Đọc Shakespeare ở Kandahar

Trong số vô vàn bài viết nhân kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9, mình rất thích bài “Reading Shakespeare in Kandahar” vì thông điệp rất nhân văn: Máu trả máu chỉ vô ích. Vòng báo thù luẩn quẩn không mang lại hòa bình cho ai. Thích nên tạm dịch cho bà con đọc chơi.

Đọc Shakespeare ở Kandahar

Mỹ đã trả thù được phần nào trong 10 năm kể từ sự kiện 11 tháng 9.  Nhưng như trong vở kịch đẫm máu Titus Andronicus của Shakespeare, phải chăng tổn thất đã quá cao?

Tác giả: NICK SCHIFRIN

Nguồn: Foreign Policy, ngày 8 tháng 9 năm 2011

“Cảm ơn các bạn đã đến lớp,” Giáo sư David Kastan nói với giảng đường chỉ đầy phân nửa.  “Các bạn không cần phải đến lớp sáng nay.  Tôi thì phải.  Các bạn đi học là rất ý nghĩa với tôi.”  Tôi đưa mắt quanh, nhìn những bạn học của mình; bọn tôi ai cũng mệt mỏi và chưa hết bàng hoàng.  Đêm hôm trước, cái mùi hăng hăng không thể quên được của thép bị nóng chảy, bê tông vỡ vụn, và xác người đã giạt suốt bảy dặm lên hướng bắc, từ phía nam Manhattan lên đến khuôn viên Đại học Columbia.

Hôm đó là ngày 13 tháng 9 năm 2001, và tôi 21 tuổi.  Cách đó hai hôm, tôi bước vào lớp học môn Shakespeare của thầy Kastan trước khi xảy ra các cuộc tấn công, và bước ra sau khi ngọn tháp thứ hai đã sập.  Columbia ngừng dạy hai ngày.  Trong thời gian đó tôi ở suốt tại tòa soạn nhật báo sinh viên Spectator, nơi tôi làm thư ký tòa soạn.  Sáng Thứ Năm, buổi đầu tiên đi học lại là môn Shakespeare.

“Hôm nay tôi sẽ không bàn chuyện chính trị,” thầy Kastan nói tiếp.  “Nhưng tôi muốn nói thế này: Vở kịch chúng ta thảo luận hôm nay là về sự trả thù – xem thử ý muốn báo thù thôi thúc có thể tác động ra sao tới một con người.  Tôi chỉ hy vọng rằng những người sẽ ra quyết định cách phản ứng với các cuộc tấn công hôm Thứ Ba đọc vở kịch Titus Andronicus.”

Khi ông dứt lời, cả lớp đứng lên vỗ tay rần rần.

Chín năm rưỡi sau, số phận đưa đẩy tôi tới một ngôi nhà lớn ở Pakistan. Lúc đó là 1 giờ chiều ngày 2 tháng 5 năm 2011, còn tôi là phóng viên của đài ABC News. Mười hai tiếng trước, Mỹ cuối cùng đã báo thù được.  Giữa đêm, toán đặc nhiệm Navy SEAL đã bắn vào đầu và ngực của kẻ đã ra lệnh tấn công ngày 11/9 năm xưa.  Sau khi đưa xác hắn lên một chiếc trực thăng, họ chở xác bay tới Afghanistan rồi lên một chiếc tàu ngoài khơi, ở đó họ thả cái xác đã được chăm chút xuống biển.  Tôi là ký giả Mỹ đầu tiên đến khu nhà trú ẩn của Osama bin Laden ở Abbottabad.  Nhóm của tôi phát sóng đoạn video đầu tiên từ bên trong khu nhà này và truyền tải về 11 bài trong năm ngày bấn loạn.

Chỉ sau khi tôi về đến nhà ở Islamabad, cách đó khoảng 90 phút lái xe, tôi mới nhớ lại vở kịch Titus Andronicus và lời cảnh báo của thầy Kastan.  Tôi ngồi tán chuyện với một nhóm bạn Mỹ và Anh – nhà báo, nhân viên tổ chức phi chính phủ, và viên chức ngoại giao – vẫn là kiểu tâm sự u sầu quen thuộc về 11/9: “Lúc đó anh ở đâu?” Và, bởi vì bọn tôi nay sống tại nơi trú ẩn của những kẻ âm mưu vụ 11/9: “Anh có tưởng tượng là 10 năm sau mình lại ở đây?”

Không, tôi đáp.  Lúc ngồi trong lớp học Shakespeare cách đây chục năm, tôi không hề tưởng tượng tôi sẽ trôi dạt đến Pakistan tường thuật về cái chết của Osama bin Laden.  Nhưng có lẽ Shakespeare đã hình dung Mỹ sẽ ở “đây” 10 năm sau.

Titus Andronicus là một vở kịch về báo thù.  Kịch thuật chuyện một vị tướng trong nỗ lực giành một đế chế – La Mã – cuối cùng đã đánh bại người Goth “man rợ” và trở về kinh đô của mình với tù binh, hoàng hậu bị chinh phục và những người con trai của bà.  Mặc cho hoàng hậu nài nỉ, Titus giết con trai cả của bà để trả thù cho những người con trai của chính ông, từ đó bắt đầu những vòng luẩn quẩn bạo lực dã man với kết cuộc là cái chết của gần như mọi nhân vật chính.

Cốt lõi của kịch Titus Andronicus làchuyện những người tốt có thể trở nên bị quẫn trí và thực sự mê muội do trong lòng thôi thúc phải trả thù.  Kịch bàn về chuyện những kẻ hùng mạnh có thể bị quy phục, chui vào những vòng luẩn quẩn bạo lực, chuyện các phong tục bộ lạc và tôn giáo rõ ràng đều đòi trả đũa, và việc hai bộ lạc hay hai tôn giáo nói chuyện quá khứ thay vì nói chuyện với nhau có thể dẫn đến hỗn loạn.

“Báo thù trong tim ta, cái chết trong tay ra, / Máu và trả thù đang thôi thúc trong đầu ta,” một trong những kẻ thù của Titus nói vậy trước khi cuộc tắm máu bắt đầu.

Thầy Kastan lo là đúng.  Mỹ đã phạm nhiều sai lầm giống như Titus Andronicus và các nhân vật trong cùng bi kịch: đặt báo thù lên hàng đầu, coi trọng việc giết kẻ thù hơn là giúp dân địa phương; chọn các đồng minh làm hài lòng trước mắt (lợi ích an ninh) nhưng lại gây rắc rối về lâu dài; không chịu thực sự kết thân với một dân tộc dường như quá khác biệt với chính họ.

Nếu như người Mỹ đã học được từ thiên sử thi báo thù của Shakespeare, liệu Afghanistan và Pakistan, nơi tôi sống trong ba năm qua, ngày nay có bớt bạo lực và hoan nghênh Mỹ hơn không?

“Hổ phải săn mồi”

Nguồn: Getty Images

Đầu tháng 11/2009, tôi đi ngang qua nơi trước kia từng là những dãy sạp hàng sặc sỡ và đông đúc của Chợ Meena ở Peshawar, Pakistan.  Mỗi lần tôi ghé thăm, thành phố này vẫn mang dáng cổ, gần như không đổi so với cách người ta mô tả nó bao thập niên qua: đầy bụi, nồng nồng mùi khói dầu diesel và gạch nung.  Ở mạn này của thành phố –  khác xa với khu đóng quân xưa kia do người Anh xây với những bãi cỏ xanh và dinh thự đỏ – phố xá chật hẹp và xám xịt.  Xe ba bánh đua tranh với xe ngựa.

Chợ Meena hiếm có ở chỗ nó phục vụ cho gia đình – một trong vài chỗ ở Peshawar mà ta có thể thấy rất nhiều phụ nữ.  Nhưng vào hôm đó, không có những cô gái chọn những chiếc vòng rực rỡ, không có những phụ nữ đi mua váy.  Phần lớn những tiệm nhỏ, mong mang giờ đây chỉ còn là những đống gạch vụn, hai tuần trước đã bị tiêu hủy bởi một chiếc xe gài bom lớn thiêu rụi khu đông đúc này của thành phố.  Vụ đánh bom này là một trong những hành động khủng bố tàn bạo nhất trong lịch sử Pakistan.  Số tử vong chính thức là hơn 110, nhưng người dân nói rằng ít nhất 60 thi thể nữa không bao giờ tìm ra, bị xóa sạch trong vụ nổ.

Vụ nổ xảy ra cùng lúc với chuyến thăm Islamabad của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.  Thời điểm chuyến công du của bà thật chẳng thể nào bất tiện hơn.  Xe bom ở Chợ Meena nổ ngay trước khi bà bắt đầu phát biểu.  Những đài truyền hình Pakistan hiếu chiến và có mặt khắp nơi cho chiếu cuộc họp báo của bà trên màn hình chia đôi: Clinton một bên, còn bên kia là hậu quả của vụ nổ.

Phe Taliban ở Pakistan đang thực hiện một trong những chiến dịch báo thù tàn khốc nhất mà đất nước này từng chứng kiến.  Chúng không chỉ nổ tung cảnh sát và binh lính mà còn đánh bom cả những thánh đường và chợ đầy thường dân.  Thế nhưng tính đồi bại của một quả bom được thiết kế để sát hại càng nhiều người dân vô tội càng tốt chẳng hiểu sao không khiến thành phố này phẫn uất quân du kích.  (Về phần chúng, quân Taliban không nhận trách nhiệm tham gia vụ tấn công này.)

Phần lớn người dân ở Peshawar đổ lỗi cho Mỹ – chứ không phải quân Taliban. Chẳng ai thèm nghe bài phát  biểu của bà Clinton về việc xây dựng một “mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân” Mỹ và Pakistan.  Người dân hoặc trực tiếp lên án Mỹ cài đặt quả bom đó, hoặc buộc tội Mỹ xúi giục bạo lực bằng cách thúc giục Pakistan tham gia “cuộc chiến tranh của Mỹ” dọc biên giới Afghanistan.

Shams ul-Ameen, một người buôn bán địa ốc, kể với tôi rằng ông đang đi trong chợ lúc quả bom phát nổ.  Ông bị nổ cụt hai bàn chân, nhưng sống sót, và ông chứng kiến một cảnh tượng như “ngày tận thế”.  Vài ngày sau vụ nổ, ông phát hiện xác một bé gái 4 tuổi trên một mái nhà gần đó.  Giống như tất cả những người tôi hỏi chuyện hôm đó, Ameen quy trách nhiệm cho một “bàn tay ngoại quốc” đã gây nên hành động bạo lực này – bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Afghanistan.  Ai cũng bị đổ lỗi, trừ quân Taliban.

“Đây là những thế lực ngọai quốc,” Ameen nói.  “Người Hindu và người da trắng cùng nhau muốn hủy diệt Pakistan. Đây là một thủ đoạn của Mỹ.  Ngoài mặt, họ giả vờ làm bạn, nhưng họ đâm sau lưng người Hồi giáo.”

Siraj ul-Munir có tiệm bị đánh sập trong vụ nổ ở Chợ Meena, nói với tôi rằng ông lo Pakistan không có tương lai.

“Chúng tôi đang tự hỏi các thế hệ con cháu chúng tôi rồi sẽ sao, hiện nay chúng hỏi chúng tôi, ‘Ba ơi, tại sao có những vụ nổ bom này? Bọn đánh bom là ai?’ Chúng tôi không trả lời được,” ông nói.  “Chúng tôi là người vô tội.  Hãy cho chúng tôi biết chúng tôi đã làm gì mà phải chịu cảnh này.  Tất cả những trò bạo lực này xảy ra ngày càng nhiều kể từ khi người Mỹ đến đây.”

Bao năm qua, giới chức Mỹ xem những phát biểu như vậy là không công bằng.  Họ bực mình trước nỗi phần uất mà người Pakistan và truyền thông Pakistan thường bộc lộ đối với Mỹ – bất chấp hàng tỉ đô-la Mỹ đổ vào nước này.  Hồi năm 2010, một nhà ngoại giao Mỹ nói với tôi, có phần chế nhạo, rằng những cảm nhận của người Pakistan về Mỹ là “một tập hợp những thuyết âm mưu”.

Nhưng người dân Peshawar phản ứng trước một sự thật căn bản:  Cuộc sống của họ trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Mỹ xâm lược Afghanistan.  Cách đây một thập niên, không hề có những vụ tấn công tự sát ở Peshawar.  (Chỉ có một vụ tấn công tự sát ở Pakistan trước sự kiện 11/9.  Kể từ đó, đã có khoảng 300 vụ.)  Cách đây một thập niên, không có cụm từ “quân Taliban ở Pakistan”.  Người dân Peshawar phản ứng trước thế giới xung quanh họ và những gì họ thấy Mỹ đang làm.  Họ thấy những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của CIA ở những vùng bộ lạc gần đó.  Họ thấy lính Mỹ chiến đấu và giết người ở Afghanistan.  Họ thấy Mỹ đổ tiền vào phát triển Pakistan, nhưng phần lớn số tiền đó chạy vào túi của những chuyên gia tư vấn phương Tây hưởng thù lao ngất ngưởng nhưng không đi sâu sát với dân chúng và đòi hỏi những chương trình lớn tốn kém chỉ có lợi cho giới thượng lưu chứ không giúp đại đa số quần chúng.  Và người dân Peshawar thấy Mỹ thậm chí đổ nhiều tiền một cách vô điều kiện vào quân đội Pakistan vốn hỗ trợ du kích Afghanistan được gọi là “Taliban tốt”, dù đương nhiên gây hậu quả cho Pakistan.

Một quan chức Mỹ có lần công nhận với tôi rằng trong nhiều năm, “chính sách của Mỹ ở Pakistan xuất phát từ Langley [tổng hành dinh CIA] chứ không phải từ Foggy Bottom [Bộ Ngoại giao Mỹ]”, hàm ý rằng CIA (và Lầu Năm Góc) chỉ đạo mọi việc, và máy bay không người lái cùng với những chiến thuật chống khủng bố quan trọng hơn những nhà ngoại giao và các chuyên gia phát triển.

Trong tác phẩm Titus Andronicus, Titus đế nửa vở kịch mới nhận ra rằng không chỉ những kẻ  thù lịch sử của mình – người Goth – muốn báo thù; mà cả đồng bào La Mã của ông cũng vậy.  “La Mã chỉ là chốn hoang dã đầy hổ dữ,” Titus nói. “Hổ phải săn mồi.”

Tại những vùng khác của Pakistan, nơi mà Mỹ không tìm cách báo thù, mà muốn giúp đỡ, người dân không quy trách nhiệm cho Mỹ về những nỗi bất hạnh của mình.  Mấy tháng trước cuộc đánh bom ở Peshawar, tôi đến thăm Trường Trung học Mẫu Bách niên Công lập ở Dadar, một ngôi trường bị cơn động đất Kashmir năm 2005 phá hủy.   một học sinh thiệt mạng và hơn một chục em bị thương khi các phòng học đổ sập lên người các em.  Đến năm 2009, ngôi trường này khang trang với những phòng học mới sáng loáng, trong số đó có một phòng học treo một bảng đồng lớn của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ.  Hiệu trưởng Mohammad Irfan nói ông tự hào đã nhận được sự giúp đỡ của Mỹ.

“Chúng tôi đã bị tiêu hủy. Chúng tôi đã bị tàn phá lúc đó,” ông nói với tôi.  “Bây giờ chúng tôi thấy rất, rất hài lòng với Mỹ.  Bây giờ chúng tôi có cảm giác là “Mỹ muôn năm, Hoa Kỳ muôn năm, Pakistan muôn năm!’”

Ở đầu kia của con đường đó, Badr ul-Islam, một ông lão có bộ râu quai nón dài bạc trắng, đã được Mỹ cấp cho 5.000 đô-la để mua các máy làm lạnh cho cơ sở sản xuất bơ sữa đang gặp khó khăn của ông.  Ông không phải là một quan chức hay nhân viên chính phủ, giống như nhiều người nhận trợ cấp của Mỹ.  Ông chỉ là một thương gia tư nhân, và ông  thậm chí còn có cảm nhận tích cực hơn: “Những ai phản đối Mỹ nên xem cách họ đã giúp chúng tôi.  Và họ sẽ nghĩ khác đi”

Nhưng đáng buồn là những chuyện như vậy vẫn còn hiếm. Ở phần lớn các vùng của Pakistan – nơi mà người dân cảm nhận rằng cuộc sống của họ ít an ninh và kém phát triển hơn kể từ sau vụ 11/9 – vẫn còn những câu chuyện bài Mỹ khá quyết liệt, từ những khu phố ổ chuột tới chốn thượng lưu.

Cảm nghĩ đó lan đến tận thủ đô Islamabad.  Hồi tháng 9 năm 2008, tôi đến khách sạn Marriott hào nhoáng vào một tối Ramadan.  Gạch vụn chất cao tới gần 3 mét, dây điện xẹt lửa trong những vũng nước và xăng, và những cánh cổng sắt gãy nát nhô ra khỏi vũng bùn.  Tôi thấy có ít nhất tám cái xác.  Khi một viên cảnh sát bước ra ngoài, ông bụm tay ói mửa vì không chịu nổi mùi hôi nồng nặc của xác chết.  Trong sảnh khách sạn, bàn tiếp tân bị đánh sập, một chiếc đàn dương cầm bị ném tung dính lên tường, và một con cá nhảy lóc chóc trên nền cẩm thạch, cái hồ cá bằng thủy tinh vỡ tung tóe kế bên.  Hai mươi phút trước đó, du kích đã cho nổ 2.200 cân Anh thuốc nổ loại quân sự ở cổng bên ngoài.

Ngay cả lúc đó, một số người dân Islamabad dù phản đối Taliban và những vụ tấn công tự sát của chúng vẫn đổ lỗi cho Mỹ.  “Họ làm như vậy là không tốt, nhưng họ buộc phải làm vậy,” một người dân Islamabad nói về quân Taliban, yêu cầu tôi đừng nêu tên. Ông nói tiếp, “Nếu nhà tôi bị đánh bom, còn cha mẹ và anh em tôi bị sát hại, tôi lại không trở thành kẻ đánh bom tự sát à?”

Chuyện trả thù đã ăn sâu trong văn hóa này.  Trong tiếng Pashto được 40 triệu người ở Afghanistan và Pakistan sử dụng, có một ngạn ngữ: “Cho dù tôi đợi 100 năm để trả thù, tôi đã vội vàng hấp tấp.”

Đối với người Pakistan, cuộc chiến tranh được tiến hành để trả thù cho vụ tấn công 11/9 đã gây ra một vòng báo thù luẩn quẩn.

“Hãy xoa dịu nỗi đau đang giày vò tâm can của ngươi, / Bằng cách báo thù cho hả dạ với kẻ thù của ngươi.”

Vào một sáng đẹp trời tháng 10 năm 2009, Đại úy Michael Thurman, một sĩ quan quân cảnh ăn nói lưu loát xuất phát từ Căn cứ Stewart, tiểu bang Georgia, lái xe chở tôi qua những đường phố Kandahar.

Thurman là một ví dụ của một kiểu sĩ quan tài năng hậu 11/9 mà tôi đã gặp ở Afghanistan: những nam nữ quân nhân ở độ tuổi độ chừng tam thập trưởng thành trong một quân đội đã trải qua hai cuộc chiến.  Thông minh và dũng cảm, dường như Thurman đã đọc mọi cuốn sách về quân phiến loạn và Afghanistan.  Anh được thuộc cấp của mình kính nể.

Tôi đã tới miền nam Afghanistan trước một đợt dự kiến tăng cường quân số Mỹ.  Bốn mươi phần trăm dân số miền nam Afghanistan sống tại và xung quanh thành phố Kandahar, và tôi đã ở khoảng một tuần với binh lính Canada, những người lính duy nhất sống bên trong thành phố này vào lúc đó.

Nếu như Peshawar gần như giữ nguyên sau vài thập niên gần đây, có vẻ như là Kandahar chẳng thay đổi gì từ mấy thế kỷ.  Một số con đường bụi mịt mù đã được tráng nhựa, nhưng phần lớn những cửa tiệm vẫn xây bằng bùn, những bức vách ngăn rộng che chắn mỗi ngôi nhà cũng bằng bùn.  Thành phố dậy sớm và đầy ắp âm thanh và mùi của những chiếc máy phát điện chạy bằng dầu diesel.  Các khu chợ đầy những người đàn ông có râu quai nón và quấn khăn trùm đầu turban; còn phụ nữ khi ra đường phải mặc trang phục burqa trùm kín cả người và mặt.

Mệnh lệnh của Thurman là nhanh chóng đi ngang qua thành phố, nhưng trên đường ra khỏi thành phố, đoàn xe gồm những chiếc nặng 30.000 cân Anh, chống mìn và chống bị phục kích phải thắng gấp để dừng lại.  Ở làn xe ngược lại của con đường chỉ có hai làn, một xe bồn đang trống và một xe khách đụng nhau lật nhào.  Một đám người xúm quanh hai tài xế bị thương nặng.

Thurman muốn giúp, nên chúng tôi nhảy ra khỏi xe và bước đến chỗ xảy ra tai nạn.

Trong vòng 30 phút, nhân viên cứu thương của Thurman khám vết cắt dài và sâu đang chảy máu trên đầu tài xế xe bồn và hàng chục vết cắt trên cơ thể tài xế xe khách.  Thurman phát nước, chọc ghẹo đám trẻ con cấu véo hai gót chân anh, và hỏi chuyện các bô lão địa phương đang tập trung xem.  Có một lúc, anh gỡ kính mát và mũ sắt ra – điều mà lính Mỹ không nên làm – để anh có thể tỏ vẻ thân tình với đám đông hơn.  Phần lớn chỉ im lặng nhìn anh chòng chọc.  Họ cũng nhìn tôi chằm chằm.

Sau khi các vết thương được băng bó xong và đám trẻ con đã tản đi, Thurman và nhân viên cứu thương của anh dọn dẹp túi đồ và bước trở lại đoàn xe.  Lúc đó, chẳng ai bắt tay Thurman.  Ở Afghanistan, khách được coi như vua; không thèm bắt tay thì chẳng khác nào tát thẳng vào mặt.

“Họ vẫn không thích chúng tôi,” Thurman đáp khi tôi hỏi tại sao anh bị làm mất mặt như vậy.  “Khi tôi gỡ mũ sắt ra, một đứa trẻ nhảy tránh xa tôi ra … Chúng tôi đã không dành đủ thời gian kết thân với người dân.”

Trong nhiều năm, binh lính nghi ngờ tất cả những người sống tại thành trì Taliban này, và họ thường không dành thời gian làm quen với người dân.  Và điều quan trọng là nhiều người trong số những người mà binh lính Mỹ dành thời gian kết thân và giúp đưa vào những vị trí trong chính phủ lại chính là những người ít được dân Kandahar tin tưởng nhất: những lãnh chúa tàn nhẫn đã bị Taliban khai trừ.  (Một người Kandahar từng nói đùa với tôi rằng Mỹ đã mang “demoorcracy” [dân chủ] tới thành phố của ông; ông cố tình phát âm sai từ tiếng Anh [democracy] bằng cách thêm vào giữa một từ trong tiếng Pashto có nghĩa đại khái là “tổ mẹ nó”.)

Một trong những lãnh chúa đó là Abdul Raziq, một chỉ huy cảnh sát địa phương mà vào thời điểm đó kiểm soát Spin Boldak, cửa khẩu giữa Kandahar và tỉnh Baluchistan của Pakistan.  Tôi gặp hắn vào đêm Giáng sinh 2009.

“Lúc nào các anh cũng được hoan nghênh!” hắn chào chúng tôi với một giọng hơi rin rít và trẻ hơn tôi nghĩ.  Dù ở vị trí cao cấp như vậy, hắn chỉ mới 30 tuổi.  “Đại sứ quán cho chúng tôi rất nhiều tiền! Nào, mời ngồi!”

Vẻ non choẹt của Raziq che giấu một lai lịch tàn nhẫn.  Giới chức phương Tây – chỉ nói sau lưng – từ bao năm nay đã buộc tội hắn giúp điều hành những đường dây ma túy, quân du kích tư nhân, những thủ đoạn buôn lậu, và các nhà tù của chính hắn ở Kandahar.  Họ buộc tội hắn góp phần kích động phiến loạn bằng những mối quan hệ buôn bán ma túy của hắn.  Người Kandahar từ những sắc tộc khác cho rằng hắn có liên hệ với những lãnh chúa thời kỳ trước Taliban từng cai trị những vùng khác nhau của tỉnh này hồi đầu thập niên 1990 bằng cách kiểm soát những đoạn đường với những trò giết người và hãm hiếp.  Chú của Raziq làm việc cho một chỉ huy vô cùng tàn ác thời đó, và sau này bị quân Taliban treo cổ trên nòng súng xe tăng.

Bất chấp lai lịch của hắn như vậy, Mỹ liên minh với Raziq vì hắn mang lại những lợi ích an ninh trước mắt.  Hắn kiểm soát cửa khẩu biên giới trọng yếu, và hắn đã làm công việc này rất hiệu quả: Trong khi những vùng còn lại của Kandahar ngày càng bạo lực, thị trấn biên giới Spin Boldak là một ốc đảo tương đối bình yên vào cuối năm 2009.

Chính vì thế, sau khi chúng tôi rời văn phòng của hắn, các quan chức quân sự Mỹ mà tôi đi cùng nói với tôi rằng Raziq là một ví dụ của những gì đang diễn ra trơn tru ở Afghanistan: một chỉ huy mạnh mẽ mang lại an bình cho khu vực bé nhỏ của mình.  Mỹ cần Raziq vì hắn có thể mang lại kết quả nhanh chóng.  Nhưng bằng cách ưu tiên cho những lợi ích an ninh ngắn hạn, Mỹ đang mạo hiểm với sự ổn định dài hạn của Kandahar.  Quân Taliban ban đầu được lòng dân chúng bằng cách chống lại sự tàn bạo của những lãnh chúa như chú của Raziq.  Khi đặt Raziq vào vị trí cai quản, Mỹ giao du với những nguồn quyền lực mất uy tín như vậy.

Giống như các nhân vật trong kịch Titus Andronicus, Mỹ bị cám dỗ bởi những kẻ có thể làm thỏa mãn tức thời: “hãy xoa dịu nỗi đau đang giày vò tâm can của ngươi, / Bằng cách báo thù cho hả dạ với kẻ thù của ngươi.”

Gần đây, quân đội Mỹ đã ngừng giao những người bị giam giữ cho Raziq cho đến khi có thể tin chắc là hắn không bí mật tra tấn họ, như những người chỉ trích hắn lên án.  Nhưng quyền lực của hắn chỉ càng tăng lên kể từ khi tôi gặp hắn vào cuối năm 2009: các lực lượng Mỹ ngày càng phối hợp với quân của hắn trên khắp tỉnh Kandahar, và các chỉ huy Mỹ đã ca ngợi hắn là một lãnh tụ tài ba.  Ngày nay, hắn đã thăng tiến từ vị trí ở cửa khẩu biên giới.  Hiện nay hắn là cảnh sát trưởng của thành phố Kandahar.

“Ta kể những nỗi sầu của ta cho đá nghe.”

Nguồn: JOHANNES EISELE/AFP/Getty Images

Vào tháng 10 năm 2010, tôi ngồi trong một nhà khách nhỏ ở Kunduz, Afghanistan, gần biên giới với Tajikistan.  Chủ nhà khách là một người Afghanistan gốc Đức niềm nở, đã kiếm được bộn tiền khi làm việc với liên minh giàu có và cùng lúc kinh doanh những nhà trọ nhỏ.  Đêm hôm đó, chúng tôi ngồi quanh một cái bàn gỗ dưới một ngọn đèn độc nhất chạy bằng máy phát điện, thắp sáng một bữa ăn có món đặc sản địa phương là cá chiên.  Tôi ngồi chung với các đồng nghiệp đài ABC News và khách của chủ nhân, một nhà thầu gầy ốm tuổi độ chừng 30 làm việc tại căn cứ NATO có binh lính Đức đồn trú.  Nhà khách này không có gì nổi bật, và các nhân viên mang súng tự động gác cổng trước.  An ninh trong thành phố này không tốt.

Vị khách là một người Afghanistan quê ở Kunduz, nghiêm nghị và có học thức; anh than vãn về tình trạng của miền bắc trước kia từng bình an.  Anh tin rằng Mỹ đã phung phí sự hỗ trợ mà ban đầu người Afghanistan đã dành cho họ.  Tám năm trước, khi cuộc chiến này bắt đầu, phần lớn người dân ở nước này hoan nghênh những người Mỹ trẻ tuổi đã tống khứ Taliban. Người Afghanistan nghe những lời hứa của Mỹ và mơ về tương lai, mong mỏi chuyện thiện tâm và tình trạng phát triển được Mỹ tài trợ.  Đầu năm 2002, Tổng thống George W. Bush hứa tái thiết Afghanistan theo truyền thống của Kế hoạch Marshall.

Từ từ, một số việc có cải thiện: Số trẻ em Afghanistan đi học hiện nay gấp bảy lần so với thời điểm 11/9; số người Afghanistan được chăm sóc y tế cao gấp gần tám lần so với năm 2001; và đặc biệt đáng cảm phục nhất là những lợi ích cho phụ nữ.  Như Habiba Sarabi, nữ tỉnh trưởng duy nhất ở Afghanistan, có lần nói với tôi khi chúng tôi quan sát những cái hốc rộng hoác trong núi đá nơi mà quân Taliban đã nổ tung những tượng Phật ở Bamiyan: “Phụ nữ đã bị tước đoạt trong thời gian dài – bị tước đoạt giáo dục, bị tước đoạt phương tiện, bị tước đoạt quyền lợi.  Tôi có thể là tấm gương điển hình cho những phụ nữ khác, và những phụ nữ khác trong xã hội có thể thấy rằng nếu một phụ nữ có thể nắm vị trí cao như tỉnh trưởng, họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn và tự tin hơn.”

Nhưng dần dà, Mỹ không thực hiện được lời hứa Kế hoạch Marshall.  Cũng như người dân Peshawar thấy cuộc sống càng tệ hại hơn sau 11/9, nhiều người Afghanistan cảm thấy thất vọng do cuộc sống chẳng cải thiện trong mười năm qua.

Sau khi chúng tôi ăn tráng miệng và uống trà, vị khách ở Kunduz kể lại một câu chuyện góp phần tóm lược những thất bại của Mỹ.  Anh nhớ lại một buổi sáng đẹp trời, đội quân mà anh hợp tác làm việc hãnh diện tham dự một buổi họp báo, giúp vị tỉnh trưởng địa phương khánh thành một ngôi trường trị giá hàng triệu đô-la do đội quân đó chi trả và giúp xây dựng.  Nhưng mỗi người Afghanistan ở đó – vị khách nhấn mạnh, tất cả mọi người trừ quân lính ngoại quốc – biết rằng ngôi trường đó sẽ không bền lâu.  Ngân quỹ của đội quân ngoại quốc không được phép dùng để chi cho việc bảo trì hay trả lương giáo viên.  Và chính phủ Afghanistan chắc chắn cũng không thể kham nổi.  Chính vì thế, rốt cuộc phòng ốc xuống cấp, và giáo viên không đi dạy nữa.  Khu vực nơi anh làm việc trở nên bạo động hơn, khiến binh lính càng hung hăng hơn, dẫn tới tình trạng giảm bớt hoạt động giáo dục, phát triển và cai trị.

“Đừng xây trường cho tôi,” anh khẩn nài. “Hãy cho tôi một giáo viên.  Đó là cách giữ trị an cho một vùng.”

Bài học đó chính tôi đã chứng kiến vào một năm trước ở tỉnh nghèo Zabul, vùng kế cận bị lãng quên của Kandahar.

Qalat, thủ phủ của Zabul, cũng đầy dân sắc tộc Pashtun như Kandahar và Peshawar, nhưng chỉ có một phần nhỏ sự giàu có – hay vẻ quyến rũ của hai thành phố kia.  Trung tâm thành phố là một khu chợ đơn sơ với một số xe hơi và xe kéo, nhưng không có những khu vực trung lưu lẩn khuất đâu đó.  Thành phố 40.000 dân này nhanh chóng trở thành nông thôn: chỉ cách khu chợ một quãng ngắn là toàn những khu nhà xây bằng bùn.

Nhưng, giống như Kandahar, nó xưa nay luôn là một địa điểm quan trọng trên đường tới tiểu lục địa Ấn Độ.  Trên điểm cao nhất thành phố là di tích một lâu dài cổ 2.000 năm do Alexander Đại Đế xây.  Từ lâu đài đi xuống ngọn đồi dốc, viên chức Mỹ cao cấp trong Nhóm Tái thiết Tỉnh (PRT) của Qalat đưa tôi đi qua “Thành phố Qalat Mới”.  Thành phố này được xây dựng năm 2006 như một dấu hiệu cho thấy Mỹ quan tâm đến tỉnh Zabul.  Ý định là dựng nên Thành Ngọc Lục Bảo như trong thần thoại, với những tòa nhà tương đối hiện đại giúp hồi sinh thành phố này.

Một bệnh viện mới.  Một dinh thự tỉnh trưởng mới.  Một trạm chữa cháy.  Một trung tâm tư pháp.  Một trung tâm dành cho du khách.

Nhưng có một vấn đề: theo Trung tá Andrew Torelli, chỉ huy Nhóm PRT năm 2009, chưa bao giờ có ai hỏi liệu người Afghanistan có cần những tòa nhà đó hay không.  Và họ không bao giờ dạy cho các nhà thầy cách bảo trì những tòa nhà đó hay cách sử dụng thiết bị xây dựng phương Tây.

Vì thế, khi chúng tôi đi qua hết tòa nhà này tới tòa nhà khác, mỗi tòa nhà đều trống rỗng và đổ nát.  Tòa nhà của giám đốc điện lực không có nước, nên chẳng có ai làm việc ở đó.  Bệnh viện đang sập đổ dần và nồng nặc mùi nước tiểu.  Phần lớn trang bị y khoa không được sử dụng, vì nhân viên chưa bao giờ được huấn luyện.  Trạm chữa cháy chưa bao giờ có nhân lực; Qalat chưa bao giờ có một lính chữa cháy nào.

Tôi kể chuyện đó với vị khách trong bữa ăn tối ở Kunduz.  Anh nói chuyện đó đại diện cho tất cả những sai lầm Mỹ đã phạm phải.

“Họ chẳng bao giờ lắng nghe,” anh bàn về phương Tây. “Họ chỉ làm cái mà họ muốn làm.”

Như Titus than khi ông cảm thấy những đồng minh cũ của ông đã từ bỏ ông: “Ta kể những nỗi sầu của ta cho đá nghe.”

“Lòng khoan dung tử tế là biểu tượng đích thực của sự cao thượng”

Nguồn: STRDEL/AFP/Getty Images

Trong nhiều thế kỷ, Titus Andronicus không được ưa chuộng cũng như không được giới phê bình đặc biệt coi trọng vì họ cho rằng tính dã man của vở kịch này là quá mức và không hợp lý: Sau khi Titus giết con trai của hoàng hậu bị bắt, những người con trai kia của hoàng hậu hãm hiếp con gái của Titus rồi cắt lưỡi và hai bàn tay; Titus giết con gái mình sau khi nàng bị hãm hiếp; rồi danh sách những hành động tàn bạo cứ dài ra.  T.S. Eliot gọi đó là “một trong những vở kịch ngu xuẩn và tầm thường nhất từng được sáng tác.”

Nhưng vào năm 2011, ở Afghanistan và Pakistan, cái vòng luẩn quẩn bạo lực do báo thù này dường như chẳng có gì là xa vời cả.  Trong “thế giới hậu 11/9” này, nơi mà chúng ta đã thấy quá nhiều cảnh dã man, giờ đây chuyện Titus đã bớt gây sốc hơn xưa kia.  Xét về nhiều mặt, Titus Andronicus là một vở kịch “viết cho ngày nay”, như nhận xét của đạo diễn Julie Taymor – và nhận xét đó có từ năm 2000.

Trong một trong những cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi ở Pakistan, vào năm 2008, Gerald Feierstein, khi đó là phó đại sứ Mỹ tại Pakistan, khẳng định với tôi rằng trả thù không phải là một giải pháp cho Pakistan và Afghanistan – rằng các hoạt động tấn công sẽ không đủ.

“Điều chúng ta cần làm là cho người dân có một câu chuyện khác để hy vọng cho tương lai.  Và điều đó thật sự quan trọng hơn về cách mà chúng ta làm sao để cuối cùng thành công ở khu vực này, quan trọng hơn bất cứ điều gì chúng ta sẽ làm về mặt hoạt động tấn công,” ông nói.  “Điều chúng ta cần làm là ngăn chặn không để cho họ bị lôi kéo vào chủ nghĩa cực đoan ngay từ đầu, và ta làm điều đó thông qua giáo dục và tăng trưởng kinh tế và những loại hình hoạt động phát triển khác.”

Nhưng ba năm sau, dường như Mỹ cũng chẳng tiến gần hơn đến mục tiêu tham vọng đó.  Và vào thời điểm trước khi kỷ niệm 10 năm các vụ tấn công 11/9, Pakistan và Afghanistan đang gánh chịu những vòng luẩn quẩn bạo lực liên tục tiếp diễn.  Tôi đang sửa sang lần cuối cho bài viết này lúc đêm khuya trong một khách sạn với đường truyền Internet chập chờn trong một chuyến đi đến Peshawar.  Đã là mấy ngày dài.  Hôm thứ Tư, ngày 7 tháng 9, ở Quetta, du kích xông vào nhà của một sĩ quan quân đội và giết vợ ông cùng với 22 người khác, trong đó có 2 người con.  Mấy ngày trước ở Kabul, cảnh sát nhặt xác của một thường dân Mỹ làm việc cho Binh chủng Công binh Mỹ.  Ông bị bóp cổ đến chết.

Bộ phim chuyển thể Titus Andronicus của đạo diễn Julie Taymor kết thúc khi cháu nội của Titus bước ra khỏi Đấu trường Coliseum nơi diễn ra phần lớn các sự kiện – cho thấy rằng thế hệ kế tiếp của người La Mã có thể thoát khỏi vòng báo thù luẩn quẩn.

Nhưng chẳng ai kỳ vọng vào một kết cục kiểu Hollywood cho Afghanistan hay Pakistan.

Nguồn: Reading Shakespeare in Kandahar

Bản tiếng Việt © 2011 Phạm Vũ Lửa Hạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *