Yaroslav Trofimov
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Dù có kẻ khinh có người trọng, Mỹ đã là thế lực chính ở Trung Đông trong mấy chục năm qua, đóng vai trò dẫn dắt và bảo vệ cho các đồng minh của mình.
Song, nay khi Nga và Iran đang táo bạo nhúng tay vào sự vụ của khu vực này, vai trò đặc biệt đó dường như đang tan biến dần. Khi quan sát tình hình rối ren hiện nay, những chính khách và nhà ngoại giao lão luyện không nhớ nổi xưa nay có thời điểm nào mà nước Mỹ chẳng có mấy giá trị ở Trung Đông – và thời điểm nào mà Mỹ bị cả bạn lẫn thù khinh miệt đến vậy.
Ryan Crocker, nhà ngoại giao lâu năm từng làm đại sứ của chính quyền Obama ở Afghanistan và trước đó là đại sứ Mỹ ở Iraq, Syria, Lebanon và Pakistan, nói: “Ảnh hưởng và sự can dự của Mỹ ở khu vực này hiện đang ở mức thấp nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.”
Từ việc dẫn dắt Israel tiến tới hòa bình với các nước láng giềng Ả Rập tới chấm dứt cuộc xâm lăng Kuwait của Iraq năm 1990 và ngăn chặn sự lan tràn của Cách mạng Hồi giáo của Iran, từ lâu Mỹ đã chiếm vị trí cốt lõi trong hệ thống an ninh của Trung Đông. Sức mạnh quân sự của Mỹ đã bảo đảm an toàn cho các tuyến đường mậu dịch quan trọng và phần lớn nguồn cung dầu của thế giới. Ngày nay, khoảng trống do Mỹ thoái lui đang được lấp bởi chính những thế lực mà chính sách của Mỹ từ lâu tìm cách ngăn chặn.
Ông Crocker, nay là hiệu trưởng Trường Bush về Quản lý Nhà nước và Dịch vụ Công tại Đại học Texas A&M, bổ sung: “Nếu ta nhìn vào trung tâm của Trung Đông, nơi Mỹ từng hiện diện, nay chúng ta đã biến mất – và thế chỗ của chúng ta là Iran, người Hồi giáo Shiite đại điện cho Iran, Nhà nước Hồi giáo (IS), và Nga. Chúng ta đã nhường lại cho các kẻ thù của mình cái xưa kia từng là nơi thể hiện uy lực của Mỹ.”
Dĩ nhiên, Mỹ vẫn có sự hiện diện đáng nể trên toàn khu vực Trung Đông tổng thể, với khoảng 45.000 quân trong vùng và có những mối quan hệ mật thiết với các cơ quan tình báo và các đối tác cầm quyền thân thiện với mình từ Pakistan tới Morocco. Ngay cả sau khi Mỹ triệt thoái khỏi Iraq và Afghanistan, sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực này vẫn lấn át vài chục máy bay chiến đấu và vài ngàn quân do Nga triển khai tới Syria gần đây. Và như chính quyền Obama từng lập luận, không phải những hành động giảm bớt can dự này mà chính sự ôm đồm quá nhiều ở khu vực này dưới thời tổng thống George W. Bush đã gây phương hại tới vị thế quốc tế của Mỹ.
Tuy vậy, từ khi Mùa xuân Ả Rập làm đảo lộn trật tự lâu đời của Trung Đông vào năm 2011, khả năng của Mỹ trong việc gây ảnh hưởng ở khu vực này đã bị suy suyển do thiên hạ ngày càng tin rằng một Washington sợ rủi ro, chỉ tập trung vào xoay trục chính sách đối ngoại sang Châu Á, chẳng thèm thực hiện vai trò đứng đầu truyền thống của mình ở Trung Đông nữa.
James Jeffrey, cựu đại sứ Mỹ ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, nói: “Vấn đề chính không phải là sức mạnh quân sự của Mỹ – sức mạnh quân sự của Mỹ ở Trung Đông hùng hậu lắm. Cái chính là thiên hạ – cả bạn lẫn thù của chúng ta – tin rằng chúng ta sẽ dùng sức mạnh đó để bảo vệ bạn bè của chúng ta, không có ‘nếu’, ‘và’ hay ‘nhưng’ gì cả. Chẳng ai chịu chấp nhận rủi ro nếu Mỹ không chấp nhận rủi ro và nếu thiên hạ lo ngại rằng một mai chúng ta sẽ quay lưng bỏ đi.”
Cảm nhận này dường như đang ngày càng phổ biến trong khu vực này, nơi mà các đồng minh truyền thống – nhất là Israel và các chế độ quân chủ Vùng Vịnh – cảm thấy bị bỏ rơi sau khi chính quyền Obama ký thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nhiều nhà lãnh đạo và nhà bình luận trong khu vực so sánh sự ủng hộ không nao núng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với chế độ tàn bạo của Tổng thống Syria Bashar al-Assad với việc Washington sẵn sàng buông rơi các đồng minh của mình, nhất là nhà độc tài lâu năm Hosni Mubarak của Ai Cập. Cụm từ “lằn ranh đỏ” nay thường khiến người ta cười khẩy ‘biết rồi, khỏi nói nữa’, do tổng thống [Obama] quay ngoắt không dám oanh tạc Syria sau cuộc tấn công bằng khí độc sarin kinh hoàng của chế độ Assad vào năm 2013.
Bằng cách tập trung những đợt không kích mới nhất của Moscow vào quân phiến loạn ôn hòa Syria được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) huấn luyện, mà Mỹ chẳng hề có nỗ lực nào bảo vệ họ, Tổng thống Putin cho thấy ở khu vực này nếu đứng cùng phe với Mỹ thì sẽ nguy hiểm tới đâu.
Emile Hokayem, một học giả cao cấp ở Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược ở Bahrain, nói: “Hiện nay có liên hệ với Mỹ là có chi phí cao và rủi ro cao. Bá tánh trong khu vực này, bất luận là ai đi nữa, đều có hiềm khích sâu sắc với Mỹ. Nếu thuộc giới thiên hướng tự do, ta thấy tổng thống Obama càng xoa dịu các nhà lãnh đạo độc tài. Còn nếu là một nhà lãnh đạo độc tài, ta quay lại với vấn đề Mubarak và chuyện Mỹ là một đồng minh chẳng đáng tin cậy. Trong khu vực này ta chẳng tìm đâu ra nơi nào ủng hộ Mỹ tại thời điểm này – quả thật rất đáng ngạc nhiên.”
Chính sách của chính quyền Obama xoay trục khỏi Trung Đông tất nhiên bắt nguồn từ việc quá mệt mỏi chán chường với các cam kết quân sự và tài chính khổng lồ của Mỹ từ sau sự kiện 11/9, nhất là sau cuộc xâm lược Iraq năm 2003: Kể từ năm 2001, Mỹ đã chi tiêu ít nhất 1,6 ngàn tỉ đô, theo Ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, và 6.900 lính Mỹ đã thiệt mạng ở khu vực này.
Jeremy Shapiro, một học giả tại Viện Brookings ở Washington và cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nói: “Chúng ta đã can dự quá hấp tấp vào Iraq, không thể nào vội vàng hơn, và việc đó chẳng những không có tác dụng mà càng làm cho tình hình tệ hơn. Cần phải lưu ý như vậy khi bàn về Syria.”
Ông nói thêm rằng bằng cách giảm bớt các cam kết của mình ở Trung Đông, chính quyền Obama đã thừa nhận đúng về những hạn chế của thế lực Mỹ tại một khu vực biến động quanh năm: “Điểm khác biệt không phải là liệu ta có hòa bình hay không, mà là liệu người Mỹ có can dự khi không có hòa bình.”
Brian Katuli, một học giả cao cấp tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, một tổ chức nghiên cứu ở Washington thân cận với chính quyền, cho rằng sự ngại can dự đó cũng phản ánh tâm trạng nói chung của công chúng Mỹ.
Ông nói: “Đó không hẳn là chuyện ‘sức tàn lực kiệt’ do các cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Theo tôi đúng hơn là do tính thực dụng – nhiều người Mỹ nhìn lại sự can dự của Mỹ ở Trung Đông trong 15 năm qua, và họ thấy khoản đầu tư đó chỉ sinh lời ít ỏi xét về tính ổn định [trong khu vực]. Nên họ nghi ngờ là lẽ thường tình.”
Tạm thời công chúng Mỹ không phải trả giá cao cho việc vị thế của đất nước mình bị suy giảm tại Trung Đông. Mỹ chưa bị một cuộc tấn công khủng bố lớn nào tại nội địa kể từ năm 2001. Giá dầu vẫn còn thấp. Hàng triệu người tị nạn trốn khỏi Syria và Iraq đang tràn ngập các nước láng giềng và, ngày càng nhiều, Châu Âu, chứ không tới nước Mỹ xa xôi. Và tuy khu vực này đang dầu sôi lửa bỏng, với năm cuộc chiến đang diễn ra ác liệt từ Libya tới Afghanistan, lính Mỹ không còn tử trận hàng ngày trên những chiến trường xa xăm của Mỹ.
Nhưng việc Mỹ bớt can dự vẫn gây tổn hại dài hạn – cho dù ta có phớt lờ thảm họa nhân đạo ở Syria, nơi có hơn 250.000 người đã chết và hơn một nửa dân số đã bỏ nhà cửa mà di tản. Nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến, Mỹ có thể không còn lệ thuộc vào dầu của Trung Đông như trước nữa, nhưng các đồng minh và đối tác mậu dịch chính của Mỹ vẫn còn. Nơi ẩn náu của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria có thể cho phép nhóm này mưu tính các cuộc tấn công khủng bố lớn ở Châu Âu và Mỹ. Và sự rút lui của Mỹ đang ảnh hưởng tới các tính toán của những nước khác về cách đối phó với Trung Quốc và Nga.
Tòa Bạch Ốc phản bác ý kiến cho rằng Mỹ đang mất ưu thế ở Trung Đông. Hồi đầu tháng 10, Tổng thống Barack Obama nói rằng những cuộc tấn công của Nga nhắm vào các lực lượng chống Assad được thực hiện “không phải do ở thế mạnh, mà là ở thế yếu” và cảnh báo rằng Moscow sẽ “sa lầy”.
Tổng thống Obama bổ sung: “Chúng tôi sẽ không biến Syria thành một cuộc chiến ủy nhiệm (proxy war) giữa Mỹ và Nga. Đây đâu phải là cuộc đấu trên bàn cờ giữa các siêu cường quốc.”
Nhưng trong mấy thập niên qua, Trung Đông quả thực đã là bàn cờ địa chính trị mà trên đó Mỹ thận trọng củng cố các vị thế của mình – vun đắp các mối quan hệ với đủ loại bạn bè khác nhau như Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan, Israel, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn cản các tham vọng của Moscow và Tehran, những đối thủ chính của Washington trong khu vực này.
Trước thềm biến cố Mùa xuân Ả Rập năm 2011, Nga gần như không có ảnh hưởng gì ở khu vực này, còn Iran bị bó buộc bởi những biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với chương trình hạt nhân của Iran. Những cuộc chiến tốn kém của Mỹ ở Iraq và Afghanistan đã chẳng mang lại ổn định, nhưng cả hai nước này đều không bị sụp đổ bên trong, và phiến quân Taliban đã bị rượt đuổi phải rút vào những xó hẻo lánh ở vùng nông thôn Afghanistan. Nhiều người ở Trung Đông cáu tiết về sự thống lĩnh của Mỹ – nhưng họ đồng ý rằng đó là thế lực duy nhất trong vùng.
Những diễn biến kịch tính trong mấy tuần gần đây – từ nước cờ khai cuộc Syria của Nga tới những bước tiến gây sửng sốt của Taliban ở Afghanistan – cho thấy rõ là khu vực này đã biến đổi rất nhiều kể từ thời đó. Xem như ông đã khiến các kế hoạch lập các vùng cấm bay hay khu vực an toàn ngoài thẩm quyền của chế độ Assad trở thành gần như bất khả thi – và đã có nước đi xác lập vị thế của Nga là phương án quân sự khác vững vàng có thể ngăn chặn sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực này.
Camille Grand, giám đốc Sáng hội Nghiên cứu Chiến lược, một tổ chức nghiên cứu ở Pháp, nói: “Điều Putin muốn là thiết lập vị thế kiểu như đồng thống lĩnh với Mỹ để giám sát Trung Đông – và cho tới nay, ông ta gần như đã thành công.”
Việc Nga can dự được nhiều giới trong khu vực hoan nghênh – đặc biệt là ở Iraq, một nước chủ yếu có người Hồi giáo Shiite nơi mà Mỹ đã tiêu tốn quá nhiều máu và tiền của – vì ngày càng bất mãn do Mỹ không đẩy lùi được Nhà nước Hồi giáo.
Hơn một năm sau khi Tổng thống Obama hứa “làm suy yếu và cuối cùng sẽ tiêu diệt” Nhà nước Hồi giáo, nhóm phiến quân Hồi giáo Sunni này vẫn nắm quyền kiểm soát vững chắc ở Mosul, thành phố lớn thứ nhì ở Iraq. Hồi tháng 5, nhóm này chiếm được Ramadi, một thành phố trọng yếu khác của Iraq. Nhà nước Hồi giáo – còn được gọi là ISIS – đang lan rộng trên khắp khu vực này, gây rúng động các nước từ Afghanistan tới Libya tới Yemen.
Thiếu tướng người Lebanon đã về hưu Hisham Jaber, nay đứng đầu một tổ chức nghiên cứu ở Beirut, chế giễu: “Kết quả của liên minh Mỹ này là gì? Chỉ là sự bành trướng của ISIS.”
Giới quan chức Iraq và các chiến binh người Kurd từ lâu đã than phiền về tốc độ của chiến dịch không kích của Mỹ đánh vào Nhà nước Hồi giáo và về việc Washington không muốn cung cấp lính trinh sát phát hiện mục tiêu trước để hướng dẫn các cuộc không kích này hay đưa các cố vấn Mỹ vào các đơn vị tác chiến. Những hạn chế này trên thực tế đã khiến quân đội Mỹ trở thành một đối tác thứ yếu của Iran trong chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo, yểm trợ không lực cho dân quân người Shiite do Iran chỉ đạo, những người tham chiến với chân dung của các Lãnh tụ Tối cao Khomeini và Khamenei dán đầy trên những chiếc xe tăng của họ.
Iraq đã mất rất nhiều lãnh thổ vào tay Nhà nước Hồi giáo, và một tai họa khác có thể sắp xảy ra tại Afghanistan ở phía đông. Việc Taliban gần đây chiếm được thành phố chiến lược Kunduz, mà hiện vẫn còn là một chiến trường, cho thấy chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani được Mỹ hậu thuẫn rất gần với nguy cơ thất bại chiến lược. Cơ may tồn tại của chính phủ này có thể còn giảm nữa nếu chính quyền Obama tiếp tục với các kế hoạch rút 9.800 lính Mỹ còn lại vào năm tới.
Nghị sĩ Shinkai Karokhail của Afghanistan cảnh báo: “Nếu người Mỹ quyết định triệt thoái tất cả các lực lượng khỏi Afghanistan, chuyện đã xảy ra ở Kunduz sẽ xảy ra với nhiều nơi khác.”
Ở những nơi khác, việc Mỹ hết can dự tại Afghanistan đã đẩy các nước Trung Á trước đây từng cố gắng có chính sách tương đối độc lập và cho phép phương Tây đặt căn cứ trên đất của họ trở lại quỹ đạo của Moscow.
Tokon Mamytov, cựu phó thủ tướng Kyrgyzstan và nay giảng dạy tại Đại học Slavic Kyrgyzstan-Nga ở Bishkek, nói: “Rõ ràng là những gì đang diễn ra ở Afghanistan đang đẩy các nước chúng tôi lại gần Nga hơn. Ai mà biết được mai kia Mỹ có thể nghĩ ra trò gì nữa – chẳng còn ai tin Mỹ nữa, cả giới chóp bu lẫn thường dân.”
Trong các đồng minh của Mỹ ở khu vực này, tâm trạng băn khoăn không hiểu tại sao Mỹ quá sốt sắng bỏ rơi khu vực này nay đã trở thành tâm trạng lo âu hay thậm chí hoảng loạn – và trong một số trường hợp dẫn tới các nỗ lực bắt tay thỏa hiệp với Nga.
Sự can thiệp đẫm máu và hỗn loạn ở Yemen của Saudi Arabia và các nước đồng minh Vùng Vịnh một phần xuất phát từ nỗi lo sợ là Mỹ không bảo bọc cho họ trước Iran theo Hồi giáo Shiite. Các nước Ả Rập theo Hồi giáo Sunni này có thể phản ứng thậm chí còn liều lĩnh hơn trong tương lai trước mối nguy Iran theo cảm nhận của họ, và càng làm khích động mạnh mẽ hơn những cơn cuồng say giáo phái đã châm ngòi cho sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo và các nhóm cực đoan khác.
Abdulhaleq Abdulla, một nhà chính trị học ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, cho rằng các nước Vùng Vịnh “đang hành động một cách độc lập hơn những gì ta đã chứng kiến trong 40 năm qua”.
Ngay cả Israel cũng đang thủ thế phòng thân cho mình. Năm ngoái, nước này không ngả về phe với Mỹ và từ chối không bỏ phiếu thuận cho một nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc được Mỹ bảo trợ lên án việc Nga thôn tính Crimea. Trong những ngày gần đây, Israel đã không phê phán việc Nga không kích ở Syria.
Vậy thì tình trạng Mỹ giảm sút khả năng định hình tình hình ở Trung Đông trầm trọng tới đâu – và kéo dài bao lâu?
Đô đốc Hải quân Mỹ đã về hưu James Stavridis, người từng là tư lệnh đồng minh tối cao của NATO trong thời kỳ 2009-2013 và nay là hiệu trưởng Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, nói: “Sự sa sút này không phải là không thể đảo ngược được.” Ông cho rằng việc tăng viện trợ, các đợt tập trận và can dự với các nước Vùng Vịnh và Israel, cũng như cam kết nhiều hơn vào việc chống Nhà nước Hồi giáo và hỗ trợ phe chống đối ôn hòa ở Syria, có thể khắc phục tác hại gần đây.
Nhưng những người khác đã kết luận rằng công cuộc kiến tạo hòa bình do Mỹ đứng đầu (Pax Americana) của Trung Đông đã thực sự chấm dứt. Ông Hokayem nói: “Bất cứ ai kế nhiệm Obama cũng sẽ chẳng còn nhiều con bài để chơi. Tôi chẳng thấy một chiến lược nào thậm chí cho vị tổng thống kế tiếp. Chúng ta đã đi quá xa.”
Nguồn: Yaroslav Trofimov, America’s Fading Footprint in the Middle East, The Wall Street Journal, 9/10/2015.
(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 14/10/2015)
Bản tiếng Việt © 2015 Phạm Vũ Lửa Hạ
Bài liên quan: Huyền thoại về ngày tàn của nước Mỹ