2. Từ tên nhân vật hay địa danh hư cấu trong văn học hay truyền thuyết
Nhà văn Anh Conan Doyle (1859-1930) đã sáng tạo ra thám tử Sherlock Holmes có biệt tài phá án. Khả năng điều tra tuyệt vời nhờ vào năng khiếu quan sát và suy luận (đôi khi chẳng cần phải rời khỏi nhà) của ông đã làm kinh ngạc cảnh sát và cả ông bạn bác sĩ Watson. Người ta thường nói “Elementary, my dear Watson” khi nghĩ rằng có thể dễ dàng giải quyết chuyện gì đó, dù Holmes không hề nói câu đó trong bất cứ truyện nào. Còn khi cảm thấy không giải quyết được, người ta lại nói “I’m afraid I’m no Sherlock Holmes”.
Năm 1816, thi sĩ Anh Samuel Taylor Coleridge (1772-1834) viết bài thơ “Kubla Khan” trong đó mô tả Xanadu, một chốn hoang đường đẹp đến mức lý tưởng. Dù là một địa danh hư cấu, Xanadu được lấy cảm hứng từ một cung điện của Hốt Tất Liệt (Kublai Khan, 忽必烈), cháu nội của Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan, 成吉思汗). Sau này, Xanadu mang nghĩa thiên đường hạ giới.
Trong vở kịch Speed the Plough của Thomas Morton viết năm 1798, nhân vật Ashfield luôn miệng hỏi “What would Mrs. Grundy say?”, và thường sợ bị bà hàng xóm Grundy chỉ trích. Dù bà Grundy hợm hĩnh thực sự chẳng hề xuất hiện trên sân khấu, thái độ kẻ cả và hay phê phán của bà đã có ảnh hưởng đến hoạt động của các nhân vật khác. Đến năm 1813, Mrs. Grundy được dùng để chỉ người rất kiểu cách, hay lên mặt ta đây đạo đức.
Caspar Milquetoast là nhân vật trong truyện biếm họa The Timid Soul do họa sĩ Harold T. Webster sáng tác năm 1924 và đăng vào Chủ nhật hàng tuần trên tờ New York Herald Tribune trong nhiều năm. Webster nói rằng Milquetoast là chân dung tự họa của mình, và tóm tắt tính cách nhân vật này là “người ăn nói nhỏ nhẹ và bị ăn gậy”. Từ giữa thập niên 1930, bắt đầu có nhiều ví dụ dùng Milquetoast để chỉ người nhút nhát, nhu nhược.
Seth Pecksniff, một nhân vật trong tiểu thuyết Martin Chuzzlewit của Charles Dickens viết năm 1844, thích rao giảng đạo đức và khoác lác về đức hạnh của mình, dù trên thực tế hắn là một kẻ lừa đảo, dám làm mọi chuyện để thu vén lợi ích riêng. Chẳng cần mất nhiều thời gian để cái thói giả dối của Pecksniff lưu dấu ấn vào tiếng Anh. Kể từ năm 1851, Pecksniffian mang nghĩa đạo đức giả.
Năm 1894, nhà văn Anh Anthony Hope in tiểu thuyết The Prisoner of Zenda lấy bối cảnh là vương quốc hoang đường Ruritania. Sách kể về những cuộc phiên lưu của Rudolf Rassendyll, một người Anh giả làm vua Ruritania để cứu ông ta khỏi một âm mưu tạo phản. Tài kể chuyện hấp dẫn của Hope nhanh chóng làm say mê công chúng. Hai năm sau khi sách phát hành, nhà văn George Bernard Shaw là người đầu tiên dùng Ruritanian như một tính từ, và kể từ đó nó được dùng để nói về một nơi hoang đường, ảo tưởng.
Phong trào Luddite khởi xướng ở Nottingham, Anh, vào cuối năm 1811 khi những công nhân ngành dệt phá hủy những máy móc mới đang dần dần thay thế họ. Lãnh tụ của họ là “Vua Ludd”, có thể là theo tên của nhân vật huyền thoại Ned Ludd. Tương truyền, vào khoảng năm 1779, Ned Ludd, một dân làng ở Leicestershire, trong một cơn điên cuồng, đã xông vào phá tan tành máy móc của một người thợ dệt bít tất. Hiện nay, Luddite dùng để chỉ người lạc hậu, bảo thủ, không thích công nghệ mới.
Vào đầu thế kỷ 16, những người Tây Ban Nha đi chinh phục Trung và Nam Mỹ nghe chuyện kể về một vị vua vùng Amazon thường phủ lên mình lớp bụi vàng rồi nhảy xuống hồ gần đó để rửa sạch trong khi được các thần dân tung vàng bạc lên người. Người Tây Ban Nha gọi thành phố do vị vua hoang phí này cai trị là El Dorado, nghĩa là “xứ sở mạ vàng”. Hiện nay, El Dorado dùng để chỉ một vùng trù phú hay miền đất hứa.
Theo Kinh Thánh, Cain là con trai cả của Adam và Eve. Khi lớn lên, Cain và em trai mình là Abel đều dâng lễ vật cho Thượng đế. Thấy Abel được Thượng đế yêu mến, Cain ghen tị và nổi giận giết Abel. Sau đó, Cain bị đày đến một vùng đất xa xôi, và đại diện cho những gì xấu xa trên đời. Trong tiếng Anh, to raise Cain (hoặc to raise hell / the devil) có hai nghĩa: a) gây náo loạn, nổi giận, và b) la mắng om sòm.
Trong thần thoại Hy Lạp, Chimera là quái vật phun lửa có đầu sư tử, mình dê, và đuôi rồng. Nó khủng bố dân xứ Lycia cho đến khi vua Iobates sai anh hùng Bellerophon đi diệt nó. Vua Iobates có một động cơ khác; phò mã muốn khử Bellerophon, và vua Iobates đoan chắc là Chimera sẽ làm được chuyện đó. Nhưng Bellerophon triệu tập con ngựa Pegasus có cánh và đánh bại Chimera. Quái vật này vẫn lưu lại trong trí tưởng tượng của nhiều người, và người nói tiếng Anh đã dùng tên Chimera để chỉ bất cứ quái vật gớm ghiếc nào, hoặc về sau còn chỉ điều tưởng tượng, hão huyền.
Bài đã đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị khoảng năm 1999 (lâu quá nên không nhớ rõ ngày nào 🙂 )