Sáng thứ bảy, ngủ dậy anh bật TV coi thời tiết theo thói quen. Bạn bè nói anh lạc hậu, sao không cài ứng dụng vào điện thoại thông minh rồi dùng wi-fi ở nhà coi nó nhanh. Chê thì chịu, chứ anh vốn ngại ba cái thứ kết nối này lắm. Anh đọc đâu đó nói về geolocation chỉ vị trí địa lý thực của thiết bị có kết nối; mình đi tới đâu làm gì thì thông tin định vị chườn hết ra cho thiên hạ biết.
Thứ bảy là định kỳ hàng tuần anh ghé thư viện công cộng lấy sách và phim đã đặt qua mạng cho cả nhà. Con vị thành niên nên anh lấy giùm từ thẻ của con được, nhưng thẻ của vợ thì trước đó anh phải có ủy quyền mới được lấy. Hôm hai người tới thư viện ký xác nhận ủy quyền, anh hỏi sao phiền phức chi vậy. Cô thủ thư nói đó là quy định bảo vệ quyền riêng tư; phòng khi vợ không muốn anh biết nàng đọc hay xem gì.
Ở xứ này, quyền riêng tư nó to lắm, không khéo thì rắc rối đủ chuyện. Có trường hợp nhân chủ nhà đi vắng, cảnh sát vào sân sau lục thùng rác lấy giấy tờ có thông tin quan trọng để điều tra vụ trồng cỏ (tức cần sa); nhưng khi ra tòa thì bằng chứng bị bác vì cách thức điều tra vi phạm quyền riêng tư. (Thùng rác còn để trong sân sau hay lối đi bên hông nhà thì còn bất khả xâm phạm; nếu đã đẩy ra để trên vỉa hè chờ xe rác tới dọn đi thì hết quyền đó.) Có hãng dịch vụ điện thoại di động bị khách hàng kiện (và thắng) vì sơ ý tiết lộ hóa đơn cho chồng mình. Số là ông chồng gọi điện lên hãng đề nghị để tên mình vào hóa đơn, và hãng đồng ý mà không hỏi ý kiến cô vợ. Khi hóa đơn có tên cả hai người gởi về nhà, chồng nhanh tay mở trước (nếu chỉ có tên vợ thì chồng cấm mở nếu không được phép), thấy có số điện thoại của người tình của vợ, lấy đó làm chứng cứ ngoại tình để đâm đơn ly dị vợ.
Chiều có việc phải ghé nhà bạn, nên anh dò tìm đường trên Google Maps. Anh có cái GPS cũ chưa cập nhật bản đồ mới, mà bạn vừa dời qua thành phố khác, đường sá mới toanh nên tìm trước cho chắc. Thấy hình chụp nhà bạn qua Street View, anh tò mò coi thử hình nhà mình ra sao. Thấy rõ mồn một, có cả chiếc xe đậu trước sân. Thử coi cận cảnh cửa sổ tầng trên; hú hồn, may mà lúc đó cửa buông màn chớ không thì phòng ngủ bày ra hết cho người ta thấy. Kể ra Google cũng tử tế xóa nhòa biển số xe để kẻ gian khỏi ăn cắp thông tin. Nghe nói Google làm vậy sau khi có nhiều lời kêu ca, thậm chí đòi kiện vi phạm quyền riêng tư, vì một số người ăn vụng đậu xe ở nhà nghỉ xa tuốt luốt đâu đó nhưng số xe hiện chình ình trên mạng, thế là “lạy ông tôi ở bụi này”.
Từ sau vụ Edward Snowden tiết lộ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ do thám trên diện rộng cả người dân lẫn chính phủ khắp thế giới, bá tánh càng quan ngại chuyện bị theo dõi. Mới tháng rồi, báo Đức Der Spiegel cho hay có thể NSA đã lấy những dữ liệu nhạy cảm nhất trên điện thoại thông minh, gồm các danh sách liên hệ, tin nhắn, ghi chép cá nhân và thông tin về địa điểm nơi người sử dụng đã có mặt. Rồi mới tuần trước, báo Mỹ Washington Post vẽ biểu đồ chi tiết thể hiện cách NSA theo dõi điện thoại di động, kể cả khi không kết nối Internet, chỉ cần thông qua các tháp tín hiệu vô tuyến.
Thảng hoặc anh có tải vài ứng dụng về chơi cho biết, nhưng cứ nghe cảnh báo ứng dụng đó có thể lấy thông tin cá nhân từ máy rồi truyền đi là ngại ghê ngại gớm; chỉ dám xài cái nào không cần nối mạng khi chơi. Lắm lúc anh ngạc nhiên vì bạn bè xài ứng dụng rất thoải mái, không đặt hạn chế về quyền riêng tư. Có khi tưởng chừng như vô thưởng vô phạt như chơi Candy Crush Saga và tự động bắn lên Facebook khoe đã đạt tới trình độ nào. Có người để ứng dụng đo nhịp tim và báo tốc độ chạy bộ rồi cập nhật trực tiếp lên Facebook kèm theo cả bản đồ lộ trình chạy.
Trước khi có vụ Snowden, anh cũng học được chút đỉnh từ một người bạn kỹ sư điện toán về tính cẩn trọng khi kết nối và chơi mạng xã hội. Anh này về Việt Nam chơi mấy tháng mà không hề hó hé chia sẻ chút gì trên mạng. Đến khi quay lại mới gọi điện kể chuyện quê nhà cho bạn bè nghe. Bạn hỏi sao kín tiếng vậy; anh đáp dại gì để kẻ gian biết mình đi vắng rồi vào nhà quơ hết đồ. Nghe thì có vẻ lo bò trắng răng, nhưng chắc là dân trong nghề nên rành sáu câu các kiểu tin tặc rình rập.
Thực ra cũng không tránh hết được vì máy tính ở nhà cũng nối mạng suốt đó thôi. Nhưng tránh được chừng nào hay chừng đó. Thời buổi này nhất cử nhất động lướt mạng đều được lưu giữ trong các chuỗi nhấp chuột (clickstream) để các chuyên gia dữ liệu lớn (big data) tha hồ phân tích. Một cuộc điều tra gần đây của tờ The Wall Street Journal phát hiện 50 trong số trang mạng phổ biến nhất (chiếm 40% trong tổng số trang mạng mà người Mỹ truy cập) đã đặt tổng cộng 3.180 công cụ theo dõi trên máy tính thử nghiệm của tờ báo này, mà phần lớn các công cụ này ẩn mình và người sử dụng không biết đến chúng.
Hèn chi! Mới hôm qua, anh khảo giá ở mấy mạng khác nhau trước khi mua một đĩa trò chơi điện tử mới để con tuần sau tặng quà sinh nhật cho bạn. Mất nửa tiếng đồng hồ tìm hiểu, anh chọn được món mình cần, quyết định sẽ ra cửa hàng mua cho nhanh và tiết kiệm phí vận chuyển. Ngay sau đó, anh vô Facebook hóng tin bạn bè một chút. Vừa mới đăng nhập là thấy liền ở góc bên phải màn hình hiện lên mẩu quảng cáo đúng cái món anh đã nghĩ trong đầu trước đó mấy phút, với giá rất khớp với mức anh muốn. Vậy đó, chỉ cần nửa tiếng nhấp chuột dạo quanh vài mạng mua sắm là người tiêu dùng tự khai báo “mức sẵn lòng chi trả” của mình, điều mà bao thế hệ tiếp thị đi trước mơ ước và tốn bao nhiêu tiền của hết khảo sát lại nghiên cứu.
Tối về nhà, ăn cơm xong, anh mở máy tính bảng đọc tiếp cuốn Tân Kỷ nguyên Kỹ thuật số của Eric Schmidt, chủ tịch Google, và Jared Cohen, trưởng ban ý tưởng của Google. Thấy có ý này đáng suy gẫm: “Identity (danh tính và thông tin liên quan) sẽ là hàng hóa có giá trị nhất của các công dân trong tương lai, và nó sẽ tồn tại chủ yếu trên mạng”. Mãi đọc về thân phận con người trong tương lai kỹ thuật số, anh thiếp đi lúc nào không hay.
Mơ mơ màng màng, anh thấy hiện ra chàng Hamlet đeo kính Google, làm dáng chụp một tấm tự sướng trước chiếc trực thăng bát giác (octocopter) không người lái của Amazon, bấm một cái tự động đưa lên khắp các mạng xã hội để cả triệu người theo dõi bấm like cùng sướng hoặc retweet. Đang lâng lâng với cả trăm lần bức ảnh được chia sẻ trong chừng chục phút, chàng giật mình với tin nhắn của cận thần vào hộp thư riêng về một tấm ảnh PR của chàng tuần trước. Lập tức chàng ra lệnh “Ok, Glass” bảo Google Glass tìm nhanh. Cư dân mạng dùng trang FotoForensics phân tích ảnh chụp chàng tới một vùng sâu để làm từ thiện, và kết luận bức ảnh đó bị sửa bằng Photoshop. Rối trí chưa biết xử lý sự cố truyền thông trực tuyến (cyberincident) này ra sao, Hamlet ngửa mặt lên trời mà than: “Kết nối hay không kết nối, đó chính là vấn đề!”
Bài đã đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, số 1-2014, ngày 2/1/2014.
© 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
Bài liên quan: Mặt trái của cuộc cách mạng kỹ thuật số
1 thought on “Một ngày của người ngại kết nối thời kỹ thuật số”