Chơi chữ, từ kiểu thông thường như “Bí mật đã được bật mí” đến cao siêu như “Da trắng vỗ bì bạch” luôn được xem là bất khả dịch. Mọi cố gắng dịch chỉ hoài công vô ích. Thật ra trong những trường hợp đó, ta chỉ có thể chuyển ngữ và giải nghĩa trong ngôn ngữ đích, mà như vậy thì chẳng còn “ép-phê” như trong ngôn ngữ nguồn.
Có dạo tạp chí The Economist (Anh) quảng cáo cho chính mình với câu như sau: “We don’t bill Gates the full cover charge, because he is our subscriber.” (Chúng tôi không tính Gates trọn giá bìa, vì ông ta là khách đặt báo dài hạn của chúng tôi.) Quả thật câu này dễ hiểu và không khó dịch, nhưng báo này đã khôn khéo ở hai điểm: a) thay vì dùng tên của một độc giả đặt báo lâu dài khác, họ chọn Bill Gates, trùm điện toán thế giới; b) tên riêng (first name) Bill không được viết hoa mà lại viết thường để trở thành động từ bill (tính tiền).
Các phương tiện truyền thông thường tận dụng lối chơi chữ để tạo hiệu quả đặc biệt, nhất là những mẩu quảng cáo. Ta thử xét một vài trường hợp chơi chữ như sau (mà chắc hẳn người dịch nào gặp cũng phải đầu hàng).
- When you decide to give her a ring, give us a ring. (Quảng cáo cho tiệm kim hoàn). Trong mệnh đề thứ nhất, từ ring được dùng theo nghĩa đen, nên give her a ring có nghĩa là tặng / trao nhẫn cho nàng; nhưng give us a ring lại được dùng theo nghĩa call / phone us.
- Have you thought about buying our new bed? Sleep on it. (Quảng cáo một loại giường mới). Trước hết, động từ to sleep on something có nghĩa là suy nghĩ lại hoặc cân nhắc kỹ càng. Ngoài ra, người viết đã tận dụng sự liên tưởng giữa bed và sleep. Do đó, đại từ it có thể hiểu là chiếc giường và việc mua giường. Do vậy, câu Sleep on it vừa có thể hiểu là Hãy mua loại giường mới của chúng tôi, vừa như muốn nhắc nhở Nếu chưa thì quý vị nên suy nghĩ lại và mua đi.
- It’s not worth dying for a drink. (Khuyến cáo về mối nguy hiểm của việc nghiện rượu). Động từ to die được dùng theo nghĩa đen là chết; ngoài ra be dying for có nghĩa là khao khát / thèm muốn.
- Your views are reflected in The Mirror. (Quảng cáo cho báo The Mirror). Tên của tờ báo (Tấm gương) được phối hợp với động từ reflect (phản ánh / phản chiếu) để tạo một sắc thái nghĩa độc đáo cho phát ngôn.
- Christmas is a time to think of family ties. Buy ours. (Quảng cáo cà vạt). Trong câu thứ nhất, từ tie được dùng với nghĩa mối quan hệ. Trong câu thứ hai, ours thay thế cho cụm our ties, và ở đây từ tie lại có nghĩa đen là cà vạt. Dường như thông điệp mà người bán muốn chuyển tải là: mua cà vạt của chúng tôi để làm quà Giáng sinh là một cách tuyệt vời để biểu lộ hoặc thắt chặt hơn những tình cảm gia đình.
- Money matters. Đây là chuyên mục của một tờ báo; có thể hiểu nôm na là Những vấn đề tài chính. Mặt khác, từ matters có thể hiểu là động từ to matter (có ý nghĩa / có tầm quan trọng) được chia ở dạng số ít. Ngoài ra, câu này gợi nhớ thành ngữ Money talks (Miệng nhà giàu nói đâu ra đấy. / Có tiền mua tiên cũng được.)
Bài đã đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị khoảng năm 1999 (lâu quá nên không nhớ rõ ngày nào 🙂 )
Bài viết quá hay. Vẫn còn mang tính thời sự cho những người làm dịch thuật. XII năm vẫn không cũ…Cám ơn bác PVLH
Cảm ơn bạn. Sẽ dần dần đăng lại những bài từ hồi xưa.
quá hay ạ
Chào bạn, mình rất cám ơn bài viết này của bạn vì hiện tại mình đang làm khóa luận về chơi chữ trong tiếng anh với tiếng việt. Bạn có thể cho mình hỏi tên tiếng anh của thuật chơi chữ này được không?
Chơi chữ = Pun.
Tham khảo thêm các bài có tag “chơi chữ” trên blog này: https://www.facebook.com/dollarandsense/notes
Trang Dollars and Sense của tôi trên Facebook có nhiều note về chơi chữ hơn, chưa đăng ở đây, Tìm đọc các note có tiêu đề bắt đầu bằng Pun #…: https://www.facebook.com/dollarandsense/notes
Nhớ trích dẫn nguồn nếu sử dụng các ví dụ.