Cứu đồng euro là trật mục tiêu

Gideon Rachman

Khi con tàu Châu Âu sắp va vào đá ngầm, những người chỉ huy đang bị hất tung xuống biển. Tuần này có thể cả thủ tướng Hy Lạp và Ý sẽ ra đi. Nhưng trong khi chính khách có thể đến rồi đi, giới lãnh đạo Châu Âu nhất quyết khẳng định có một thứ sẽ trường tồn vĩnh viễn: đồng euro. Không một hội nghị thượng đỉnh nào có thể hoàn chỉnh nếu không có một tuyên bố mang tính lễ nghi rằng Châu Âu sẽ “bằng mọi giá” bảo tồn đồng tiền chung. Nhưng những lời thề lặp đi lặp lại sẽ cứu đồng euro bộc lộ một sự hiểu lầm nguy hiểm.

Vì những lý do kiêu hãnh, lo sợ, ý thức hệ và sự sống còn cá nhân, giới lãnh đạo Châu Âu thật khó mà chấp nhận rằng đồng euro là một phần lớn nguyên nhân của vấn nạn hiện nay. Thay vì thế, họ đi tìm những lời giải thích khác cho khủng hoảng kinh tế. Các quốc gia (thành viên) đã không chơi đúng luật. Họ đã nói dối. Châu Âu cần những cấu trúc chính trị mới. Vũ khí chống khủng hoảng [tức Quỹ Bình ổn Tài chính Châu Âu, EFSF] chưa đủ tầm cỡ.1 Thị trường không còn duy lý. Người dân đang nổi loạn.

Tất cả những lời giải thích này đều có phần đúng. Nhưng chúng không chỉ ra được căn nguyên của vấn đề. Sau khoảng một thập niên, chúng ta đang hiểu ra rằng một khu vực đồng tiền chung, thống nhất các quốc gia khác nhau với những mức độ phát triển kinh tế khác nhau – và những văn hóa chính trị rất khác nhau – vốn dĩ đầy sai sót. 

Đồng euro tự thân nó không là cứu cánh. Đồng tiền chung chỉ là một công cụ, nhằm để thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và hòa hợp chính trị trên khắp Châu Âu. Do ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đồng tiền chung lại có tác dụng hoàn toàn ngược lại, đã đến lúc đừng nghĩ về cách cứu đồng euro – mà nên nghĩ về cách bỏ nó, hay chí ít là cho phép những nước thành viên yếu nhất rời bỏ đồng tiền chung.

Đồng euro đã góp phần gây ra lẫn kéo dài cuộc khủng hoảng ở Châu Âu. Thứ nhất, nó khiến lãi suất giảm ở Nam Âu, khuyến khích những nước như Ý và Hy Lạp vay mượn vô độ. Giờ đây đồng tiền chung đã loại trừ những phương án mà Ý và những nước khác thời hậu chiến thường dùng để đối phó với mức nợ công cao: lạm phát và phá giá đồng tiền. Cả hai chính sách đó đều tốn kém, nhưng chúng đã tạo ra một phương án thay thế cho “sự phá giá nội bộ” (còn được gọi là giảm lương và thất nghiệp đại trà) mà hiện đang được yêu cầu đối với Ý, Hy Lạp và phần lớn Nam Âu.

Cuộc khủng hoảng tài chính đã phơi bày những nhược điểm của đồng euro. Khi Hy Lạp mới lộ rõ là đang khó khăn trầm trọng vào năm 2009, Liên hiệp Châu Âu (EU) đã đặt ra cho mình hai nhiệm vụ. Một là giải quyết khủng hoảng Hy Lạp. Hai là thuyết phục thị trường tin rằng Hy Lạp chỉ là một trường hợp biệt lập, không giống gì với những nước khác của khu vực đồng euro. Họ đã thất bại toàn diện trong cả hai nhiệm vụ này.

Tình trạng hỗn loạn kinh tế ở Hy Lạp hiện nay lại bị bổ sung thêm bằng hỗn loạn chính trị. Trong khi đó ở Ý, chi phí vay mượn cứ tăng lên không ngừng – với cái đà mà chẳng mấy chốc khiến tình hình tài chính của nước này sẽ không còn bền vững. Nếu Ý, nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới, xin dùng đến quỹ cứu trợ khủng hoảng của Châu Âu – hay thậm chí viện đến IMF – có thể không đủ tiền để đáp ứng nhu cầu của nước này. Chẳng khác nào một con voi gắng ngồi lên chiếc phao cứu sinh.

Thị trường đã nhận ra điều đó, tuy Hy Lạp là một trường hợp cực đoan, tình cảnh của Hy Lạp không phải độc nhất vô nhị – bất kể giới lãnh đạo Châu Âu nói gì đi nữa. Ý có nhiều đặc điểm khiến Hy Lạp rệu rã: tránh thuế tràn lan, nợ công chồng chất, một hệ thống chính trị dựa trên bổ nhiệm mang tính thiên vị bè phái, và một mối quan hệ lệ thuộc không lành mạnh vào EU. Đúng là công nghiệp Ý có sức mạnh mà Hy Lạp còn lâu mới sao chép được. Nhưng thủ tướng sắp bật ghế của Ý, Silvio Berlusconi, khiến lãnh tụ sắp từ nhiệm của Hy Lạp, George Papandreou, ngời sáng như Lincoln.

Hy Lạp và Ý không phải là những vấn đề duy nhất. Ái Nhĩ Lan và Bồ Đào Nha đã từng phải chấp nhận cứu trợ – và lại có thể mất ổn định do cuộc khủng hoảng gần đây nhất. Tình trạng bấp bênh của Tây Ban Nha cũng đã rõ. Pháp chưa cân bằng ngân sách kể từ thập niên 1970, và đang lo ngại tụt mức xếp hạng tín dụng AAA của mình.

Đối mặt với những vấn đề gia tăng này, phe “bằng mọi giá cứu đồng euro” chỉ còn biết cổ xúy những giải pháp ngày càng ít đáng tin hơn. Nếu mọi việc suôn sẻ theo dự tính – sau khi giảm nợ và thắt lưng buộc bụng hơn nữa – Hy Lạp sẽ giảm nợ công của mình xuống chỉ còn 120 % GDP vào cuối thập niên này. Và đó là kịch bản lạc quan. Trong khi đó, bất chấp bằng chứng rõ ràng là nợ công ở Châu Âu đầy rủi ro, Ý sẽ bằng cách nào đó thuyết phục thị trường trở lại cho họ vay ở mức 2 phần trăm, thay vì hơn 6 phần trăm. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ mua trái phiếu rủi ro cao từ Ý không giới hạn, và tiếp tục mua cho tới khi nào vẫn cần làm như vậy. Tất cả những điều đó đều không đáng tin.

Về mặt chính trị, giải pháp lâu dài cho căn bệnh đồng euro được xem là một liên hiệp tài khóa, một liên bang chính trị đích thực. Nhưng đây là một giải pháp sẽ mất mấy chục năm để thực hiện, cho một cuộc khủng hoảng đang leo thang từng tuần. Dù gì đi nữa, đích đến cuối cùng tự thân nó không thực tế, với tình trạng thiếu đoàn kết toàn Châu Âu nhưng tình hình rối beng hiện nay cho thấy.

Đúng là phá vỡ đồng euro sẽ vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Tình trạng rút vốn và vỡ nợ ở các nước từ bỏ đồng euro có thể khiến các ngân hàng sụp đổ. Tiếp sau đó có thể xảy ra hỗn loạn kinh tế và chính trị – chí ít là trong một thời gian.

Một chính phủ Ý mới với một chương trình kinh tế đáng tin có thể giúp Châu Âu trì hoãn được ít lâu. Nhưng với những sai lầm về cấu trúc của đồng euro, có thể họ chỉ thảnh thơi một thời gian ngắn ngủi.

Có người cho rằng phá vỡ đồng tiền chung sẽ tiêu hủy chính EU. Nhưng tâm lý hoảng loạn vô cớ đó không chừng lại dẫn tới kết quả mà chính họ lo sợ. Những thành tựu quan trọng của Châu Âu như thị trường chung, đi lại không biên giới và hợp tác về chính sách ngoại giao đã có trước đồng tiền chung và chúng có thể tồn tại dù đồng tiền chung chết đi. Thay vì cứ nhất quyết cho rằng việc phá vỡ đồng euro là điều không thể nghĩ tới, giới lãnh đạo Châu Âu cần bắt đầu chuẩn bị cho điều đó.

1 Nguyên văn: The bazooka is not big enough. Gần đây, từ bazooka được dùng để ám chỉ Quỹ Bình ổn Tài chính Châu Âu (EFSF) để cứu các nước thành viên đang nợ ngập đầu trong khu vực đồng euro. (N.D.)

Bản tiếng Anh: Saving the euro is the wrong goal, Financial Times, 7/11/2011. (Bản PDF nếu không truy cập được.)

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/11/12/saving-the-euro/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *