Mấy năm trước rộ lên nhiều vụ cưỡng hiếp tại cơ sở chính của Đại học York, Toronto. Hồi tháng Giêng năm 2011, tại một diễn dàn ở Trường Luật Osgoode Hall của đại học này, có vài cảnh sát viên được mời nói về vấn đề phòng chống tội phạm.
Không biết trời xui đất khiến sao mà cảnh sát viên Michael Sanguinetti nói rằng phụ nữ nên tránh ăn mặc như gái điếm (slut) để khỏi trở thành nạn nhân (“… women should avoid dressing like sluts in order not to be victimized“).
Đây là một ví dụ của victim-blaming, đổ lỗi cho nạn nhân, cho rằng họ phần nào có trách nhiệm đưa đẩy tới một tội ác/hành động sai trái/chuyện bất công nào đó. Hay cụ thể trong trường hợp này là slut-shaming. (Định nghĩa của Oxford: the action or fact of stigmatizing a woman for engaging in behaviour judged to be promiscuous or sexually provocative.)
Sau đó, anh cảnh sát này đã xin lỗi và bị kỷ luật nội bộ, nhưng đã quá muộn. Tin về phát biểu động trời này gây xôn xao khắp thế giới. Và từ đó ra đời phong trào tuần hành phản kháng SlutWalk để kêu gọi ngăn chặn rape culture, nhất là đừng đổ thừa là vì nạn nhân (nữ) ăn mặc hở hang, khiêu gợi. Cuộc tuần hành đầu tiên diễn ra vào tháng 4 năm 2011 tại, tất nhiên, Toronto, rồi lan ra nhiều nơi trên toàn cầu.
Tua nhanh (fast forward) tới tháng 11 năm 2016, sau vụ lình xình “nhiệm vụ chính trị“ở Hà Tĩnh, ông bộ trưởng giáo dục đào tạo có phát biểu bá đạo không kém anh cảnh sát kia. Cái này không hẳn là kiểu slut-shaming trắng trợn, nhưng đích thị là victim-blaming.
Như các biểu ngữ trong cuộc tuần hành SlutWalk ở New York tháng 10 năm 2011 (ảnh trên) – “No one is ever asking for it” và “I’m not asking for it” – ai mà muốn vậy. Sao lại đổ lỗi cho nạn nhân / người bị hại?