Amitai Etzioni
Các ấn phẩm sách báo đang đều đặn mô tả Trung Quốc như một đối thủ đáng gờm – nếu không muốn nói là kẻ thù đích thực. Một bài báo gần đây của Robert J. Samuelson không chừa chỗ cho nghi ngờ khi ông đặt tựa đề là “At war with China” (Tham chiến với Trung Quốc). Bài báo đó xuất hiện ngay sau khi Andrew Krepinevich có bài “Panetta’s Challenge: Can he counter China’s and Iran’s game-changing new weapons?” (Thách thức của Panetta: Liệu ông có thể chống lại những vũ khí thay đổi thế trận của Trung Quốc và Iran? – Leon Panetta là đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, N.D.). Cuốn Monsoon (Gió mùa) của Robert D. Kaplan kêu gọi Mỹ công nhận tầm quan trọng địa chính trị của Ấn Độ Dương – và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng biển đó. Ngay cả tạp chí The Economist vốn điềm đạm cũng cảnh báo rằng “đến năm 2030 nền kinh tế Trung Quốc có thể có quy mô lớn như nền kinh tế Anh trong những năm 1870 hay nền kinh tế Mỹ trong những năm 1970”.
Bài báo năm 2011 trên The Economist, dựa trên cuốn sách tựa đề Eclipse [Làm lu mờ] (khỏi cần nêu rõ ai đang làm lu mờ ai), lập luận rằng Trung Quốc sẽ “phủ bóng che mờ” Mỹ, và Mỹ không còn có thể đảo ngược tình thế này. Do đó, The Economist hỏi tiếp” “Nếu Trung Quốc thực sự tiếm ngôi của Mỹ, Trung Quốc sẽ là kẻ bá quyền kiểu gì?” Tuy nhiên, tiên đoán này và biết bao dự báo khác tập trung vào tổng quy mô của nền kinh tế. Câu hỏi là liệu đây có phải con số đáng thuyết phục hay không – hay chúng ta nên xét tới thu nhập bình quân đầu người?
Với dân số của Trung Quốc gấp bốn lần của Mỹ, ngay cả khi mọi sự diễn ra theo hướng có lợi cho họ và nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tiến nhanh về phía trước, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn sẽ tụt hậu so với của Mỹ ít nhất là một thế hệ. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ là 4.260 đô-la so với 47.240 đô-la của Mỹ, khiến họ xếp sau Ecuador và Algeria. Tuy những ước tính và cách tính có khác biệt, trong những thập niên sắp tới dự kiến vẫn còn mức chênh lệch lớn về thu nhập bình quân đầu người. Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace) dự báo rằng trong năm 2050 GDP bình quân đầu người của Mỹ sẽ vẫn gần gấp ba lần của Trung Quốc.
Ta có thể lập luận rằng tổng quy mô của nền kinh tế là đặc điểm đáng cân nhắc, vì nó thể hiện quy mô của tổng tài sản mà một quốc gia có thể dùng để phô trương sức mạnh kinh tế và phát triển quân sự của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người có ý nghĩa đặc biệt. Giới cai trị Trung Quốc đặt tính chính đáng của chế độ trên cơ sở mang lại cuộc sống sung túc cho nhân dân, được định nghĩa bằng mức sống gia tăng, khác xa với tầm nhìn của ý thức hệ cộng sản sắp lụi tàn. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần chứng tỏ, bằng lời nói và hành động, rằng họ vô cùng lo ngại về việc phần lớn người dân Trung Quốc bị gạt ra khỏi kiểu cuộc sống chỉ thấy ở các trung tâm đô thị lớn. Trong một bài phát biểu tại Hội nghị Davos Mùa hè 2010, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhận xét rằng sự chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn ở mức đặc biệt đáng nguy và cam kết sẽ cải cách hệ thống bất bình đẳng này. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nêu những mối lo ngại tương tự và tỏ quyết tâm bảo đảm “sự hòa hợp xã hội”. Ông phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2011 rằng “Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển đông dân, có nền tảng kinh tế yếu kém, mất cân đối nghiêm trọng, và thiếu phối hợp trong sự phát triển của mình. Trung Quốc cần có những nỗ lực bền bỉ và hết mình để đạt được những mục tiêu phát triển của mình.” Đại sứ Vương Mân chỉ ra rằng Trung Quốc có GDP bình quân đầu người thấp hơn hơn một trăm quốc gia.
Ta có thể nói rằng những cam kết này nhằm sử dụng các tài sản kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc để nâng mức sống của những người cho đến nay vẫn chưa được hưởng cuộc sống tốt đẹp, chỉ là những lời phát biểu suông. Thực vậy, một số nhà phê bình Trung Quốc cho rằng đó là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm che mắt Phương Tây, để che giấu việc tăng cường quân sự của họ. Tuy nhiên, ta cũng nên lưu ý rằng những mối lo ngại của chế độ này về những người chưa được hưởng phần là có thật. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ước tính ở Trung Quốc chỉ riêng trong năm 2010 đã có 180.000 cuộc biểu tình, phản kháng hay bạo động. Và theo tổ chức phi chính phủ Thông tin Lao động Trung Quốc (China Labour Bulletin), đến năm 2006 chưa đến phân nửa hộ gia đình nông thôn có nước máy, hơn một nửa vẫn dùng bếp củi để nấu ăn và gần 90 phần trăm không có cầu tiêu dội nước.
Vì vậy ta nên – ít nhất là trong vài thập niên sắp tới – dự kiến rằng chính phủ Trung Quốc sẽ dành phần lớn những nguồn lực chưa sử dụng của mình cho việc phân phối của cải. Và riêng chuyện họ phải làm hài lòng số dân gấp bốn lần nước Mỹ đã là một khác biệt rất lớn. Cộng thêm vào đó những thách thức trầm trọng về dân số và môi trường mà Trung Quốc đối mặt. Khi đó ta bắt đầu bớt lo ngại hơn về việc liệu quy mô của nền kinh tế Trung Quốc đến năm 2030 có sánh được với quy mô của nền kinh tế Mỹ vào năm 1973 – hay của Anh vào năm 1870 hay không.
Amitai Etzioni từng là cố vấn cao cấp cho Chính quyền của tổng thống Carter; từng dạy ở Đại học Columbia University, Harvard, và Đại học California ở Berkeley; và hiện nay là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học George Washington.
Bản tiếng Anh: Overblown Fears about China’s Rise, The National Interest, 17/11/2011
Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/11/17/overblown-fears/
7 thoughts on “Trung Quốc sắp thịnh? Việc gì phải sợ đến thế”