Kể từ năm 2011, giá dầu liên tục cao, quanh quẩn ở mức 100 Mỹ kim/thùng. Nhưng trong năm nay, giá đã giảm mạnh kể từ đầu mùa hè, và một số nhà phân tích cho rằng giá có thể tiếp tục giảm trong những tháng sắp tới.
Sau khi rớt xuống dưới mức 90 Mỹ kim, một ngưỡng tâm lý quan trọng, giá dầu thô Brent lại giảm $2 xuống thấp hơn 88 Mỹ kim hôm thứ Hai 13/10, mức thấp nhất kể từ năm 2010, sau khi những nước sản xuất chủ yếu ở Trung Đông tỏ dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng giữ sản lượng cao và chấp nhận giá thấp. [Cập nhật, tới thời điểm post bài này, ngày 7/11, giá dầu Brent xuống còn $82,86.]
Vì sao giá dầu giảm
Giá dầu tăng trong suốt những năm 2000 vì cầu thế giới tăng vọt – đặc biệt là ở Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng chóng mặt – trong khi sản lượng không theo kịp. Điều đó đã dẫn tới giá dầu cao ngất ngưỡng vào năm 2008 và cuộc suy thoái kinh tế sau đó. Sau khi khủng hoảng tài chính lắng xuống, thị trường lại vận động theo lối cũ.
Nhưng như vậy vẫn chưa phải hết chuyện. Khi giá dầu tăng mạnh, nhiều công ty năng lượng bỗng nhiên thấy tiềm năng lợi nhuận cao hơn từ việc khai thác dầu từ những nơi khó khoan dầu. Ở Mỹ, các công ty bắt đầu dùng các kỹ thuật làm gãy bằng thủy lực (fracking) và khoan theo chiều ngang để trích xuất dầu từ đá phiến ở North Dakota và Texas. Điều này đã góp phần làm tăng mạnh sản lượng dầu.
Nhưng mãi cho tới gần đây, sự bùng nổ sản lượng dầu ở Mỹ chỉ có tác động rất nhỏ đối với giá dầu toàn cầu. Sở dĩ như vậy là do trên thế giới đã nổ ra nhiều xung đột địa chính trị. Cuộc nội chiến ở Libya ảnh hưởng xấu tới sản lượng. Iraq vẫn còn là một mớ bòng bong, nhất là từ khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS) tái xuất và hoành hành. Mỹ và Châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt dầu đối với Iran và hạn chế lượng dầu xuất khẩu của nước này.
Đến giữa năm 2014, tính tổng cộng có hơn 3 triệu thùng dầu thô bị rút khỏi thị trường mỗi ngày (tổng sản lượng toàn cầu là khoảng 75 triệu thùng/ngày, nên đây là tỉ lệ đáng kể). Đó là một phần lý do tại sao giá dầu xoay quanh mức 100 Mỹ kim/thùng kể từ năm 2011. Giá dầu thô Brent có mức trung bình khoảng $103 kể từ năm 2010, giao dịch ở mức từ 100 tới 120 Mỹ kim.
Nhưng trong chừng một tháng qua, những xáo trộn địa chính trị bắt đầu thuyên giảm đôi chút, và những nỗi lo ngại về gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông đã lắng xuống. Ngành dầu khí của Libya đã bắt đầu khai thác nhiều trở lại – với lượng xuất khẩu bất ngờ tăng 810.000 thùng/ngày trong tháng 9. Ngày càng thấy rõ là ISIS có thể sẽ không đe dọa các mỏ dầu lớn nhất của Iraq ở miền nam nước này. Đồng thời, nhu cầu dầu ở Châu Á và Châu Âu bắt đầu giảm đi – nhất là Trung Quốc và Đức. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cầu thế giới về dầu trong năm 2014 sẽ chỉ tăng 1,5%.
Giá dầu thô Brent chuẩn mực toàn cầu đã sụt giảm đều đặn trong gần bốn tháng qua, giảm 23% kể từ mức cao hơn 115 Mỹ kim/thùng hồi tháng Sáu. Giá dầu giảm xuống còn khoảng $92 vào đầu tháng 10, và hiện nay đã dưới $90.
OPEC chia rẽ
Các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC), trong đó có Saudi Arabia, Iran, Iraq, và Venezuela, vẫn chiếm 40% sản lượng dầu thế giới. Và trên lý thuyết các thành viên OPEC có thể phối hợp để giảm sản lượng nhằm tăng giá trở lại.
OPEC sẽ họp bàn về sản lượng vào ngày 27/11 ở Vienna (Áo), dự kiến sẽ là cuộc họp khó khăn nhất trong nhiều năm vì phần lớn các thành viên không thể hoặc không muốn giảm sản lượng. Trong thập niên vừa qua, OPEC chỉ mới đồng ý giảm sản lượng có vài lần, gần đây nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Hôm 10/10, Venezuela, một trong những thành viên OPEC nhạy cảm nhất với giá dầu, là thành viên đầu tiên kêu gọi giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên lại mức trên 100 Mỹ kim/thùng. Nhưng theo Reuters, Saudi Arabia đã cho biết có thể chấp nhận giá dầu từ $80 tới $90/thùng trong vòng một tới hai năm. Có thể đây là nước cờ để giành thị phần, gây áp lực với các đối thủ cạnh tranh, nhất là các hãng sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ.
Hôm Chủ nhật 12/10, Bộ trưởng Dầu mỏ Ali al-Omair của Kuwait, một đồng minh chủ chốt ở Vùng Vịnh của Saudi Arabia, nói rằng OPEC khó có khả năng cắt giảm sản lượng để giữ giá, vì như vậy cũng chẳng ích gì khi Mỹ và Nga tăng sản lượng. Thông tấn xã nhà nước KUNA của Kuwait dẫn lời Bộ trưởng Ali al-Omair nói rằng giá từ $76 tới $77/thùng có thể là mức có thể chấm dứt đà tụt dốc của giá dầu, vì đó là chi phí sản xuất dầu ở Mỹ và Nga.
Cho tới gần đây, các thành viên OPEC ở Vùng Vịnh vẫn khẳng định giá giảm chỉ là hiện tượng tạm thời, hy vọng nhu cầu thời vụ trong mùa đông sẽ làm tăng giá. Nhưng ngày càng có nhiều nhà phân tích thị trường dầu nhận định rằng đợt sụt giá mới đây không chỉ là do thời vụ, có thể là sự khởi đầu một chuyển biến hệ trọng sang thời kỳ dài lâu có nguồn cung dồi dào.
Hôm 12/10, Iraq cắt giảm giá của dầu giao vào tháng 11 cho khách hàng ở Châu Á và Châu Âu, sau một động thái tương tự của Saudi Arabia hồi tuần trước. Với ý định đối mặt với mức giá thấp mới và giành thị phần trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Saudi Arabia muốn thế giới đừng ngạc nhiên nếu giá dầu giảm xuống dưới mức $90/thùng.
Kết quả cuộc họp của OPEC trong tháng 11 có thể tác động lớn tới chiều hướng giá dầu. Nếu tổ chức này quyết định hạn chế sản xuất, giá dầu có thể tăng trở lại (hoặc ít nhất là ổn định). Nhưng nếu OPEC thả lỏng, giá dầu còn tụt dốc nữa. Một số nhà phân tích cho rằng giá dầu có thể giảm thêm ít nhất $10 nữa.
Tác động đối với kinh tế toàn cầu
Tất nhiên, giá dầu hiện nay vẫn còn cao hơn nhiều so với cách đây một thập niên. Nhưng nếu đà sụt giảm này tiếp tục, nó có thể có tác động rất lớn trên toàn thế giới.
Giá dầu thấp hơn có nhiều ảnh hưởng trực tiếp lớn lao ở nhiều nước. Ví dụ, Nga lệ thuộc rất nhiều vào tiền thu từ bán dầu để có ngoại tệ. Chính phủ Nga đã lập ngân sách ba năm với kỳ vọng giá dầu vẫn ở mức $100/thùng. Nếu giá dầu tiếp tục giảm trong thời gian dài thì sẽ có tác hại trầm trọng tới kinh tế Nga và làm tăng thâm hụt ngân sách. (Hiện nay kinh tế Nga đang chao đảo, gần tới mức suy thoái, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.)
Thực vậy, một số nhà phân tích năng lượng bắt đầu nghĩ tới khả năng Nga sẽ xuống nước ở Ukraine và các nơi khác nếu giá dầu sụp đổ. Hôm thứ Ba tuần rồi, bộ trưởng tài chính Nga cảnh báo rằng Nga có thể không còn đủ khả năng chi hàng tỉ dollar để nâng cấp các lực lượng vũ trang của mình theo một chương trình đã được tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn.
Tuy nhiên, giá dầu rẻ hơn lại có những ý nghĩa khác nhau đối với những vùng khác nhau trên thế giới. Ở Châu Âu, giới hoạch định chính sách đang đánh vật với vấn đề giảm phát, và giá dầu thấp có thể khiến cho thách thức của Ngân hàng Trung ương Châu Âu càng khó khăn hơn khi họ nới lỏng chính sách tiền tệ để cố gắng tăng chỉ số giá tiêu dùng. Nguồn cung dầu dồi dào cũng có thể không phải là tin tốt lành cho một số nước dầu khí lớn. Andrew Kenningham, chuyên viên cao cấp về kinh tế toàn cầu của hãng tư vấn kinh tế Capital Economics, nói Nga và một số nước Trung Đông có thể chịu được giá thấp một thời gian vì họ đã tích lũy kha khá nguồn thu từ tiền bán dầu. Nhưng các nước như Brazil, Mexico, và Venezuela sẽ bị tác hại nặng nề hơn, chủ yếu vì họ lâu nay họ chưa dành dụm được bao nhiêu từ doanh thu dầu mỏ.
Trong khi đó, ở Mỹ, giá dầu thấp hơn có nhiều tác động khác nhau, khó thấy hơn. Nhìn chung, nhờ giá xăng và năng lượng thấp hơn, người tiêu dùng Mỹ có thể dễ thở hơn, và túi tiền rủng rỉnh hơn để chi tiêu cho các khoản khác.
Nhưng giá dầu giảm không phải ai cũng có lợi. Các hãng sản xuất dầu ở các vùng dầu đá phiến ở Texas và North Dakota sẽ không còn lợi nhuận như trước nữa. Một báo cáo của các chuyên viên phân tích thuộc hãng Baird Energy hồi tuần rồi cho thấy sản lượng dầu của Mỹ có thể giảm mạnh nếu giá thế giới xuống thấp hơn $80/thùng. Điều đó có thể gây tổn hại cho hoạt động kinh tế ở các tiểu bang đó.
Giá dầu giảm cũng có thể ảnh hưởng tới doanh số bán xe. Trong vài năm qua, hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu trung bình cho các loại xe mới ở Mỹ đã tăng mạnh – nhiều người mua xe nhỏ hơn và tiết kiệm xăng hơn khi giá xăng đắt đỏ hơn. Nhưng trong tháng 9, hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu trung bình thực sự giảm đi đôi chút. Một khả năng là giá xăng thấp hơn khiến nhiều người có thể mua xe tải và SUV.
Ông Kenningham nhận định rằng một mức giảm 25 Mỹ kim về giá dầu, nếu kéo dài trong suốt năm 2015, sẽ làm GDP của Mỹ tăng 0,5% vì người tiêu dùng sẽ dùng các khoản tiết kiệm chi phí năng lượng và nhiên liệu cho các khoản chi tiêu khác.
Tác động đối với kinh tế Canada
Giá dầu có thể ở mức 85 Mỹ kim/thùng là một thực tế mới đau lòng cho các tỉnh bang nhiều dầu ở Canada. Trong một báo cáo phân tích thị trường, chuyên gia kinh tế Robert Kavcic của ngân hàng BMO nhận định rằng giá dầu thấp hơn có thể gây tổn thất hàng tỉ Gia kim cho ba tỉnh bang phụ thuộc nhiều nhất vào dầu: Alberta, Saskatchewan, và Newfoundland & Labrador.
Trong các ngân sách gần đây, cả ba tỉnh bang này đều đưa ra các dự báo về nguồn thu ngân sách dựa trên các giả định về giá dầu cao hơn nhiều so với hiện nay.
Các ước tính của Alberta dựa trên giá dầu $97/thùng, còn Saskatchewan giả định giá dầu xấp xỉ $100/thùng. Trong khi đó, Newfoundland & Labrador dựa trên chuẩn mực giá dầu Châu Âu, dầu thô Brent, với giả định khoảng $105/thùng. (Giá hiện nay là $88).
Người tiêu dùng có thể thở phào nhẹ nhõm khi xăng rẻ hơn, nhưng giá dầu thô thấp có thể khiến các công ty dầu khí – và có thể quan trọng hơn, chính quyền các tỉnh bang – mất hàng tỉ dollar.
Kavcic ước tính rằng ở các mức giá hiện nay, dựa trên chế độ tính thuế khai thác tài nguyên của tỉnh bang, Alberta sẽ mất 1,2 tỉ Gia kim tiền thu ngân sách. Con số này tương đương với khoảng 3% tổng ngân quỹ của tỉnh bang này.
David Madani , chuyên gia kinh tế của hãng tư vấn Capital Economics, ước tính rằng nền kinh tế Canada nói chung có thể mất khoảng 11 tỉ Gia kim về kim ngạch xuất khẩu trong năm nay (tương đương 0,6% GDP) vì giá dầu giảm.
Nhưng đánh giá của ông về triển vọng tương lai không ảm đạm như của ông Kavcic. Ông nghĩ rằng giá dầu phải giảm nhiều hơn nữa trước khi các kế hoạch mở rộng khai thác các mỏ dầu cát Athabasca oilsands phải ngưng lại.
“Giá dầu ở Canada vẫn còn ở mức cao hơn chi phí sản xuất, theo ước tính của chúng tôi là từ $60 tới $80/thùng. Chúng tôi nghĩ rằng giá dầu thế giới sẽ giảm xuống dưới mức $70/thùng mới gây tác động nghiêm trọng tới các triển vọng sản xuất trong tương lai.”
Tuy nhiên, phần tác động của giá dầu thấp hơn được giảm nhẹ phần nào nhờ sự tụt giá của đồng Gia kim. Giá dầu được tính bằng Mỹ kim, và Mỹ kim đang tăng mạnh so với Gia kim. Vì vậy giá dầu thô tụt dốc không ảnh hưởng nặng nề đối với Canada như thoạt tưởng, vì các công ty dầu nhận được số Gia kim nhiều hơn cho mỗi Mỹ kim họ thu về từ việc bán dầu.
Giá dầu thấp hơn cũng có một tác động tích cực khác tới nền kinh tế: giá năng lượng rẻ hơn thường có nghĩa là chi phí vận tải thấp hơn cho tất cả các ngành khác, và người dân Canada sẽ tiết kiệm được thêm, dùng số tiền đó chi tiêu cho các hàng hóa khác, giúp kinh tế tăng trưởng trong các mảng khác.
Những vùng ở Canada nhập khẩu dầu (tức là Ontario và Quebec) có thể sẽ có lợi từ giá dầu thô rẻ hơn. Chỉ riêng điều đó đã khiến đợt sụt giá dầu hiện nay không có tác động lớn lắm nếu xét từ góc độ toàn nền kinh tế quốc dân.
Các nước khác cũng sẽ có lợi từ dầu rẻ hơn, và đó là tin vui cho những công ty Canada xuất khẩu hàng hóa sang các nước đó. Chuyên gia kinh tế Doug Porter của ngân hàng BMO nói: “Giá năng lượng thấp hơn giống như khoản giảm thuế cho người tiêu dùng toàn cầu vì lợi tức khả dụng của họ tăng lên.”
Ngân hàng Trung ương Canada cho biết báo cáo chính sách tiền tệ trong hai tuần nữa sẽ cố gắng đo lường tác động sâu rộng của giá dầu thấp đối với các ngành khác nhau trong nền kinh tế.
Trong một cuộc họp báo hôm 10/10 tại hội nghị tài chính toàn cầu ở Washington, thống đốc Stephen Poloz nói rằng không dễ đánh giá, vì cần phải đối chiếu tất cả các yếu tố tiêu cực với các mặt tích cực.
Bộ trưởng Tài chính Canada Joe Oliver mô tả rằng tình hình tài chính quốc gia hiện nay rất khả quan – với ngân quỹ liên bang hiện nay dự kiến cao hơn 10 tỉ Gia kim so với năm ngoái, giúp chính phủ liên bang có thể giảm thuế và cân bằng ngân sách trong khi vẫn duy trì các mức gia tăng đã hoạch định về ngân sách cấp cho các tỉnh bang.
Ông nói ông cũng nghe nhiều ý kiến lạc quan về nền kinh tế Mỹ khi ông nói chuyện với giới lãnh đạo doanh nghiệp ở New York hồi tuần trước. Ông nhận xét rằng mức chi tiêu cao hơn ở Mỹ chỉ có thể có lợi cho Canada, nước xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ.
Khó mà dự đoán chắc chắn là giá dầu có tiếp tục giảm hay không. Một số nhà phân tích cho rằng thế giới đang bước vào thời kỳ dư dả dầu mỏ. Nhưng thế giới luôn đầy bất trắc. Có thể những cuộc xung đột mới sẽ nổ ra ở các vùng sản xuất dầu. Hoặc cuộc bùng nổ dầu đá phiến ở Mỹ sẽ tới lúc hụt hơi. Hoặc một điều bất ngờ nào đó sẽ xảy ra. Tiên đoán tương lai luôn khó, nhưng càng đặc biệt khó khi bàn tới dầu.
© 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bài tổng hợp, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 15/10/2014.)