Tuần rồi, sự biến mất đầy bí ẩn của tổng thống Nga Vladimir Putin khiến cả thế giới xôn xao. Sau lần xuất hiện trước công chúng hôm 5/3 khi Putin họp báo với thủ tướng Ý Matteo Renzi, Putin mất dạng suốt 11 ngày liền.
Điện Kremlin bác bỏ tin cho rằng Putin đã mất năng lực làm tổng thống, và phát ngôn viên Dmitry Peskov không may phải lãnh phần cứ phải khẳng định không có vấn đề gì. Báo chí và giới bình luận mặc sức đoán già đoán non với đủ kiểu tin đồn, từ nghi là ở Nga đã xảy tranh giành quyền lực và đảo chánh tới chuyện Putin lẳng lặng sang Thụy Sĩ thăm người tình mới sinh con.
Hôm thứ Hai 16/3, Putin xuất hiện trở lại, gặp tổng thống Almazbek Atanbayev của Kyrgyzstan tại St Petersburg. Sự tái xuất của Putin đã xua tan những đồn đoán ly kỳ, và có lẽ khiến báo giới khắp nơi hơi thất vọng. Tuy nhiên, cho dù Putin vẫn nắm quyền như trước, sự vắng mặt dài ngày của ông làm dấy lên một câu hỏi khó chịu: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu giả dụ như Putin chết?
Cho tới tuần rồi, giới phân tích chẳng có lý do gì để suy đoán về kịch bản này. Putin chỉ mới 62 tuổi và, như bộ máy tuyên truyền Nga thường nhắc nhở thế giới, ông vẫn khỏe như vâm. Nhưng chẳng ai nghĩ Kim Chính Nhật (Kim Jong Il), mới chỉ 69 tuổi, lại chết sớm – cho tới khi ông chết năm 2011. Và thậm chí có tiền lệ trong lịch sử Nga cận đại. Ba lãnh tụ của Liên Sô, Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, và Konstantin Chernenko, chết liền nhau trong thời gian rất ngắn từ năm 1982 tới năm 1985, loạt sự kiện đã đưa nhà cải cách Mikhail Gorbachev lên nắm quyền.
Nga là nước lớn, có vũ khí hạt nhân, có tầm ảnh hưởng khu vực, nên việc lãnh đạo nước này qua đời sẽ có những hệ quả lớn lao – bất kể người có là ai. Nhưng cái chết của Putin có thể đặc biệt gây bất ổn. Putin nhậm chức tổng thống Nga vào năm 2000 sau khi vị tiền nhiệm Boris Yeltsin từ chức; chỉ mới trước đó vài tháng Yeltsin đã bổ nhiệm cựu sĩ quan KGB lúc đó chẳng ai biết tiếng vào chức Thủ tướng. Kể từ đó, Putin đã dành 15 năm tiếp theo thâu tóm quyền lực nhà nước về một mối. Nhiều thể chế dân chủ được thiết lập trong thập niên 1990 – chẳng hạn như bầu cử phổ thông để chọn quan chức ở các vùng – chỉ còn trong ký ức, và chức vụ duy nhất mà dân Nga bỏ phiếu bầu chọn trực tiếp chính là chức tổng thống của Putin. Putin kiểm soát truyền hình Nga, nơi cung cấp tin tức cho 90% dân chúng, và kiểm duyệt gắt gao Internet. Phe đối lập ở Nga nhìn chung yếu và tủn mủn – những người chỉ trích mạnh miệng rốt cuộc bị tống giam hoặc mất mạng, một xu hướng tiếp tục diễn ra với vụ ám sát Boris Nemtsov ở Moscow hồi cuối tháng 2.
Nước Nga đương đại thường được so sánh với Trung Quốc, một cường quốc độc tài chuyên chế mà Moscow bắt tay thân mật trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tập Cận Bình, người đồng nhiệm Trung Quốc của Putin, được một số người cho là nhà cai trị uy quyền nhất Trung Quốc trong nhiều thập niên. Nhưng Tập Cận Bình vẫn phải tranh giành với các đối thủ quyền thế bên trong Đảng Cộng sản. Putin dường như ít gặp phải sự cạnh tranh nội bộ đảng hơn. Do bản chất cá nhân của sự trị vì của mình, Vladimir Putin được nhà chính trị học Ian Bremmer gọi là nhân vật uy quyền nhất thế giới vào năm 2013.
Hơn một thập niên rưỡi qua, Vladimir Putin chễm chệ ở ngôi vị cao nhất của một hệ thống chính trị khép kín, phân chia thứ bậc rạch ròi và dựa trên tính cách, một hệ thống không cho phép có cạnh tranh. Do vậy, các cuộc thăm dò dư luận ở Nga thường cho thấy công chúng nghĩ “chẳng có ai thay thế” Putin lãnh đạo quốc gia.
Vậy nếu Putin đột ngột rời khỏi chính trường mà không báo trước thì Nga sẽ ra sao? Trong thời gian 11 ngày Putin mất dạng vừa rồi, ta đã thấy rằng chỉ cần lời đồn đoán về biến cố đó cũng đủ gây ra tâm lý lo ngại ở Nga và trên khắp thế giới. Nếu Putin là người bảo đảm ổn định ở Nga, thì một kịch bản không có Putin tự động hàm ý bất ổn – thậm chí là bất ổn trong bạo lực?
Kịch bản Hiến định
Tất nhiên, về mặt chính thức Nga có hiến pháp và quy trình để xử lý trường hợp tổng thống mất năng lực điều hành đất nước. Điều 92 của Hiến pháp Nga quy định rằng nếu tổng thống không thể thực hiện các bổn phận của chức vụ tổng thống – dù quy trình để tuyên bố tổng thống mất năng lực lại không rõ ràng – thủ tướng sẽ trở thành quyền tổng thống và một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tổ chức trong vòng ba tháng.
Quyền tổng thống sẽ không có quyền giải tán Viện Duma Quốc gia (tức quốc hội), định ngày tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân, hoặc thay đổi hiến pháp.
Theo luật bầu cử Nga, mỗi đảng có đại diện trong Viện Duma Quốc gia – hiện nay là Nước Nga Thống nhất, Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ Tự do Nga, và Một Nước Nga Công bằng – sẽ có quyền đề cử một ứng cử viên. Các đảng khác sẽ phải tranh nhau thu thập được 100.000 chữ ký theo quy định bắt buộc và được Ủy ban Bầu cử Trung ương phê chuẩn trong một khoảng thời gian eo hẹp như vậy.
Vậy nếu Putin đột ngột rời khỏi chính trường và hiến pháp được tuân thủ nghiêm ngặt, Thủ tướng Dmitry Medvedev sẽ trở lại Điệm Kremlin và một cuộc bầu cử có tính cạnh tranh sẽ diễn ra trong vòng ba tháng.
Từ năm 2008 tới năm 2012, Medvedev đã nắm chức tổng thống trên danh nghĩa nhưng được cho là không có thực quyền khi Putin đổi vai làm thủ tướng. Medvedev có thể lại ở vào vị thế đứng đầu – lần này không có Putin canh chừng nữa.
Kịch bản Đồng thuận
Tất nhiên một sự chuyển giao quyền lực êm thấm và hợp pháp như vậy khó khả dĩ ở Nga.
Thời Liên Sô, các chính khách chóp bu tranh giành ở hậu trường cho tới khi một người kế vị nổi lên thông qua màn ma thuật cộng sản chẳng ai hiểu được.
Gần đây hơn, khi Tổng thống Boris Yeltsin quyết định từ nhiệm, giới chính khách chóp bu đạt được đồng thuận và đưa ra ứng cử viên không ai tưởng nổi là Vladimir Putin làm người kế vị ông. Rồi họ kết hợp các nguồn tài lực, quyền hành chính, và sức mạnh truyền thông để giúp Putin thắng cử.
Giới chóp bu thân cận của Yeltsin, tuy có nhiều bất hòa, đã có lợi thế thời gian khi ra quyết định. Ngoài ra, họ cũng có kinh nghiệm đạt được đồng thuận quan trọng tương tự trong thời kỳ gần cuộc bầu cử tổng thống năm 1996, khi các nhà tư bản quả đầu chủ chốt đồng ý hợp sức để tổng thống ốm yếu và ngày càng mất lòng dân Yeltsin tái đắc cử.
Kịch bản Xung đột
Nếu không đạt được đồng thuận thì sao?
Dưới thời Putin, hệ thống chính trị đã mang tính cá nhân hóa hơn và tập trung xung quanh chính vị tổng thống dung hòa được các phe nhóm mâu thuẫn nhau. Và gần như chắc chắn ông đã bóp nghẹt tất cả những thảo luận về điều có thể hoặc nên xảy ra trong thời kỳ hậu Putin.
Nhưng các mối bất hòa trong nội bộ nhóm thân cận của Putin, luôn âm ỉ, đã hiện rõ hơn với cuộc khủng hoảng Ukraine và càng bùng lên dữ dội hơn từ sau khi nhân vật đối lập Boris Nemtsov bị ám sát vào ngày 27/2.
Ký giả và nhà phân tích Raf Shakirov nói: “Hiện nay mâu thuẫn giữa các phe phái đã trở nên hết sức mãnh liệt. Rõ ràng là các phe nhóm khác nhau đang muốn đi theo những con đường khác nhau.”
Theo ông, mối bất đồng chủ yếu là giữa “phe diều hâu” đã chiếm ưu thế nhờ cuộc khủng hoảng Ukraine và sự đối đầu của Nga với phương Tây và một “phe chủ trương tự do” chịu trách nhiệm lèo lái nền kinh tế, muốn cởi mở hơn tại nội địa và nối lại quan hệ hữu hảo với ngoại quốc.
Shakirov nhận định rằng phe diều hâu có thể đấu tranh dữ dội trong bất kỳ cuộc chuyển giao quyền lực nào để giữ thế thống lĩnh của mình. “Phe này hiểu rằng đối với họ bất kỳ quá trình bình thường hóa nào không phải là tận thế, nhưng nghĩa là họ mất vị thế. Họ không thể mạo hiểm đánh mất quyền lực gần như vô biên mà nay họ đang có.”
Tương tự, nhà phân tích chính trị Marat Guelman cho rằng xung đột là kịch bản khả dĩ. Ông nói đây là “những người đã nếm trải tình trạng không có luật pháp, những người đã cảm thấy rằng họ có quyền phạm luật, có quyền giết người.”
Một sự chuyển giao quyền lực êm thấm, chứ không phải một cuộc tranh giành quyền lực kéo dài, có thể sẽ là kịch bản tốt nhất cho Nga. Cho dù như vậy, một nước Nga hậu Putin có lẽ sẽ không đi chệch xa lắm các chính sách chuyên chế. Putin vẫn rất được lòng dân ở Nga, dù nền kinh tế oằn mình dưới sức nặng của các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu sụp đổ. Khó có khả năng xuất hiện một chính phủ có chủ trương tương đối tự do, thân phương Tây như chính phủ của Boris Yeltsin trước đây.
Khương An
Tổng hợp từ Matt Schiavenza, A Russia After Putin, The Atlantic 14/3/2015, và Robert Coalson, Three Scenarios For A Succession In Russia, RFE/RL 13/3/2015.
(Bài tổng hợp, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 18/3/2015.)
Bản tiếng Việt © 2015 Phạm Vũ Lửa Hạ
Hình như chỉ có bài này là thầy Hạ (hai lần) dùng chữ “Liên Sô”? 🙂
Viết theo lối chính tả quen dùng trên báo hải ngoại.