Tòa án Tối cao bang Victoria, Úc, đã ban hành một lệnh “bịt miệng” vô tiền khoáng hậu, cấm bất cứ ai ở Úc tường thuật tên của các vị cựu và đương kim lãnh đạo của Việt Nam, Malaysia, và Indonesia, “hoặc các thân nhân của họ và những quan chức cao cấp khác” có liên quan trong vụ hối lộ hàng triệu Úc kim để ký hợp đồng in tiền ở từng nước này.
Lệnh cấm này được đưa ra một phần là vì các lý do “an ninh quốc gia” và duy trì các quan hệ đối ngoại quan trọng. Lệnh cấm này được Julian Assange, người Úc đứng đầu tổ chức Wikileaks, tiết lộ hôm 29/7. Văn bản của lệnh cấm này cấm đưa tin về chính lệnh cấm, và khiến vụ án tham nhũng cấp cao lớn nhất không được tường thuật ở Úc và trong khu vực.
Nhiều nhân vật tai to mặt lớn bị nêu tên
Chưa rõ các vị lãnh đạo của ba nước Đông Nam Á (tổng cộng 17 vị) có dính líu ra sao tới vụ án được gọi là xì căng đan lớn nhất trong lịch sử Úc. Trong danh sách này, CSVN có đương kim chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh, và cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy. Malaysia có ba thủ tướng – Mahathir Mohamad, Abdullah Ahmad Badawi và Najib Tun Razak (đương kim) – cũng như cựu bộ trưởng tài chính Daim Zainuddin và cựu bộ trưởng thương mại và ngoại thương Rafidah Aziz, và còn có Puan Noni, em dâu của Abdullah Badawi. Lệnh cấm này còn nêu tên hai tổng thống Indonesia, Megawati Sukarnoputri và Susilo Bambang Yudhoyono (đương kim).
Ngoài ba nước trên, hồ sơ xét xử Securency nêu tên các nhân vật ở Bangladesh, Ấn Độ, Angola, Botswana, Dubai, Madagascar, Mauritius, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Swaziland, Uganda, Trung Quốc, Argentina, Uruguay, Nigeria và Chile. Trong các lời khai khác có tên của các quan chức ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nepal, cùng với một danh sách dài những người có dính líu.
Chính phủ Úc cố tình che giấu vụ án hối lộ nước ngoài lớn đầu tiên ở Úc nhưng đã dính đòn hồi mã thương với tiết lộ của Wikileaks. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono lên tiếng đòi biết tại sao tên ông được nêu trong lệnh cấm thông tin này. Người tiền nhiệm của Yudhoyono là Megawati Sukarnoputri (nhiệm kỳ 2001-2004) và Laksamana Sukardi, bộ trưởng phụ trách công ty quốc doanh thời đó, cũng bị nêu tên. Hôm 31/7, báo chí Jakarta dẫn lời Yudhoyono yêu cầu Úc xác nhận rằng tên của cựu tổng thống Megawati Sukarnoputri và tên ông không bị hoen ố, và các quan chức Indonesia khác không bị mất uy tín.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc phúc đáp bằng thông cáo có tiêu đề “Các lệnh cấm thông tin: hồ sơ xét xử vụ Securency”, nói rằng vụ án này “nêu tên rất nhiều cá nhân”. Tuy nhiên, thông cáo này nói “Việc nêu tên các nhân vật như vậy trong các lệnh cấm không hàm ý là họ có phạm sai trái.”
“Chính phủ Úc có lệnh cấm thông tin để ngăn chặn việc công bố các thông tin mà có thể khiến suy đoán rằng các nhân vật chính trị cao cấp cụ thể trong khu vực có dính líu đến tham nhũng, bất luận họ có dính líu hay không. Chính phủ cho rằng các lệnh cấm này là cách tốt nhất để bảo vệ các nhân vật chính trị cao cấp tránh bị những ám chỉ không có căn cứ … Chính phủ Úc nhấn mạnh rằng đương kim Tổng thống và cựu Tổng thống Indonesia không phải là đối tượng của vụ xét xử Securency.”
Úc phải vội vàng xoa dịu Yudhoyono do quan hệ giữa hai nước đang trở lại bình thường sau khi tiết lộ của Edward Snowden về tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy các cơ quan gián điệp Úc nghe lén điện thoại di động của tổng thống Indonesia và vợ ông hồi năm 2010. Điều đó đã khiến Yudhoyono triệu hồi đại sứ của Indonesia ở Canberra cho đến gần đây.
Vụ án hối lộ nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Úc
Hồi tháng 6, bảy quan chức cao cấp của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA, tức ngân hàng trung ương Úc) đã bị buộc tội một cách bí mật về những cáo buộc rằng các công ty con Securency và Note Printing Australia (mà RBA sở hữu một phần) đã hối lộ các quan chức chính phủ của ba nước này và nhiều nước khác để giành được hợp đồng in tiền giấy polymer.
Từ năm 1968 Úc bắt đầu thử nghiệm tiền polymer với các thiết bị toàn ảnh (holographic) để chống làm giả. Loại tiền giấy này được xem là bền hơn, có lợi cho môi trường hơn và ít khả năng mang chất bẩn và bệnh tật. Loại tiền giấy này được phát hành ở Úc năm 1988. Securency được thành lập năm 1996 dưới hình thức liên doanh giữa RBA và Innovia Films để tiếp thị công nghệ này ra hải ngoại. Đến năm 2009, Securency đã xuất khẩu tới 25 nước, với hơn ba tỉ tờ tiền giấy được lưu hành.
Vụ án này hé lộ vào năm 2012 sau khi âm ỉ ở hậu trường trong khoảng một thập niên, với cáo buộc có những khoản tiền hối lộ ở các nước như Nigeria, Anh, Tây Ban Nha, Châu Mỹ Latinh và ba nước Đông Nam Á nói trên. Trong vụ án được mô tả là có ảnh hưởng tới an ninh, có tin cho rằng ngoài tiền hối lộ, Securency (RBA đã bán phần hùn vốn trong hãng này) còn mua dâm cho các quan chức nước ngoài.
Ví dụ, tờ báo The Age ở Melbourne tường thuật rằng một trong những giám đốc cao cấp nhất của Securency được cho là đã thuê một gái điếm Châu Á cho một phó thống đốc của một ngân hàng trung ương của một nước không được nêu tên khi vị này sang thăm vào năm 2007. Nhân chứng (một nhân viên Securency) trao cho Cảnh sát Liên bang Úc cuốn nhật ký của mình, trong đó ông ghi người môi giới nói với ông vào năm 2007 rằng “vị thống đốc sẽ rất hài lòng nếu tiền hoa hồng được tăng lên.”
Theo tờ The Age, những người đại diện đã được trả gần 50 triệu Úc kim tiền hoa hồng kể từ năm 2003, và sau khi kết quả kiểm toán được công bố, hai giám đốc cao cấp đã rời hãng.
Các hồ sơ được tờ Sydney Morning Herald công khai cho thấy trong năm 2007, trợ lý thống đốc RBA Frank Campbell đã được báo cáo là Securency đã dàn xếp một thương vụ mờ ám để che giấu khoản tiền $492.000 trả cho một tay buôn vũ khí Malaysia. Công ty của tay buôn vũ khí này đã viết thư cho Campbell đòi trả thêm tiền, khẳng định rằng công ty này đã thuyết phục được “Thủ tướng và nội các Malaysia” phê duyệt các hợp đồng. Abdullah Ahmad Badawi là thủ tướng Malaysia lúc đó.
Mười cựu quan chức của Securency và Bank Note Australia bị buộc tội. David Ellery, cựu giám đốc tài chính của Securency, nhận một tội làm sổ sách kế toán giả mạo và bị án sáu tháng tù treo sau khi đồng ý làm chứng cho bên công tố. Lời buộc tội với hai người khác đã được bãi bỏ. Bảy người hiện sắp được xét xử ở Tòa án tối cao bang Victoria dự kiến vào năm sau. Nếu bị phán quyết có tội, họ có thể bị tù tới 10 năm và bị phạt 66.000 Úc kim cho mỗi tội.
Ngoài ra, cả Securency, hiện đã được bán lại cho cổ đông nắm 50% vốn trước đây là Innovia, thuộc sở hữu của tập đoàn đầu tư tư nhân Anh Arle Capital Partners), và Bank Note Australia bị buộc tội là các công ty vi phạm các quy định về hối lộ nước ngoài trong bộ luật hình sự liên bang. Cả hai công ty này đã nhận tội, nhưng điều này cũng thuộc một lệnh cấm thông tin bên trong Úc.
Các công ty này chịu mức phạt chỉ có 330.000 Úc kim vì thời điểm phạm tội là trước khi mức phạt tối đa được nâng lên vào năm 2010 khi vụ án này được hé lộ. Các công ty Úc hiện nay có thể bị phạt mức lớn hơn giữa 11 triệu Úc kim và ba lần giá trị của lợi ích nhận được, hoặc, nếu không xác định được lợi ích, là 10% doanh số hàng năm trong 12 tháng trước khi phạm tội.
Lần theo dấu vết tiền bẩn
Cũng đã xuất hiện các bằng chứng về hoạt động ở Trung Quốc, Indonesia và Nepal. Một nhân vật quan trọng là Radius Kristanto, một người ở Singapore chuyên cò mồi ảnh hưởng chính trị tại Jakarta. Ông đồng ý để dẫn độ vào tháng 8/2013 và trở thành nhân chứng cho bên công tố.
Kristanto khai đã bắt đầu hợp tác với Securency năm 1998, trong đó có giao bốn va-li tiền mặt “quyên tặng” cho cánh tay mặt của Suharto, tổng thống Indonesia lúc đó, tên của người này vẫn chưa được tiết lộ. Các quan chức của Bank Indonesia nhận được máy laptop và thẻ hội viên đánh golf đắt tiền từ Kristanto; về sau Bank Indonesia phát hành một loại tiền giấy mang tính kỷ niệm dùng công nghệ polymer, nhưng chưa rõ dưới thẩm quyền của ai. Có thời điểm trong năm 1999, mức hoa hồng của Kristanto cho một thương vụ thành công đạt tới mức 4,77 triệu Úc kim (4,43 triệu Mỹ kim).
Kristanto cũng thú nhận đưa hối lộ ở Trung Quốc, chuyển 150.000 Mỹ kim bằng tiền mặt qua một “ông Kuok”, người xưng là “thân nhân của một đảng viên Trung Cộng cao cấp” và giới thiệu với “một bộ trưởng cao cấp”. Kristanto nói ông chiêu đãi các quan chức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở các khách sạn 5 sao và dẫn một phái đoàn xuống ở khu resort cao cấp Gold Coast của Úc.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trao cho Securency hợp đồng in một loại tiền giấy kỷ niệm vào năm 2000. Gu Daoming, lúc đó là giám đốc cơ quan in tiền của chính phủ Trung Quốc, được biết là đã nói với Kristanto và hai giám đốc của Securency rằng hợp đồng này “chỉ là một bước nhỏ và nếu mọi chuyện suôn sẻ thì sẽ có những hợp đồng lớn hơn.” Gu Daoming, hiện đã về hưu, thừa nhận có gặp Kristanto nhưng phủ nhận có biết về “ông Kuok” hay số tiền đó.
Kristanto cũng khai đã thương lượng ở Việt Nam vào năm 2004 với một người đại diện của Securency vận động hành lang ở Việt Nam tên là Lương Ngọc Anh, lúc đó xưng là đại tá an ninh của CSVN. Tờ The Age cũng từng tường thuật về quan hệ tình ái giữa Lương Ngọc Anh và Elizabeth Masamune, cựu đại diện của Austrade (cơ quan xúc tiến thương mại Úc) ở Việt Nam. Tuy lệnh cấm thông tin của Úc có nêu tên ba người đứng đầu nhà nước CSVN và cựu thống đốc ngân hàng nhà nướcViệt Nam, đến nay CSVN hoàn toàn bất hợp tác với Canberra trong vụ án này.
Mối liên hệ của Securency với Malaysia bắt đầu từ năm 1998 khi loại tiền giấy polymer 50 ringgit được phát hành để kỷ niệm Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung, và năm 2003, khoảng gần lúc Abdullah Ahmad Badawi kế nhiệm Mahathir làm thủ tướng. Những người đại diện đã được chiêu mộ từ nhóm những nhà môi giới quen thuộc ở Kuala Lumpur, và được cho là đã mớm các mức hối lộ lên tới 100 triệu ringgit (31,2 triệu Mỹ kim) để giành được một hợp đồng lớn in tiền giấy 5 ringgit.
Ủy ban Chống Tham nhũng Malaysia đã tiến hành một cuộc điều tra chính thức năm 2009 và đã buộc tội một số nhân vật sở tại trong đó có cựu trợ lý thống đốc Bank Negara Malaysia (ngân hàng trung ương). Cảnh sát Úc đã được tiếp cận các bằng chứng truy ngược đến những người đưa hối lộ, nhưng nhà chức trách Malaysia đã giữ kín thông tin về đường đi của số tiền hối lộ ở chiều kia. Trước đây Abdullah đã nói là bất cứ suy đoán nào về sự dính líu của ông là không có cơ sở và sai.
Tại Ấn Độ, Securency thuê nhân vật nổi tiếng Aditya Khanna và hãng của ông DSSI Group làm đại diện của mình ở New Delhi. Khanna bị Cục Điều tra Liên bang điều tra năm 2006 sau khi ông bị nêu tên trong Báo cáo Volcker cho Liên Hiệp Quốc về sự lạm dụng chương trình đổi dầu lấy thực phẩm của Iraq trước khi Saddam Hussein bị lật đổ. Ông được cho là gần gũi với Natwar Singh, cựu ngoại trưởng Ấn Đọ bị ô danh trong vụ xì căng đan đó.
Trong lệnh cấm thông tin của Tòa án Tối cao Victoria còn có bản lời khai của Gillian Bird, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Thương mại từng là đại diện của Úc ở ASEAN và vừa được bổ nhiệm làm đại diện thường trực của Úc ở Liên Hiệp Quốc, về thân thế của những người được cho là môi giới và các mối liên hệ chính trị của họ ở Kuala Lumpur, Jakarta và Hà Nội.
Hối lộ người nước ngoài là một vấn đề gây phẫn nộ ở Úc, vốn tự cho mình là một quốc gia trung thực, thậm chí ngây thơ, trên thị trường quốc tế. Bong bóng vô tội nay đã bị vỡ.
Tổng hợp từ Asia Sentinel 30/7 và 1/8/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bài viết, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 6/8/2014.)