Trong các cuộc bầu cử dân chủ, cử tri nói chung quan tâm nhiều tới các vấn đề đối nội hơn là đối ngoại. Nếu có để ý thì cũng rất chung chung, vì chính sách đối ngoại quá rắc rối trong khi họ lo nghĩ nhiều hơn những chuyện “cơm áo gạo tiền” trước mắt. Elizabeth N. Saunders, nhà chính trị học ở Đại học George Washington, nói rằng có rất nhiều bằng chứng cho thấy cử tri Mỹ không biết nhiều về các chi tiết cụ thể của chính sách đối ngoại. Theo bà, cử tri có khuynh hướng chọn ứng cử viên mình thích trước, rồi xem lập trường của họ là quan điểm của chính mình; đó là cách đơn giản để nhìn nhận một thế giới phức tạp.
Trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016, ở các vòng sơ bộ, gần như mọi ứng cử viên của hai đảng lớn đều phớt lờ chuyện đối ngoại, và chỉ tập trung vào các thông điệp quốc nội nhằm trước tiên kiếm đủ phiếu để được đảng của mình đề cử. Trong tình hình đó, ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton từng là ngoại trưởng nhưng cũng chưa vội tận dụng kinh nghiệm ngoại giao của mình. Bà chỉ tăng cường độ bàn về đối ngoại trong chặng nước rút và trong ba cuộc tranh luận tay đôi trực tiếp cuối cùng với Donald Trump. Ứng cử viên Đảng Cộng hòa có bàn chuyện đối ngoại cũng chỉ là những điệp khúc như xây tường dọc biên giới với Mexico, hoặc cấm cửa người Hồi giáo. Đối với Trump, chính sách đối ngoại không hẳn là vì mục đích đối ngoại, mà là cách để kéo cử tri về phía ý thức hệ của mình với khẩu hiệu “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again).
Tựu trung, sự tương phản về cương lĩnh đối ngoại giữa Clinton và Trump là sự khác biệt giữa chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa đa phương đối chọi với chủ nghĩa dân tộc và dân túy; giữa đại đồng và cô lập, coi nước Mỹ là trên hết. Thử điểm qua lập trường của hai đối thủ lớn nhất còn lại về những vấn đề đối ngoại quan trọng nhất hiện nay của nước Mỹ.
Nhập cư
Nhập cư là một trong những vấn đề phân hóa nhất của kỳ tranh cử 2016. Di dân từ Mexico và Châu Mỹ Latin xưa nay vẫn là điểm nóng trong chính trị Mỹ, nhưng trong những tháng gần đây trọng tâm đã chuyển sang luật lệ nhập cư dành cho những người di tản từ những nơi như Syria và các chế độ không ổn định khác ở Trung Đông.
Nhập cư được Trump đưa thành vấn đề đặc trưng trong chiến dịch của mình. Khi tuyên bố ra tranh cử vào năm 2015, ông nói rằng Mexico đang đưa những kẻ phạm trọng tội, như hiếp dâm, sang Mỹ. Ông cũng đề nghị trục xuất hơn 11 triệu di dân không có giấy tờ hợp pháp đang sinh sống ở Mỹ.
Sau khi bất ngờ tới Mexico vào tháng 8 năm 2016 để gặp tổng thống Enrique Peña Nieto, Trump có bài phát biểu ở Arizona, đề ra kế hoạch cải tổ nhập cư gồm 10 điểm. Bài phát biểu này lặp lại nhiều đề xuất mà ông đưa ra trong cương lĩnh chính sách năm ngoái và nhiều diễn văn khác trước đây, trong đó có lời hứa dựng bức tường dọc toàn bộ biên giới phía nam của Mỹ dài khoảng 1.600 km, tăng gấp ba số nhân viên thi hành luật lệ nhập cư và hải quan, buộc các doanh nghiệp trên toàn quốc dùng hệ thống E-Verify để xác minh xem nhân viên có được phép làm việc ở Mỹ, trục xuất tội phạm không phải công dân, cắt hỗ trợ của liên bang cho những thành phố “trú ẩn” (địa phương có chính sách hạn chế hợp tác với các cơ quan di trú liên bang), và hạn chế nhập cư hợp pháp.
Trump từng nói hoặc Mexico trả tiền xây tường dọc biên giới hoặc phải chịu một số hình phạt, ví dụ như Mỹ giữ lại hàng tỷ đô-la kiều hối “kiếm được từ tiền lương làm lậu” gởi sang Mexico, tăng phí và có thể hủy bỏ thị thực cấp do người Mexico, và tăng phí ở các cửa khẩu nhập cảnh Mỹ từ Mexico.
Trong bài phát biểu ở Arizona năm 2016, Trump lại kêu gọi chính phủ siết chặt việc sàng lọc người xin thị thực, trong đó có quy định buộc họ phải xin được “giấy chứng nhận ý thức hệ” để bảo đảm Mỹ chỉ tiếp nhận những người chia sẻ các giá trị của Mỹ và yêu nhân dân Mỹ. Trump đề xuất tạm thời cấm tất cả người Hồi giáo vào Mỹ sau vụ khủng bố ở San Bernardino, California năm 2015. Mấy tháng sau, ông hứa sẽ ngưng nhận di dân từ những vùng trên thế giới đã có lịch sử khủng bố chống lại Mỹ, Châu Âu và các đồng minh của Mỹ. Ông từng nói nếu đắc cử ông sẽ không chỉ ngăn không cho người tị nạn Syria nhập cư Mỹ, mà còn trục xuất những người hiện đã ở Mỹ.
Trump muốn chấm dứt chính sách của Mỹ cấp quốc tịch cho con sinh tại Mỹ của những di dân không có giấy tờ hợp pháp. Ông đã hoan nghênh phán quyết của Tòa án Tối cao vào tháng 6 năm 2016 giữ nguyên lệnh cấm tạm thời đối với một chương trình nhập cư mà nếu được thực hiện thì sẽ tạm thời không trục xuất và cấp thị thực làm việc cho cha mẹ không có giấy tờ hợp pháp của các công dân Mỹ và thường trú nhân ở Mỹ.
Clinton gọi cải tổ nhập cư là một vấn đề kinh tế và có tính gia đình. Bà nói sẽ đấu tranh để có luật nhập cư toàn diện để tạo ra lộ trình cấp quốc tịch trọn vẹn và bình đẳng cho hơn 11 triệu di dân không có giấy tờ hợp pháp. Bà ủng hộ và hứa sẽ mở rộng các hành động hành pháp của chính quyền Obama để hoãn trục xuất và cấp thị thực làm việc tạm thời cho gần một nửa số người không có giấy tờ hợp pháp, bất chấp phán quyết hồi tháng 6 năm 2016 của Tòa án Tối cao giữ nguyên lệnh cấm đối với một hành động hành pháp đó.
Tháng 10 năm 2015, Clinton nói Mỹ nên chấp nhận tới 65.000 người tị nạn Syria, nhiều hơn hẳn con số 10.000 do tổng thống Obama đề xuất. Mấy tuần sau, sau các vụ khủng bố ở Paris và San Bernardino, bà kêu gọi phải cảnh giác hơn trong việc sàng lọc di dân tới Mỹ, nhưng khuyến cáo không nên cấm nhập cư dựa trên quốc gia xuất xứ hoặc tôn giáo.
Khi tranh cử năm 2007, bà ủng hộ lộ trình hợp pháp hóa cho di dân không có giấy tờ hợp pháp, nhưng phản đối các tiểu bang cho phép họ lấy bằng lái xe (nay bà ủng hộ chính sách này). Khi làm thượng nghị sĩ, trong nhiều năm bà đồng bảo trợ đạo luật tạo lộ trình nhập tịch cho những di dân bất hợp pháp đã tới Mỹ khi là trẻ em. Bà cũng bỏ phiếu thuận cho một đạo luật năm 2006 về việc dựng hàng rào hai lớp dài hàng trăm cây số dọc biên giới Mỹ-Mexico.
Trung Quốc
Mỹ và Trung Quốc có quan hệ phức tạp trong mấy chục năm qua, do cả hai quốc gia phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và được xem là các siêu cường quốc ở những khu vực khác nhau trên thế giới. Mỹ thường đối đầu với Trung Quốc về các vấn đề như thương mại và chính sách đối ngoại, nhưng giới lãnh đạo Mỹ thường không trừng phạt Trung Quốc vì cách hành xử của họ vì ngại khiến cho tình hình xấu hơn. Trung Quốc cũng là một trong số ít những nước có ảnh hưởng tới một số chế độ áp bức nhất thế giới, ví dụ Bắc Triều Tiên, và cũng nắm giữ rất nhiều nợ của Mỹ.
Ngay từ diễn văn mở màn chiến dịch tranh cử vào tháng 6 năm 2015, Trump nêu đích danh Trung Quốc để đả phá, xem đó là một trong những kẻ thù hàng đầu của Mỹ. Trump cho rằng trong những năm gần đây Trung Quốc đã qua mặt Mỹ, nhất là về thương mại và chính sách kinh tế. Trump cáo buộc Trung Quốc bán phá giá hàng xuất khẩu và phá giá nhân dân tệ.
Tháng 10 năm 2015, Trump đưa ra kế hoạch cải tổ quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Trump hứa khi lên làm tổng thống sẽ chính thức định danh Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, mạnh tay xử lý nạn hacking của Trung Quốc, và dọa đánh thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Quốc nếu Trung Quốc không chịu soạn lại các hiệp định thương mại.
Ông cũng hứa giảm thuế suất doanh nghiệp Mỹ, giảm nợ quốc gia, và tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông để ngăn ngừa việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở các đảo nhân tạo tại vùng này, siết chặt luật lệ chống việc ăn cắp sở hữu trí tuệ Mỹ và chống trợ cấp xuất khẩu của Trung Quốc. Ông cho rằng những chính sách đó sẽ củng cố vị thế đàm phán của Washington với Bắc Kinh. Ông phản đối hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong hồi ký “Những lựa chọn khó khăn” năm 2014, Hillary Clinton viết rằng mối quan hệ Mỹ-Trung không thể xếp vào loại bạn hay thù. Bà đã nhận định mối bang giao Mỹ-Trung là một trong những mối quan hệ khó khăn nhất của Mỹ, nhưng cũng cho rằng hai nước chia sẻ một mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện. Bà nói chính quyền sắp tới phải tiếp tục xây dựng lòng tin và hợp tác với Trung Quốc về nhiều thách thức quốc tế, như Bắc Triều Tiên và biến đổi khí hậu, trong khi giữ cạnh tranh trong giới hạn có thể chấp nhận được.
Thời làm ngoại trưởng, Clinton là nhân vật chủ chốt trong chiến lược “xoay trục” sang Châu Á của chính quyền Obama. Chuyến công du chính thức đầu tiên của bà trong vai trò ngoại trưởng Mỹ vào năm 2009 có những điểm dừng ở Nhật, Indonesia, Hàn Quốc, và Trung Quốc với mục đích đề cao tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tháng 7 năm 2009, bà và bộ trưởng tài chính Tim Geithner khởi xướng hội nghị cấp cao hàng năm với Bắc Kinh gọi là Đối thoại Chiến lược và Kinh tế. Trong tiểu luận “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” đăng trên tạp chí Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại) năm 2011, bà vạch ra chiến lược của chính quyền Obama cho khu vực này. Bà viết, “Thách thức của chúng ta hiện nay là xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ đối tác và thể chế tại vùng Thái Bình Dương có tính lâu bền và phù hợp với các lợi ích và giá trị của Mỹ giống như mạng lưới mà chúng ta đã xây dựng tại vùng Đại Tây Dương.”
Phát biểu của bà tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Việt Nam năm 2010 đã được quốc tế rất quan tâm, nhất là do bà nhắc tới lợi ích quốc gia mà Mỹ có được từ quyền tự do hàng hải, khả năng tiếp cận không bị hạn chế với các tài nguyên biển chung của Châu Á, và việc tôn trọng luật quốc tế ở Biển Đông.
Clinton thường chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền. Khi là đệ nhất phu nhân năm 1995, bà có bài phát biểu tại một hội nghị Liên Hợp Quốc ở Bắc Kinh trong đó ngầm chỉ trích chính phủ Trung Quốc về cách đối xử phụ nữ và chính sách một con. Năm 2008, bà kêu gọi tổng thống George W. Bush tẩy chay lễ khai mạc Olympics ở Bắc Kinh, nêu lý do bạo lực chính trị ở Tây Tạng và Trung Quốc không gây áp lực buộc Sudan chấm dứt bạo lực ở Darfur.
Nga và NATO
Dưới thời tổng thống Vladimir Putin, Nga tìm cách bành trướng sức mạnh và ảnh hưởng quốc tế của mình trong những năm gần đây, thường bằng những cách tăng thêm căng thẳng với Mỹ. Giới hacker của Nga đã thâm nhập vào các mạng lưới trên toàn thế giới, trong đó có những cấp cao nhất của chính quyền Mỹ. Nga cũng đã đe dọa nhiều nước láng giềng trong những năm gần đây, hậu thuẫn phe ly khai ở miền đông Ukraine và sáp nhập Crimea năm 2014.
Clinton nói Mỹ cần phối hợp với Nga về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, nhưng hợp tác với các đồng minh để khi cần hạn chế những xâm phạm của Nga, chẳng hạn như ở Ukraine. Clinton nói Putin xem Mỹ là “đối thủ cạnh tranh” và muốn tái thiết lập phạm vi ảnh hưởng của Nga trong khu vực láng giềng trong khi phô diễn sức mạnh ở những nơi khác như Trung Đông.
Theo bà, Mỹ nên ứng phó bằng cách củng cố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nâng cao an ninh năng lượng của các nước Châu Âu, mà trong đó nhiều nước lệ thuộc vào khí đốt của Nga. Clinton muốn có nhiều biện pháp cứng rắn hơn để trừng phạt Putin vì đã xâm lược Ukraine và sáp nhập Crimea cũng như ủng hộ tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Clinton từng gọi Putin là “kẻ bắt nạt”, và gọi mối quan hệ Mỹ-Nga là phức tạp. Trong kỳ tranh cử tổng thống năm 2008, bà nói Putin “từng là một điệp vụ KGB, và theo định nghĩa ông ta không có linh hồn”. Về sau Putin phản đòn, “Tôi nghĩ tối thiểu thì một lãnh đạo chính phủ phải có đầu óc.”
Khi làm ngoại trưởng, Clinton đã nỗ lực kiến tạo nhiều hợp tác hơn giữa hai nước. Năm 2009, bà chụp hình chung với Putin trong đó hai người cùng nhấn một nút “tái khởi động” (reset) lớn màu đỏ, biểu trưng cho mong muốn hợp tác nhiều hơn với Nga. Nhưng một số người chỉ trích cách tiếp cận này đã thất bại và khuyến khích sự hiếu chiến của Nga.
Bà nói rằng chủ trương “tái khởi động” đã đạt được một số thắng lợi ban đầu, trong đó có các biện pháp trừng phạt Iran và Bắc Triều Tiên, các tuyến đường tiếp liệu ở Afghanistan, Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên Hợp Quốc ủng hộ vùng cấm bay ở Libya, và hợp tác nhiều hơn về chống khủng bố. Tuy nhiên, tới cuối nhiệm kỳ, bà viết một memo riêng cho tổng thống cảnh báo rằng quan hệ với Nga đã xấu đi, và việc “tái khởi động” quan hệ đã chấm dứt.
Donald Trump đã mớm ý tưởng một liên minh mới với Nga, cho rằng cần tái khởi động quan hệ để giảm những căng thẳng ở Syria và những nơi khác. Tổng thống Putin từng có nhiều lời khen ngợi Trump, qua đó Trump nói Putin bày tỏ thiện chí. Do cảm nhận là hai người có vẻ niềm nở với nhau, và có mối quan hệ mật thiết giữa Moscow và một số cố vấn hàng đầu của Trump, một số giới ở Mỹ suy đoán rằng nếu Trump làm tổng thống Mỹ thì sẽ rất có lợi cho Putin.
Trump đã phản bác nhận định của một số người trong Đảng Dân chủ cho rằng Nga hack vào mạng của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) và tiết lộ email để giúp Trump. Hồi tháng 7, Trump đã mời gọi Nga “khai quật” một số email của Clinton khi bà làm ngoại trưởng; phát biểu này đã khiến các nghị sĩ của cả hai đảng lo ngại. Phản ứng trước lời kêu gọi này, một cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của phe Clinton nói “đây hẳn là lần đầu tiên một ứng cử viên tổng thống quan trọng đã tích cực khuyến khích một cường quốc nước ngoài làm gián điệp chống lại đối thủ chính trị của mình.”
Trump nói rằng do Putin không tôn trọng tổng thống Obama, Nga mạnh dạn can thiệp ở Ukraine. Năm 2015, ông chỉ trích Obama không làm điều đáng làm ở Ukraine, dù ông không nói cụ thể chính sách của Mỹ nên ra sao. Tuy nhiên, ông có kêu gọi các nước Châu Âu khác hợp sức ủng hộ Ukraine.
Thảng hoặc Trump ca ngợi phong cách lãnh đạo của Putin (cho điểm A) và nói ông sẽ thích nếu được gặp Putin. Trump nói nhờ kinh nghiệm kinh doanh của mình và thường xuyên tới Moscow, ông có thể sẽ có “mối quan hệ tuyệt vời với Putin”.
Về Trung Đông, Trump cho rằng Mỹ nên để các lực lượng Nga tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Hồi tháng 10 năm 2015, ông gọi các cuộc không kích của Nga ở Syria là một điều tích cực, nhưng cũng nói rằng có thể Nga cũng sa lầy như Mỹ ở Trung Đông.
Quan hệ của Mỹ với NATO là một những vấn đề nhiều bất đồng nhất giữa hai ứng cử viên này. Đầu năm 2016, Trump nghi vấn liệu NATO, liên minh ra đời cách đây mấy chục năm để ngăn ngừa Liên Xô, vẫn còn giá trị trong môi trường an ninh hiện nay. Ngoài ra ông cho rằng Mỹ đóng góp tiền của quá nhiều cho NATO so với lợi ích hưởng được, trong khi Clinton xem NATO có vai trò thiết yếu đối với lợi ích của Mỹ ở Châu Âu. Tuy không tiếc lời chỉ trích, Trump hứa nếu làm tổng thống ông sẽ tôn trọng các cam kết hiệp ước của Mỹ trong NATO, trong đó có bảo vệ các nước Baltic tránh bị Nga xâm lấn.
ISIS và Syria
Clinton nói tổng thống Obama đã đợi quá lâu để bắt đầu vũ trang và huấn luyện cho phiến quân Syria “ôn hòa”, và sự trì hoãn đó đã góp phần dẫn tới sự trỗi dậy của ISIS và các nhóm khủng bố khác ở Trung Đông.
Khi làm ngoại trưởng, bà đứng đầu nỗ lực ngoại giao của Mỹ để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria và truất phế tổng thống Bashar al-Assad sau khi ông đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu từ năm 2011. Sau khi rời khỏi chính quyền, bà ủng hộ quyết định của tổng thống xin quốc hội Mỹ duyệt cho tiến hành không kích ở Syria để trả đũa việc Assad dùng vũ khí hóa học vào năm 2013. Bà cũng ủng hộ thỏa thuận của chính quyền Mỹ với Nga để loại trừ kho vũ khí hóa học của chế độ Assad.
Sau các vụ khủng bố của ISIS vào tháng 11 năm 2015 ở Paris và Beirut, Clinton đề xuất kế hoạch đánh bại ISIS trong đó kêu gọi Mỹ và các đồng minh tăng cường các nỗ lực quân sự và ngoại giao. Bà đưa ra chiến lược gồm ba thành tố: 1) đánh bại ISIS ở Syria, Iraq, và trên toàn Trung Đông; 2) làm gián đoạn và triệt phá cơ sở hạ tầng khủng bố ngày càng lớn mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho gầy dựng lực lượng, tài trợ, trang bị vũ khí, và tuyên truyền trên khắp thế giới; và 3) củng cố hệ thống phòng thủ của Mỹ và đồng minh chống lại các mối nguy từ bên ngoài và ngay tại nội địa.
Tháng 12 năm 2015, Clinton kêu gọi các cơ quan chính phủ Mỹ phối hợp với các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ để xóa sổ sự hiện diện trên mạng của các nhóm bạo lực cực đoan như ISIS. Bà cũng kêu gọi sàng lọc kỹ càng hơn đối với một số di dân tới Mỹ, trong đó có buộc những người từng tới một nước có những vấn đề nghiêm trọng về khủng bố và chiến binh ngoại quốc trong 5 năm trước phải bị điều tra thị thực trọn vẹn.
Clinton ủng hộ quyết định của tổng thống Obama không triển khai số lượng lớn quân Mỹ trực tiếp tham chiến để đánh bại ISIS, và nói rằng lực lượng trực tiếp tham chiến nên lấy từ chính vùng đó, nhất là người Ả Rập Sunni và người Kurd ở cả Iraq và Syria. Tuy nhiên, Clinton nói các lực lượng đặc biệt của Mỹ nên được giao quyền tự do nhiều hơn để huấn luyện các lực lượng Iraq và phiến quân Syria, và sát cánh với họ trong trận chiến nếu cần.
Bà cho rằng Mỹ và các đối tác trong liên minh nên tăng cường thu thập thông tin tình báo, tiến hành thêm các cuộc không kích, và lập vùng cấm bay trên vùng trời Syria để giúp người tị nạn có nơi trú ẩn.
Tháng 9 năm 2015, Trump nói Mỹ nên đứng ngoài đợi cho cuộc xung đột ở Syria kết thúc, để yên cho ISIS đánh bại các lực lượng của tổng thống Bashar al-Assad, rồi tự nhiên Mỹ được “ngư ông đắc lợi”. Sau các vụ khủng bố ở Paris vào tháng 11 năm 2015, ông nói ông sẽ tăng cường các cuộc tấn công quân sự nhắm vào ISIS và hạn chế khả năng của ISIS dùng Internet để chiêu mộ.
Trong một cuộc tranh luận hồi tháng 3 năm 2016, Trump dường như ám chỉ rằng nếu làm tổng thống ông sẵn sàng triển khai hàng chục quân Mỹ để trực tiếp tham chiến với ISIS. Mấy ngày sau, trong một cuộc phỏng vấn, Trump nói ông có thể quyết định để Mỹ ngừng mua dầu của Saudi Arabia nếu nước vùng Vịnh này không đóng góp binh lính cho cuộc chiến chống ISIS. Trump cũng muốn Mỹ có nỗ lực nhiều hơn để làm gián đoạn khả năng kiếm tiền từ dầu và sử dụng các kênh ngân hàng mờ ám của ISIS.
Trump ủng hộ lập các vùng an toàn cho người tị nạn tại một số nơi ở Syria. Ông nói quân đội Mỹ có thể đứng đầu các nỗ lực bảo vệ các vùng đó nhưng các nước khác, nhất là nước vùng Vịnh và Đức, nên trả chi phí cho hoạt động này.
Trong cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng cử viên vào tháng 10 năm 2016, Trump chỉ trích quân đội Mỹ và các đồng minh ở Iraq vì đã không dùng yếu tố bất ngờ để tái chiếm thành phố Mosul. Ông cũng nói rằng Mỹ không có lợi ích gì từ sứ mệnh đó, chủ yếu có lợi cho Iran, và cho rằng chính quyền Obama đã tính toán thời gian tiến hành cuộc tấn công đó để tăng lợi thế tranh cử cho Clinton.
Iran
Có lẽ không có quốc gia nào ở Trung Đông tăng ảnh hưởng nhanh như Iran, có vai trò trong những cuộc xung đột ở cả Iraq lẫn Syria. Phát biểu của giới lãnh đạo Iran đòi hủy diệt Mỹ và Israel và việc Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân trong quá khứ đã khiến nước này là kẻ thù của Mỹ trong mấy chục năm. Chính quyền Obama đã cùng với nhiều quốc gia lớn khác để đạt được một hiệp định hạt nhân với Iran nếu nước này tuân theo một số điều kiện. Hiệp định này là một vấn đề đối ngoại gây chia rẽ trong chiến dịch tranh cử.
Trump đã kịch liệt chỉ trích hiệp định hạt nhân mới đây với Iran, nói rằng Mỹ cho phép Iran tiếp cận số tiền 150 tỷ đô-la bị phong tỏa trước đây, trong khi Mỹ chẳng được nhượng bộ gì trong hiệp định này. Ông đề xuất tái đàm phán hiệp định này, dù không rõ cụ thể ông đòi hỏi gì trong hiệp định mới ra sao. Ông đã kêu gọi tăng gấp đôi và gấp ba các biện pháp trừng phạt mà Mỹ từng áp đặt với Iran để buộc họ nhượng bộ nhiều hơn.
Trong một bài phát biểu hồi tháng 3 năm 2016, Trump gọi Iran là “nước bảo trợ khủng bố lớn nhất trên thế giới”, và hứa khi lên làm tổng thống sẽ triệt phá mạng lưới khủng bố của Iran và chống lại nỗ lực hiếu chiến của Iran nhằm gây bất ổn và thống lĩnh Trung Đông. Ông không đưa ra chi tiết cụ thể cho đề xuất này.
Clinton có lập trường cứng rắn hơn Obama về Iran. Bà ủng hộ hiệp định đa phương với Iran để chấm dứt chương trình hạt nhân, nhưng nói rằng Mỹ phải bảo đảm rằng Iran tuân thủ. Clinton nói rằng nếu làm tổng thống, bà sẽ trừng phạt Iran nếu vi phạm hiệp định và đơn phương tái áp dụng các biện pháp trừng phạt khi cần. Bà nói nếu Iran tìm cách có được vũ khí hạt nhân, bà “sẽ không ngần ngại có hành động quân sự”.
Clinton nói Iran và các nhóm phiến quân đồng minh, như Hezbollah, tiếp tục gây bất ổn cho khu vực và là mối nguy sinh tồn đối với Israel. Bà nói chính quyền của bà sẽ tiếp tục duy trì tính ưu việt quân sự của Israel bằng cách cung cấp công nghệ vũ khí tân tiến nhất của Mỹ, trong đó có máy bay chiến đấu F-35 và các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Thời làm ngoại trưởng, Clinton đóng vai trò quan trọng trong việc giành được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với các biện pháp trừng phạt Iran vào năm 2010, và bà kêu gọi nhiều nước, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, ngừng mua dầu Iran. Trong hồi ký “Những lựa chọn khó khăn” năm 2014, bà viết rằng rốt cuộc các nỗ lực của Mỹ đã khiến mọi khách hàng của Iran, kể cả nước miễn cưỡng nhất, đồng ý bớt mua dầu của Iran. Giới ủng hộ Clinton cho rằng các biện pháp trừng phạt đó đã góp phần khiến Iran chịu đàm phán hiệp định hạt nhân.
Bà có mặt trong chính quyền Obama trong thời kỳ lịch sử tan băng quan hệ giữa Mỹ và Iran. Tuy nhiên, bà nói bà hối tiếc là chính quyền Obama không phản đối mạnh mẽ hơn về việc Iran đàn áp các cuộc biểu tình dân chủ gọi là Phong trào Xanh vào năm 2009.
Hồi giáo và người Hồi giáo
Các vụ khủng bố 11-9-2001 khiến nhiều người Mỹ có cách nhìn khác về các nước Ả Rập, và thay đổi cuộc sống của nhiều người Hồi giáo vô can sống ở Mỹ. Mười mấy năm sau, sự trỗi dậy của ISIS và làn sóng những người nhập cư Hồi giáo trốn chạy các cuộc xung đột ở Trung Đông càng gây thêm nhiều căng thẳng, dẫn tới những quan điểm trái ngược về việc Mỹ nên thay đổi cách tiếp cận về Hồi giáo hay hợp tác nhiều hơn với tôn giáo này.
Hồi tháng 12 năm 2015, chỉ mấy ngày sau khi một cặp vợ chồng sát hại 14 người tại một buổi tiệc ở San Bernardino, California, Trump đề xuất một lệnh cấm “toàn bộ và trọn vẹn” không cho tất cả những người Hồi giáo vào Mỹ cho tới khi chính quyền “hiểu được chuyện gì đang diễn ra”. Đề xuất này rất được lòng của nhiều cử tri trong các vòng sơ bộ của Đảng Cộng hòa, nhưng khiến Đảng Dân chủ, và nhiều nhân vật hàng đầu của Đảng Cộng hòa chỉ trích kịch liệt; họ cho rằng lệnh cấm như vậy là vi hiến và không thể thực thi được.
Trump từng nói những mối nguy từ những kẻ cực đoan Hồi giáo là quá nguy hiểm nên phải áp dụng các biện pháp mới hoàn toàn để bảo vệ đất nước. Về sau ông rút lại ý tưởng cấm hoàn toàn đó, có đề xuất linh hoạt hơn. Hồi tháng 7, phát biểu trên chương trình truyền hình “60 Phút”, ông nói một chính quyền Trump sẽ cấm người từ các nước khủng bố vào Mỹ và sẽ áp dụng biện pháp sàng lọc gắt gao đối với người Hồi giáo muốn tới Mỹ từ các nước khác; chủ đề này được ông nhắc lại trong diễn văn tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa.
Clinton nói rằng cấm người Hồi giáo vào Mỹ – thậm chí chỉ cần đề xuất như vậy – sẽ khiến các đồng minh Hồi giáo ở Trung Đông xa lánh và có hại cho các mối quan hệ của Mỹ. Bà nói đề xuất này đang được ISIS dùng để chiêu mộ những tên khủng bố mới. Bà nói để góp phần chống khủng bố và phát hiện nhanh hơn các dấu hiệu cảnh báo về thanh niên nhiễm tư tưởng cực đoan, chính phủ phải nỗ lực nhiều hơn để tạo dựng các liên minh với các lãnh tụ cộng đồng Hồi giáo ở Mỹ.
Châu Âu và Brexit
Việc Vương quốc Liên hiệp Anh bỏ phiếu chấp thuận rời khỏi Liên hiệp Châu Âu (EU) là biến chuyển bể dâu mới nhất ở Châu Âu có tác động tới mọi thứ từ kinh tế tới nhập cư. Một số vùng Châu Âu chưa hồi phục hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng tài chính, và lượng nhập cư tăng vọt từ Syria và những nơi khác đã dẫn tới nhiều phản ứng khác nhau từ nhiều nước khác nhau.
Trump lâu nay đã chỉ trích nặng nề giới lãnh đạo Châu Âu vì đã không làm nhiều hơn để chặn những kẻ khủng bố vượt qua biên giới các nước, đặc biệt phê phán Pháp và Bỉ có luật lệ khiến giới chức an ninh quốc gia khó ngăn ngừa những vụ khủng bố gần đây. Ông nói các hạn chế về quyền sở hữu súng ở các nước đó đã khiến cho những thường dân vô tội không thể tự vệ trong các vụ khủng bố.
Trump đã có một cuộc đấu khẩu kịch liệt với thủ tướng Anh lúc đó David Cameron về đề xuất của Trump cấm người Hồi giáo vào Mỹ. Ông đã hoan nghênh quyết định của cử tri Vương quốc Anh chọn rời khỏi EU. Ông cũng nói Đức và các nước khác nên đóng góp thêm tài chính cho Mỹ để được bảo vệ quân sự, bằng không sẽ mất sự hậu thuẫn của Mỹ.
Có quan điểm khác hẳn Trump, Clinton thường xuyên nói về việc hậu thuẫn các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu. Nhưng bà cũng từng nói Châu Âu nên làm nhiều hơn để theo dõi những chiến binh trở về Châu Âu từ Iraq và Syria, cho rằng những người đó là mối nguy khủng bố. Bà đã có hơn 50 chuyến công du Châu Âu khi làm ngoại trưởng, và có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo và nhà ngoại giao ở đó. Clinton khuyến cáo Vương quốc Anh không nên rời khỏi EU; chiến dịch tranh cử của bà nêu quan điểm Châu Âu cần đoàn kết và tiếng nói của Vương quốc Anh là một phần thiết yếu của EU.
Bắc Triều Tiên
Từng gọi lãnh tụ Kim Jong-un là kẻ điên cuồng, Trump nói chính phủ Mỹ nên chú ý nhiều hơn tới Bắc Triều Tiên (BTT). Ông hứa sẽ gây áp lực buộc Trung Quốc ngăn chặn BTT phát triển vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 5 năm 2016, Trump nói ông sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với Kim Jong-un, và báo chí nhà nước của BTT lập tức gọi Trump là một “chính khách khôn ngoan”.
Sau khi BTT thử nghiệm một thiết bị hạt nhân vào tháng 1 năm 2016, Trump nói Trung Quốc và BTT nên gây áp lực với Bình Nhưỡng. Ông nói Trung Quốc có “toàn quyền kiểm soát” đối với BTT và nếu Trung Quốc không chịu giải quyết vấn đề này thì Mỹ nên gây khó khăn với Trung Quốc về thương mại. Mấy tuần sau, sau khi BTT phóng một vệ tinh mà các nước phương Tây nghi là bình phong cho một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo, Trump lại kêu gọi Trung Quốc can thiệp. Năm 2000, Trump viết rằng ông sẽ đánh phủ đầu BTT nếu nước này tiếp tục theo đuổi công nghệ vũ khí hạt nhân.
Hồi tháng 3, Trump nói với tờ New York Times rằng nếu làm tổng thống ông có thể ủng hộ việc Nhật tự phát triển năng lực vũ khí hạt nhân của mình để ứng phó với mối nguy từ BTT. Ngoài ra, Trump cũng sẵn sàng rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc và Nhật nếu các đồng minh này không đóng góp thêm tài chính cho các mối quan hệ này.
Xem hiệp định gần đây với Iran như mô hình nên theo, Clinton ủng hộ dùng các biện pháp trừng phạt để cô lập BTT cho tới khi chế độ này từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Hồi tháng 1 năm 2016, sau khi BTT thử nghiệm một thiết bị hạt nhân lần thứ tư, Clinton nói Mỹ nên phối hợp với Liên Hợp Quốc để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt và kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để ngăn cản “những hành động vô trách nhiệm” của Bình Nhưỡng. Bà nói Mỹ và các đồng minh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng nên tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa của mình.
Trong thời kỳ bà làm ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 tới năm 2013, BTT bỏ ngang các cuộc đàm phán nhiều bên và vi phạm các lệnh của Liên Hợp Quốc cấm thử nghiệm tên lửa tầm xa và tiến hành các thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Clinton tiếp tục chính sách của Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ một thông cáo chung tháng 5 năm 2005 về nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình. Thông qua Liên Hợp Quốc, Mỹ đã góp phần áp đặt một kế hoạch trừng phạt đa phương đối với BTT để gây áp lực buộc BTT từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Ngoài ra, Clinton nói bà ủng hộ chiến lược xoay trục sang Châu Á của chính quyền Obama một phần vì Mỹ cần có sự hiện diện quân sự nhiều hơn ở khu vực này để chống lại mối nguy BTT.
Tổng hợp từ CFR, The Wall Street Journal, và The New York Times.
Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ
2 thoughts on “So sánh chính sách đối ngoại của Hillary Clinton và Donald Trump”