Bóng đá không chỉ là một trò chơi

Bạo động trong trận đấu giữa hai đội Al-Masry và Al-Ahly hôm 1/2/2012 tại Port Said, Ai Cập, khiến ít nhất 74 người chết và hơn 1.000 người bị thương. Đây không phải là thảm họa bóng đá đầu tiên, và cũng không phải lần đầu bóng đá gắn với chính trị. Nhiều người nghi ngờ có âm mưu chính trị đằng sau sự kiện thảm khốc này. Theo ESPN Soccernet, Hanan Zeini, quan chức của đội Al-Ahly, cho rằng có bàn tay dàn xếp, chứ không phải tự phát. Đảng Ái hữu Hồi giáo (Muslim Brotherhood), đảng phái lớn nhất sau cuộc bầu cử gần đây, cáo buộc phe ủng hộ cựu tổng thống Hosni Mubarak gây ra bạo động, và quân đội trả đũa người dân đã nổi dậy làm cách mạng năm ngoái. Albadry Farghali, nghị sĩ đại diện cho thành phố Port Said, nói rằng lực lượng an ninh đã gây ra hoặc để mặc cho biến cố này xảy ra. Trên tờ Foreign Policy, tác giả James M. Dorsey bình luận rằng thảm họa này có nguy cơ phá vỡ thành quả cách mạng ở Ai Cập.

Nhân đây, mình đăng lại bài cũ về quan hệ giữa bóng đá và chính trị, viết trước thềm World Cup 2002.

[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=PBvt9tUeauU]

Bóng đá không chỉ là một trò chơi

Phạm Vũ Lửa Hạ

alahlyviolenceSo với bất kỳ môn thể thao khác – hay đúng hơn là so với gần như bất kỳ hiện tượng văn hóa nào khác – bóng đá khác biệt ở chỗ nó rất dễ bị ảnh hưởng của chính trị.  Cả những nhà độc tài lẫn những nhà cách mạng đều đã biết sử dụng môn thể thao này cho mục đích của mình.  Nước mạnh dùng bóng đá để khuếch trương thanh thế của mình (tất nhiên phải trừ Mỹ); nước yếu coi bóng đá là cách để có tiếng nói trên trường quốc tế.  Bóng đá có thể đưa người này lên ghế tổng thống, nhưng cũng có thể phế truất người khác.  Bóng đá giúp định hình cách người dân nhận định, dù tốt dù xấu, về đất nước của mình.  Khi bất ngờ bị thất cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 1970, thủ tướng Anh Harold Wilson đổ lỗi một phần cho thất bại bất ngờ của đội tuyển Anh ở World Cup năm đó. 

Hàng tỉ, hàng tỉ người sẽ theo dõi World Cup sắp diễn ra ở Hàn-Nhật.  Sự làn tràn của đĩa vệ tinh đã giúp đưa những đội bóng xuất sắc nhất đến những nơi xa xôi nhất.  Người dân ở Thẩm Dương hay Khartoum cuồng nhiệt ủng hộ Manchester United, dù chẳng hề biết Manchester là một thành phố ở Anh.  Một ngôi đền Phật giáo ở Bangkok hãnh diện trưng bày một bức tượng của ngôi sao MU David Beckham.  Và Osama bin Laden, nếu còn sống, chắc hẳn hắn cũng sẽ nằm trong số hàng tỉ người dán mắt vào TV, bởi hắn cũng là một ủng hộ viên nhiệt thành của bóng đá (và đội Arsenal).

Các lãnh tụ ở mọi nơi đều biết cách gắn mình với bóng đá.  Năm 1986, Silvio Berlusconi, trùm tư bản truyền thông của Ý, mua lại câu lạc bộ mình yêu thích là AC Milan, lúc đó vẫn đang vật lộn để khắc phục những hậu quả của một vụ xì căng đan hối lộ năm 1979.  Đến năm 1989, AC Milan trở thành một câu lạc bộ giàu, có tổ chức và là vô địch châu Âu.  Sau đó, Berlusconi thành lập chính đảng Forza Italia (được đặt tên theo một bài hát bóng đá), gọi các ứng cử viên của mình là Azzurri (“đội quân Thiên thanh”, tên thân mật của đội tuyển quốc gia), và năm 1994 được bầu làm thủ tướng.  Jorg Haider, chính khách cực hữu của Áo, đã đánh bóng hình ảnh của mình như là một người bình thường bằng cách làm chủ tịch câu lạc bộ bóng đá FC Karnten.  Trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng rồi, người dân thành phố Hartlepool (lần đầu tiên được cơ hội bầu cử thị trưởng) đã bác bỏ ứng cử viên của đảng Lao động đang cầm quyền, và bầu cho một nhân vật được xem là biểu tượng của đội bóng địa phương.

Nhưng có lẽ nơi thể hiện rõ nhất mối tương tác giữa bóng đá và chính trị hiện nay là Achentina.  Tháng 12 năm rồi, đồng peso Achentina bị buộc phải phá giá.  Tầng lớp trung lưu của quốc gia này đột nhiên bị đẩy xuống thế giới thứ ba, bốn tổng thống rút lui trong vòng hai tuần, và các cuộc biểu tình bùng nổ chống lại các chính khách, ngân hàng và Quỹ tiền tệ quốc tế.  Một mốt mới nhanh chóng hình thành: những người biểu tình mặc áo thun xanh sọc trắng nổi tiếng của đội tuyển quốc gia với dòng chữ Basta! (Ngán lắm rồi!) in trên lưng.  Dấu hiệu cuối cùng của niềm tự hào Achentina – đội tuyển bóng đá quốc gia – được dùng để hạ nhục một định chế tài chính quốc tế.  Nhiều người Achentina cho rằng chẳng bao lâu nữa Achentina sẽ có một vị “tổng thống bóng đá”.

Nếu hiện nay đội tuyển quốc gia được dùng làm công cụ thể hiện sự bất đồng quan điểm, thì hồi năm 1978, khi Achentina giành chức vô địch World Cup, những vị tướng cầm quyền đã thổi thêm một làn gió vào tâm trạng ngất ngây của người dân để công chúng không chú ý đến việc tra tấn và “những trường hợp mất tích” của hàng ngàn “kẻ chống đối chế độ”.  Vào đêm diễn ra trận chung kết 1978, Graciela Daleo, lúc đó là một tù chính trị, được cai ngục của mình đưa lên xe chở chạy quanh thủ đô Buenos Aires đang ăn mừng chiến thắng.  Lúc nhô đầu ra khỏi nóc xe, cô chợt hiểu rằng nếu lúc đó cô có hét lên: “Cứu tôi với! Tôi đã bị mất tích!” thì chắc chẳng có ai nghe hay quan tâm.

Trong khi nhiều người ở Achentina nghĩ rằng cuộc khủng hoảng kinh tế của nuớc mình không thể khắc phục được, các cầu thủ Achentina tin rằng chiến thắng ở kỳ World Cup này sẽ một lần nữa hồi sinh đất nước.  Trong những năm gần đây, khi vào sân họ thường mang theo biểu ngữ ủng hộ cho giáo viên, hay nhân viên của hãng hàng không Aerolineas Argentinas, hay những người khốn khó.  Tiền vệ Javier Zanetti đã lập một trung tâm dành cho trẻ em nghèo đói.  Còn tiền đạo Claudio López (biệt danh “Con rận”) phát biểu: “Chúng tôi muốn giành World Cup cho nhân dân.  Tôi thề là màu cờ sắc áo sẽ là ưu tiên số một, sau đó mới đến các cầu thủ, bởi vì nhiệm vụ của đội tuyển là mang lại niềm vui cho người dân, không có gì khác hơn thế”.

Khác với hầu hết những nhà cầm quyền xưa nay, Đức Quốc xã chưa bao giờ biết tận dụng bóng đá, bởi luôn lúng túng trước tính bất ngờ của môn này.  Sau khi Đức thua Thụy Sĩ 1-2 vào đúng ngày sinh nhật của Hitler năm 1941, bộ trưởng tuyên truyền Goebbels ra lệnh rằng: “không có sự kiện thể thao nào được tổ chức khi kết quả không biết chắc”.  Năm 1942, khi Đức thua Thụy Điển trên sân nhà, Goebbels nhận xét: “Một trăm ngàn người rời sân vận động trong tâm trạng buồn chán; và bởi vì đối với người dân, chiến thắng trong trận đấu bóng đá này có ý nghĩa hơn việc chinh phục một thành phố ở phía Đông, những sự kiện như thế cần bị cấm vì lợi ích của tinh thần quốc gia”.  Hai tháng sau, Đức Quốc xã ngừng thi đấu quốc tế.

Nhưng quả bóng không thuộc về giới cai trị.  Bóng đá có thể được quần chúng dùng để phản đối nhà cầm quyền, đặc biệt ở những nơi người dân không có cách nào khác để bày tỏ quan điểm.  Trong một trận đấu ở Tripoli, Libya, vào ngày 9/7/1996, trọng tài thiên vị tặng quả phạt đền cho đội mà những cậu ấm của lãnh tụ Qaddafi ủng hộ. Sau khi quả phạt đáng tranh cãi này được chuyển thành bàn thắng, bạo loạn nổ ra.  Khán giả hô vang những khẩu hiệu chống Qaddafi, lúc ấy những cậu ấm của Qaddafi và cận vệ rút súng bắn, rồi khán giả tán loạn đổ ra đường phố tiếp tục bày tỏ sự chống đối chính quyền.  Chính phủ sau đó công nhận là có 8 người chết, trong khi những người khác cho rằng con số lên đến 50.

Người mang lại dư vị đắng cho bóng đá Libya là Al Saadi, quý tử mê bóng đá của đại tá Qaddafi.  Năm nay, Al Saadi đã thuyết phục cha mình mua một phần hùn trong câu lạc bộ Juventus của thành Turin, Ý.  Cậu ấm này không chỉ hỗ trợ và cung cấp tài chính cho đội bóng Al Ahli ở Libya, mà còn thường xuyên chơi cho đội này nữa.  Như vậy có nghĩa là nơi duy nhất ở Libya mà hàng chục ngàn người có thể tập hợp để phản đối một biểu tượng của chế độ là sân vận động tổ chức những trận đấu của đội Al Ahli.  Khi một chú lừa mang áo số 10 được quẳng ra sân đấu  trong một trận của mùa bóng vừa rồi, ai cũng hiểu rằng nó đại diện cho cậu ấm Al Saadi.

Ở Iran, bóng đá có lẽ có ý nghĩa càng quan trọng hơn.  Đất nước này mấy năm gần đây bị cuốn vào “cuộc cách mạng bóng đá” bắt đầu từ năm 1997 khi đội Iran đánh bại đội Úc để lọt vào World Cup 1998.  Lúc đó, hàng ngàn phụ nữ tràn vào sân vận động để cùng ăn mừng, có những cô tháo bỏ mạng che mặt, và ở những bữa tiệc trên đường phố diễn ra khắp nước, nam nữ nhảy múa và hôn nhau, coi thường lời khuyến cáo của chính phủ và những điều cấm kỵ của tôn giáo.

Mùa thu năm rồi, khi Iran tràn trề hy vọng vượt qua vòng loại World Cup, những bữa tiệc trên đường phố lại diễn ra. Ban đầu người hâm mộ dường như chỉ muốn biểu lộ niềm tự hào quốc gia, nhưng ở một số thành phố, tâm trạng họ đã thay đổi.  Người hâm mộ tấn công các ngân hàng quốc doanh và những tòa nhà công cộng khác. Họ hò hét: “Khai tử các mullah (lãnh tụ Hồi giáo)!”.  Thậm chí họ còn hô hào ủng hộ chế độ quân chủ bị lưu đày.  Trong nhiều đêm liền, hàng trăm, có lẽ hàng ngàn người bị bắt.

Khi đó, Iran chỉ cần thắng đội tuyển của đất nước tí hon Bahrain là đủ điểm lọt vào vòng chung kết.  Nếu thắng, Iran sẽ có mấy tuần lễ tiệc tùng ngoài đường phố và biểu tình.  Vì thế, khi Iran thua Bahrain 1-3, ở thủ đô Tehran có nhiều lời đồn đại rằng các mullah đã gây áp lực buộc các cầu thủ phải thua; nếu quả vậy, đây có lẽ là trường hợp duy nhất mà một chế độ muốn đội tuyển quốc gia của mình thua.  Chẳng ai biết thực hư ra sao, nhưng các tiền đạo Iran dường như không muốn ghi bàn đến nỗi có lúc bình luận viên truyền hình Iran thốt lên: “Sao chẳng ai sút quả bóng đó nhỉ?”.

Đội tuyển quốc gia thường được xem là hình ảnh quốc gia bằng xương bằng thịt.  Khi người dân tranh cãi đội tuyển nên chơi theo phong cách nào – và ở nhiều quốc gia, cuộc tranh cãi diễn ra triền miên chẳng bao giờ chấm dứt – cũng thường là lúc họ tranh cãi về nên định hình đất nước mình như thế nào.  Liệu Braxin nên tiếp tục lối chơi phóng khoáng truyền thống và bất chấp những quy luật cứng nhắc, hay nên áp dụng phong cách “máy móc” của châu Âu.  Ở Anh, trong 10 năm qua, thật kỳ lạ là cuộc tranh luận bóng đá gần như phản ánh cuộc tranh luận chính trị.  Trong khi các chính khách cãi nhau về việc có nên từ bỏ đồng bảng Anh và áp dụng đồng euro, trong bóng đá người ta cãi nhau về chuyện từ bỏ lối chơi “cơ bắp” truyền thống và áp dụng phong cách châu Âu mang tính chất “trí óc” nhiều hơn.

Cuộc tranh luận về đồng euro vẫn còn tiếp diễn.  Nhưng trong bóng đá, truyền thống Anh đã nhường bước.  Biểu tượng cuối cùng của truyền thống này, cầu thủ vĩ đại của thập niên 1970 Kevin Keegan, đã từ chức huấn luyện viên đội tuyển quốc gia sau thất bại trên sân nhà trước đội Đức vào tháng 10 / 2000.  Thay thế ông là một người Thụy Điển trông có vẻ cần mẫn.  Sven Goran Eriksson đã khiến đội Anh chơi một lối bóng đá đầy tư duy mà đỉnh cao là trận đè bẹp Đức 5-1 ở Munich hồi tháng 9 năm 2001.

Nếu Eriksson chiến thắng trở về từ World Cup và trở thành anh hùng, ông có thể giúp tăng cơ may cho lá phiếu “đồng ý” trong cuộc trưng cầu ý dân về đồng euro.  Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng nên nhớ rằng khi đội Anh chơi một trận World Cup quan trọng, phân nửa dân Anh theo dõi qua TV, trong khi chỉ có một số ít nhà kinh tế thậm chí giả vờ hiểu rõ các tính chất chuyên môn của đồng euro.  Đối với hầu hết mọi người, câu hỏi liệu có nên gia nhập đồng euro hay không chung quy rút gọn lại thành những cảm nhận cá nhân về khái niệm “châu Âu” đầy mơ hồ.

Dù có thể có nhiều công dụng khác ngoài thể thao thuần túy, bóng đá vẫn giữ được vẻ đẹp của nó.  World Cup vẫn là ngày hội của các dân tộc: đó là nơi duy nhất mà người Thụy Điển, người Nga, người Tunisia và người Ecuador sẽ ôm nhau, hôn nhau và đổi áo cho nhau trên một mảnh đất trung lập.  Nếu tiền đạo Clint Mathis của đội Mỹ ghi được một bàn tuyệt đẹp, thì ngay cả người Iran, Iraq hay Libya cũng ngây ngất vì … sướng.

Trích từ tập sách Một góc nhìn kinh tế toàn cầu” (trang 301-307), NXB Trẻ 2005. Bài gốc đăng trên Kiến Thức Ngày Nay, ngày 10/6/2002.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *