Biến riêng thành chung (1)

Phạm Vũ Lửa Hạ

Trong tiếng Việt, ta vẫn thường nghe những cách nói như máu Hoạn Thư, đồ Sở Khanh, nóng như Trương Phi … Tiếng Anh cũng có rất nhiều từ ngữ xuất phát từ tên riêng. Đằng sau những từ ngữ như thế là cả một kho chuyện lý thú mang dấu ấn không những của văn hóa Anh, Mỹ và các nước nói tiếng Anh, mà cả văn hóa Hy-La. Bài này nói về một số trường hợp biến tên riêng thành “tài sản” chung của tiếng Anh, nhưng không bàn đến những thuật ngữ khoa học như pasteurize, mesmerize, Celsius … Phần lớn những ví dụ trong bài này lấy từ một vài chương trình Special English của đài VOA năm xưa.

1. Từ tên nhân vật hay địa danh có thật trong lịch sử

Blarney-stoneTại làng Blarney, nam Ireland, có Lâu đài Blarney nổi tiếng với Hòn đá Blarney; theo truyền thuyết, ai hôn vào hòn đá đó sẽ gặp may mắn và có tài “thuyết khách”. Hồi thế kỷ 17, Lâu đài Blarney đã được chủ nhân đồng ý giao nộp cho quân Anh. Nhưng nhà quý tộc này đã khéo kiếm cớ lần lữa ngày giao nộp đến nỗi vào lần cuối cùng nghe ông ta viện cớ, Nữ hoàng Elizabeth thốt lên: “This is just more of the same Blarney”. Từ đó, blarney mang nghĩa lời dụ dỗ / nịnh nọt / tán tỉnh ngon ngọt.

Vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, Thomas Hobson (1544?-1630) được cấp phép dùng ngựa vận tải hành khách, thư từ và hàng hóa giữa Cambridge và London, Anh. Khi không dùng đến chúng, ông cho các sinh viên đại học thuê ngựa. Hẳn nhiên sinh viên luôn muốn thuê con ngựa mình thích nhất, thế là một số ngựa bị quá tải. Để khắc phục tình trạng này, Hobson thực hiện hệ thống xoay vòng, buộc khách phải chọn con ngựa đứng gần cửa chuồng nhất, bằng không thì khỏi thuê. Quy tắc này gọi là Hobson’s choice, và dần dà dùng để ám chỉ một lựa chọn bất đắc dĩ, hoặc phải chọn cái mình không thích, hoặc chẳng có gì cả.

Từ thế kỷ 13 đến 19, Hội chợ Donnybrook là một lễ hội hàng năm tổ chức ở Donnybrook, ngoại ô Dublin, Ireland. Hội chợ này được ghi nhớ bởi lượng rượu tiêu thụ khủng khiếp tại đó, bởi những cuộc hôn nhân vội vã trong tuần tiếp sau đó, và nhất là bởi những cuộc ẩu đả xảy ra trong suốt kỳ hội chợ. Kể từ thập niên 1790 đã có những phong trào phản đối việc hội chợ này biến thành trận loạn đả vì say xỉn. Năm 1855, lễ hội này bị hủy bỏ, nhưng trước đó donnybrook đã được dùng để chỉ cảnh bát nháo vì đánh nhau hay cãi cọ.

Đầu thế kỷ 19, Samuel Maverick, thị trưởng San Antonio, Texas, Mỹ, có nhiều đất đai nhưng không muốn nuôi gia súc. Một hôm có người đến trả nợ cho ông, nhưng không phải bằng tiền mặt mà bằng 400 con bò. Ông cũng nhận dù không ưng ý lắm, và thả cho chúng tự kiếm ăn và sinh sôi trên đất của mình. Thông thường các chủ trang trại đóng dấu lên bê để xác nhận quyền sở hữu. Maverick nghĩ khác: bê của người khác đều được đóng dấu, vậy bê nào không đóng dấu chính là của ông. Thế là xuất hiện từ maverick = bê chưa đóng dấu. Từ này về sau có thêm nghĩa khác nhờ … cháu nội của Samuel. Năm 1935, Morey Maverick, đảng viên Dân chủ, đắc cử vào Quốc hội. Nhưng khi ở Washington, ông ta cầm đầu một nhóm cấp tiến có tư tưởng độc lập muốn tách khỏi đảng Dân chủ; nhóm này được gọi là mavericks. Từ đó maverick có thêm nghĩa người có tư tưởng / quan điểm độc lập.

Trong 56 người ký vào Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, John Hancock là người đầu tiên, đồng thời ký rõ hơn và to gấp đôi so với những người ký sau, kể cả Thomas Jefferson (người soạn thảo). Ký xong, Hancock nói: “Bây giờ Vua Anh có thể đọc tên tôi mà chẳng cần mang kính”. Ngày nay, nếu xin John Hancock của một người Mỹ, tức là bạn muốn người đó ký tên vào một văn bản.

Năm 1946, nhà tạo mẫu Pháp Louis Reard giới thiệu kiểu áo tắm nữ hai mảnh. Ông đang tìm cách đặt một cái tên thật hay, thì nghe tin Mỹ vừa thử bom nguyên tử tại đảo san hô Bikini thuộc quần đảo Marshall, Thái Bình Dương. Thế là bikini trở thành tên gọi của loại trang phục mới rất gợi cảm này; kể ra cũng hợp vì bikini lúc đó gây chấn động hệt một quả bom.

Năm 49 trước Công nguyên, dù biết Viện nguyên lão La Mã đã có luật cấm một vị tướng dẫn quân ra khỏi địa phận được phân công cai trị, Julius Caesar vẫn dẫn quân vượt sông Rubicon phân cách nước Ý và xứ Gaul. Hành động thách thức này đã châm ngòi một cuộc nội chiến ba năm. Sau đó Caesar chiến thắng và thống trị La Mã. Từ đầu thế kỷ 17, Rubicon dùng để ám chỉ một ranh giới quan trọng, và to cross the Rubicon chỉ hành động dấn thân vào việc khó khăn, nguy hiểm, theo kiểu “phóng lao phải theo lao” hoặc “một liều ba bảy cũng liều”.

Vị tướng La Mã Lucius Licinius Lucullus có một binh nghiệp lừng lẫy, nhưng ông lưu danh hậu thế với quãng đời sung túc lúc về hưu. Trở về sống tại Rome vào năm 66 trước Công nguyên cho đến khi qua đời 10 năm sau đó, Lucullus nổi danh với những bữa tiệc thịnh soạn thết đãi những thi sĩ, nghệ sĩ và triết gia hàng đầu đương thời. Tiệc tùng của ông rượu thịt ê hề đến nỗi ông kịp ghi danh mình vào kho từ vựng tiếng Anh với Lucullan  = hoang phí.

Bangalore được xem là Thung lũng Silicon của Ấn Độ. Thành phố này hưởng lợi rất nhiều từ trào lưu offshoring của các công ty đa quốc gia chuyên về công nghệ cao. Các công ty này chuyển sang châu Á hay Đông Âu để tận dụng chi phí rẻ hơn (về nhân công, mặt bằng, thuế má …). Một người lao động ở nước nhà (ví dụ kỹ sư phần mềm ở Anh hay Mỹ) bị mất việc vì chuyển biến này thì nói là “to be Bangalored”, ví như trong câu: “I am a software developer who is about to be Bangalored”.

(còn tiếp)

Bài đã đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị khoảng năm 1999 (lâu quá nên không nhớ rõ ngày nào 🙂 )

URL: http://phamvuluaha.wordpress.com/2012/04/27/proper1/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *