Hệ quả địa chính trị của cuộc cách mạng dầu khí đá phiến (Kỳ 2)

Ưu thế năng lượng của Mỹ: Các hệ quả địa chính trị của cuộc cách mạng dầu khí đá phiến (Kỳ 2)

Robert D. Blackwill và Meghan L. O’Sullivan, Tạp chí Foreign Affairs, tháng 3 & 4/2014

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch

(Kỳ 1)

Ai lợi, ai thiệt?

Fracking-A-Look-Back_heroNếu giá dầu giảm và ở mức thấp, chính phủ của mỗi nước lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu sẽ gặp áp lực. Những nước gặp gay go sẽ gồm Indonesia và Việt Nam ở Châu Á; Kazakhstan và Nga ở vùng Á-Âu; Colombia, Mexico, và Venezuela ở Châu Mỹ Latinh; Angola và Nigeria ở Châu Phi; và Iran, Iraq, và Saudi Arabia ở Trung Đông. Khả năng chịu đựng giảm nguồn thu ngân sách của những nước này sẽ khác nhau và phần nào tùy thuộc giá ở mức thấp trong bao lâu. Ngay cả khi giá giảm nhẹ hơn, số lượng tăng lên và tính đa dạng của nguồn cung dầu sẽ có lợi cho giới sử dụng năng lượng trên toàn cầu. Những nước thích dùng nguồn cung năng lượng của mình cho các mục đích chính sách đối ngoại – thường là theo những cách đi ngược lại lợi ích của Mỹ – sẽ có ảnh hưởng ít hơn.

Trong tất cả những chính phủ có thể bị ảnh hưởng nặng nề, Moscow sẽ bị thiệt nhiều nhất. Dù Nga có trữ lượng lớn dầu đá phiến mà nước này rốt cuộc có thể khai thác, biến chuyển về nguồn cung toàn cầu sẽ khiến nước này suy yếu trong ngắn hạn. Lượng khí đốt từ Bắc Mỹ tràn ngập thị trường sẽ không hoàn toàn giải phóng các nước khác ở Châu Âu khỏi ảnh hưởng của Nga, vì Nga sẽ vẫn là nước cung cấp năng lượng lớn nhất châu lục này. Nhưng các nhà cung cấp mới sẽ giúp khách hàng Châu Âu có ưu thế mà họ có thể dùng để thương lượng các điều khoản tốt hơn với các nhà sản xuất Nga, như họ đã làm được trong năm 2010 và 2011. Châu Âu sẽ được lợi nhiều nhất từ sự thay đổi này nếu họ hội nhập hơn nữa thị trường khí đốt của mình và xây thêm nhiều trạm đầu mối LNG để nhập khí đốt; những nước đi như vậy có thể giúp Châu Âu ngăn chận các cuộc khủng hoảng như đã từng xảy ra khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine vào năm 2006 và 2009. Việc khai thác các tài nguyên đá phiến của chính Châu Âu sẽ càng hỗ trợ hơn nữa.

Trong khi đó, tình trạng giá dầu giảm giá kéo dài có thể gây bất ổn cho hệ thống chính trị của Nga. Ngay cả với mức giá hiện nay gần 100 Mỹ kim mỗi thùng, Điện Kremlin đã giảm các dự báo chính thức của mình về tỉ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm trong thập niên sắp tới xuống còn khoảng 1,8% và bắt đầu cắt giảm ngân sách. Nếu giá giảm thêm nữa, Nga có thể dùng hết quỹ bình ổn của mình, buộc nước này phải có những cắt giảm ngân sách khắc nghiệt. Ảnh hưởng của tổng thống Nga Vladimir Putin có thể giảm đi, mở ra các cơ hội mới cho các đối thủ chính trị của ông trong nước và khiến Moscow có vẻ yếu đuối ở nước ngoài.

Dù phương Tây có thể hoan nghênh chuyện Nga gặp căng thẳng như vậy, một nước Nga yếu hơn sẽ không nhất thiết đồng nghĩa với một nước Nga ít thách thức hơn. Moscow hiện đã cố gắng bù đắp cho những tổn thất ở Châu Âu bằng cách thâm nhập sâu hơn vào Châu Á và thị trường LNG toàn cầu, và Nga sẽ có đủ lý do để tích cực chống lại các nỗ lực của Châu Âu nhằm khai thác tài nguyên của Châu Âu. Thực vậy, báo chí thuộc nhà nước của Nga, công ty khí đốt quốc doanh Gazprom, và cả bản thân Putin đã cảnh báo về những nguy cơ môi trường của việc fracking ở Châu Âu – mà theo lời của tờ The Guardian là “một hiện tượng kỳ lạ ở một nước thường đặt các mối quan ngại sinh thái ở mục cuối cùng trong nghị trình”. Để ngăn cản Châu Âu đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần cho nhập khẩu LNG, Nga cũng có thể chủ động cung cấp khí đốt cho khách hàng Châu Âu với các điều khoản thuận lợi hơn, như đã làm với Ukraine vào cuối năm 2013. Đáng kể hơn, nếu giá năng lượng thấp làm Putin suy yếu và tăng sức mạnh cho thêm nhiều lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở nước này, Nga có thể tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực theo những cách trực tiếp hơn – thậm chí bằng cách phô trương sức mạnh quân sự.

Trong khi đó, những nước sản xuất năng lượng ở Trung Đông cũng sẽ mất tầm ảnh hưởng. Với tư cách là nước lâu năm kiểm soát công suất dư thừa của OPEC, Saudi Arabia đáng được chú ý đặc biệt. Nước này hiện đang đối mặt với những khó khăn ngân sách ngày càng tăng. Khi biến cố Mùa xuân Ả Rập xảy ra, nước này phản ứng bằng cách tăng chi tiêu công cộng trong nước và hào phóng hỗ trợ kinh tế và an ninh cho các chế độ Sunni khác trong khu vực. Do đó, kể từ năm 2008, mức giá dầu cần để cân bằng ngân sách của vương quốc này đã tăng hơn 40 Mỹ kim mỗi thùng lên đến gần 90 Mỹ kim trong năm 2014, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đồng thời sẽ có thêm áp lực từ dân số rất trẻ của nước này vốn đang đòi hỏi có học vấn, y tế, cơ sở hạ tầng, và việc làm tốt hơn. Và do nhu cầu năng lượng nội địa rất lớn tiếp tục tăng lên, đến khoảng năm 2020 nước này sẽ bắt đầu tiêu thụ năng lượng nhiều hơn mức xuất khẩu, nếu các xu hướng hiện nay giữ nguyên. Riyadh hiện đang cố gắng cật lực để đa dạng hóa nền kinh tế. Nhưng sự sụt giảm giá dầu kéo dài sẽ thử thách khả năng của chế độ này trong việc duy trì các dịch vụ công làm nền tảng cho tính chính danh của chế độ. Các nước Trung Đông khác – trong đó có Algeria, Bahrain, Iraq, Libya, và Yemen – hiện đang chi xài vượt quá giới hạn của các mức giá cân bằng ngân sách của họ.

Hiện đang chao đảo do áp lực của các biện pháp trừng phạt kinh tế và nhiều năm quản lý kinh tế sai lầm, Iran có thể đối mặt với các thách thức có thể còn trầm trọng hơn. Nước này xếp thứ tư thế giới về sản lượng dầu khí, và dựa vào nguồn cung năng lượng của mình để gây ảnh hưởng trong khu vực. Nhưng trong tất cả các thành viên OPEC, Iran có mức giá cân bằng ngân sách cao nhất: hơn 150 Mỹ kim mỗi thùng. Dù có thể giá dầu thấp hơn sẽ làm suy giảm hơn nữa tính chính danh của chế độ và do đó mở đường cho các lãnh tụ ôn hòa hơn, số phận của những cuộc cách mạng gần đây ở Trung Đông, cũng như các phân hóa sắc tộc, tôn giáo và những tình trạng phân hóa khác của chính Iran khiến ta không quá lạc quan đến thế.

Các tác động ròng đối với Mexico thì ít rõ ràng hơn. Do sản lượng dầu của mình giảm sút và sự quá lệ thuộc vào dầu để có nguồn thu ngân sách, Mexico rất có thể bị tổn hại nếu giá dầu giảm. Nỗ lực gần đây nhằm thực hiện các cải cách năng lượng có thể giúp Mexico tăng sản lượng đủ để khắc phục các ảnh hưởng của giá dầu thế giới thấp hơn. Tuy nhiên, nếu muốn làm vậy, thì chính phủ cần phải xúc tiến thực thi luật cải cách thông qua hồi tháng 12. Mexico sẽ phải thực thi luật pháp thuận lợi hơn cho đầu tư tư nhân vào ngành năng lượng ở nước này – trong đó có các tài nguyên đá phiến của mình – và đẩy nhanh việc cải tổ công ty dầu quốc doanh Pemex.

Khác với các nước sản xuất năng lượng, các nước tiêu thụ sẽ hoan nghênh cuộc cách mạng năng lượng. Sản lượng gia tăng của Bắc Mỹ đã giúp giảm sốc cho thị trường bằng cách cung cấp thêm sản lượng rất cần thiết trong những đợt biến động gần đây về lượng xuất khẩu từ Libya, Nigeria, và Nam Sudan. Giá năng lượng thấp hơn sẽ đặc biệt có lợi cho Trung Quốc và Ấn Độ, hiện là những nước nhập khẩu lớn và, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, sẽ có nhu cầu nhập khẩu dầu tăng 40% (Trung Quốc) và 55% (Ấn Độ) trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2035. Khi hai quốc gia này nhập nhiều năng lượng hơn từ Trung Đông và Châu Phi, họ sẽ càng quan tâm nhiều hơn vào những khu vực này.

Trung Quốc cũng sẽ có lợi theo một cách khác: các mối quan hệ của họ với Nga có thể cải thiện đáng kể. Trong nhiều thập niên, lịch sử và ý thức hệ đã khiến hai nước này không tìm được mục tiêu chung, bất chấp những lợi ích hiển nhiên xuất phát từ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới và nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới mà lại có chung đường biên giới dài 2.600 dặm (4.184 km). Nhưng khi ngày càng có nhiều năng lượng Bắc Mỹ xuất hiện trên thị trường, nhu cầu năng lượng ở các nước đã phát triển không thay đổi, và nhu cầu tiếp tục tăng lên tại các nước đang phát triển ở Châu Á, Nga sẽ ngày càng tìm cách chiếm được các thị trường ở phương Đông. Moscow và Bắc Kinh rất có thể sẽ xích lại gần nhau hơn trong các thỏa thuận năng lượng và các đường ống đã bị đình trệ từ lâu, và hợp tác nhiều hơn về các vấn đề năng lượng ở Trung Á. Một khi đã ký kết, những dàn xếp như vậy có thể là cơ sở cho một mối quan hệ địa chính trị sâu rộng hơn – mà trong đó Trung Quốc sẽ có ưu thế hơn.

Đối với Ấn Độ và các nền kinh tế Châu Á khác, các lợi ích cũng sẽ không chỉ đơn thuần là kinh tế. Sự gia tăng lượng dầu và khí được vận chuyển qua vùng Biển Đông sẽ tạo ra mục tiêu chung cho tất cả các quốc gia tìm cách chống hải tặc và các rủi ro khác đối với sự lưu thông tự do của các chuyến hàng năng lượng, khiến Trung Quốc có động cơ lớn hơn để hợp tác về các vấn đề an ninh. Đồng thời, các đồng minh của Mỹ ở Đông Á, như Nhật, Philippines, và Nam Hàn, sẽ có cơ hội tăng lượng nhập khẩu năng lượng trực tiếp từ Mỹ và Canada. Việc họ có thể dựa vào các đối tác Bắc Mỹ, vận chuyển dầu và LNG thông qua các tuyến đường biển ngắn hơn và trực tiếp hơn, cũng sẽ khiến các nước này an tâm hơn.

(Còn tiếp 1 kỳ)

Robert D. Blackwill là nghiên cứu viên cao cấp hàm Henry A. Kissinger về chính sách đối ngoại Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations). Meghan L. O’sullivan là giáo sư thực hành hàm Jeane Kirkpatrick về các vấn đề quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard. Bà cũng tư vấn cho các công ty năng lượng về rủi ro địa chính trị. Cả hai đều làm việc cho Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong chính quyền của tổng thống George W. Bush.

Nguồn: Robert D. Blackwill and Meghan L. O’Sullivan, America’s Energy Edge – The Geopolitical Consequences of the Shale Revolution, Foreign Affairs, March/April 2014 Issue

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bài lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 12 & 19/3/2014.)

Bài liên quan: Dầu khí đá phiến: cuộc vui sắp tàn?

3 thoughts on “Hệ quả địa chính trị của cuộc cách mạng dầu khí đá phiến (Kỳ 2)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *