia có lịch sử tạo quan hệ với những nhà nước độc tài áp bức dân chúng, khá mờ ám. Nhưng dường như rõ ràng đó là một trong số ít những mối làm ăn giúp chế độ biệt lập nhất trên thế giới tự đứng vững.

Một quan chức Châu Á yêu cầu không nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề này nói: “KKG là một trong vài liên doanh ở Bắc Hàn và nằm trong hàng lớn nhất. Phần lớn các công ty Bắc Hàn đang chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ hoặc Liên hiệp Châu Âu (EU) hoặc Liên Hiệp Quốc. Họ luôn đổi tên, giống như tàu của họ đổi cờ. Nhưng phần lớn các công ty này thuộc về giới lãnh đạo quân đội hay Đảng Công nhân Triều Tiên cầm quyền của Bắc Hàn. Và họ nằm trong danh sách bị trừng phạt. Nên họ cần bất cứ công ty nước ngoài có thể tạo cho họ cơ hội giao thương với nước ngoài.”

Trong khi mối bang giao giữa các cường quốc phương Tây với Iran và Cuba dường như đang tan băng, sự cô lập chính trị của Bắc Hàn vẫn như xưa. Ngay cả Trung Quốc, từ lâu đã là đồng minh, đã trở nên lạnh nhạt với Bình Nhưỡng trong những năm gần đây. Một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc năm ngoái đã mô tả những hành động tàn bạo không tưởng nổi đối với tù nhân trong các nhà tù Bắc Hàn. Những trò khiêu khích dưới thời Kim Jong Un – trong đó có một cuộc tấn công trên mạng nhắm vào Sony mà Washington quy trách nhiệm cho Bình Nhưỡng, và cuộc bắn thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hồi tháng 5 – đã càng tăng thêm nỗ lực tìm hiểu cách chế độ này len chân vào nền kinh tế thế giới.

Theo ước tính của chính phủ Nam Hàn dựa trên số liệu ít ỏi, nền kinh tế nội địa Bắc Hàn giảm hoặc tăng 1% trong những năm gần đây, với kim ngạch xuất cảng hàng năm khoảng 3 tỉ Mỹ kim, thấp hơn nhiều so với kim ngạch nhập cảng. Khi giá than và các hàng nguyên liệu khác mà Bắc Hàn xuất cảng sang Trung Quốc giảm, các mạng lưới kinh doanh như mạng lưới đứng đằng sau KKG có thể ngày càng trở nên thiết yếu trong việc thu về số ngoại tệ quan trọng cho chế độ.

Phía Bắc Hàn của mạng lưới KKG dẫn tới một cơ quan bí ẩn gọi là Phòng 39 của Đảng Công nhân Triều Tiên, theo giới chức trách Châu Á và Mỹ. “Phòng 39 một nhánh bí mật của chính phủ Bắc Hàn … hỗ trợ quan trọng cho giới lãnh đạo Bắc Hàn một phần bằng cách tham gia vào các hoạt động kinh tế trái phép và quản lý các quỹ đen và tạo nguồn thu cho giới lãnh đạo”, Bộ Tài chính Mỹ đã nhận định như vậy vào năm 2010, và tuyên bố các biện pháp trừng phạt tài chính đối với những người và tổ chức có liên hệ với Phòng 39. Một số chuyên gia ước tính tổng lợi tức hàng năm của Phòng 39 lên tới vài tỉ Mỹ kim mỗi năm.

Phòng 39 đã bị Mỹ và một số nước khác tố cáo là có nhiều hoạt động kiếm tiền trái phép chẳng hạn như làm bạc giả, buôn bán ma túy và vũ khí. EU nói Phòng 39 thuộc quyền chỉ đạo trực tiếp của Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) tới lúc ông chết vào năm 2011, khi con ông, Kim Jong Un (Kim Chính Ân), lên thay. Phòng 39 “nằm trong số những tổ chức quan trọng nhất được phân công nhiệm vụ kiếm ngoại tệ và mua hàng hóa”, theo EU. Andrea Berger, một chuyên gia về Bắc Hàn ở tổ chức nghiên cứu độc lập Royal United Services Institute của Vương quốc Anh, nói: “Phòng 39 có vai trò hết sức quan trọng. Nó thường được xem là quỹ đen của chế độ.”

Rất khó thu thập được thông tin về hoạt động của Phòng 39 nếu không dùng tới các nguồn tin tình báo quốc gia, theo Martin Uden, nguyên điều phối viên của Ủy ban Chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn. Ủy ban này nghiên cứu các hoạt động của Phòng 39 nhưng không được nước thành viên nào cung cấp thông tin tình báo. Ông nói: “Các nước thành viên chỉ cho chúng tôi biết khi họ thấy có vi phạm. Các nước thành viên không chia sẻ những điều họ xem là bí mật riêng của mình.”

Kim Jong Il có vai trò lớn trong việc thiết lập Phòng 39 (Ảnh: E. Lafforgue)
Kim Jong Il có vai trò lớn trong việc thiết lập Phòng 39 (Ảnh: E. Lafforgue)

Thông tin về Phòng 39 bắt đầu lọt ra ngoài Bắc Hàn khi những người từ bỏ chế độ Bắc Hàn và trốn ra nước ngoài từ cuối thập niên 1990. Hồi tháng 9/2014, Choi Kun-chol, một cựu quan chức ngoại thương hàng đầu từng làm việc cho Phòng 39, và nhiều cựu quan chức cao cấp Bắc Hàn bỏ trốn đã dự một hội nghị ở Hà Lan và thuật lại những chuyện nội bộ của nhà nước độc tài toàn trị này. Những người bỏ trốn từ Bắc Hàn nói rằng Phòng 39 được Kim Jong Il thành lập trong thập niên 1970 để mua chuộc tạo ảnh hưởng chuẩn bị để ông lên nắm quyền.

Vào thời Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), cha của Kim Jong Il, nền kinh tế Bắc Hàn được điều hành giống như bất kỳ nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa nào khác, với thuế lợi tức và bán hàng trên nhiều sản phẩm thường cố định ở mức 3% để tạo nguồn vốn cho các dự án nhà nước và trang trải cho lối sống xa hoa của Kim Il Sung và giới chóp bu.

Nhưng vào năm 1974, Kim Jong Il – lúc đó là ngôi sao đang lên muốn tạo dựng quyền lực của chính mình và hệ thống dùng bổng lộc chức tước để mua chuộc lòng trung thành – lập nên Phòng 39. Ken Gause, phân tích viên cao cấp chuyên về giới lãnh đạo Bắc Hàn của ban Nghiên cứu Chiến lược của CNA Corporation, nói rằng đó là cách kiếm tiền để dung dưỡng các thành phần cốt cán của chế độ.

Theo ông Gause, để thu thêm nguồn tiền giúp cho người sẽ kế thừa vị trí lãnh đạo tối cao củng cố quyền lực một cách suôn sẻ, họ đã tạo nên một trung tâm quyền lực khác. Kim Jong Il không có được sự ủng hộ của mọi giới trên toàn chế độ, nên phải mua chuộc, đút lót rất nhiều người.

Rất nhiều hoạt động được thực hiện qua các thương vụ kinh doanh trái phép như làm hàng giả (như thuốc lá và giấy bạc Mỹ kim), buôn bán vũ khí và ma túy, lừa đảo tái bảo hiểm. Một phóng sự điều tra chi tiết của tạp chí Vanity Fair năm 2009 cho biết Phòng 39 tổ chức làm và tiêu thụ “siêu dollar”. Được xem là loại giấy bạc Mỹ kim giả chính xác và tinh vi thuộc hàng nhất thế giới, “siêu dollar” là nguồn lợi tức chính Phòng 39 trong phần lớn thập niên 2000, cho tới khi Mỹ và áp lực quốc tế buộc Bắc Hàn phải giảm hoạt động này.

Phòng 39 cũng có hoạt động kinh doanh hợp pháp cái vỏ bọc công ty quốc doanh tên là Tập đoàn Daesong, trong đó đó có bán nhân sâm và đá quý. Có lẽ nhiều lợi nhuận nhất là xuất hàng dệt, than và khoáng sản sang nước láng giềng Trung Quốc.

Choi Kun-chol nói ông đã không biết rằng trong nhiều năm ông góp phần giúp kiếm tiền cho quỹ đen của Kim Jong Il. Mãi tới khi ông trốn khỏi Bắc Hàn cách đây vài năm ông mới biết điều đó. Giống như hàng ngàn người khác làm việc cho Phòng 39, ông Choi được cấp trên nói là ông kiếm tiền để xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh. Trong cuộc trả lời phỏng vấn lần đầu tiên kể từ khi bỏ trốn, ông cho biết quỹ đó được gọi là “quỹ cách mạng”. Ông nói: “Chúng tôi tự hào về công việc của mình và được trao nhiều quyền lực, nhưng chỉ có vài nhân vật cấp cao biết đó là tiền dành cho Kim Jong Il.”

Ông Choi cho biết những người có thể được chọn làm nhân viên của Phòng 39 được sàng lọc về lý lịch gia đình và lòng trung thành với chế độ. (Choi là cái họ ông lấy sau khi bỏ trốn. Dòng họ của ông vẫn còn ở Bắc Hàn.) Sau khi đã được tuyển dụng, họ được bảo vệ tránh bị cơ quan an ninh của nhà nước điều tra. Những nhân viên nào đi nước ngoài như ông có thể yêu cầu các nhà ngoại giao Bắc Hàn hỗ trợ trong các hoạt động buôn lậu.

Với sự lớn mạnh của Phòng 39, Bắc Hàn từ một nước cộng sản như bất cứ nước cộng sản nào khác trở thành một nước cộng sản có quỹ đen đặc biệt cho giới chóp bu. Sau đó, do kinh tế Bắc Hàn sụp đổ trong thập niên 1990 và các ảnh hưởng liên tục của các biện pháp trừng phạt quốc tế, giới chóp bu Bắc Hàn ngày càng dựa dẫm vào “nền kinh tế triều đình”

Chuyên gia Ken Gause giải thích: “Gia đình Kim xưa nay gặp nhiều khó khăn trong việc lấy được tiền ra khỏi các tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài nên điều đó gây áp lực lớn buộc chế độ phải dựa vào nguồn quỹ của Phòng 39. Ông ước tính hiện nay những hoạt động đó mang lại cho Phòng 39 có lẽ là hàng triệu Mỹ kim mỗi năng, và cho rằng “nền kinh tế triều đình” của Bắc Hàn kiểm soát khoảng 6 tỉ Mỹ kim. Nếu đúng, điều đó có nghĩa là giới chóp bu chính trị của Bắc Hàn nắm quỹ trị giá bằng một nửa GDP của nước này.

Lãnh tụ Bắc Hàn hiện nay Kim Jong Un, giữa, dự một buổi trình diễn hồi tháng 9/2014. (Ảnh: KCNA/European Pressphoto Agency)
Lãnh tụ Bắc Hàn hiện nay Kim Jong Un, giữa, dự một buổi trình diễn hồi tháng 9/2014. (Ảnh: KCNA/European Pressphoto Agency)

Những cựu quan chức cao cấp bỏ trốn, giới chức an ninh và giới phân tích cho rằng quỹ đen này vẫn còn giúp lãnh tụ hiện nay Kim Jong Un bảo đảm lối sống xa hoa của giới chóp bu trong xã hội Bắc Hàn để mua sự ủng hộ của họ. Kim Jong Il, cha của Kim Jong Un mất năm 2011, nổi tiếng tổ chức tiệc tùng linh đình, hoang phí cho các quan chức và nhập cảng những mặt hàng xa xỉ như rượu cognac cho chính mình và giới chóp bu. Giới phân tích và giới chức an ninh cho rằng hồi cuối năm 2013 Kim Jong Un xử tử ông dượng Jang Song Thaek có thể là do ông Jang đã chặn nguồn quỹ cấp cho Phòng 39.

Ông Choi nói ông từng làm việc tại Công ty Thương mại Kumgang, hãng kinh doanh vàng chính của Bắc Hàn và là đơn vị sáng lập của Tập đoàn Daesong. Vào lúc cao điểm cuối thập niên 1980, Kumgang bán 10 tấn vàng/năm từ một số ít mỏ của quốc gia hoặc đãi từ sông. Sản lượng trong những năm gần đây đã giảm mạnh, xuống còn khoảng bốn tấn/năm.

Theo ông Choi, những nhân viên có vũ trang lái xe SUV thu thập vàng từ các mỏ khắp nước về cho Kumgang. Vàng được chở bằng máy bay sang Vienna, Áo, và bán thông qua một ngân hàng Bắc Hàn tên là Sao Vàng. Năm 2003, chính quyền Áo tố cáo ngân hàng này tham gia vào hoạt động phi pháp liên quan tới chương trình vũ khí của Bắc Hàn. Ngân hàng này bác bỏ các cáo buộc này nhưng đóng cửa năm 2004.

Ông Choi cho biết, trong những năm gần đây, vàng của Bắc Hàn được chuyển lậu bằng ba lô vào Trung Quốc để bán. Những người bỏ trốn khác có các mối liên lạc bên trong Bắc Hàn nói với tờ The Wall Street Journal hồi năm ngoái rằng Bắc Hàn dùng bọn chuyển lậu đưa vàng vào Trung Quốc, tại đó nó được trộn với vàng tinh chất hơn của Trung Quốc để bán. Giá vàng ở Trung Quốc thường cao hơn trên thị trường quốc tế.

Hồi tháng 6/2014, hàng chục công ty Mỹ khẳng định rằng họ đã phát hiện vàng Bắc Hàn trong chuỗi cung ứng của mình vì có một sai sót trong việc xác định nguồn gốc của vàng. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã cấm nhập nguyên liệu từ Bắc Hàn kể từ năm 2008. Các công ty này chưa bị phạt gì.

Ngoại tệ thu được từ bán vàng và các mảng kinh doanh khác có liên hệ với Phòng 39 có ý nghĩa hệ trọng cho chế độ Kim để giữ lời hứa nâng cao mức sống – một thông điệp nhắm vào giới ủng hộ chính ở thủ đô Bình Nhưỡng. Đồng won, nội tệ của Bắc Hàn, gần như chẳng có giá trị ở nước ngoài và ngày càng bị xa lánh trong nước.

Các công trình chỉ nhằm phô trương tập trung vào Bình Nhưỡng để xây dựng các cao ốc chung cư và các cơ sở vật chất phục vụ giải trí như trại cưỡi ngựa và khu resort trượt tuyết đã ngốn hết ngoại tệ vì vật liệu phải nhập về từ nước ngoài. Giới chóp bu đặc quyền ngày thích hàng tiêu dùng cao cấp nên cũng tăng nhu cầu ngoại tệ.

William Newcomb, người đã tham gia vào một cuộc điều tra về Phòng 39 tại Bộ Ngoại giao Mỹ và từng nằm trong một ủy ban của Liên Hiệp Quốc tập trung về các hoạt động trái phép cua Bắc Hàn, nói ông nghi là Phòng 39 có liên quan tới việc tìm cách nhập hàng điện tử cao cấp.

Một số chuyên gia cho rằng ngày càng có nhiều quan tâm theo dõi các dòng tiền và hoạt động trái phép của Bắc Hàn do chương trình hạt nhân của nước này nên Phòng 39 buộc phải ưu tiên hơn cho các mảng kinh doanh có thể tránh được các vấn đề về chuyển tiền. Bắc Hàn đã mở cửa nhiều lĩnh vực mới của đất nước và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng du lịch để tăng nguồn thu ngoại tệ cho Phòng 39.

Các hoạt động kinh doanh có vẻ hợp pháp khác của Bắc Hàn còn có đưa hàng ngàn người lao động, công nhân và thậm chí cả bác sĩ sang những nơi như Nga, Châu Phi và Trung Đông. Lương được trả trực tiếp cho nhà nước, rồi nhà nước chỉ trả lương đủ sống cho họ. Michael Madden, chủ biên của trang mạng độc lập North Korea Leadership Watch (Theo dõi Giới lãnh đạo Bắc Hàn), ước tính rằng lợi tức hàng năm từ xuất cảng lao động mang về cho Phòng 39 lên tới hàng triệu Mỹ kim.

Hồi tháng 3/2013, Washington áp dụng biện pháp trừng phạt với Ngân hàng Ngoại thương, ngân hàng ngoại hối chính của Bắc Hàn, với cáo buộc ngân hàng này là một nút quan trọng trong việc gây quỹ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong những năm gần đây, các chuyến hàng vũ khí Bắc Hàn đã bị thu giữ trên khắp thế giới, trong đó có một tàu đạn dược bị giữ ở Panama hồi năm 2013. Trong khi đó, Bắc Hàn đã giảm bớt các chuyến hàng ma túy do nhà nước chỉ đạo, dù một ngành sản xuất ma túy đá (meth) và các loại ma túy khác đã bắt đầu hoạt động ngầm.

Giới cầm quyền Bắc Hàn đã phải dùng tới những thủ đoạn làm ăn trái phép sau nhiều năm bị quốc tế trừng phạt. Được áp đặt để đáp trả những đợt thử hạt nhân của Bắc Hàn vào năm 2006, 2009 và 2013, các biện pháp trừng phạt bao gồm một lệnh cấm vận vũ khí với mục đích ngăn chặn Bắc Hàn mua bán vũ khí và mua phụ tùng cho chương trình nguyên tử của mình; một đợt phong tỏa tài sản để gây áp lực tài chính đối với giới lãnh đạo; và một lệnh cấm hàng xa xỉ với mục đích tước mất những đặc quyền của quyền lực khỏi tay những nhân vật cao cấp, từ tôm hùm và xì gà cho tới áo lông thú và du thuyền. Liên Hiệp Quốc ấn định cơ cấu chung của các biện pháp trừng phạt; các nước quyết định cấm gì.

Nhưng các báo cáo thường niên của một ủy ban Liên Hiệp Quốc giám sát biện pháp trừng phạt mô tả một trò mèo vờn chuột, vì giới cầm quyền Bắc Hàn dùng một mạng lưới trá hình luôn luôn thay đổi để che đậy các hoạt động thương mại ở nước ngoài. Mỹ và EU từng nhiều lần áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cái họ gọi là các công ty trá hình của Phòng 39.

Báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc, gởi cho Hội đồng Bảo an hồi tháng 2, ghi nhận các vụ bán vũ khí ở Châu Phi và việc đăng ký tàu dưới các màu cờ tiện nghi (thuê của nước khác) để che giấu quyền kiểm soát của Bắc Hàn đối với vận chuyển. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng nói rằng “các cơ cấu kinh doanh chính đáng đã được dùng cho các hoạt động bất chính”. Năm 2010, Mỹ đưa Phòng 39 vào danh sách trừng phạt của mình. EU cũng noi gương.

Bộ Tài chính Mỹ nói rằng một công ty, được gọi là Công ty Thương mại Tổng hợp Korea Daesong và nhiều cái tên tương tự, “được dùng để thực hiện các giao dịch nước ngoài nhân danh Phòng 39”. EU mô tả nó là một phần của tập đoàn Daesong, “tập đoàn công ty lớn nhất của nước này”.

Theo vị quan chức Châu Á giấu tên và JR Mailey, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi của Ngũ Giác Đài, Daesong là một trong những tổ chức hậu thuẫn đằng sau KKG. Theo những người này và các hồ sơ tòa án từ Hong Kong, một tổ chức khác là mạng lưới kinh doanh được giới nghiên cứu nó gọi bằng cái tên không chính thức là Queensway Group, theo địa chỉ của trụ sở chính tại 88 Queensway ở khu tài chính của Hong Kong. Trong thập niên qua, Queensway Group đã xây dựng một đế chế doanh nghiệp trị giá hàng tỉ đô trải dài từ Zimbabwe tới Manhattan.

Không ai biết rõ bản chất thực sự của mối quan hệ hợp tác KKG – là một liên doanh có đăng ký thành lập công ty hay một cách dàn xếp không chính thức. Tờ Financial Times tìm nhưng không phát hiện được hồ sơ gì về một công ty tên là KKG khớp với chân dung của công ty đang hoạt động ở Bắc Hàn. Báo này cũng không phát hiện được gì khi tìm bằng tiếng Anh và tiếng Hàn về Công ty Phát triển Kinh tế Kumgang, tên của KKG khi viết bằng tiếng Hàn. Như vậy KKG chỉ là một thương hiệu hoặc, nếu là một công ty, nó được đăng ký bên trong Bắc Hàn nên không có hồ sơ công ty trên mạng. Tờ Financial Times không tìn được thông tin liên lạc của KKG.

Sam Pa ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: Dreamstime; Noor Bank)
Sam Pa ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: Dreamstime; Noor Bank)

Mối quan hệ giữa các tổ chức hậu thuẫn KKG được thiết lập vào khoảng cuối năm 2006. Theo vị quan chức Châu Á giấu tên (các chi tiết trong câu chuyện của vị này được những người khác xác nhận), Queensway Group thâm nhập vào thị trường Bắc Hàn nhờ sự dẫn dắt của người tiên phong từng thiết lập các mối làm ăn của tập đoàn này ở Châu Phi và những nơi khác. Ông ta có ít nhất bảy tên – nhưng nổi tiếng nhất là Sam Pa.

Một cuộc điều tra của Financial Times hồi năm ngoái phát hiện rằng ông Pa và các đồng sáng lập viên của Queensway Group có các mối liên hệ với các nhóm lợi ích uy quyền ở Bắc Kinh, trong đó có cơ quan tình báo và các công ty quốc doanh của Trung Quốc. Họ cũng có các mối quan hệ với những tập đoàn lớn ở phương Tây: các công ty của Queensway Group làm ăn với BP ở Angola, Glencore ở Guinea và các nước khác.

Một số người đã quan sát quá trình Queensway thâm nhập vào Bắc Hàn cho rằng tập đoàn này muốn lặp lại mô hình mà họ đã tiên phong ở Châu Phi: giành được những thương vụ đổi cơ sở hạ tầng lấy tài nguyên thiên nhiên với những chính phủ áp bức như ở Angola, Zimbabwe và một chính quyền quân phiệt cai trị Guinea trong thời gian ngắn. Tập đoàn này dường như đã ngắm tới tiềm năng dầu chưa được khai thác của Bắc Hàn.

Ông Mailey, từng là một trong những tác giả của một báo cáo năm 2009 của quốc hội Mỹ và gần đây công bố một nghiên cứu chi tiết hơn về tập đoàn này, nói: “Taxi KKG có thể mang về cho chế độ một số ngoại tệ từ những du khách tới Bình Nhưỡng, nhưng hầu hết các dấu hiệu cho thấy các ngành dầu và khai khoáng mới thực sự là mục tiêu của Queensway Group.

Chừng nào Bắc Hàn còn bị cô lập bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng gắng kiếm ngoại tệ bằng mọi cách để giới chóp bu ngồi mát ăn bát vàng, thì những người như Sam Pa và tổ chức như Queensway Group còn sống khỏe. Họ là cửa ngõ để xứ cộng sản được mệnh danh là “vương quốc ẩn dật” này tiếp xúc với các thị trường tư bản bằng con đường mờ ám.

Tổng hợp từ Financial Times 24/6/2015, Wall Street Journal 15/9/2014, và NK News 29/7/2014.

(Bài tổng hợp, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 29/7/2015)

Bản tiếng Việt © 2015 Phạm Vũ Lửa Hạ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *