Sau 50 năm, Trung Quốc vẫn chối bỏ Cách mạng Văn hóa

Nửa thế kỷ sau Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc vẫn chối bỏ “cuộc diệt chủng tinh thần”

Tháng 2 năm 1970, thiếu niên 16 tuổi Trương Hồng Binh (Zhang Hongbing) tố giác mẹ ruột với một cán bộ quân đội tại làng mình ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc. Cậu ta luồn vào dưới cửa nhà cán bộ đó một miếng giấy viết lời tố cáo mẹ mình phê phán Cách mạng Văn hóa và lãnh tụ Mao Trạch Đông (Mao Zedong). Bà đã bị trói, đánh và hành quyết công khai. Mấy chục năm sau, ông Trương bắt đầu viết blog về bi kịch này, mong minh oan cho mẹ mình và giải thích bà đã chết ra sao. Hồi tháng 4, ông viết, “Tôi muốn khiến cho người dân ở Trung Quốc phải suy nghĩ. Sao lại có thể xảy ra một bi kịch kinh hoàng như vậy … con trai đẩy mẹ ruột của mình cảnh bị hành quyết? Và làm sao chúng ta có thể ngăn chặn để chuyện đó không tái diễn?” Ông Trương nhiều lần gặp ác mộng về mẹ mình. Trung Quốc cũng bị lắm ác mộng về Cách mạng Văn hóa.

Hồng Vệ Binh cầm Mao tuyển, vẫy chào Mao Trạch Đông tại cuộc mít-tinh ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 18-8-1966 (Nguồn: SCMP)
Hồng Vệ Binh cầm Mao tuyển, vẫy chào Mao Trạch Đông tại cuộc mít-tinh ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 18-8-1966 (Nguồn: SCMP)

“Hồi kèn xung trận Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản”, như cách nói trong văn bản thời đó, lần đầu tiên vang lên cách đây 50 năm, vào ngày 16 tháng 5 năm 1966, khi Mao Trạch Đông duyệt một thông tư bí mật tuyên chiến với “các đại diện của tầng lớp tư sản” đã “lẻn vào Đảng Cộng sản, chính phủ, quân đội và nhiều lĩnh vực văn hóa”. Chưa đầy một năm sau đó, Mao viết cho vợ mình, Giang Thanh, rằng ông muốn gây “đại loạn trong thiên hạ” để đạt được “đại trị trong thiên hạ”.

Ông chỉ đạt được mục tiêu thứ nhất. Từ tháng 5 năm 1966 tới lúc Mao qua đời vào năm 1976, mà coi như chấm dứt Cách mạng Văn hóa, hơn một triệu người đã chết, hàng triệu người khác đã bị đuổi khỏi nhà ở thành thị và lưu đày về nông thôn, và hàng chục triệu người bị đấu tố hoặc tra tấn. Đảng Cộng sản không muốn có bất cứ hoạt động kỷ niệm công khai nào về những nỗi kinh hoàng này. Dù đã gọi Cách mạng Văn hóa là một “thảm họa”, Đảng Cộng sản e ngại rằng nếu người ta bàn quá nhiều về nó thì có thể nghi vấn về việc Đảng có phải là lực lượng đủ năng lực cầm quyền. Nhưng tranh luận về Cách mạng Văn hóa vẫn diễn ra quyết liệt trên mạng Internet ở China, và thậm chí thỉnh thoảng xuất hiện trong các ấn phẩm chủ lưu.

Tập Trọng Huân, cha của tổng bí thư hiện nay Tập Cận Bình, mang bảng bêu xấu ông là “phần tử phản đảng” trong một cuộc đấu tố ở Đại học Y khoa Tây An, tỉnh Thiểm Tây, năm 1967.(Nguồn: SCMP)
Tập Trọng Huân, cha của tổng bí thư hiện nay Tập Cận Bình, mang bảng bêu xấu ông là “phần tử phản đảng” trong một cuộc đấu tố ở Đại học Y khoa Tây An, tỉnh Thiểm Tây, năm 1967.(Nguồn: SCMP)

Những vết thương của Cách mạng Văn hóa vẫn còn nhức nhối. Hôm 2 tháng 5, Đại Sảnh đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn tổ chức một buổi trình diễn những bài “hồng ca” của thời kỳ đó, gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Bản thân chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) là một nạn nhân. Tuy nhiên, do ông dường như mến mộ Mao Trạch Đông, khinh bỉ tư duy tự do của phương Tây và có những chiến dịch nhẫn tâm trấn áp các địch thủ chính trị, một số người thấy có những điểm tương đồng giữa Trung Quốc ngày nay và Trung Quốc và những năm cuối đời Mao. Giống như một ác quỷ chưa được trừ tà, Cách mạng Văn hóa vẫn hành hạ Trung Quốc.

Đối với phần lớn những người ngoài, thời kỳ đó là một trong những giai đoạn điên rồ có thể làm tổn thương một quốc gia vĩ đại, có thể so sánh với ví dụ như Triều đại Khủng bố của nước Pháp vào năm 1793, dù ác mộng đó chỉ diễn ra trong mười tháng và khiến người thiệt mạng hơn. Cách mạng Văn hóa gồm ba năm bạo lực tập thể và nguyên cả một thập niên khủng bố (hoặc lâu hơn nữa – thậm chí vào năm 1978, hai năm sau khi Mao Trạch Đông chết, Cách mạng Văn hóa vẫn chính thức được mô tả là đã “thắng lợi”).

Đó là một thời kỳ mông muội và điên rồ. Một học sinh viết về cô giáo của mình, “Họ dùng gậy đánh chết bà ta. Thật vô cùng mãn nguyện.” Trường học và đại học đóng cửa nhiều tháng hoặc nhiều năm liên tiếp. Khi mở cửa trở lại, Trường Trung học Bắc Kinh Số 23 được tuyên dương là điển hình về dành nhiều giờ học cho Tư tưởng Mao Trạch Đông và Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản, và dành “ít thời gian … cho kiến thức văn hóa chung (ví dụ, tiếng Trung, toán và ngoại ngữ)”.

Ký ức dằn vặt

Hồng Vệ Binh hò hét trong lúc Nhâm Trọng Di, bí thư tỉnh ủy Hắc Long Giang, bị đấu tố. Ông Nhâm trở thành bí thư Quảng Đông vào cuối thập niên 1970 và được xem là một nhân vật chủ chốt trong việc khởi xướng cải cách thị trường ở tỉnh này. (Ảnh: Li Zhensheng/ChinaFotoPress)
Hồng Vệ Binh hò hét trong lúc Nhâm Trọng Di, bí thư tỉnh ủy Hắc Long Giang, bị đấu tố. Ông Nhâm trở thành bí thư Quảng Đông vào cuối thập niên 1970 và được xem là một nhân vật chủ chốt trong việc khởi xướng cải cách thị trường ở tỉnh này. (Ảnh: Li Zhensheng/ChinaFotoPress)

Đó là một thời kỳ hủy diệt. Việc Nhà nước Hồi Giáo (ISIS) phá hủy những công trình cổ ở thành phố Palmyra, Syria, gợi nhớ tới chuyện đã xảy ra ở Khúc Phụ, nơi sinh của Khổng Tử ở miền đông Trung Quốc, vào năm 1966. Những đội Hồng Vệ Binh chiếm đền Khổng Tử ở đó, một báu vật quốc gia, và đập phá tan tành. Chúng tiêu hủy hàng ngàn bản thảo, bia đá cổ và các “tài sản phong kiến” khác. Trong 6.843 nơi được chính thức công nhận là địa danh văn hóa và lịch sử ở Bắc Kinh, Hồng Vệ Binh đã phá hoại 4.922 nơi.

Trên hết thảy, đó là một thời kỳ chết chóc. Ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nơi 54 đội Hồng Vệ Binh đối địch tranh giành với nhau, học sinh trung học được các đội trưởng trả 50 nguyên (khoảng một tháng lương) để giết trẻ em trong các phe đối thủ. Tại Đại Hưng, nằm ở vùng ngoại ô phía nam của Bắc Kinh, 325 người thuộc “các gia đình địa chủ và phú nông” bị giết trong một đêm, đa số thi thể bị vứt xuống giếng. Khi tới thăm vùng này vào năm 2000, một ký giả Trung Quốc nghe kể về một bà cụ và cháu của mình bị chôn sống. Đứa cháu khóc, “Bà ơi, cháu bị cát lọt vào mắt.” Bà đáp, “Chốc nữa cháu sẽ hết xót mắt.”

Trong một sự hợp lưu kinh khủng của sự thù hận giai cấp và sự quay lại với tập tục nguyên thủy, người ta cho rằng những nạn nhân ở Quảng Tây, một tỉnh ở miền nam Trung Quốc, bị ăn thịt tùy theo cấp bậc. Trong cuốn “The Cultural Revolution: a People’s History” (Cách mạng Văn hóa: Lịch sử của nhân dân), Frank Dikötter trích dẫn câu chuyện địa phương kể rằng “lãnh đạo ăn tim và gan, trộn với thịt heo, còn dân làng chỉ được rỉa tay và đùi của nạn nhân”.

Ông Dikötter ước tính rằng khoảng từ 1,5 triệu tới 2 triệu người đã bị giết trong nạn bạo lực chính trị trên toàn Trung Quốc từ năm 1966 tới năm 1976. Tính theo tỷ lệ trên tổng dân số (lúc đó khoảng 750 triệu người), con số này nhỏ hơn số người Hoa bị giết trong các cuộc thảm sát ở Indonesia ngay trước khi Cách mạng Văn hóa nổ ra. Con số này cũng ít hơn số người bị giết trong những thời kỳ bạo lực và thảm họa do giới lãnh đạo cộng sản gây ra cho Trung Quốc. Hàng triệu người đã chết trong những cuộc thanh lọc “địa chủ” và “phần tử phản cách mạng” trong những năm đầu sau khi Mao Trạch Đông giành thắng lợi trong cuộc nội chiến vào thập niên 1940. Hàng chục triệu người đã chết trong nạn đói do Mao Trạch Đông gây ra với chính sách “Đại Nhảy Vọt” vào cuối thập niên 1950.

Hồng Vệ Binh phá cổ vật ở Bắc Kinh. (Nguồn: SCMP)
Hồng Vệ Binh phá cổ vật ở Bắc Kinh. (Nguồn: SCMP)

Nhưng Cách mạng Văn hóa khác thường ở chỗ nó không chỉ hủy hoại sinh mạng con người mà cả các giá trị và tiêu chí đã dẫn dắt đời sống người dân trong hàng thế kỷ. Một trong những mục đích cốt lõi của Cách mạng Văn hóa là đẩy nhanh việc xóa bỏ “tứ cựu”: tập quán cũ, văn hóa cũ, thói quen cũ, tư tưởng cũ. [Khẩu hiệu chính thức là “phá tứ cựu, lập tứ tân”.] Vì vậy các mối quan hệ gia đình, các truyền thống văn hóa và các nguyên tắc Khổng giáo về tôn trọng người cao tuổi và học thuật đều trở thành mục tiêu của cơn cuồng nộ cách mạng của Mao. Nhà văn Ba Kim (Ba Jin) từng gọi Cách mạng Văn hóa là “cuộc diệt chủng tinh thần” của Trung Quốc – nói hơi quá nhưng có lẽ hiểu được. Trong cuốn “Mao’s Last Revolution” (“Cuộc cách mạng cuối cùng của Mao”), Roderick MacFarquhar và Michael Schoenhals trích dẫn lời Mao nói rằng “cái ông Hitler này thậm chí còn hung ác hơn. Càng hung ác càng tốt, phải không nào? Ta giết được càng nhiều người thì càng có tinh thần cách mạng.”

Nhưng Cách mạng Văn hóa gây đại loạn bất chấp luật pháp không phải vì để có đại loạn. Nó bị Mao Trạch Đông thao túng để trừ khử các địch thủ, cả thật lẫn tưởng tượng, và để thanh lọc khỏi Đảng Cộng sản những người nghi ngờ năng lực và trí tuệ của ông. Sau nạn đói [thời Đại Nhảy Vọt], Mao Trạch Đông nghĩ rằng mình bị đang đẩy ra ngoài lề. Để giành lại quyền kiểm soát, ông kêu gọi sinh viên và công nhân “bắn phá bộ tư lệnh” (pháo đả tư lệnh bộ, bombard the heaquarters), tức là công kích tất cả những người có quyền lực – ngoại trừ bản thân ông và những người ông đã báo hiệu rõ ràng là đồng minh của ông. Tới năm 1968 gần ba phần tư ủy viên Trung ương Đảng đã bị chụp mũ là kẻ phản bội hoặc phản động. Trong số họ có Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi), chủ tịch nước, người mà Mao Trạch Đông từng chọn là người kế vị mình. Nếu đã coi cuộc cách mạng của mình chủ yếu là cách để loại bỏ các địch thủ, hẳn Mao Trạch Đông đã dừng lại ở đó. Nhưng ông đã muốn cuộc cách mạng này đi xa hơn. Theo Trần Bá Đạt (Chen Boda), thư ký của Mao Trạch Đông vào đầu những năm 1950 và về sau là trưởng ban tuyên truyền của Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông nghĩ rằng khi khắc phục oan trái, ta phải “vượt quá những giới hạn đúng mực”. Chuyện này thì ông làm nhiều lần.

Đại loạn trong thiên hạ

Gần như tất cả mọi quốc gia đều thấy khó chấp nhận và đối mặt với những giai đoạn đen tối trong lịch sử của mình. Ví dụ, Nhật đã không thừa nhận trọn vẹn những tội ác tàn bạo thời chiến của mình. Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Cả chính quyền lẫn nhân dân Trung Quốc đều dằn vặt về câu chuyện Cách mạng Văn hóa.

Đối với nhiều thanh niên thời đó, Cách mạng Văn hóa là một trải nghiệm đầy hứng thú, một giai đoạn mà những người có quyền lực bị hạ nhục, còn nông dân và công nhân được khuyến khích lên tiếng phát biểu (miễn là họ ủng hộ Mao Trạch Đông); một giai đoạn mà sinh viên học sinh được đi lại miễn phí bằng tàu lửa và gặp gỡ đồng chí ở những vùng khác của Trung Quốc.

Trương Bảo Hoa (Zhang Baohua), thành viên của một nhóm cổ xúy chủ nghĩa Mao qua một trang mạng ở Trung Quốc gọi là “Xứ sở không tưởng” (Utopia), gần đây viết về việc những người thiên tả hiện đại ở Trung Quốc kỷ niệm những thành tựu của Cách mạng Văn hóa bằng các hội thảo, bài giảng và các sự kiện công cộng khác. Ông thừa nhận rằng các hoạt động đó không được quảng bá rình rang để chính quyền khỏi ngăn chặn.

Nhiều người trong giới lãnh đạo Trung Quốc ngày nay đã trải qua những năm trưởng thành trong Cách mạng Văn hóa. Trong số bảy ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan cao nhất của Đảng, bốn người có trải nghiệm giống chủ tịch Tập Cận Bình bị đưa về quê “để học hỏi từ nông dân”, trong đó có: thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang); trưởng ban tuyên huấn Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan); và trưởng ban chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan). Em gái của một lãnh đạo khác, Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng), đã tự sát sau khi bị bạn học đàn áp. Chị gái cùng cha khác mẹ của Tập Cận Bình cũng tự sát.

Nhiều thủ phạm còn sống, nhưng nhiều quá không truy tố được. Và hàng triệu người vừa là thủ phạm vừa nạn nhân. Những kẻ đàn áp trong lực lượng Hồng Vệ Binh tới lượt họ cũng bị giày vò. Trong một thế hệ những thanh thiếu niên bị đưa về quê có một số người đã trở thành những kẻ cuồng tín ác ôn. Và dù đối với một số trong những người bị đưa về nông thôn, chuyện đó như một trải nghiệm giải thoát, đối với nhiều người khác đó là một trải nghiệm tàn nhẫn. Nữ bị hãm hiếp; cả nam lẫn nữ đều đói. Chả trách người lớn tuổi ở Trung Quốc không muốn gợi lại những ký ức đó.

Trong cuốn “Landscapes of the Chinese Soul” (Những khía cạnh của tâm hồn Trung Hoa), Thomas Plankers, một nhà tâm lý học người Đức, cho rằng ở một số ít quốc gia nơi người dân đã chấp nhận và đối mặt với những thời kỳ đen tối trong lịch sử của họ, các nhà sử học và giới trí thức đã đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục được tình trạng của giới chính khách và thường dân không muốn công khai bàn luận. Quá trình đó đã không diễn ra ở Trung Quốc.

Một nguyên nhân cho sự im lặng đó là bản tính dè dặt kín đáo. Nhưng một nguyên nhân khác mà vị thế độc nhất vô nhị của Mao Trạch Đông. Trong khi ở Liên Xô cũ, thủ phạm chính khủng bố quốc dân, Joseph Stalin, không phải là người sáng lập nhà nước cộng sản (đó là Vladimir Lenin), ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông là cả hai. Cuối đời, ông gọi hai thành tựu đáng tự hào nhất của ông là thành lập nước Trung Quốc Cộng sản và tiến hành Cách mạng Văn hóa. Không thể nào tách biệt hai việc này. Năm 1981, Đặng Tiểu Bình nói, “Bôi nhọ đồng chí Mao Trạch Đông tức là bôi nhọ đảng và nhà nước ta.”

Điều đó không thể chấp nhận được, nên các nhà sử học chính thức, theo chỉ thị của Đặng Tiểu Bình, đã chế tác một công thức thận trọng. Năm 1981, Trung ương Đảng ra “Nghị quyết về Một số Vấn đề trong Lịch sử của Đảng ta”. Nghị quyết này cho rằng Mao Trạch Đông “đã khởi xướng và dẫn dắt” Cách mạng Văn hóa, mà theo nghị quyết là một “sai lầm nghiêm trọng”. Nhưng “về Lâm Bưu [người được Mao Trạch Đông chọn làm người kế vị trong thời kỳ 1969-71], Giang Thanh và những người khác … vấn đề có tính chất hoàn toàn khác. Họ… đã phạm nhiều tội ác sau lưng đồng chí ấy [Mao], gây tai họa cho đất nước và nhân dân.” Và sau khi đã khẳng định như vậy, Đặng Tiểu Bình nói ông hy vọng rằng cuộc tranh luận về những vấn đề lịch sử trọng đại sẽ chấm dứt. Hệt như một kiểu luật im lặng về lịch sử.

Và luật im lặng này gần như đã được tuân thủ. Một vài hồi ký đã được xuất bản. Vào cuối những năm 1970 đã xuất hiện cái gọi là văn học “tổn thương” (shanghen wenxue, thương ngân văn học) trong đó các tác giả tìm cách mô tả các trải nghiệm của mình. Và hồi tháng 3, Vương Mông (Wang Meng), cựu bộ trưởng văn hóa thời Đặng Tiểu Bình, đã viết trong Viêm Hoàng Xuân Thu (Yanhuang Chunqiu), một tạp chí có tính cải cách, rằng Trung Quốc chịu “trách nhiệm không thể trốn tránh được” về việc lý giải các vấn đề chính trị của Cách mạng Văn hóa. “Người Trung Quốc nên làm điều này, Đảng Cộng sản Trung Quốc nên làm điều này, giới học giả Trung Quốc đang làm điều này. Đó là bổn phận của người Trung Quốc, đối với lịch sử và đối với thế giới.”

Nhưng bàn luận công khai là chuyện hiếm. Phần lớn các nhà sử học Trung Quốc né tránh viết về thời kỳ này. Nghĩa trang Sa Bình Bá ở thành phố tây nam Trùng Khánh là nghĩa trang duy nhất dành cho những người chết trong Cách mạng Văn hóa, có bia mộ của hàng trăm Hồng Vệ Binh, phần lớn bị giết trong những trận chiến với phe phái khác. Nghĩa trang này đóng cửa gần như quanh năm. Các viện bảo tàng phớt lờ thời kỳ này. Và năm nay, giới lãnh đạo Trung Quốc, vốn thích tổ chức lễ kỷ niệm mỗi khi có dịp, sẽ kéo một tấm màn im lặng che khuất thập niên đó.

Tuy nhiên, bất luận Cách mạng Văn hóa chính thức bị quên lãng đến đâu đi nữa, nó có ảnh hưởng lâu dài. Sự ghê tởm của nhiều giới về Cách mạng Văn hóa đã góp phần dẫn tới sự trỗi dậy của giới thực dụng do Đặng Tiểu Bình đứng đầu, người đã thực hiện những cải cách kinh tế và xã hội. Nhưng nó cũng khiến cho tâm lý vỡ mộng của nhiều giới về chính trị càng trầm trọng hơn; Rana Mitter, một nhà sử học ở Đại học Oxford, nhận xét rằng các thế hệ lớn tuổi đã chịu đựng đau khổ trong những chiến dịch chính trị bất tận của Mao Trạch Đông và những thay đổi chính sách xoành xạch đã truyền tâm trạng vỡ mộng của họ sang các thế hệ trẻ. Như nhận định của nhà tâm lý học Plankers, người Trung Quốc có quyết tâm phi thường muốn thành công trong kinh doanh một phần là để tự bảo vệ mình trước sự tùy tiện của quyền lực đã được thể hiện trong Cách mạng Văn hóa.

Thừa hưởng thất bại

Tuy nhiên phản ứng về một thập niên trong đó ý thức hệ lấn át tất cả những điều khác đã không giúp giới lãnh đạo Trung Quốc suy nghĩ sâu sắc hơn về cách tránh những hành động thất thường có tính hủy diệt của quyền lực không bị kiềm chế. Năm 2012, trong một lần hiếm hoi phê phán sai lầm này, thủ tướng Trung Quốc lúc đó, Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao), cảnh báo rằng nếu không cải cách chính trị thành công, “những bi kịch lịch sử như Cách mạng Văn hóa có thể tái diễn ở Trung Quốc”.

Bạo lực của Cách mạng Văn hóa, và nhiều quan chức thành nạn nhân của nó, có thể lý giải tại sao việc tự do hóa nền kinh tế Trung Quốc chưa song hành với mức độ dân chủ lớn hơn. Đối với phương Tây, các sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 có thể dường như cách xa vạn dặm so với các Hồng Vệ Binh tụ tập ở cùng quảng trường đó hơn hai chục năm trước hò hét các khẩu hiệu chủ nghĩa Mao. Nhưng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, luôn có một sự liên hệ: Cách mạng Văn hóa là một loại “đại dân chủ” (như cách gọi của Mao Trạch Đông) trong đó thường dân được giao quyền lực để lật đổ những quan chức mà họ căm ghét. Các sinh viên năm 1989 có thể đã không phải là những người tôn sùng Mao Trạch Đông, nhưng nếu được trao cơ hội, có lẽ họ cũng đã hành động giống hệt như Hồng Vệ Binh, theo logic của giới lãnh đạo Trung Quốc – với sự cuồng nộ hỗn loạn, đầy thù oán. Họ chẳng đưa ra bằng chứng gì cả. Họ đâu cần. Ác mộng Cách mạng Văn hóa tiếp tục xáo trộn giấc mơ về dân chủ Trung Quốc.

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch từ The Economist, 14-5-2016

(Bài lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 18/5/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

1 thought on “Sau 50 năm, Trung Quốc vẫn chối bỏ Cách mạng Văn hóa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *