Ngoại giao Việt Nam: có dám vượt sông Rubicon?

Phạm Vũ Lửa Hạ

Bình luận về những hoạt động ngoại giao dồn dập của Việt Nam gần đây, blog Banyan của tạp chí The Economist hôm 25/8 có một entry ngắn về lập trường ngoại giao của Việt Nam (Vietnam’s diplomatic stance) với tít “Look both ways”.

Entry này mở đầu với tin một quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ sang Bắc Kinh để thúc đẩy quan hệ song phương “lành mạnh” giữa hai nước (to promote “healthy” bilateral relations between the two countries). Bài này không nêu tên, nhưng theo Vietnamnet, đó là ông Lê Hồng Anh, Ủy viên BCT, Thường trực Ban bí thư, “sẽ sang thăm TQ với danh nghĩa là đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” trong hai ngày 26-27/8.

Chuyến đi này được thực hiện chỉ hơn chục ngày sau khi Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tới Việt Nam. Cái tít “Look both ways” bởi vậy ngắn mà thâm thúy. Việt Nam vẫn cứ phải dè chừng hai ông lớn Mỹ và Trung Quốc, cứ y như ta phải nhìn ngang ngó dọc trước khi băng qua đường, chớ không thì xe cán mất mạng.

Lý giải đường lối “đi hai hàng” của Việt Nam, bài này cho rằng từ lâu Việt Nam đã tìm cách tránh hình thành các liên minh quân sự chính thức, bởi làm vậy nghĩa là Việt Nam phải chấp nhận cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự và đứng về phe với nước này và chống lại nước kia; thay vì thế, Việt Nam đã có các “quan hệ đối tác” ở nhiều mức độ khác nhau với nhiều cường quốc – trong đó có Mỹ, Nhật, Ấn Độ – và thường áp dụng cách tiếp cận đa phương, dần dần đối với ngoại giao quốc tế. (Vietnam has long sought to avoid creating formal military alliances, which would have it playing host to foreign military bases and siding with one country against another. Instead it has a collection of “partnerships” of varying degrees with several major powers—including the United States, Japan and India—and typically pursues a gradualist, multilateral approach to international diplomacy.)

Bài này cũng nhắc đến thư ngỏ hôm 28/7 của 61 đảng viên kêu gọi nhà nước Việt Nam thoát Trung (to “escape” China’s orbit – “thoát khỏiquỹ đạo của Trung Quốc) và kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ. Bài này cho rằng nếu làm được như vậy, đây sẽ là sự kiện có thể mang tầm vượt sông Rubicon trong lịch sử quan hệ Trung-Việt (a potentially Rubicon-crossing event in the history of Sino-Vietnamese relations).

Xin trích phần giải thích về thành ngữ “to cross the Rubicon” từ một bài khác trên blog này (Biến riêng thành chung) để hiểu rõ hàm ý của nhận xét này:

“Năm 49 trước Công nguyên, dù biết Viện nguyên lão La Mã đã có luật cấm một vị tướng dẫn quân ra khỏi địa phận được phân công cai trị, Julius Caesar vẫn dẫn quân vượt sông Rubicon phân cách nước Ý và xứ Gaul. Hành động thách thức này đã châm ngòi một cuộc nội chiến ba năm. Sau đó Caesar chiến thắng và thống trị La Mã. Từ đầu thế kỷ 17, Rubicon dùng để ám chỉ một ranh giới quan trọng, và to cross the Rubicon chỉ hành động dấn thân vào việc khó khăn, nguy hiểm, theo kiểu ‘phóng lao phải theo lao’ hoặc ‘một liều ba bảy cũng liều’.

Kẻ nào dám vượt sông Rubicon là dám chấp nhận hành động không thể thay đổi/đảo ngược được (irrevocable), hiểu rằng không thể quay đầu trở lại (to pass a point of no return). Nếu đủ can đảm (và may mắn?), thì mới có cơ may tạo nghiệp lớn như Julius Caesar.

Tất nhiên, đó chỉ là cách vận dụng thành ngữ cho câu văn bóng bảy hơn, đao to búa lớn hơn, chứ chưa hẳn tác giả M.I. của bài này nghĩ rằng Việt Nam đủ can đảm thoát Trung.

Ờ, mà sao không thử vượt sông Rubicon; biết đâu ta lại đóng góp cho kho tàng ngôn ngữ của nhân loại với thành ngữ mới “xé bỏ 16 chữ vàng”.

© 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

3 thoughts on “Ngoại giao Việt Nam: có dám vượt sông Rubicon?

  1. Be lu “hen vơi giăc, ac vơi dan csVN” lam sao ma co đươc cai can đam “đưa lưng chong trơi” ! Vi, vơi be lu “hen nhat, khiêp nhươc” nay, Trung Cong la “thiên triêu”, la “ong trơi” vi đai cua ho !!!

  2. Khi dùng “it” ở câu “Instead it has a collection of “partnerships” of varying degrees with several major powers…” thì có khiếm nhã ko ạ? Tại sao ko dùng Instead Vietnam has…? Hay là bởi đang dùng cùng chủ ngữ với câu trước ạ?

    1. Cách dùng đại từ vô nhân xưng “it” ở đây là bình thường, không có gì khiếm nhã, và đúng là để tránh lặp lại chủ ngữ Vietnam. Đôi khi, người ta có thể dùng “she” để chỉ quốc gia, nhất là trong lối hành văn trang trọng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *