Bác sĩ giàu nhất thế giới Patrick Soon-Shiong và dự án tham vọng về tương lai y khoa

Matthew Herper

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch

patrick-soon-shiongVào một ngày hè đẹp trời tiêu biểu ở Los Angeles, Patrick Soon-Shiong, vị bác sĩ giàu nhất trong lịch sử thế giới, ẩn mình bên trong tổng hành dinh bí ẩn của mình, sẵn sàng thể hiện tinh thần bác ái. T. Denny Sanford, người đã kiếm được tài sản 2,8 tỉ Mỹ kim nhờ bán thẻ tín dụng MasterCard lãi suất cao cho những người có điểm tín dụng thấp, nay đang mải mê làm phước, hiến tặng phần lớn sản nghiệp của mình cho các bệnh viện và quỹ từ thiện trẻ em. Ông đến để tìm hiểu về cái được ca tụng là tương lai y khoa.

Bác sĩ Soon-Shiong, 62 tuổi, có nhiều điều để phô diễn. Trước tiên, ông dẫn khách đi thăm mô hình mô phỏng phòng bệnh viện trong tương lai. Ở đó có miếng băng đo nhịp tim, nhiệt độ và huyết áp của bệnh nhân, và một hộp vuông màu trắng cỡ 3 inch, gọi là HBox, kết nối tất cả các thiết bị với một mạng máy tính. Ông dẫn khách thăm một phòng tối om phủ đây màn hình máy tính: đó là trung tâm điều khiển mà từ đó một nhóm bác sĩ có thể theo dõi hàng trăm bệnh nhân, ngay cả khi các bệnh nhân đó ở nhà. Và cuối cùng ông mở nhiều chương trình máy tính giúp bác sĩ biết được cách điều trị tốt nhất hiện có, cập nhật đến bài báo mới nhất trên tập san chuyên đề khoa học. Đó là một bộ sưu tập đa dạng các thiết bị khai thác dữ liệu – bộ sưu tập trị giá 1,3 tỉ Mỹ kim này được ngấm ngầm tích lũy, gần như chỉ bằng tiền riêng của Soon-Shiong.

HBox có thể kết nối mọi thiết bị trong phòng bệnh viện vào đám mây dữ liệu.
HBox có thể kết nối mọi thiết bị trong phòng bệnh viện vào đám mây dữ liệu.

Cuộc giới thiệu đầy ấn tượng khiến Sanford thích thú đến ngỡ ngàng. Sanford nói: “Tôi nghĩ đây đúng là cái chúng ta cần trên thế gian này. Tôi cũng có một tập đoàn bệnh viện. Chúng tôi có khoảng 40 bệnh viện và 150 phòng khám, nhưng chi phí tăng như điên, sự thiếu trao đổi thông tin giữa các tổ chức này rất cần được khắc phục.” Soon-Shiong tiếp lời ngay: “Các bệnh viện thiếu tổ chức, thiếu tiền hay thậm chí thiếu các kỹ năng cần để tạo nên cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc kiểu này. Thẳng thắn mà nói, chính phủ lẽ ra đã phải làm chuyện này.”

Như đợt triển khai kém cỏi chương trình ObamaCare cho thấy, có lẽ tốt hơn nếu Soon-Shiong đảm nhận, và Sanford chấp nhận bất cứ điều gì vị bác sĩ này đề xuất. Họ bắt tay một cách hồ hởi về một thỏa thuận triển khai công nghệ này tại một bệnh viện nhi ở Phoenix, Arizona.

Tuy nhiên, ngay cả sau cuộc giới thiệu này, vẫn chưa rõ Sanford sắp đầu tư vào cái gì. Qua lời giới thiệu của Soon-Shiong, các mẫu và mô hình trông rất tuyệt. Nhưng trong số những người ngoài cuộc mà tôi hỏi chuyện, chẳng ai từng thực sự đụng đến tất cả các thiết bị của công nghệ này. Không có một kế hoạch kinh doanh thực sự. Không có mô hình định giá. Họ chi nghe được lời quảng bá của Soon-Shiong, kể ra như vậy quả là khó biết đâu mà lần. Tuy thông minh sắc sảo, Soon-Shiong cũng là người thích huênh hoang, theo dư luận trong giới y khoa. John Halamka, giám đốc thông tin của Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess ở Boston, nói: “Việc tiếp thị đi trước kỹ thuật ba năm. Cái có tác dụng trên giấy tờ, cái có tác dụng trong phòng thí nghiệm, và cái có tác dụng trong một trung tâm y khoa học thuật phức tạp là những điều khác hẳn nhau.” Rồi ông nói thêm: “Patrick là người khoe khoang đủ kiểu, và chẳng lạ gì chuyện ông ta tuyên bố rằng ‘Tôi đã giải quyết được những vấn đề mà thiên hạ trong 20 năm qua đã không thể giải quyết được …’ ”.

Tôi cũng thấy băn khoăn. Tổng hành dinh sáng loáng mang dáng dấp tương lai của Soon-Shiong, nơi một số trong 800 nhân viên của ông làm việc, nằm ở khu Culver City của Los Angeles, khu đã sinh ra hàng chục bộ phim hoang đường của Hollywood, trong đó có The Wizard of Oz (Phù thủy Xứ Oz). Tôi dành mười tháng qua để vén bức màn bí ẩn. Soon-Shiong cho tôi đặc quyền săm soi chi tiết về các nỗ lực của ông – có thể gọi là Dự án Manhattan của y khoa [Dự án Manhattan là dự án nghiên cứu và phát triển đã chế tạo ra những quả bom nguyên tử đầu tiên trong Đệ nhị Thế chiến, chủ yếu do Mỹ thực hiện với sự hỗ trợ của Anh và Canada. N.D.] – ngay lúc ông chuẩn bị ký kết thỏa thuận ứng dụng chúng lần đầu tiên tại Providence Health & Services, một hội đoàn y tế Công giáo phi vụ lợi gồm 34 bệnh viện ở các tiểu bang Oregon, California, Alaska, Washington và Montana. Và tôi đã nói chuyện với hàng chục người ngoài cuộc.

Ai cũng có nhận xét giống nhau: quy mô khổng lồ của dự án Soon-Shiong. Gillies McKenna, trưởng khoa ung thư của Đại học Oxford, nói: “Khi đến gặp ông ta và xem những gì họ đang định thực hiện, chúng tôi sững sờ. Nếu ta có thể biến nó thành hiện thực, và tôi đồng ý là sẽ rất khó, ông ta kỳ vọng sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ về lượng dữ liệu mà chúng ta có thể dùng làm căn cứ để ra quyết định.” Còn Soon-Shiong giải thích như vầy: “Chúng ta sẽ có trong tay nhiều thông tin hơn từng có trong lịch sử nhân loại – hàng ngày. Không phải mỗi tháng hay mỗi tuần một lần. Mà là hàng ngày.” Sự hiện diện khắp nơi của thông tin như vậy có tiềm năng thay đổi những động cơ sai lầm – vốn nhấn mạnh việc điều trị hơn là kết quả – khiến cho chi phí y tế hàng năm của Mỹ vượt quá 3 ngàn tỉ Mỹ kim. Điều đó cũng có thể chữa lành phần lớn những bệnh của con người, kể cả ung thư.

Soon-Shiong đã quen bị ngờ vực, do xuất thân từ gia đình người Trung Quốc di dân sang Nam Phi thời còn chế độ phân biệt chủng tộc. Ông tốt nghiệp trung học năm 16 tuổi và trường y năm 22 tuổi. Bệnh nhân đầu tiên của ông, một người Afrikaner (sắc tộc gốc Hà Lan), không chịu để ông đụng vào, nhưng sau khi Soon-Shiong chữa lành xoang mũi cho ông, gặp ai ông ta cũng giới thiệu: “Có đi khám bệnh thì nhớ tới bác sĩ Tàu đó.”

Soon-Shiong rời Nam Phi vào cuối thập niên 1970 và đến Đại học California ở Los Angeles (UCLA). Stephen Nimer, một nhà huyết học về sau nằm trong hội đồng quản trị của một trong những công ty của Soon-Shiong, nhớ ông là một “bác sĩ giải phẫu không thể tin nổi” luôn sẵn sàng nhận những ca khó nhất. Nimer nói: “Cái tính thích cứu giúp người khác đã nằm trong máu của ông.”

Ông cũng có máu phô trương – và tài chọc giận các nhà đầu tư và đồng nghiệp. Lúc làm bác sĩ giải phẫu ở UCLA, ông gây xôn xao khi cấy các tế bào insulin vào một bệnh nhân tiểu đường. Chủ tịch Hiệp hội Bệnh tiểu đường Mỹ gọi đó là “trò giật gân sai trái”, nói rằng “còn quá sớm để xem đây là một cách chữa lành bệnh hay thậm chí là một liệu pháp.”

Năm 1990, ông mở công ty để kinh doanh kết quả nghiên cứu bệnh tiểu đường của mình và ký được thỏa thuận với Mylan để nghiên cứu việc cấy các bộ phận cơ thể của heo vào người, nhưng rút lui vì ông nghĩ rằng có thể không an toàn. Ông dính vào một vụ tranh chấp pháp lý có liên quan tới anh ruột của mình, và nhiều người khác.

Sau đó, năm 1991 ông sáng chế loại thuốc làm nên sản nghiệp cho ông: Abraxane; thuốc này để loại thuốc ung thư bán chạy Taxol bên trong protein albumin. Mục đích là các khối u sẽ ăn albumin và dính độc.

Các chuyên gia ung thư hàng đầu gọi đó là “rượu cũ bình mới”. Nhưng Soon-Shiong tin rằng ông sắp đạt được điều trọng đại. Ông quyết định chọn một phương pháp mới mẻ – và đầy rủi ro cho cá nhân – để gây quỹ cho việc chế tạo Abraxane. Thay vì bán cổ phần cho những nhà đầu tư vốn mạo hiểm, con đường truyền thống để tài trợ cho nghiên cứu công nghệ sinh học, ông vay tiền để mua một hãng thuốc không thương hiệu (generic) niêm yết trên thị trường chứng khoán, rồi đổi tên thành American Pharmaceutical Partners (APP), đưa dự án thuốc Abraxane vào hãng đó. Một nhóm mua tập thể của bác sĩ, từng mua thuốc từ APP, đã đầu tư vào đó. Có người nói như vậy là xung đột về lợi ích; Soon-Shiong nói rằng nhóm này đóng góp để phòng ngừa khan hiếm thuốc và bán cổ phần ngay sau khi APP lên sàn chứng khoán. Nhưng uy tín của ông lại bị sút giảm.

Năm 2005, ông giành được một thắng lợi lớn: Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn thuốc Abraxane, bất chấp tỉ lệ bán khống của giới đầu tư có lúc lên tới 100%. Cổ phiếu tăng giá 47%. Nhưng một lần nữa Soon-Shiong lại trở thành trung tâm gây tranh cãi khi, vài tháng sau, ông sáp nhập APP với một hãng tư thuộc sở hữu của ông. Brian Laegeler, một phân tích viên ở Morningstar, gọi đó là “một thương vụ bất lợi cho cổ đông thiểu số vì nó chỉ làm đầy túi của Patrick Soon-Shiong”. Cổ phiếu rớt giá 18% vào ngày thương vụ được công bố. Soon-Shiong nói việc cổ phiếu tăng giá trong dài hạn đã chứng tỏ đó là nước đi đúng.

Rồi năm 2007 cổ phiếu lại tăng vọt. Hãng này là hãng sản xuất heparin làm loãng máu duy nhất không buộc phải thu hồi sản phẩm của mình vì sự nhiễm bẩn làm chết 81 người. Soon-Shiong tách và bán công ty, nói rằng đó là “hai mảng kinh doanh đặc thù”. Mảng kinh doanh thuốc generic, trong đó có heparin, bán cho Fresenius vào năm 2008 với giá 4,6 tỉ Mỹ kim. Năm 2010, mảng kinh doanh thuốc Abraxis được đại công ty công nghệ sinh học Celgene mua với giá 4,5 tỉ Mỹ kim. Soon-Shiong sở hữu khoảng 80% cổ phần của mỗi hãng.

Chẳng bao lâu sau ông lại bội thu hàng tỉ đô. Dù Soon-Shiong khẳng định rằng Abraxane là “một bước đột phá”, đến năm 2011 doanh số chỉ đạt 386 triệu Mỹ kim – thành công cỡ thường thường bậc trung trong ngành công nghệ sinh học đang bùng nổ. Rồi năm ngoái một nghiên cứu cho thấy thuốc này kéo dài tuổi thọ cho các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt được 1,8 tháng. Doanh số tăng 90% và dự kiến đến năm 2017 sẽ đạt 2 tỉ Mỹ kim. Cổ phiếu của Celgene (Soon-Shiong vẫn là cổ đông cá nhân lớn nhất) cũng tăng vọt.

Sự thông minh, tính quyết đoán và may mắn đã giúp Soon-Shiong có được sản nghiệp kếch xù – chúng tôi ước tính tài sản ròng của ông hiện nay ở mức 12 tỉ Mỹ kim. Nhưng theo những người thân tín, điều đó cũng khiến ông nổi tiếng là một người giỏi giao dịch làm ăn hơn là một nhà khoa học. Michael Crow, hiệu trưởng Đại học Công lập Arizona, một tổ chức khác mà Soon-Shiong đang bàn chuyện hợp tác, nói: “Ông được cộng đồng kinh doanh công nhận. Nhưng điều đó rất khác với sự công nhận rằng đây là người đã xây dựng nền tảng tri thức giúp cho tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư tăng 80%.”

Đại dự án mới của Soon-Shiong hứa hẹn tạo ra thiết bị trên Trái đất gần giống nhất với bộ ghi chép dữ liệu tricorder nổi tiếng trong bộ phim giả tưởng Star Trek. Trên lý thuyết, thiết bị này sẽ hoạt động như sau. Một bệnh nhân ung thư tới bệnh viện để chẩn đoán. Tất cả mọi thông tin từ DNA tới các protein trong máu của người này sẽ được phân tích ngay tức khắc qua một mạng riêng và cực nhanh, với các dữ liệu được tự động thu thập theo thời gian thực (real time) – không cần giấy bút hay bảng ghi chép. Chỉ trong vòng mấy phút, máy tính sẽ khuyến nghị các loại thuốc nên thử. Sau khi bệnh nhân được cho về nhà, công nghệ này sẽ đi theo về, giúp các bác sĩ tiếp tục theo dõi theo thời gian thực, khi giới quản lý bệnh viện đánh giá công hiệu và chi phí của nhiều quy trình và thuốc men khác nhau và đối chiếu với ghi chép của các bệnh viện trên toàn quốc.

Viễn tượng này xuất hiện trong quá trình phê chuẩn thuốc Abraxane năm 2005. Giới bác sĩ có những quyết định sai lầm. Một nghiên cứu đã phát hiện rằng hai phần ba số bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt được chữa trị sai cách. Soon-Shiong nhận ra rằng khả năng tính toán của máy tính không đủ để chỉnh sửa vấn đề này nếu nó không được kết hợp với một hệ thần kinh kỹ thuật cao. Ông nói: “Làm sao ta có thể hy vọng thắng cuộc chiến chống ung thư nếu chỉ dùng những hiểu biết mới có về phân tử chống lại một căn bệnh có khả năng thường xuyên thay đổi và biến dạng?”

Như một thợ sửa xe săn tìm phụ tùng, ông bắt đầu mua các công ty để chế tạo cỗ máy mới của mình. Ông thâu tóm hãng Eviti, có trụ sở ở Philadelphia, chuyên bán dịch vụ cho các hãng bảo hiểm để bảo đảm các bác sĩ ung thư không kê toa thuốc không thích hợp (và tính tiền cho các sai sót của họ). Ba mươi chuyên gia ung thư và y tá nghiền ngẫm các tập san y khoa mới nhất để bảo đảm thông tin được cập nhật.

Một vụ mua khác: iSirona, một hãng ở Panama City, Florida, muốn kết nối máy móc ở bệnh viện với các hệ thống hồ sơ y tế điện tử. Soon-Shiong hiện nay tuyên bố rằng nó có thể tích hợp 6.000 thiết bị y khoa khác nhau, trong đó có máy đo độ bão hòa ôxy, các thiết bị theo dõi huyết áp và cân trong nhà vệ sinh, cũng như hàng trăm loại phần mềm lâm sàng và tài chính khác nhau của tất cả các hãng lớn bán thiết bị y khoa.

Còn có những công nghệ khác nữa: Qi Imaging, một công cụ giúp xem các hình quét CAT và hình chụp cộng hưởng từ (MRI) trên các thiết bị di động; GlowCap, một chai đựng thuốc trị giá $80 sẽ phát sáng khi bệnh nhân ở nhà cần uống thuốc và cho bác sĩ biết họ đang mở nắp chai thuốc. Ông đã mua và tái trang bị National Lambda Rail, một mạng máy tính chính phủ tốc độ cao, với giá 100 triệu Mỹ kim, để tất cả các dữ liệu này có thể nhanh chóng truyền đi từ nơi này đến nơi khác. Soon-Shiong nói: “Để có được mức chăm sóc dựa vào giá trị, ta cần phải theo dõi các kết quả và chi phí theo thời gian thực. Ta sẽ có được cách chăm sóc lấy bệnh nhân làm trọng tâm với chất lượng cao nhất ở chi phí thấp nhất.”

Tất cả các thành tố này – và hàng chục cái nữa mà ông đã mua hoặc dựng nên – kết hợp thành một cấu trúc doanh nghiệp phức tạp giống như sản phẩm toàn diện của ông. Lực lượng 800 nhân viên của ông dàn trải ở các văn phòng tại 14 thành phố, và NantWorks, công ty mẹ đầu tư vốn, có chín hãng riêng biệt, tất cả đều có các nhóm nhà đầu tư khác nhau và mỗi hàng được thiết kế để thành một cổ phiếu giao dịch độc lập. Đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) đầu tiên, vào khoảng đầu năm tới, có thể sẽ là NantHealth, hãng công nghệ thông tin y tế của ông, có khả năng thu lợi từ các chương trình thanh toán mới do chính sách ObamaCare tạo ra. Trong số các nhà đầu tư có Verizon, Celgene, BlackBerry và Kuwait Investment Authority. Theo định gá của tạp chí Forbes, chỉ riêng NantHealth đã có giá trị 1,6 tỉ Mỹ kim. Tính chung hết, Forbes ước tính toàn bộ mức sở hữu có liên quan tới Nant của Soon-Shiong trị giá 7,7 tỉ Mỹ kim.

Tiềm năng và các rủi ro của Dự án Manhattan y khoa của Patrick Soon-Shiong tóm tắt trong một con số thống kê: 47 giây. Theo hứa hẹn của bác sĩ kiêm nhà kinh doanh này, đó là thời gian hiện nay cần để “siêu máy tính” tổng hợp của ông hoàn thành bản phân tích hệ gien, đến tận chi tiết như xác định loại protein cá nhân trong cơ thể của một người có thể chấp nhận cách điều trị bằng thuốc. Soon-Shiong mỉm cười: “Việc này thường mất 11 tuần.”

Giống như phần lớn những gì ông nói, đó là một phát biểu đáng kinh ngạc với tiềm năng hứa hẹn vô biên. Và là một phát biểu chưa được xác thực theo kiểu khiến Soon-Shiong gây tranh cãi.

Khi Soon-Shiong trình bày đầy ấn tượng về hệ thống của mình công khai lần đầu tiên, tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Forbes hồi tháng 10 năm ngoái, các bác sĩ, nhà khoa học và nhà quản lý y tế hàng đầu tham dự hội nghị đã xếp hạng ông là diễn giả hay nhất tại sự kiện này (95% người tham dự đánh giá tốt hay tuyệt vời). Nhưng nhiều người tỏ ra không hiểu hoặc ngờ vực. Nói về phát biểu 47 giây, Steven Salzberg, giáo sư Đại học Johns Hopkins, thắc mắc: “Như vậy nghĩa là sao?”

Để làm sáng tỏ và bảo đảm tính đáng tin cậy, trong năm qua tôi đã dành khá nhiều thời gian tập trung vào lời hứa 47 giây thường được nhắc tới của ông. Hóa ra đó là một phát biểu rất dễ hiểu lầm vì đó là thời gian trung bình, chứ không phải thời gian cho một cá nhân. Giống như nói McDonald’s có thể giao cho bạn 800 phần ăn Happy Meal ngay túc bạn tấp xe vào quầy drive-thru vì hãng này phục vụ 800 phần ăn mỗi giây trên toàn cầu. Câu hỏi thực sự là: hệ gien của một bệnh nhân có thể được phân tích nhanh tới đâu? Bị thúc ép, Soon-Shiong nói ông đang nhắm đến 24 giờ cho mỗi bệnh nhân.

Như vậy cũng nhanh đáng ngạc nhiên. David Feinberg, chủ tịch Hệ thống Y tế của Đại học UCLA, khẳng định rằng ông đã nhận lại dữ liệu về bệnh nhân ung thư chỉ trong vài ngày. Randy Axelrod, một phó tổng giám đốc cao cấp ở Providence, nơi hệ thống Nant sẽ sớm triển khai, nói ông đã gởi các chuỗi DNA của nhiều bệnh nhân và nhận lại trong vài giờ.

Một cuộc đấu thầu của Genomics England, một dự án chính phủ hy vọng xác định chuỗi DNA cho 100.000 người Anh, đã phát hiện rằng Nant là một trong vài hệ thống ít ỏi có thể thường xuyên nhanh chóng xác định hệ gien ung thư.

Càng ấn tượng hơn nữa là Soon-Shiong nói – và một số chuyên gia tin – rằng ông hiện có thể phân tích 500 hệ gien mỗi ngày, ngang bằng với các trung tâm nghiên cứu DNA tân tiến nhất thế giới, và đến cuối năm tới sẽ có thể làm được 4.000 hệ gien mỗi ngày. Và Nant có thể truyền những bộ dữ liệu khổng lồ này tới bất cứ bệnh viện nào trong mạng lưới của ông gần như tức khắc.

Như vậy nảy sinh câu hỏi: Việc gì phải dùng tới kiểu nói phóng đại không cần thiết và phản tác dụng? Lẽ ra hẳn đã dễ dàng ngả mũ chào phần cứng và các kết nối dữ liệu tốc độ cao mà ông đã xây dựng.

Và tại sao so sánh thời gian của mình với một thời gian khác (11 tuần) mà dường như không còn tồn tại? Eric Topol, trưởng ban đào tạo của Scripps Health, nói: “Thời gian tốt nhất của chúng tôi với phần mềm độc quyền là 15 phút, rồi còn nhiều việc khác phải làm”. Suy cho cùng, làm được trong 47 giây, một giờ, hay năm giờ không thực sự quan trọng. Cái quan trọng là độ chính xác và chi phí.

Soon-Shiong giận dữ phản bác những lời chỉ trích. Ông nói: “Thật chẳng may là khi ta vượt ra ngoài những ranh giới thông thường được chấp nhận, một số người cảm thấy bị đe dọa và phản ứng. Khi ta điều hành một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, giới bán khống chộp lấy cơ hội đó. May mắn thay, người mạnh mẽ sẽ trường tồn – và không chỉ có tôi – và nhờ đó chúng ta có một thế giới tốt đẹp hơn. Nếu không, nhiều tiến bộ về y tế, khoa học và kỹ thuật sẽ chẳng bao giờ đạt được.

cloud

Cơ hội của Soon-Shiong để dập tắt những kẻ nghi ngờ sẽ sớm bắt đầu. Jim Davies, trưởng ban công nghệ của Genomics England, nói: “Đã có những ý tưởng tuyệt vời và những con người tuyệt vời. Bây giờ là tới phần họ sẽ triển khai ở đâu.”

Tại St. John’s, một bệnh viện ở Los Angeles mà Soon-Shiong đã hiến tặng 85 triệu Mỹ kim, một hệ thống mẫu đang theo dõi các cách điều trị bệnh nhân và chi phí điều trị theo thời gian thực. Và các hệ thống của Nant sắp sửa được triển khai toàn diện tại Providence Health & Services (hệ thống y tế này đã mua bệnh viện St. John’s). Soon-Shiong gặp Rod Hochman, tổng giám đốc hệ thống này, trong quá trình ký kết thỏa thuận này. Họ có ý định dùng Providence làm nơi thử nghiệm không chỉ phần mềm của NantHealth mà còn cả các xét nghiệm di truyền, với mục tiêu cung cấp các dịch vụ này cho từng người trong số 25.000 bệnh nhân ung thư của họ mỗi năm.

Ung thư là một bệnh về di truyền. Nó xảy ra khi một khiếm khuyết di truyền, hay khả dĩ hơn, một tập hợp các khiếm khuyết khiến cho các tế bào gặp trục trặc và phát triển mất kiểm soát. Bằng cách xác định có những khiếm khuyết di truyền nào và chọn các loại thuốc nhắm vào chung, bác sĩ có thể có khả năng điều trị những căn bệnh ung thư mà nếu không xác định được như vậy thì không thể chữa được.

Soon-Shiong có một ví dụ dùng công nghệ Nant. Một phụ nữ bị ung thư cổ tử cung và đã được phân tích hệ gien. Khi dữ liệu được đưa qua các máy tính của Nant, máy tính phát hiện rằng loại vi-rút papilloma ở người gây ra bệnh ung thư này đã tự đưa vào mình một gien tên là Her2. Đây chính là mục tiêu của loại thuốc Herceptin chống ung thư vú. Khi người phụ nữ này được cho uống Herceptin, loại thuốc thường không được dùng để trị ung thư cổ tử cung, các khối u của bà đã xẹp xuống.

Đây là một câu chuyện tuyệt vời. Nhưng một lần nữa, sự quảng bá rùm beng che mờ tính xuất sắc của ca điều trị này. Phân tích của Nant đã có kết quả tuyệt hảo cho bệnh nhân, nhưng nó không phải là một bước đột phá y học hay thậm chí độc nhất vô nhị. Foundation Medicine, một hãng công nghệ di truyền ung thư được sự hậu thuẫn của Bill Gates và Google Ventures, đã ca tụng một ca trong đó ung thư trong ruột kết của một phụ nữ đã xẹp xuống nhờ một thuốc trị ung thư phổi.

Cũng như mọi thứ về Dữ liệu Lớn, Nant đạt được quy mô khổng lồ. Trong khi Foundation Medicine xét nghiệm các khối u của bệnh nhân trong 343 gien, Soon-Shiong dự định làm với quy mô gấp 260 lần: xác định toàn bộ hệ gien của bệnh nhân, toàn bộ hệ gien của bệnh ung thư (hoàn toàn khác biệt về mặt di truyền học) và thông điệp hóa học, gọi là RNA, do hệ gien của bệnh ung thư phát ra. Ngay cả khi dùng máy xác định chuỗi DNA, chỉ riêng việc xác định chuỗi sẽ tốn 3.000 Mỹ kim mỗi bệnh nhân, và sẽ mất ba ngày, cộng với một ngày phân tích. Providence hy vọng sẽ chi trả cho việc này một phần bằng cách yêu cầu các hãng bảo hiểm chi trả.

Suy cho cùng, nhận xét đáng chú ý nhất có thể là ở Hội nghị Thượng đỉnh Y tế từ miệng của Susan Desmond-Hellmann, người đã theo dõi sự vươn lên của Soon-Shiong khi bà quản lý việc phát triển lâm sàng ở hãng Genentech trước khi thành hiệu trưởng ở Đại học California, San Francisco rồi sau đó là tổng giám đốc của Gates Foundation: “Đừng đánh giá thấp ông ta.”

Michael Crow, hiệu trưởng Đại học Công lập Arizona, nói “Trong thâm tâm, ông biết rằng danh hiệu bác sĩ giàu nhất thế giới không phải cái danh ông muốn. Chừng đó chưa đủ.” Soon-Shiong nói thêm: “Xưa nay tôi vẫn mưu cầu cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua khoa học. Đó chính là điều đã thúc đẩy tôi trước đây, và hiện đang thúc đẩy tôi.” Sự thù địch chẳng nghĩa lý gì nếu ông thành công – và dường rất có cơ may thành công, dựa trên một đánh giá về những tuyên bố, kế hoạch và các khoản đầu tư của ông. Viễn tượng lớn lao của ông dù chỉ thành công một phần nhỏ cũng sẽ là tin vui cho hàng triệu bệnh nhân người Mỹ.

Nguồn: Forbes, 10/9/2014

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bài lược dịch, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 24/9/2014.)

1 thought on “Bác sĩ giàu nhất thế giới Patrick Soon-Shiong và dự án tham vọng về tương lai y khoa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *