Tiếng Anh: trọng nam khinh nữ?

Phạm Vũ Lửa Hạ

1. Vấn đề nam nữ bình quyền trong tiếng Anh

Đọc câu “Like other mammals, man suckles his young”, chắc hẳn bạn sẽ phì cười. Thật ra chẳng phải lỗi của người viết. Chẳng qua là do nghĩa của man: 1. con người (human being), 2. đàn ông (adult male). Những từ ngữ như mankind hay the origin of man rõ ràng dùng nghĩa thứ nhất. Trong một số phương ngữ tiếng Anh, man được dùng để chỉ bất cứ người nào. Tuy nhiên, sự lạm dụng nghĩa thứ nhất đôi khi dẫn đến hiểu lầm như trong câu trên. Ý người viết muốn nói: “Giống như những động vật có vú khác, con người cũng cho con mình bú”. Ác một nỗi, (đa số) người đọc lại hiểu theo nghĩa thứ hai, cứ tưởng đàn ông lại làm được chuyện kỳ diệu đó.

Ngoài chuyện gây hiểu lầm, cách dùng “bất phân giới tính” của từ man nhiều khi nghe rất vô lý. Ví như câu “Men are the only animals that can conceive at any time”; nói vậy hóa ra đàn ông lại có thể mang bầu (!). Tương tự, cách dùng he / him / his theo nghĩa trung tính cũng bị chỉ trích. Thật ra một câu như “A novelist should write about what he knows best” chẳng hàm ý gì xấu đối với phụ nữ. Nhưng có người cắc cớ hỏi “Thếra chỉ có đàn ông mới biết viết tiểu thuyết à?”.

Chính những câu như thế đã góp phần dấy lên một làn sóng phản đối ngôn ngữ phân biệt nam nữ (sexist language hoặc sex-weighted language), chủ yếu từ những người bênh vực cho quyền của phụ nữ (feminist). Kể ra họ cũng có cái lý của mình. Đàn bà là một nửa thiên hạ, thế mà man (họ nhất quyết hiểu là đàn ông) lại có thể đại diện cho cả thiên hạ. Theo họ, câu “All men are created equal” trong Hiến pháp Mỹ là vô lý: tuyên bố là mọi người sinh ra đều bình đẳng, nhưng bình đẳng ở đâu khi lại viết All men, đúng ra phải là “All people are created equal”. Hồi còn là sinh viên, chính người viết bài này đã từng bị một bà giáo người Úc trừ điểm bài luận văn vì “dám” dùng từ mankind để chỉ chung nhân loại, và bị sửa thành humankind.

Những biến đổi xã hội càng châm thêm dầu vào lửa của cuộc đấu tranh đòi nam nữ bình quyền trong tiếng Anh. Phụ nữ ngày càng tham gia nhiều vào lực lượng lao động, và những mẫu rập khuôn giới tính trong các ngành nghề cũng bị phá vỡ. Do đó, những kiểu nói như “woman doctor”, “lady lawyer” bị xem là xúc phạm, vì như vậy khác nào nói rằng những bác sĩ, luật sư “thực thụ” là đàn ông. Còn cụm từ “managers and their wives” sẽ khiến cho một số người la toáng lên rằng “các nữ giám đốc làm gì có vợ”. Những câu như “A nurse needs to take good care of her patients” hoặc “A secretary should think twice before following her manager’s whimsical instructions” bị xem là không hợp thời vì ngày nay các bậc mày râu có thể làm y tá, hay thư ký. Một trường đại học dành cho cả nam lẫn nữ được gọi là coed (viết tắt của coeducational) university, thế nhưng trong ngôn ngữ thông tục, coed nghĩa là nữ sinh của một trường như thế. Phải chăng hàm ý nữ sinh chỉ là phần phụ thêm cho đủ bộ?

Các danh xưng MissMrs luôn khiến cho người nghe biết rõ “vườn hồng đã có ai vào hay chưa”. Còn phái nam có thể yên tâm, vì lúc nào cũng được gọi là Mr, bất kể đã có vợ hay chưa. Có ý kiến rằng để công bằng, cách gọi nam giới cũng phải phân biệt về tình trạng hôn nhân; nên dùng Master với người độc thân, và Mr với người có vợ. Đề xuất này một thời đã được áp dụng, nhưng rồi lại chết yểu. Cũng may hiện nay phái nữ đã có danh xưng Ms để dùng khi không muốn tiết lộ mình đã “chống lầy” chưa.

2. Được voi đòi tiên

Bạn có biết person person nghĩa gì không? Là người đưa thư đấy. Số là từ mailman bị phản đối và biến thành mail person hoặc mail carrier. Nhưng vậy cũng chưa đủ xoa dịu phái ủng hộ nữ quyền. Họ cho rằng mail vẫn còn thiên về nam giới vì đồng âm với male, nên đòi đổi thành cụm từ “quái dị” như trên. Cũng may là yêu cầu phi lý đó không được chấp nhận rộng rãi, chứ không thì mail phải được phát âm khác đi, hoặc biến mất khỏi kho từ vựng tiếng Anh. Và cũng đến nay chưa thấy ai đòi đổi e-mail thành e-person [vốn đã có nghĩa là một người làm việc hay hoạt động chủ yếu qua mạng].

Trên đây là một trong biết bao trường hợp “yêu sách” cải cách tức cười. Ví dụ, những người đấu tranh nữ quyền cho rằng lịch sử kể theo quan điểm của phụ nữ hoặc kể về các phong trào phụ nữ phải là herstory, chứ không phải history. Quả là sai lầm nếu nghĩ rằng history = his + story, vì thực ra nguồn gốc của nó là từ La tinh historia (câu chuyện).

Nhiều người không chấp nhận từ woman với lý lẽ rằng từ này chẳng qua là man được gắn thêm tiền tố wo-; như vậy hóa ra phụ nữ chỉ là sub-species (tiểu loài) của đàn ông, hay chỉ là second-class citizen. Và họ đã đề nghị thay bằng wimmin hoặc womyn. Xét về từ nguyên học, nhận định này sai bét, vì woman xuất phát từ wifman của tiếng Anh cổ, trong đó wif nghĩa là nữ (female), còn man nghĩa là con người (human being). Dù sao các nhà nữ quyền cũng ít nhiều có lý. Lẽ ra sẽ công bằng hơn nếu một tiền tố được gắn vào từ man để chỉ đàn ông.

Có dạo tờ Ms., một tạp chí Mỹ về nữ quyền, đăng thư của một độc giả phản đối cách dùng từ testimony để chỉ lời khai của các nữ nhân chứng. Nữ độc giả này viện dẫn lý lẽ (chưa được chứng minh) về từ nguyên học: từ testimony xuất phát từ thời những người đàn ông khi thề khai sự thật thì phải đặt tay lên testicles (tinh hoàn) của mình để tỏ thiện ý và lòng trung thực. Để chỉ lời khai của phụ nữ, bà ta đã đề xuất một từ mới, ovatimony, với tiền tố phù hợp hơn (ova hay ovum xuất phát từ tiếng La Tinh có nghĩa là trứng).

Ai cũng biết bằng Thạc sĩ được gọi là Master’s degree. Nhưng có người nghĩ rằng dùng từ Master là xem thường phái tóc dài. Một nữ sinh viên hoàn tất chương trình cao học khoa học xã hội ở Đại học Leeds, Anh, nhất quyết đòi trường này cấp cho mình bằng Mistress of Arts chứ không phải Master of Arts.

Những đòi hỏi kỳ quặc còn lấn sang cả danh tánh. Theo tác giả Neil Chayet, một phụ nữ ở New York đệ đơn lên tòa xin đổi tên Cooperman thành Cooperpersonvì như vậy sẽ bình đẳng hơn. Chánh án tòa tối cao New York bác đơn; ông cho rằng nếu chấp thuận thì sẽ tạo một tiền lệ “kinh khủng”. Nếu phụ nữ muốn đổi tên Jackson thành Jackchild, Manning thành Peopleing, hay Carmen thành Carperson thì có mà loạn.

Trong cuốn “Sex, Lies, and Feminism”, tác giả Peter Zohrab cho biết một số nhà nữ quyền đề nghị không nên xem God là thuộc phái nam, và thậm chí có người dùng she / her để chỉ Thượng Đế. Thế nhưng, ông mỉa mai, chẳng ai dùng she / her để chỉ Devil. Theo ông, dường như người ta chỉ kêu gọi thay đổi từ ngữ khi chúng ảnh hưởng để quyền lợi của nữ giới hay loại trừ vai trò của phụ nữ. Họ thích từ businessperson hơn businessman vì “phụ nữ cũng biết làm kinh doanh chứ bộ”. Còn những từ ngữ mô tả những việc xấu xa thì “em chả dây vào”. Ví như từ gunman chưa nghe ai yêu cầu đổi thành gunperson; cứ làm như là chỉ có đàn ông mới thành gangster được.

Trào lưu đòi bình đẳng nam nữ trong tiếng Anh đôi khi trở nên thái quá, và có lúc chính đàn ông lại cảm thấy mình mới là nạn nhân của sự bất bình đẳng. Có lẽ họ sẽ được an ủi phần nào khi biết rằng ít ra cũng có một phụ nữ thông cảm với cảnh ngộ của họ.  Một phụ nữ Anh tên là Angela Taylor đã đi bộ khắp Vương quốc Anh, mang theo một cây thánh giá gỗ nặng để chuộc lỗi cho tất cả những điều bất công đối với đàn ông nhân danh phong trào nữ quyền. 

3. Làm sao để vừa lòng người đẹp

Hiện nay ngày càng có nhiều người nhận thức rõ tầm quan trọng của việc dùng ngôn ngữ trung tính (non-sexist hoặc gender-neutral language). Làm hài lòng người đọc / nghe cũng góp phần vào thành công trong giao tiếp. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy những mẩu quảng cáo dùng thuật ngữ trung tính chỉ nghề nghiệp thu hút sự quan tâm của cả nam lẫn nữ hơn trường hợp chỉ dùng ngôn ngữ loại trừ phái nữ.

Đối với các từ ngữ có thành tố man / men, động tác đầu tiên thường là đổi thành person / people. Ví dụ, chairman thành chairperson, one-man show thành one-person show … Ở Anh, ngay cả đảng viên cánh tả đối lập cuồng tín nhất cũng phải cảm ơn cựu thủ tướng Margaret Thatcher vì bà đã cương quyết “phế truất” từ statesman và thay bằng statesperson.

Tuy nhiên, cách đó không phải lúc nào cũng tiện. Nếu được, nên thay hẳn man / men (hoặc những thành tố giống đực) bằng từ ngữ tương ứng với ngữ cảnh. Ví dụ, ngành bưu chính Mỹ hiện nay chính thức gọi những người đưa thư là mail carriers, chứ không phảilà mailmen như xưa kia. Tương tự, policeman trở thành police officer, fireman thành firefighter, manpower thành workforce hoặc human resources, foreman thành supervisor, forefather thành ancestor, founding father thành founder, master copy thành top copy hoặc original, to man a station thành to staff a station, man-made thành artificial

Những thành ngữ có vẻ thiên vị cho phái nam cũng bị đổi. Ví dụ, the man in the street thành people in general, the common man thành the average person … Hoặc câu “We are looking for an administrator who is his own man” nên viết lại là ““We are looking for an administrator with a sense of independence and integrity”.

Cũng nên lưu ý tránh ngôn ngữ mang tính loại trừ một trong hai giới (exclusive language), nhất là lối áp đặt giới tính vào từ ngữ. Chẳng hạn cleaning lady được đề nghị đổi thành housekeeper, laundrywoman / laundress thành laundry worker. Kiểu rập khuôn như lecturers / executives / officials that have wives and children to support nên đổi thành lecturers / executives / officials that have families (hoặc dependants) to support.

Các hậu tố giống cái được xem là thừa, vì nếu vẫn phân biệt nam nữ bằng –ess hay –ette thì hóa ra đàn ông giỏi hơn phụ nữ trong những công việc ấy à. Có hai cách giải quyết. Thứ nhất, bỏ hẳn dạng giống cái ví dụ như poetess, authoress, sculptress, usherette …; chỉ giữ dạng xưa nay được xem là giống đực để chỉ cả hai phái poet, author, sculptor, usher … Tất nhiên cũng có vài ngoại lệ như actor / actresswaiter / waitress; nếu bạn dùng actor để chỉ một nữ diễn viên thì chắc chắn sẽ bị trố mắt nhìn. Thứ hai, thay thế bằng từ ngữ thích hợp. Ví dụ, các hãng hàng không hiện nay gọi các tiếp viên là flight attendant, chứ không phải stewardess.

Một điều tối kỵ nữa là cách dùng miệt thị đối với phụ nữ. Chớ dại gọi các thư ký hay nữ nhân viên là the girls / chicks in the office, mà nên dùng secretaries hoặc office assistants. Câu “My gal will take care of that immediately” nghe có vẻ trịch thượng, nên đổi thành “My assistant will take care of that immediately”.

Trong số những cách dùng bị gắn mác “trọng nam khinh nữ” còn có thói quen liệt kê phái nam trước (ví dụ “men and women”), kiểu mô tả với hàm ý và hình tượng có vẻ coi thường hay xúc phạm phụ nữ. Phái nữ nghe không lọt lỗ tai câu “The client’s behaviour was typically female”; vì như vậy là hàm ý phụ nữ không biết cách cư xử cho phải phép. Câu trên nên đổi lại thành “The client’s behaviour was … [nêu cụ thể tính chất của hành vi]”. Tương tự, nên tránh những kiểu nói như: “Our new boss is a real fox!”, “The new student in Room 4 is a lovely bit of stuff!”,“Our new secretary is a real peach!”,“Mrs X is a real old woman at times.”

Nhiêu khê nhất là việc dùng he / him / his để chỉ cả hai giới. Tiếng Anh chưa có đại từ trung tính (epicene pronoun hoặc gender-neutral pronoun) ngôi thứ ba số ít chỉ người. Có nhiều cách để né tránh vấn đề này. Đơn giản nhất là biến thành số nhiều nếu có thể được; ví dụ câu “If a student is late in enrolling, he must pay an additional fee” viết lại thành “If students are late in enrolling, they must pay an additional fee”. Nếu vẫn buộc phải dùng số ít, ta có thể biến đổi cấu trúc để loại bỏ đại từ; ví dụ “A student who is late in enrolling must pay an additional fee”.

Ta có thể thay đại từ giống đực bằng một mạo từ (a, an hoặc the): đổi “The accused has a right to confront his accuser” thành “The accused has a right to confront the accuser”. Hoặc thay bằng đại từ ngôi thứ hai: thay vì “If a person works hard, his efforts will be rewarded”, nên nói “If you work hard, your efforts will be rewarded” [youyour ở đây chỉ bất cứ người nào]. Nếu được, nên trực tiếp xưng hô với người đọc bằng đại từ ngôi thứ hai: đổi “The student must send in his application by the final deadline date” thành “Send in your application by the final deadline date” [your ở đây chỉ một người cụ thể]. Hoặc bỏ luôn đại từ giống đực khi không cần thiết: câu “Anyone who wants to go to the game should bring his money tomorrow” vẫn rõ nghĩa nếu ta bỏ từ his. Sau khi đã thử mọi cách mà vẫn chưa ổn, thì có lẽ đành xài kiểu kết hợp he or she hoặc his (him) or her. Cách này bảo đảm bao gồm cả hai phái tuy hơi luộm thuộm; ví dụ “Because the CEO is key to an organization’s success, he or she must work long hours”.

Không kém phần rắc rối là những câu có những từ dạng số ít mà nghĩa số nhiều chẳng hạn như every, everyone, everybody). Một số người cho rằng những câu như “Everybody needs their vacation” là không chấp nhận được vì everybody là số ít nên không thể dùng chung với dạng số nhiều their. Trường hợp này có thể hóa giải bằng một mạo từ: “Everybody needs a vacation”. Hoặc đối đế lắm thì dùng kiểu kết hợp bất tiện như đã nêu trên: câu “Every student must be responsible for publications on loan to him” sẽ trở thành “Every student must be responsible for publications on loan to him or her

Cách dùng they / their để thay thế cho danh từ số ít chỉ người không rõ giới tính chẳng phải mới mẻ gì, và từ lâu đã được những tác giả uy tín sử dụng. Trong tiểu thuyết Vanity Fair (1848) của W. M. Thackeray có câu: “A person can’t help their birth”. Trong ngôn ngữ hàng ngày, cả trẻ em lẫn người lớn đều dùng như thế, nhất là sau những từ như anyoneno one mà rõ ràng chúng hoàn toàn là số ít. Tuy nhiên, cách dùng này thường là đối tượng công kích của những người kỹ lưỡng về văn phong và ngữ pháp.

Cách dùng từ themselves sau một (đại) danh từ số ít, như trong một phiên bản tác phẩm Lucrece của Shakespeare [Every one to rest themselves betake] cũng thường bị chỉ trích, nhưng đã phổ biến. Thực ra cũng có dạng “số ít” themself, dù nó ít được chấp nhận trong văn phong chuẩn hiện đại. Ban đầu (từ 1400 đến 1500), đó là lối chính tả thông thường của themselves, và hiện nay thỉnh thoảng được một số tác giả hiện đại dùng làm dạng số ít trung tính rất tiện lợi. Vẫn chưa biết cách dùng này có được cộng đồng nói tiếng Anh chấp nhận rộng rãi hay không, nhưng themself đã được chính quyền Ontario, Canada, chấp nhận sử dụng trong các văn bản chính thức. Biết đâu đó sẽ là xu thế tương lai.

Bài đã đăng 3 kỳ trên Sài Gòn Tiếp Thị khoảng năm 1999 (lâu quá nên không nhớ rõ ngày nào 🙂 )

URL: http://phamvuluaha.wordpress.com/2012/03/07/sexist-english/

2 thoughts on “Tiếng Anh: trọng nam khinh nữ?

Trả lời Jacheka Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *