Bóng ma Xô Viết vẫn bao trùm nước Nga

Những cuộc bầu cử và biến động ở Nga trong tuần qua cho thấy 20 năm sau ngày Liên Xô sụp đổ, nước Nga khó rũ bỏ quá khứ Xô Viết.

Một tháng sau đúng 20 năm kể từ khi Liên Xô tan rã, đông đảo thanh niên phẫn nộ xuống đường ở Moscow, biểu tình chống Đảng Nước Nga Thống Nhất cầm quyền (“đảng của bọn lừa đảo và kẻ cắp”) và hô vang “Nước Nga không có Putin!” Hàng trăm người đã bị bắt giữ, và quân đội được điều vào trung tâm Moscow “để bảo đảm an ninh”. Dù số người tham gia thua xa con số nửa triệu người đổ ra chật đường để chôn vùi Liên Xô, đây là những cuộc biểu tình lớn nhất trong những năm gần đây. Lý do tức thời châm ngòi cho cuộc khủng hoảng này là trò gian lận trong bầu cử quốc hội vào ngày 4 tháng 12. Nhưng có những nguyên nhân sâu xa hơn.

Chế độ cầm quyền bắt đầu đánh mất tính chính đáng của mình ngay khi thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố thắng lợi cuối cùng cho “sự ổn định”, hứa hẹn quay lại Điện Kremlin ngồi vào ghế tổng thống và cam kết tái thiết một Liên hiệp Âu Á với các nước cộng hòa Xô Viết trước đây. Hương vị Xô Viết của những trò này đã được nhấn mạnh tại đại hội của Đảng Nước Nga Thống Nhất vào cuối tháng 11 vừa qua, tại đó ông Putin được đề cử làm ứng viên tranh chức tổng thống. Một đạo diễn phim hăng hái phát biểu: “Chúng ta cần một lãnh tụ mạnh mẽ, dũng cảm và có năng lực … Và chúng ta có một người như vậy: đó là Vladimir Vladimirovich Putin”. Một công nhân thép nói trước đại hội rằng ông Putin đã “vực dậy nhà máy của chúng tôi từ chỗ suy sụp” và giúp sức cho nhà máy “bằng lời khuyên khôn ngoan của ông”. Một bà mẹ độc thân có 19 đứa con cảm ơn ông Putin về một “tương lai tươi sáng”. 

Những so sánh tương đồng như vậy với kỷ nguyên Xô Viết đầy lý tưởng giờ đã diệt vong được xem là một trong những điểm thu phục nhân tâm của ông Putin. Không có tranh luận chính trị chán ngắt, những quyền tự do cá nhân khá phổ quát, cửa hàng đầy ắp thực phẩm: chẳng phải đó là điều nhân dân muốn hay sao? Thay vì thế, không thể tưởng tượng nổi là ông Putin lại bị la ó phản đối: trước tiên là ở một cuộc thi đấu võ thuật hôm 20/11, sau đó là ở những điểm bỏ phiếu, và giờ đây trên đường phố. Ngôn từ mỹ miều khoa trương kiểu Xô Viết lại khơi dậy phản ứng chống Xô Viết.

Theo Lev Gudkov của Trung tâm Levada, một tổ chức nghiên cứu trưng cầu dự luận độc lập, phản ứng chống lại chế độ độc quyền, thối nát và chuyên chế này tự thân nó là một phần của di sản Xô Viết. Dân phản ứng như vậy là do không có hình thái nào thay thế [cho chế độ này], chứ không phải do chia sẻ một tầm nhìn chung về biến đổi [xã hội]. Bởi Nga vẫn là một nhà nước lai căng. Nước Nga nhỏ hơn, kinh tế thị trường hơn và ít mang tính tập thể hơn Liên Xô. Tuy nhiên, dù ý thức hệ đã biến mất, cơ chế duy trì quyền lực vẫn như cũ. Những thể chế chủ yếu, bao gồm tòa án, lực lượng cảnh sát và an ninh, truyền hình và giáo dục, được giới quan chức dùng để giữ quyền lực và của cải của mình. Văn phòng tổng thống liên bang, một cơ quan không phải do dân bầu, vẫn đóng trong tòa nhà (và địa điểm) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản.

Quan trọng hơn, não trạng Xô Viết tỏ ra bền vững hơn chính ý thức hệ đó. Năm 1989, khi một nhóm nhà xã hội học do Yuri Levada đứng đầu bắt đầu nghiên cứu điều họ gọi là Con người Xô Viết (một quan niệm nhân tạo gồm những tính cách tư duy nước đôi, ỷ lại vào nhà nước, đa nghi và biệt lập), họ nghĩ con người đó đang biến mất. Trong 20 năm tiếp theo, họ nhận ra rằng Con người Xô Viết đã biến thể và sinh sôi, và trong quá trình đó có thêm những đặc tính như hoài nghi kiểu thích chỉ trích cay độc và hiếu chiến. Đây không phải là di sản di truyền, mà là kết quả của những ràng buộc về thể chế và những biện pháp lệch lạc để kích thích kinh tế và đạo đức mà Điện Kremlin truyền bá.

Não trạng này không phải là một đặc điểm thế hệ, như nhóm Levada ban đầu phỏng đoán. Những cuộc bầu cử bị gian lận ở Moscow không chỉ bởi tầng lớp trung niên còn giữ ký ức Xô Viết, mà còn bởi hàng ngàn thanh niên ủng hộ Điện Kremlin được tập hợp từ khắp nước và được đưa đi bỏ phiếu nhiều lần trên khắp thành phố này. Hình ảnh đầy tượng trưng là họ đóng trại trong một sảnh trống của Khu Triển lãm Stalin về Thành tựu của Nhân dân. Phần lớn trong số họ không có chút ký ức nào về Liên Xô; họ ra đời sau khi Liên Xô diệt vong.

Tuy nhiên, các kết quả bầu cử cũng cho thấy một bộ phận lớn trong xã hội Nga không muốn tiếp tục với hệ thống hiện tại. Hàng ngàn người phẫn nộ, nam có nữ có, già có trẻ có, cố gắng ngăn chặn trò lừa đảo và bảo vệ quyền của mình. Một giám sát viên bầu cử bị tống ra khỏi một điểm bỏ phiếu, đã viết trên blog của mình: “Chắc tôi sẽ chết vì nhục nhã … tôi đã không làm tròn trách nhiệm bảo vệ những lá phiếu của các bạn … hãy tha thứ cho tôi”. Những tiếng nói như vậy có thể vẫn còn là thiểu số, nhưng mâu thuẫn giữa hai nhóm này thực chất là mâu thuẫn giữa các nền văn minh – và là dấu hiệu cho thấy rằng tiến trình dẹp bỏ hệ thống Xô Viết tuy đã bắt đầu 20 năm trước nhưng còn lâu mới xong.

Khoảng trống đạo đức

Khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1991, cả phương Tây lẫn nước Nga đều kỳ vọng rằng đất nước này sẽ đón nhận những giá trị phương Tây và gia nhập thế giới văn minh. Kỳ vọng đó chẳng hề xét đến một nền kinh tế tàn lụi, nguồn nhân lực cạn kiệt, và vết sẹo tinh thần và đạo đức do 70 năm của chế độ cai trị Xô Viết để lại. Chẳng ai biết loại hình quốc gia nào sẽ kế tục Liên Xô, hay tính cách Nga thực sự nghĩa là gì. Việc tháo bỏ những ràng buộc về ý thức hệ và địa lý chẳng làm sáng tỏ hơn về đạo đức.

Đặc biệt, giới trí thức – động lực dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô – bị bất ngờ vì không chuẩn bị trước. Khi “chính nghĩa tuyệt vọng” của họ trở thành hiện thực, người ta nhanh chóng nhận ra rằng đất nước này thiếu một giới chóp bu có trách nhiệm đủ năng lực và sẵn lòng tạo dựng những thể chế mới. Quá khứ Xô Viết và những thể chế của chế độ đó chưa bao giờ được nghiên cứu đúng mức; thay vì thế, tất thảy mọi đặc tính Xô Viết trở thành trò đàm tiếu. Bản thân từ “Xô Viết” được rút gọn thành sovok, trong tiếng Nga nghĩa là “đồ hót rác”. Theo ông Gudkov thuộc Trung tâm Levada, sự tự dè bỉu này không phải là lối phản bác có suy xét đối với hệ thống Xô Viết; mà chỉ là kiểu đùa bỡn và cợt nhã. Bị lối quản lý nhà nước kiểu gia trưởng đẩy ra bên lề và bị loại trừ khỏi hoạt động chính trị, phần lớn người dân không muốn lãnh trách nhiệm về quốc gia sự vụ.

Lối bỡn cợt này chấm dứt khi chính phủ bãi bỏ quản lý giá cả, khiến những khoản tiết kiệm thời Xô Viết trở nên vô giá trị, và Boris Yeltsin, đương đầu với phe nổi loạn có vũ trang, đã nã đạn vào quốc hội Liên Xô vào năm 1993. Chẳng mấy chốc, hy vọng về một phép màu nhiệm bị thay thế bằng ảo tưởng và tâm lý hoài niệm quá khứ. Như kết quả thăm dò dư luận của ông Levada cho thấy, điều đó không có nghĩa là phần lớn người dân muốn quay về với quá khứ Xô Viết. Nhưng họ mong muốn trật tự và ổn định; theo họ, trật tự và ổn định gắn liền với quân đội và lực lượng an ninh hơn là với các chính khách.

Anh hùng xuất hiện

Ông Putin – trẻ, tỉnh táo, mắt xanh và điềm tĩnh – là một người hoàn hảo xứng với kỳ vọng của nhân dân. Dù được Yeltsin chọn, ông là hình ảnh hoàn toàn tương phản với vị lãnh tụ già yếu. Tuy gầy dựng sự nghiệp trong thập niên 1990, Putin nhấn mạnh rằng thời kỳ của ông hoàn toàn khác. Hai yếu tố khiến ông được lòng dân: nền kinh tế tăng trưởng giúp ông trả hết những khoản nợ lương và hưu bổng, và việc tiến hành chiến tranh ở Chechnya. Cả hai điều này tượng trưng cho sự trở lại của nhà nước.

Do không có tầm nhìn mới hay bản sắc mới, sự tương phản với những năm 1990 chỉ có thể đạt được bằng cách gợi nhớ về thời kỳ trước thập niên đó – Liên Xô đã diệt vong. Thế nhưng, dù ông Putin lợi dụng tâm lý hoài niệm quá khứ Xô Viết lý tưởng hóa và khôi phục quốc ca Liên Xô, ông không hề có ý định tái thiết Liên Xô về mặt kinh tế hay địa lý. Như ông nhiều lần nói, “Ai không hối tiếc sự ra đi của Liên Xô là không có con tim; ai muốn đưa Liên Xô trở lại là không có khối óc”.

Vốn là sĩ quan KGB, ông Putin biết quá rõ là nền kinh tế do nhà nước kiểm soát của Liên Xô không hữu hiệu và ý thức hệ đó chỉ là rỗng tuếch. Nhưng cũng vì là sĩ quan KGB, ông tin rằng dân chủ và xã hội dân sự chỉ là một màn ngụy trang ý thức hệ do phương Tây áp dụng. Điều quan trọng trên thế gian – bất luận Đông Tây – là tiền và quyền lực, và đây là những thứ ông ra tay củng cố.

Nước Nga đã quá chán ý thức hệ, và ông không ép buộc điều đó. Ông chỉ hứa (và nói chung thực hiện được) tăng thu nhập; khôi phục tính ổn định như thời Xô Viết và ý thức về giá trị; cung cấp thêm hàng tiêu dùng; và cho phép người dân tự do đi lại. Vì những điều này đáp ứng hầu hết những yêu sách về “Tự do” từng được nghe từ cuối thập niên 1980 trở đi, người dân vui vẻ đồng ý với thỉnh nguyện của ông yêu cầu họ đừng tham gia chính trị. Dù Putin là một kẻ chuyên quyền, đối với họ, ông dường như “có tính dân chủ”.

Việc ông Putin dễ dàng loại bỏ tất cả những nguồn gốc quyền lực khác là minh chứng không phải cho sức mạnh của ông, mà cho sự yếu kém về thể chế của Nga. Vốn ghét chủ nghĩa cộng sản, Boris Yeltsin đã không chấp nhận kiểm duyệt báo chí hay can thiệp vào hệ thống tòa án. Ông Putin chẳng hề e ngại những việc đó. Trước tiên ông thâu tóm quyền kiểm soát truyền hình, rồi đến dầu và khí đốt. Igor Malashenko, người góp phần thành lập NTV, kênh truyền hình tư nhân đầu tiên ở Nga, nói ông nghĩ rằng “có đủ những nhà báo trẻ không muốn trở lại vòng kiềm tỏa. Tôi đã sai lầm”.

Nước Nga trong thập niên 1990 tự do hơn dưới thời Putin. Nhưng biến đổi này diễn ra dần dần chứ không phải đột ngột, và dựa trên mối quan hệ giữa tiền và quyền lực thừa hưởng từ thời kỳ trước. Những vụ tư hữu hóa trong thập niên 1990 trao tài sản vào tay giới quan chức Xô Viết và một số ít tài phiệt đầu sỏ Nga. Theo nhận định của sử gia và nhà phân tích Kirill Rogov, tuy việc tích lũy tư bản thường không công bằng, nhưng vấn đề thực thụ không phải ở chỗ đó, mà là chuyện chưa bao giờ thiết lập luật lệ rõ ràng về cạnh tranh và cơ chế chuyển nhượng tài sản từ các chủ nhân kém hiệu quả sang các chủ nhân có hiệu quả cao hơn.

Dưới thời Boris Yeltsin, những tay tài phiệt đầu sỏ được ảnh hưởng chính trị của mình che chắn tránh khỏi cạnh tranh. Ông Putin chỉ việc lật ngược công thức đó, biến các chủ nhân thành những chư hầu được phép giữ tài sản của họ với sự đồng ý của ông. Từ đó, chính quyền lực của quan chức, chứ không phải của cải của chủ nhân đó, bảo đảm quyền sở hữu tài sản. Mối liên hệ giữa quyền lực chính trị và tài sản chưa bao giờ bị phá vỡ – cũng như phải thế trong một nền dân chủ vận hành trơn tru.

Đổi đặc quyền thành tiền của

Thời cộng sản, việc thiếu tài sản tư nhân được bù đắp bằng quyền lực và vị thế. Một tổng bí thư không đích thân sở hữu một nhà máy – thậm chí mua căn hộ cũng không được – nhưng vị thế trong đảng cho ông quyền tiếp cận tài sản sở hữu tập thể của nhà nước, bao gồm nhà cao cấp và những khẩu phần thực phẩm đặc biệt. “Đặc biệt” là một từ được ưa chuộng trong hệ thống Xô Viết, ví như trong “cuộc họp đặc biệt”, “phòng/ban đặc biệt” và “chế độ đặc biệt”.

Hệ thống Xô Viết sụp đổ khi các quan chức cấp cao nhất quyết định lấy các đặc quyền của họ “đổi thành tiền của” và biết chúng thành tài sản. Từ “đặc biệt” cũng bị thương mại hóa, để trở thành eksklusivny (độc quyền, dành riêng) và elitny (ưu tú, cao cấp). Nó được dùng để tiếp thị hầu như mọi thứ, từ căn nhà cho đến dịch vụ cắt tóc. Dưới thời Putin, từ “đặc biệt” lấy lại ý nghĩa thời Xô Viết mà không mất đi giá trị thương mại của nó. Một chiếc Mercedes đen bóng chớp đèn xanh loang loáng, luồn lách qua dòng người đi bộ, là cách hay nhất để phô trương quyền lực và tiền bạc. Đó cũng là một trong những biểu tượng của tình trạng bất công góp phần châm ngòi làn sóng biểu tình gần đây nhất.

Những câu chuyện về quan chức, và đặc biệt là lực lượng an ninh, gây áp lực với các doanh nghiệp, bây giờ không còn gì lạ. Ví dụ nổi tiếng nhất là vụ Mikhail Khodorkovsky và việc chia cắt công ty dầu Yukos. Nhưng còn hàng ngàn vụ khác. Số liệu thống kê thật đáng kinh sợ: trong thập niên vừa qua, cứ sáu doanh nhân ở Nga có một người bị truy tố vì bị cáo buộc một tội kinh tế. Phần lớn những vụ này không có nguyên đơn, và số trường hợp trắng án gần như bằng không, theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý và Kinh tế Nga. Như vậy nghĩa là vô vàn doanh nhân Nga đang ở tù là nạn nhân của những công tố viên, cảnh sát và tòa án tham nhũng có quyền tịch thu sung công một doanh nghiệp mà không bị trừng phạt.

Như Yegor Gaidar, nhà kinh tế học có tư tưởng tự do nổi tiếng, cảnh báo vào năm 1994, “Thân thể mục rữa của một hệ thống hành chính có thể trở thành thân thể mục rữa của một hệ thống mafia, tùy thuộc vào những mục tiêu của nó”. Đến khi cuốn sách của ông xuất bản năm 2009, lời cảnh báo của ông đã trở thành hiện thực. Trong vài năm qua, “con quái vật lai căng” này đã bắt đầu vươn vòi vào mọi lĩnh vực công quyền có thể hái ra tiền. Có rất nhiều chuyện bạo lực đối với giới doanh nhân. Điều này hệt như chính sách chọn lựa mang tính tiêu cực thời Xô Viết, trong đó những người giỏi nhất và năng động nhất bị đàn áp hay bị loại trừ trong khi các quan chức và những kẻ thực thi luật pháp ăn bám được tưởng thưởng. Điều mà xưa kia Stalin rèn đúc nên bằng trấn áp và thanh trừng, nước Nga ngày nay đạt được bằng tham nhũng và bạo lực của nhà nước.

Nguồn lực chính của bộ máy công quyền là việc tham gia vào chuỗi phân phối đặc quyền đặc lợi. Trong khi điều này giúp họ hướng đồng vốn đến những khu vực và nhà máy nhạy cảm, nó cũng khiến cho nước Nga càng thêm nghiện dầu và khí đốt và làm bùng phát đường lối quản lý nhà nước kiểu gia trưởng. Ông Putin đã nỗ lực hết mình để xây dựng hình ảnh nhà nước là ân nhân duy nhất, giành công trạng tăng thu nhập quốc dân nhờ giá dầu cao. Như ông nhấn mạnh tại đại hội Đảng Nước Nga Thống Nhất, chỉ có nhà nước và đảng cầm quyền mới đủ năng lực giải quyết những vấn đề của nhân dân. “Không một ai khác chịu trách nhiệm cho công việc ở một làng, thị xã, thành phố, vùng hay cả quốc gia. Không có thế lực nào như vậy”.

Ý tưởng này được các tỉnh trưởng địa phương truyền bá; trước kỳ bầu cử, họ bảo công dân của mình rằng kinh phí tài trợ cho địa phương tùy thuộc vào việc bầu cho Đảng Nước Nga Thống Nhất. “Nếu chúng ta có trách nhiệm, chúng ta không có lựa chọn nào khác,” tỉnh trưởng của tỉnh Udmurtia nghèo khó nói với người dân. “Chúng ta phải đi bỏ phiếu 99,99% cho các ứng cử viên của đảng [Nước Nga Thống Nhất]. Đây là cách làm ở thời Xô Viết, và nếu chúng ta đã không phá vỡ trật tự này, có lẽ chúng ta vẫn sống ở Liên Xô … tốt đẹp hơn nhiều so với bây giờ”. Thực ra, theo giới chỉ trích, nhà nước Nga đã không thực hiện được nhiều chức năng của mình, chẳng hạn như cung cấp đủ dịch vụ y tế, giáo dục, an ninh và công lý. Nhưng ở Nga, ngôn từ và biểu tượng thường có tác dụng hơn kinh nghiệm sống.

Tâm lý pháo đài

Trong số những biểu tượng Xô Viết được tái khám phá của ông Putin, không có gì quan trọng bằng biểu tượng nước Nga là một đại cường quốc có lắm kẻ thù vây quanh. Sau khi cổ xúy cho một phiên bản lịch sử trong đó Stalin đại diện cho sự vĩ đại của nước Nga (những vụ trấn áp của Stalin chỉ là một phản ứng phụ đáng tiếc của một cuộc chiến tranh lạnh do Mỹ áp đặt lên ông), ông Putin đã sử dụng một trong những công thức ưa thích của chủ nghĩa Stalin: Nga là một pháo đài bị cô lập và vây hãm.

Mặc dù Nga không có tấm màn sắt và Internet được tự do, ông Levada đã viết rằng “như thể có một bức tường vô hình vẫn lấy tất cả những gì “của ta” đối chọi với tất cả những gì “của nước ngoài”. Thực vậy, kết quả thăm dò dư luận của ông cho thấy, vào thời điểm 2004, số người Nga xem họ không khác gì với người dân ở các nước khác đã giảm xuống, trong khi ý kiến cho rằng nước Nga có lắm kẻ thù vây quanh đã trở nên rõ rệt hơn.

Những cuộc bầu cử quốc hội gần đây được phụ họa bằng một chiến dịch tuyên truyền thô thiển mô tả hệ thống phòng chống tên lửa của Mỹ là một mối đe dọa hiển hiện đối với Nga. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev có những lời phát biểu hiếu chiến, và truyền hình nhà nước chiếu những thước phim dài về tên lửa, radar và những thứ đầy vẻ đe dọa của Nga, có lồng âm thanh căng thẳng. Cứ như thể Nga sắp bị tấn công đến nơi. Mục tiêu của chiến dịch này không phải là phương Tây (nơi mà giới chóp bu Nga dành phần lớn thời gian và tiêu tiền), mà là nhắm vào khán giả trong nước.

Bất cứ ai chỉ trích chính phủ từ bên trong nước Nga coi như tiếp tay cho kẻ thù bên ngoài. Trong bài phát biểu trước đại hội đảng, ông Putin đặc biệt công kích các tổ chức phi chính phủ nhận tiền của phương Tây “để tác động đến diễn biến của chiến dịch tranh cử ở nước ta”. “Những kẻ gọi là người nhận trợ cấp” khác nào Judas, ông nói, và kết thúc bài phát biểu của mình bằng câu trích dẫn từ thời Stalin: “Chân lý ở về phía ta. Thắng lợi sẽ thuộc về ta!” Ông rõ ràng bỏ sót ý thứ ba: “Kẻ thù sẽ bị tiêu diệt!” Nhưng ngay khi ông vừa phát biểu xong, đài truyền hình tay sai của Nga (không hề chiếu những cảnh biểu tình hiện nay) phát sóng một bộ phim tuyên truyền về Golos, một tổ chức giám sát bầu cử độc lập hàng đầu, cố gắng bôi nhọ nhân viên của tổ chức này là điệp viên của phương Tây.

Những chiến thuật như vậy (cho rằng kẻ thù hiện diện khắp nơi và chẳng ai được phép có động cơ cao cả) làm nảy sinh tâm lý hoài nghi thích chỉ trích cay độc. Ở điểm này, nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết cảm thấy rất khác biệt với Liên Xô. Các lãnh tụ thời đó ngoài lợi ích còn có các giá trị. Đảng Cộng sản khi đó có thể xơ cứng và trấn áp, nhưng không bị gọi là “đảng của bọn lừa đảo và kẻ cắp”. Các lãnh tụ Liên Xô không khuyến khích tâm lý hoài nghi thích chỉ trích cay độc: họ nghiêm túc với bản thân và lời nói của mình. Ví dụ, thời đó không thể nào có chuyện trưởng ban tư tưởng ý thức hệ Liên Xô viết tiểu thuyết nặc danh bêu riếu những thói xấu của hệ thống do chính mình tạo nên, như Vladislav Surkov, trưởng ban chiến lược của Điện Kremlin, vừa mới làm.

Nhiều chính khách Điện Kremlin thực ra tự xem mình là những người tiến bộ Tây phương hóa đang phải đánh vật với một quần chúng lạc hậu và trì trệ không thích dân chủ hoặc không có kỹ năng thực hành dân chủ. Họ cho rằng người dân sẽ chấp nhận nuốt trôi bất cứ điều gì miễn là thu nhập của họ tiếp tục tăng lên. Nhưng khi ông Putin nói rằng việc đổi vai lãnh đạo với ông Medvedev đã được hoạch định từ lâu, người dân cảm thấy bị lừa. Những mưu toan trắng trợn này, trong đó mọi thứ chỉ là giả tạo, chứ chẳng có gì thật cả, đã bào mòn sự ủng hộ dành cho Đảng Nước Nga Thống Nhất ngay cả trước khi bầu cử. Khi Điện Kremlin quyết định công khai gian lận phiếu, người dân sùng sục trút cơn thịnh nộ.

Sau một thập niên “ổn định”, nước Nga bây giờ dễ bị tan vỡ hệt như Liên Xô vào giai đoạn cuối. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn là Liên Xô có một cấu trúc rõ ràng, và có Mikhail Gorbachev, một lãnh tụ không muốn tự vệ bằng vũ lực. Tình hình hiện nay rất khác.

Ông Putin có lẽ không theo lời khuyên của ông Gorbachev và hủy bỏ kết quả bầu cử gian lận. Thay vì thế, ông có thể mạnh tay đàn áp hơn, do đó khiến nước Nga càng mang màu sắc Xô Viết hơn. Như vậy chỉ càng khiến cuộc khủng hoảng này trầm trọng hơn. Làm sao có thể thách thức quyền lực rất đặc trưng cá nhân của ông Putin, và hậu quả sẽ ra sao vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nhưng rõ ràng là trừ phi người Nga tạo nên một hệ thống khuyến khích lòng trung thực, tính cởi mở, lòng khoan dung và óc chủ động, không có sự thay đổi lãnh tụ nào có thể giải phóng nước Nga khỏi gọng kìm kiểu Xô Viết.

Bản tiếng Anh: The long life of Homo sovieticus, The Economist, 10/12/2011

Bản tiếng Việt © 2011 Phạm Vũ Lửa Hạ.

13 thoughts on “Bóng ma Xô Viết vẫn bao trùm nước Nga

  1. Nước Nga đang hồi sinh,đang mạnh lên,điều đó làm cho nhiều kẻ không bằng lòng,thậm chí hậm hực,tức tối.Lạ là ở VN cũng có nhiều người dở hơi như vậy.Ở Nga còn nhiều việc phải làm để vượt qua những sóng gió hậu Xô viết,nhưng có thể thấy là nước Nga đang đi đúng hướng,vì nhân dân Nga ngày càng có cuộc sống tốt lên.Ở đất nước ấy có khoảng 150 tr. người và người ta có quyền lựa chọn con đường đi của mình.VN đang tìm thấy ở đó người bạn thực sự.Không <> có mối thâm thù gì với nước Nga vậy?!Hay chỉ là thấy con chim lạ hót và hót theo?

    1. Nguyên văn là “quay trở lại chuồng / điểm xuất phát” (go back to the stables). Trong trò chơi board game như cá ngựa, khi ngựa bị đá, phải quay về chuồng, người chơi phải đổ xí ngầu đúng nút mới được ra quân trở lại. Em dịch thoát ý này theo văn cảnh Putin kiểm soát hết truyền thông như thời Xô Viết. Bác có gợi ý gì không?

  2. Một bài viết dài và rất dụng công, chỉ tiếc đây chỉ là bản dịch từ 1 tờ báo phương Tây chứ không phải tư duy của một người Việt công tâm.

    Việc đứng đằng sau châm ngòi và thọc gậy bánh xe chẳng khác gì chúng ta bị 1 số nước đứng sau. Nước Nga có tốt lên hay ko là do đánh giá của 150tr dấn chứ ko phải vài chục nghìn người biểu tình hay do 1 ông nào đó nhận định.

    Và phải thừa nhận Putin mạnh mẽ hơn nhiều chứ ko dở hơi như 2 tổng thống trước ông. Menvedev cũng ko phải cái bóng của Putin.

  3. Bài viết đã phân tích rất phù hợp với những gì tôi từng biết về V. Putin – cựu Đại tá KGB. Bằng những phương pháp rất khôn khéo, ông đã thuyết phục viện Duma đồng ý tiếp tục để ông làm thủ tướng thời B. Enxin. Lần nữa, ông lại khéo léo xây dựng hình tượng nước Nga cho đại bộ phận dân chúng. Tất cả điều Putin có được đều do khéo lợi dụng lợi thế trong tình trạng rối ren.
    Nhưng khi đã toàn quyền, như tất cả nhà độc tài trên thế giới, ông bắt đầu dọn dẹp các thành phần không hợp tác một cách tàn nhẫn.
    Không dừng lại đó, ông ta còn muốn tiếp tục quyền lực của mình thêm 2 nhiệm kỳ nữa mà không hề có một sự đột phá nào trong cán cân quyền lực. Chỉ tiếp tục duy trì phương pháp khéo léo đã lỗi thời (vì không còn sự rối ren để mà lợi dụng), kết hợp với việc siết chặt quyền lực ngày càng bị cô lập.
    Trong lịch sử của các quốc gia phát triển, quyền lực ban đầu (tính từ thời kỳ ổn định đến nay) đều xây dựng trên mối quan hệ đối trọng, ngăn chận việc hình thành hệ thống quyền lực độc quyền.
    Còn Putin và hệ thống quyền lực của ông ta thì không.

    Văn Sơ

  4. Là người Việt Nam tôi luôn yêu quý đất nước và con người Nga, họ là những người bạn lớn của dân tộc VN, đã giúp đỡ VN rất nhiều qua các cuộc kháng chiến giành độc lập, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Bài viết này rất công phu .. nhưng đáng tiếc là nó mang tư tưởng phản động, ly khai ….nói không đúng về những người bạn Nga yêu quý

Trả lời Tống văn Sơ Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *