SEA Games: So sánh thế nào, với ai?

Mỗi kỳ SEA Games, dường như chỉ có địa điểm tổ chức là khác nhau, còn các nước chủ nhà vẫn bổn cũ soạn lại: bằng mọi giá đứng đầu bảng tổng sắp huy chương, hoặc chí ít cũng lọt vào Top 3. Các nước khác vẫn cứ ca bài bị chủ nhà gian lận, bị ức hiếp, bị chèn ép, vân vân và vân vân. Vậy thì làm sao tiến bộ? Nhân đây đăng lại bài viết cách đây 10 năm, khi Việt Nam đăng cai SEA Games 2003.

SEA Games: So sánh thế nào, với ai?

Phạm Vũ Lửa Hạ

seagame2003Vậy là SEA Games 22 đã kết thúc. Đúng như cái tít “Vietnam, the real winners” của báo The Star, Malaysia, ta thắng lớn về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Với 158 HCV, Việt Nam lần đầu nhất toàn đoàn (ảnh bên). Nhưng thắng lợi quan trọng hơn là kỳ SEA Games lịch sử này (chữ dùng của báo The Jakarta Post, Indonesia) khiến bạn bè trong khu vực nghiêng mình nể phục Việt Nam. Lần đầu đăng cai một sự kiện thể thao quốc tế lớn, nhưng ta tổ chức được một đại hội hoành tráng, rực rỡ, và thành công trọn vẹn, để lại nhiều kỷ niệm đẹp về lòng hiếu khách và tinh thần thượng võ.

Riêng về bảng thành tích, người đa nghi có thể nhún vai: “Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Không thể phủ nhận lợi thế sân nhà, càng không thể bác bỏ thực tế là các nước ASEAN thường chỉ làm mưa làm gió trên sân nhà. Kỳ trước, ta chỉ đạt 33 HCV, xếp thứ tư toàn đoàn mà đã được xem là thành công vượt bậc. Hai năm trước, chủ nhà Malaysia giành chức quán quân với 111 HCV. Thế mà năm nay, Malaysia ngậm ngùi rơi xuống vị trí thứ năm với chỉ 44 HCV. Philippines kỳ này xếp thứ tư với 48 HCV, nhưng đang lăm le vọt lên dẫn đầu khi đăng cai SEA Games 2005.

Vậy thành tích vang dội của Việt Nam kỳ này có đáng mừng không? Trong không khí hừng hực chiến thắng như thế này mà đặt câu hỏi này khác nào ngồi giữa đám cổ động viên Barcelona trong chảo lửa Nou Camp và lớn tiếng khen Real Madrid đá hay hơn. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhìn nhận vấn đề từ góc độ của một khái niệm phổ biến trong kinh doanh và kinh tế: benchmarking.

Theo định nghĩa trong môn quản trị chất lượng, benchmarking là quá trình đo lường và so sánh kết quả hoạt động (của doanh nghiệp) với kết quả tốt nhất trong cùng ngành hoặc khác ngành. Đối với một quốc gia, đó là đo lường và so sánh thành quả kinh tế với thành quả tốt nhất trong khu vực và/hoặc trên thế giới. Điều cần lưu ý ở đây là so sánh với người khác, chứ không phải với chính mình. (Nếu ta tiến một, mà người tiến hai thì liệu có khá hơn?) Và do vậy, cần phải chọn chuẩn mực so sánh (benchmark) phù hợp với tiêu chí đánh giá. Trong lịch sử World Cup, Brazil chắc chắn là chuẩn mực với 5 lần vô địch thế giới. Ở Anh, nếu xét về thành tích nội địa lẫn quốc tế, Manchester United là chuẩn mực; còn nếu xét về lối đá hào hoa, bay bướm, rất nhiều người sẽ chọn Arsenal.

Trở lại chuyện SEA Games, bảng tổng sắp huy chương đúng là căn cứ so sánh thành tích của các đoàn với nhau. Con số 158 HCV nghe thật sướng: không chỉ tự thân tiến bộ nhảy vọt (tăng 125 chiếc, và hơn hẳn tổng số HCV ta đoạt được xưa nay), mà còn bỏ xa đối thủ thứ nhì Thái Lan (hơn 68 chiếc). Dĩ nhiên, mọi huy chương đều quý như nhau, vì đều thể hiện công sức tập luyện và nỗ lực thi đấu của từng vận động viên, cũng như mức độ quan tâm đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, từ góc độ benchmarking, cần bình tĩnh đánh giá xem những huy chương nào thật sự cải thiện vị thế của thể thao Việt Nam trên quốc tế, giả định đó là tiêu chí phấn đấu.

Có một thực tế (đáng lo nếu xét về tính cạnh tranh thể thao trên đấu trường châu lục và thế giới) là các nước chủ nhà SEA Games thường đưa vào chương trình thi đấu những môn mà mình có thế mạnh, nhưng hiếm khi hoặc không có mặt ở Olympic. Kỳ này, các “mỏ vàng” của Việt Nam là bắn súng, billiards&snooker, cờ vua, đá cầu, lặn, pencak silat, thể hình, vật và wushu. Chỉ riêng các môn này đã chiếm đến 62% tổng số HCV của ta. Với những môn “nhất mẹ nhì con” (một số môn chỉ có vài ba đoàn tham dự ngay cả trong một đại hội cấp khu vực), rõ ràng khó thể đánh giá mức tiến bộ vì hầu như ta chỉ so sánh với chính mình – điều tối kỵ trong benchmarking. Đến khi không còn lợi thế chủ nhà, và những môn sở trường của ta bị bỏ hoặc giảm nội dung thi đấu, kho vàng của ta sẽ bị “lõm” đáng kể. Nói đâu xa, năm 2005, Phillipines dự kiến bỏ môn lặn và vật, nhưng sẽ đưa thêm những môn lạ hoắc với ta như softball, bóng chày và golf.

Nói như thế có phải là thể thao Việt Nam không có gì khả quan? Không, ngược lại có nhiều kết quả đáng mừng, thậm chí phải nhảy cẫng lên mà hò hét cho thỏa niềm vui. Về điền kinh và những môn cơ bản (luôn có mặt ở bất kỳ đại hội thể thao nào, và có kết quả công bằng nhất, không sợ điều tiếng thiên vị), ta đạt được những thành tích đáng kinh ngạc tại SEA Games 22. Trong lịch sử 44 năm của SEA Games, Việt Nam đoạt tổng cộng 6 HCV điền kinh trong các kỳ trước; kỳ này ta đoạt 8 HCV. Tất nhiên không thể sa đà vào chuyện so sánh với chính mình. Tuy nhiên, nếu xem Thái Lan là chuẩn mực so sánh trong khu vực, rõ ràng Việt Nam đã rút ngắn đáng kể khoảng cách Thái Lan (13 vàng). Điều đáng nói là ta có thể “đa dạng hóa” chuẩn mực so sánh với thành tích ở hầu hết các môn chính thống khác nằm trong hệ thống Olympic như bóng bàn, bóng đá, xe đạp, thể dục dụng cụ, judo, taekwondo, nhảy cầu … Còn có một hệ thống chuẩn mực so sánh khác là các kỷ lục. Trong số 35 kỷ lục SEA Games do đoàn Việt Nam lập kỳ này, có hai kỷ lục “quý như vàng” của môn điền kinh (chạy 1500m nữ, và 400m nữ). Ngoài ra, một số kết quả trong tập luyện và thi đấu đã tiếp cận với thành tích cấp châu lục. Đáng vui quá đi chứ.

Theo lý thuyết benchmarking, để cải thiện thành quả cần biết đặt trọng tâm vào quá trình đạt kết quả, chứ không phải vào kết quả. Ví dụ, khi Bùi Thị Nhung và Nguyễn Duy Bằng không đoạt HCV nhảy cao như mong đợi, đa số báo chí trong nước ta thán rằng hai vận động viên này đạt kết quả kém hơn khi tập luyện. Mấy ai để ý đến những yếu tố “quá trình” như kỹ thuật, điều kiện huấn luyện và dinh dưỡng, chuẩn bị tâm lý, chọn trang thiết bị … (Chuyên gia Misa thừa nhận trên bản tin Tuổi Trẻ ngày 14/12 rằng Nhung và Bằng chưa được chuẩn bị tâm lý kỹ để thi đấu trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà.)

Nói đến SEA Games không thể không bàn đến chiếc HCV được mong đợi nhất: bóng đá nam. Đây cũng là một ví dụ để phân biệt kết quả và quá trình. Khỏi phải nhắc lại nỗi đau của 80 triệu con tim Việt Nam khi Nataporn ghi bàn thắng vàng ở phút 96 để một lần nữa tước tấm HCV khỏi tay Việt Nam. Sau thất bại này, nhiều người tự an ủi rằng ta đã tiến bộ nhiều, trước đây ta thua tan nát 0-4, rồi 0-2, nay thua sít sao 1-2 trong hiệp phụ. Tuy nhiên, nhiều báo thể thao trong nước đã đúng khi tập trung phân tích quá trình. Ta đã có nhiều bước tiến đáng kể về tuyển chọn cầu thủ và huấn luyện viên (thử nhớ lại thời 1991 khi toàn bộ đội hình chính của tuyển quốc gia bỏ đội ngay trước SEA Games), và tập huấn; để nay ta thi đấu ngang ngửa, thậm chí có lúc lấn lướt Thái Lan, chứ không rụt rè, lo sợ như trước nữa.

Khi đã cải thiện được quá trình thì ắt có kết quả, bất chấp bao nhiêu. Khi đã có cúp vàng thì thắng nhiều hay ít chỉ giúp tăng thêm hương vị chiến thắng. Cùng với sự đầu tư và chuẩn bị chu đáo, biết cách benchmarking hợp lý sẽ bảo đảm thể thao Việt Nam có cơ hội “giòn” không kém thiên hạ khi bước ra đấu trường thế giới.

Bài đã đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn18/12/2003., và in lại trong tập sách “Một góc nhìn – Kinh tế toàn cầu“, trang 41-45, NXB Trẻ, 2005.

© 2003-2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *